Các Mối Quan Hệ Xã Hội Mới Xuất Hiện Trong Quá Trình Làm Nghề


Xã hội phong kiến Việt Nam dựa trên nền tảng của kinh tế tự cấp tự túc, trong đó nông nghiệp là chủ đạo; công nghiệp hầu như không có gì nổi bật, thủ công nghiệp là bộ phận gắn chặt với nông nghiệp; ngoại thương do nhà nước độc quyền, nên chỉ có nội thương (buôn bán nhỏ trong nước). Về xã hội, Việt Nam vận dụng theo mô hình của Trung Hoa, coi trọng kẻ sĩ, người làm quan và đường làm quan nên chỉ hình thành tầng lớp tinh hoa về mặt chính trị- xã hội (và gắn với văn học, văn hóa). Còn ở nông thôn, giới tinh hoa là các chức sắc, kỳ mục, - những người nắm giữ quyền lực chính trị trong làng và thường là người của một hai dòng họ có thế lực. Về phương diện kinh tế, có thể coi tầng lớp địa chủ là “tinh hoa”; còn những người làm nghề thủ công và buôn bán có vị trí thấp trong “tứ dân - sĩ, nông, công, thương". Có thể nói, thời phong kiến, xã hội nông thôn không tạo điều kiện, tiền đề để hình thành tầng lớp tinh hoa về kinh tế, không hình thành đội ngũ ông chủ.

Thời cận đại (1884- 1945), chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp vô hình dung đã tạo các tiền đề để tầng lớp doanh nhân Việt Nam hình thành và phát triển. Nhiều người kinh doanh thành đạt, trở thành tư sản yêu nước, như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, góp phần phát triển nền kinh tế dân tộc và thức tỉnh tinh thần dân tộc trong hoạt động kinh tế, từ đó nâng cao tinh thần yêu nước cho dân chúng... Tầng lớp doanh nhân - giới tinh hoa về kinh tế này chỉ hình thành ở các đô thị; còn ở nông thôn, do kết cấu kinh tế phong kiến không hề thay đổi nên sản xuất vẫn như cũ; không hình thành doanh nhân.

Ở miền Bắc từ sau 1954 (miền Nam từ sau 1975) đến năm 1986, là cơ chế quan liêu bao cấp. Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là chủ đạo, kinh tế tư nhân không được tôn trọng.

Công cuộc Đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường trả lại cho kinh tế tư nhân vị trí của nó, tạo đà cho thành phần kinh tế này phát triển, ai cũng được tạo điều kiện để làm giàu, làm chủ. Hàng loạt các công ty, doanh nghiệp ra đời. Vì thế, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân ban hành năm 1990 đã mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân ra đời và cùng với đó là sự hồi sinh, phát triển của tầng lớp doanh nhân Việt Nam. Doanh nhân được công nhận là một tầng lớp xã hội và


được đề cao. Năm 2004, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”.

Tuy nhiên, công cuộc Đổi mới tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội mới chỉ là những điều kiện cần cho sự hình thành tầng lớp doanh nhân, còn việc hình thành tầng lớp này ở từng làng quê, tức điều kiện đủ lại tùy thuộc vào các nhân tố về địa lý, lịch sử cư dân của từng làng và sự năng động của những người trong cuộc. Sự ra đời của các chủ doanh nghiệp ở Phương La - đại diện cho giới “tinh hoa” của làng xã trong thời kỳ đổi mới là còn do làng có vị trí giao thương thuận tiện, có truyền thống làm nghề từ lâu, người Phương La gắn bó với nghề, mạo hiểm, có khát vọng vươn lên làm giàu…

B. Vai trò của các chủ doanh nghiệp ở Phương La đối với kinh tế - xã hội và văn hóa của làng

Trong đời sống kinh tế, các chủ doanh nghiệp ở Phương La đã tạo công ăn việc làm cho nhiều nghìn lao động. Theo số liệu thống kê của phòng Công thương huyện Hưng Hà, lao động làm nghề dệt vải của các xã trong huyện, các nhà máy, xí nghiệp lên tới 78.000 người. Nghề may khăn, tẩy nhuộm, kiểm hóa, đóng gói cũng cần sử dụng từ 7.000 - 8.000 lao động. Các lao động phục vụ cho nghề dệt cũng lên tới trên 15.000 người.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 299 trang tài liệu này.

Nghề phát triển, kéo theo một loạt các hoạt động thương nghiệp, dịch vụ của làng cũng phong phú và phát triển, dịch vụ về nguyên liệu phục vụ sản xuất, dịch vụ về tiêu dùng khi đời sống dân làng đã khấm khá.

Nghề dệt phát triển tạo điều kiện giải quyết tốt việc thu nhập thêm cho người lao động khi công việc nông nhàn, người dân ở các xã trong huyện, trong tỉnh lại trở thành các vệ tinh đến xin nhận hàng về gia công tại gia đình (có thể là dệt, may viền hoặc “nhặt” khăn…) và sau đó nộp sản phẩm cho các công ty, doanh nghiệp, của làng Phương La.

Biến đổi văn hóa làng dệt Phương La huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - 12

Các doanh nghiệp có công trong ủng hộ tiền bạc và công sức để xây dựng trường học, cầu cống, đường sá và các công trình phúc lợi của làng xã.


Hộp 3.2: Đóng góp của doanh nghiệp xây dựng công trình phúc lợi


Ông Bùi Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương: “Tổng số tiền của các chủ doanh nghiệp đầu tư xây dựng trạm y tế, các công trình công cộng khác trong khoảng 10 năm vừa qua lên tới 34 tỷ đồng. Tiêu biểu là gia đình ông Trần Văn Sen đã ủng hộ 1,2 tỷ đồng xây dựng Đài tưởng niệm của làng, xây dựng đường làng ngõ xóm 510 triệu đồng. Gia đình ông Trần Quang Huy đầu tư 7 tỷ đồng xây trường Mầm non của xã, 3 tỷ đồng xây nhà văn hóa thôn Phương La 3 và nhà văn hóa thôn Phương La 4”.

[Nguồn: Phỏng vấn của NCS (năm 2014)].

Các chủ doanh nghiệp ở Phương La còn rất coi trọng việc ủng hộ các quỹ nhân đạo từ thiện; là nhân tố chính hỗ trợ phục hồi, trùng tu, xây mới các di tích. Ông Trần Văn Quyền - Trưởng Ban quản lý di tích đình Đông cho biết, người dân Phương La quan niệm về việc đóng góp kinh phí để phục hồi, trùng tu, xây mới các di tích là việc tâm linh, ai cũng có tâm đức đóng góp tùy theo khả năng "người giàu một bó, người khó một nén": song nếu không có những “một bó” thì không thể thành khoản lớn, đủ sức để phục dựng hay tu bổ một di tích hoặc làm một việc gì đó cho “ra tấm, ra món”. Ở đây, khẳng định vai trò quyết định về phương diện tiền bạc của các chủ doanh nghiệp đối với việc trùng tu, tôn tạo, xây mới di tích. Các chủ doanh nghiệp còn tích cực tài trợ cho các đoàn thể, các hội,... để có kinh phí hoạt động.

Mặt tích cực của tầng lớp chủ doanh nghiệp đã được khẳng định, là động lực quan trọng để duy trì và thúc đẩy làng nghề phát triển. Họ thể hiện vai trò với làng xã ở nhiều phương diện khác nhau của đời sống, có thể đứng ra lãnh đạo, giải quyết các mối quan hệ, mâu thuẫn giữa làng của mình và những làng xung quanh. Họ là những người tổ chức các hoạt động chung của làng như hội làng, các nghi lễ và xây dựng các công trình chung. Họ cũng là những người có vai trò giải quyết các xung đột nội bộ của làng; đóng góp ý kiến, xây dựng các chủ trương, chính sách của các cấp chính quyền ở địa phương. Vì vậy, giữa các chủ doanh nghiệp ở Phương La và làng xã có mối quan hệ gắn bó, tác động thúc đẩy lẫn nhau.


Tầng lớp chủ doanh nghiệp ra đời phản ánh sự gia tăng sự phân hóa giàu nghèo, hình thành các giai tầng xã hội khác nhau, dẫn đến hình thành lối sống riêng, khác biệt với lối sống chung của cộng đồng; tạo ra nhu cầu hưởng thụ văn hóa khác nhau, cũng như đánh giá các giá trị văn hóa truyền thống và giá trị, hiện tượng văn hóa mới cũng khác nhau... dễ dẫn đến sự pha tạp, biến dạng của văn hóa tâm linh. Trong hoạt động dòng họ, đã xuất hiện những rạn nứt, mâu thuẫn dẫn đến tách họ xuất phát từ một số chủ doanh nghiệp sẽ được chúng tôi trình bày ở phần sau.

3.1.1.2. Các mối quan hệ xã hội mới xuất hiện trong quá trình làm nghề


Quan hệ trước đây của những người dân trong làng là mối quan hệ dòng họ, huyết thống và quan hệ cộng đồng làng xóm. Nghề được nhân rộng và hình thành các khu công nghiệp tập trung làm cho làng Phương La hình thành những mối quan hệ xã hội mới mà trước đây chưa xuất hiện.

- Mối quan hệ giữa các chủ doanh nghiệp


Kinh tế thị trường, tính cạnh tranh rất quyết liệt; vì thế, quan hệ giữa các chủ doanh nghiệp là quan hệ cạnh tranh “mạnh ai nấy thắng”. Tính cạnh tranh thể hiện rõ nét trong việc tìm nguồn nguyên liệu rẻ hơn, tìm nơi tiêu thụ tốt hơn và đặc biệt là lôi kéo công nhân, nhất là các thợ có tay nghề cao, làm ăn nghiêm chỉnh về cơ sở sản xuất của mình. Tuy nhiên ở Phương La, các chủ doanh nghiệp đều là người cùng làng, nhiều người có quan hệ họ hàng, thông gia... nên tính cạnh tranh giảm tính quyết liệt rất nhiều, thể hiện: hiện tượng công nhân rời bỏ doanh nghiệp này chuyển sang làm cho doanh nghiệp khác trả giá cao hơn diễn ra tương đối phổ biến nhưng không có sự tranh chấp hay giành giật giữa các chủ doanh nghiệp. Ở Phương La, những người thợ được coi là “nhân công chung, nhân công của làng nghề”- tức là họ có thể sẵn sàng nay làm cho doanh nghiệp này, tháng sau làm cho doanh nghiệp khác. Thậm chí, các chủ doanh nghiệp ở đây luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi cần thiết để tổ chức tốt quá trình sản xuất, san sẻ thợ làm khi nhận được đơn hàng lớn, tạo điều kiện để doanh nghiệp bạn kịp có sản phẩm đáp ứng nơi nhận hàng.


Các chủ doanh nghiệp ở Phương La có một thỏa thuận “ngầm” là tôn trọng quyền tự chủ của mỗi công ty, không “can thiệp” vào quá trình sản xuất, nơi tiêu thụ sản phẩm của nhau. Họ đã cùng bàn bạc, hỗ trợ, phối hợp trong sản xuất cũng như cùng đồng thuận kiến nghị lên các cấp chính quyền sớm giải quyết mặt bằng sản xuất, bàn bạc về phương hướng và cách thức làm ăn, cùng nhau xây dựng thương hiệu sản phẩm, về tổ chức nhân sự, quản lý, điều hành doanh nghiệp hướng đến tính chuyên nghiệp, hiệu quả…

Như vậy dù là cơ chế thị trường đã ảnh hưởng , chi phối sâu vào làng nghề nhưng tinh thần giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất vẫn được các ông chủ ở Phương La coi trọng, vẫn thể hiện tình làng nghĩa xóm, coi trọng huyết thống, tính cố kết cộng đồng…

- Mối quan hệ chủ - thợ


Quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, kéo theo lượng người đến làm thuê ở Phương La không còn bó hẹp ở các làng lân cận mà ở nhiều xã trong huyện, trong tỉnh. Ngoài ra, còn lượng lớn người dệt vệ tinh, may khăn, “nhặt” khăn cho các doanh nghiệp ở nhiều nơi khác nhau. Điều này giúp người Phương La nói chung, các chủ doanh nghiệp nói riêng mở rộng giao lưu, sự cởi mở trong giao tiếp.

Công nhân ở đây làm công nhật hoặc khoán sản phẩm tùy theo cơ sở sản xuất và tính chất công việc… Những công nhân này có thể là người cùng trong dòng tộc, làng xã hoặc người thân quen nên họ đã có sẵn mối quan hệ với nhau; lại được chính các chủ sản xuất nhận vào làm việc nên giữa chủ và thợ không có sự ngăn cách quá lớn. Doanh nghiệp muốn phát triển ổn định thì phải quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần của công nhân, quan tâm tới cả đời sống gia đình của công nhân. Mối quan hệ ấy vẫn thể hiện gắn bó, chia sẻ lẫn nhau. Nhiều doanh nghiệp tổ chức cho thợ ăn trưa để động viên và cũng là nhằm nâng cao năng suất lao động; ngày lễ, Tết đều có quà thưởng cho công nhân... Ở Phương La, hiện tượng đuổi việc hay xích mích giữa chủ và người làm ít xảy ra. Chưa có việc chậm trả lương hoặc có bất hòa giữa chủ và thợ xảy ra ở đây.


Hộp 3.3: Quan hệ giữa chủ - thợ


Ông Trần Văn Dũng - Giám đốc công ty TNHH Thảo Nguyên: “Điều quan trọng là mình hiểu tâm tư, nguyện vọng của công nhân, chia sẻ với họ và quan trọng hơn là tạo công ăn việc làm ổn định, thu nhập tương đối thì họ sẽ gắn bó với mình, làm việc cho mình. Ngày Tết, lễ cũng chuẩn bị cho họ chút quà: gói bánh, cân đường… gọi là để động viên, khích lệ. ”.

[Nguồn: Phỏng vấn của NCS (năm 2014)].

Xuất phát từ cách đối xử “có nghĩa, có tình” giữa các chủ doanh nghiệp với công nhân nên mối quan hệ của chủ với người làm lại càng gắn bó, công nhân tôn trọng và biết ơn chủ, làm việc với tinh thần tự giác, ý thức cao. Những người thợ giỏi rất được các ông chủ quan tâm, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần, thậm chí còn có thể gọi là “chiều chuộng”. Vì thế, công nhân cơ bản rất gắn bó với doanh nghiệp, quan hệ tốt với doanh nghiệp.

- Quan hệ giữa những người thợ

Như đã trình bày ở trên, công nhân ở Phương La có thể là người cùng làng, người các làng lân cận hay trong huyện, trong tỉnh. Nhưng đã đến đây phải giữ gìn để được có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định nên họ luôn tôn trọng lẫn nhau, quan hệ gắn bó, đoàn kết. Địa bàn Thái Bình đất không rộng, đại bộ phận công nhân hết giờ làm việc, về gia đình sinh hoạt, bình thường ai vào việc nấy, mải làm, do đó ít có sự va chạm.

Đã cùng làm với nhau trong một công ty, cùng một doanh nghiệp, họ không phân biệt người trong làng hay ngoài làng, đều xác định là đồng nghiệp nên còn giúp đỡ, động viên nhau khi gia đình có việc vui, việc buồn…

Nhìn chung, mối quan hệ của những người làm thợ dù là người trong hay ngoài làng đều rất gần gũi, gắn bó và chia sẻ.

- Quan hệ chủ sản xuất - chủ tiêu thụ sản phẩm

Một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển được thì đầu ra của sản phẩm phải được tiêu thụ tốt. Các doanh nghiệp ở Phương La, tiêu thụ sản phẩm của mình cả trong


và ngoài nước. Hàng xuất trong nước phải qua hệ thống đại lý phân phối khắp các tỉnh thành. Hàng xuất đi nước ngoài như Nhật, các nước châu Âu… thì yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, do vậy, các doanh nghiệp phải rất quan tâm tiếp thị, mở rộng các đại lý tiêu thụ sản phẩm và lắng nghe những ý kiến đóng góp về sản phẩm từ phía chủ đại lý. Người Phương La rất giỏi về tiếp thị, mỗi doanh nghiệp có những cách thức khác nhau để tạo sự gắn kết giữa chủ doanh nghiệp và chủ đại lý, những đối tác tiêu thụ sản phẩm.

Hàng năm, vào dịp Tết, các doanh nghiệp có thiếp chúc Tết các cửa hàng, đại lý tiêu thụ sản phẩm kèm theo quà, có tiền mừng tuổi tạo sự quan tâm, gắn bó để giữ mối làm ăn. Mối quan hệ này được người Phương La giữ gìn tốt, đây cũng là mấu chốt giúp người Phương La phát triển sản xuất.

3.1.2. Hiện tượng tách họ, dựng nhà thờ mới

3.1.2.1. Nguyên nhân tách họ

Dòng họ của người Việt là tập hợp của những người có cùng một huyết thống, hay có chung một ông tổ, từ lâu đã không còn là đơn vị kinh tế, một đơn vị sở hữu (vì đã chia thành nhiều gia đình nhỏ - gia đình hạt nhân, với thân phận kinh tế - xã hội riêng). Tuy nhiên, với sức cố kết rất lớn về tâm lý và tình cảm, nhờ ý thức chung về cội nguồn (có chung ông tổ), được củng cố bởi mộ tổ, gia phả (tộc phả), nhà thờ họ (hay chi họ), ngày giỗ tổ, dòng họ đã tạo ra tâm lý gắn kết dòng họ (“Họ chín đời hơn người dưng”, “Cửu đại hơn ngoại nhân”…). Ý thức, tâm lý cố kết này mang nhiều ý nghĩa tích cực, giúp cho người trong họ giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, có công to việc lớn (ma chay, cưới xin...), trong tổ chức khai hoang, phát triển sản xuất, khuyến học, đánh giặc, cả trong xây dựng cơ sở cách mạng và phong trào cách mạng sau này. Song ý thức, tâm lý cố kết trên cũng đem lại nhiều tác động tiêu cực như tâm lý cục bộ dòng họ, sự đố kỵ và mâu thuẫn giữa các cặp dòng họ trong làng (họ đa đinh - ít đinh; họ chính cư - ngụ cư; họ đến trước - đến sau, họ quyền thế - bạch đinh). Nhiều trường hợp, các dòng họ lớn chèn ép các họ nhỏ; hoặc giữa các họ lớn diễn ra tình trạng “kình địch” với nhau kéo dài nhiều đời, thậm chí cả tuyệt giao quan hệ hôn nhân với nhau. Ngay nội bộ dòng họ ở nhiều nơi đã xảy ra những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các chi, cành nên có hiện tượng “Đi việc làng bênh việc họ, đi việc họ bênh việc anh em”.


Từ năm 1960 đến 1986, công cuộc hợp tác hóa, xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp trong nông thôn làm cho gia đình không còn là đơn vị kinh tế tự chủ, ruộng bị thu lại để chia cho nông dân (từ năm 1955), sau đó bị công hữu hóa. Cơ sở kinh tế của dòng họ không còn. Kinh tế gia đình phụ thuộc chặt vào kinh tế hợp tác xã. Đời sống rất khó khăn. Tổ chức dòng họ cùng các hoạt động thờ cúng của nó vì thế bị suy giảm đáng kể. Nhiều nhà thờ dòng họ bị xuống cấp hoặc không còn vì những lý do khác nhau.

Công cuộc Đổi mới cùng sự phát triển của kinh tế đã tạo điều kiện cho việc phục hưng dòng họ. Phong trào “trở về nguồn, tìm về cội nguồn” xuất hiện ở phần lớn các địa phương, các dòng họ, thông qua việc lập lại Hội đồng gia tộc (hoặc Ban liên lạc, Ban khánh tiết dòng họ), sưu tầm tư liệu để dịch lại, lập lại và bổ sung gia phả, tộc phả hoặc phả đồ; dựng lại hoặc tu bổ nhà thờ họ, sửa sang mộ tổ, tổ chức lại các nghi thức tế lễ… Dòng họ vẫn có ảnh hưởng lớn về tâm lý, tình cảm với các thành viên, vẫn có tác dụng tích cực nhất định trong quản lý xã hội, góp phần phát triển kinh tế ở các làng quê. Tuy nhiên, các ảnh hưởng tiêu cực của dòng họ vẫn còn rất đậm nét, thể hiện qua hiện tượng “chi bộ dòng họ”, “chính quyền dòng họ” xảy ra ở nhiều địa phương. Qua thời gian, ở nhiều địa phương, một số dòng họ đã xảy ra tranh chấp về thế thứ do không còn lưu giữ được gia phả; dẫn đến mâu thuẫn, không cùng tổ chức các sinh hoạt chung của dòng họ, thậm chí có nơi từ tranh chấp thế thứ và “đoạn tuyệt” quan hệ này dẫn đến tranh chấp nhà thờ họ, khiến chính quyền phải giải quyết.

Trong bối cảnh chung của các làng quê đồng bằng Bắc Bộ, các dòng họ ở Phương La cũng có những đặc điểm, những biểu hiện tích cực, “tiêu cực” trên đây. Tuy nhiên, do Phương La là làng nghề, kinh tế phát triển, xuất hiện đội ngũ doanh nhân giàu có, trong số họ, có một số người có tính thích phô trương, “thích thể hiện” nên những đặc điểm tiêu cực trên đây của dòng họ dẫn đến tình trạng cực đoan. Nếu ở các làng nông nghiệp, mâu thuẫn và sự “phân ly” trong nội bộ dòng họ chỉ dẫn đến không tổ chức thờ cúng chung, mà tổ chức ở nhà của những người “đầu trò”, do không đủ điều kiện xây nhà thờ riêng thì ở Phương La, một cơ sở kinh tế

Xem tất cả 299 trang.

Ngày đăng: 22/01/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí