Những Định Hướng Phát Triển Và Hoàn Thiện Pháp Luật Về Chế Tài Đối Với Hành Vi Cạnh Tranh Không Lành Mạnh Ở Việt Nam

chơi" chung" [50. tr.64]. Hội nhập kinh tế đặt ra thách thức đối với mọi nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế có trình độ phát triển cao. Đối với Việt Nam, thách thức đó càng khắc nghiệt hơn vì Việt Nam là một nước đang phát triển, lại đang thực hiện nền kinh tế chuyển đổi.

Tiến trình hội nhập kinh tế ở nước ta đã có những đột phá lớn từ Đại hội VII của Đảng (1991) với chủ trương mở rộng, đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ kinh tế đối ngoại trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới. Quá trình hội nhập đó đã được đẩy mạnh hơn với chủ trương của Đại hội IX của Đảng chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đảm bảo độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm lợi ích dân tộc.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo cơ hội cho nước ta trong việc mở ra môi trường rộng lớn để xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ; tạo điều kiện để tiếp nhận vốn, công nghệ sản xuất và trình độ quản lý tiên tiến; nâng cao năng lực cạnh tranh và tính hiệu quả trong nền kinh tế, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam, làm cho các doanh nghiệp trong nước năng động hơn trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng, cải tiến các dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm … Đó là những nguồn lực to lớn góp phần đưa nền kinh tế nước ta có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua.

Bên cạnh những mặt thuận lợi đó, hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra cho nước ta những thách thức to lớn: (i) Cạnh tranh sẽ trở nên quyết liệt hơn, không chỉ giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp của các nước trên thị trường nước ngoài để xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ, mà cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ và trình độ quản lý cao, hàng hoá có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp… Điều đó đã gây sức

ép với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã quen với sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và công nghệ yếu kém. Trong khi có đến 90% các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa; hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ thông tin về thị trường. (ii) Yêu cầu cấp bách cho việc bổ sung và hoàn thiện thể chế pháp lý để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Trước hết là hoàn thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư và phát huy mọi tiềm lực của các thành phần kinh tế; xây dựng thị trường đồng bộ. Đồng thời, không ngừng hoàn thiện pháp luật cạnh tranh, nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và công bằng. (iii) Việt Nam là một trong những nước nghèo, hệ thống chính sách kinh tế - xã hội chưa đồng bộ và đầy đủ, trình độ quản lý còn chênh lệch so với các nước phát triển trên thế giới. Nhưng khi hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam buộc phải thực hiện đầy đủ các cam kết, nhất là các cam kết trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, dịch vụ, các biện pháp đảm bảo thương mại công bằng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường…

Khung pháp lý đã được hình thành và thường xuyên được cải cách, nhiều văn bản luật quan trọng đã được Nhà nước ban hành để điều chỉnh môi trường kinh doanh như: Luật Cạnh tranh 2004, Luật Doanh nghiệp 2005, Bộ luật Dân sự 2005, Luật Thương mại 2005, Luật Đầu tư 2005, Luật Đất đai 2003…và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp như Luật Luật sư 2001 và các nghị định quy định chi tiết dịch vụ tư vấn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ thị trường của nước ta vẫn còn chưa hoàn chỉnh, nhiều quy định còn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và loại bỏ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khỏi thị trường, đòi hỏi Nhà nước phải tạo dựng được thể chế pháp lý thuận lợi, an toàn để các doanh nghiệp tiếp cận. Hoàn thiện pháp luật theo hướng minh bạch, ổn định và không phân biệt đối xử

giữa các khu vực kinh tế; rà soát lại hệ thống pháp luật trong nước, đối chiếu và chuyển hoá các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia ký kết thành các quy định thống nhất trên thị trường. Như vậy, yêu cầu về hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật điều chỉnh về thị trường nói riêng, trong đó có pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh, trở nên nhu cầu bức thiết và là một tất yếu khách quan, đảm bảo điều kiện pháp lý cho hội nhập kinh tế quốc tế.‌


3.2. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CHẾ TÀI ĐỐI VỚI HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH Ở VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.

3.2.1. Xu hướng pháp luật và việc sử dụng các chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nước trên thế giới

Qua nghiên cứu cho thấy, pháp luật cạnh tranh của các nước trên thế giới đã tồn tại nhiều mô hình khác nhau, như: Mô hình xây dựng đạo luật về chống cạnh tranh không lành mạnh; mô hình sử dụng quy định của Bộ luật Dân sự; mô hình sử dụng án lệ…

Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật Việt Nam - 13

Mô hình xây dựng đạo luật về chống cạnh tranh không lành mạnh với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh, được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp điển hoá trong một đạo luật. Các đạo luật này đã hướng đến điều chỉnh chủ yếu hai nhóm quan hệ, đó là quan hệ giữa chủ thể tham gia cạnh tranh với người tiêu dùng và quan hệ giữa các chủ thể cạnh tranh với nhau. Dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng, các quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh được bổ trợ bởi các quy định của pháp luật về hợp đồng, pháp luật về bồi thường thiệt hại… Các nước xây dựng pháp luật cạnh tranh theo mô hình này, điển hình có Phần Lan, Bỉ, Thuỵ Điển, Đức, Áo, Hy Lạp, Đan Mạch…

Mô hình sử dụng quy định của Bộ luật Dân sự được Hà Lan, Italia, Pháp thực hiện. Các quy định cơ bản về cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Bộ luật Dân sự (luật tư). Với tư cách là một chế tài được áp dụng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vấn đề bồi thường thiệt hại đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ các chủ thể tham gia cạnh tranh. Thông qua đó, người tiêu dùng cũng được gián tiếp bảo vệ.

Điển hình của việc sử dụng mô hình áp dụng án lệ cho các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là Vương quốc Anh và Ailen. Hệ thống pháp luật của các nước này đã được phát triển theo phương thức riêng, các quy định về cạnh tranh không lành mạnh cũng được hình thành từ án lệ.

Dù xây dựng pháp luật cạnh tranh theo mô hình nào thì hầu hết các nước trên thế giới cũng đều sử dụng một nhóm các chế tài chung để áp dụng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đó là chế tài hành chính, bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự và chế tài hình sự.

Một số quốc gia đã đảm bảo cơ chế khởi kiện tập thể cho người tiêu dùng, các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, hiệp hội các nhà kinh doanh. Cơ chế này đã được sử dụng thường xuyên và có hiệu quả, thông qua đó để chống lại các hành vi phản cạnh tranh và xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Vai trò của Nhà nước trong việc áp dụng các chế tài hình sự là rất khác nhau ở các quốc gia. Pháp luật của Pháp quy định cho các nhà chức trách nhiều quyền hạn để áp dụng các hình phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi đó, các quốc gia theo hệ thống Common Law lại ghi nhận việc áp dụng chế tài trong các bộ quy tắc hành vi có tính tự quản. Theo đó, người tiêu dùng và các nhà kinh doanh có quyền khởi kiện chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo các nguyên tắc đã được ghi nhận trong các bộ quy tắc đó hoặc trong các đạo luật có liên quan.

Một số tài liệu nghiên cứu cho thấy, hiện nay pháp luật cạnh tranh không lành mạnh của các quốc gia trên thế giới đang vận hành và phát triển theo các xu hướng sau:

- Xu hướng đa dạng hoá thiết chế thực thi.

Các quốc gia có pháp luật vận hành theo cơ chế này đã quy định thẩm quyền cho nhiều cơ quan chức năng khác nhau trong việc đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng như Thanh tra tiêu dùng, Toà án chuyên trách... Đồng thời, duy trì nhiều cơ chế để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và các nhà cạnh tranh, như: Quyền khởi kiện của các chủ thể cạnh tranh và tập thể người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp về cạnh tranh không lành mạnh bằng thủ tục tố tụng tại Toà án hoặc thông qua các cơ quan quản lý nhà nước.

- Xu hướng đa dạng hoá hệ thống chế tài.

Xu hướng này được các nước có nền kinh tế thị trường phát triển áp dụng. Ngoài các chế tài chung như phạt hành chính, bồi thường dân sự hoặc chế tài hình sự, còn có các chế tài khác như: cảnh báo, khuyến nghị, cấm hành nghề...

Cảnh báo được xem là một chế tài mới và áp dụng phổ biến ở các nước công nghiệp phát triển, bằng cách quy định các cảnh báo về những sản phẩm có khả năng gây hại cho sức khoẻ của người tiêu dùng hoặc có khả năng lừa dối công chúng. Trên cơ sở đó, người tiêu dùng có căn cứ để thực hiện quyền khởi kiện chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Khuyến nghị là hình thức được thực hiện trên cơ sở tổng hợp các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, sau đó đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng. Hình thức này có tác dụng răn đe các doanh nghiệp, các nhà kinh doanh, đặt các nhà cạnh tranh trước nguy cơ bị công chúng lên án bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của mình.

Chấm dứt vô điều kiện hành vi và khắc phục hậu quả (nếu có) là biện pháp chế tài được Tòa án một số nước áp dụng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chế tài này được đánh giá là chế tài quan trọng và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm. Trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, người bị vi phạm có quyền yêu cầu Toà án áp dụng

chế tài này bằng một quyết định tạm thời. Chế tài này có thể được thực hiện cả trong trường hợp chưa chứng minh được thiệt hại thực tế do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra.

Bồi thường thiệt hại là chế tài thông dụng và phổ biến được Tòa án áp dụng đối với các chủ thể kinh doanh thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trên cơ sở khởi kiện của chủ thể bị thiệt hại. Cơ sở pháp lý để áp dụng chế tài này thường được quy định trong Bộ luật Dân sự hoặc các văn bản luật chuyên ngành.

Hình phạt cũng là một chế tài truyền thống được áp dụng đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi có cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, việc quy định hình phạt trong pháp luật hình sự của các quốc gia cũng rất đa dạng.

Bên cạnh các chế tài cơ bản được đề cập như trên, pháp luật của nhiều nước còn quy định nhiều chế tài khác như: cảnh cáo; cải chính công khai; cấm hành nghề hoặc đảm nhiệm các chức vụ nhất định; tịch thu công cụ, phương tiện vi phạm; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả…

- Xu hướng hài hoà hoá pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh của các quốc gia với khu vực.

Pháp luật quốc tế vẫn còn thiếu các quy phạm thực chất thống nhất điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh và chế tài áp dụng với các hành vi đó. Vì vậy, pháp luật quốc gia vẫn đóng vai trò chủ yếu trong việc ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh diễn ra trên thị trường kinh doanh của các nước. Tuy nhiên, pháp luật của mỗi quốc gia là không giống nhau, do đó đã trở thành những rào cản nhất định trong quan hệ thương mại quốc tế. Để khắc phục tình trạng đó, xu hướng hài hoà hoá pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh không lành mạnh đã trở thành nhu cầu cấp thiết của các quốc gia trong từng khu vực.

3.2.2. Định hướng hoàn thiện pháp luật về chế tài đối với những hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam

- Xây dựng hệ thống chế tài một cách đầy đủ, đồng bộ và thống nhất.

Như đã phân tích, Luật Cạnh tranh là văn bản gốc, mang tính nguyên tắc, điều chỉnh và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Vì thế, Luật Cạnh tranh cần có những quy định thống nhất về việc áp dụng các chế tài dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tránh những viện dẫn thiếu rõ ràng. Bổ sung những chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong một số lĩnh vực cụ thể mà Luật chưa có quy định.

- Các chế tài phải đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đang diễn ra phổ biến trên thị trường.

Hiện nay, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra phổ biến trên thị trường nước ta, do chế tài hành chính vẫn chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn. Những khoản tiền phạt vẫn thấp hơn nhiều so với các khoản lợi mà doanh nghiệp thu được do thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cách giải quyết các vụ vi phạm chủ yếu bằng thương lượng, hoà giải đã khiến các doanh nghiệp không đeo đuổi đến cùng các vụ khiếu kiện. Việc giải quyết vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh đã không triệt để. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh các chế tài xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tác động trực tiếp vào lợi ích vật chất của các doanh nghiệp, chú ý nguyên tắc tỷ lệ, tức là mức phạt phải tương xứng với mức lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được khi thực hiện hành vi vi phạm.

- Áp dụng phù hợp các chế tài hành chính, chế tài dân sự và chế tài hình sự.

Hiện nay, việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu bằng các chế tài hành chính, các biện pháp dân sự và hình sự vẫn có phần hạn chế. Do đó, công tác đấu tranh chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Việc áp dụng phù hợp hình thức chế tài cụ

thể đối với từng hành vi vi phạm sẽ có tác dụng răn đe, trừng phạt và giáo dục đối với xã hội.

- Đảm bảo sự hài hoà giữa các chế tài được quy định trong Luật Cạnh tranh với các chế tài được quy định trong các văn bản pháp luật khác.

Các chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định ở Luật Cạnh tranh và được chi tiết tại Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ. Tuy nhiên, các hành vi cạnh tranh trong các lĩnh vực chuyên ngành lại được quy định trong các văn bản pháp luật khác. Vì vậy, cần có những quy định rõ ràng về việc áp dụng chế tài thuộc văn bản luật nào, nếu có viện dẫn thì sự viện dẫn đó phải thống nhất. Mặt khác, cần phân định rõ thẩm quyền áp dụng chế tài giữa cơ quan quản lý cạnh tranh với các cơ quan quản lý chuyên môn.‌


3.3. NHỮNG KIẾN NGHỊ CỤ THỂ NHẰM HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT

NAM VỀ CHẾ TÀI ĐỐI VỚI HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH


3.3.1. Hoàn thiện thể chế pháp lý, thiết lập chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh một cách có hệ thống và đồng bộ

Muốn pháp luật cạnh tranh phát huy được hiệu quả trong việc điều chỉnh các hành vi cạnh tranh trên thương trường, ngăn chặn hiện tượng vi phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể kinh doanh, trước hết các quy định làm cơ sở pháp lý cần thiết phải đầy đủ, đồng bộ và thống nhất; các chế tài phải được thiết lập một cách có hệ thống và đủ sức răn đe. Để thực hiện được như vậy, cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:

Luật Cạnh tranh 2004 cần được sửa đổi, bổ sung để mở rộng chủ thể áp dụng đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Điều 2 Luật Cạnh tranh quy định đối tượng áp dụng của Luật này bao gồm các tổ chức, cá nhân kinh doanh và các hiệp hội ngành nghề hoạt động tại Việt Nam. Như vậy, Luật Cạnh tranh đã không kể đến các đối tượng như

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/11/2023