Hôn nhân và gia đình tăng lên mà khảo sát một số xã trong huyện cũng có chiều hướng tăng lên tương tự.
Bên cạnh đó, khảo sát tình hình đăng ký kết hôn trên địa bàn xã Thanh Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho thấy: Trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chưa có hiệu lực pháp luật tỷ lệ nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn cao khoảng 60 %. Nhưng từ khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực thi hành thì đến nay tỷ lệ đó giảm xuống còn khoảng 5%, cụ thể: Năm 1999 có 90 cặp vợ chồng kết hôn không đăng ký; Năm 2001 có 42 cặp; Năm 2003 có 25 cặp; Năm 2005 có 27 cặp; Năm 2006 không có trường hợp nào kết hôn mà không đăng ký, chỉ còn có một số trường hợp chung sống như vợ chồng từ đã lâu mà họ vẫn chưa đăng ký theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã có tác động tích cực đến ý thức pháp luật của nhân dân trong việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật về vấn đề kết hôn. Mặc dù hiện tượng kết hôn vi phạm các quy định của pháp luật về vấn đề kết hôn trên thực tế khá nhiều song thực tiễn giải quyết thì lại ít bởi do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.
Bản án số 08/2007/HN&GĐ-ST ngày 29/8/2007 giữa hai vợ chồng anh Chử Văn Đức sinh năm 1953 và chị Trần Thị Phương sinh năm 1955 ở xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Anh Đức và chị Phương tổ chức đám cưới vào ngày 15/10/1976 nhưng không đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã Văn Đức. Sau khi cưới, hai anh chị sinh con và sống hạnh phúc đến năm 1982 thì phát sinh mâu thuẫn. Không thể chung sống kéo dài được, hai vợ chồng anh chị quyết định ra tòa xin không công nhận hôn nhân giữa hai người. Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm đã thụ lý đơn và ra quyết định công nhận hôn nhân thực tế giữa 2 vợ chồng anh chị. Tài sản của hai anh chị có được sẽ chia theo tài sản chung của vợ chồng.
Qua vụ việc trên cho thấy, anh Đức, chị Phương đã chung sống trong quan hệ vợ chồng được một thời gian dài mấy chục năm, có tổ chức đám cưới theo phong tục tập quán, có con chung và cùng xây dựng một khối tài sản chung. Đặc biệt hơn nữa trong suốt thời gian chung sống 2 người đã thực sự coi nhau như vợ chồng, cùng nuôi dạy con chung và chăm lo xây dựng gia đình. Với những căn cứ trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã công nhận hôn nhân thực tế giữa anh Đức và chị Phương là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các đương sự.
Bản án số 52/2006/LHST ngày 20/11/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã hủy kết hôn trái pháp luật giữa các đương sự: anh Lê Bá Tài sinh năm 1987 ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh và chị Nguyễn Thị Tâm sinh năm 1990 ở Thanh Chương, Nghệ An. Anh Tài và chị Tâm đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã Thanh Liên. Sau khi cưới cuộc sống chung không hạnh phúc. Tài là một người "nát rượu", anh Tài đã nhiều lần say rượu rồi đánh đập, hành hạ chị Tâm. Không thể chịu đựng mãi cuộc sống vợ chồng như thế này nên chị Tâm yêu cầu Tòa án ly hôn. Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An thụ lý và ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa anh Tài và chị Tâm.
Quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An là hoàn toàn phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Điều 9), Tòa án đã căn cứ vào việc cả hai kết hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật và cuộc sống chung không hạnh phúc, giữa hai người chưa có con chung. Quyết định trên, vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật vừa bảo vệ quyền và lợi ích giữa các đương sự.
Anh A sinh năm 1981 và chị L sinh năm 1982 đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã D tháng 8/1998, 2 người có con chung là cháu X. Đến năm 2001 mâu thuẫn giữa hai người nảy sinh, nguyên nhân là chị L sau khi sinh cháu X phải phẫu thuật, sức khỏe giảm sút, cuộc sống gia đình khó khăn. Anh A sa vào rượu chè... Thấy cuộc sống chung không thể tiếp tục nên chị L yêu
cầu ly hôn. Bản án số 05/LHST ngày 14/02/2002 Tòa án nhân dân huyện C căn cứ vào việc cả hai kết hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật. Có thể nói rằng, trong trường hợp này, Tòa án quyết định hủy kết hôn trái pháp luật giữa anh A và chị L là quá máy móc. Bởi vì, Tòa quyết định việc ly hôn khi anh A và chị L đều đủ tuổi kết hôn. Mặt khác, là anh chị đã có khoảng thời gian hạnh phúc từ năm 1998 đến năm 2001 và đã có một con chung. Giữa anh A và chị L chỉ mới phát sinh mâu thuẫn từ năm 2001. Vì vậy, trường hợp này Tòa án nên áp dụng hướng dẫn tại phần 2 - Hủy kết hôn trái pháp luật, Điểm d1 Mục 3 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP để giải quyết theo thủ tục ly hôn:
Nếu đến thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên đã đến tuổi kết hôn, trong thời gian đã qua họ chung sống bình thường, đã có con, có tài sản chung thì không quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn thì Tòa án thụ lý vụ án để giải quyết ly hôn theo thủ tục chung [59].
Có thể bạn quan tâm!
- Hậu Quả Pháp Lý Của Hủy Kết Hôn Trái Pháp Luật
- Thống Kê Của Sở Tư Pháp Hà Nội Về Kết Hôn Có Yếu Tố Nước Ngoài Năm 2005
- Thực Tiễn Áp Dụng Chế Định Kết Hôn Theo Luật Hôn Nhân Và Gia Đình Việt Nam Năm 2000
- Chế định kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000 - 13
- Chế định kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000 - 14
Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.
Bản án số 20/LHST ngày 12/09/2003 của Tòa án nhân dân huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã ra quyết định không công nhận là vợ chồng giữa anh Nguyễn Đắc Dưng sinh năm 1964 và chị Phạm Thị Ngần sinh năm 1973, cả hai đều cư trú tạo xã Liên Giang, Đông Hưng, Thái Bình. Anh Dưng và chị Ngần kết hôn với nhau vào tháng 11 năm 1993 hoàn toàn tự nguyện, chỉ tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán mà không đăng ký kết hôn. Sau khi cưới cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, cả hai đều ở nhà sản xuất, khi nhàn rỗi việc nhà nông anh Dưng lại đi làm ăn xa, chị ở nhà trông nom nhà cửa. Đầu 2002 anh Dưng đi làm ăn tận Vũng Tàu và cuộc sống vợ chồng bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn, anh chị sống ly thân, năm 2003 anh Dưng yêu cầu ly hôn (vì anh nghi chị Ngần ngoại tình trong lúc anh đi làm ăn xa). Tòa án huyện Đông Hưng đã thụ lý, xem xét và ra quyết định không công nhận họ là vợ chồng.
Xét thấy, quyết định của Tòa án nhân dân huyện Đông Hưng phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vì, anh Dưng và chị Ngần chỉ tổ chức lễ cưới theo phong tục mà không đăng ký kết hôn. Tuy anh chị có cuộc sống hạnh phúc, có con chung, có tài sản chung nhưng anh chị không đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (vi phạm thủ tục). Do vậy, mà cuộc hôn nhân của anh chị đã không được tòa án công nhận là vợ chồng. Quyết định này của Tòa "vừa đạt tình vừa đạt lý".
3.3. KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN
Cho đến nay kể từ khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực, cùng với nhiều văn bản hướng dẫn thi hành khác nhau, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã tạo các cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình. Chế định kết hôn được luật kế thừa, sửa đổi, bổ sung theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn tạo thành khung pháp lý trung tâm trong Luật Hôn nhân và gia đình điều chỉnh vấn đề kết hôn. Tuy nhiên, Luật còn một số điểm hạn chế, một số quy định còn chưa cụ thể rõ ràng, thiếu tính đồng bộ, chế tài áp dụng còn nhẹ chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng phức tạp của các mối quan hệ hôn nhân và gia đình trong thực tế.
Qua việc nghiên cứu chế định kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 với mong muốn hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị sau:
Thứ nhất: Theo quy định khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên mới được phép kết hôn.Theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP) thì "không bắt buộc nam phải đủ từ hai mươi tuổi, nữ phải đủ từ mười tám tuổi trở lên mới được kết hôn; do đó nam đã bước sang tuổi hai mươi, nữ đã bước sang tuổi mười tám mà kết hôn là không vi phạm
điều kiện về độ tuổi kết hôn". Điều 3 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Nghị quyết số 70/2001/NĐ-CP) cũng quy định "nam đang ở tuổi hai mươi, nữ đang ở tuổi mười tám thì đủ điều kiện về tuổi kết hôn theo quy định tại Điều 9 của Luật Hôn nhân và gia đình". Như vậy, chỉ cần nam bước sang tuổi hai mươi, nữ bước sang tuổi mười tám là đã đủ tuổi kết hôn. Trong khi đó, bộ luật Dân sự quy định: "Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên". Chính sự quy định mâu thuẫn này khiến các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh khi kết hôn người nữ bước qua tuổi mười bẩy và dưới tuổi mười tám thì không rất khó giải quyết. Điều này đòi hỏi các nhà làm luật phải sửa đổi, bổ sung sao cho đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ vợ chồng.
Hiện nay, trong xu thế hội nhập thế giới, Việt Nam ngày càng ký nhiều điều ước song phương, đa phương, công ước quốc tế với các nước trên thế giới; tham gia nhiều tổ chức quốc tế. Vì vậy, nhiều quy định của pháp luật Việt Nam cần sửa đổi, hoàn chỉnh cho phù hợp với tình hình thế giới hiện nay. Trên thế giới, nhiều quốc gia quy định độ tuổi kết hôn thấp hơn Việt Nam như pháp luật Cộng hòa Pháp quy định nam đủ mười tám tuổi tròn, nữ đủ mười lăm tuổi; pháp luật ở Thái Lan quy định cả nam và nữ đều mười lăm tuổi đã được kết hôn. Đối với nam, nữ Việt Nam hiện nay, mặc dù sự phát triển về thể xác và tâm hồn ngày càng sớm hơn, nhanh hơn thời xưa, song để đảm bảo cho sự duy trì nòi giống, sự chín chắn trong suy nghĩ, việc quy định nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi mới được kết hôn là phù hợp.
Tuy nhiên, cách tính tuổi như hiện nay là không phù hợp với các văn bản Luật khác của Việt Nam. Các tính tuổi "từ" 18, "từ" 20 gây khó khăn khi giải quyết những tranh chấp phát sinh từ việc kết hôn. Vì vậy, các nhà làm luật nên bỏ cụm "nam từ 20 tuổi, nữ từ 18 tuổi" mà nên quy định "nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi" mới được phép kết hôn.
Thứ hai: Theo quy định khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định cấm "người mất năng lực hành vi dân sự" kết hôn. Đây là quy định mang tính khái quát, như vậy chúng ta có thể hiểu một cách chung là: người mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức làm chủ hành vi của mình. Song để khẳng định một người mất năng lực hành vi dân sự phải dựa vào quyết định tuyên bố của Tòa án. Thực tế, có nhiều trường hợp họ mắc bệnh dẫn tới không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình nhưng không bị Tòa án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự nên họ vẫn được gia đình tổ chức kết hôn với người khác. Về mặt sức khỏe họ không thể làm chủ và nhận tức hành vi của mình, nhưng về mặt pháp lý thì họ vẫn chưa bị mất hành vi dân sự. Tuy nhiên, xét về mặt tình cảm, không ai trong gia đình lại làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố người nhà mình bị mất năng lực hành vi dân sự. Việc làm này là không phù hợp với truyền thống, đạo đức, tình cảm của người Việt. Do vậy, việc họ kết hôn với người khác thì pháp luật không thể cấm do không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Nhiều trường hợp phải đến khi kết hôn, sống chung với nhau, vợ (chồng) của họ mới phát hiện ra là chồng (vợ) của mình không có năng lực hành vi dân sự. Lúc đó sự đã rồi thì phải xử lý ra sao? Hậu quả của việc kết hôn này thì ai sẽ giải quyết? Để bảo đảm những người mất năng lực hành vi dân sự không thể kết hôn trên thực tế, đảm bảo cho quyền lợi của người liên quan, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cần có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, trong trường hợp biết là đối phương bị mất năng lực hành vi dân sự mà người con gái (con trai) vẫn chấp nhận kết hôn cùng thì ra sao? Liệu như vậy, việc kết hôn đó có được coi là kết hôn hợp pháp không? Sự đồng ý của một bên trong trường hợp bên kia không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì có bị coi là vi phạm điều kiện kết hôn không? Điều này Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, dễ dẫn đến sự không thống nhất khi xử lý các vụ việc liên quan.
Tại khoản b Điều 7 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định cấm kết hôn trong trường hợp "… đang mắc bệnh tâm thần không có khả năng nhận thức được hành vi của mình…". Đây là một quy định rất phù hợp với truyền thống đạo đức, tình cảm của người Việt và cũng đảm bảo quyền lợi của các bên kết hôn. Vì vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 nên sửa đổi theo điều trên.
Thứ ba: Theo quy định tại Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000: "người nào vi phạm các điều kiện kết hôn… thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu tránh nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường". Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 các hành vi vi phạm các điều cấm mới bổ sung như cấm kết hôn giữa những người đã từng là cha mẹ nuôi và con nuôi... Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định trách nhiệm hình sự rõ ràng cụ thể cho những hành vi vi phạm này nên dĩ nhiên trong một số trường hợp người vi phạm sẽ không bị xử lý về hình sự. Ví dụ: Trường hợp kết hôn vi phạm khoản 4 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 "kết hôn giữa những người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi..." không thể coi là tội loạn luân vì giữa họ không tồn tại quan hệ huyết thống. Hoặc không thể coi là tội vi phạm chế độ một vợ một chồng nếu các bên không còn tồn tại quan hệ hôn nhân với người khác. Vì vậy, để bảo đảm thực thi tốt Luật Hôn nhân và gia đình và chế định kết hôn nói riêng cần có đầy đủ chế tài để tất cả các điều cấm của luật được thi hành một cách triệt để. Không thể coi một số hành vi vi phạm đạo đức xã hội bị cấm chỉ đơn thuần phòng ngừa vi phạm, nếu không có quy định xử lý hình sự. Để thực hiện điều này cần phải sửa đổi, điểu chỉnh sự chênh lệch nhau giữa quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Bộ luật Hình sự năm 1999 và các văn bản liên quan khác sao cho phù hợp, thống nhất.
Tuy nhiên, thiết nghĩ, trong điều kiện hiện nay, điều cấm này không còn phù hợp nữa. Giữa họ, trên danh nghĩa, đã từng tồn tại mối quan hệ gia
đình với nhau, nhưng xét về quan hệ huyết thống thì hoàn toàn không có. Hướng đến xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa, theo cá nhân tôi, nên bỏ khoản 4 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
Thứ tư: Trường hợp kết hôn những người cùng giới tính (Điều 10 khoản 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000).
Xét về mặt sinh học, quan hệ đồng giới không đảm bảo mục đích duy trì nòi giống. Pháp luật đã căn cứ vào đó để cấm trường hợp kết hôn đồng giới. Nhưng xét về mặt tâm sinh lý thì đây cũng là một cách biểu lộ tình cảm giữa con người với nhau. Việc họ sống với nhau vẫn dựa trên yếu tố tự nguyện trong việc lựa chọn người bạn đời. Nhiều quốc gia đã thừa nhận kết hôn đồng thời nhưng Việt Nam vẫn chưa thừa nhận mối quan hệ này.
Hiện nay, tỷ lệ người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình ở Việt Nam khá cao: Theo thống kê của cơ quan chức năng, ở Việt Nam tỷ lệ người mắc bệnh giới tính là 1/10.000-12.000, tức là nước ta có khoảng 7000 người giới tính bị khuyết tật hoặc chưa được định hình [27]. Họ khao khát xác định lại giới tính để "tìm lại chính mình". Trước đây, khi Nghị định số 158/2005/NĐ-CP chưa có hiệu lực pháp luật nên những người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính này nếu nhờ y học can thiệp xác định lại giới tính thì không được pháp luật "ghi nhận". Bây giờ, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và Nghị định số 88/2008/NĐ-CP đã công nhận "việc xác định lại giới tính đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác." (Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 88/2008/NĐ-CP). Điều này cho phép những người xác nhận lại giới tính được trở về với giới tính thật của mình và được hưởng những quyền và nghĩa vụ của họ.
Trên thực tế các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều lúng túng khi giải quyết vấn đề này, dù có văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người thực hiện xác định lại giới. Trên đây là một số