Cư trú trong mỗi phường thường là những cộng đồng dân cư cùng làm một nghề, cùng quê quán. Các cửa hàng buôn bán vì thế cũng thường được mở tại những phường chuyên nghề, chuyên mặt hàng này. Từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã viết trong Dư địa chí: “Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài, mâm vòng, gấm trừu và dù lọng... Phường Hàng Đào nhuộm làm điều. Phường Tả Nhất làm quạt...phường Đường Nhân bán áo diệp y” [33, 26].
Năm 1666, khi đến Kẻ Chợ, Marini đã nhận xét như sau: “Người ta đếm được ở đây 72 phường (Thăng Long có 36 phường, mỗi phường chính lại chia thành 2 phường tả hữu). Mỗi phường rộng bằng một thành phố trung bình ở nước Ý(!), 72 phường này đầy thợ thủ công và thương nhân. Để tránh sự nhầm lẫn có thể xảy ra và để khỏi mất thời giờ đi tìm thứ hàng người ta cần mua, ở lối cổng vào mỗi phường, có một tấm bảng đề, hoặc một tấm biển ghi rò loại hàng và chất lượng hàng được bán ở đó. Với kiểu cách đó dù là người lạ, ta cũng khó có thể nhầm lẫn được, về cả giá cả lẫn phẩm chất của hàng hoá” [45, 111]. Baron giải thích rò hơn: “Tất cả những vật phẩm khác nhau bán trong thành phố này đều được dành riêng cho từng phường và mỗi phường đó lại phụ thuộc vào một hay hai nhiều làng; và dân chúng các làng xã này được đặc quyền giữ các cửa hiệu ở đây”. [39, 12]
Với sự phát triển của các hoạt động sản xuất, buôn bán, ngoài các cửa hàng, ngay từ thế kỷ XVII, mạng lưới chợ ở Thăng Long đã rất phát triển. Mật độ các chợ tại Kẻ Chợ nhiều hơn bất cứ các địa phương nơi khác, đặc biệt là tại khu buôn bán phía đông. Nhận xét về chợ ở Thăng Long thời kỳ này, Carreni còn cho rằng: “Ở Kẻ Chợ có rất nhiều chợ đẹp”. [42, 315]
Ở tất cả những địa điểm thuận lợi trong kinh thành (các nơi công cộng, thuận tiện giao thông, những nơi có người qua lại) đều có thể trở thành chợ. Tuy nhiên, các cửa ô, cửa thành và bờ sông là những địa điểm được chọn để họp chợ nhiều hơn cả. Điều này khiến cho kinh thành trở thành một cái chợ khổng lồ, với mạng lưới chợ lớn nhỏ khác nhau.
Bên cạnh những chợ họp hàng ngày, Thăng Long - Kẻ Chợ còn có các chợ họp theo chu kỳ, đó là hình thức chợ phiên. Trong Hồng Đức thiện chính thư, việc họp chợ xen kẽ và luân phiên đã được nhắc đến, tuy không ghi rò thời gian cách
nhau cụ thể giữa hai phiên chợ là bao lâu. Bởi có nhiều cách thức họp chợ như vậy nên khi đến Kẻ Chợ, ghi chép của các tác giả phương Tây không giống nhau. W.Dampier cho rằng: “Ở Kẻ Chợ, chợ họp trong tất cả mọi ngày”. Còn A.de Rhodes, Marini cho biết: “Ở Kẻ Chợ, chợ mỗi tháng họp hai lần” (ngày rằm và mồng một âm lịch, có thể hiểu đó là phiên chính) [38, 108], [45, 109]. Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tuỳ bút thì ghi rằng ở kinh kỳ “Phiên chợ là các ngày 1, 6, 11, 14, 15, 21, 26, 30".
Trong những ngày phiên chợ, các phường phố càng tấp nập hơn. S.Baron mô tả: “Cứ đến ngày phiên chính của chợ, dân chúng từ các làng mạc lân cận đổ xô về, đem theo hàng hoá, đông không tưởng tượng được. Nhiều phố vốn rộng rãi quang đãng mà khi ấy cũng chật ních người, đôi khi lách chân vào trong đám đông, chỉ bước dần được từng trăm bước nửa giờ cũng thấy sung sướng lắm rồi” [39, 12]. Các mặt hàng buôn bán, trao đổi ở đây hết sức phong phú, từ các loại nông sản, các mặt hàng thủ công...
Thời kỳ này, các hoạt động giao thương, buôn bán giữa Thăng Long - Kẻ Chợ với các địa phương khác trong nước và nước ngoài cũng rất phát triển. Nhờ ưu thế của hệ thống giao thông thuỷ, thuyền buôn từ các vùng Thượng du, đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thanh Nghệ và thuyền buôn ngoại quốc tập trung rất đông tại kinh thành, nhất là ở đoạn sông sông Nhị (sông Hồng) và cửa sông Tô Lịch gần khu buôn bán phía đông. Chính nhờ các tuyến buôn bán liên vùng và đường dài này đã tạo nên sự gắn kết kinh tế ngày càng chặt chẽ giữa Thăng Long với các địa phương. Marini nhận định: “(Kẻ Chợ) nằm ngay bên bờ một con sông lớn bắt nguồn từ Trung Quốc, sau một khúc ngoặt rộng. Việc buôn bán ở đây rất thuận tiện, cũng như thuyền bè thường xuyên đi lại được trên sông. Ngoài ra, sông còn toả ra khắp nơi bằng hệ thống kênh đào (Tô Lịch - Kim Ngưu) được nối liền với các con sông khác, làm người ta có thể dễ dàng mang mọi thứ hàng hoá từ các trấn ngoài đến buôn bán ở kinh thành”. [45, 110]
Nhờ sự thuận tiện trong giao thông này, Thăng Long trở thành một địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá lớn của các vùng miền giao thương với Kẻ Chợ. Giáo sĩ Richard ở thế kỷ XVIII đã rất ấn tượng về cảnh buôn bán sầm uất tại bến sông Hồng: “Số lượng thuyền bè lớn lắm, đến nỗi rất khó mà lội được xuống bờ
sông; những sông, những bến buôn bán sầm uất nhất của chúng ta (châu Âu), ngay thành phố Venise nữa với tất cả những thuyền lớn thuyền nhỏ của nó cũng không thể đem đến cho người ta được một ý niệm về sự hoạt động buôn bán và dân số trên sông Kẻ Chợ”. [48, 714]
Có thể bạn quan tâm!
- Các thiết chế quản lý đô thị Thăng Long thế kỷ XVI - XVIII - 1
- Các thiết chế quản lý đô thị Thăng Long thế kỷ XVI - XVIII - 2
- Thăng Long Với Vai Trò Trung Tâm Chính Trị - Hành Chính Đất Nước
- Các thiết chế quản lý đô thị Thăng Long thế kỷ XVI - XVIII - 5
- Cơ Cấu Đơn Vị Hành Chính Và Tổ Chức Bộ Máy Quan Lại
- Đào Tạo, Tuyển Chọn, Bổ Dụng Và Các Cơ Chế Kiểm Soát, Tổ Chức Quản Lý Hành Chính
Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.
Là một thành thị lớn, kinh đô của cả nước, từ lâu Thăng Long - Kẻ Chợ đã có những quan hệ kinh tế với người nước ngoài, tuy nhiên, phần nhiều trong số họ là người châu Á (Trung Hoa, Nhật Bản, Xiêm, Ấn Độ...). Chỉ sau những phát kiến địa lý của phương Tây cùng sự hình thành những luồng giao lưu buôn bán quốc tế, tạo nên “thời kỳ thương mại biển Đông”, bắt đầu từ thế kỷ XVI, đặc biệt là thế kỷ XVII, Thăng Long mới có những người phương Tây đến buôn bán, chủ yếu là người Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Tây Ban Nha, Pháp. Thế kỷ XVI, thương điếm của các Công ty thương mại Hà Lan và Anh đã được lập bên bờ sông Hồng.
Sự phát triển của kinh tế hàng hoá và các hoạt động thương mại là tiền đề, tác nhân quan trọng đưa đến sự phồn thịnh của các đô thị. Nổi bật và đứng đầu ở Đàng Ngoài giai đoạn này chính là Thăng Long - Kẻ Chợ. Bên cạnh khu vực hành chính - quan liêu (thành), khu vực kinh tế - dân gian (thị) được mở rộng với các hoạt động sản xuất, buôn bán nhộn nhịp.
1.3.2 Tác động xã hội
Ngay từ cuối thế kỷ XV, chế độ quân điền của triều Lê Sơ dần mất tác dụng, quá trình tư hữu ruộng đất bắt đầu có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện tượng nông dân cầm cố, bán hoặc bị chấp chiếm ruộng đất, ruộng thế nghiệp biến thành ruộng tư... diễn ra ngày càng phổ biến đưa đến sự mở rộng không ngừng của ruộng đất tư hữu. Bằng nhiều biện pháp, từ hạn chế, kiểm soát quá trình tư hữu (ban hành phép quân điền năm 1711, tuy nhiên, hiệu quả không đạt như mong muốn), nhà nước Lê - Trịnh buộc phải thừa nhận tính pháp lý của chế độ tư hữu ruộng đất (quy định thủ tục mua bán, làm văn tự về ruộng đất, đánh thuế ruộng tư (1722), cho phép ruộng tư của địa chủ được đem phát canh thu tô cho tầng lớp tá điền...).
Ruộng đất tư hữu phát triển đã tác động, đưa đến những chuyển biến trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn đồng bằng Bắc Bộ và các vùng phụ cận của kinh thành Thăng Long. Trong hoàn cảnh đó, một bộ phận cư dân nông nghiệp đã
chuyển sang làm các nghề thủ công. Kẻ Chợ với các hoạt động buôn bán, trao đổi tấp nập, phồn thịnh tạo ra một lực hút lớn, những điều kiện và cơ hội, do đó, một bộ phận thợ thủ công đông đảo từ các làng nghề thuộc tứ trấn đã di cư, mang theo kinh nghiệm, kỹ thuật ra Kẻ Chợ làm trong các quan xưởng của nhà nước hoặc hành nghề tự do. Lúc đầu có thể chỉ một người thợ đến tạm trú tại một phường. Sau đó các thành viên trong gia đình, rồi họ hàng làng xóm lên theo, chuyển thành dân định cư. Đó là trường hợp của những người thợ nhuộm làng Đan Loan (Bình Giang, Hải Dương) di cư ra phố Hàng Đào, thợ đúc bạc làng Trâu Khê (Trâu Khê, Hải Dương) ra phố Hàng Bạc... Những người thợ thủ công làng xã trở thành những chủ hiệu và thợ thủ công thành thị.
Bên cạnh bộ phận thợ thủ công và thương nhân là những nông dân phiêu tán, lưu lạc đến kinh thành, mong thoát khỏi ách sưu thuế, lao dịch nặng nề ở địa phương. Với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính, văn hoá, giáo dục của đất nước, Thăng Long tiếp tục tạo ra sự thu hút nhiều thành phần cư dân khác của xã hội, tập trung về với nhiều mục đích khác nhau (quan lại, nho sinh, thầy thuốc, nhà truyền giáo...) đến làm quan, học tập, ứng thí... tạo ra sự bùng nổ dân số tại kinh thành. Các du khách phương Tây ước đoán dân số Kẻ Chợ thời kỳ này có thể lên đến "một triệu người" [38, 109], khoảng 20.000 nóc nhà. [49, 64]
Việc tiếp nhận các luồng nhập cư về Kẻ Chợ đã tạo nên một diện mạo mới cho Thăng Long - Kẻ Chợ, lúc này đã trở thành một thành phố với khối cư dân đô thị đông đảo. Giống như kết cấu kinh tế, kết cấu cư dân Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVI, XVII và XVIII là một kết cấu đa thành phần, hội tụ trong đó đầy đủ các tầng lớp thuộc đủ các giai tầng xã hội.
Tuy nhiên, do những biến động về chính trị, xã hội, bước sang thế kỷ XVIII, sự phồn thịnh của Thăng Long - Kẻ Chợ bắt đầu có những dấu hiệu suy giảm. Bộ máy hành chính các cấp, quan lại tha hoá, đời sống của các tầng lớp cư dân, nhất là nông dân ngày càng khó khăn. Tình trạng mất mùa, hạn hán xảy ra ngày một thường xuyên. Chỉ trong vòng hơn mười năm đầu thế kỷ XVIII, thiên tai dồn dập tàn phá, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ các phong trào đấu tranh phản kháng. Khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi: khởi nghĩa của Nguyễn Dương Hưng, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Diên, Vũ Trác Oánh, Hoàng
Công Chất, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương, Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn, Tú Cao, Toản Cơ... Những cuộc khởi nghĩa nông dân này ngày càng lan rộng, kinh thành Thăng Long - nơi tập trung các cơ quan đầu não của bộ máy quan liêu - càng trở nên bất ổn.
Không chỉ có vậy, Thăng Long còn nhiều phen chao đảo bởi các cuộc chính biến và sự hoành hành ngang ngược do binh lính kinh thành gây ra, đỉnh điểm là nạn kiêu binh ở nửa sau thế kỷ XVIII.
Năm 1741, quân lính nổi lên phá nhà và truy sát, buộc Tham tụng Nguyễn Quý Cảnh phải chạy trốn. Năm 1782, phản đối việc lập Trịnh Cán - con thứ của chúa Trịnh Sâm còn nhỏ tuổi làm chúa, quân lính kinh thành nổi lên giết Hoàng Đình Bảo - một đại thần đầy quyền lực ở phủ Chúa rồi tới nhà giam, đón con trưởng là Trịnh Khải đưa lên ngôi chúa.
Đầu năm 1784, vì việc xử chém 4 người lính can tội ức hiếp một thương nhân, kiêu binh đã kéo đến vây ba nhà viên quan gồm Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Lệ, Quyền phủ sự Dương Khuông và Đội trưởng Nguyễn Triêm đòi bắt giết để trả thù. Nguyễn Lệ phải cải trang trốn lên Sơn Tây. Dương Khuông và Nguyễn Triêm chạy trốn cả vào phủ Chúa. Quân lính phá tan nhà của Dương Khuông, Nguyễn Lệ rồi mang khí giới xông thẳng vào phủ Chúa lùng bắt. Chúa Trịnh Khải phải đem một nghìn lạng bạc và ba vạn quan tiền ra chuộc tính mạng cho Dương Khuông, còn Nguyễn Triêm đành đưa ra cho quân lính đánh chết. Kiêu binh còn bắt Trịnh Khải bãi chức Nguyễn Lệ và Dương Khuông. Từ đây, quyền bính của triều đình và phủ chúa, mọi việc từ thay đổi cắt đặt quan lại, tướng tá đều phải làm theo ý của binh lính.
Tiểu kết
01. Vị trí, địa thế và các tác động tự nhiên khác vừa là nhân tố ban đầu thúc đẩy, vừa là nhân tố tác động hằng xuyên tới quá trình quản lý, diện mạo và quy hoạch đô thị Thăng Long.
Với ưu thế của hệ thống sông - hồ dày đặc, bản thân việc hoạch định, bố trí không gian trong kinh thành cũng đã thể hiện sự tận dụng, nương theo địa thế sông, hồ. Sông, hồ vừa hệ thống hào tự nhiên bảo vệ kinh thành, là nơi luyện tập thuỷ quân, vừa trở thành mạng lưới giao thông nội thị...
Nhân tố tự nhiên tác động đến vấn đề tổ chức và quản lý kinh thành không chỉ theo chiều thuận. Sử chép động đất nhiều lần tại Thăng Long khiến các kiến trúc nhà cửa, cung điện hư hỏng. Đối với vấn đề trị thuỷ, việc đắp và quản lý đê điều bảo vệ kinh thành được chính quyền phong kiến đặt ra từ sớm (đê Cơ Xá đắp năm 1108). Tuy nhiên, quản lý và bảo vệ đê điều kém hiệu quả chính là một trong các nguyên nhân của tình trạng vỡ đê, trực tiếp hoặc gián tiếp đe doạ cuộc sống và các hoạt động diễn ra tại kinh thành, từ sản xuất, giao thương buôn bán đến an ninh trật tự...
02. Ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII là giai đoạn diễn ra nhiều biến động chính trị. Sự thay thế các vương triều, xung đột giữa các tập đoàn phong kiến đã chi phối đến nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội tại kinh thành.
Do nhu cầu quân sự, thành Đại La được củng cố, mở rộng dưới thời Mạc, năm 1592 bị quân Trịnh phá huỷ. Hơn một thế kỷ sau đó, Thăng Long không có thành Đại La, việc quản lý dân cư, tuần phòng an ninh trong kinh thành khó có khả năng kiểm soát chặt chẽ. Năm 1749 thành Đại La được đắp lại nhưng đã bị thu hẹp rất nhiều, đẩy ra ngoài thành một phần đất rộng lớn ở phía Tây và phía Bắc thuộc huyện Quảng Đức.
Thời Lê - Trịnh, bên cạnh triều đình, sự xuất hiện của hệ thống Ngũ phủ phủ liêu khiến cho số lượng quan lại ở kinh thành tăng lên. Bên cạnh đó, để kịp thời ứng phó đối với các hành động quân sự, Thăng Long giai đoạn này luôn thường trực một lượng đông đảo binh lính. Quản lý các đối tượng này ở kinh thành càng trở nên phức tạp khi đây là những thành phần nhận được nhiều đặc quyền ưu đãi từ triều đình và Phủ Chúa.
Cuối thế kỷ XVIII, từ vị trí kinh đô, trung tâm chính trị - hành chính đất nước, Thăng Long trở thành lị sở Bắc Thành, cơ cấu đơn vị hành chính các cấp, tổ chức bộ máy chính quyền và các hoạt động quản lý đô thị do đó cũng chịu tác động.
03. Sự hưng khởi của nền kinh tế hàng hoá, mở rộng quan hệ giao lưu kinh tế trong nước và quốc tế cùng những tác động xã hội khác đưa Thăng Long - Kẻ Chợ giai đoạn này phát triển thành một đô thị phồn thịnh. Sự có mặt đông đảo của tầng lớp thợ thủ công, thương nhân (người Việt, Hoa kiều, phương Tây...) đã có những tác động sâu sắc đến các biện pháp, chính sách tổ chức và quản lý kinh thành của chính quyền phong kiến. Nhiều chính sách cùng biện pháp thể hiện tính tích cực, nhưng cũng có chính sách tiêu cực, đi ngược lại xu hướng, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội Thăng Long - Kẻ Chợ.
CHƯƠNG 2
CÁC THIẾT CHẾ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ THĂNG LONG THẾ KỶ XVI - XVIII
2.1. Thành Thăng Long thế kỷ XVI - XVIII
Với vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước, những biến động về chính trị, kinh tế, xã hội, sự hưng vong của mỗi vương triều phong kiến Lê Sơ, Mạc, Lê Trung hưng và Tây Sơn đều tác động, đưa đến sự thay đổi về quy mô, diện mạo đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ.
Phía Bắc và phía Tây là Hoàng thành: khu chính trị - hành chính. Quy hoạch, bố trí các công trình kiến trúc trong Hoàng thành qua nhiều thế kỷ được sắp đặt kỹ lưỡng, theo những tiêu chuẩn về chính trị và quan niệm đạo đức lễ nghi Nho giáo.
Phía Đông và phía Nam là khu phố phường dân gian. Đây là nơi diễn ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khu kinh tế - dân gian này phát triển một cách tự phát, ít có sự can thiệp của Nhà nước, chỉ được bố trí và điều chỉnh một cách tự nhiên theo những chức năng kinh tế - xã hội.
Đầu thế kỷ XVII, phủ Chúa Trịnh bắt đầu được xây dựng bên ngoài Hoàng thành, sát với khu phố phường dân gian.
2.1.1 Hệ thống thành luỹ
Năm 1587 - 1588, đề phòng quân Trịnh tấn công, Mạc Mậu Hợp cho mở rộng thành Đại La. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng giêng [1587], họ Mạc sai sửa chữa tầng ngoài thành Thăng Long...”, “Tháng hai [1788]... hạ lệnh cho quân dân các huyện trong bốn trấn đắp thêm ba lớp luỹ ngoài thành Đại La ở Thăng Long, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu, vượt qua Hồ Tây, qua cầu Dừa đến cầu Dền suốt đến Thanh Trì, giáp phía tây bắc sông Nhị Hà, cao hơn thành Thăng Long đến vài trượng, rộng 25 trượng, đào ba lớp hào, đều trồng tre, dài tới mấy mươi dặm để bọc lấy phía ngoài thành”. [25, 164]
Như vậy thành Đại La thời Mạc có chu vi rất rộng. Các tác giả Phan Huy Lê, Nguyễn Thừa Hỷ khi xác định phạm vi “ba lớp luỹ ngoài thành Đại La” đều