Bồi dưỡng Nghiệp vụ cho Thuyết minh viên Du lịch Phần 1 - 16


Căn nhà này chỉ có ba gian, nằm cạnh hồ nước vì thế mùa đông gió lạnh, trong khi đó mùa hè ánh nắng chiếu thẳng vào nhà rất ngột ngạt. Nơi đây chỉ có ba phòng nhỏ, phía giáp ao là phòng làm việc, ở giữa là phòng ăn và trong cùng là phòng ngủ.

Trong phòng ngủ của Bác, chỉ có một chiếc giường đơn, một bàn, một ghế, một chiếc ghế xa-lông và một chiếc tủ quần áo nhỏ. Tất cả những vật dụng chỉ phục vụ cho những sinh hoạt tối thiểu. Ở góc phòng Bác đặt bức tượng nhà thơ Khuất Nguyên của nhân dân Trung Quốc gửi tặng; bên cạnh đó là chiếc bàn tròn là món quà của Chủ tịch nước Cuba Phi-đen-Cat-xtơ-rô.

Đồ vật vô tri vô giác, nhưng khi gắn liền với Bác, nó lại trở nên có ý nghĩa cao đẹp đến nhường nào. Như là chiếc tủ quần áo này - chiếc tủ quần áo bằng gỗ duy nhất Bác dùng trong suốt 15 năm cuối đời.

Chỉ có 2 bộ quần áo kaki đã sờn bạc Bác mặc từ những ngày còn ở chiến khu Việt Bắc, mấy chiếc áo bà ba bằng vải mỏng sinh hoạt hàng ngày. Mùa hè nắng gắt ở Hà Nội, có những hôm đến 38 - 39 độ C, nhưng Bác vẫn mặc bộ quần áo kaki đã phai màu, bạc trắng để tiếp khách.

Bác thường dặn rằng nếu tư trang Bác dùng bị rách thì vá lại cho Bác.

Quần áo chỉ có vài bộ, mà lại cùng kiểu, cùng chất vải, cùng màu. Nên có lần các đồng chí phục vụ đã nghĩ ra cách thấy bộ nào cũ thì thay thế một bộ mới giống như vậy vào cho Bác. Ban đầu Bác không nhận ra. Nhưng sau Bác thấy quần áo mặc lâu ngày mà vẫn mới, Bác bèn đánh dấu và phát hiện các đồng chí đã tự may thêm quần áo cho mình. Bác nghiêm khắc phê bình và nói: “Hoàn cảnh nước ta còn nghèo, thi sang trọng với nước bạn thì thế nào cũng thua, nhưng thi tiết kiệm mới là điều đáng quý”.

Nếp ở là vậy. Nếp ăn của Bác cũng không chút xa hoa, cầu kỳ. Bàn ăn rất dài và rộng, nhưng khăn ăn chỉ được trải một phần. Bác bảo Bác ngồi chỗ nào thì trải khăn ăn ở chỗ đó, khi giặt khăn đỡ tốn thời gian công sức và cũng đỡ tốn xà phòng. Bác quan niệm: mỗi người ở miền xuôi tiết kiệm một chút xà phòng thì các em gái ở miền ngược có đủ xà phòng dùng để đảm bảo vệ sinh.


Trong phòng ăn của Bác, trên bàn hiện còn trưng bày một bộ đồ ăn Bác vẫn thường dùng. Bữa cơm của Bác rất đơn giản, mang đậm hương vị quê nhà, chỉ thường có món cá kho gừng và món cà dầm tương. Trên bàn còn có chiếc cặp lồng cơm, để khi mỗi lần đi công tác xa Hà Nội, Bác cũng nhắc nhở anh em chuẩn bị cơm mang theo, tránh sự đón tiếp phiền hà của nhân dân. Sau bữa ăn, Người tự tay xếp gọn bát đĩa để bớt công việc cho các đồng chí phục vụ. Chuyện nhỏ nghĩa lớn hài hòa ở một con người.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Quý vị thấy chiếc đài kia là kết quả báo cáo lên Người về thành tích học tập của đoàn thực tập sinh về radio và vô tuyến truyền hình tại Hungari. Sinh thời, Bác vẫn luôn chú trọng quan tâm bồi dưỡng thế hệ trẻ và sự nghiệp giáo dục. Hàng ngàn thanh niên Việt Nam đã được lựa chọn và gửi đi đào tạo ở các nước.

Xin mời quý vị cùng chuyển tới phòng làm việc của Bác. Tại nơi đây, Bác đã viết hàng loạt bài báo tố cáo chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, bày tỏ quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

Bồi dưỡng Nghiệp vụ cho Thuyết minh viên Du lịch Phần 1 - 16

Trong phòng làm việc của Bác có rất nhiều những món quà lưu niệm là quà tặng của bè bạn quốc tế như Búp bê truyền thống của Hội hữu nghị Nhật- Việt; mô hình thùng đựng rượu của Bungari; Bức tượng bán thân của Lênin và mô hình tháp Kremlin do Đảng Cộng Sản Liên Xô gửi tặng. Đây thực sự là những kỷ vật minh chứng cho tình cảm quý báu mà bạn bè thế giới dành cho Bác, khẳng định tình đoàn kết keo sơn với các nước anh em mà Bác đã dày công vun đắp.

Sinh thời, Bác luôn xem Các-Mác và Lênin là những người thầy vĩ đại. Chính vì vậy, ảnh của Các Mác và Lê nin được treo trang trọng trong phòng của Bác. Phía dưới đó là giá sách vẫn còn lưu giữ hơn 300 đầu sách, có rất nhiều sách Bác đã đọc nguyên bản bằng tiếng nước ngoài. Bác quan niệm rằng sách hay phải tới tay nhiều người đọc mới phát huy được hết tác dụng. Khi đọc xong, Bác vẫn thường gói sách lại và gửi tới Văn phòng để các đồng chí khác cùng đọc.


Nhà 54 là nơi đã diễn ra những hoạt động quan trọng trong giai đoạn Cách mạng Việt Nam đứng trước những thách thức lớn. Cả cuộc đời Bác tận tâm một lòng vì đất nước, vì nhân dân. Bác không giữ gì riêng cho mình. Tuổi già không ai tránh khỏi cảm giác cô đơn. Nhưng Bác của chúng ta chỉ bầu bạn với vườn cây, ao cá. Niềm hạnh phúc của Bác là khi được đón các chiến sỹ trong vòng tay, khi gặp đồng bào, khi âu yếm các cháu thiếu nhi.

NHÀ SÀN

Anh dắt em vào cõi Bác xưa Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa

Quý vị đang trên đường đi vào “Cõi Bác Xưa - hay chính là Nhà sàn của Bác” - nơi Chủ Tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 5 năm 1958 đến tháng 8 năm 1969. Vì sao lại là Nhà Sàn? Bởi lẽ Bác mong muốn được ở lại một ngôi nhà sàn theo kiểu nhà của đồng bào dân tộc ở Việt Bắc - nơi đầu nguồn Cách Mạng, nơi Bác đã đồng cam cộng khổ với đồng bào trong những năm trường kì kháng chiến.

Ngày 15 tháng 4 năm 1958, ngôi nhà sàn được khởi công xây dựng. Người chịu trách nhiệm thiết kế là kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh là một trong tám vị kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp trường Đại Học Mỹ Thuật Đông Dương danh giá. Các cán bộ, chiến sĩ đã khẩn trương hoàn thành công việc, kịp mừng sinh nhật lần thứ 68 của Bác. Ngày 17 tháng 5 năm 1958, ngôi nhà sàn được khánh thành.

Ngôi nhà sàn được thiết kế bằng gỗ, lợp ngói, có hai tầng, xung quanh có mành che.

Tầng dưới nhà sàn được làm thấp và để thoáng. Khi bàn về việc thiết kế và thi công ngôi nhà sàn, Bác đã đề nghị làm thêm bệ xi măng ở xung quanh tầng dưới, bên trên lát ván gỗ để mỗi lần các cháu thiếu nhi vào thăm Bác có đủ chỗ ngồi. Hiểu tâm lí trẻ nhỏ, Bác cũng căn dặn các đồng chí phục vụ đặt thêm bể cá vàng, để khi các cháu đến chơi với Bác được vui hơn.

Tầng một Nhà sàn là nơi Bác làm việc với Bộ Chính Trị, cũng là nơi Người tiếp thân mật các cán bộ, chiến sĩ miền Nam hay một số đoàn khách quốc tế.


Trên bàn làm việc của Bác, hiện nay vẫn còn những tài liệu sách báo Người đang đọc trong những ngày cuối cùng và một chiếc khay đá màu đen, hình con thuyền mà Người vẫn thường để bút là món quà của Tổng thống nước Cuba kính tặng Bác. Đặc biệt là cuốn sách viết về gương người tốt việc tốt của các giới, các ngành. Từ năm 1959 đến năm 1969, Bác đã tặng gần 4.000 huy hiệu cho những cá nhân làm việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Và cho đến ngày hôm nay, phong trào thi đua “Người tốt việc tốt” vẫn có ảnh hưởng sâu rộng và phát triển mạnh mẽ.

Cuối phòng là chiếc ghế chao bằng mây - là nơi Người thường nghỉ trưa hoặc nghỉ ngơi sau những giờ làm việc. Bên cạnh là chiếc mũ sắt thường được Bác mang theo khi đi thăm các địa phương, các đơn vị bộ đội…để tránh đạn bom.

Bác vẫn thường dùng ba chiếc máy điện thoại: chiếc máy màu xanh Bác làm việc với Bộ Chính Trị; hai máy màu đen Người làm việc với Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân.

Có một điều đặc biệt, ngôi Nhà sàn này Bác đã ở tới 11 năm nhưng không hề có phòng ăn và công trình phụ. Bởi lẽ tuy sống ở Nhà sàn, nhưng hàng ngày Bác vẫn đi bộ qua ao cá để sang Nhà 54 dùng bữa và khám sức khỏe định kỳ. Bác sống chỉ có một mình, nên không muốn xây sửa nhiều cho tốn kém. Bác bầu bạn với ao cá, với những khóm cây nhỏ trước nhà, và rạng ngời niềm hạnh phúc bên các cháu thiếu nhi, các bè bạn, đồng chí.

Sinh thời, Bác vẫn theo cầu thang gỗ này để lên tới tầng hai. Nhưng để giữ gìn nguyên vẹn di tích, xin mời quý vị chúng ta cùng theo chiếc cầu thang sắt được làm mới để lên thăm tầng hai Nhà sàn của Bác.

Bước theo cầu thang gỗ 14 bậc là lên tới tầng hai nhà sàn, và ở đây quý vị có thể nhìn thấy và cảm nhận được cách sinh hoạt nề nếp và những kỷ vật gắn liền với cuộc sống của Bác. Những dấu chân của Bác vẫn còn đây, in hằn những trăn trở, lo âu của Bác về sự tự do, độc lập toàn vẹn của đất nước, về cánh cửa mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam.


Tầng hai của nhà sàn chỉ có hai phòng: phòng làm việc và phòng ngủ, mỗi phòng chỉ rộng hơn 10m2. Chính tại nơi đây, trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ác liệt những năm 64 - 68, Bác đã viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng tại căn phòng này, kể từ tháng 5 năm 1965, Người đã viết một tài liệu tuyệt đối bí mật mà giá trị của nó vượt không gian và thời gian, trở thành một tài sản vô giá và thiêng liêng của dân tộc Việt Nam - đó chính là bản Di chúc lịch sử.

Có một giá sách đặt trong vách ngăn giữa phòng làm việc và phòng ngủ của Bác. Trên giá có những cuốn sách kinh điển của Các Mác, Lênin; các sách về đường lối cách mạng; sách lịch sử, văn học, nghệ thuật…; nhiều cuốn của các tác giả nước ngoài gửi tặng với những dòng đề tặng đầy trân trọng, quý mến dành cho Bác. Ở ngăn dưới cùng của giá sách đặt chiếc máy đánh chữ nhỏ. Bác thường tự đánh máy các tài liệu, các bài báo, thư khen ngợi… tới nhân dân và bạn bè các nước.

Phòng ngủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ đơn giản như mọi gia đình người dân Việt Nam khi ấy với một chiếc giường đơn: mùa hè trải chiếu cói, mùa đông có thêm tấm đệm và chăn bông.

Bác thường làm việc rất khuya. Trên bàn làm việc trong phòng ngủ vẫn còn một số sách lưu lại bút tích của Người. Cạnh đó là chiếc đài bán dẫn do bà con Việt Kiều Thái Lan kính tặng. Trong phòng còn có một chiếc mũ cát vải Bác đội trong những chuyến công tác trong nước và nước ngoài.

Trên chiếc tủ nhỏ đặt ở đầu giường vẫn còn chiếc đồng hồ và cuốn sách Bác đang đọc dở: “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông”. Đèn ngủ vẫn được bật sáng, chiếc đồng hồ ấy vẫn chạy đều… tất cả cho chúng ta một cảm giác gần gũi, thân thuộc đến thế… cứ ngỡ như Bác vẫn còn ở đây.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Cha của chúng ta, nhà hiền triết phương Đông kết hợp với tinh hoa trí thức khoa học phương Tây sống và làm việc ở đây. Ngôi nhà sàn của Người và những kỳ tích về nó là những nét son lịch sử tô đẹp Thăng Long ngàn năm văn hiến của Tổ Quốc ta”. Quả thực, ngôi nhà Bác ở không hề có dấu vết của chức quyền, địa vị cao sang, chỉ có một “tâm hồn lộng gió thời đại” với biết bao trăn trở, tình yêu bao la Bác dành cả cho dân tộc Việt Nam.


NHÀ 67

Và ngay lúc này đây, quý vị đang đứng trước một di tích đặc biệt quan trọng: Nhà 67 - được đặt tên theo năm xây dựng.

Vào những năm 1966-1967, đế quốc Mỹ tăng cường phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, đánh phá ác liệt Hà Nội.

Chính vì vậy, đã nhiều lần, Bộ Chính Trị đề nghị làm một ngôi nhà thật kiên cố, đảm bảo an toàn cho Bác. Thế nhưng Bác nói rằng hãy dùng những nguyên vật liệu tốt đó mà xây hầm trú ẩn cho nhân dân.

Nhưng Bộ Chính Trị đã bí mật chuẩn bị nguyên vật liệu và lên phương án thi công ngôi nhà. Ngày 1 tháng 5 năm 1967, nhân dịp Bác phải đi công tác nước ngoài, ngôi nhà được khởi công xây dựng. Ngôi nhà giống như một căn hầm nổi với tường dày 60 phân; phần mái dày hơn 1m. Ngày 30 tháng 6 năm đó, Bác trở về Hà Nội. Khi thấy ngôi nhà mới, Bác tỏ ý không vui. Đồng chí Phạm Hùng đã thưa với Bác về sự cần thiết phải xây dựng ngôi nhà, và đó còn là ước nguyện cho nhân dân miền Nam. Bác xúc động lắm, nhưng Người vẫn không nhận ngôi nhà cho riêng mình mà quyết định sẽ dùng ngôi nhà này làm nơi họp của Bộ Chính Trị.

Trên bàn làm việc Bác đặt chiếc đài ZENIT là chiến lợi phẩm của quân giải phóng miền Nam thu được trong trận Phước Thành kính tặng Người.

Trên bàn còn có một chiếc khay đựng ghim bằng đồng. Thực chất đó là chiếc gạt tàn thuốc lá nữ nhà báo Cuba Macta rohat đã kính tặng Người nhân một chuyến thăm vào tháng 7 năm 1969. “Mỗi người mỗi gia đình đều có nỗi khổ riêng, gộp tất cả những nỗi đau khổ đó lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.

Bác theo dõi tình hình đất nước qua hai tấm bản đồ chiến lược treo trong phòng. Tại Nhà 67, Bộ Chính Trị đã có nhiều cuộc họp quan trọng để quyết định vận mệnh của đất nước, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam tới toàn thắng và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.


Ngày 17 tháng 8 năm 1969, các giáo sư bác sĩ khám sức khỏe cho Bác nhận thấy Bác có dấu hiệu nhồi máu cơ tim và phổi hoạt động không còn bình thường nữa nên đã mời Bác xuống ở hẳn trong Nhà 67 để nghỉ ngơi và dưỡng bệnh. Từ ngày 18 tháng 8 năm 1969, Người ở hẳn trong ngôi Nhà 67. Tuy nhiên, tại chiếc giường này, Bác chỉ dưỡng bệnh được đúng hai tuần.

Tuần đầu tiên, Bác rất yếu mệt, nhưng hàng ngày Người vẫn gắng gượng nghe các đồng chí trong Bộ Chính Trị đến báo cáo về tình hình hai miền Nam - Bắc, hỏi thăm tình hình lũ lụt ở miền Bắc. Người vẫn đọc sách báo, gửi tặng huy hiệu cho những gương Người tốt việc tốt. Bác cũng ký lệnh ân xá, giảm án cho những tù nhân có ý thức cải tạo tốt.

Ngày 18 tháng 8 năm 1969, Bác bàn bạc trả lời thư ngỏ của tổng thống Mỹ R.Ních-xơn, khẳng định quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ Quốc của nhân dân Việt Nam.

Từ ngày 25 tháng 8 năm 1969, Bác lâm bệnh nặng. Bác cùng nhà thơ Tố Hữu ngồi sau hiên nhà để nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Ít giờ sau, Bác nói Bác thấy đau rất nhiều ở vùng ngực. Đây cũng là lần đầu tiên Bác nói đến chữ “đau”. Bác vẫn thường nói: “Hôm nay Bác khỏe hơn hôm qua!”.

Thế nhưng sự thật, Bác đã bị nhồi máu cơ tim. Một tổ y tế đặc biệt và những thiết bị y tế hiện đại nhất thời kỳ bấy giờ được điều về đây để thăm khám sức khỏe cho Bác.

Ngày 30 tháng 8, khi tỉnh lại giữa 2 cơn đau Người chỉ hỏi “Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm Quốc Khánh đến đâu rồi?”. Người muốn ra với đồng bào dù năm, mười phút.

Ngày 1 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất mệt.


Sáng ngày 2 tháng 9 năm 1969, vào lúc 9 giờ 40 phút, Bác bị một cơn nhồi máu cơ tim rất nặng. Do tuổi cao, sức yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh không qua được cơn bệnh hiểm nghèo. Trái tim Bác ngừng đập đúng vào cái ngày mà hai mươi tư năm về trước, Người đã đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Chiếc đồng hồ đặt trên tủ cạnh giường vẫn dừng lại ở thời khắc Người ra đi: 9 giờ 47 phút.

Cuốn lịch trên tường cũng không sang trang mới: ngày 2 tháng 9 năm 1969. Bác đã đi vào giấc ngủ vĩnh hằng. “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”.

Khi đến với Căn nhà 67 ngày hôm nay, vẫn còn đây những kỷ vật thân thuộc của Bác năm xưa: chiếc gậy song mây - người bạn đồng hành với Bác lúc tuổi già, đôi dép cao su Bác miệt mài trên từng khúc đường Nam - Bắc.

Hồ Chí Minh - người cha già dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại đã quyến chiến hy sinh cho Việt Nam độc lập, cho Thế giới hòa bình! Hồ Chí Minh, người đã sống năm mươi năm vũ bão. Vì nhân loại, người quyết dâng xương máu; Vì giang sơn, người quyết dứt gia đình. Hồ Chí Minh, người đã quyết mặc phong ba bão giá, tuyết mặc, gươm, súng, xiềng, gông, là người cảm tử đi tiên phong đánh trăm trận, thề trăm phen quyết thắng! Bao thất bại dù cay đắng Bác vẫn tươi vui…. Chúng con - những người con của dân tộc Việt Nam xin cùng nhất tâm thành kính tưởng nhớ đến Bác và dâng lên Bác tấm lòng biết ơn sâu sắc - vị lãnh tụ, người cha già dân tộc suốt cả cuộc đời đã hy sinh vì nước, vì non.

Vâng thưa quý vị, chúng ta đã vừa tham quan xong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Chắc hẳn giờ đây trong mỗi chúng ta ai cũng dâng lên một niềm tự hào về Bác- một danh nhân văn hóa của thế giới, một vị Cha đáng kính muôn đời của dân tộc Việt Nam qua các điểm tham quan Phủ Chủ tịch, nhà 54, Nhà sàn, nhà 67. Thuyết minh viên du lịch rất hân hạnh được giải đáp những thông tin quý vị còn chưa rõ hoặc muốn tìm hiểu thêm về điểm di tích này.

Thuyết minh viên du lịch xin trân trọng cám ơn các quý vị đã tới Khu di tích và rất mong có dịp được gặp lại các quý vị.

Chúc đoàn sức khỏe và gặp nhiều may mắn!

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 11/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí