thì ngửi hơi nước lã, chó nhà có máu mặt mới được cúng rượu thịt thật” [14;353]. Mặt khác, nếu chó đá với người lớn là con vật thiêng, nhất mực được tôn thờ, thì đặt con vật này trong mối quan hệ với đám trẻ làng quê, Tô Hoài lại “giải thiêng” cho nó. Bởi vì, với trẻ con, không có ranh giới giữa thiêng và tục, chó đá đơn giản chỉ là một vật vô tri, thế nên “trẻ con nghịch thi nhau cứ xoa đầu chó rồi dạng chân ra cưỡi chó…Có đứa mỏi chân, ngồi xổm lên đầu chó như với mẩu gỗ kê đít”. Chưa đủ, ngay trong thế giới của người lớn “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, con chó đá cũng phải chịu cảnh lao đao vòng tục luỵ. Trong nạn đói, con chó đá suýt nữa thì bị đào trộm, thoát vụ trộm, đến ngày áp Tết, đói và rét cắt da cắt thịt, “dì Bảy cắp cái rổ ra ngò. Dì Bảy đứng lại trước con chó đá, hai tay dì túm đầu con chó đá, lay mấy cái rồi bê lên, vụn đất lả tả. Dì bỏ con chó đá vào rổ, con chó đá lọt thỏm giữa cái vỉ buồm đậy trên” [14,355]. Trong mắt của dì Bảy, hay trong mắt của người đói lúc ấy, thì con chó chỉ “là hòn đá chứ cái quái gì. Để hòn đá sống cho người đói chết nhăn răng à?”. Như vậy, qua những chi tiết kì thú liên quan tới con chó đá, Tô Hoài không chỉ giản đơn ghi lại một nét phong tục thờ cúng của làng quê, mà, bằng cảm quan hiện thực của mình, ông gửi vào đó cả sự thật về những nỗi đời khó nhọc, thế nên, con chó đá là một hình ảnh đa nghĩa. Nó tượng trưng cho niềm tin và khát vọng được bình an của người dân, nhưng thân phận và sự hoạn nạn thăng trầm của nó còn gợi lên cái nhá nhem của còi đời, cái đáng thương và tính lưỡng diện của kiếp người nơi trần thế.
Các tác phẩm trong Chuyện cũ Hà Nội, do đặc điểm thể loại của nó, thường không thiên về cốt truyện. Tác phẩm trụ được là nhờ một phần lớn ở chi tiết độc đáo, một chi tiết mà đủ sức ám ảnh về những nghịch lý và thân phận con người. Đó là câu chuyện về một gia đình nghèo ở Trạm Trôi, trong thời kỳ Mặt trận Bình dân có hai đứa con “trạc lên ba, bốn, thau tháu như nhau”. Nhưng, điều khó hiểu là “hai đứa con xống áo khác hẳn nhau. Một
thằng thì áo chồi vàng choé, cái dấu bán khoán của nhà chùa đỏ sẫm to bằng bàn tay đóng giữa lưng. Cổ đeo vòng bạc đính chiếc vuốt hổ, cách thức của con nhà hiếm. Một thằng thì trần truồng nồng nỗng, mũi thò lò xanh xuống tận bụng, cái rốn lồi dài như thằng bé có hai dái. Thằng bé cởi truồng lúc nào cũng nắm váy mẹ khóc ê a. Cái thằng đeo vòng bạc áo quần tử tế kia được ẵm, hai gót chân trắng hồng” [14; 175]. Đã thế, môt đứa gọi người đàn bà bằng bu, đứa kia lại gọi người đàn bà bằng chị. Tìm hiểu mãi, mới biết, hoá ra “thằng gọi chị là con người ta ở ngoài phố đem về gửi. Ấy là hiếm nên lo xa thế, đã gửi nuôi mà vẫn sợ ma bắt”.
Và để đặc tả sự hiếu khách của một người nghèo nhưng lại mang tiếng là dân Kẻ Chợ, Tô Hoài đã miêu tả hành động của bà Ấm với bát phở chia năm: “Bà Ấm đặt cái liễn con đậy vung, xách quang đi mua bát phở một xu rưỡi nhiều nước. Một xu phở không, thêm nửa xu, được phở thịt. Bà Ấm đổ cơm nguội trộn vào liễn phở. Rồi xẻ ra mấy bát chiết yêu. Thằng con bà Ấm và cả tôi, cả ông bà, cả u tôi cùng chén một liễn chia thành năm sáu bát phở cơm nguội như thế” [14; 235]. Cách tả thong thả, điềm tĩnh và tỉ mỉ như những thước phim quay chậm và cận cảnh, để thấy nửa đồng xu thêm vào ấy là chắt bóp và hoang phí lắm với người đang tiêu nó. Bát phở kia trở thành niềm mong ngóng của cả người chiêu đãi lẫn người được chiêu đãi. Nên, đâu chỉ có những đứa trẻ con mà cả người lớn cũng dự phần vào bát phở trộn cơm nguội kia, hân hoan một cách xót xa. Trong chi tiết ấy, người đọc không chỉ nhận thấy cái khổ, cái tình, mà còn cảm thấy sự tằn tiệm, đảm đang của bà Ấm, niềm háo hức, sự hẫng hụt của một đứa trẻ con, sự ngậm ngùi của tác giả cho một kiếp phong lưu đã đến hồi mạt vận.
Nhưng, những kẻ phong lưu đến hồi mạt vận thường cố níu giữ hình ảnh thuở vàng son bằng những gì chắp vá, nên rất dễ tạo ra sự tương phản giữa thực chất với vẻ bên ngoài. Thế nên, “mới đầu tôi không ngỡ nhà ông
Ấm lại khốn khó. Cả ông bà lúc nào cũng ăn mặc oách lắm. Bà Ấm chứng chạc cái áo đoạn thâm, lót sa tanh cánh chả, giày mòm nhái. Khăn len tua nâu quấn rườm rà quanh cổ. Ông Ấm càng chỉnh tề hơn. Đôi giày ban đánh xì đạt đen nhánh. Quần là ống sớ thẳng tắp”. Phải đến khi nghe lời bình phẩm thẳng thắn và phũ phàng của ông ngoại “chẳng ra cái gì đâu, toàn là lộn kiếp người ta thải đấy mà. Nón dứa cụt mẹ nó cả cái núm chóp bạc kia kìa”, tôi mới ngớ ra, biết nhận ra cái nghèo hèn của kẻ mang nón thải. Chi tiết về chiếc nón dứa, mới trông “bóng nhoáng, choáng mắt. Nhìn kỹ, quả là nón đã bị tháo mất chóp. Tun hút một lỗ xuống đỉnh đầu, thò ngón tay vào ngoáy được” là một chi tiết hay. Nó không chỉ biểu lộ cái nhìn trẻ thơ, chiêm ngưỡng của một đứa trẻ nghèo với thế giới hào nhoáng (dù là giả tạo) bên ngoài nó, mà còn có khả năng nói lên những nỗ lực che đậy và cả sự nâng niu dấu ấn vàng son nay đã bị suy tàn của lớp người cậu ấm cô chiêu. Theo lối ấy, đứa trẻ kia “cứ mỗi lần lại tìm thêm ra những cái xấu xí trong cái choáng lộn ở người ông Ấm. Những vòng tròn hoa chữ triện to như cái trôn bát trên tấm áo gấm trần. Nhưng ở cuối vạt gần gấu chỉ còn phảng phất màu tím. Các hoa trên thân áo là những vết tròn mờ mờ. Hai bên bả vai, mồ hôi muối đã ăn ra thành màu xỉn gỉ sắt” [14;236]. Đó chính là những chi tiết đậm màu hiện thực, một thứ hiện thực không tô hồng cũng chẳng cố ý bôi đen hay hạ thấp đối tượng mà mình đang mô tả, Tô Hoài đã trả mọi con người về với cái đời thường của nó. Tất nhiên, như người đọc tự chiêm nghiệm thấy, từ cái nhìn lý tưởng hoá, chiêm ngưỡng đến cái nhìn thực tế thẳng thắn và sắc sảo không phải ngày một ngày hai và chắc chắn sẽ phải trải qua sự thất vọng vì phát hiện ra cái đẹp kia không thực đẹp như mình đã thấy. Tức là, qua những chi tiết sắc sảo trong Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài, người đọc không chỉ thấy vấn đề thân phận con người hay chiều sâu hiện thực, mà điều đáng kể là, người đọc còn bắt gặp cuộc “lột xác” của những cái nhìn. Bởi tác phẩm là hồi ức và cũng là sáng tạo, trong hồi kí,
người ta có thể bắt gặp nhiều cái nhìn trong một cái nhìn, thậm chí, đó còn là những cái nhìn đối lập, tương phản để rồi bổ sung thấm thía cho nhau.
Để tô đậm sự nghèo của một làng quê, Tô Hoài đã chọn đúng ngày hội, vì lễ hội vốn là ngày vui và cần sự phô trương bộ mặt của làng, mà tất nhiên, nhân vật trung tâm được người dân dồn công phu nhất sẽ là ông thành hoàng, vậy mà “cái năm ấy mất trộm bộ áo thánh, rồi làng chẳng sắm nổi cái áo mới cho ông thành hoàng…phải lấy vạt cờ đuôi nheo trùm lên ngoài làm áo khoác cho thánh”. Sự “giật gấu vá vai” ấy rò ràng đã lột tả đỉnh điểm của cái nghèo. Thành hoàng đã phải mặc tạm bợ thế, huống chi phường tuồng hát. Thế nên, không chỉ tả trang phục của thánh nhân, Tô Hoài còn tô đậm cả gánh đồ của phường hát làng mình. Tất cả chỉ “có mỗi một cái hòm mộc đựng áo quần mũ mãng. Anh kép gánh đồ phải quảy một đứa bé một bên cho cân”. Chi tiết đắt giá về gánh hàng phường hát ấy quả đã nói lên rất nhiều về cái nghèo, sự thê thảm của người đi hát, nhưng nó còn bộc lộ cả cái nhìn vừa chua xót vừa hóm hỉnh của Tô Hoài. Nhưng, dường như thế vẫn còn chưa đủ, Tô Hoài còn bóc lớp vỏ ngoài của một ông tướng bằng quan sát trẻ thơ, để thấy “một bác đóng kép tướng, nách cài hai miếng gỗ, cắm sáu lá cờ con con, sặc sỡ như trẻ con đeo bùa ngày tết”. Vậy mà đấy còn là sự hào nhoáng bề ngoài; đằng sau sân khấu (mà sau sân khấu chỉ có cái buồng trò che cái chiếu) còn nhếch nhác thảm hại hơn, cảnh tượng hài mà cũng đắng lòng hơn. Bác kép vừa nghỉ vai đã “nhảy phắt vào, cởi phăng giáp trụ lôi thôi, rút vội miếng gỗ cắm cờ đằng lưng, gò cạch cạch mấy cái xuống mặt hòm. Một lũ rệp đói to bằng móng tay đen mờ rơi lả tả trong ánh đèn hoa kỳ nhạt nhẽo. Rệp đốt bác từ lúc còn đang đứng múa hát ngoài kia”. Trong hình ảnh của bác kép đóng tướng này, người ta thấy một kiểu khác của tướng về hưu (nhưng đây chỉ là tướng giả), một bóng dáng của Kép Tư Bền (không diễn cái gây cười, mà diễn sự oai phong, nhưng kẻ oai phong đang bị rệp đói tấn công khốn khổ), nhưng vẫn có nét riêng, vì nhân
vật này được quan sát bằng cái nhìn ngây thơ và tò mò của những đứa trẻ quê đích thực. Vậy mà, đây chỉ là một nhân vật thoáng qua trong tác phẩm Hội làng của Tô Hoài. Cái thoáng qua mà có khả năng gây ám ảnh và gợi nhiều liên tưởng chính là nhờ đến những chi tiết đặc sắc của Tô Hoài.
Có thể thấy, Tô Hoài viết theo hứng chứ không cấu trúc câu chuyện một cách chặt chẽ, viết chạy theo mạch tình cảm của nhân vật nhằm bộc lộ tâm hồn nhân vật, tưởng chừng như lang bang, nhưng mạch văn liên tục từ đầu đến cuối Stendhal có lần bảo Balzac: "Tôi không bao giờ nghĩ đến nghệ thuật viết một cuốn tiểu thuyết. Tôi không băn khoăn về quy luật". Ông còn nói: "Chắc hẳn chỉ có những tình cảm là thực, song để đạt tới chân lý phải thêm bốn dấu thăng trên những điều diễn tả của tôi". Balzac phải khen ngợi Đỏ và Đen là "một bức tranh năm chục bộ chiều ngang và ba chục bộ chiều cao, một bức tranh được tạo nên bằng sự tinh tế đầy tính chất Hòa Lan". Jean Prévost thì nhận xét: "Nhà văn bẩm sinh này đặt rất đúng mọi vấn đề về động tác và tâm lý, và tỏ vẻ thông thạo mọi khó khăn của nghề viết văn". Tô Hoài có sự tinh tế trong tác phẩm của mình vì chỉ viết về những cái gì mình quen thuộc, và đã làm đúng như lời của Stendhal: "Viết mỗi ngày một ít, thiên tài hay không cũng vậy" và "Tôi phải lao thân vào đời để tìm hiểu con người bằng kinh nghiệm bản thân". Vũ Ngọc Phan từ năm 1942 đã tiên kiến: "Tô Hoài tỏ ra không giống một nhà văn nào trước ông và cũng không giống một nhà văn nào mới nhập tịch làng văn như ông", quả là tinh đời.
Có thể bạn quan tâm!
- Người Kể Chuyện Biết Lắng Nghe Trầm Tích Văn Hóa Từ Những Chuyện Đời Thường
- Ngôn Ngữ Tự Nhiên, Có Sự Pha Trộn Nhiều Màu Sắc
- Phát Hiện Miền Không Gian Mới, Hé Lộ Những Cuộc Đời Dễ Bị Lãng Quên Của Hà Nội Phồn Hoa.
- Cảm quan hiện thực trong Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài - 14
Xem toàn bộ 119 trang tài liệu này.
KẾT LUẬN
1. Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài là một tác phẩm hấp dẫn, có giá trị cả về mặt lịch sử, văn hoá lẫn giá trị nghệ thuật văn chương. Xuất phát từ quan niệm viết văn độc đáo, từ tình yêu thiết tha dành cho Hà Nội, Tô Hoài đã viết nên những trang văn với cảm quan hiện thực sâu sắc, tiếp nối những trang văn về cảm hứng Hà Nội. Đó là cảm nhận riêng của Tô Hoài về thủ đô, trong đó chứa đựng những quan niệm và cách cắt nghĩa riêng về không gian nghệ thuật này của người nghệ sĩ.
Trước cuộc sống hiện thực muôn màu muôn vẻ, nhà văn đặc biệt quan tâm và có niềm say mê mãnh liệt với con người và cuộc sống đời thường - đó là cuộc sống sinh hoạt, quan hệ thế sự, là những sinh hoạt phong tục, tập quán trong cuộc sống bình thường của lớp người lao động bình dân và lớp dân nghèo thành thị. Yếu tố thể hiện tư tưởng nghệ thuật và có tính chất quyết định được coi là hạt nhân phong cách nghệ thuật Tô Hoài là cảm quan hiện thực đời thường. Quả thực, đây là cảm quan chi phối toàn bộ những sáng tác của Tô Hoài trong suốt hành trình sáng tạo không biết mệt mỏi của nhà văn.
2. Cảm quan hiện thực về Hà Nội đã khiến Tô Hoài phá vỡ nhiều ước lệ vốn tồn tại lâu nay, ông nhìn Hà Nội trong tổng thể như một không gian đã và đang lưu giữ những nét đẹp truyền thống qua dâu bể thời gian, đồng thời cũng là nơi có sự tồn tại phồn tạp của nhiều giá trị, nhiều kiểu người, nhiều lối sống. Ở không gian ấy, Tô Hoài đã khám phá và xây dựng những tính cách đa dạng, những số phận đa đoan. Nhà văn khiến người đọc hình dung rò sự trầm luân, cơ cực của những kiếp người, từ những đứa trẻ trèo me, trèo sấu đến những người kéo xe, buôn thúng bán bưng, từ thân phận thầy đồ nghèo đến những người ven đê, ven chợ. Nhưng ngay trong những số phận tưởng như chung chữ nghèo ấy lại là những tính cách đa dạng, rất đời. Có sự chân quê mà vẫn thừa láu lỉnh, có sự đạo mạo mà vẫn tinh quái, có oai phong và nhếch
nhác trộn nhau, nhân hậu và lì lợm đan cài…Sự phong phú mà nhất quán của những tính cách ấy là kết quả cái nhìn con người sâu sắc và thấm thía của Tô Hoài, cái nhìn vừa tôn trọng vừa giải thiêng, nhìn con người đúng là con người vậy.
Là một người có nhãn quan phong tục đặc biệt, Tô Hoài đã làm sống dậy cả những vẻ đẹp một thời xưa cũ, những phong tục đã mai một, những lễ hội với tất cả nét tinh khôi nguyên sơ tưởng đã mất từ lâu. Nhà văn cũng không ngần ngại chỉ ra sự tồn tại và cả nguy cơ phát triển của những hủ tục lạc hậu về đám ma, đám giỗ hay đám cưới, với mong muốn bảo tồn những nét đẹp thanh nhã, hạn chế sự bùng nổ của những gì quá thực dụng hay gánh nặng của thói quen, nếp nghĩ sai lầm vốn tồn tại quá lâu trong cộng đồng này.
3. Chuyện cũ Hà Nội được tái bản với sự bổ sung, trau chuốt hơn nhiều so với trước, đặc biệt về giá trị văn chương. Người đọc vẫn bắt gặp một người kể chuyện vừa duyên dáng, hài hước, tế nhị, vừa lạnh lùng, sắc sảo, tinh quái. Người kể chuyện ấy khi thì hoá thân thành một chú bé trở lại với thời thơ dại, khi là một thanh niên, một trí thức nghèo lặng lẽ khám phá ngò ngách thủ đô, lúc trầm ngâm là một ông già, một chứng nhân của Hà Nội trong gần thế kỷ suy ngẫm về nhân thế. Ông tước bỏ mọi vinh quang, từ chối mọi mĩ từ mà người ta thường khoác lên cái tôi trong hồi kí. Sự trung thực ấy ở Tô Hoài không cần tới sự lên gân, bởi nó là hệ quả tất yếu của cái nhìn mang cảm quan hiện thực kia. Làm sao có một cảm quan hiện thực sâu sắc nếu người kể chuyện là một kẻ không sòng phẳng mà chỉ ưa tô vẽ? Người kể chuyện trong Chuyện cũ Hà Nội đã đạt đến điều chân thật, sinh động giản dị mà cao quý ấy.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ trần thuật của Tô Hoài luôn có ý thức vươn tới sự đa thanh (hay đó là sự đa thanh tự nhiên toát lên từ cuộc đời đa sự?). Ngôn ngữ của ông có sự tổng hoà giữa chất mộc mạc và sự thâm thuý, chọn chữ, nhả từ tưởng như dễ dãi mà thực ra kỹ lưỡng, khắt khe. Đặc biệt, nhân vật của ông luôn có hệ ngôn ngữ riêng đầy cá tính, dù chỉ xuất hiện thoảng qua nhưng
mỗi lời nói đều có những dấu hiệu riêng, hơi thở riêng không dễ lẫn với nhân vật khác.
Tô Hoài đã tạo dựng được một không gian nghệ thuật riêng cho Hà Nội khi ông khám phá những miền không gian mới, những góc khuất, những phía tưởng như vĩnh viễn sẽ bị lãng quên hay ở ngoài lề một Hà Nội phồn hoa, nhưng chính nó lại làm nên gương mặt Hà Nội xưa có một không hai. Hơn nữa, được soi chiếu trên chiều dài thời gian, Hà Nội trong tác phẩm này hình thành hai miền không gian đối lập giữa quá khứ và hiện tại, để thấy nét đổi thay, để thấy dấu chân của thời gian hay những tang thương Hà Nội còn in trên mỗi bậc đá, mỗi viên gạch vỉa hè mà không phải ai cũng nhận thấy hay đọc được.
Tác phẩm tưởng như lan man mà vẫn ám ảnh, kề cà mà đọng nhiều dư vị, bởi Tô Hoài đã chọn được những chi tiết đặc sắc cho các trang viết của mình. Cảm quan hiện thực được bộc lộ sâu sắc qua những chi tiết bóc trần bản chất của hiện tượng. Đó là sự khánh kiệt bên vẻ ngoài hào nhoáng, sự thảm hại đằng sau vẻ oai phong, thân phận của con người qua thân phận của những vật thờ, vật cúng. Chi tiết sắc sảo tự nó nói lên nhiều điều, làm người ta vỡ lẽ và ngộ ra nhiều thứ về chiều sâu của hiện thực đời sống vốn rất dễ ngộ nhận này.
Đánh giá về Tô Hoài và văn nghiệp của ông, đặc biệt Chuyện cũ Hà Nội không phải là công việc làm một lần và bởi một người. Bởi văn Tô Hoài nói chung và hồi kí nói riêng thực sự là những tác phẩm có giá trị, như một mạch ngầm trong lòng đất, càng khơi càng trong, càng ngọt ngào bất ngờ và thú vị. Nghiên cứu cảm quan hiện thực trong Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài, chúng tôi mong muốn góp một tiếng nói để ghi nhận những đóng góp của Tô Hoài cho mảnh đất ngàn năm văn hiến, đồng thời khẳng định tình yêu máu thịt của nhà văn với mảnh đất thiêng liêng này.