Biến đổi sinh kế của người Tày ở biên giới tỉnh Lạng Sơn từ đổi mới 1986 đến nay nghiên cứu trường hợp thôn bản thẩu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn - 7

tuần thấy có mầm, phải rạch ít ra cho cây phát triển. Giống mận này to, bên trong tím, ăn có mùi đào lẫn mận nên gọi là mận tam hoa.

Qủa lê (mac sla lì) cũng là một trong những loại quả nổi tiếng bậc nhất ở vùng đất xứ Lạng. Người Tày ở đây thường lấy giống lê bằng phương pháp chiết ghép cành lê với cây “mac cọt”. “Mac cọt” cùng họ với lê, mọc hoang dại trong rừng, có sức chống chịu tốt với thời tiết xấu và sâu bệnh, quả giống lê nhưng nhỏ hơn, khi chín ăn có vị ngọt, chát. Vào đầu mùa xuân, đồng bào lấy những cây “mac cọt” khỏe rồi cắt bỏ phần ngọn ghép cành lê vào, trát bùn chỗ ghép rồi mang ươm. Vài tháng sau, cây mọc xanh tốt thì mang đi trồng. Khi lê chín có màu nâu, to, vị ngọt đậm và có mùi thơm.

Cây mía được trồng trên đất bãi và cả đất đồi. Mía của vùng đất Văn Lãng thuộc loại mía ngon của Lạng Sơn, không những mềm mà có vị ngọt dịu, sản lượng đường phên ở đây cũng có nhiều hơn các huyện khác. Thu nhập từ cây mía chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống của đồng bào nơi đây.

2.2.1.2. Chăn nuôi

Với người Tày ở Tân Thanh, chăn nuôi phát triển tương đối mạnh với sự hiện diện của nhiều loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, ngựa, dê, vịt, gà, ngan, ngỗng...Giống như nhiều dân tộc khác, việc chăn nuôi của người Tày ở đây không ngoài mục đích cung cấp sức kéo cho nông nghiệp (như cày, bừa, kéo), lấy phân bón ruộng và trong một số trường hợp còn được sử dụng trong vận chuyển (cưỡi, thồ hàng, kéo xe, kéo gỗ, kéo củi). Mặt khác, việc chăn nuôi còn đem lại nguồn thực phẩm giàu đạm, phục vụ cho tiếp khách, nghi lễ cũng như giúp cải thiện các bữa ăn hàng ngày và cũng có thể trở thành hàng hóa mang ra thị trường tiêu thụ, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Chăn nuôi gia súc như trâu, bò, ngựa được phổ biến rộng rãi, hầu như nhà nào cũng nuôi từ 1 - 2 con trâu. Những hộ giàu có, khá giả thì nuôi nhiều hơn, không ít hộ sở hữu cả đàn trâu. Đồng bào thích nuôi trâu đen bởi họ cho rằng giống trâu đen không những khỏe và dai sức mà còn có khả năng chịu

nắng, chịu nước tốt hơn so với giống trâu trắng. Với người dân, con trâu là đầu cơ nghiệp cho nên họ rất quan tâm đến việc chăm sóc và bảo vệ chúng. Trong những ngày giá rét, có sương muối, người Tày thường đốt lửa cạnh chuồng trâu hay dùng bao tải, giẻ rách quấn quanh mình trâu để chống rét. Còn trong mùa hè, những hôm trời nồm, có nhiều muỗi thì đồng bào đốt bùi nhùi tết bằng giẻ hoặc bằng rơm để tạo khói đặc xua muỗi đi. Việc nuôi bò đẻ cũng được người Tày ở Tân Thanh chú ý, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Họ quan niệm rằng “con bò giúp đỡ người nghèo” (tu mò nhò pò khỏ), vì thế ở những nơi sẵn đồng cỏ, người ta nuôi bò đàn rất nhiều.

Lợn cũng là vật nuôi quan trọng trong chăn nuôi của người Tày ở đây, hầu như hộ nào cũng nuôi. Trước đây đồng bào thường nuôi giống lợn bản địa có lông màu đen với thân hình khá to. Cùng với lợn thịt, một số hộ còn nuôi lợn nái.

Các loại gia cầm như gà, vịt, ngan được nuôi nhiều ở vùng người Tày để cung cấp thực phẩm cho gia đình khi có đám cưới, đám ma, giỗ, tết, người ốm, thăm sản phụ, trẻ em đầy tháng...Vùng thung lũng cũng là điều kiện khá thuận lợi cho nuôi vịt. Người Tày ở Tân Thanh nuôi hai lứa vịt trong 1 năm: xuân hè và hè thu. Nuôi vịt vào dịp xuân hè là để có thịt ăn, nhất là vào dịp tết 3/3, tết tháng 6 và Rằm tháng 7 (âm lịch), đồng thời cũng là lúc để sục bùn khi làm cỏ lúa. Nuôi vịt hè thu chủ yếu là vịt đàn, số lượng có nhà tới hai, ba trăm con, chủ yếu để bán.

Các gia đình người Tày ở Tân Thanh đều có ao nuôi cá, ao thường được đào vét cạnh nhà hay gần vườn. Những loại cá được nuôi nhiều hơn cả là cá chép, cá rô, cá trôi, cá mè...Việc nuôi cá chủ yếu theo lối tự nhiên, để cá tự kiếm ăn. Thức ăn cho cá là cỏ, lá cây (như lá sắn, lá chuối) và phân gia súc. Đánh bắt cá được thực hiện theo lối tỉa dần, cần đến đâu thì bắt đến đấy và con to thì bắt trước. Dụng cụ đánh bắt cá ao là chài, lưới, vó. Trước đây, cùng với ao hồ, người Tày ở Tân Thanh còn tận dụng ruộng lúa trong thời gian giữ nước để thả cá. Ruộng để thả cá bao giờ cũng có chuôm (lum). Đó là một vũng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 160 trang tài liệu này.

nước nhỏ có bờ bao nằm ở một góc ruộng, người ta cắm trên bờ chuôm vài tàu lá cọ để che nắng, tạo thành những khoảnh râm mát cho cá trú. Muốn bắt cá phải nhằm ngày nắng to, lúc giữa trưa khi mặt trời đứng bóng, cá vào chuôm tránh nắng thì chắn miệng chuôm lại rồi dùng vợt hay rổ để xúc. Việc nuôi cá ruộng chỉ được tiến hành theo thời vụ và nó chỉ kéo dài tới khi lúa làm đòng bởi vì đến thời điểm đó phải tháo cạn nước, cây lúa mới phát triển được.

Người Tày ở Tân Thanh còn nuôi cả ong mật (mèng thương), đây là loài ong nhỏ xây tổ trong thân cây rỗng, có khả năng làm ra mật ngọt từ phấn hoa, có những hộ gia đình nuôi tới hàng chục đàn. Để nuôi ong mật, đồng bào phải đóng thùng, tạo ra khoảng không gian cần thiết cho chúng xây tổ. Thùng được dùi 2 - 3 lỗ nhỏ cho ong chui ra, chui vào. Đồng bào thường bắt ong mật đem về nhà thả vào thùng hay cũng có thể mang thùng vào rừng, gác trên chạc cây cho chúng tự đến làm tổ, sau đó bê cả thùng lẫn ong về nhà.

Biến đổi sinh kế của người Tày ở biên giới tỉnh Lạng Sơn từ đổi mới 1986 đến nay nghiên cứu trường hợp thôn bản thẩu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn - 7

2.2.2. Lâm nghiệp

Rừng luôn được xem là vốn sinh kế quan trọng trong việc cung cấp lâm thổ sản cho cuộc sống của con người. Từ những yêu cầu đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống, đồng bào Tày ở Tân Thanh rất quan tâm đến việc trồng, tu bổ và bảo vệ rừng. Các loại cây được trồng chủ yếu là tre, nứa, mai...phục vụ cho xây dựng nhà cửa, đan lát, rào vườn. Các loại cây công nghiệp dài ngày chủ yếu là hồi, trẩu, chè. Hồi là cây dược liệu đặc sản ở vùng này, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo kinh nghiệm của người Tày ở đây, đất trồng hồi lý tưởng phải là đất thịt, đất đỏ. Sau khi gieo hạt, mọc mầm khoảng 40 - 50 phân, đồng bào mới mang lên rừng trồng, phải thường xuyên làm cỏ xung quanh để chống mối mọt. Hồi được thu hoạch 2 vụ trong năm là vụ xuân (tháng 2) và vụ mùa (tháng 9,10). Thời điểm thu hoạch hồi là vào tháng 8 vì lúc này là mùa ra hoa. Sản phẩm hồi mua về được chưng cất làm dầu xoa, pha thức ăn, làm thuốc…Có gia đình trồng được hàng nghìn cây, mỗi năm thu hoạch hàng tấn hồi bán ra thị truờng. Trong rừng hồi, người ta

thường trồng thêm quýt, dứa, chè, nuôi ong để tiện chăm sóc cây trồng và cũng là để tăng thêm thu nhập.

2.2.3. Nghề thủ công

Từ năm 1950, thị trấn Na Sầm (huyện Văn Lãng) được giải phóng, nhân dân các dân tộc ở đây đã đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau khôi phục nhà cửa, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống. Trong giai đoạn từ năm 1951- 1954, ngành thủ công nghiệp ở thị trấn Na Sầm cũng như ở Tân Thanh khá phát triển gồm có nghề đúc lưỡi cày, làm cày bừa bằng gỗ, nghề ép mía, nung gạch ngói, nghề mộc. Các sản phẩm làm ra mang tính truyền thống thường là đồ mây, đan lát, tre, gỗ, vải, sợi, sắt, thiếc...phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người dân địa phương. Chưng cất tinh dầu hồi và ép trẩu được đồng bào cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý. Hầu hết các gia đình người Tày ở Tân Thanh đều có xa kéo sợi, khung cửi dệt vải (vải may quần áo, vải màn, thổ cẩm với nhiều mô típ hoa văn màu trắng trên nền chàm xanh). Gắn liền với dệt vải là nhuộm chàm. Nguyên liệu để chế thuốc nhuộm chàm là lá chàm, người ta cho cả cây và lá chàm vào thùng gỗ hay vại sành, sau đó đổ thêm nước sạch ngâm vài ba ngày đến khi vỏ cây cùng lá chàm rữa nát thì vớt bỏ lòi cây đi, cho ít vôi tôi vào gáo rồi dùng chiếc gáo đó pha chế nước chàm theo cách “đổ đi, đổ lại” và cứ “múc lên, múc xuống” như thế cho đến khi bọt nước có màu xanh mới thôi. Sau khi bột chàm lắng xuống dưới thùng thì gạn bỏ nước đi rồi đổ chất bột đó vào dậu cho thoát bớt một phần nước sẽ thu được cao chàm dưới dạng bột nhão. Để có nước nhuộm tốt, ngoài nước tro, người ta còn cho thêm vài thứ gia phụ khác như củ sơn thục cùng vài lá chàm tươi hơ lửa rồi vò nát. Việc nhuộm chàm khá công phu, thường phải nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần đến khi nào sản phẩm có màu như ý mới thôi. Người Tày cho rằng đã làm thân đàn bà con gái thì đương nhiên phải biết cán bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm, biết cắt may, khâu vá, lo được cái áo mặc, chăn đắp cho chồng con. Do đó, biết dệt nhuộm hay không là một trong những tiêu

chuẩn quan trọng nhất để đánh giá về mức độ cần cù, chịu khó cũng như sự giỏi giang, khéo tay của người vợ, người mẹ trong gia đình.

- Nghề ép mía đường: khá phát triển cùng với một số cơ sở sản xuất tương đối lớn, do đồng bào chung vốn mua máy ép mật để làm đường phên hay đường cát và các thiết bị khác cùng kinh doanh với nhau với công suất khoảng 1 -1,5 tấn/năm/cơ sở. Bên cạnh đó cũng còn khá nhiều cơ sở nhỏ (khoảng 0,5 tấn đường/năm/cơ sở).

- Nghề nung gạch ngói: Việc sản xuất gạch và ngói máng ở đây có quy mô khá nhỏ bé, thủ công và thô sơ. Sản xuất phụ thuộc vào mùa tiêu thụ, giá cả sản phẩm linh hoạt, có thể bán trực tiếp lấy tiền và cũng có thể trao đổi lấy hiện vật như trâu, bò hay bất cứ sản phẩm nào khác.

- Nghề đúc lưỡi cày đã được một số cơ sở trên địa bàn tiến hành bằng phương pháp thủ công có chất lượng thấp với nguyên vật liệu chủ yếu là chảo gang cũ. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ngay tại địa phương và huyện Điềm He (nay là huyện Văn Quan) thuộc tỉnh Lạng Sơn.

- Chế biến thuốc lá: Huyện Văn Lãng trước đây là nơi có nguyên liệu thuốc lá dồi dào,có chất lượng cao nên ở đây đã sớm tiến hành xây dựng một số xưởng chế biến thuốc lá nhưng quy mô còn nhỏ, sản xuất mang tính mùa vụ rò rệt. Vào mùa hè, bình quân mỗi xưởng sản xuất được 50 túi thuốc lá/ngày. Về mùa đông, khối lượng sản xuất tăng lên từ 3 - 4 lần.

Ngoài ra, ở Tân Thanh cũng như huyện Văn Lãng nói chung còn có một số nghề thủ công nghiệp khác như làm bánh khảo, làm bàn ghế bằng trúc. Trong đó, nghề làm bàn ghế trúc là nghề khá lâu đời đáng được lưu ý nhất với bàn tay tài hoa của người thợ, nhiều bộ bàn ghế dáng đẹp, nhẹ và giá rẻ đã được thị trường đón nhận. Có thể nói, giai đoạn 1946 - 1954 là thời kỳ phồn thịnh của ngành tiểu thủ công nghiệp ở Tân Thanh.

2.2.4. Kinh tế tự nhiên

Người Tày có một nền nông nghiệp khá phát triển, có thể mang lại một lượng lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng được nhu cầu ăn uống hàng ngày của mỗi gia đình cũng như phục vụ cho các nghi lễ. Tuy nhiên, việc “ăn rừng”, dựa vào môi trường tự nhiên xung quanh, tìm kiếm, khai thác và tận dụng những nguồn lợi sẵn có trong thiên nhiên vẫn được người Tày chú ý. Từ trước đến nay, săn bắt, hái lượm vốn được coi là những hoạt động kinh tế nguyên thủy, sơ khai luôn hiện diện trong cuộc sống mưu sinh của người dân miền núi và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống của họ, trong đó có người Tày ở Tân Thanh.

Hái lượm

Ở người Tày cũng như bất cứ tộc người nào khác, việc hái lượm trước hết để bù đắp phần thiếu hụt của kinh tế vườn, bổ sung thêm một số loại thực phẩm khác. Trước đây, khi rừng còn nhiều, che phủ trên một diện tích rộng lớn với thảm thực vật phong phú, đa dạng thì việc hái lượm khá dễ dàng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, các hoạt động chiếm đoạt những sản phẩm sẵn có trong tự nhiên diễn ra tương đối thường xuyên và thời gian dành cho hái lượm chiếm một phần đáng kể trong quỹ thời gian của người Tày ở đây. Tuy nhiên, việc thu hái những sản phẩm của tự nhiên chủ yếu được thực hiện theo lối kết hợp với các hoạt động sản xuất như khi đi cày, bừa, lên nương rẫy hoặc trong khi chăn thả gia súc.

Đối tượng hái lượm của người Tày ở Tân Thanh trước đây chủ yếu là rau, củ rừng, nấm, măng...trong đó, măng được đồng bào mang về dùng để muối tươi, muối chua và làm măng khô bằng cách luộc, phơi khô và trữ trên gác bếp. Vào cuối mùa xuân và trong suốt mùa hè, không khí ẩm ướt, thích hợp cho sự sinh trưởng của các loài nấm, trong đó có nhiều loại ăn được như nấm mối, nấm mỡ, mộc nhĩ, nấm hương. Trước đây, vào những năm thời tiết không thuận lợi, mùa màng thất bát, do đó đến thời kỳ giáp hạt không ít hộ

cạn kiệt lương thực buộc phải lên rừng tìm kiếm các loài củ chứa nhiều tinh bột để ăn như củ mài (mằn chèn) là thứ củ rừng thơm ngon, củ cọc (mằn mỏ), củ khái (mằn ỏn), củ nâu (đâu), củ báng (co pảng), củ đao (co tao).

Bên cạnh đó họ còn khai thác các nguyên liệu dùng trong đan lát hay chế tác đồ gỗ như gỗ, tre, nứa, song, mây và một số lâm thổ sản quý như trầm hương, mật ong rừng hay những cây dược liệu có giá trị như thảo quả, sa nhân. Việc lên rừng lấy củi diễn ra quanh năm, đặc biệt là trong thời gian trước Tết Nguyên Đán, khi đã thu hoạch xong lúa mùa, người ta có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn và nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông cũng tăng lên.

Trong vùng người Tày ở Tân Thanh cũng như ở miền núi nói chung, có một số loại cây rừng hay quả dại có thể dùng làm thức ăn. Chúng hiện diện ở khắp nơi, trên rừng, bên bờ suối, dưới ruộng và đôi khi cả ở nơi bùn lầy cũng có như rau dớn, rau má, rau bợ, trám đen, trám trắng, tai chua, củ dọc. Đặc biệt, ở Tân Thanh còn có một số loại rau đặc sản của người Tày như rau ngót rừng, bồ khai, sau sau, rau muối.

Săn bắt

Với người Tày ở Tân Thanh, hoạt động săn bắt không ngoài mục đích bổ sung thêm nguồn thực phẩm mà việc chăn nuôi của các gia đình nhiều khi chưa đáp ứng được đầy đủ. Trong một chừng mực nhất định, việc săn bắt thú rừng còn góp phần bảo vệ mùa màng còn đối với những người đi săn hay đi đánh bẫy còn là một thú vui tiêu khiển. Đối tượng săn bắt của đồng bào gồm nhiều loại muông thú khác nhau kể từ những loài thú to như hổ, gấu, hươu, nai, lợn lòi cho tới những loại thú nhỏ hơn như cầy, cáo, nhím, sóc. Bên cạnh đó cũng có cả chim cuốc, chim gáy, chim khướu, gà lôi, gà rừng...

Người Tày ở Tân Thanh tiến hành săn bắt dưới hai hình thức là săn tập thể hay còn gọi là săn đuổi (thấu) và săn cá nhân hoặc theo từng nhóm nhỏ gọi là săn rình (rỏ hay mó). Họ thường đi săn vào mùa khô, đặc biệt là cuối thu và đầu mùa đông, khi cây cối trút lá, rừng trở nên thưa thớt, dễ phát hiện

ra con thú. Những người tham gia cuộc săn cầm nỏ, chia nhau vây khu rừng đã phát hiện ra con thú hoặc là tìm dấu vết của nó. Số người còn lại hò reo, đánh thanh la, gò mò, thổi tù để dồn con thú vào tầm bẫy.

Vũ khí chủ yếu mà người Tày ở đây cũng như nhiều tộc người khác dùng là súng kíp (xủng kép), túi săn (thông thấu), đèn săn, nỏ (nả). Bên cạnh những loại vũ khí thô sơ đó, đồng bào còn chú ý đến việc gài bẫy bắt chim và thú rừng như bẫy hầm (chạt), bẫy bàn (cụp), bẫy kẹp (căp), bẫy thắt, bẫy dính...Việc gài bẫy được thực hiện trên các lối mòn mà thú rừng thường qua lại hay trên những cành cây (cọ, trám, si) mà chim chóc thường hay đến kiếm ăn.

Trước đây, người Tày ở Tân Thanh còn đánh bắt một số côn trùng có giai đoạn sinh trưởng và phát triển trong lòng những cây có ruột rỗng hay có lòi mềm ( tre, nứa, báng) để làm thực phẩm chế biến thức ăn như bọ muỗm, ong non, trứng kiến đen.

Đánh cá

Việc đánh bắt cá cũng được diễn ra thường xuyên, trong đó có những cách thức đánh rất đơn giản là hoàn toàn bằng tay hoặc cần đến một con dao. Trước đây sông suối nhiều, lắm tôm cá, vào những trưa hè đồng bào thường tranh thủ giặt giũ, vơ ít cỏ rác (nhả nhùng) nhấn xuống vực sâu, sau đó dùng sào khua loạn hay chọc vào các hang hốc ở bờ vực làm cho cá hoảng sợ rúc vào đám cỏ đó rồi bê cả cỏ lẫn cá lên bờ. Đến mùa đông, trong những đêm giá lạnh, cá thường vào chỗ nước nông gần bờ tránh rét thì khi đó đồng bào mang đuốc đi soi và dùng dao chém. Nhưng phổ biến hơn là việc đánh bắt tôm, cá bằng chài, lưới, vó, vợt, rổ, đó, cần câu hay đi tát cá trong mùa nước cạn.

2.2.5. Chợ phiên và trao đổi

Vào cuối thế kỷ XVIII, Ngô Thì Sĩ được bổ làm đốc trấn Lạng Sơn. Sau khi đi tuần thú biên cương, trên đường trở về, ông cho binh lính tập trận ở đoạn sông Kỳ Cùng chảy qua thị trấn Na Sầm (huyện Văn Lãng) và cho bạt đá khắc bia đề chữ ghi nhớ lần tuần thú này. Khi đó, nơi đây còn rất hoang sơ, chưa trở thành tụ điểm kinh tế - xã hội.

Xem tất cả 160 trang.

Ngày đăng: 23/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí