Các tội xâm phạm tính mạng của con người trong Luật hình sự Việt Nam trên cơ sở các số liệu xét xử của Toà án tỉnh Bình Dương - 2

xâm phạm tính mạng con người, còn nhiều trường hợp chưa tương xứng với tính chất, mức độ tội phạm. Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng trong việc vận dụng pháp luật, do luật hình sự (LHS) qui định còn chưa cụ thể, rõ ràng, nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh, xử lý đối với loại tội phạm này.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, trong quá trình kiến thiết và bảo vệ đất nước, vấn đề bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt coi trọng, nhất là trong hoạch định chính sách hình sự, nhằm đảm bảo cho hoạt động phòng và chống tội phạm đạt hiệu quả cao, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước hội nhập với quốc tế. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011 – 2020 của đất nước, Đảng ta đưa ra quan điểm: “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”.

Tuy nhiên, từ thực tiễn của cuộc sống mỗi ngày diễn ra hết sức sôi động, tình hình tội phạm xâm phạm tính mạng con người diễn ra rất đa dạng, phức tạp, trong khi đó chính sách hình sự (CSHS) nói chung và hệ thống pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm nước ta nói riêng vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, đảm bảo đủ cơ sở pháp lý cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, đáp ứng theo yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, đem lại bình yên cho cuộc sống.

Với ý nghĩa trên, tác giả chọn đề tài: Các tội xâm phạm tính mạng của con người trong LHS Việt Nam (trên cơ sở các số liệu xét xử của Toà án tỉnh Bình Dương) để nghiên cứu.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Các tội xâm phạm tính mạng con người được nhiều nhà khoa học pháp lý trong nước quan tâm nghiên cứu. Sau khi BLHS năm 1985 được ban hành,

tội xâm phạm tính mạng con người được đề cập trong nhiều giáo trình, sách pháp lý, đề tài nghiên cứu như: Giáo trình LHS Việt Nam trong Phần các tội phạm của Khoa luật, Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Nhà xuất bản ĐHQGHN; Giáo trình LHS Việt Nam, tập II của Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân năm 1998; Bình luận khoa học BLHS của Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1987 sau đó tái bản năm 1992, 1997.

Sau khi BLHS năm 1999 được ban hành, đề tài “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người” của TS Trần Văn Luyện, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000; Giáo trình LHS Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2000; Giáo trình LHS Việt Nam, Phần các tội phạm của Khoa luật, ĐHQGHN, Nhà xuất bản ĐHQGHN, Hà Nội, 2002, Tập thể tác giả do GS.TSKH Lê Văn Cảm chủ biên; Bình luận khoa học BLHS 1999 - Phần các tội phạm của PGS.TS Phùng Thế Vắc và các tác giả khác, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2001; Bình luận khoa học BLHS, Phần các tội phạm, tập I (Bình luận chuyên sâu) của Th.S Đinh Văn Quế, NXB thành phố Hồ Chí Minh, 2002; Bình luận khoa học BLHS (được sửa đổi, bổ sung) của PGS.TS Trần Minh Hưởng, NXB Hồng Đức, 2012.

Các công trình nói trên đã đề cập tội xâm phạm tính mạng con người dưới góc độ pháp lý hình sự nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống về nhóm tội này. Vì vậy, việc lựa chọn đề tài các tội xâm phạm tính mạng của con người làm luận văn thạc sĩ luật học là phù hợp với thực tế yêu cầu về xây dựng và hoàn thiện pháp luật hình sự (PLHS) hiện nay.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.

- Mục đích nghiên cứu:

- Làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận chung về các tội xâm phạm tính

Các tội xâm phạm tính mạng của con người trong Luật hình sự Việt Nam trên cơ sở các số liệu xét xử của Toà án tỉnh Bình Dương - 2

mạng con người; những dấu hiệu pháp lý hình sự đặc trưng của tội phạm này trong PLHS Việt Nam hiện hành.

- Phân tích, đánh giá những quy định về các tội xâm phạm tính mạng con người trong PLHS nước ta, thực trạng điều tra, truy tố, xét xử các tội danh này trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm rút ra những tồn tại, hạn chế về lập pháp, áp dụng PLHS, qua đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện PLHS, góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

- Nhiệm vụ nghiên cứu:

Để đạt được những mục đích trên, đề tài đi sâu giải quyết các nhiệm vụ cơ bản sau:

+ Nghiên cứu làm rõ lý luận cơ bản về các tội xâm phạm tính mạng con người trong LHS Việt Nam và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các tội xâm phạm tính mạng con người trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 05 năm 2008-2012.

+ Đề xuất nội dung để hoàn thiện các quy định của BLHS hiện hành về các tội xâm phạm tính mạng con người và một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu:

Các qui định của CSHS Việt Nam, tập trung nhất là BLHS Việt Nam và các công trình nghiên cứu, chuyên khảo về khoa học pháp lý liên quan đến tội xâm phạm tính mạng con người, thực tiễn xử lý tội này của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2008-2012.

- Phạm vi nghiên cứu:

+ Phạm vi về nội dung: Các tội xâm phạm tính mạng con người được qui định ở nhiều chương của BLHS, tuy nhiên trong khuôn khổ luận văn này,

tác giả xác định phạm vi nghiên cứu các tội xâm phạm tính mạng con người là các tội phạm quy định tại Chương XII của BLHS năm 1999 và thực tiễn xử lý các tội xâm phạm tính mạng con người trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

+ Phạm vi về thời gian: Khảo sát thực tế 5 năm, từ năm 2008 đến năm 2012.

5. Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài

- Cơ sở lý luận:

Cơ sở lý luận của luận văn là hệ thống các quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng cộng sản Việt Nam về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội xâm phạm tính mạng con người nói riêng; là các văn bản pháp luật, các giáo trình về LHS nói chung và các tội xâm phạm tính mạng con người nói riêng.

- Cơ sở thực tiễn:

Là kết quả khảo sát tình hình xử lý tội phạm xâm phạm tính mạng con người trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong 5 năm từ năm 2008 đến năm 2012 trên cả hai phương diện: Những kết quả đạt được, hạn chế thiếu sót và nguyên nhân hạn chế, thiếu sót.

6. Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình nghiên cứu áp dụng những phương pháp nghiên cứu: Tổng hợp, phân tích, thống kê, so sánh, điều tra xã hội học, tọa đàm trao đổi và phương pháp chuyên gia.

7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn

- Ý nghĩa lý luận:

Nội dung của đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong quá trình giảng dạy chuyên ngành luật và nghiên cứu hoàn thiện PLHS Việt Nam.

- Ý nghĩa thực tiễn:

Những đề xuất của đề tài có thể được nghiên cứu, sử dụng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng chống tội phạm, cũng như trong hoạt động tố tụng, nhất là trong giai đoạn xét xử, định tội danh, quyết định hình phạt đối với các vụ án xâm phạm tính mạng con người.

Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu về khoa học pháp lý nói chung, khoa học LHS và áp dụng thực tiễn công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật…

8. Cấu trúc nội dung của đề tài

Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, nội dung của đề tài được cấu trúc thành 03 chương.

- Chương 1: Một số vấn đề chung về các tội xâm phạm tính mạng con người.

- Chương 2: Thực tiễn xét xử các tội xâm phạm tính mạng con người trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2008 - 2012.

- Chương 3: Hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về các tội xâm phạm tính mạng con người và một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng.

Chương 1‌

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ

CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG CỦA CON NGƯỜI


1.1. Khái quát lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm tính mạng của con người

1.1.1. Giai đoạn từ năm 1945 đến trước khi ban hành BLHS năm 1985

Trải qua các giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển, xuất phát từ đặc điểm riêng của mình, LHS Việt Nam nhìn chung có nhiệm vụ bảo vệ chế độ, quyền làm chủ của nhân dân, quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người có ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Từ khi ra đời đến nay, LHS Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ thay đổi, phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tăng cường giao lưu hội nhập với quốc tế của đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

* Thời kỳ 1945-1954:

Thời kỳ này đánh dấu bước phát triển quan trọng của quá trình lập pháp hình sự. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền nhân dân non trẻ phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Nền kinh tế của đất nước vốn đã nghèo nàn, lạc hậu, trong khi đó các thế lực thù địch câu kết với nhau dùng nhiều thủ đoạn thâm độc nhằm đánh đổ chính quyền nhân dân do Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta phải đánh đổi biết bao mồ hôi, xương máu mới giành được. Miền Nam, được sự yểm trợ của quân Anh, Thực dân Pháp xâm chiếm Sài Gòn, rồi sau đó các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Trong những ngày đầu giành được chính quyền và liên tiếp thời gian sau đó, để ổn định an ninh trật tự trong điều kiện chưa xây dựng được hệ thống luật pháp hình sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh ban hành hàng loạt các sắc lệnh nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trước mắt. Trong giai đoạn 1945-1954, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản sau:

- Sắc lệnh số 21/SL ngày 14/2/1946 trừng trị bọn phản cách mạng, bọn địa chủ cường hào ngoan cố;

- Sắc lệnh số 26/SL ngày 25/2/1946 trừng trị tội phạm phá hoại công sản;

- Sắc lệnh số 27/SL ngày 28/2/1946 trừng trị các tội phạm bắt cóc, tống tiền, ám sát;

- Sắc lệnh số 40/SL ngày 29/3/2946 đảm bảo tự do cá nhân;

- Sắc lệnh số 223/SL ngày 20/01/1953 trừng trị tội phạm xâm hại đến an toàn nhà nước;

- Sắc lệnh 150/SL và Sắc lệnh số 151/SL ngày 12/4/1953 trừng trị địa chủ chống pháp luật…

Ở giai đoạn này, LHS phải thực hiện nhiệm vụ chung là bảo vệ chính quyền nhân dân còn non trẻ, trừng trị bọn Việt Gian, phản động để phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi; trừng trị bọn địa chủ cường hào ngoan cố, các đối tượng hình sự lợi dụng xã hội nước ta còn chưa ổn định có hành vi gây phương hại đến chính quyền, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của nhân dân.

Liên quan đến hành vi xâm phạm tính mạng con người có các sắc lệnh: Sắc lệnh số 27/SL ngày 28/2/1946 trừng trị tội bắt cóc, tống tiền, ám sát. Sắc lệnh này nhằm chống lại tình hình bọn "Việt Nam quốc dân Đảng" dùng các thủ đoạn bắt cóc, tống tiền, ám sát để chống phá cách mạng và Nhà nước ta. Về hình phạt đưa ra cũng khá nghiêm khắc: Những người phạm tội bắt cóc, tống tiền và ám sát sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 10 năm và có thể bị xử tử hình.

Như vậy, sau Cách mạng Tháng tám thành công, Nhà nước ta tuy còn rất non trẻ nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích cực tiến hành hoạt động lập pháp hình sự. Và chỉ trong thời gian ngắn đã ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm PLHS, đáp ứng yêu cầu giữ vững chính quyền nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài của cả nước.

Bước vào thời kỳ toàn quốc kháng chiến, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) đến ngày 20-7- 1954, quân dân cả nước đã tiến hành cuộc kháng chiến ròng rã chín năm với nhiều đau thương mất mát và cuối cùng đã giành được thắng lợi: Đánh đuổi đế quốc Pháp ra khỏi đất nước, mở ra thời kỳ mới- Cách mạng XHCN ở Miền Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ ở Miền Nam.

Nghiên cứu các văn bản quy phạm PLHS được ban hành trong thời kỳ này liên quan đến các tội xâm phạm tính mạng con người nói riêng và các qui định của LHS nói chung có một số đặc điểm như sau:

- Về tội phạm, PLHS thời kỳ này chưa có quy phạm định nghĩa về tội phạm, mà chỉ quy định những tội phạm cụ thể và các biện pháp pháp lý hình sự áp dụng đối với chúng, nhằm phục vụ yêu cầu của cuộc kháng chiến. Chế định đồng phạm được ghi nhận ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật hình sự, nhưng mới chỉ được xem xét ở một số khía cạnh nhất định, vẫn chưa có quy định về khái niệm đồng phạm. Phạm vi đồng phạm được quy định rộng, được hiểu với nghĩa là đồng thực hành.

- Về hình phạt, các hình phạt được quy định trong thời kỳ này đã được chia làm hai loại: Hình phạt chính và hình phạt phụ. Các hình phạt chính bao gồm: Phạt tiền; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình. Các hình phạt phụ bao gồm: Tịch thu tài sản; tước quyền công dân; phạt tiền; quản thúc. Hình phạt tiền vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung.

Xem tất cả 125 trang.

Ngày đăng: 24/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí