Xét theo lĩnh vực thì cho đến nay chủ yếu các tranh chấp mới chỉ dừng lại ở các tranh chấp liên quan đến thương mại hàng hoá, bao gồm cả các tranh chấp liên quan đến hiệp định về nông nghiệp, hiệp định về dệt may, còn lĩnh vực dịch vụ thì mới có rất ít các tranh chấp được đưa ra giải quyết theo cơ chế của WTO. Nhiều tranh chấp về sở hữu trí tuệ cũng đã diễn ra. Cũng giống như các tranh chấp liên quan đến các biện pháp chống bán phá giá, các tranh chấp liên quan đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu xuất phát từ các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ và EC.
2.3. MỘT SỐ TRANH CHẤP CỤ THỂ CỦA CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN ĐƯỢC GIẢI QUYẾT THEO CƠ CHẾ CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI
2.3.1. Tranh chấp giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển
* Mexico, Honduras, Guatemala, Ecuador và Mỹ kiện cộng đồng Châu Âu (EC) về chế độ nhập khẩu chuối - DS27
Đây là một trong số những vụ việc lớn được giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT cũng như WTO. Đây là một vụ việc cực kỳ phức tạp. Trong vụ việc có 6 bên (một bên đại diện cho 15 quốc gia thành viên) và 20 bên thứ 3. Các khiếu kiện đầu tiên là theo GATT 94, tiếp đến là 4 hiệp định của WTO là: Hiệp định về Nông nghiệp, Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu, Hiệp định về các Biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) và Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS). Văn bản đệ trình của các bên khiếu kiện và EC tổng cộng là vài ngàn trang. Số lượng, sự phức tạp chưa từng thấy của các lời khiếu kiện và những lập luận đẫn tới việc tổ chức và trình bầy là không dễ dàng.
Nội dung và quá trình giải quyết tranh chấp:
Chế độ nhập khẩu chuối của Liên minh châu Âu (EU) từ lâu vốn là một vấn đề tranh chấp. Trên thực tế EU duy trì một hệ thống dành ưu tiên tiếp cận thị trường cho mặt hàng chuối được sản xuất tại các nước châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương (ACP). Kết quả là các nhà sản xuất ở Caribe luôn có được một thị phần đáng kể trên thị trường EU, gây thiệt hại cho các nước Trung và Nam Mỹ. Những ưu đãi đã có từ trước khi hình thành Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) và, trên thực tế, đã gây ra những bất đồng giữa Pháp và Đức trong các cuộc đàm phán đưa tới việc
thành lập EEC năm l957; Đức có một chế độ mậu dịch tự do đối với chuối và nhập khẩu từ các nước Mỹ latinh, trong khi Pháp lại duy trì những rào càn rất cao để hỗ trợ các nhà sản xuất ở thuộc địa của Pháp. Những khác biệt này dẫn tới việc áp đặt những rào cản thương mại quốc gia trong nội bộ EU, Anh, Pháp và Tây Ban Nha bảo toàn thị trường cho các nước thuộc địa cũ. Các chính sách này là một kiểu rất không hiệu quả để trợ giúp các thuộc địa cũ.
Có thể bạn quan tâm!
- Vị Trí Của Các Nước Đang Phát Triển Trong Wto
- Giải Quyết Tranh Chấp Của Các Nước Đang Phát Triển Theo Cơ Chế Giải Quyết Tranh Chấp Của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới
- Các nước đang phát triển với cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức thương mại thế giới - 9
- Tranh Chấp Giữa Các Nước Đang Phát Triển Với Nhau
- Đánh Giá Cơ Chế Giải Quyết Tranh Chấp Của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới Đối Với Các Nước Đang Phát Triển
- Hạn Chế Của Cơ Chế Giải Quyết Tranh Chấp Của Wto
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
Cũng như Mỹ, EU là một trong hai thị trường nhập khẩu chuối truyền thống lớn nhất thế giới. Gần 60% chuối nhập khẩu của EC có nguồn gốc từ các nước Mỹ latinh (nước cung cấp chủ yếu là Ecuador, Costa Rica, Panama và Honduras), trong khi các nước châu Phi, Caribê và châu Á - Thái Bình Dương và những nhà sản xuất của EU mỗi nhà cung cấp chiếm khoảng 15% thị phần.
Trước năm 1993, việc nhập khẩu chuối vào EU chưa chịu sự điều chỉnh của một chính sách chung. Liên minh châu Âu áp dụng chung một thuế suất đối với nước ngoài là 20% theo giá hàng, nhưng cơ chế nhập khẩu của từng nước trong liên minh lại khác nhau. Đức chiếm gần 1/3 lượng chuối nhập khẩu của EU là một thị trường rộng nhất của EU, nhập khẩu chuối từ các nước Mỹ latinh và có một thoả thuận riêng (trong Hiệp ước Rome) cho phép nhập khẩu miễn phí. Tương tự như vậy, Bỉ, Đan Mạch, Ailen, Lucxembua và Hà Lan nhập khẩu hầu hết chuối từ những nhà cung cấp Mỹ latinh, sử dụng thuế suất biên giới là 20%. Ngược lại, Tây Ban Nha duy trì hạn chế trên thực tế việc nhập khẩu chuối từ nước thứ ba, sử dụng sản phẩm chuối trong nước từ đảo Canary. Pháp, Hy lạp và Bồ Đào Nha cũng sử dụng chuối trong nước. Ý đưa ra sự đối xử ưu đãi cho chuối từ Somali. Anh và Pháp cũng đưa ra những ưu đãi cho các nước thuộc địa cũ của mình (các nước ACP), hơn nữa theo Công ước Lômé chuối từ các nước ACP được nhập miễn phí vào Liên minh châu Âu.
Năm 1993, Liên minh châu Âu chấp nhận một hệ thống cấp phép nhập khẩu và phân phối phức tạp cho toàn thể liên minh như một phần của nỗ lực nhằm tạo ra một thị trường thống nhất. Tổ chức thị trường chung này đặt trên cơ sở những quan hệ thương mại trong lịch sử và được thiết kế để tiếp tục cung cấp quyền tiếp cận ưu
đãi cho các nước ACP (các nước ký kết Thỏa ước Lômé). Nó bao gồm hai hạn ngạch thuế quan - một cho các nhà cung cấp ACP truyền thống và một cho những nước trong chuỗi thuộc ACP không truyền thống và Mỹ latinh. Lượng xuất khẩu ngoài hạn ngạch phải chịu thuế đặc biệt cao. Những nhà xuất khẩu chuối truyền thống từ các nước thuộc địa cũ của Anh và Pháp ở Caribe được cấp 30% của tổng số giấy phép nhập khẩu đối với những hạn ngạch không chỉ định nước cụ thể. Những giấy phép này có thể được sử dụng để nhập khẩu chuối từ ACP hoặc có thể được bán cho những hãng nào muốn nhập khẩu từ Mỹ latinh. Hệ thống phân bổ hạn ngạch này đã dẫn tới kết quả là một sự chuyển địa tô từ các hãng (phần lớn đóng tại Mỹ) mua các giấy phép tới những hãng được quyền cấp các hạn ngạch, ước tính rằng chế độ mới này còn tệ hơn các chế độ của quốc gia mà nó thay thế: tổng chi phí đối với người tiêu dùng châu Âu là khoảng 2 tỷ USD - tính trên đầu người tiêu dùng là trên 13 USD cho mỗi đôla chuyển đổi.
Các nhà sản xuất Mỹ latinh đã đem hai vụ này ra GATT phản đối các hệ thống quốc gia (năm 1992) và chế độ chung mới của EU (1993). Họ đã thắng cả hai. Năm 1994 EU đã thông qua một Hiệp ước khung về chuối với bốn nước là Costa Rica, Colombia, Nicaragua và Venezuela, theo đó những nước này được phân bổ hạn ngạch riêng với điều kiện họ không kiện tới WTO trước năm 2002. Năm 1996, bốn nhà sản xuất Mỹ latinh bị đặt ra ngoài Hiệp ước này (là Ecuador, Guatemala, Honduras và Mexico), với sự tham gia của Mỹ thay mặt các hãng trái cây đa quốc gia của Mỹ, đã phản đối chế độ nhập khẩu của EU trong WTO, tuyên bố rằng nó đã phân biệt đối xử đối với các nhà sản xuất và các công ty tiếp thị chuối của họ. Mục tiêu của cuộc tấn công không nhằm quá mạnh vào những ưu đãi thuế quan được giành cho các nước ACP vốn rất hoan nghênh EU mà là sự phân bổ hạn ngạch.
Báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm:
Ban hội thẩm đã công bố Báo cáo vào tháng 6 năm 1997. Ban hội thẩm cho rằng chế độ nhập khẩu chuối của EU là vi phạm các quy tắc của WTO về không phân biệt đối xử và tiếp cận thị trường. Ban hội thẩm cũng nhận thấy chế độ hai
mặt: thuế suất nhập khẩu và hạn ngạch là không nhất quán với Điều XXIII của GATT (yêu cầu không phân biệt đối xử), và việc phân bổ 30% giấy phép nhập khẩu cho những người bán chuối ACP truyền thống được điều hành trái với các quy tắc không phân biệt đối xử của GATS. Báo cáo của Ban hội thẩm đã bị EU kháng cáo, Cơ quan phúc thẩm đã đồng ý với kết luận của Ban hội thẩm và khuyến nghị EU sửa lại chế độ chô phù hợp với quy định của WTO.
Thi hành phán quyết:
Năm 1998, EU sửa lại chế độ của mình, tiếp tục duy trì hai hạn ngạch thuế nhập khẩu, nhưng lại phân bổ hạn ngạch nhập khẩu cho các nước ngoài ACP căn cứ vào thị phần trong lịch sử và huỷ bỏ các loại nhà điều hành để phân bổ giấy phép. Những biện pháp mới của EU hướng tới thống nhất với quy định của WTO không đem lại kết quả gì. Ngay trước hạn chót để thực thi, tháng 1-1999, Mỹ đã tìm kiếm giải pháp để được cho quyền trả đũa. Về vấn đề này, EU đáp lại rằng trước hết Mỹ phải thành lập Ban hội thẩm để xem xét là cơ chế mới này không tuân thủ các nguyên tắc của WTO. Ecuador đã đề nghị Ban hội thẩm ban đầu xem xét các biện pháp của EU có tuân thủ hay không. DSB đã nhóm họp Ban hội thẩm ban đầu để xem xét cả hai đề nghị. Cùng thời gian, Mỹ xin sự uỷ quyền từ DSB để trả đũa chống lại EU với khối lượng đạt 520 triệu USD. EU phản ứng bằng đề nghị trọng tài phân xử.
Đáp lại Ecuador, Ban hội thẩm nhận thấy rằng các biện pháp mới của EU không hoàn toàn thích hợp với WTO. Cũng chính Ban hội thẩm này xác định mức độ vô hiệu hoá mà Mỹ phải chịu là tương đương với 191,4 triệu USD. Sau đó Mỹ được DSB uỷ quyền nâng thuế chống lại EU bằng lượng tiền đã được xác định là vô hiệu hoá này. Sự trả đũa của Mỹ bao gồm một điều khoản tính tới cả "cách tiếp cận kiểu cuốn chiếu", theo đó, một tập hợp hàng xuất khẩu khác từ EU đã phải chịu mức thuế quan trả đũa tới 100% cho mỗi thời kỳ sáu tháng. Thành công này được minh hoạ như cuộc vận động hành lang của ngành sản phẩm len casơmia của Anh chống lại việc đe doạ áp đặt thuế lên hàng hoá của họ.
Đến cuối năm 1999, Ecuador cũng tìm kiếm và được trao quyền trả đũa. Hai đề nghị của nước này có tính chất đầu tiên trong lịch sử của hệ thống giao dịch: đòi hỏi đầu tiên về sự trả đũa do một nước đang phát triển đưa ra; và lần đầu tiên có sự tìm kiếm chấp thuận cho trả đũa chéo. Ecuador lập luận rằng hàng hóa nhập khẩu từ EU của họ là quá nhỏ để cho phép trả đũa đầy đủ (mà các trọng tài xác định ở mức 200 triệu USD) chống lại việc nhập khẩu hàng hoá từ châu Âu. Nước này được cho quyền ngừng các nhượng bộ theo những thoả thuận khác, trong đó có TRIPS, sau khi không còn bất cứ khả năng trả đũa nào đối với việc nhập khẩu hàng tiêu dùng từ EU.
Vụ kiện "chuối" cho thấy những bất đồng giữa các bên về tính thoả đáng của việc thực hiện các biện pháp có tiềm năng dẫn tới một loạt các Ban hội thẩm lặp đi lặp lại chỉ để xử lý về thực chất là cùng một vấn đề. Nó cũng bộc lộ nhược điểm của hiệu lực thực thi cuối cùng, mặc dù biện pháp đe doạ trả đũa chéo của Ecuador phần nào thể hiện rằng các nước nhỏ thực sự có cơ chế để gây áp lực lên những bạn chơi lớn. Qua vụ chuối có thể thấy vụ việc này đã kéo dài từ năm 1993 đến giữa năm 1999, khoản chi phí mà các nước đổ vào cho quá trình tranh tụng này là rất lớn, không phải nước nào cũng có thể chấp nhận được.
* Peru kiện EC về các biện pháp thương mại liên quan đến xuất khẩu cá mòi - DS231
Nội dung và quá trình tranh chấp:
Ngày 20 tháng 03 năm 2001, Peru đề nghị được tham vấn với EC về Điều lệ EEC 2136/89 vì cho rằng điều lệ này đã gây cản trở các nhà xuất khẩu của Peru tiếp tục sử dụng việc miêu tả đặc điểm thương mại về cá mòi cho các sản phẩm của họ.
Peru cho rằng, các tiêu chuẩn của STAN 94-181 được nêu ra trong bảng danh mục các loài cá mòi được phép trao đổi thương mại của EC đã tạo ra một hàng rào thương mại vô lý và vi phạm Điều 2 và 12 của Hiệp định về các Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (Hiệp định TBT) và điều XI.1 của GATT 1994. Hơn nữa
Peru lập luận rằng, điều lệ trên là không phù hợp với nguyên tắc không phân biệt đối xử và do đó vi phạm các Điều I và Điều III của GATT 1994.
Thể theo đề nghị của Peru, DSB đã thành lập một Ban hội thẩm tại cuộc họp ngày 24 tháng 07 năm 2001. Canada, Chilê, Colombia, Ecuador, Venezuela, và Mỹ tham gia là bên thứ ba. Ngày 31 tháng 08 năm 2001, Peru đề nghị Tổng giám đốc WTO quyết định thành phần của Ban hội thẩm. Ngày 11 tháng 09 năm 2001, Ban hội thẩm được thành lập. Ngày 11 tháng 03 năm 2002, Ban hội thẩm thông báo cho DSB biết Ban hội thẩm sẽ không thể thông qua báo cáo của mình trong vòng 6 tháng do sự phức tạp của vấn đề và sự hạn chế của kế hoạch. Ban hội thẩm dự kiến sẽ hoàn thành công việc vào cuối tháng 04 năm 2002. Ngày 03 tháng 05 năm 2002, các bên tranh chấp đề nghị Ban hội thẩm tạm ngừng tiến hành phân xử theo Điều
12.12 của DSU cho tới ngày 21 tháng 05 năm 2002. Ngày 06 tháng 05 năm 2002, Ban hội thẩm chấp nhận đề nghị này.
Báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm:
Báo cáo của Ban hội thẩm đã được gửi tới các thành viên vào ngày 29 tháng 05 năm 2002. Ban hội thẩm kết luận rằng quy định của EC là không phù hợp với Điều 2.4 của Hiệp định TBT.
Ngày 28 tháng 06 năm 2002, EC thông báo quyết định kháng cáo lên Cơ quan phúc thẩm về các vấn đề về luật trong Báo cáo của Ban hội thẩm và việc giải thích pháp luật của Ban hội thẩm.
Ngày 26 tháng 09 năm 2002, Cơ quan phúc thẩm đã gửi báo cáo với nội
dung:
- Kháng cáo của EC ngày 28 tháng 06 năm 2002 là có thể chấp nhận được;
- Tán thành kết luận của Ban hội thẩm trong đoạn 7.35 của Báo cáo, rằng
điều lệ của EC là một "điều lệ kỹ thuật" theo Hiệp định TBT;
- Tán thành kết luận của Ban hội thẩm trong đoạn 7.70 của Báo cáo, rằng Codex Stan 94 là một "tiêu chuẩn quốc tế" phù hợp theo Điều 2.4 của Hiệp định TBT;
- Tán thành kết luận của Ban hội thẩm, trong đoạn 7.112 của Báo cáo, rằng Codex Stan 94 không được sử dụng như một "cơ sở" cho điều lệ của EC trong phạm vi nghĩa của Điều 2.4 của Hiệp định TBT;
- Bác bỏ khiếu nại của EC cho rằng Ban hội thẩm đã không "tiến hành đánh giá một cách khách quan sự thật về vụ tranh chấp" như theo yêu cầu của điều 11 của DSU;
- Bác bỏ khiếu nại của EC cho rằng Ban hội thẩm đã đưa ra quyết định trong đoạn 7.127 trong Báo cáo, rằng điều lệ EC là một điều lệ hạn chế thương mại, và tuyên bố còn gây tranh cãi và không có hiệu lực pháp lý qua 2 câu trong đoạn 6.11 và trong chú thích 35 của báo cáo Ban hội thẩm và qua tính chất hạn chế thương mại trong điều lệ của EC.
- Thấy rằng không cần hoàn tất việc phân tích theo điều 2.2 của Hiệp định TBT, Điều 2.1 của Hiệp định TBT, hoặc Điều III.4 của GATT 1994;
Cuối cùng, Cơ quan phúc thẩm tán thành kết luận của Ban hội thẩm trong đoạn 8.1 của Báo cáo, rằng điều lệ của EC là không phù hợp với Điều 2.4 Hiệp định TBT. Đồng thời, Cơ quan phúc thẩm khuyến nghị DSB đề nghị EC chỉnh lại điều lệ EC như trong báo cáo của Cơ quan phúc thẩm và của Ban hội thẩm.
Ngày 23 tháng 10 năm 2002, DSB thông qua Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm và Báo cáo của Ban hội thẩm đã được điều chỉnh bằng Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm.
Thi hành phán quyết:
Tại cuộc họp ngày 11 tháng 11 năm 2002 của DSB, EC nói rằng khối này đã nỗ lực thực hiện các khuyến nghị và phán quyết của DSB theo phương thức phù hợp với các quy định của DSB và quy định của WTO, đặc biệt là Điều 2.4 của Hiệp định TBT. Tuy nhiên, EC cho rằng để đạt được điều này, khối này cần một thời hạn hợp lý để điều chỉnh các biện pháp của mình cho phù hợp với các quy định theo Hiệp định TBT. Thời hạn để hoàn thành việc điều chỉnh này là ngày 23 tháng 04 năm 2003. Ngày 14 tháng 04 năm 2003, các bên thông báo cho DSB rằng các bên đã đạt được một thoả thuận gia hạn thời hạn hợp lý tới ngày 01 tháng 07 năm 2003.
Ngày 25 tháng 07 năm 2003, EC và Peru thông báo cho DSB: Hai bên đã đạt được thoả thuận chung về một giải pháp phù hợp với Điều 3.6 của DSU.
* Argentina kiện Mỹ về các biện pháp chống bán phá giá đối với ống dẫn dầu từ Argentina - DS265
Nội dung và quá trình tranh chấp:
Ngày 07 tháng 10 năm 2002, Argentina đã đề nghị tham vấn với Mỹ về quyết định cuối cùng của Bộ thương mại Mỹ (DOC) và Uỷ ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đăng trên tạp chí Sunset về biện pháp chống bán phá giá áp dụng cho ống dẫn dầu nhập khẩu từ Argentina (OCTG) phát hành ngày 07 tháng 11 năm 2000 và quyết định của DOC về việc tiếp tục quy tắc thuế chống bán phá giá áp dụng cho OCTG phát hành ngày 25 tháng 07 năm2001.
Argentina cho rằng luật, quy định, chính sách và những thủ tục liên quan đến quản lý hành chính của tạp chí Sunset về việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá là không phù hợp về hình thức cũng như tính thực tiễn với các điều 1, 2, 3, 5, 6, 11, 12 và 18 của Hiệp định chống bán phá giá (ADA); các Điều VI và X của GATT 1994: và Điều XVI. 4 của Hiệp định WTO.
Hơn nữa, Argentina còn tuyên bố rằng việc xét duyệt của tạp chí Sunset do
DOC điều khiển là không phù hợp với các Điều 2, 5, 5.8, 11.3, 11.4, 12.1, 12.3 của ADA. Nước này còn tuyên bố rằng tạp chí Sunset do ITC điều khiển là không phù hợp với các Điều 3 và 11.3 của ADA.
Ngày 03 tháng 04 năm 2003, Argentina đề nghị thành lập một Ban hội thẩm. Tại cuộc họp ngày 15 tháng 04 năm 2003, DSB đã bác đề nghị của Argentina. Theo đề nghị lần thứ 2 của Argentina, DSB đã thành lập Ban hội thẩm tại cuộc họp ngày 19 tháng 05 năm 2003. EC, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Trung Quốc, Đài Loan tham gia với tư cách là bên thứ ba.
Ngày 22 tháng 08 năm 2003, Argentina đề nghị Tổng giám đốc WTO bổ nhiệm thành phần của Ban hội thẩm. Ngày 04 tháng 09 năm 2003, Tổng giám đốc đã bổ nhiệm thành phần Ban hội thẩm.