thể chế độ tài sản của vợ chồng qua các thời kỳ cũng như đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hiện hành nên chưa tập trung nghiên cứu, phân tích cụ thể về các vấn đề liên quan đến việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Ngoài ra, còn phải kể đến một số công trình nghiên cứu của các tác giả như: Luận văn thạc sĩ Luật học của Nguyễn Hồng Hải, trường Đại học Luật Hà Nội (2003) với đề tài “Xác định tài sản của vợ chồng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”; Tác giả Lê Thị Hà với luận văn Thạc sỹ “Quan hệ tài sản giữa các thành viên trong gia đình theo Luật HN&GĐ năm 2000”; Khóa luận tốt nghiệp của tác giả Đỗ Thị Thanh Huệ với đề tài “Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”; Khóa luận tốt nghiệp của Tô Quang Đô, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh với đề tài “Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, Quy định pháp luật và thực tiễn”, Luận văn cao học của Phạm Thị Tươi, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội với đề tài “Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tuy nhiên các đề tài này chủ yếu nghiên cứu một vài khía cạnh của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Hiện nay chưa có một đề tài nào nghiên cứu đầy đủ về vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, đặc biệt là chưa tập trung nghiên cứu một số điểm bất cập của thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện tại văn phòng công chứng.
Bên cạnh đó còn có một số giáo trình có đề cập đến việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình của trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2007; Tập bài giảng Luật Hôn nhân và gia đình, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình của Đại học Huế, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2003. Một số sách chuyên sâu như: Một số
vấn đề lý luận và thực tiễn về Luật HN&GĐ năm 2000 của hai tác giả Nguyễn Văn Cừ và Ngô Thị Hường, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002; Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam của Tiến sĩ Nguyễn Văn Cừ, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2008; Bình luận khoa học Luật hôn nhân và gia đình của tác giả Nguyễn Ngọc Điện, Nxb Trẻ, 2002, và còn có một số sách và giáo trình khác nhưng chưa có công trình nào đi sâu phân tích các vụ việc thực tế về việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Một số bài báo, tạp chí nghiên cứu về vấn đề này như: “Chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại” của tác giả Nguyễn Văn Cừ trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2003, và Tạp chí Tòa án nhân dân số 9 năm 2000, tr.18-21; “Bàn thêm về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành” của tác giả Nguyễn Hồng Hải đăng trên Tạp chí Luật học số 5/2003; bài viết “Hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân” của tác giả Nguyễn Phương Lan, Tạp chí Luật học số 6/2002; ngoài ra còn có nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo điện tử như http://vnexpress.net, http://moj.gov.vn; http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com; …
Nhìn chung tất cả các công trình nghiên cứu từ trước đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ các nội dung liên quan đến việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, chưa có công trình nào đưa ra những bất cập hướng hoàn thiện trong việc công chứng văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Vì vậy, đề tài của luận văn là hoàn toàn không trùng lập nội dung so với các công trình nghiên cứu trước đây.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
* Mục đích nghiên cứu
Đề tài luận văn nghiên cứu một số vấn đề lý luận và các quy định của
pháp luật thực định về việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tìm hiểu thực tiễn áp dụng pháp luật về vấn đề này và ảnh hưởng của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đến việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản chung giữa vợ và chồng trong hoạt động xét xử của Tòa án và các thỏa thuận tại văn phòng công chứng. Qua đó phát hiện những quy định còn bất cập, chưa cụ thể, những vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật và trong hoạt động thực tiễn, trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này trong điều kiện hiện nay.
* Nhiệm vụ nghiên cứu
Có thể bạn quan tâm!
- Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật Việt Nam - 1
- Nguyên Tắc Chia Tài Sản Chung Của Vợ Chồng Trong Thời Kỳ Hôn Nhân
- Không Làm Chấm Dứt Quan Hệ Hôn Nhân Trước Pháp Luật
- Pháp Luật Dân Sự Và Thương Mại Thái Lan
Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
- Nghiên cứu các quy định của pháp luật thực định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, bao gồm quyền yêu cầu chia, lý do, những trường hợp chia và hậu quả pháp lý của việc tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
- Tìm hiểu thực tiễn áp dụng pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thông qua hoạt động xét xử của Tòa án và hoạt động công chứng tại các Văn phòng công chứng khi giải quyết các vụ việc liên quan đến chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
- Đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật và một số biện pháp nhằm đảm bảo hiệu quả việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng
Luận văn nghiên cứu các vấn đề lý luận về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; quy định của pháp luật hiện hành về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; một số công trình nghiên cứu
và một số vụ việc cụ thể về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân qua thực tiễn.
* Phạm vi nghiên cứu
- Luận văn nghiên cứu các quy định của pháp luật về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân trong một số văn bản pháp luật như: Luật HN&GĐ năm 1986; Luật HN&GĐ năm 2000; Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Luận văn cũng nghiên cứu các quy định trong pháp luật của một số nước có quy định về việc chia (tách) tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; từ đó có sự so sánh và đối chiếu với pháp luật HN&GĐ Việt Nam, qua đó học hỏi, tiếp thu có chọn lọc những điểm phù hợp để bổ sung, hoàn thiện các quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân trong thời gian tới.
- Đặc biệt, luận văn nghiên cứu một số trường hợp thực tế về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thông qua các bản án của tòa án và các văn bản thỏa thuận được thực hiện tại các cơ quan công chứng trong thực tiễn áp dụng Luật HN&GĐ năm 2000.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
* Phương pháp luận
Việc tiếp cận nghiên cứu đề tài dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin với phép duy vật lịch sử và duy vật biện chứng, gắn với thực tiễn Việt Nam, trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước và pháp luật.
* Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể: phân tích, tổng hợp trên cơ sở phân tích, so sánh, đối chiếu pháp luật của một số quốc gia trên thế giới; phương pháp khảo sát, thống kê để nghiên cứu đề tài.
6. Những điểm mới của luận văn
Luận văn nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện, có hệ thống việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo Luật HN&GĐ năm 2000. Trong quá trình nghiên cứu luận văn trình bày một số điểm mới như sau:
- Luận văn xây dựng khái niệm, và phân tích các đặc điểm của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
- Luận văn nêu ra một số hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật hiện hành và trong quá trình áp dụng pháp luật thông qua việc phân tích các vụ việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân tại tòa án và tại các văn phòng công chứng, trong đó có địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
- Trên cơ sở phân tích những bất cập, vướng mắc, luận văn đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của Luận văn bao gồm 3 chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Chương 2: Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của pháp luật hiện hành
Chương 3: Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG TRONG THỜI KỲ HÔN NHÂN
1.1 Cơ sở lý luận về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
1.1.1 Khái niệm chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Chế độ tài sản của vợ chồng là một trong những chế độ pháp lý quan trọng của luật HN&GĐ. Trải qua quá trình phát triển, chế độ tài sản của vợ chồng đã có những thay đổi đáng kể. Từ việc chỉ quy định chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ tài sản chung, đến nay với sự tác động của nền kinh tế thị trường đã thay đổi căn bản các quan hệ xã hội trong đó có quan hệ HN&GĐ, vì vậy Luật HN&GĐ năm 2000 đã quy định chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm chế độ tài sản chung và tài sản riêng. Điều này sẽ đảm bảo được nhu cầu thiết yếu của gia đình, thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của vợ chồng để thực hiện các nghĩa vụ chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau; chăm sóc và giáo dục con cái,… đều cần sử dụng đến tài sản chung của vợ chồng. Mặt khác, sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã tạo điều kiện cho mọi người có thể có thể tăng thu nhập cho bản thân và gia đình, vì vậy nhu cầu tài sản riêng của vợ chồng lúc này trở nên cần thiết để họ có thể chủ động trong việc quan hệ giao dịch với người khác trong xã hội mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của gia đình. Do đó, chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là một trong những giải pháp có hiệu quả để giải quyết nhu cầu chính đáng của vợ chồng.
Sự ảnh hưởng của phong tục, tập quán cũng như những tư tưởng phong kiến tồn tại trong thời gian dài trong đời sống gia đình của người Việt Nam nên tài sản chung của vợ chồng vẫn được hiểu theo nghĩa “của chồng công
vợ”, chưa hề có sự phân định rạch ròi tài sản của mỗi bên vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Luật HN&GĐ năm 1959 không đề cập đến nội dung này. Điều này xuất phát từ điều kiện kinh tế xã hội chi phối, quan hệ hôn nhân chịu ảnh hưởng bởi phong tập, tập quán nên trong Luật HN&GĐ năm 1959 xác định sở hữu chung của vợ chồng là chế độ cộng đồng toàn sản. Việc quy định chế độ tài sản này là hoàn toàn phù hợp với điều kiện xã hội lúc bấy giờ, phù hợp với tập quán gia đình truyền thống ở Việt Nam. Tuy nhiên, Luật HN&GĐ năm 1959 còn quá cô đọng, khái quát, chưa có quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Luật HN&GĐ năm 1986 ra đời trong điều kiện kinh tế - xã hội đã phát triển hơn, do đó đã làm thay đổi căn bản nền kinh tế xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống gia đình. Luật HN&GĐ đã có sự thay đổi lớn khi xác lập tài sản chung của vợ chồng dựa trên chế độ cộng đồng tạo sản. Quan hệ tài sản của vợ chồng tồn tại dưới hình thức tài sản chung của vợ chồng và tài sản riêng của mỗi bên vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Bên cạnh đó, Luật HN&GĐ năm 1986 đã có một quy định mới khi mở rộng phạm vi chia tài sản chung của vợ chồng. Theo đó, luật này đã dự liệu ba trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng bao gồm: khi một bên vợ chồng chết trước (Điều 17); khi vợ, chồng ly hôn (Điều 42) và trường hợp khi hôn nhân đang tồn tại nếu có lý do chính đáng (Điều 18).
Trên cơ sở kế thừa và phát triển Luật HN&GĐ năm 1986, Luật HN&GĐ năm 2000 tiếp tục ghi nhận quy định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân tại Điều 29 và Điều 30. Tuy nhiên, so với Luật HN&GĐ năm 1986, Luật HN&GĐ năm 2000 đã quy định cụ thể hơn về điều kiện, quyền yêu cầu và hậu quả pháp lý sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đã được quy định trong Luật HN&GĐ năm 1986 và Luật HN&GĐ năm 2000, nhưng vẫn còn có nhiều cách hiểu khác nhau về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tác giả Phạm Thị Tươi đã đưa ra khái niệm về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau: “Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là việc chuyển một phần hoặc toàn bộ tài sản vốn là tài sản chung của vợ chồng thành tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng theo sự thỏa thuận của vợ chồng hoặc do Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ, chồng khi có những lý do nhất định nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên vợ, chồng và người thứ ba có liên quan mà không làm chấm dứt quan hệ giữa vợ và chồng trước pháp luật” [46]. Khái niệm này đã chứa đựng đầy đủ bản chất của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Ngoài nghiên cứu trên, qua quá trình tìm hiểu hiện nay chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra khái niệm về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Chính vì vậy, chúng tôi mạnh dạn đưa ra khái niệm về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:
“Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là việc thay đổi một phần hoặc toàn bộ tài sản chung của vợ chồng thành tài sản riêng của mỗi bên vợ chồng theo thỏa thuận hoặc do Tòa án quyết định trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác. Việc chia tài sản chung của vợ chồng được thực hiện trong thời kỳ hôn nhân và hậu quả của việc này không làm chấm dứt quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng trước pháp luật”.
Kể từ khi Luật HN&GĐ năm 2000 ra đời và có hiệu lực cho đến nay, các quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đã phát huy được hiệu quả, góp phần củng cố chế độ HN&GĐ Việt Nam; bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của vợ chồng, các thành viên trong gia đình và lợi ích của bên thứ ba.