theo kiểu hiện đại, không phù hợp với lối kiến trúc cổ xưa. Việc làm mới đồ tế khí cũng như thu nhận các đồ tế khí chưa có sự chọn lọc kỹ nên hình thức không phù hợp với nơi thờ tự, với tín ngưỡng…
Huy động công đức cùng việc ghi nhận tấm lòng công đức bộc lộ sự bất cập: xu hướng “vàng hóa”, “đô la" hóa trong vinh danh công đức với số lượng vàng lớn, từ vài chỉ trở lên. Chẳng hạn, Bia công đức tu bổ đình năm 1994 ghi: “Quê hương ghi công đức cúng tiến tiền của cao nhất về việc tu tạo đình làng Phương La năm 1994”: ông Trần Văn Sen 50 chỉ vàng, ông Đinh Hồng Quân 44 chỉ, ông Lê Minh Quang 20 chỉ (là người công đức đầu tiên), ông Vũ Quang Huy và ông Lê Minh Hiệu 24 chỉ. Ngoài lời văn lủng củng, trùng lặp từ, tấm bia còn thể hiện điều trái với truyền thống làng xã trong việc ghi danh công đức là chỉ ghi tên những người “cung tiến tiền của cao nhất”, vì thế “bỏ qua” những người công đức khác. Việc làm trên vô hình dung là sự đề cao quá mức người giàu, coi thường người nghèo.
Mặc dù vậy, những giá trị cũ trong nghi lễ tôn giáo, trong các hoạt động tâm linh vẫn là những điểm tựa cho việc khẳng định sức sống lâu bền của văn hóa truyền thống trước sự thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội.
Tiểu kết
Từ sau hòa bình lập lại đến nay, nghề dệt thủ công ở Phương La và các làng nghề ở Hưng Hà chịu nhiều tác động của các chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, những thay đổi nhiều về điều kiện sống nên nghề dệt của làng biến đổi và ngày càng phát triển, mang lại nguồn thu lợi rất lớn cho người dân nơi đây. Đặc biệt, công cụ sản xuất được người Phương La luôn cải tiến, đổi mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng về sản phẩm.
Ngày nay, nghề dệt khăn của làng Phương La phát triển mạnh mẽ, thành lập được nhiều công ty, xí nghiệp... với tài sản lớn, doanh thu hằng năm từ hàng chục đến hàng ngàn tỷ đồng. Sản phẩm của làng dệt có mặt không chỉ trên thị trường trong nước mà cả trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Canađa và một số nước ở châu Âu. Làng có số lượng tỷ phú lớn thuộc bậc nhất trong nước
(gần 100 tỷ phú), được mệnh danh là làng tỷ phú. Làng không còn hộ nghèo, hộ giàu chiếm tới trên 60%.
Có thể bạn quan tâm!
- Các Giai Đoạn Biến Đổi Của Nghề Dệt Làng Phương La
- Về Cách Thức Truyền Nghề Và Học Nghề
- Văn Hóa Vật Chất Của Làng Dệt Phương La Hiện Nay
- Các Mối Quan Hệ Xã Hội Mới Xuất Hiện Trong Quá Trình Làm Nghề
- Thực Trạng Hiện Tượng Tách Họ, Dựng Nhà Thờ Mới Ở Làng Dệt Phương La
- Đánh Giá Mức Độ Coi Trọng Vấn Đề Tâm Linh Của Người Dân Hiện Nay So Với Trước Năm 1996
Xem toàn bộ 299 trang tài liệu này.
Nghề dệt phát triển, đời sống nhân dân trong xã nói chung, các hộ làm nghề dệt không ngừng được nâng cao đã tạo cho Phương La một diện mạo mới. Không gian cảnh quan làng biến đổi, nhiều biệt thự, vila, nhà cao tầng, các nhà thờ dòng họ, công trình công cộng khác mọc lên, đường làng, ngõ xóm không khác gì thành phố; ao hồ, vườn cây xanh đã bị biến mất, thay vào đó là các nhà xưởng sản xuất, khu chứa nguyên liệu… làm cho không khí luôn ngột ngạt. Các di tích được đầu tư, chăm chút nên khang trang, bề thế, tuy nhiên, việc xây mới hay tu bổ không giữ được nguyên trạng, khiến các di tích có phần thiếu đồng nhất, thu nhận các đồ tế khí chưa có sự chọn lọc kỹ nên hình thức không phù hợp với nơi thờ tự, với tín ngưỡng… xu hướng “vàng hóa”, “đô la hóa” trong việc công đức ở các di tích… Trên đây là một trong những yếu tố tác động góp phần tạo nên những vấn đề nổi bật về văn hóa xã hội và văn hóa tinh thần của làng dệt Phương La mà chúng tôi đề cập trong Chương 3 của luận án.
Chương 3
VĂN HÓA XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA TINH THẦN CỦA LÀNG DỆT PHƯƠNG LA HIỆN NAY
3.1. Văn hóa xã hội của làng dệt Phương La hiện nay
3.1.1. Sự hình thành tầng lớp chủ doanh nghiệp
3.1.1.1. Sự hình thành các chủ doanh nghiệp và vai trò của họ đối với kinh tế- xã hội và văn hóa của làng
A. Sự hình thành các chủ doanh nghiệp
Trong làng nghề truyền thống, dù sản xuất còn nhỏ lẻ cũng đã hình thành các tiểu chủ là người có vốn liếng, nhạy bén trong nắm bắt thị trường, quan hệ rộng nên đứng ra tổ chức sản xuất vừa tạo công ăn việc làm cho người nông dân vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình. Dần dần, họ đứng ra thu mua và tiêu thụ sản phẩm của những người thợ, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ khác. Tuy nhiên, tính chất sản xuất nhỏ lẻ của làng nghề truyền thống không cho phép những người chủ này phát triển thành các chủ lớn, mà chỉ là các tiểu chủ “nhỉnh” hơn chút ít so với những người làm ăn nhỏ lẻ bình thường; không thật sự nổi trội về cơ sở sản xuất, thu nhập, tài sản cố định, do vậy, trước các tác động xấu về kinh tế - xã hội, họ cũng dễ “chao đảo”, thậm chí phá sản, trở lại thân phận của người thợ bình thường. Chính vì thế, làng nghề trong xã hội truyền thống ít có những ông chủ lớn.
Khi nền kinh tế hàng hóa phát triển, quy mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng, đòi hỏi và tạo điều kiện để hình thành các cơ sở sản xuất lớn. Cùng với sự hình thành khu sản xuất tập trung là sự ra đời của các doanh nghiệp, ban đầu với cái tên “Tổ hợp sản xuất”, sau là “Xí nghiệp”. Các cơ sở sản xuất lớn thực sự nổi trội hơn so với các cơ sở sản xuất bình thường trên tất cả các phương diện: cơ sở sản xuất, tài sản cố định, thu nhập, quan hệ, uy tín trong xã hội.
Làng dệt Phương La cũng đi theo con đường trên đây, tổ hợp sản xuất đầu tiên ra đời là tổ hợp Tân Phương do ông Trần Văn Sen đứng đầu, sau đó tổ hợp
chuyển vị trí lên thị trấn Hưng Hà phát triển thành Xí nghiệp dệt nhuộm in hoa Hương Sen vào năm 1988 - xí nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Thái Bình. Bốn năm sau, xí nghiệp phát triển và chuyển địa điểm về thị xã Thái Bình mang tên Công ty trách nhiệm hữu hạn dệt nhuộm in hoa xuất khẩu Hương Sen. Từ đầu những năm 2000, do sản xuất phát triển, đã dần dần hình thành các công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), các doanh nghiệp với vai trò của các ông chủ, được gắn với các chức danh “giám đốc”, “tổng giám đốc”, “chủ tịch hội đồng quản trị”…. Theo số liệu của UBND xã Thái Phương, đến cuối năm 2014, làng Phương La có 50 công ty, doanh nghiệp, trong đó tuyệt đại đa số các công ty, doanh nghiệp gắn với nghề dệt, chỉ có một số công ty gắn với các nghề khác, song vẫn tập trung phục vụ nghề dệt. Một làng quê chưa đầy 5000 nhân khẩu mà đã có 50 chủ doanh nghiệp đang hoạt động tại làng đã làm cho Phương La trở thành một trong những làng có nhiều doanh nghiệp, nhiều tỷ phú bậc nhất trong cả nước. Nếu so sánh với các làng dệt đũi thuộc xã nghề Nam Cao, huyện Kiến Xương và xã nghề dệt khăn Minh Tân, huyện Hưng Hà thì số công ty, doanh nghiệp của riêng làng Phương La đã lớn hơn gấp nhiều lần của cả hai xã Nam Cao và xã Minh Tân cộng lại (xã Minh Tân có ba doanh nghiêp, xã Nam Cao có 4 doanh nghiệp).
Sự ra đời của các công ty, doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu của các cơ sở sản xuất, nhằm tuân thủ đúng các quy định về tài chính; đồng thời, giúp các doanh nghiệp chủ động trong các công đoạn của sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu. Công ty, doanh nghiệp ra đời và lớn mạnh, cùng đó là sự hình thành và trưởng thành của đội ngũ giám đốc, các chủ cơ sở sản xuất. Các chủ doanh nghiệp ở Phương La đi lên "từ mặt đất", từ hai bàn tay trắng nhưng họ lại có cái nghề được ông cha trao truyền. Các chủ doanh nghiệp này rất đa dạng về nguồn gốc xuất thân. Song phần lớn các chủ doanh nghiệp ở Phương La hầu như không qua một trường lớp nào cả, chỉ buôn bán và từ quá trình mưu sinh bằng đủ thứ nghề, đặc biệt, với cái nghề dệt truyền thống được cha ông trao truyền mà phát huy được lợi thế của nghề. Cũng có một số ít chủ doanh nghiệp trưởng thành từ người thợ. Những người này, lúc đầu, mở xưởng chỉ với mong muốn không phải đi làm thuê hoặc phải nay
đây mai đó vì buôn bán. Có những người đã từng là công nhân viên chức Nhà nước nhưng lương thấp, xin về phát triển nghề, lập nghiệp tại làng. Trong số đó, điển hình là ông Trần Văn Dũng, hiện là Giám đốc công ty TNHH Thảo Nguyên; về làm nghề từ năm 26 tuổi, đến nay đã được 24 năm, đó là cả một hành trình mò mẫm, học hỏi, sống chết, lăn lộn với nghề.
Hộp 3.1: Sự hình thành chủ doanh nghiệp ở Phương La
Ông Trần Văn Dũng - Giám đốc công ty TNHH Thảo Nguyên: “Gốc, tôi làm bưu điện, sau thấy thu nhập thấp bỏ nghề năm 1990 (năm 26 tuổi) về quê làm nghề truyền thống. Tôi lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng được cái bố mẹ tôi xưa là tiểu thương (mẹ tôi bán lụa tơ tằm, áo the ở phố hàng Ngang, hàng Đào, Hà Nội từ những năm 1960) nên tôi cũng biết ít về thương mại. Chính môi trường làng nghề đã tạo đà để tôi phát triển”.
[Nguồn: Phỏng vấn của NCS (năm 2013)].
Cũng theo ông Dũng, các doanh nghiệp ở Phương La vẫn đứng vững trong những giai đoạn khó khăn nhất vì "lưng vốn” không nhiều, nhưng là vốn tự tạo ra bằng lao động, bằng “tích cóp”, không phải vay mượn, cầm cố. Ông nói: "mưa dầm, ngấm lâu", vốn được tích lũy, tích tiểu thành đại. Đến nay, doanh nghiệp của ông có 200 máy dệt, cứ mỗi máy gắn với hai nhân công đứng máy, một nhân công máy may, còn chưa kể đến số công nhân đóng gói, vận chuyển và nhặt khăn... Công ty Phúc Cường do ông Nguyễn Văn Sướng làm giám đốc, ông Sướng cũng tự thân lập nghiệp, nay đã tạo công ăn việc làm cho 80 công nhân làm việc tại công ty và trên 300 công nhân dệt vệ tinh nằm rải rác ở các thôn làng trong và ngoài xã.
Nghệ nhân Trần Văn Sen sinh ra và lớn lên tại Phương La, ngay từ thời còn trẻ, ông đã cùng gia đình không ngừng tìm tòi, nghiên cứu sản xuất các mặt hàng vải, khăn mặt, màn để phục vụ kháng chiến. Năm 1954, hòa bình lập lại, nghề dệt làng Mẹo phục hồi. Trong khi nhiều người rời quê di cư thì gia đình ông Trần Văn Sen ở lại và quyết tâm phát triển nghề dệt. Ông chủ động bỏ tiền đi học hỏi kinh nghiệm nghề dệt lụa ở Vạn Phúc (Hà Nội), dệt lụa ở Nam Định... Trải qua nhiều khó khăn
gian khổ, đến nay, nghệ nhân Trần Văn Sen đã mở rộng sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động; năm 2014, doanh nghiệp của ông đóng góp vào ngân sách địa phương với gần 800 tỷ đồng.
Ông Vũ Quang Huy - người làng Phương La cũng là một trong những “đại gia” đi lên từ nghề dệt của làng, từ hai bàn tay trắng, ông đã vượt khó vươn lên để làm giàu tại làng. Ông Huy có may mắn là được thừa hưởng chút kiến thức về kinh doanh từ bố mẹ vì bố mẹ ông xưa từng là những nhà buôn bán nhỏ. Tổ hợp Bình Minh của làng dệt Phương La xưa do ông Huy làm giám đốc nay đã đổi tên thành Công ty cổ phần Bitexco Nam Long, kinh doanh đa lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, giao thông,… với một số công trình nổi tiếng là tòa tháp đôi Bitexco tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội và tòa tháp Bitexco cao nhất tại thành phố Hồ Chí Minh…
Nhờ có các công ty cùng các cơ sở sản xuất khác, việc làm và thu nhập của người lao động tương đối ổn định nên ai cũng yên tâm lao động, sản xuất. Như vậy, người nông dân được sống và làm nghề ngay trên mảnh đất của làng mình, không phải ly hương, không phải ra đô thị kiếm sống, tránh được sự thiếu thốn tình cảm và tránh được các tệ nạn xã hội ở đô thị. Hơn nữa, họ được sống với gia đình nên chi sẻ, giúp đỡ được nhau khi khó khăn…
Với việc thành lập các công ty, tính chất sản xuất truyền thống theo quy mô gia đình hay là nền “công nghiệp gia đình” mà Pièrre Gourou nhận xét đã bị phá vỡ. Trước kia, một cơ sở sản xuất thường chỉ bó hẹp trong từng gia đình, chủ nhà cũng là chủ xưởng và đồng thời là thợ cả (thợ chính) điều hành việc sản xuất, chỉ đạo kỹ thuật; vài thợ giúp việc có thể là người trong họ hoặc người làng. Ngày nay, mỗi công ty ở Phương La tập hợp ít nhất vài chục công nhân, nhiều nhất hàng nghìn người, không chỉ người khác làng mà còn có nhiều người ở các tỉnh xa. Tuy nhiên, vì bảo đảm sự kiểm soát về lợi nhuận nên tính chất gia đình trong các công ty, xưởng sản xuất vẫn còn đậm nét. Các chức danh giám đốc (hoặc phó giám đốc), kế toán trưởng đều là những người trong gia đình hay quan hệ quen biết thân thích. Giám đốc công ty là ông chủ nhà, người vợ thường là kế toán trưởng, kiêm thư ký cho chồng, do căn cơ, nắm chắc hơn, nhớ các tình tiết công việc hơn; các cụ xưa
thường ví “chồng như giỏ, vợ như hom”; những người khác chỉ đảm đương các công việc thuần túy ít liên quan đến tài chính, kinh tế, đó là các việc phục vụ hoặc những việc trông coi khác… hay làm thợ. Các ông chủ là người quyết định chính trong các công đoạn của sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tuy nhiên người vợ lại là người thúc đẩy các quyết định đó của các ông chủ trong gia đình.
Con đường đi lên từ khi hình thành và phát triển của hầu hết các doanh nghiệp của làng Phương La là “đi lên từ mặt đất”, “tích tiểu thành đại”. Ban đầu, doanh nghiệp nào cũng từ các xưởng sản xuất nhỏ, sau đó qua quá trình tích lũy về vốn, kinh nghiệm quản lý, mở rộng quy mô diện tích mặt bằng, số lượng nhân công… rồi mới thành lập các công ty.
Ông Bùi Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương cho biết: làng Phương La có 50 giám đốc, đa phần trong độ tuổi từ 40 - 60 tuổi, rất ít người có bằng đại học, cao đẳng; đều xuất phát từ nông dân, trình độ chưa hết phổ thông trung học [Nguồn: Phỏng vấn của NCS (năm 2013)].
Các chủ doanh nghiệp ở Phương La có cái nghề được cha ông trao truyền nhưng để có được sự thành công như ngày nay là cả một quá trình vượt qua bao khó khăn vất vả và phải khẳng định họ là những người thực sự có tài năng, ham học hỏi, luôn có khát vọng vươn lên làm giàu... Đã có không ít người tự bỏ tiền túi để đi học mót công nghệ dệt ở làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), tự theo học những lớp bồi dưỡng để nâng cao khả năng quản lý điều hành công việc của chính mình. Mỗi ông chủ doanh nghiệp ở Phương La luôn là một tấm gương sáng về sự lao động, trí tuệ, để cho con cháu trong làng học tập. Họ không chỉ giỏi về sản xuất, kinh doanh mà họ còn có đầu óc tính toán tiết kiệm, tích cực tham gia xây dựng các công trình phúc lợi, các di tích tôn giáo, tâm linh... Đặc biệt, cho đến thời điểm này, chưa có bất cứ ông chủ nào ở Phương La sa vào con đường tệ nạn, không có người nghiện cờ bạc, lô đề..., không có ai bị phá sản.
Vậy điều gì để giúp các chủ doanh nghiệp ở Phương La có được uy tín, vị thế và làm ăn phát đạt? Vấn đề cần bàn đến là tại sao nhiều làng có nghề truyền thống
nhưng không phát triển được nghề, trong khi Phương La có thể phát triển thành một làng giàu có bậc nhất trong cả nước với hàng trăm tỷ phú? Phải chăng làng Phương La có tập hợp được một lớp người mà các nhà Dân tộc học và Văn hóa học bàn đến là sự hình thành “giới tinh hoa” trong xã hội nói chung và trong làng Việt nói riêng.
Giới tinh hoa đã được nghiên cứu trong các ngành khoa học xã hội ở nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam và được hiểu theo nhiều góc độ khác nhau: chính trị - xã hội, kinh tế, văn hóa, sinh học. Theo quan niệm chung, giới tinh hoa là một nhóm ít người có những đặc điểm nổi bật về năng lực ở một khía cạnh nào đó, từ đó họ thành đạt và có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng trên khía cạnh đó. Khía cạnh phổ biến nhất của giới tinh hoa là chính trị. Những người thuộc giới này có năng khiếu chính trị, nắm được quyền lực và sức ảnh hưởng trọng yếu đến cộng đồng và những quyết định chính trị. Quyền lực này được dựa trên quyền sở hữu và kiểm soát nhiều nguồn lực, trong đó bao gồm nguồn lực kinh tế, sự tổ chức, hỗ trợ về mặt chính trị, ý nghĩa biểu tượng và ưu điểm cá nhân. Nói cách khác, giới tinh hoa là những người nắm giữ những vị trí hay vai trò có nhiều ảnh hưởng nhất trong những lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội.
Xét trên khía cạnh kinh tế, giới tinh hoa là những người có năng khiếu sản xuất, kinh doanh, biết nắm bắt thời cơ để sản xuất và kinh doanh, nhờ đó thành đạt, có nguồn tài sản lớn, có sức chi phối lớn đến đời sống xã hội.
Xét trên khía cạnh văn hóa, họ là những người có trí tuệ cao, có năng khiếu trong các hoạt động sáng tạo về văn học, nghệ thuật,... và thành đạt trên các hoạt động đó, có ảnh hưởng lớn đối với đời sống tinh thần trong xã hội.
Thành phần của giới tinh hoa biểu hiện khác nhau ở mỗi cộng đồng cư dân, tộc người, quốc gia, tùy thuộc mỗi thời kỳ lịch sử, đặc điểm kinh tế - xã hội và văn hóa; song nhìn chung, có “tinh hoa” trong tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, văn học nghệ thuật, khoa học…
Đối với Việt Nam, giới tinh hoa ở nông thôn thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau của đời sống, ở mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi thể chế xã hội.