Chế định cấp dưỡng trong pháp luật hôn nhân và gia đình năm 2000 - 14


nhân và vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Thứ ba: Để đảm bảo cho Chế định cấp dưỡng có tính khả thi chúng ta cần có một văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Bên cạnh đó các chế tài áp dụng do sự vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng nên có sự điều chỉnh kết hợp mang tính liên ngành của Luật Dân sự, Luật Hành chính, Luật Hình sự.

Thứ tư: Chúng tôi thiết nghĩ để cho quan hệ cấp dưỡng phát huy hết hiệu quả tích cực chúng ta nên qui định bổ sung chủ thể cấp dưỡng và cần qui định thứ tự chủ thể trong quan hệ cấp dưỡng.

Theo qui định BLDS thì cô, dì, chú, bác, cậu, mợ và cháu là những người ở hàng thừa kế thứ ba. Họ được quyền thừa kế tài sản của nhau. Nhưng trong chế định cấp dưỡng hiện hành chưa có qui định trách nhiệm cấp dưỡng của những chủ thể này. Bên cạnh đó, chế định cấp dưỡng hiện hành cũng chỉ mới qui định trách nhiệm cấp dưỡng của cha mẹ cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động, còn con đã thành niên có khả năng lao động nhưng đang đi học dở dang chưa có việc làm thì không được cấp dưỡng. Điều này gây khó khăn cho việc học hành cũng như cuộc sống của những người con này. Chúng tôi thiết nghĩ nên bổ sung loại chủ thể này vào chế định cấp dưỡng. Một số nước trên thế giới cũng qui định như nước Cộng hoà XHCN Tiệp khắc bố mẹ phải cấp dưỡng cho con đến 26 tuổi.

Chế định cấp dưỡng hiện hành qui định con đã thành niên có việc làm thì mới phải cấp dưỡng cho cha mẹ, ông bà. Như vậy những người con từ 16 tuổi đến 18 tuổi có việc làm có thu nhập khá thì không phải cấp dưỡng cho ông bà, cha mẹ là điều bất hợp lý.

Mặt khác hiện nay pháp luật về cấp dưỡng của nước ta chưa qui định về thứ tự trong quan hệ cấp dưỡng. Vì vậy khi một người cần được cấp dưỡng


trong khi họ vừa có cha mẹ và vừa có con đã thành niên thì cha mẹ hay con có nghĩa vụ cấp dưỡng trước? Một người ly hôn có khó khăn túng thiếu mà có cha mẹ và con đã thành niên có khả năng kinh tế thì vợ hoặc chồng đã ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng hay tất cả những người này phải có nghĩa vụ cấp dưỡng? Một người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhiều người thuộc hàng cấp dưỡng khác nhau thì giải quyết như thế nào? Để giải quyết những tình huống trên có hiệu quả thì phải qui định thứ tự cấp dưỡng. Luật của chúng ta chỉ qui định trường hợp một người cấp dưỡng cho nhiều người và trường hợp nhiều người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho một người hoặc nhiều người nhưng không phải là cơ sở để giải quyết những vướng mắc trên.

Điều 51 Luật HN&GĐ qui định về trường hợp một người cấp dưỡng cho nhiều người thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng thoả thuận với những người được cấp dưỡng về mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện cấp dưỡng cho phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của những người được cấp dưỡng, nếu không thể thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Như vậy có thể được hiểu khả năng cấp dưỡng của người có nghĩa vụ cấp dưỡng là được chia cho tất cả mọi người được cấp dưỡng thuộc cùng một hàng cấp dưỡng như cha mẹ cấp dưỡng cho nhiều con, anh cấp dưỡng cho các em… Song đối với trường hợp người được cấp dưỡng thuộc các hàng cấp dưỡng thì giải pháp này chưa phù hợp. Ví dụ: Một người phải cấp dưỡng cho cha mẹ già, con chưa thành niên, chồng (vợ) đã ly hôn như vậy có nghĩa là khả năng cấp dưỡng của người này chia đều cho tất cả những người trên là không thoả đáng. Bởi lẽ trong trường hợp này nếu cha mẹ già cần cấp dưỡng mà còn có những người con khác có khả năng cấp dưỡng thì không cần thiết buộc người này phải cấp dưỡng cho cha mẹ và như vậy khả năng kinh tế của người này sẽ tập trung cho con chưa thành niên và vợ hoặc chồng sau khi ly hôn thì sẽ hợp lý hơn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.


Theo Điều 52 trong trường hợp nhiều người cùng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho một người thì người có được cấp dưỡng thoả thuận với những người có nghĩa vụ cấp dưỡng về mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện cấp dưỡng cho phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của những người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của những người được cấp dưỡng, nếu không thể thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện thì tinh thần Điều 52 là một khi nhiều người cùng có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với một người thì nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ liên đới. Người có quyền được cấp dưỡng có thể yêu cầu bất kỳ người nào trong những người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện toàn bộ nghĩa vụ và sau đó người đã thực hiện xong nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền yêu cầu những người cùng có nghĩa vụ thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

Chế định cấp dưỡng trong pháp luật hôn nhân và gia đình năm 2000 - 14

Thứ năm: Nên sửa đổi phương thức cấp dưỡng. Luật hiện hành qui định phương thức cấp dưỡng một lần hoặc định kỳ hàng tháng, nhưng theo chúng tôi để qui định cấp dưỡng có hiệu quả thực sự thì nên thống nhất qui định phương thức cấp dưỡng một lần và được thực hiện ngay tại thời điểm xuất hiện sự kiện cấp dưỡng trong trường hợp khi có yêu cầu của một bên đương sự và nếu đương sự tự chứng minh rằng bên kia không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng: Như đương sự còn quá trẻ chắc chắn sẽ còn thiết lập gia đình mới, do tính chất công việc thu nhập không ổn định... Vì vậy việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ hàng tháng không có khả năng được thực hiện lâu dài. việc qui định phương thức cấp dưỡng hàng tháng cũng có những nhược điểm của nó, thông thường người thực hiện nghĩa vơ cấp dưỡng chỉ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình trong thời gian đầu rất đúng thời hạn về sau có thể do điều kiện công tác hoặc các lý do khác nhau mà chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và đến thời điểm nào đó thì không thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người được cấp dưỡng nữa. Vì vậy việc


áp dụng phương thức cấp dưỡng hàng tháng kéo dài hơn 10 năm là một qui định khó đảm bảo thi hành án có hiệu quả. Như vậy quyền lợi của người được cấp dưỡng không được bảo vệ. Vì thế chúng tôi thiết nghĩ khi chia tài sản của vợ chồng thì phải trích ra từ khối tài sản chung một số tài sản nhất định để đảm bảo cuộc sống cần thiết của những người được cấp dưỡng. Tuy nhiên số tiền này không trao trực tiếp cho người được cấp dưỡng hay người nuôi dưỡng người đó quản lý mà nên giao cho cơ quan thi hành án quản lý. Trong trường hợp này cơ quan thi hành án phải mở một “tài khoản cấp dưỡng” để quản lý tài sản của người được cấp dưỡng và hàng tháng trích ra một số tiền nhất định để người được cấp dưỡng đảm bảo cuộc sống của mình.

Thứ sáu: Cần sửa đổi và bổ sung các qui định về mức cấp dưỡng theo hướng dễ thực thi hơn trong cơ chế thị trường. Pháp luật hiện hành chỉ qui định mức cấp dưỡng do các bên tự thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Trên thực tế các Toà án áp dụng mức cấp dưỡng rất khác nhau. Để việc áp dựng pháp luật một cách thống nhất, để đảm bảo tính khả thi của các bản án, quyết định của Toà án cần có mức cấp dưỡng chung. Mức cấp dưỡng này có thể thay đổi theo giá thị trường và nên thống nhất hình thức cấp dưỡng thực hiện bằng tiền Việt Nam để thuận tiện cho việc thi hành án. Chúng tôi thiết nghĩa nên qui định mức cấp dưỡng chung theo thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng như một số nước đã làm. Như Bộ luật gia đình 1974 của Nhà nước cộng hoà Nhân dân Hung ga ri qui định mức cấp dưỡng tối thiểu bằng 20% tổng thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, trong trường hợp phải cấp dưỡng cho 2 người một lúc thì mức cấp dưỡng không quá 50% tổng thu nhập.

Thư bảy: Chúng tôi thiết nghĩ Nhà nước nên thành lập một “quĩ cấp dưỡng” do cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý và chi trả cho các trường hợp phải cấp dưỡng khi các chủ thể không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng


như phải đi làm nghĩa vụ quân sự, bÞ đi tù, cai nghiện. Sau đó người có bổn phận cấp dưỡng phải hoàn lại số tiền này theo lãi suất nhất định. Điều này đã được qui định trong luật gia đình của Ba-Lan, hung ga ri năm 1974.

Thứ tám: Cần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án các bản án, quyết định về cấp dưỡng

Thi hành án cấp dưỡng là một trong những cơ chế pháp lý nhằm đảm bảo quyền được cấp dưỡng thực sự đi vào cuộc sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được cấp dưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả điều chỉnh của chế định cấp dưỡng. Để nâng cao hiệu quả thi hành các bản án, quyết định về cấp dưỡng chúng ta cần:

Một: Trước hết chúng ta cần có một hệ thống pháp luật hoàn thiện về thi hành án dân sự. Hiện nay Nhà nước ta đã ban hành pháp lệnh thi hành án dân sự qui định tương đối toàn diện và cụ thể về việc thi hành án dân sự, theo đó người có nghĩa vụ cấp dưỡng có thể tự nguyện thi hành trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án. Nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng cách khấu trừ vào thu nhập (Điều 6, 49). Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày khấu trừ thu nhập, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã khấu trừ vào thu nhập có nghĩa vụ chuyển cho cơ quan thi hành án số tiền đó để trao cho người được cấp dưỡng (49, Điều 40). Ngoài ra việc cưỡng chế thi hành án cấp dưỡng còn được thực hiện bằng các biện pháp khác như khấu trừ tài khoản, trừ tiền, thu hồi các giấy tờ có giá trị bằng tiền, kê biên tài sản…. Tiền cấp dưỡng được ưu tiên thanh toán đầu tiên trong số tiền thi hành án của người có nghĩa vụ thi hành.

Hai: Triển khai và thực hiện đồng bộ vấn đề đăng ký quyền sở hữu tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, nghiên cứu thực hiện cơ chế quản lý thu nhập của tổ chức, cá nhân thông qua hệ thống tài khoản tại ngân hàng. Hiện nay


các qui định về các vấn đề trên hết sức lỏng lẻo và chưa đồng bộ. Đặc biệt là việc quản lý thu nhập của cá nhân không phải là công nhân, công chức, viên chức hầu như chúng ta không kiểm soát được.

Ba: Phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ thi hành án, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay có một số việc giao cho Ủy ban nhân dân xã đôn đốc thi hành. Theo chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11-9- 2001 thì những vụ việc có giá trị không quá 500.000đ thì giao cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, trị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành án.

Bốn: Nên thực hiện xã hội hoá hoạt động thi hành án dân sự, trong đó có việc thi hành các bản án về cấp dưỡng. Để đảm bảo việc thi hành án được thi hành theo đúng quyết định của Toà án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể được cấp dưỡng.


KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ


Chế định cấp dưỡng là một chế định đặc thù mang tính chất Dân sự – Hôn nhân gia đình. Nó đã được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam


từ năm 1945 đến nay và ngày càng hoàn thiện. Sự điều chỉnh của quan hệ pháp luật cấp dưỡng đã làm cho các thành viên trong gia đình càng ngày càng ý thức được trách nhiệm của mình. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường dẫn đến những biến động tích cực và tiêu cực đối với gia đình. Đó vừa là thành tựu vừa là thách thức đối với gia đình Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chúng ta cần phải nhận thức rõ tác động của chế định cấp dưỡng trong việc ổn định chức năng gia đình, gắn bó giữa các thành viên và đạo đức lối sống của người Việt Nam. Sự điều chỉnh của chế định cấp dưỡng đã mang lại hiệu quả cao. Trên thực tế việc chăm sóc, nuôi dưỡng giữa các thành viên gia đình dưới hình thức cấp dưỡng đã có những thành công đáng kể. Các chủ thể của quan hệ pháp luật HN&GĐ đã hiểu và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong việc nuôi dưỡng và cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình. Nhờ đó quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người cao tuổi, người không có khả năng lao động được đảm bảo, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, ổn định và văn minh, giảm đối tượng Nhà nước cần được bảo trợ. Tuy nhiên còn một số tồn tại mà chế định cấp dưỡng chưa đáp ứng được kể cả trong thực tế đời sống cũng như thực tế xét xử của Toà án. Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn chế định cấp dưỡng ở Việt Nam chúng tôi có một số kiến nghị sau đây:

1. Cần khẩn trương tổng kết, rà soát các văn bản pháp luật về cấp dưỡng để phát hiện những mâu thuẫn chồng chéo, kịp thời sửa đổi, bổ sung một số những qui định hiện hành cho phù hợp với sự phát triển của các quan hệ xã hội về hôn nhân gia đình trong giai đoạn CNH- HĐH

2. Tăng cường công tác tuyền truyền giáo dục ý thức pháp luật nói chung và pháp luật hôn nhân gia đình nói riêng nhằm làm chuyển biến quan điểm, nhận thức về HN&GĐ theo hướng tích cực.


3. Cần có văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Chế tài cấp dưỡng nên có sự điều chỉnh kết hợp mang tính liên ngành giữa Luật Dân sự, Luật Hành chính, Luật Hình sự.

4. Cần bổ sung chủ thể cấp dưỡng là: Con đã thành niên đang đi học tại các trường trung học, cao đẳng, đại học..., cô, gì, chú, bác, cậu, mợ, cháu. Đồng thời qui định thứ tự trong quan hệ cấp dưỡng.

5. Cần xây dựng “Qũi cấp dưỡng” do cơ quan bảo hiểm quản lý chi trả cho những người cần được cấp dưỡng trong một số trường hợp khẩn cấp nhằm bảo đảm quyền lợi của những người được cấp dưỡng. Đồng thời xây dựng cơ chế thành lập và quản lý “tài khoản cấp dưỡng” tại các ngân hàng để đảm bảo việc thi hành án về cấp dưỡng trong các trường hợp nghĩa vụ cấp dưỡng kéo dài.

6. Nên giải quyết cấp dưỡng một lần, trích từ khối tài sản chung của cha mẹ cho vào tài khoản cấp dưỡng dành cho con khi một bên yêu cầu và chứng minh được khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ hàng tháng là không khả thi của bên kia.

7. Nên qui định mức cấp dưỡng chung theo thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

8. Cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thi hành án và cán bộ tư pháp xã khi những vụ việc có giá trị thi hành một lần hoặc định kỳ hàng tháng dưới 500.000 đ được giao cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Nhằm làm sao cho những bản án, quyết định về cấp dưỡng được thực thi trong cuộc sống, bảo vệ quyền và lợi ích của người được cấp dưỡng.

Tài liệu tham khảo

Xem tất cả 126 trang.

Ngày đăng: 26/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí