Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật Việt Nam - 14

sung quy định về hậu quả pháp lý của việc khôi phục chế độ tài sản chung đối với trường hợp vợ chồng thỏa thuận khôi phục một phần tài sản đã chia trong thời kỳ hôn nhân thì phần tài sản này sẽ thuộc khối tài sản chung của vợ chồng, phần còn lại không khôi phục vẫn thuộc tài sản riêng của mỗi bên vợ chồng. Trường hợp yêu cầu khôi phục toàn bộ tài sản chung đã chia thì sẽ khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng.

3.2.1.2 Về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, con chung và đời sống chung sau khi chia tài sản chung

Theo quy định của pháp luật, tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất nên vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung mà không phụ thuộc vào nguồn gốc cũng như công sức đóng góp của vợ chồng vào khối tài sản chung. Tuy nhiên trên thực tế sau khi đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, pháp luật cần có những điều chỉnh cụ thể như sau:

Thứ nhất, pháp luật cần bổ sung quy định cụ thể về việc xác định nhu cầu của gia đình.

Tiêu chí để xác định “nhu cầu của gia đình” hiện nay chưa được pháp luật ghi nhân. Gia đình không chỉ là hai cá nhân đơn lẻ. mà còn nhiều thành viên khác nên nhu cầu của gia đình không chỉ nhu cầu riêng lẻ của vợ, chồng mà là nhu cầu của tất cả các thành viên trong gia đình. Để góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và ổn định quan hệ HN&GĐ, pháp luật cần phải đưa ra tiêu chí để xác định những nhu cầu cần thiết của gia đình. Nhu cầu của gia đình là những đòi hỏi tự nhiên của các thành viên trong gia đình bao gồm cả nhu cầu vật chất là tinh thần. Vì vậy, pháp luật cần dự liệu tiêu chí xác định nhu cầu của gia đình nhưng phải phù hợp với chuẩn mực, đạo đức xã hội và phù hợp các quy định của pháp luật có liên quan.

Thứ hai, về nghĩa vụ của gia đình sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về trường hợp này nên thực tế đã không đảm bảo được lợi ích của các thành viên trong gia đình. Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để thực hiện nghĩa vụ dân sự với người khác hay vì lý do chính đáng, một số người đã không còn thực hiện các nghĩa vụ chung với gia đình, dẫn đến việc tranh chấp thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Tuy nhiên trên thực tế Tòa án không có căn cứ pháp lý để giải quyết nên vấn đề này còn bỏ ngõ, do vậy trong bản án về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thường không đề cập đến nghĩa vụ của vợ chồng đối với gia đình sau khi chia. Do đó pháp luật cần bổ sung quy định về nghĩa vụ của vợ chồng đối với gia đình sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Việc hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để tòa án xác định cụ thể nghĩa vụ của mỗi bên vợ chồng liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ chung của gia đình.

3.2.1.3 Về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Theo nguyên tắc của Luật HN&GĐ năm 2000, “chia đôi” tài sản chung của vợ chồng chỉ được áp dụng đối với trường hợp xin ly hôn, mà không quy định cho việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và chia tài sản chung khi một bên vợ hoặc chồng chết trước. Do đó, đối với yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, tòa án có thể chia như thế nào cũng được, dẫn đến việc áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, không thống nhất. Vì vậy Luật HN&GĐ năm 2000 cần kế thừa Luật HN&GĐ năm 1986, dự liệu nguyên tắc chia đôi tài sản chung đối với cả ba trường hợp. Đây chính là cơ sở pháp lý

quan trọng để việc áp dụng pháp luật giải quyết các yêu cầu của vợ chồng thống nhất, đảm bảo việc phân chia tài sản của vợ chồng một cách công bằng, khách quan, đảm bảo được nguyên tắc vợ chồng bình đẳng trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên vợ, chồng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

3.2.1.4 Về việc công nhận của tòa án đối với việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và văn bản khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng

Luật HN&GĐ năm 1986 quy định việc chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân còn tồn tại có thể do vợ chồng tự thỏa thuận nhưng phải được cơ quan tòa án công nhận. Trong khi đó, Luật HN&GĐ hiện hành quy định việc chia tài sản chung chỉ cần vợ chồng tự thỏa thuận với nhau mà không cần bất kỳ ai công nhận. Quy định này đã đem lại sự tự do tuyệt đối cho vợ chồng trong việc định đoạt tài sản chung, nhưng đồng thời cũng dẫn đến tình trạng thỏa thuận chia tài sản chung nhằm mục đích trốn tránh thực hiện dân sự với người khác.

Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật Việt Nam - 14

Pháp luật hiện hành quy định vợ chồng có quyền chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì cũng có quyền khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng. Việc khôi phục chế độ tài sản chung theo thỏa thuận của vợ chồng và phải được lập thành văn bản, mà không cần bất kỳ cơ quan nào công nhận, công chứng hay chứng thực. Do đó không thể có cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp về tài sản của vợ chồng sau khi chia. Để khắc phục tình trạng trên, Luật HN&GĐ năm 2000 cần bổ sung quy định thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân cũng như việc khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng có thể thỏa thuận nhưng phải có sự công nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Tòa án và cơ quan công chứng. Điều này sẽ hạn chế tối đa các hành vi vợ chồng lợi dụng việc chia tài sản chung để tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ dân sự với người thứ ba có liên quan.

3.2.1.5 Về việc xác định “lý do chính đáng khác”

Luật HN&GĐ năm 2000 quy định ba lý do để chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên “lý do chính đáng khác” lại quy định một cách chung chung, và chưa có hướng dẫn cụ thể. “Lý do chính đáng” là một quy định kế thừa từ Luật HN&GĐ năm 1986 và được hướng dẫn chi tiết tại Điểm b, mục 3 Nghị quyết số 01/1988/NQ-HDDTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định “trong khi hôn nhân tồn tại, Điều 18 cho phép chia tài sản của vợ chồng nếu có lý do chính đáng (như vợ chồng tính tình không hợp nhưng con cái đã lớn nên không muốn ly hôn mà chỉ muốn ở riêng, do đó một bên hoặc cả hai bên xin chia tài sản thì tài sản được chia như khi xử về ly hôn) [40]. Ngoài hướng dẫn trên tại Nghị quyết 01/1988/NQ-HĐTP thì không có bất kỳ một văn bản nào giải thích về lý do chính đáng. Thực tế cho thấy vợ chồng khi gặp một số lý do như vợ/chồng ngoại tình, mang tài sản cho người khác, hoặc một bên vợ hoặc chồng có hành vi phá tán tài sản, cờ bạc, nghiện hút, cá độ,.. thì người kia có yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Việc chia tài chung trong thời kỳ hôn nhân vì những lý do trên xuất phát từ lợi ích chính đáng của gia đình, quyền lợi của vợ chồng và của người thứ ba mà không trái pháp luật và đạo đức xã hội thì việc thừa nhận việc chia tài sản chung của họ là cần thiết. Trong những trường hợp như trên, pháp luật cần thừa nhận việc thỏa thuận chia tài sản chung của họ cũng như quyền yêu cầu Tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Vì vậy, pháp luật cần có quy định hướng dẫn về các trường hợp được xem là có “lý do chính đáng” khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

3.2.1.6 Về quyền khởi kiện của người thứ ba có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng

Pháp luật HN&GĐ hiện hành chỉ công nhận quyền của vợ, chồng hoặc

của cả hai vợ chồng yêu cầu tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Quyền khởi kiện của người thứ ba có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng không được thừa nhận. Điều này là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc luật định. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng đã cho thấy vướng mắc ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng. Bởi vì có trường hợp người vợ hoặc chồng có nghĩa vụ tài sản đó không có hoặc không đủ tài sản riêng để thanh toán các khoản nợ và vợ chồng không có thỏa thuận là các nghĩa vụ riêng đó chỉ do một bên thực hiện, và không yêu cầu tòa án chia tài sản chung nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện các nghĩa vụ dân sự với người khác. Trong trường hợp này nếu không thừa nhận quyền khởi kiện của người thứ ba có liên quan để lấy tài sản chung đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ thì lợi ích của họ không được bảo đảm. Vì vậy, pháp luật HN&GĐ cần xem xét ghi nhận quyền khởi kiện của người thứ ba có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản chung của vợ chồng có quyền yêu cầu tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nếu việc khởi kiện này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình người có nghĩa vụ. Vì vậy, cần thiết phải công nhận quyền khởi kiện của người thứ ba có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản chung của vợ chồng.

3.2.2 Những điều cần chú ý khi giải quyết việc chia tài chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

3.2.2.1 Tại Toà án

Thông thường khi vợ chồng không thỏa thuận được về việc chia khối tài sản chung hợp nhất trong thời kỳ hôn nhân mới yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên theo tìm hiểu của tác giả cho thấy, đa phần khi vợ chồng có yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân khi giải quyết tại tòa thì thường được giải quyết theo hướng vợ chồng tự thỏa thuận và xin rút yêu cầu chia hoặc theo hướng yêu cầu xin ly hôn và chia tài

sản chung. Nguyên nhân một phần do ý thức người dân còn hạn chế, nhưng một phần xuất phát từ nhận thức chủ quan của cán bộ tòa án thụ lý yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Bởi vì họ nhận thấy các quy định của pháp luật hiện hành về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân còn thiếu, chưa hoàn thiện và khó áp dụng. Nếu thụ lý và giải quyết cho chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại có thể dễ kháng án kéo dài. Điều này là không đảm bảo với mong muốn chính đáng của nhiều cặp vợ chồng, không phù hợp với tinh thần điều luật quy định. Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao ý thức pháp luật cho người dân cũng cần nâng cao trình độ nhận thức của cán bộ tòa án để giúp vợ chồng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với tài sản chung hợp nhất, vừa đảm bảo tính hợp lý với yêu cầu thực tiễn vừa đảm bảo tính hợp pháp của quy định pháp luật.

3.2.2.2 Tại cơ quan Công chứng

- Niêm yết công khai văn bản thỏa thuận chia tài sản chung cũng như văn bản khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Để đảm bảo lợi ích chính đáng của người thứ ba có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng, pháp luật HN&GĐ cần bổ sung thêm quy định văn bản thỏa thuận chia tài sản chung và văn bản thỏa thuận khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân phải được niêm yết công khai tại nơi thường trú, tạm trú. như đối với thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

- Quy định cụ thể về thuế, lệ phí liên quan đến tài sản được chia khi vợ chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Nhằm hạn chế tình trạng vợ chồng “né tránh” việc thực hiện các văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng đang diễn ra phổ biến trong thực tế, được thực hiện thông qua các hình thức văn bản khác như văn bản cam kết tài sản riêng, hợp đồng tặng cho, ủy quyền,… Các văn bản luật có liên quan, cụ thể là luật thuế thu nhập cá nhân hoặc văn bản hướng dẫn và Nghị định quy định về lệ phí trước bạ phải dự liệu thêm trường hợp chia tài

sản chung trong thời kỳ hôn nhân (đối với các tài sản là bất động sản, tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu) là trường hợp được miễn thuế, không phải nộp lệ phí trước bạ.

- Nâng cao ý thức pháp luật đối với đội ngũ Công chứng viên tại các văn phòng Công chứng

Thỏa thuận chia tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật có thể công chứng, ngoại trừ một số thỏa thuận theo quy định của pháp luật bắt buộc phải công chứng thì phải công chứng. Hiện nay, đa số nhận thức người dân về pháp luật nói chung và pháp luật HN&GĐ nói riêng chưa cao, nên chủ yêu khi có thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, đa phần đều rất e ngại phải thực hiện tại cơ quan công chứng. Để tránh sự phiền phức của các thủ tục hành chính, nhiều vợ chồng đã cam kết tài sản đó là tài sản riêng, mặc dù nguồn gốc tài sản là tài sản chung của vợ chồng [49]. Họ chưa thấy hết hậu quả của việc cam kết tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân nên khi có tranh chấp xảy ra các đương sự thường kháng cáo kéo dài. Do vậy, để tránh tình trạng đó xảy ra cũng như đảm bảo quyền lợi cho vợ chồng, khi tiến hành các thủ tục công chứng có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng, công chứng viên phải giải thích rõ cho vợ chồng để họ lựa chọn cách thức phù hợp với thực tế quan hệ tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy việc nâng cao ý thức pháp luật đối với đội ngũ công chứng viên là việc làm cần thiết để pháp luật nói chung và việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng được đảm bảo thực hiện.

3.2.3 Một số biện pháp nhằm đảm bảo hiệu quả việc chia tài chung trong thời kỳ hôn nhân

3.2.3.1 Nâng cao trình độ, nâng lực của đội ngũ làm công tác giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Bên cạnh nhiều nguyên nhân khiến tình trạng xét xử các vụ việc về HN&GĐ nói chung và giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng nói

riêng gặp nhiều khó khăn, xét xử lại nhiều lần theo nhiều cấp khác nhau là do thiếu thẩm phán và trình độ thẩm phán còn chưa được nâng cao. Báo cáo của ngành tòa án về công tác xét xử nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 (từ ngày 01/10/2006 đến 01/10/2010) cho thấy án HN&GĐ giám đốc thẩm đã giải quyết 497 vụ, có 460 vụ hủy bản án và quyết định của TAND các cấp. Thực trạng trên cho thấy cần thiết phải sửa đổi các quy định của pháp luật HN&GĐ, đồng thời phải quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ ngành Tòa án nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết vụ việc HN&GĐ nói riêng, trong đó có việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để nâng cao hiệu quả công tác xét xử của Tòa án. Ngành Tòa án cần có chiến lược lâu dài về quy hoạch và phát triển đội ngũ cán bộ theo kịp sự phát triển của xã hội, đồng thời có cơ chế phối hợp với các cơ quan hữu quan khác có liên quan trong việc giải quyết án HN&GĐ nói chung và chia tài sản chung của vợ chồng nói riêng.

3.2.3.2 Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hôn nhân và gia đình để nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân

Một trong những lý do làm cho vụ việc bị kháng cáo, khiếu nại kéo dài và là do trình độ nhận thức của đương sự còn hạn chế. Có rất nhiều trường hợp tòa án các cấp đã giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhưng họ vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết đó nên đã làm cho vụ việc kéo dài. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về HN&GĐ nói chung và chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nói riêng là cần thiết. Công tác này phải được tiến hành thường xuyên và sâu rộng trong các cấp, các ngành, trong nhân dân, trong nhà trường và trong từng gia đình [35] để nâng cao ý thức của người dân tiến tới xây dựng văn hóa pháp lý trong nhân dân.

Bên cạnh đó cần thiết phải hoàn chỉnh các quy định pháp luật của các ngành luật khác để giữa các ngành luật có sự thống nhất, giúp việc áp dụng pháp luật được thống nhất, thuận tiện và dễ dàng hơn.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/12/2022