Biến đổi sinh kế của người Tày ở biên giới tỉnh Lạng Sơn từ đổi mới 1986 đến nay nghiên cứu trường hợp thôn bản thẩu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn - 5

đập ngăn nước đã tạo nên các hồ nước rất thuận tiện cho việc tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản.

Tài nguyên thiên nhiên

+ Tài nguyên đất:

Nhìn chung, đất đai của xã Tân Thanh tương đối tốt, tầng đất dày, có độ phì cao, thích hợp cho việc trồng nhiều loại cây nông - lâm nghiệp. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 2.725,21 ha, trong đó:

Đất nông nghiệp là 1.704,61 ha Đất phi nông nghiệp là 86,92 ha Đất chưa sử dụng là 917,30 ha

Đất khu dân cư nông thôn là 17,38 ha

+ Tài nguyên nước:

Nước là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng, thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường. Nguồn nước trong xã được lấy từ 2 nguồn:

- Nguồn nước mặt: Tân Thanh là xã có nhiều suối chảy qua như suối Lậu Cấy, Bác Chầu, Nà Bàn, Cốc Mặn và một số con suối nhỏ bắt nguồn từ các đỉnh núi cao trong vùng. Hai con sông, suối chính này có nước quanh năm cùng với nguồn nước mưa có trữ lượng trung bình hàng năm từ 1.150 - 1.600 mm đã cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong vùng.

- Nguồn nước ngầm: Nguồn nước ngầm của xã chủ yếu được lấy từ các mạch nước gần khe suối, tuy nhiên cũng chưa được điều tra, khảo sát cụ thể. Chất lượng các nguồn nước trên địa bàn xã tương đối tốt, chưa bị ô nhiễm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 160 trang tài liệu này.

+ Tài nguyên rừng

Tân Thanh có 1.528,67 ha rừng, tỷ lệ che phủ là 56,20%. Trong đó: Rừng sản xuất là 1.011,77 ha

Rừng phòng hộ là 516, 90 ha

Rừng tự nhiên có diện tích là 1.439,17 ha, chiếm 52,91% tổng diện tích tự nhiên

Rừng trồng có diện tích 2 ha, chiếm 0,07% tổng diện tích tự nhiên Rừng khoanh nuôi phục hồi có diện tích 87,50 ha, chiếm 3,22% tổng‌

diện tích tự nhiên.

+ Tài nguyên khoáng sản

Theo kết quả điều tra, thăm dò của các đoàn khảo sát địa chất cho thấy trên địa bàn xã có mỏ quặng sắt tại thôn Nà Han. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có đá vôi, cát, sỏi...có thể khai thác để sản xuất vật liệu xây dựng.

2.1.2. Tình hình kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, xã Tân Thanh đã tập trung triển khai tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà UBND huyện và Đảng bộ xã đề ra. Đến nay đã đạt được một số kết quả, kinh tế tiếp tục có bước phát triển khá. Trong giai đoạn 2005 - 2010, tốc độ phát triển kinh tế đạt mức trung bình (tăng trưởng 8,75%/năm). Năm 2010, tổng giá trị sản xuất đạt 51,84 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 10,50 triệu đồng/năm.

Về nông nghiệp: Ngay từ đầu năm 2011, UBND xã đã phát động nhân dân các thôn ra quân làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, định hướng cho nhân dân chọn những giống cây trồng mới có năng suất cao đưa vào sản xuất. Tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt 153 ha, bằng 71% so với kế hoạch, bằng 85% so với năm 2010. Trong đó:

Tổng diện tích lúa cả năm 115 ha, đạt 75% so với kế hoạch, bằng 73% so với năm 2010; diện tích cây ngô 27 ha, vượt 0,4% so với kế hoạch và vượt 17% so với cùng kỳ; cây thực phẩm khác là 11 ha, bằng 69% so với kế hoạch, vượt 38% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do thời tiết diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, trong đó, có cây lúa vào mùa trổ bông do gặp thời tiết không thuận lợi dẫn đến năng suất thấp, toàn xã mất trắng 77 ha. Cụ thể là:

- Năng suất vụ đông - xuân đạt 4,6 tạ/ha, sản lượng 286 tấn

- Năng suất vụ mùa đạt 2,6 tạ/ha, sản lượng 197 tấn

Tổng sản lượng của năm đạt 482 tấn, đạt 72% so với chỉ tiêu giao.

Công tác thủy lợi luôn được tăng cường chỉ đạo. Từ đầu năm, nhân dân các thôn Bản Thẩu, Nà Tồng, Nà Ngườm đã tiến hành tu sửa, nạo vét kênh mương để tưới tiêu, chuẩn bị cho sản xuất khoảng 400 công.

Về chăn nuôi, thú y

Tổng đàn gia súc trong năm 2011 là 365 con, trong đó: Trâu 297 con, và bò là 68 con. Tổng đàn gia cầm là 11.460 con. Do thời tiết đầu năm rét đậm kéo dài nên đã làm trâu, bò chết 163 con. Ngoài ra có một số hộ do không có chỗ chăn thả, đã bán đi để mua máy móc thay thế sức kéo phục vụ sản xuất.

Trong địa bàn xã đã xuất hiện một số loại dịch bệnh như Lép tô tụ huyết trùng ở trâu, bò; bệnh Niu cát xơn ở gà; dịch tả ở lợn; bệnh dại ở chó nên UBND xã đã xây dựng lịch tiêm phòng để phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Về lâm nghiệp, cây ăn quả

Cây lâm nghiệp trồng được 3,5 ha, đạt 70% so với kế hoạch, đạt 88% so với cùng kỳ; cây ăn quả có diện tích 3 ha, đạt 60% kế hoạch, bằng 75% so với cùng kỳ.

Bên cạnh hoạt động nông nghiệp là chủ đạo, Tân Thanh cũng là xã tương đối phát triển về kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp do trên địa bàn xã phát triển khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh. Đây là địa điểm thông thương, giao lưu kinh tế với Trung Quốc, điểm thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại. Hơn nữa, ngành thủ công nghiệp tương đối phát triển do có mỏ quặng sắt tại thôn Nà Han. Theo thống kê năm 2010, tổng giá trị sản xuất của ngành ước đạt 13,48 tỷ đồng, chiếm 26% tổng giá trị sản xuất của xã.

Trong lĩnh vực kinh tế dịch vụ, trong năm 2010, có 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư thương mại. Tổng giá trị sản xuất của ngành đạt 14 tỷ đồng, chiếm 24% tổng giá trị sản xuất của xã.

Trong tương lai, trên địa bàn xã Tân Thanh có nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội như mở rộng khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, quy hoạch khu mậu dịch tự do. Đặc biệt ở đây sẽ tiến hành xây dựng chùa Phật Quang Sơn - là ngôi chùa đầu tiên được đặt ở miền biên giới, lớn thứ 4 ở Việt Nam, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều khách du lịch.

Hàng năm, nhân dân các thôn Bản Thẩu, Bản Đuốc, Nà Tồng thường tu sửa các tuyến đường giao thông liên thôn để phục vụ cho nhu cầu đi lại và sản xuất. Đường giao thông liên thôn Bản Thẩu - Nà Ngườm thi công vào tháng 7/2011 và đã hoàn thành trong quý IV năm 2011. Các thôn khác cũng đã đăng ký xi măng và nhận từ huyện 12 tấn để chuẩn bị tiến hành làm đường.

Trên địa bàn xã có 1 điểm bưu điện tỉnh Lạng Sơn, 1 điểm bưu cục Tân Thanh và một trạm phát truyền hình, có thể liên lạc, trao đổi thông tin sách báo, công văn của xã, thôn. Hiện nay, Tân Thanh đã được phủ sóng điện thoại và có điện lưới quốc gia. Nguồn điện cung cấp cho toàn bộ xã Tân Thanh bắt nguồn từ mạng lưới quốc gia cung cấp qua trạm biến áp trung gian 110/35KV Nhị Thanh, thành phố Lạng Sơn; lộ 372 Na Sầm - Tràng Định và lộ 374 đi Tân Thanh.

Về giáo dục và đào tạo

Xã Tân Thanh đã chỉ đạo tốt công tác dạy và học, đảm bảo duy trì số lớp, chỉ đạo thực hiện đổi mới phương thức dạy và học. Tổng số lớp, học sinh của 3 trường như sau:

- Trường Mầm non gồm 9 lớp với 277 cháu

- Trường tiểu học Tân Thanh gồm 14 lớp, tổng số 299 học sinh

- Trường THCS Tân Thanh có 9 lớp, gồm 29 cán bộ, giáo viên với 199 học sinh. Ngày 15/11/2011, trường đã hoàn thành lễ đón nhận trường chuẩn quốc gia đạt kết quả tốt.

Về y tế: Tân Thanh có 1 Phòng khám đa khoa có diện tích 0,28 ha và 1 trạm y tế xã với diện tích 0,05 ha. Hệ thống y tế xã thường xuyên nắm bắt được tình hình bệnh tật cuả nhân dân các thôn bản, thực hiện tốt chương trình Y tế

quốc gia về tiêm chủng vắc xin cho các đối tượng đảm bảo quy định của Bộ Y tế, bước đầu đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại chỗ cho nhân dân.

2.1.3. Dân cư, dân tộc

Năm 2010, toàn xã có 4.813 người, tỷ lệ tăng dân số là 1,85%, mật độ dân số là 80,78 người/ km2. Nhưng trên thực tế, dân số có hộ khẩu tại xã Tân Thanh chỉ có 2.010 người với 468 hộ. Trong đó: Nam 959 người và Nữ là

1.051 người. Phần còn lại là dân tạm trú đến làm ăn theo thời vụ. Trước năm 1990, điểm dân cư của xã chỉ có 6 thôn. Từ năm 1990 - 2010 do xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu nên có thêm Khu I và Khu II. Số người trong độ tuổi lao động của xã là 2.591 người, chiếm 52,95% dân số.

Tân Thanh có 3 dân tộc sinh sống chủ yếu là Nùng, Tày và Kinh, trong đó người Nùng chiếm 53,02%; người Tày chiếm 43%; người Kinh chiếm 3,69%; các dân tộc khác chiếm 0,29%. Thôn Bản Thẩu (xã Tân Thanh) có diện tích 453,33 ha, bao gồm 86 hộ với 431 người, chủ yếu là người Tày, chiếm hơn 90%. Trong thôn chỉ có khoảng gần 10 hộ người Nùng, nếu tính cả dân tạm trú ở những nơi khác chuyển đến là hơn 100 hộ.

2.1.4. Người Tày ở xã Tân Thanh

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Tày là một cộng đồng tộc người thuộc khối Bách Việt xưa và tộc danh Tày đã xuất hiện từ rất lâu đời, họ có mối quan hệ gần gũi về nhiều mặt với các dân tộc khác trong nhóm ngôn ngữ Tày - Thái như Nùng, Sán Chay, Bố Y...và ngay cả với người Choang ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong số đó, trước hết phải kể đến mối quan hệ giữa người Tày và người Nùng. Hai dân tộc này thường cư trú xen kẽ với nhau và có không ít nét tương đồng kể cả trong hoạt động kinh tế, tổ chức xã hội cũng như trong đời sống văn hóa tinh thần, trong nếp sống và phong tục, tập quán.

Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, người Tày ở Việt Nam có 1.626.392 người, là dân tộc có dân số đông thứ 2 tại Việt Nam sau người Kinh. Tại tỉnh Lạng Sơn, người Tày có 259.532 người, chiếm 35,4% dân số

toàn tỉnh. Người Tày ở Tân Thanh chiếm 43% dân số toàn xã, đứng thứ hai sau người Nùng, cư trú ở hầu khắp các thôn vì vốn là cư dân bản địa có lịch sử lâu đời. Nền kinh tế của đồng bào cơ bản là một nền kinh tế nông nghiệp, nguồn sống chính là trồng trọt và chăn nuôi. Người Tày cũng sống thành làng bản như người Nùng, nhà ở của họ thường bố trí theo lối mật tập, lưng nhà dựa vào núi đồi. Ngôi nhà truyền thống của người Tày ở Tân Thanh là nhà sàn nhưng ngày nay do nguồn gỗ ngày càng cạn kiệt, họ đã chuyển sang ở nhà xây. Trang phục cổ truyền của người Tày ở Tân Thanh cũng như người Tày nói chung là mặc áo dài vải chàm, cài cúc bên phải, có thắt lưng và dùng nữ trang bằng bạc. Nhưng do bất tiện trong quá trình lao động sản xuất, hiện nay ở Tân Thanh cũng như cũng như các xã khác trong tỉnh, đồng bào đã mặc quần áo giống người Kinh. Bộ trang phục truyền thống chỉ được mặc vào những dịp lễ hội, văn nghệ và được các Bà Then mặc khi đi hành nghề.

Người Tày ăn cơm. Lương thực gồm có gạo nếp, gạo tẻ, ngô, khoai, sắn...Thực phẩm dùng trong bữa ăn hàng ngày chủ yếu là rau xanh tự trồng hay thu hái trên rừng và món ăn thường xào nhiều mỡ. Người phụ nữ Tày ở Tân Thanh rất đảm đang trong công việc nội trợ, họ biết làm nhiều loại bánh như bánh chưng Tày, bánh gio, bánh dợm, bánh ngải...Trong sinh hoạt hàng ngày cũng như vào dịp lễ tết, đồng bào thường uống rượu. Rượu của người Tày ở Tân Thanh được nấu từ gạo, sắn, ngô. Họ tự làm men bằng lá cây rừng nên gọi là men lá. Hiện nay, men lá ít được sử dụng mà chủ yếu dùng men mua tại chợ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Từ xa xưa, tín ngưỡng của người Tày là thờ đa thần, được xây dựng trên quan niệm “vạn vật hữu linh”, người sống thì có “khoăn” (hồn), khi chết thì thành “phi” (ma quỷ). Đồng bào Tày còn phân biệt 2 loại “phi” như “phi lành” và “phi dữ”. “Phi lành” gồm có “phi tổ tiên”, “phi bếp lửa”, “phi bản làng”. “Phi dữ” tìm đủ mọi cách hại người như “phi rừng”, “phi thuồng luồng”, “phi sấm sét”. Đồng bào chỉ thờ ma lành, tuy nhiên cũng có trường hợp phải cúng ma dữ khi phát hiện ra con ma ấy gây ra ốm đau cho con người.

Thờ cúng tổ tiên là hình thức thờ cúng quan trọng nhất của người Tày ở Tân Thanh. Trong gian thờ, tùy từng nhà có thờ Phật Bà Quan Âm, gia đình nào đặt bàn thờ Phật Bà đều kiêng đồ tạp uế vào nhà như thịt chó, thịt trâu. Những gia đình nào có người đi làm Tào, Mo, Then thì còn thờ thêm tổ sư của nghề cúng bái. Đồng bào Tày ở Tân Thanh còn thờ Bà mụ trong buồng ngủ để bảo vệ trẻ em, thờ Táo quân để làm công việc “quản lý hộ khẩu” trong gia đình. Họ còn thờ thần Thổ địa, thổ công...,đây là những vị thần công cộng có nhiệm vụ bảo vệ bản mường. Miếu thờ những vị này thường là một ngôi nhà nhỏ, sơ sài, bên trong có đặt bát hương trên bệ thờ. Miếu thường được xây dựng ở đầu làng, nơi có nhiều người qua lại. Vào dịp tết Nguyên Đán, các gia đình trong bản thường mang hương, hoa, lễ vật đến cúng thổ thần.

Gia đình của người Tày là gia đình phụ hệ. Vai trò của người bố, người chồng bao giờ cũng là trụ cột của gia đình, quyết định những vấn đề lớn. Cho đến nay, một số quy định khắt khe còn tồn tại trong một số gia đình người Tày ở Tân Thanh như con dâu không được ngồi ngang hàng với bố mẹ chồng, anh chồng. Đồng thời bố chồng và anh chồng tối kỵ chuyện vào buồng của con dâu.

Dòng họ của người Tày ở Tân Thanh chủ yếu là họ Hoàng, Chu, Nông, Lành,...Mỗi thôn, bản bao gồm nhiều dòng họ hợp thành. Những người trong cùng một dòng họ có nơi thờ cúng riêng và có những quy định họp mặt theo định kỳ và họ có mối quan hệ gắn bó với nhau.

Đơn vị cư trú nhỏ nhất của người Tày ở Tân Thanh cũng như các xã khác là thôn, bản, trong đó, trưởng bản hay trưởng thôn có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết các quan hệ xã hội của cộng đồng.

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH LẠNG SƠN


Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn http www langson gov vn 1


Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn,http://www.langson.gov.vn

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/06/2022