Sinh vật
Ngày nay, việc tham quan trong thế giới động - thực vật sống động, hài hòa trong thiên nhiên đang có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách. Các thuyết minh tại điểm cần có kiến thức về loại tài nguyên này như sau:
o Thảm thực vật độc đáo và điển hình
o Các loài đặc trưng cho khu vực, loài đặc hữu, loài quý hiếm đối với thế giới và trong nước.
o Những loài động vật (thú, chim, bì sát, côn trùng, cá,...) điển hình của vùng.
o Những loại có thể khai thác dưới dạng đặc sản phục vụ nhu cầu khách du lịch.
o Nơi có thể đi lại quan sát, chụp ảnh.
o Các quy định của cơ quan quản lý.
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc Điểm Của Lao Động Trong Du Lịch
- Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Tới Chất Lượng Dịch Vụ Du Lịch
- Khái Quát Chung Về Địa Phương Và Lịch Sử Phát Triển Của Điểm Du Lịch
- Bồi dưỡng Nghiệp vụ cho Thuyết minh viên Du lịch Phần 1 - 16
- Bồi dưỡng Nghiệp vụ cho Thuyết minh viên Du lịch Phần 1 - 17
Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.
2.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
Các di sản văn hóa thế giới và di tích lịch sử - văn hóa
Các di sản văn hóa thế giới và di tích lịch sử - văn hóa là một trong những tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng nhất. Đây là nguồn lực để phát triển và mở rộng hoạt động du lịch. Loại tài nguyên này gắn liền với môi trường xung quanh, thể hiện sự sinh động của quá khứ và làm cho cuộc sống thêm đa dạng, phong phú. Qua các thời đại, di sản văn hóa thế giới và di tích lịch sử văn hóa đã minh chứng những sáng tạo to lớn về văn hóa, tôn giáo và xã hội của loài người. Do vậy, việc cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết và chính xác sẽ giúp cho du khách mở rộng kiến thức, đồng thời tạo cơ hội cho họ góp phần bảo vệ, khôi phục và tôn tạo các giá trị vô giá đó.
o Các di sản văn hóa thế giới
Khi thuyết minh về các di sản thế giới, thuyết minh viên du lịch cần làm rõ giá trị của di sản thông qua 6 tiêu chuẩn sau:
- Là tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị, tác phẩm hàng đầu của tài năng con người.
- Có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật cấu tạo không gian trong một thời gian nhất định, trong một khung cảnh văn hóa nhất định.
- Chứng cứ xác thực cho một nền văn minh đã biến mất.
- Cung cấp ví dụ hùng hồn cho một thể loại xây dựng hoặc kiến trúc phản ánh một giai đoạn lịch sử có ý nghĩa.
- Cung cấp các thông tin về một dạng nhà ở truyền thống nói lên được một nền văn hóa đang có nguy cơ bị hủy hoại trước những biến động không cưỡng lại được.
- Có mối quan hệ trực tiếp với những sự kiện, tín ngưỡng đáp ứng được những tiêu chuẩn xác thực về ý tưởng sáng tạo, về vật liệu, về cách tạo lập cũng như về vị trí.
o Di tích lịch sử - văn hóa
Những thông tin về di tích lịch sử - văn hóa sẽ tạo nên sức lôi cuốn du khách. Có thể nói các giá trị của các khu di tích lịch sử - văn hóa là những thông tin cốt lõi mà thuyết minh viên du lịch cần nắm bắt đầu tiên. Song cần lưu ý tính logic theo tiến trình lịch sử: giá trị nguyên bản của loại hình này trong quá khứ, những gì du khách nhìn thấy hiện tại và những dự án khôi phục trong tương lai, ý nghĩa lịch sử, những minh chứng còn lại, khả năng tái hiện trong lời thuyết minh của thuyết minh viên du lịch.
Lễ hội
Các lễ hội đã tạo nên một môi trường mới, huyền diệu, giúp người tham dự có điều kiện tiếp xúc với những bí ẩn vừa mơ, vừa thực. Lễ hội trở thành dịp cho con người hành hương về với cội rễ, bản thể. Trong kho báu di sản của quá khứ để lại cho ngày hôm nay, các lễ hội dân tộc lành mạnh không bị mất đi; trái lại, lễ hội ngày càng được nhân rộng, phát triển cả về hình thức và nội dung. Khi tìm hiểu về lễ hội, thuyết minh viên du lịch cần lưu ý những thông tin cơ bản sau:
- Thời gian của lễ hội: Thời gian khai hội, thời gian kết thúc lễ hội, lý do lựa chọn thời gian diễn ra lễ hội, ...
- Quy mô của lễ hội: Các lễ hội có quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Có lễ hội có quy mô quốc tế nhưng cũng có những lễ hội chỉ bó gọn trong một địa phương nhỏ hẹp.
- Địa điểm diễn ra lễ hội: Ở đâu và ý nghĩa của địa điểm tổ chức lễ hội.
- Nội dung của lễ hội: Các nghi lễ trong phần lễ và các hoạt động tiêu biểu, đặc trưng trong phần hội.
Các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học
Mỗi một dân tộc có những điều kiện sinh sống, đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất mang sắc thái riêng trên địa bàn cư trú nhất định. Những đặc thù của từng dân tộc, từng vùng miền có sức hấp dẫn riêng đối với du khách.
Các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học có giá trị với du lịch là các tập tục lạ về cư trú, về tổ chức xã hội, về thói quen ăn uống, sinh hoạt, về kiến trúc cổ, các nét truyền thống trong quy hoạch cư trú và xây dựng, trang phục dân tộc, ngôn ngữ, ...
Để bài thuyết minh hấp dẫn du khách, các thuyết minh viên cần nắm được các thông tin đầy đủ, đặc sắc và hiểu biết chính xác về các đặc điểm gắn với dân tộc học của địa phương, nơi khách cư trú để so sánh và chỉ ra sự khác biệt của điểm tham quan. Điều này giúp cho du khách nhận biết những giá trị độc đáo của điểm du lịch.
Làng nghề thủ công truyền thống
Làng nghề truyền thống là làng có nghề cổ truyền được hình thành từ lâu đời, tồn tại và phát triển đến ngày nay. Các sản phẩm của làng nghề truyền thống là sự kết tinh, giao thoa và phát triển các giá trị văn hóa, văn minh lâu đời của mỗi dân tộc. Những sản phẩm này luôn mang cả dấu ấn về tâm hồn, bản sắc dân tộc, dấu ấn về mỗi làng quê và hình ảnh đất nước.
Do vậy, thuyết minh viên du lịch không chỉ đơn giản là nắm vững các thông tin mà cần phải thẩm nhận được các giá trị ẩn chứa bên trong của mỗi làng, mỗi nghề truyền thống. Bằng sự hiểu biết đó kết hợp với khả năng truyền
đạt của mình, thuyết minh viên mới có thể làm nổi bật cả giá trị phi vật thể (kỹ năng làm nghề, cảm nhận văn hóa nghệ thuật,...) và giá trị vật thể (hàng lưu niệm) khi tác nghiệp.
Các đối tượng văn hóa, thể thao và hoạt động nhận thức khác
Loại tài nguyên này bao gồm các viện khoa học và các trường đại học, các thư viện nổi tiếng, các bảo tàng, các thành phố diễn ra triển lãm nghệ thuật, các trung tâm thường xuyên tổ chức liên hoan âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, các cuộc thi đấu thể thao, các cuộc thi hoa hậu,... Để có những thông tin này, thuyết minh viên du lịch cần cập nhật thông tin theo từng sự kiện. Đồng thời, thuyết minh viên du lịch cần dựa trên nhu cầu cung cấp thông tin của từng đối tượng du khách để có hướng thuyết minh cho phù hợp.
III. Giá trị của điểm du lịch thông qua ví dụ một bài thuyết minh
Du khách khi đến tham quan điểm du lịch, họ không chỉ cảm nhận về điểm đến thông qua những gì có thể nhìn thấy mà còn thông qua những lời thuyết minh, hướng dẫn của thuyết minh viên du lịch . Các giá trị của điểm đến có thể được cán bộ thuyết minh đề cập dưới nhiều góc độ khách nhau để giúp cho du khách hiểu được những nét đặc trưng riêng biệt của khu vực tham quan một cách đầy đủ và sinh động nhất.
Nghiên cứu ví dụ sau:
Ví dụ: Bài thuyết minh Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội)
Thưa Quý khách, chúng ta đang dừng chân trước Quảng trường Ba Đình lịch sử - nơi ghi lại dấu ấn thiêng liêng: Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đem lại cho dân tộc ta một thời kỳ độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Và ngày hôm nay, thuyết minh viên du lịch (giới thiệu tên) của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh rất hân hạnh, vinh dự và tự hào được trở thành thuyết minh viên du lịch đưa quý khách - những người con của Bác đến từ miền Nam xa xôi ra thăm thủ đô Hà Nội và đặc biệt thăm là Khu di tích Chủ Tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch nằm ở trung tâm chính trị của thủ đô Hà Nội. Đây là nơi sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh (từ 19 tháng 12 năm 1954 đến 2 tháng 9 năm 1969). Tổng thể khu di tích rộng hơn 14 hecta, bao gồm 16 công trình, công trình đã tồn tại lâu nhất là hơn 100 năm và gần nhất là hơn 40 năm. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau lần lượt đi thăm: Phủ Chủ tịch, Nhà 54, Nhà 67 và Nhà sàn. Đây là những nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc và gắn bó.
Phía trước quý khách là Phủ Chủ tịch - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tòa nhà nằm trong khuôn viên của khu Phủ Chủ tịch, gần lăng Hồ Chí Minh và quảng trường Ba Đình.
Ngày 10 tháng 10 năm 1954, những bước chân đầu tiên của đoàn quân giải phóng tiến về Thủ Đô… Cùng với đó, Bác Hồ đã từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội sau chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ. Ban đầu, Bác và một số đồng chí trong Trung ương Đảng đã đến ở tạm tại nhà thương Đồn Thủy (nay là bệnh viện Hữu Nghị và bệnh viện Quân Đội 108).
Trung ương Đảng và Chính phủ đã mời Người về ở và làm việc tại tòa nhà sang trọng này với mong muốn đảm bảo điều kiện tốt nhất để Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể làm việc và thực hiện những nghi lễ ngoại giao quan trọng.
Đây là một tòa nhà sang trọng, bề thế, được khởi công xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX (1900 - 1906) do một kiến trúc sư người Pháp gốc Đức Lich-ten Fen-đơ thiết kế theo phong cách thời kỳ hậu Phục Hưng, mang đậm phong cách kiến trúc Pháp.
Dưới thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Phủ Toàn quyền Đông Dương vì đây là nơi ở của các viên toàn quyền.
Khi nhận được lời đề nghị, Bác đã không tán thành. Người nói: “Trước kia đây là Phủ Toàn quyền, nhưng việc xây dựng nên công trình kiến trúc này là bàn tay của những người thợ Việt Nam. Bây giờ nhân dân được tự do, đất nước được độc lập, quyền làm chủ tòa nhà phải thuộc về nhân dân”. Chính vì vậy, Bác đề nghị sử dụng tòa nhà này là nơi làm việc cho toàn bộ Cán bộ Nhà nước. Từ đó tòa nhà được gọi là Phủ Chủ tịch.
Mặt bằng của tòa nhà được thiết kế đối xứng, có một khối lớn ở giữa và hai khối ở hai bên. Tòa nhà có diện tích sử dụng gần 1.300m2, gồm hai tầng chính đặt trên một tầng đế, trên cùng là một tầng sát mái. Tầng đế là một tầng nửa hầm xây nổi, có kẻ mạch vữa giả đá thường thấy trong kiến trúc cổ điển Pháp. Tòa nhà có 36 phòng được thiết kế cầu kỳ. Đây là một trong những công trình đẹp và sang trọng nhất đất nước ta thời kỳ bấy giờ, nhưng cũng là một công trình đã tiêu tốn rất nhiều tiền của và công sức của nhân dân lao động.
Phủ Chủ tịch
Căn phòng trang trọng nhất của Phủ Chủ Tịch là phòng gương ở tầng một với năm vòm cửa lớn ở chính diện tòa nhà nhìn ra đường Hùng Vương. Kết cấu kiến trúc và trang trí nội thất đã tạo cho phòng gương một sự trang trọng. Đây là nơi đã diễn ra những sự kiện quan trọng của đất nước; những hoạt động đối nội, đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị là người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp những Chính khách Quốc tế, các vị nguyên thủ Quốc gia, lãnh tụ Đảng các nước anh em; hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Nhà nước Việt Nam cũng như thăm hỏi các đại biểu của nhân dân ta. Hàng năm, đại sứ các nước vẫn tới đây để trình Quốc Thư. Cùng với đó, nhiều sự kiện quan trọng của quốc gia đã được diễn ra tại phòng gương của Phủ Chủ tịch.
Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ tại Phủ Chủ tịch bắt đầu từ ngày 23 tháng 12 đến ngày 25 tháng 12 năm 1954.
Cũng tại phòng gương, vào tháng 3 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các vị đại biểu Quốc hội trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa I.
Các phiên họp của Hội đồng Chính phủ đã được thảo luận ở nơi đây và đi đến quyết định về Quốc Ca, Quốc Kỳ, Quốc Huy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Về phía các đoàn đại biểu quốc tế, năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các nước Ấn Độ, Ba Lan và Canađa, trong Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế thi hành Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương. Từ năm 1955 đến 1957, hoạt động đối ngoại của Bác tập trung vào các phương diện: Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, tăng cường tình hữu nghị với các nước anh em; góp phần củng cố hoà bình ở châu Á và trên toàn thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp một số nguyên thủ của các nước như Liên Xô, Ấn Độ, Anbani, Ghinê và các đoàn đại biểu quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt Nam: Đoàn đại biểu Thanh niên Dân chủ thế giới, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản, Đoàn đại biểu phụ nữ Tuynidi và Angiêri. Người đã tiếp bà Idaben Blum, Ủy viên Chủ tịch đoàn Hội đồng hoà bình thế giới. Tại Phủ Chủ tịch, Người đã tiếp đón hơn 1.000 đoàn đại biểu trong và ngoài nước.
Bác vẫn thường cho đón các cháu thiếu niên nhi đồng tới đây vui chơi ca hát và báo cáo cho Bác nghe thành tích học tập của các cháu. Hàng tuần, thường vào tối thứ bảy, Bác Hồ mời các cháu thiếu nhi, các anh chị em phục vụ và bảo vệ Bác đến quây quần xem phim với Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngày 2 tháng 8 năm 1969, Người xem bộ phim “Bài ca anh giải phóng quân” và đây cũng chính là buổi xem phim cuối cùng của Bác.
Tại một căn phòng nhỏ ở tầng hai tòa nhà, Bác thường đọc thư chúc Tết đồng bào và cho ghi âm lại, sau đó phát đi trong đêm giao thừa, gửi tới đồng bào chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Những bài thơ chúc Tết của Bác tuy đơn sơ, mộc mạc, nhưng chan chứa tình yêu bao la đối với toàn dân tộc; khuyến khích, động viên tinh thần của nhân dân ta trong những năm đất nước còn gặp nhiều gian khó.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (ngày 2 tháng 9 năm 1969), Phủ Chủ tịch trở thành một trong những di tích lưu niệm về Người được Nhà nước xếp hạng là di tích đặc biệt quan trọng. Cũng từ đó đến nay, những hoạt động quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn được tiến hành trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Đây vẫn là nơi làm việc của Chủ Tịch nước và Phó Chủ Tịch nước cùng các cán bộ cơ quan văn phòng Chủ tịch nước. Hiện nay, hàng ngày, Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước cùng các cán bộ cơ quan vẫn thường đi làm ở phía cổng sau. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt, như khi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia thì sẽ cho mở cửa phía trước và tổ chức nghi lễ long trọng trước sân đại sảnh.
NHÀ 54
Đi theo con đường này sẽ đưa chúng ta tới một căn nhà Bác đã ở và làm việc từ năm 1954 đến năm 1958.
Năm 1954, Thủ Đô Hà Nội được giải phóng. Khi Bác từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, Ban Chính trị đã mời Bác về ở và làm việc tại tòa nhà Phủ Chủ tịch, nhưng Bác không đồng ý vì nó sang trọng quá. Bác nói ta vừa tiếp quản cơ ngơi của chính quyền cũ chỉ có chiếc két rỗng mà còn bao nhiêu việc cần phải chi tiêu; nơi Bác ở chỉ cần những thứ Bác đã dùng ở chiến khu Việt Bắc là được rồi.
Bác chọn cho mình một ngôi nhà này. Trước kia, đây là nơi ở của người thợ điện phục vụ trong Phủ toàn quyền Đông Dương cũ. Là Chủ tịch nước nhưng Bác chọn cho mình những gì đơn sơ nhất, giản dị nhất mà gần gũi với nhân dân. Khi Bác về đây thì ngôi nhà không có vật dụng gì cả. Anh em phục vụ đã cho sửa chữa, tu bổ những chỗ hư hỏng. Và tất cả những vật dụng cần thiết thì đều lấy ở các nhà của cơ quan chính quyền cũ, chỉ có chiếc giường là mua mới. Ngày 19 tháng 12 năm 1954, Bác đã về sống và làm việc ở đây.