Chính sách thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường EU - 2


Tiếp cận từ góc độ chính sách cho thấy, mặc dù trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều thành công về chính sách trong xuất khẩu sang EU. Những thành công này được thể hiện ở 5 điểm: (1) Chính sách thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU ngày càng hoàn thiện; (2) Các biện pháp thuế quan được điều chỉnh từng bước, đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế và phù hợp với chuẩn mức quốc tế; (3) Các biện pháp phi thuế ngày càng minh bạch và tiến tới phù hợp quy định của WTO; (4) Khả năng xúc tiến xuất khẩu tại EU đã có chuyển biến tích cực;

(5) Công tác tổ chức và điều hành xuất khẩu hàng hóa của Chính phủ và các bộ liên quan vào EU đã có sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả hơn. Thế nhưng, cũng vẫn còn tồn tại về chính sách thể hiện ở việc Nhà nước chưa có chính sách rõ rệt trong việc khuyến khích xuất khẩu thương hiệu quốc gia, thủ tục xuất khẩu rườm rà, nhập khẩu nguyên liệu mất nhiều thời gian, xuất khẩu mất nhiều chi phí, đặc biệt chi phí logictics còn cao...

Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng nông sản nói riêng. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được những cơ hội này đòi hỏi hàng nông sản của Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cạnh tranh quốc tế và vượt qua được những rào cản phi thuế quan khác mà các nước thành viên EU đặt ra. Điều này đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ từ các chính sách của Chính phủ, của địa phương cũng như sự nỗ lực của các doanh nghiệp và người nông dân trong chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu của nước ta.

Xuất phát từ thực tế trên, học viên đã lựa chọn đề tài: “Chính sách thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường EU” làm đề tài luận văn thạc sỹ chuyên ngành Quản lý kinh tế.

2. Tổng quan các nghiên cứu liên quan đến đề tài

Những nghiên cứu liên quan đến đề tài có thể phân chia thành nghiên cứu về xuất khẩu nông sản và nghiên cứu liên quan đến chính sách xuất khẩu nông sản

2.1 Những nghiên cứu về xuất khẩu nông sản

Nguyễn Thị Chi (2015), Phát triển xuất khẩu một số nông sản chủ lực trong


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam Luận án tiến sỹ. Nghiên cứu sử dụng công cụ phân tích: Chỉ số chuyên môn hoá xuất khẩu, Chỉ số cường độ thương mại…để chỉ ra triển vọng về thị trường, xu hướng chuyển dịch luồng thương mại và khả năng phát triển xuất khẩu một số nông sản chủ lực của Việt Nam trong thời gian qua, và cho thấy khả năng phát triển xuất khẩu một số nông sản chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới là còn rất tiềm năng. Bên cạnh đó, phân tích thực trạng các điều kiện về nhân lực, về cơ sở hạ tầng thương mại, cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ, tạo dựng mối liên kết trong phát triển xuất khẩu nông sản để luận giải về nguyên nhân yếu kém trong phát triển xuất khẩu nông sản Việt Nam. Nghiên cứu cũng đưa ra được các quan điểm, định hướng phát triển xuất khẩu một số nông sản chủ lực trong xu thế mới về CNH, HĐH và đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể nhằm phát triển xuất khẩu một số nông sản chủ lực thời kỳ đến năm 2020.

Nguyễn Sinh Cúc (2006), Sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam: Thực trạng và dự báo đến năm 2010, Tạp chí Phát triển kinh tế, số tháng 10/2006. Nghiên cứu dựa trên các số liệu thống kê về sản xuất và xuất khẩu gạo để phân tích thực trạng xuất khẩu lúa gạo và các chính sách tác động đến xuất khẩu lúa gạo, từ đó dự báo các rủi ro mà doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ phải đối mặt và đề xuất các giải pháp cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giúp doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu tổn thất.

Chính sách thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường EU - 2

Đỗ Thu Hằng (2017) “Phát triển thị trường xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh hiện nay” LATS. Luận án đã chỉ ra nội dung của phát triển thị trường xuất khẩu hàng nông sản là sự phối kết hợp giữa các biện pháp được các doanh nghiệp sử dụng và các chính sách được nhà nước áp dụng nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu; Xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá hoạt động phát triển thị trường theo phương hướng chiều rộng và chiều sâu. Đi sâu phân tích thực trạng thị trường xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam giai đoạn 2008-2014 dựa trên bộ tiêu chí đánh giá này. Kết hợp phân tích thực trạng cũng như cơ hội và thách thức mới do bối cảnh quốc tế và trong nước đem lại đối với hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải


pháp cơ bản đối với Nhà nước và doanh nghiệp nhằm tiếp tục phát triển hoạt động này trong giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030

Nguyễn Minh Sơn (2011), Các giải pháp kinh tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. LATS. Tác giả nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề Kinh tế cơ bản về xuất khẩu nông sản, sự cần thiết phải đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Phân tích và đánh giá một số cơ chế, chính sách kinh tế phát triển xuất khẩu nông sản, những tác động của cơ chế này đến sản xuất, xuất khẩu nông sản thời gian qua; tập trung đánh giá qua một số mặt hàng nông sản xuất khẩu như gạo, cà phê, cao su và hạt điều. Kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, các tác giả đã đề xuất các quan điểm và kiến nghị các giải pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Lê Văn Thanh (2002), Xuất khẩu nông sản trong chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế quốc gia và thế giới, tác giả đã chỉ ra các tác động của chính sách đẩy mạnh xuất khẩu Việt Nam đối với xuất khẩu nông sản, từ đó chỉ ra những vấn đề khó khăn, thách thức khiến chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chưa thực sự thành công. Các nội dung chủ yếu được bàn thảo sâu về vấn đề cạnh tranh và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của từng loại nông sản, tuy vậy những nghiên cứu về thị trường xuất khẩu nông sản, giá cả nông sản chưa được thể hiện đậm nét.

2.2 Những nghiên cứu về chính sách xuất khẩu nông sản

Nguyễn Thị Thuý Hồng (2014) “Chính sách thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào thị trường EU trong điều kiện tham gia vào WTO”, LATS. Nghiên cứu đề cập đến chính sách thương mại quốc tế nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá nói chung và hàng nông sản nói riêng của Việt Nam vào thị trường EU. Tác giả tập trung vào ba chính sách cơ bản là Chính sách mặt hàng, chính sách thị trường và chính sách hỗ trợ đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU trong đó có hai nhóm thuỷ sản và nông sản trong giai đoạn 2007-2014.


Nguyễn Văn Hùng (2013), “Chính sách tiêu thụ nông sản Việt Nam trong quá trình thực hiện các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới”, LATS. Tác giả đề cập tới chính sách tiêu thụ nông sản trong quá trình thực hiện các cam kết với WTO. Sự can thiệp của Nhà nước nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, đưa nông sản thâm nhập vào thị trường toàn cầu, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản. Kết quả cho thấy, hầu hết các chính sách Nhà nước tác động vào thị trường nông sản là hợp lý và sát với những biến động của thị trường, dựa trên bảo vệ lợi ích của đất nước, các chủ thể kinh tế VN nhưng cũng đảm bảo các cam kết với WTO, không vi phạm các quy định của tổ chức này. Tuy nhiên, các chính sách còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp với những biến động của thị trường, xuất khẩu chủ yếu sản phẩm thô, giá cả chưa đem lại lợi ích tối ưu, công tác xúc tiến thương mại chưa khai thác được tối đa lợi thế của nông sản. Để chính sách tiêu thụ nông sản thực sự đem lại hiệu quả cao trong thời gian tới, cần bổ sung và điều chỉnh tổng thể các chính sách bộ phận như: chính sách giá cả, sản lượng nông sản; chính sách xúc tiến thương mại nông sản; chính sách bảo quản, chế biến nông sản để gia tăng giá trị cho nông sản, chính sách kết hợp sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Trịnh Thị Ái Hoa (2007), Chính sách xuất khẩu nông sản Việt Nam: Lý luận và thực tiễn. Trong nghiên cứu này, tác giả phân tích tác động của chính sách đến xuất khẩu nông sản Việt Nam, từ đó chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của chính sách xuất khẩu nông sản Việt Nam trên cả bình diện lý luận và thực tiễn.

Từ Thanh Thuỷ (2003), “Hoàn thiện chính sách ngoại thương Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập với khu vực và thế giới, LATS. Nghiên cứu này cũng xem xét vấn đề thúc đẩy xuất khẩu tập trung vào một số khu vực và dưới góc độ chính sách ngoại thương. Tuy nhiên, tác giả chưa hệ thống hoá các nội dung liên quan của chính sách thương mại quốc tế Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU trong bối cảnh thực thi hiệp định EVFTA.


4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các vấn đề lý luận và thực tiễn về chính sách thúc đẩy xuất khẩu.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài:

- Về nội dung: chính sách thúc đẩy xuất khẩu là một phạm vi rất rộng gồm nhiều loại chính sách khác nhau tác động đến chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản của một quốc gia. Trong nghiên cứu này, học viên tập trung vào 2 nhóm là nhóm chính sách tác động tới sản xuất nông sản xuất khẩu và nhóm chính sách tác động tới tiêu thụ nông sản.. Ngoài ra, theo chu trình chính sách sẽ bao gồm hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách. Trong phạm vi của luận văn, học viên tập trung vào công tác hoạch định chính sách.

- Về không gian: đề tài nghiên cứu chính sách chung của Việt Nam nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu sang sang EU nói riêng.

- Về thời gian: đề tài nghiên cứu chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU chủ yếu trong khoảng thời gian 2016 - 2020, các giải pháp đề xuất cho giai đoạn 2021 - 2030.

5. Phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp thu thập dữ liệu

Tác giả thực hiện khảo cứu các các tài liệu trong và ngoài nước có liên quan đến nội dung đề tài. Dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn: các dữ liệu phản ánh thực trạng sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU được lấy từ Tổng cục Thống kê; Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Tổng cục Hải quan. Các số liệu xuất nhập khẩu được lấy từ nguồn dữ liệu xuất nhập khẩu UNComtrade.

Các dữ liệu khác liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài như chính sách phát triển nông nghiệp, giá trị xuất khẩu nông sản sang thị trường EU,… được thu thập từ các trang web Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ kế hoạch và đầu tư; Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Diễn đàn Kinh tế thế giới, các nguồn khác như Hiệp hội chè, cà phê, rau quả, các đề tài khoa học, bài báo khoa học… có liên quan.


5.2. Phương pháp phân tích dữ liệu

Luận văn sử dụng các phương pháp phân tích dữ liệu cơ bản gồm: thống kê, mô tả, phân tích tổng hợp,… Trong đó tập trung vào phân tích, đánh giá các nội dung liên quan đến các quan điểm, chiến lược, quy hoạch, khung chính sách trong việc tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung và thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang EU nói riêng.

Phương pháp so sánh, đối chiếu được sử dụng để đánh giá sự thay đổi của xuất khẩu nông sản dưới tác động của các chính sách của chính phủ.

6. Kết cấu luận văn

Ngoài Lời mở đầu và Kết Luận, Luận văn được kết cấu gồm 3 chương, cụ thể như sau: Chương 1: Một số lý luận cơ bản về chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Chương 2: Thực trạng chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU giai đoạn 2016 – 2020.

Chương 3: Một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU giai đoạn 2021 – 2030.


CHƯƠNG 1

MỘT SỐ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU NÔNG SẢN‌

1.1. Khái quát về xuất khẩu nông sản

1.1.1. Hàng nông sản

a. Khái niệm

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng nông sản bao gồm một phạm vi khá rộng các loại hàng hóa có nguồn gốc từ hoạt động nông nghiệp nhưng không bao gồm các sản phẩm thuộc lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp và diêm ngư nghiệp.

Theo quan điểm của FAO, nông sản hay sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp là bất kỳ sản phẩm hoặc mặt hàng nào ở dạng thô hoặc đã qua chế biến được đem bán để phục vụ cho tiêu dùng của con người (ngoại trừ nước, muối và các chất phụ gia) hoặc để làm thức ăn cho gia súc.

Dựa trên quan điểm của FAO, EU đưa ra một danh sách khá chi tiết các mặt hàng được xếp vào nhóm nông sản. Có thể chia mặt hàng này thành 2 nhóm chính sau:

+ Nhóm 1: Động vật và các sản phẩm có nguồn gốc động vật bao gồm 6 mặt hàng sau: Động vật sống, thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau khi giết mổ; các chế phẩm từ thịt; sản phẩm từ sữa; các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật; mỡ, dầu động vật.

+ Nhóm 2: Thực vật và các sản phẩm có nguồn gốc bao gồm 14 mặt hàng sau: Cây sống và các loại cây trồng khác, rau, thân, củ và quả có thể ăn được; hạt và quả có dầu; cây công nghiệp nguyên liệu, cây dược liệu, các chế phẩm từ rau, hoa quả, quả hạch và thực vật, cà phê, chè, phụ gia và các loại gia vị, ca cao và chế phẩm từ ca cao, ngũ cốc, các xay xát, các chế phẩm từ ngũ cốc, bột, tinh bột, cánh kiến đỏ, gôm, nhựa cây và các chất nhựa, đường và các loại kẹo đường, đồ uống, rượu và giấm, thuốc lá và các sản phẩm tương tự, mỡ, dầu thực vật.

Tại Việt Nam, nông nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Theo cách hiểu này


thì nông sản bao gồm sản phẩm thu được từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và ngư nghiệp, các ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản được gộp vào lĩnh vực công nghiệp.

Do phạm vi nghiên cứu của đề tài là nghiên cứu nông sản xuất khẩu sang EU nên tác giả sử dụng cách tiếp cận của EU về hàng nông sản.

b. Phân loại hàng nông sản

Xét về hình thái, sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng nhưng nông sản có thể chia thành 2 nhóm chính là: sản phẩm cây trồng và sản phẩm vật nuôi.

Nếu xét về mục đích sử dụng thì nông sản có thể chia thành 3 nhóm: làm giống, làm thực phẩm và làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp. Nông sản có nhiều hình thái và cách thức sử dụng khác nhau như dạng hạt, dạng thân lá, dạng hoa quả, dạng củ; có loại sử dụng khô, có loại sử dụng tươi; có loại không qua chế biến, có loại phải qua chế biến. Mỗi loại nông sản khác nhau có những đặc điểm khác nhau. Sự đa dạng của nông sản cũng tạo ra sự đa dạng các loại hình giao dịch nông sản.

c. Đặc điểm của hàng nông sản

Hàng nông sản là sản phẩm của ngành nông nghiệp, mà bản chất là kết quả của quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Do vậy, hàng nông sản mang một số đặc điểm của hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Tính thời vụ

Quá trình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản luôn mang tính thời vụ bởi các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển theo quy luật sinh vật nhất định. Mặt khác, do sự biến thiên về điều kiện thời tiết - khí hậu làm cho mỗi loại cây trồng có sự thích ứng riêng, tạo nên những mùa vụ khác nhau trong sản xuất. Vào khoảng thời gian chính vụ, nông sản thường dồi dào, phong phú về chủng loại, chất lượng khá đồng đều và giá bán rẻ. Ngược lại, khi trái vụ thì nông sản khan hiếm, chất lượng không đồng đều và giá bán thường cao.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/02/2023