Nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã đánh giá rất tốt môi trường đầu tư của tỉnh BR-VT (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của BR – VT trong những năm qua đạt khá: năm 2007: xếp hạng thứ 8, năm 2008: 12 và năm 2009 xếp hạng thứ 8, đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Bình Dương). Trong thời gian tới, các dự án lớn như: Cụm Cảng biển số 5, Đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, Đường cao tốc Long Thành – Vũng Tàu, Hồ Sông Ray, Cảng Thương mại dịch vụ Bến Đầm – Côn Đảo,… sẽ là những địa chỉ hấp dẫn các Nhà đầu tư nước ngoài. Theo đánh giá của các nhà làm du lịch, các dự án du lịch ngày càng đa dạng về quy mô và loại hình, hướng tới nhu cầu chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng cho du khách, một mặt góp phần giải quyết việc làm cho nguồn lao động tại địa phương, mặt khác làm đa dạng các sản phẩm du lịch và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động du lịch, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong tiến trình hội nhập.
Nguồn nhân lực du lịch
Kết quả khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch trên địa bàn cho thấy, người lao động có độ tuổi từ 20 đến dưới 40 tuổi chiếm tỷ lệ khá cao (72,04%), tỷ lệ lao động qua đào tạo tham gia làm việc trong ngành du lịch chiếm khoảng 84,4% (trong đó: tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên chiếm khoảng 20,83%; trung cấp chiếm khoảng 42,58% và sơ cấp khoảng 20,99%, các tỷ lệ tương ứng của Việt Nam trong năm 2010 là 13,95%: 14,69%: 7,36%). Tuy cơ cấu về trình độ nguồn nhân lực của du lịch BR-VT so với cả nước là khá tốt, nhưng đối với định hướng của ngành thì tỷ lệ lao động chỉ được đào tạo sơ cấp và chưa qua đào tạo vẫn còn khá cao (chiếm 36,59%).
Qua thời gian công tác thực tế tại Công ty Cổ phần du lịch Sài Gòn – Bình Châu (từ năm 2007-2008), tác giả nhận thấy khả năng thương lượng, ký kết hợp đồng, tiếp đón và phục vụ khách du lịch nước ngoài của nhân viên còn nhiều hạn chế, nguyên nhân chủ yếu là do trình độ ngoại ngữ còn yếu (tổng số lao động của công ty là 260 nhân viên, nhưng số nhân viên có thể sử dụng tiếng Anh chỉ có 4 người, chiếm tỷ lệ 1,54%). Điều quan trọng trước mắt cũng như về lâu dài, ngành du lịch cần tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng về vốn ngoại ngữ và khả năng ứng xử của nhân viên làm du lịch.
Phần lớn cán bộ quản lý và nhân viên lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp chưa
được đào tạo chuyên nghiệp, chỉ tham gia những khóa tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn,
thiếu chuyên môn nghiệp vụ của ngành du lịch nên còn thụ động trong giải quyết vấn đề và chưa chủ động khai thác thị trường khách du lịch. Tỷ lệ lao động đáp ứng nhu cầu công việc chiếm tỷ lệ khá thấp (26,6%), tỷ lệ lao động đáp ứng nhu cầu tạm thời của doanh nghiệp cần được đào tạo thêm chiếm tỷ lệ khá cao (63,83%). Theo đánh giá của du khách, 57,02% nhân viên phục vụ bàn, buồng chưa chuyên nghiệp và còn yếu về kỹ năng nghiệp vụ.
Khoảng 25,53% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, có thuận lợi trong việc tuyển dụng lao động, số còn lại (74,47%) doanh nghiệp gặp những khó khăn nhất định như: các doanh nghiệp mới hình thành, nằm cách xa trung tâm du lịch, tiền lương của người lao động nhìn chung là còn thấp so với các ngành khác,… Ngoài ra, ngành du lịch địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng và sử dụng lao động bởi một số nguyên nhân sau đây:
Một là, ngành du lịch là ngành kinh tế có tính đặc thù, đòi hỏi người lao động phải có ngoại hình và kiến thức tổng hợp tương đối khá cao so với một số ngành khác, nhưng đa số người xin việc không có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp.
Hai là, đối với con em của những gia đình lao động nghèo thì họ cần có nghề nhanh chóng, dễ kiếm tiền để giúp gia đình nên thường có xu hướng trở thành công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp.
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Và Định Hướng Phát Triển Du Lịch Việt Nam
- Khoảng Cách Địa Lý Của Tỉnh Br-Vt Với Các Tỉnh
- Phân Tích Hoạt Động Du Lịch Br-Vt Thông Qua Mẫu Khảo Sát
- Quan Điểm Xây Dựng Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Bà Rịa – Vũng Tàu
- Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Tỉnh Br-Vt Đến Năm 2020
- Thông Tin Về Thị Trường Khách Du Lịch Và Sản Phẩm Du Lịch
Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.
Ba là, ngành du lịch đòi hỏi người lao động tối thiểu phải qua đào tạo cơ bản về nghề phục vụ như buồng, bàn, bar và bếp, nhưng các cơ sở đào tạo trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Ngoài ra, khó khăn đối với người học ngành Hướng dẫn viên Du lịch hệ Trung cấp, theo quy định thì không được cấp chứng chỉ hành nghề hướng dẫn viên du lịch.
2.3. Đánh giá về hoạt động du lịch của tỉnh BR-VT
2.3.1. Điểm mạnh
BR-VT có vị trí thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, nguồn khách du lịch dồi dào ở các tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,…
Nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng qui mô, hiện đại được hình thành. Môi trường du lịch, trật tự trị an, đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các tuyến, điểm du lịch được cải thiện rõ nét và được du khách đánh giá cao (chiếm trên 94,27%).
Nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và tiềm năng nhân văn khá phong phú (31 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia) để phát triển du lịch. BR-VT có bờ biển dài, khí hậu ôn hòa, ấp áp quanh năm, có nhiều di tích tôn giáo và di tích lịch sử, rừng nguyên sinh và vườn quốc gia với nhiều loài động, thực vật đặc hữu, có hải đảo và nhất là có nguồn suối nước khoáng nóng đặc trưng.
BR-VT được đánh giá là một trong những điểm du lịch trọng tâm của đất nước với lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng được quy hoạch và xây dựng khá đồng bộ thuận lợi cho phát triển kinh tế và du lịch.
Ngành du lịch duy trì mức tăng trưởng đều đặn hàng năm. Những yếu tố đó cho thấy ngành Du lịch không những không tụt hậu mà đã có bước phát triển khá vững chắc.
2.3.2. Điểm yếu
Nội dung, các lễ hội còn thiếu tầm vóc, kém phong phú để tạo sức hấp dẫn khách du lịch. Việc trùng tu tôn tạo di tích, còn thiếu chú trọng khai thác di tích theo hướng kết hợp phục vụ phát triển du lịch.
Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu tính tiêu biểu, đặc trưng, chưa có những loại hình vui chơi giải trí đa dạng, đặc sắc để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Các dự án du lịch đang được khai thác thuộc loại hình qui mô nhỏ, nghèo nàn, thiếu các khu du lịch nghỉ dưỡng lớn và khách sạn 4-5 sao để thu hút khách quốc tế cao cấp.
Vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm và giá cả dịch vụ chưa được kiểm soát tốt, vẫn còn xảy ra tình trạng tăng giá tùy tiện trong kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, nhất là vào các dịp Lễ, Tết.
Du lịch BR-VT chưa được đầu tư và phát triển tương xứng, chưa có những bước đột phá để tạo ra sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh với các địa phương khác.
Chất lượng phục vụ của nhân viên chưa tạo được ấn tượng đối với du khách. Vấn đề đào tạo cho đội ngũ lao động còn tự phát, các cơ sở và trung tâm đào tạo nghề chưa được định hướng rõ ràng, chất lượng đào tạo của các cơ sở còn thấp, việc sử dụng lao động có chuyên môn chưa được chú trọng. Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch chưa có chính sách tuyển dụng và đào tạo đội ngũ lao động theo xu thế phát triển của ngành.
2.3.3. Cơ hội
Trong những năm qua, du lịch Việt Nam tăng trưởng tương đối ổn định với tốc độ trung bình ở mức tương đối cao (khoảng 20%), thị phần du lịch của Việt Nam trong khu vực đã tăng từ 5% năm 1995 lên trên 8% năm 2005, thu nhập từ ngành du lịch tăng lên nhiều lần*. Đây là một thành công lớn góp phần giúp du lịch trở thành một trong những ngành có đóng góp lớn vào GDP.
Loại hình và sản phẩm của du lịch Việt Nam đã được xác định rõ và đã được xúc
tiến đầu tư, phát triển, bước đầu bắt nhịp và đáp ứng nhu cầu của du khách.
Đã có sự đồng thuận, hợp tác giữa các địa phương trong tỉnh, giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư đa dạng sản phẩm du lịch.
Tỉnh BR-VT đã đạt được những kết quả nhất định về du lịch. Quy hoạch chi tiết các khu du lịch trọng điểm được đưa vào thực hiện đã bước đầu định hình được tính chất, vai trò và chức năng của từng cụm du lịch trên bản đồ tổng thể phát triển du lịch Tỉnh.
2.3.4. Thách thức
Trên thực tế, việc khai thác các tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch còn có những khó khăn nhất định, như bờ biển sóng lớn, khó tổ chức các hoạt động thể thao biển, nhiều ao xoáy, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm do chất thải công nghiệp dầu khí, hải sản, cảng biển; Đất núi, suối, thác thường bị thiếu nước và cây xanh, đá núi bị khai thác quá mức; Tài nguyên rừng còn chưa thu hút được các dự án đầu tư lớn do chưa chuyển đổi được sang đất xây dựng các công trình du lịch; Hải đảo quá xa đất liền, sóng to gió lớn, đường giao thông ra đảo còn khó khăn; Các di tích lịch sử tuy số lượng nhiều nhưng cự ly cách xa nhau, không tập trung thành những quần thể, rất khó tổ chức kinh doanh lữ hành vì thời gian du khách phải đi nhiều, vất vả mà hưởng thụ văn hóa được ít;
Một bộ phận dân cư còn thiếu lòng mến khách, thiếu sự tôn trọng đối với du khách,… Những yếu tố đó đặt tỉnh BR-VT trước một thách thức tất yếu là: Để phát triển du lịch bền vững, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn và đa dạng, phải có chiến lược hợp lý, phải chủ động và tập trung rất nhiều nguồn lực đầu tư mà không trông chờ vào việc khai thác tiềm năng sẵn có.
* Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam
Tốc độ phát triển nhanh về du lịch của các tỉnh lân cận đặt ngành Du lịch BR-VT trước sự lựa chọn trong những năm tới là phải tìm ra các giải pháp để thu hút thành phần khách cao cấp, tăng mức chi tiêu, tăng độ dài ngày lưu trú hơn là đơn thuần tăng số lượng khách du lịch nội địa.
2.3.5. Những nguyên nhân cơ bản làm hạn chế phát triển du lịch BR-VT
2.3.5.1. Nguyên nhân khách quan
Những năm qua, dòng khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, do sản phẩm du lịch chưa đặc sắc.
Thị trường khách du lịch nội địa của BR-VT chủ yếu là các tỉnh lân cận như: Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Miền đông Nam bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, chưa thu hút được nguồn khách du lịch từ các tỉnh Miền Trung và Miền Bắc. Mặt khác, thu nhập của dân cư còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn dẫn đến chi tiêu cho các loại hình giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng thấp, họ thường kết hợp du lịch với thăm viếng người thân, bạn bè và đi công nên tác thời gian đi du lịch ngắn, chi tiêu hạn chế và ít sử dụng dịch vụ như một chuyến du lịch chính thức.
2.3.5.2. Nguyên nhân chủ quan
Về công tác quản lý nhà nước
Công tác đầu tư hạ tầng còn chậm và thiếu đồng bộ, nhiều cụm du lịch trọng điểm chưa được đầu tư hạ tầng để làm tiền đề cho việc thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế. Thủ tục hành chính còn kéo dài ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị đầu tư và tiến độ của các dự án.
Chưa có chính sách cụ thể để thu hút các nhà đầu tư vào các dự án lớn. Chiến lược đầu tư về du lịch chưa được nhận thức đúng và đầy đủ, nhận thức về du lịch và vai trò của ngành du lịch trong xã hội chưa được định hướng đúng, một bộ phận dân cư và chính quyền địa phương cấp cơ sở còn có tư tưởng cục bộ, đôi khi có nhận thức sai lệch về các dự án du lịch.
Do giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2000 Tỉnh chưa đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng và chưa có cơ chế chính sách phù hợp để làm đòn bẩy phát triển du lịch nên trong giai đoạn 2001-2005 ít có những dự án qui mô lớn, đủ sức thu hút khách quốc tế, khách du lịch cao cấp. Cơ sở hạ tầng trực tiếp cho ngành du lịch còn ít, tiến độ đầu tư các công trình bằng nguồn vốn ngân sách còn chậm. Điển hình là công trình đầu tư nâng cấp bãi
tắm Thùy Vân kéo dài nhiều năm, gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo trật tự, an toàn và mỹ quan trên bãi tắm.
Ngoài những nhà đầu tư có tâm huyết, quyết tâm thực hiện dự án vẫn còn một số nhà đầu tư có tư tưởng giữ đất do khả năng tài chính có hạn. Việc chọn lựa các nhà đầu tư thực sự có năng lực để thực hiện dự án rất khó khăn vì pháp luật chưa có những chế tài cứng rắn.
Đa số các dự án đầu tư đều tập trung khai thác bãi biển để đầu tư loại hình du lịch nghỉ dưỡng, trong khi đó, phần lớn đất bờ biển trước đây đều là đất được giao để trồng rừng theo Chương trình 327, nay muốn lập dự án đầu tư phải chuyển mục đích sử dụng. Chi phí đền bù thu hồi đất đối với các hộ dân được giao đất trồng rừng chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn đầu tư, gây khó khăn cho nhà đầu tư, dẫn đến tiến độ đầu tư chậm.
Quy hoạch sử dụng đất của Tỉnh đến năm 2010 mới được lập và được Chính phủ phê duyệt vào năm 2001, do đó chưa thể điều chỉnh kịp thời theo hướng đưa một phần diện tích đất lâm nghiệp sang đất chuyên dùng, làm hạn chế việc thu hút nguồn lực đầu tư và chậm tiến độ một số dự án ven biển.
Về phát triển các loại hình du lịch
Loại hình du lịch cuối tuần là loại hình truyền thống và chủ yếu nhưng địa phương chưa có giải pháp chủ động hỗ trợ doanh nghiệp khai thác khách cho loại hình này.
Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa ngành Du lịch với các ngành liên quan như: Thương mại, Văn hóa Thông tin, Thể dục Thể thao,… nhằm nghiên cứu đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, phát triển các nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, tôn tạo các di tích, danh thắng, tôn vinh phong cách ẩm thực, phát triển các loại đặc sản của địa phương, nâng cấp các lễ hội văn hóa, tổ chức các giải thể thao có tính liên vùng với các tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế phục vụ cho mục tiêu thu hút khách du lịch. Do đó chưa có các tour, tuyến du lịch đặc trưng về văn hóa, thể thao.
Tỉnh còn thiếu các trung tâm hội nghị, hội chợ, triển lãm, hội thảo có quy mô lớn, các đơn vị kinh doanh du lịch chưa đầu tư vào phòng họp, hội trường nên chưa có tiền đề để khai thác và bỏ qua thị trường tiềm năng của loại hình du lịch MICE (hội nghị, hội thảo của các ngành, hội nghị khách hàng) trong và ngoài nước.
Về môi trường tự nhiên và xã hội
Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác quản lý đô thị, để xảy ra tình trạng di dân và cư trú bất hợp pháp, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường du lịch (điển hình như khu dân cư tự phát sau di tích Thích Ca Phật đài, khu dân cư tại bãi biển Long Hải, khu Festival Bãi Sau và các địa phương có ngư dân đánh bắt thủy, hải sản). Do chưa có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các ban, ngành, các địa phương, chưa có các pháp chế đủ mạnh để chấm dứt triệt để tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch trên các bãi tắm, trước các khách sạn và các điểm tham quan.
Địa phương chưa có các giải pháp tích cực nhằm hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm môi trường trên các bãi tắm và trong đô thị.
Về phía doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động trong công tác tuyên truyền quảng bá, tiếp thị, tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, liên hoan du lịch, … được Tổng cục Du lịch và các địa phương tổ chức hàng năm.
Các doanh nghiệp du lịch đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phương thức kinh doanh còn theo nếp cũ, thiếu chủ động, chậm đổi mới, chậm nâng cấp cơ sở vật chất để tạo ra những sản phẩm mới. Vốn đưa vào đầu tư thiếu định hướng, mang tính dàn trải, chưa tập trung, từ đó năng lực cạnh tranh kém.
Kết luận chương 2
Thị trường khách du lịch quốc tế của BR-VT phần lớn là nguồn khách đến từ các nước: Mỹ, Hàn Quốc và Singapore và họ có có xu hướng quay trở lại BR-VT chiếm tỷ lệ khá cao. Nguồn khách du lịch nội địa đa số là trí thức, viên chức, học sinh đến từ các tỉnh lân cận thuộc khu vực Đông nam bộ.
Phần lớn du khách đến BR-VT là nhằm mục đích tham quan, nghỉ dưỡng. Nguồn khách du lịch nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới và độ tuổi từ 25 – 54 chiếm trên 50%. Vì vậy, khi khu vực kinh tế năng động TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương cùng phát triển, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng cao, người dân có thu nhập tăng, nhu cầu đi du lịch tăng lên thì BR-VT chính là điểm đến hấp dẫn và đầy tiềm năng đối với nguồn khách du lịch này.
BR-VT đã được khẳng định là một trung tâm du lịch không thể thiếu của Đông Nam Bộ và của cả nước, bổ sung, hoàn chỉnh và làm phong phú thêm đặc trưng của du lịch Việt Nam trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của BR-VT còn đơn điệu, thiếu nét đặc trưng. Du khách biết đến BR-VT chỉ là những loại hình thể thao, giải trí gắn với biển, nghỉ dưỡng tại khu du lịch Sài Gòn – Bình Châu và tham quan Côn Đảo.
Các điểm du lịch trên địa bàn vẫn còn nhiều và rất có ý nghĩa văn hóa, lịch sử nhưng chưa được khai thác như: Địa Đạo Long Phước, khu du lịch Long Hải, khu căn cứ Minh Đạm, khu du lịch rừng nguyên sinh Bình Châu – Phước Bửu,… nên đã làm hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như công tác quảng bá hình ảnh của một BR-VT đầy tiềm năng trong nước và quốc tế.
Hệ thống khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn khá, nhưng tập trung chủ yếu tại thành phố Vũng Tàu, các địa phương còn lại vẫn còn thiếu, chưa hấp dẫn đối với khách lưu trú và khách có nhu cầu ẩm thực cao cấp, từ đó đã làm hạn chế về số ngày lưu trú của khách và ảnh hưởng đến doanh thu của ngành.
Dự án đầu tư vào du lịch tại BR-VT ngày một nhiều và mặc dù khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của BR-VT khá tốt, nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, công tác giao đất, thủ tục kiểm tra đền bù còn bất cập.