Thẩm Quyền, Trình Tự Và Thủ Tục Xử Lý Các Hành Vi Hạn Chế Cạnh Tranh Ở Việt Nam

2.1.2. Thẩm quyền, trình tự và thủ tục xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam

Luật Cạnh tranh vừa mang tính chất luật công và luật tư, cho nên, các chế tài áp dụng đa dạng bao gồm cả chế tài hành chính, hình sự, dân sự. Các hành vi hạn chế cạnh tranh có thể được áp dụng theo thủ tục tố tụng hành chính, dân sự, hình sự do cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tòa án áp dụng. Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh còn quy định thủ tục tố tụng chuyên biệt - tố tụng cạnh tranh do cơ quan có thẩm quyền về quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh) áp dụng.

2.1.2.1. Thẩm quyền áp dụng chế tài đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh Xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh được áp

dụng đối với các hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, do cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh xem xét, xử lý và chủ yếu được áp dụng theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004. Luật này đã thiết lập thẩm quyền và tố tụng cạnh tranh áp dụng cho hai loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi hạn chế cạnh tranh, mặc dù hai loại hành vi này có bản chất vi phạm pháp luật không giống nhau. Thẩm quyền tiến hành tố tụng cạnh tranh thuộc về cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng Cạnh tranh và cá nhân có thẩm quyền tiến hành tố tụng cạnh tranh bao gồm thành viên Hội đồng Cạnh tranh, Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh, điều tra viên và thư ký phiên điều trần mà không có sự tham gia của tòa án dân sự hay thẩm phán tương ứng. Luật Cạnh tranh đã tách hai chức năng điều tra và xử lý vụ việc tập trung cho hai cơ quan này, nhiệm vụ của hai cơ quan này được quy định cụ thể như sau:

Cơ quan quản lý cạnh tranh có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc kiểm soát quá trình tập trung kinh tế; thụ lý hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ; đề xuất ý kiến để Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh; xử lý, xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh [37, Điều 49].

Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan do Chính phủ thành lập, có từ 11 đến 15 thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Hội đồng Cạnh tranh có nhiệm vụ tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh [37, Điều 53]. Những công việc nghiệp vụ của Hội đồng được thực hiện cụ thể tại các Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, do Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh quyết định thành lập cho từng vụ việc, hoạt động chính thức qua các phiên điều trần, với sự tham gia của những người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, đối tượng xem xét, quyết định của Hội đồng Cạnh tranh chỉ là những hành vi hạn chế cạnh tranh và trên thực tế, là công đoạn cuối cùng của một vụ việc liên quan đến hạn chế cạnh tranh. Bởi lẽ, Hội đồng Cạnh tranh chỉ hoạt động trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đánh giá và xem xét của các điều tra viên về những hành vi hạn chế cạnh tranh do Cục Quản lý cạnh tranh gửi đến. Như vậy, có thể thấy rằng, cơ quan quản lý cạnh tranh có thẩm quyền xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh và điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh. Còn Hội đồng Cạnh tranh thì chỉ có thẩm quyền giải quyết đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh.

Việc áp dụng biện pháp hình sự, dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án theo yêu cầu bồi thường của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, hoặc khi hành vi hạn chế cạnh tranh của chủ thể cấu hành vi nguy hiểm cho xã hội cấu thành tội phạm thì chủ thể đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2.1.2.2. Trình tự áp dụng chế tài đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh

Thủ tục tố tụng cạnh tranh là trình tự, các bước tiến hành trong việc giải quyết, xử lý vụ việc cạnh tranh và các hoạt động kiểm soát hành vi cạnh tranh được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tố tụng cạnh tranh có sự pha trộn của tố tụng hành chính, dân sự và hình sự. Thủ tục tố tụng cạnh tranh về cơ bản trải qua hai trình tự, đó là điều tra và xử lý vụ việc. Tuy nhiên, mỗi trường hợp cụ thể không nhất thiết phải trải qua hai thủ tục này, do vụ việc cạnh tranh có thể được kết luận và kết thúc ở ngay giai đoạn điều tra.

- Điều tra vụ việc

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.

Việc điều tra, xử lý vi phạm về pháp luật cạnh tranh, bắt đầu trong hai trường hợp: (i) Có khiếu nại hợp thức của tổ chức, cá nhân đối với hành vi vi phạm (thời hiệu khiếu nại là hai năm, kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện); (ii) Cục quản lý cạnh tranh tự phát hiện dấu hiệu vi phạm [37, Điều 86].

Sau khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, thì cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ tiến hành điều tra sơ bộ để xác minh vụ việc. Điều tra sơ bộ vụ việc cạnh tranh được tiến hành trong thời hạn 30 ngày theo quyết định của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh. Thời hạn này bao gồm cả việc phân công điều tra viên, hoàn thành điều tra sơ bộ và kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh xử lý kết quả điều tra. Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc điều tra chính thức. Căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ và kiến nghị của điều tra viên, Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh ra một trong các quyết định: Đình chỉ điều tra nếu kết quả điều tra sơ bộ cho thấy không có hành vi vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh; (hoặc) điều tra chính thức nếu kết quả sơ bộ cho thấy có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh.

Chế tài liên quan tới hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam - 8

Nội dung điều tra chính thức đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh đó là đều xác định căn cứ cho rằng bên bị điều tra đã hoặc đang thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh. Thời hạn điều tra chính thức là chín mươi ngày, kể từ ngày có quyết định; trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể được Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh gia hạn, nhưng không quá sáu mươi ngày. Việc gia hạn thời hạn điều tra phải được điều tra viên thông báo đến tất cả các bên liên quan trong thời hạn chậm nhất là bảy ngày làm việc trước ngày hết hạn điều tra.

Trường hợp trong quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh, điều tra viên phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải kiến nghị ngay với Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, nếu cơ quan tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp trên thấy không đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì phải trả lại hồ sơ cho Cơ quan Quản lý Cạnh tranh để tiếp tục điều tra. Trong trường hợp này, thời hạn điều tra chính thức được tính lại kể từ ngày nhận lại hồ sơ.

- Xem xét, giải quyết vụ việc, phiên điều trần

Sau khi kết thúc việc điều tra vụ việc cạnh tranh, Cục quản lý cạnh tranh phải gửi kết luận điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh lên Hội đồng cạnh tranh đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh. Vụ việc cạnh tranh thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng cạnh tranh phải được xem xét, xử lý thông qua phiên điều trần. Sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh phải ra một trong các quyết định: Mở phiên điều trần, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh.

Ngay sau khi Hội đồng Cạnh tranh thụ lý hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng sẽ thành lập Hội đồng xử lý vụ việc để trực tiếp giải quyết hồ sơ này. Hội đồng xử lý này sẽ có thời gian 30 ngày để nghiên cứu hồ sơ. Trường hợp nhận thấy các chứng cứ thu thập được chưa đủ để xác định hành vi vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc sẽ trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trường hợp xảy ra một trong ba sự kiện pháp lý sau đây, Hội đồng xử lý sẽ đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh: (i) Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh đề nghị đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh trong trường hợp không đủ chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh và Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh xét thấy đề nghị đó là xác đáng; (ii) Bên bị điều tra đã tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả gây ra và bên khiếu nại tự nguyện rút đơn khiếu nại; (iii) Bên bị điều tra đã tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả gây ra và Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh đề nghị đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh. Trường hợp thấy có đủ cơ sở để mở phiên điều trần, Hội đồng xử lý phải ra quyết định mở phiên điều trần.

Việc quy định về việc đình chỉ vụ việc khi bên bị điều tra tự nguyện chấm dứt vi phạm và có các biện pháp khắc phục hậu quả, người khiếu nại tự nguyện rút đơn khiếu nại hoặc theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, thì Hội đồng Cạnh tranh ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc. Điều này có nghĩa rằng,

các doanh nghiệp sẽ không bị phạt hoặc áp dụng chế tài khác. Quy định này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp bị buộc tội tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm ở giai đoạn đầu, nó sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên. Các quy định về án phí đối với trường hợp này cũng được giảm, theo đó doanh nghiệp bị kết luận vi phạm sẽ phải trả 50% mức phí xử lý vụ việc và trả cùng của người khiếu nại, doanh nghiệp, và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, sau khi ký kết thỏa thuận hoặc sau khi có quyết định của Hội đồng cạnh tranh (nếu họ có thể không đạt được thỏa thuận về thanh toán phí) [11, Điều 55].

Phiên điều trần được tổ chức công khai. Trường hợp nội dung điều trần có liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật kinh doanh thì phiên điều trần được tổ chức kín. Sau khi nghe những người tham gia phiên điều trần trình bày ý kiến và tranh luận, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín và quyết định theo đa số. Quy định về phiên điều trần giúp cho quá trình xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh được diễn ra một cách chính xác, công bằng và toàn diện hơn do có sự tham gia của tất cả các bên. Chế định này góp phần hoàn thiện thủ tục giải quyết các vụ việc hạn chế cạnh tranh.

- Khiếu nại quyết định xử lý vụ việc

Các quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh đều có thể bị xem xét lại thông qua thủ tục khiếu nại hành chính với thời hiệu là 30 ngày kể từ khi ban hành. Trong trường hợp này, thẩm quyền giải quyết khiếu nại chống lại quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh là Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh, của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh là Bộ trưởng Bộ Thương mại. Trong quá trình xem xét khiếu nại và khiếu kiện, những nội dung của quyết định không bị khiếu nại hay khiếu kiện là có hiệu lực thi hành.

- Trình tự áp dụng chế tài hình sự, dân sự

Thẩm quyền tố tụng cạnh tranh theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam chỉ liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý có tính hành chính mà không giải quyết bồi thường thiệt hại tại các cơ quan này. Để có thể đòi bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, nguyên đơn sẽ phải tiếp tục khởi kiện vụ việc tại

tòa dân sự trên cơ sở quyết định của Cục Quản lý cạnh tranh hoặc của Hội đồng Cạnh tranh. Điều 6 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP đã quy định việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo các quy định của pháp luật về dân sự. Do vậy, trình tự và thủ tục khởi kiện để yêu cầu bồi thường trên cơ sở quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với các vụ việc cạnh tranh có dấu hiệu tội phạm, phải xem xét chuyển hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự [37, Điều 91]. Trình tự, thủ tục điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử vụ án hình sự liên quan tới hành vi hạn chế cạnh tranh sẽ được thực hiện trên cơ sở quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Như vậy, mặc dù việc áp dụng các chế tài hình sự, dân sự, hành chính đối với hành vi hạn chế cạnh tranh do các cơ quan có thẩm quyền khác nhau xem xét và xử lý. Tuy nhiên, nó không tách rời nhau mà có quan hệ mật thiết với nhau, là một bộ phận thống nhất trong quá trình xem xét và xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh. Điều này được thể hiện ở việc, trước hết việc giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh được tiến hành trên những nguyên tắc và quy định của pháp luật cạnh tranh, do cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh tiến hành.

Trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì Luật Cạnh tranh đã quy định dẫn chiếu thực hiện theo trình tự, thủ tục của tố tụng dân sự. Đồng thời, cũng theo quy định của luật cạnh tranh thì các vụ việc có dấu hiệu tội phạm cũng sẽ được cơ quan đang giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh chuyển cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, giải quyết theo quy định về tố tụng hình sự.

2.2. Thực trạng áp dụng các biện pháp chế tài đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam

Sau 10 năm có hiệu lực, Luật Cạnh tranh đã được áp dụng để xử lý vụ việc về hành vi hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp. Quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh đầu tiên đã có những tác động đáng kể đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam, đến ý thức pháp luật của các doanh nghiệp và góp phần khẳng định giá trị của pháp luật cạnh tranh đối với quản lý kinh tế.

Từ năm 2006 - 2013, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận tổng số 186 vụ việc cạnh tranh, trong đó có 122 vụ việc cạnh tranh không lành mạnh và 64 vụ việc hạn chế cạnh tranh. Đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục đã tiến hành điều tra tiền tố tụng 64 vụ, trong đó khởi xướng điều tra 10 vụ và đã ra quyết định đối với 4 vụ [23].

2.2.1. Xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Từ năm 2006 đến hết năm 2013, Cục Quản lý cạnh tranh đã thụ lý, điều tra chính thức 07 vụ hạn chế cạnh tranh, trong đó có 04 vụ vi phạm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đều liên quan đến “hành vi thỏa thuận ấn định giá” [18], [19], [20], [23], cụ thể:

- 02 vụ đã ra quyết định xử lý, bao gồm: vụ việc các công ty bảo hiểm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của 19 doanh nghiệp bảo hiểm xe cơ giới và - Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh ra quyết định xử phạt 1,708 tỷ đồng; vụ việc thỏa thuận thống nhất phí bảo hiểm học sinh của 12 doanh nghiệp tại Khánh Hòa - Hội đồng xử lý đã ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh;

- 01 vụ đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Hội đồng cạnh tranh xử lý: Về thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp của 37 doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội tấm lợp Việt Nam về hành vi thỏa thuận ấn định giá bán tấm lợp Fibro-xi măng;

- 01 vụ đang trong giai đoạn điều tra: hành vi ấn định giá dịch vụ của 03 doanh nghiệp kinh doanh và vận tải hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh khi cùng ký thỏa thuận ấn định mức giá vé.

Thực tế xử lý cho thấy, đối với các hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, chế tài xử lý vi phạm chủ yếu được áp dụng là phạt tiền. Mức phạt tiền được áp dụng từ trước đến nay tương đối thấp, thường dưới 0,5% tổng doanh thu của năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các hình thức xử lý vi phạm khác đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như hình thức phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả cũng ít, thậm chí chưa được áp dụng. Chẳng hạn, trong vụ việc thỏa thuận ấn định giá trên thị trường bảo hiểm vật

chất xe ô tô, 19 doanh nghiệp vi phạm chỉ chịu hình thức phạt tiền, với mức phạt là 0,025% tổng doanh thu năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm (tức năm 2007), tương đương với 1,708 tỷ đồng (khoảng xấp xỉ 9.000 USD) [18]. Mức phạt được áp dụng tương đối nhẹ, mang tính cảnh cáo nhiều hơn là răn đe. Các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả cũng không được áp dụng trong trường hợp này.

2.2.2. Xử lý hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền Với nỗ lực tăng cường hoạt động thực thi pháp luật, Cục Quản lý cạnh tranh

đã thường xuyên tiến hành hoạt động điều tra tiền tố tụng liên quan đến các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền. Mặc dù vậy, hoạt động điều tra tiền tố tụng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa mang lại hiệu quả tích cực, hiện nay vẫn duy trì việc giám sát, theo dõi để kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật và có biện pháp can thiệp trong trường hợp cần thiết [21]. Dù đã triển khai thực hiện Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành được một thời gian, nhưng số lượng các vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền bị phát hiện và xử lý còn rất hạn chế. Các vụ việc về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường được tiến hành điều tra tiền tố tụng tương đối nhiều, như trong năm 2009, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành 8 vụ điều tra tiền tố tụng liên quan đến các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền, 01 vụ năm 2011, 01 vụ năm 2012, 05 vụ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay chỉ chuyển được 03 vụ việc thành điều tra chính thức theo quy định của Pháp luật cạnh tranh, trong các lĩnh vực: bia (Vụ việc Công ty liên doanh Nhà máy bia Việt Nam lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường các sản phẩm bia cao cấp để ngăn chặn việc tham gia thị trường của đối thủ cạnh tranh mới – năm 2007), Vụ việc Công ty Xăng dầu Việt Nam (Vinapco) lạm dụng vị trí độc quyền trên thị trường tra nạp nhiên liệu hàng không Việt Nam – năm 2008, vụ việc Công ty Truyền thông Megastar lạm dụng vị trí thống lĩnh trên phân phối phim nhựa nhập khẩu – năm 2010. Tuy nhiên, mới chính thức có quyết định xử lý vi phạm đối với vụ việc Công ty liên doanh Nhà máy bia Việt Nam và vụ Vinapco, còn vụ Megastar thì tới năm 2013 Cục Quản lý cạnh tranh vẫn đang tiến hành điều tra bổ sung lần 2 theo Quyết định của Hội đồng Cạnh tranh [23].

Xem tất cả 125 trang.

Ngày đăng: 21/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí