Chế định người bào chữa trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam - Lý luận và thực tiễn áp dụng trên địa bàn tỉnh Hải Dương - 7

của Điều tra viên và Giám thị Trại giam, thời gian và số lần gặp cũng bị hạn chế. Nên nhiều trường hợp NBTG, bị can, bị cáo không thể khai báo đầy đủ, rõ ràng cho NBC vì họ sợ Điều tra viên và Giám thị Trại giam “trù dập”. Hiện nay, tại Điều 10 Thông tư 70/2011/TT-BCA qui định: “khi NBC có văn bản đề nghị CQĐT cho gặp NBTG, bị can đang bị tạm giam thì CQĐT phải làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để NBC gặp NBTG, bị can; nếu từ chối cho gặp thì phải thông báo cho NBC biết bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối” [4, Điều 10]. Qui định này có nghĩa là việc gặp NBTG, bị can bị tạm giam là quyền của NBC và là nghĩa vụ của CQĐT. Từ đó, sẽ hạn chế tình trạng việc gặp NBTG, bị can của NBC trong giai đoạn điều tra phần lớn phụ thuộc vào sự cho phép của CQĐT.

Quyền đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo qui định pháp luật (điểm g khoản 2 Điều 58 BLTTHS năm 2003):

Quyền được sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra là một quyền mới so với BLTTHS năm 1988. Trong giai đoạn điều tra, quyền này cũng được qui định tại Điều 11 Thông tư 70/2011/TT-BCA, theo đó CQĐT phải tạo điều kiện thuận lợi cho NBC đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra: Điều tra viên phải tập trung những tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thành một tập hồ sơ. Nếu NBC đọc, ghi chép những tài liệu này, Điều tra viên bố trí cho NBC đọc, ghi chép tại phòng làm việc thuộc trụ sở CQĐT... Trường hợp NBC đề nghị sao chụp những tài liệu này, Điều tra viên trực tiếp sao chụp (bằng máy photocopy) tài liệu đưa cho NBC. Việc đọc, ghi chép hoặc sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án có liên quan đến việc bào chữa của NBC phải được lập biên bản ghi nhận, tài liệu giao cho NBC phải có bản thống kê các tài liệu kèm theo.

Ghi nhận quyền đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra giúp NBC nắm bắt được những tình tiết, diễn biến của vụ án, những chứng cứ buộc tội, gỡ tội đối với đối tượng bào chữa, biết được họ phạm tội gì, dựa trên những căn cứ buộc tội nào. Từ đó, giúp NBC chuẩn bị luận cứ bào chữa, tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Đồng thời, phát hiện những thiếu sót, hạn chế hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án, trên cơ sở đó đưa ra yêu cầu, khiếu nại cần thiết đối với cơ quan có thẩm quyền.

Quyền tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa (điểm h khoản 2 Điều 58 BLTTHS năm 2003):

NBC có quyền tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa. Trong quá trình hỏi, NBC được quyền hỏi bị cáo và những người khác về những vấn đề có liên quan đến vụ án để có được những câu trả lời theo hướng có lợi cho bị cáo. Qua đó, NBC đề nghị HĐXX lưu ý những lời khai có lợi cho bị cáo mà hồ sơ chưa phản ánh hoặc phản ánh chưa đầy đủ. Khi tranh luận, đặc biệt là khi luận tội, NBC lắng nghe, xem xét ý kiến liên quan tới việc phạm tội của bị cáo và trên cơ sở đó NBC phải phân tích, lập luận, đưa ra những lý lẽ để phát biểu ý kiến bào chữa cho bị cáo và bác bỏ lời buộc tội bị cáo. Quyền tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa là sự thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo hướng mở rộng hoạt động tranh tụng của NBC “các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để LS tham gia vào quá trình tố tụng, tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa… việc phán quyết của TA phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa…”[21]. BLTTHS năm 2003 đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước TA và các quy định khác để Kiểm sát viên phải chủ động trong việc thực hành quyền công tố, khi tranh luận còn ý kiến khác nhau thì phải đưa ra lập luận của mình đối với từng ý kiến. Bị cáo, NBC và

những người tham gia tố tụng khác có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, được trình bày hết ý kiến và tranh luận dân chủ tại phiên toà. HĐXX khi nghị án chỉ được căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác [43, Điều 217, 218, 222]; khi tham gia tranh luận, NBC được quyền đáp lại ý kiến của Kiểm sát viên và người khác không chỉ một lần như qui định của BLTTHS năm 1988. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến. Chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị Kiểm sát viên đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của NBC và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận [43, Điều 218]. Đây là những qui định tiến bộ, thể hiện sự bình đẳng, dân chủ của NBC trước CQTHTT, phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng, Nhà nước đề ra. Bởi sự tham gia xét hỏi tại Tòa là việc điều tra công khai nhất với sự có mặt của đầy đủ người tham gia tố tụng thì việc đối chất và đưa ra chứng cứ mới, bác bỏ những chứng cứ buộc tội sẽ có nhiều thuận lợi hơn, các tình tiết của vụ án được làm sáng tỏ trên cơ sở sự tham gia của các bên và những người liên quan, vì TA là cơ quan duy nhất có quyền tuyên một người có tội và áp dụng hình phạt đối với họ nên việc xác định tất cả các chứng cứ, tài liệu tại phiên tòa xét xử rất quan trọng, các tài liệu, đồ vật thu thập được tại phiên tòa được coi là có giá trị pháp lý cao nhất để HĐXX ra phán quyết đối với bị cáo. Qui định như vậy nhằm mở rộng và tăng cường hơn nữa môi trường dân chủ, tính công khai, công bằng của quá trình giải quyết VAHS, thiết lập các cơ chế bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người, bảo đảm quyền dân chủ cho bị can, bị cáo và NBC của họ, mở ra các điều kiện và khả năng tốt nhất để họ thực hiện quyền bào chữa; bảo đảm quá trình giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, triệt để, vô tư; bảo đảm việc giải

quyết vụ án được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật[59]. Việc xét hỏi và tranh luận của NBC tại phiên tòa tạo điều kiện cho NBC tham gia vào quá trình giám sát hoạt động của HĐXX và VKS, giúp bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đồng thời giúp HĐXX thực hiện việc xét hỏi đúng hướng, ra các quyết định đúng pháp luật bởi việc tham gia xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa nếu không thực hiện đúng qui định pháp luật sẽ dẫn đến sai lầm, làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm. Trên cơ sở kết quả tranh tụng tại Tòa, TA ra phán quyết đối với vụ án.

Quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điểm i khoản 2 Điều 58 BLTTHS năm 2003):

Trong các giai đoạn tố tụng, nếu NBC phát hiện thấy quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người THTT vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng bào chữa thì NBC có quyền khiếu nại những quyết định, hành vi tố tụng đó. Qui định này là sự cụ thể hóa nguyên tắc bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong TTHS tại Điều 31 BLTTHS năm 2003. NBC có thể khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng liên quan như: khiếu nại liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam; khiếu nại liên quan đến thủ tục tố tụng trong khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản như: không niêm phong tài sản, đồ vật bị thu giữ, không cho người bị tình nghi chứng kiến việc khám xét; trong khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể; khiếu nại về thủ tục tố tụng, thời hạn tạm giữ, tạm giam, gia hạn tạm giam; khiếu nại liên quan đến vấn đề giám định như: phương pháp giám định không phù hợp, căn cứ thiếu khách quan, dẫn đến kết quả giám định sai lệch; khiếu nại liên quan đến các hành vi cản trở NBC thực hiện quyền và nghĩa vụ trong các giai đoạn TTHS,… Quyền khiếu nại của NBC góp phần đảm bảo các quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người THTT mang tính khách quan, chính xác, đúng pháp luật,

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.

hạn chế việc vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của NBTG, bị can, bị cáo.

Quyền kháng cáo bản án, quyết định của TA nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất qui định tại điểm b khoản 2 Điều 57 của BLTTHS năm 2003 (điểm k khoản 2 Điều 58

Chế định người bào chữa trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam - Lý luận và thực tiễn áp dụng trên địa bàn tỉnh Hải Dương - 7

BLTTHS năm 2003):

Quyền này cũng được qui định tại Điều 231 BLTTHS năm 2003: “NBC có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Như vậy, quyền kháng cáo của NBC chỉ đặt ra trong trường hợp đối tượng bào chữa là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất qui định tại điểm b khoản 2 Điều 57 của BLTTHS năm 2003.

Từ qui định trên cho thấy, NBC có quyền kháng cáo độc lập không phụ thuộc vào ý chí của bị cáo và đại diện hợp pháp của họ. Bởi những đối tượng này thường chưa đủ khả năng nhận thức, trình độ, kiến thức, kinh nghiệm pháp lý còn hạn chế hoặc hạn chế về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Vì vậy, họ không thể xem xét bản án, quyết định tuyên cho mình có phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi do mình thực hiện hay không. Do đó, BLTTHS năm 2003 qui định NBC có quyền kháng cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo thuộc trường hợp trên là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, qui định quyền kháng cáo của NBC chưa thực sự đầy đủ, dẫn đến phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bởi BLTTHS không nói rõ quyền kháng cáo của NBC trong trường hợp này là độc lập hay phụ thuộc ý chí của bị cáo hoặc của người đại diện hợp pháp của bị cáo. Nên tại phiên tòa sơ thẩm, NBC là người đã thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những đối tượng trên, nhưng sau khi tham gia phiên tòa sơ thẩm, bản thân bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ

không chấp thuận hoặc yêu cầu NBC làm đơn kháng cáo nhưng NBC vẫn thực hiện quyền kháng cáo đối với bản án, quyết định của TA vì NBC cho rằng bản án, quyết định của TA là thiếu căn cứ, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng bào chữa. Do đó, sẽ nảy sinh mâu thuẫn, vậy NBC có thể tự mình thực hiện quyền kháng cáo được không hay phải có sự chấp thuận, yêu cầu của người được bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Trong trường hợp người được bào chữa và đại diện hợp pháp của họ không chấp thuận hoặc yêu cầu NBC kháng cáo nhưng NBC vẫn thực hiện quyền kháng cáo nên khi tham gia phiên tòa phúc thẩm thì theo qui định tại Điều 245 BLTTHS năm 2003, TA chỉ triệu tập NBC có kháng cáo, không triệu tập thân chủ của NBC. Vậy trong trường hợp, người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất nhận được bản án, quyết định của TA cấp phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật nhưng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ thì NBC có phải chịu trách nhiệm không?

Đối với trường hợp NBC tham gia bào chữa cho người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần theo yêu cầu của CQTHTT. Mặc dù, BLTTHS năm 2003 qui định Giấy chứng nhận NBC có giá trị trong suốt giai đoạn tố tụng nhưng thực tế cho thấy Giấy chứng nhận NBC được cấp theo từng giai đoạn tố tụng, nên trường hợp khi thụ lý để xét xử phúc thẩm, nếu bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì TA vẫn làm thủ tục yêu cầu cử NBC, do đó dẫn đến trường hợp tại phiên tòa phúc thẩm xuất hiện hai NBC: NBC tham gia ở giai đoạn phúc thẩm do TA phúc thẩm chỉ định và NBC tham gia từ giai đoạn sơ thẩm do thực hiện quyền kháng cáo.

Quyền bình đẳng với Kiểm sát viên trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước TA. TA có trách nhiệm tạo điều kiện cho NBC thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án (Điều 19 BLTTHS 2003 BLTTHS năm 2003):

Qui định này nằm trong chương II của BLTTHS (những nguyên tắc cơ bản). Đây vừa là nguyên tắc, vừa là quyền của NBC. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng vi phạm nguyên tắc này vẫn diễn ra phổ biến, có trường hợp Kiểm sát viên trong quá trình tranh luận không tôn trọng NBC, đưa ra những lời lẽ nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của NBC. Trái lại, cũng có trường hợp NBC thay vì đưa ra những chứng cứ gỡ tội, chứng cứ giảm nhẹ TNHS cho thân chủ thì lại đưa ra những lời nhận xét về thái độ, tác phong của Kiểm sát viên, đòi quyền bình đẳng với Kiểm sát viên trong mọi hoạt động tố tụng, có trường hợp NBC tranh luận gay gắt, tạo ra không khí căng thẳng, ứng xử thiếu văn minh nơi pháp đình,...

Như vậy, bằng việc qui định quyền của NBC trong TTHS đã góp phần đề cao vị trí, vai trò của NBC trong TTHS, tạo điều kiện cho NBC được tham gia một cách bình đẳng, dân chủ với cơ quan, người THTT, tránh sự lạm quyền từ phía cơ quan, người THTT, giúp CQTHTT giải quyết vụ án một cách khách quan, công minh, chính xác, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được bào chữa. Đồng thời, góp phần vào tiến trình cải cách tư pháp được đề ra trong các Nghị quyết của Đảng.

2.1.2. Nghĩa vụ của người bào chữa

Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật qui định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định NBTG, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ TNHS của bị can, bị cáo. Tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, thì NBC có trách nhiệm giao cho CQĐT, VKS, TA. Việc giao nhận các tài liệu, đồ vật đó giữa NBC và CQTHTT phải được lập biên bản theo qui định tại Điều 95 BLTTHS (điểm a khoản 3 Điều 58 BLTTHS năm 2003):

NBC có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp do pháp luật qui định để tìm ra sự thật khách quan của vụ án giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người

được bào chữa. Đây là nghĩa vụ đương nhiên và cũng là chức năng của bào chữa. Sử dụng mọi biện pháp ở đây không có nghĩa là sử dụng cả những biện pháp không hợp pháp để bào chữa cho thân chủ của mình như: cố tình xui bị cáo giả vờ ốm để hoãn phiên tòa dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, viện lý do bận việc không tham gia phiên tòa để HĐXX hoãn phiên tòa, hoặc lợi dụng sự quen biết với người THTT để “chạy án” giúp người được bào chữa,…NBC không được buộc tội hoặc làm tăng nặng TNHS đối với người được bào chữa kể cả trong trường hợp hành vi phạm tội của đối tượng bào chữa đã rõ ràng thì cũng cần phân tích giúp họ thành khẩn khai báo để nhận được sự khoan hồng của pháp luật, nếu họ không đồng ý thì NBC có quyền từ chối nhưng không được phép buộc tội thân chủ trước CQTHTT. Nếu như vậy là hoàn toàn trái với chức năng bào chữa và đạo đức nghề nghiệp. Qui định này nhằm hạn chế tình trạng NBC không có trách nhiệm với công việc bào chữa cho thân chủ của mình, đặc biệt trong trường hợp NBC tham gia theo yêu cầu của CQTHTT. Trên thực tế, chính tâm lý của NBC nhận thức sự tham gia của họ là hình thức nên họ không tích cực, chủ động trong việc sử dụng mọi biện pháp do pháp luật qui định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định thân chủ vô tội, những tình tiết giảm nhẹ TNHS của thân chủ họ.

Giúp NBTG, bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ (điểm b khoản 3 Điều 58 BLTTHS năm 2003):

Thông thường, NBTG, bị can, bị cáo khi bị “vướng vào vòng tố tụng” với tâm lý không ổn định, mặt khác trình độ nhận thức, kiến thức pháp lý của họ bị hạn chế nên sự trợ giúp về mặt pháp lý đối với họ là vô cùng cần thiết. Ví dụ: NBC có thể giải thích về quyền và nghĩa vụ của người được bào chữa, của cơ quan, người THTT, về việc thành khẩn khai báo để nhận được sự khoan hồng của pháp luật, động viên đối tượng bào chữa tự nguyện sữa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả để được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS,…

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/12/2022