Tổng Hợp Các Biến Số Của Luận Văn


2.3.2. Lợi nhuận


Lợi nhuận có thể tương quan thuận hoặc tương quan nghịch với đòn bẩy tài chính. Lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn cho rằng các công ty có nhiều lợi nhuận thường vay nhiều nợ bởi vì họ sẽ tận dụng được lợi ích của tấm chắn thuế. Theo lý thuyết này, lợi nhuận tương quan thuận với đòn bẩy tài chính. Kết quả nghiên cứu của Aurangzeb và Haq (2012) cũng cho thấy lợi nhuận tương quan thuận với tỷ lệ nợ.


Ngược lại, lý thuyết trật tự phân hạng cho rằng lợi nhuận tương quan nghịch với đòn bẩy tài chính. Theo lý thuyết này, các công ty có nhiều lợi nhuận sẽ tài trợ cho các dự án bằng nguồn tài trợ nội bộ trước tiên, sau đó mới sử dụng đến nguồn tài trợ từ bên ngoài. Bằng cách ưu tiên sử dụng nguồn tài trợ nội bộ, họ sẽ tiết kiệm được chi phí sử dụng vốn và hạn chế pha loãng quyền sở hữu. Nhiều kết quả nghiên cứu cũng cho thấy lợi nhuận tương quan nghịch với tỷ lệ nợ, ví dụ như kết quả nghiên cứu của Han-Suck Song (2005), Shah và Khan (2007), Al-Qudah (2011), Ali (2011), Sheikh và Wang (2011), Ebadi và cộng sự (2011), Baharuddin và cộng sự (2011), Ba-Abbad và Ahmad-Zaluki (2012), Brendea (2012).


2.3.3. Tài sản hữu hình


Tài sản hữu hình có thể tương quan thuận hoặc tương quan nghịch với tỷ lệ nợ. Theo lý thuyết đánh đổi, tài sản hữu hình tương quan thuận với tỷ lệ nợ. Công ty càng có nhiều tài sản hữu hình thì càng vay nhiều nợ bởi vì các tài sản hữu hình được xem như là vật có thể thế chấp cho các khoản nợ vay. Có rất nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy tài sản hữu hình tương quan thuận với tỷ lệ nợ, ví dụ như kết quả nghiên cứu của Han-Suck Song (2005), Shah và Khan (2007), Ahmad và cộng sự (2011), Ali (2011), Baharuddin và cộng sự (2011), Ebadi và


cộng sự (2011), Aurangzeb và Haq (2012).


Trái ngược với quan điểm của lý thuyết đánh đổi, lý thuyết trật tự phân hạng lại cho rằng tài sản hữu hình tương quan nghịch với tỷ lệ nợ. Các công ty càng sở hữu nhiều tài sản hữu hình thì càng có ít thông tin bất cân xứng, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Do đó, các công ty có nhiều tài sản hữu hình sẽ có khuynh hướng sử dụng rất ít nợ. Các kết quả nghiên cứu của Sheikh và Wang (2011), Brendea (2012) cũng cho thấy tài sản hữu hình tương quan nghịch với tỷ lệ nợ.


2.3.4. Cơ hội tăng trưởng


Cơ hội tăng trưởng có thể tương quan thuận hoặc tương quan nghịch với tỷ lệ nợ. Theo lý thuyết đánh đổi, cơ hội tăng trưởng tương quan nghịch với tỷ lệ nợ. Những công ty tăng trưởng cao thường là những công ty có nhiều tài sản vô hình, nhưng có rất ít tài sản hữu hình. Bởi vì những công ty này không có nhiều tài sản hữu hình để làm vật thế chấp cho các khoản nợ vay nên họ thường sử dụng rất ít nợ. Ngoài ra, những công ty tăng trưởng cao thường trước đó đã vay rất nhiều nợ để hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng của họ. Các khoản nợ mà họ đã vay làm gia tăng chi phí kiệt quệ tài chính. Chính sự gia tăng chi phí này đã hạn chế khả năng vay thêm nợ của họ. Có rất nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy cơ hội tăng trưởng tương quan nghịch với tỷ lệ nợ, ví dụ như kết quả nghiên cứu của Shah và Khan (2007), Ali (2011), Aurangzeb và Haq (2012).


Trái lại, lý thuyết trật tự phân hạng cho rằng cơ hội tăng trưởng tương quan thuận với tỷ lệ nợ. Theo lý thuyết này, các công ty càng có nhiều cơ hội tăng trưởng thì càng cần nhiều vốn để đáp ứng cho các hoạt động mở rộng đầu tư. Do nguồn lợi nhuận giữ lại của họ hữu hạn nên đến một thời điểm nào đó các công ty này sẽ phải cần sử dụng đến nguồn vốn vay từ bên ngoài. Nhiều kết


quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng cơ hội tăng trưởng tương quan thuận với tỷ lệ nợ, ví dụ như kết quả nghiên cứu của Baharuddin và cộng sự (2011), Ebadi và cộng sự (2011), Pahuja và Sahi (2012).


2.3.5. Khả năng thanh khoản


Khả năng thanh khoản có thể tương quan thuận hoặc tương quan nghịch với đòn bẩy tài chính. Theo lý thuyết đánh đổi, khả năng thanh khoản tương quan thuận với đòn bẩy tài chính. Các công ty có khả năng thanh khoản cao sẽ có xu hướng vay nhiều nợ bởi vì họ có đủ lượng tài sản lưu động để đảm bảo cho việc chi trả cho các khoản nợ mà họ đã vay. Kết quả nghiên cứu của Pahuja và Sahi (2012) cũng cho thấy khả năng thanh khoản tương quan thuận với tỷ lệ nợ.


Ngược lại, lý thuyết trật tự phân hạng lại cho rằng khả năng thanh khoản tương quan nghịch với đòn bẩy tài chính. Theo lý thuyết này, khi các công ty có nhiều tài sản có tính thanh khoản cao thì họ sẽ sử dụng các tài sản này, thay vì sử dụng nợ vay, để tài trợ cho các hoạt động của mình. Do đó, các công ty càng có nhiều khả năng thanh khoản thì càng ít vay nợ. Có rất nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng thanh khoản tương quan nghịch với tỷ lệ nợ, ví dụ như kết quả nghiên cứu của Sheikh và Wang (2011), Ahmad và cộng sự (2011), Ebadi và cộng sự (2011).


2.3.6. Rủi ro kinh doanh


Lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn và lý thuyết trật tự phân hạng đều cho rằng rủi ro kinh doanh tương quan nghịch với đòn bẩy tài chính. Các công ty có mức độ biến động trong thu nhập càng cao thì càng có nhiều rủi ro dẫn đến kiệt quệ tài chính. Để hạn chế các rủi ro này, các công ty cần giảm tỷ lệ nợ xuống ở mức


độ an toàn. Kết quả nghiên cứu của Ebadi và cộng sự (2011), Sheikh và Wang (2011) cũng cho thấy rủi ro kinh doanh tương quan nghịch với tỷ lệ nợ.


2.3.7. Các nhân tố khác


Ngoài các nhân tố vừa kể trên, một số nhân tố khác như các tiêu chuẩn ngành, chu kỳ tăng trưởng của doanh nghiệp, tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP, triển vọng của thị trường vốn, sự điều tiết của Chính phủ đối với thị trường… cũng có tác động đến cấu trúc vốn của một công ty.


Tóm tắt chương 2


Chương hai đã trình bày về các lý thuyết cấu trúc vốn, cụ thể là lý thuyết M&M, lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn và lý thuyết trật tự phân hạng. Trong đó, lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn và lý thuyết trật tự phân hạng là hai lý thuyết rất quan trọng, hai lý thuyết này đã được nghiên cứu thực nghiệm khá nhiều trên thế giới.


Chương hai cũng đã trình bày các kết quả nghiên cứu thực nghiệm về cấu trúc vốn trên thế giới. Các kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa các nhân tố và tỷ lệ nợ có thể là thuận chiều, nhưng cũng có thể là nghịch chiều. Ngoài ra, chương hai cũng đã trình bày về các nhân tố tác động đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp.


CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU‌


Chương ba trình bày về dữ liệu, các biến số, mô hình và giả thuyết nghiên cứu.


3.1. Dữ liệu‌


Các dữ liệu được tính toán từ các báo cáo tài chính của 214 công ty cổ phần phi tài chính Việt Nam niêm yết trên HOSE trong giai đoạn 2009 – 2012. Các báo cáo tài chính của các công ty này được công bố trên trang web của Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.


3.2. Các biến số‌


Ban đầu tôi xây dựng các biến số trong luận văn gồm có ba biến phụ thuộc và bốn biến độc lập, giống như các biến số trong bài nghiên cứu của Ba-Abbad và Ahmad-Zaluki (2012). Ba biến phụ thuộc gồm có biến tỷ lệ tổng nợ, tỷ lệ nợ ngắn hạn và tỷ lệ nợ dài hạn. Bốn biến độc lập gồm có biến quy mô doanh nghiệp, lợi nhuận, tài sản hữu hình (cấu trúc tài sản) và cơ hội tăng trưởng.

Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy hai biến khả năng thanh khoản và rủi ro kinh doanh có tác động đến cấu trúc vốn, vì vậy tôi đã đưa thêm hai biến này vào mô hình nghiên cứu. Tóm lại, luận văn sẽ có ba biến phụ thuộc và sáu biến độc lập.


3.2.1. Biến phụ thuộc


Luận văn có ba biến phụ thuộc, đó là biến tỷ lệ tổng nợ (TDR), tỷ lệ nợ ngắn hạn (STDR) và tỷ lệ nợ dài hạn (LTDR). Ba biến này được đo lường như sau:

Tỷ lệ tổng nợ (TDR) = Tổng nợ/Tổng tài sản.

Tỷ lệ nợ ngắn hạn (STDR) = Nợ ngắn hạn/Tổng tài sản.


Tỷ lệ nợ dài hạn (LTDR) = Nợ dài hạn/Tổng tài sản.


Các biến TDR, STDR và LTDR được đo lường tương tự như bài nghiên cứu của Ba-Abbad và Ahmad-Zaluki (2012).


3.2.2. Biến độc lập


Luận văn có sáu biến độc lập, đó là biến quy mô doanh nghiệp (SIZE), lợi nhuận (PRO), tài sản hữu hình (TANG), cơ hội tăng trưởng (GROW), khả năng thanh khoản (LIQ) và rủi ro kinh doanh (RISK). Sáu biến này được đo lường như sau:

Quy mô doanh nghiệp (SIZE) = Logarit cơ số e của doanh thu.

Lợi nhuận (PRO) = Lợi nhuận ròng/Tổng tài sản.

Tài sản hữu hình (TANG) = Tài sản cố định/Tổng tài sản.

Cơ hội tăng trưởng (GROW) = Tốc độ tăng trưởng của tổng tài sản.

Khả năng thanh khoản (LIQ) = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn.

Rủi ro kinh doanh (RISK) = Độ lệch chuẩn của lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT)/Tổng tài sản.


Các biến SIZE, PRO và TANG được đo lường giống như bài nghiên cứu của Ba-Abbad và Ahmad-Zaluki (2012). Theo bài nghiên cứu của hai tác giả này, biến GROW được đo lường bằng tốc độ tăng trưởng của công ty {(Tổng tài sản theo giá sổ sách – Vốn chủ sở hữu theo giá sổ sách cộng với vốn chủ sở hữu theo giá thị trường)/Tổng tài sản theo giá sổ sách}. Do số liệu vốn chủ sở hữu theo giá thị trường không đầy đủ, vì vậy tôi đo lường biến GROW bằng tốc độ tăng trưởng của tổng tài sản. Biến GROW được đo lường tương tự như bài nghiên cứu của Han-Suck Song (2005), Shah và Khan (2007), Al-Qudah (2011).


Biến LIQ được đo lường giống như bài nghiên cứu của Ahmad và cộng sự (2011), Sheikh và Wang (2011), Pahuja và Sahi (2012). Biến RISK được đo lường tương tự như bài nghiên cứu của Han-Suck Song (2005).


Phần trên đã trình bày về các biến số của luận văn. Theo đó, luận văn có ba biến phụ thuộc và sáu biến độc lập. Ba biến phụ thuộc gồm có biến tỷ lệ tổng nợ (TDR), tỷ lệ nợ ngắn hạn (STDR) và tỷ lệ nợ dài hạn (LTDR). Sáu biến độc lập gồm có biến quy mô doanh nghiệp (SIZE), lợi nhuận (PRO), tài sản hữu hình (TANG), cơ hội tăng trưởng (GROW), khả năng thanh khoản (LIQ) và rủi ro kinh doanh (RISK). Các biến số của luận văn được tổng hợp và thể hiện ở bảng 3.1.


Bảng 3.1: Tổng hợp các biến số của luận văn


STT

Biến phụ thuộc

Viết tắt

Đo lường

1

Tỷ lệ tổng nợ

TDR

Tổng nợ/Tổng tài sản

2

Tỷ lệ nợ ngắn hạn

STDR

Nợ ngắn hạn/Tổng tài sản

3

Tỷ lệ nợ dài hạn

LTDR

Nợ dài hạn/Tổng tài sản

STT

Biến độc lập

Viết tắt

Đo lường

1

Quy mô doanh nghiệp

SIZE

Ln(doanh thu)

2

Lợi nhuận

PRO

Lợi nhuận ròng/Tổng tài sản

3

Tài sản hữu hình

TANG

Tài sản cố định/Tổng tài sản

4

Cơ hội tăng trưởng

GROW

Tốc độ tăng trưởng của tổng tài sản

5

Khả năng thanh khoản

LIQ

Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn

6

Rủi ro kinh doanh

RISK

Độ lệch chuẩn của EBIT/Tổng tài sản

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 73 trang tài liệu này.

Các nhân tố tác động đến cấu trúc vốn của các doanh nghiệp Việt Nam - 4


Nguồn: Các biến số của luận văn

Xem tất cả 73 trang.

Ngày đăng: 07/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí