Biến đổi kinh tế - Xã hội Văn Giang (Hưng Yên) sau quá trình dồn điền đổi thửa 1999 - 2008 - 5

Điều kiện tự nhiên

Huyện Văn Giang là huyện cực Tây của tỉnh Hưng Yên, nằm ở đồng bằng Bắc Bộ, bên bờ tả ngạn sông Hồng, giáp với 2 tỉnh thành là Hà Tây (cũ) và Hà Nội, nay là Hà Nội. Phía nam giáp huyện Khoái Châu, đông nam giáp Yên Mĩ, đông bắc giáp Văn Lâm (là các huyện thuộc tỉnh Hưng Yên), phía bắc và tây bắc giáp huyện Gia Lâm, tây giáp Thanh Trì và tây nam giáp Thường Tín (Hà Nội).

Trước năm 1997, Văn Giang cùng với huyện Khoái Châu hợp thành huyện Châu Giang thuộc tỉnh Hải Hưng cũ. Năm 1997, Hưng Yên tái lập tỉnh, ngay sau đó, huyện Châu Giang tách ra thành Văn Giang và Khoái Châu. Huyện Văn Giang mới hiện nay bao gồm 11 xã, thị trấn. 9 xã của Châu Giang cũ và 2 của Mĩ Văn là: Xuân Quan, Phụng Công, Long Hưng, Cửu Cao, Tân Tiến, Vĩnh Khúc, Liên Nghĩa, Mễ Sở, Nghĩa Trụ, Thắng Lợi và thị trấn Văn Giang.

Về đất đai: Văn Giang có diện tích tự nhiên là 71,8 km2. Văn Giang

nằm giữa vùng ĐBSH với khí hậu nhiệt đới ẩm có gió mùa, địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình 4m so với mực nước biển. Tổng diện tích đất nông nghiệp của Văn Giang là 4437.8 ha, trong đó sản xuất nông nghiệp là: 3994.1 ha, đất trồng lúa là: 1888.3 ha, đất trồng cây lâu năm là: 1027.9 ha và đất mặt nước và nuôi trồng thuỷ sản là: 439.3 ha [64, tr 2]. Đồng ruộng Văn Giang chia làm 3 vùng: vùng đất bãi Sông Hồng, vùng lúa và vùng lúa – màu – cây công nghiệp. Ruộng đất Văn Giang vốn màu mỡ (vào loại nhất đẳng điền cao, bờ xôi ruộng mật). Sự chênh lệch về độ phì của đất giữa các vùng không cao, chất đất tương đối đồng đều. Đây là một điều kiện thuận lợi cho sự dồn đổi, tập trung ruộng đất của huyện.

Về thuỷ văn: Văn Giang có 2 sông lớn chảy qua là Sông Ngưu Giang và Sông Tế Giang, dần dần bị bồi lấp, hiện nay còn lại là vùng trũng cấy lúa, đầm nuôi thuỷ sản, hồ chứa nước và lòng sông bị thu hẹp dần.

Ruộng đồng Văn Giang hiện nay được cung cấp nước bởi hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp.

Văn Giang có đoạn đê Sông Hồng dài 12km chạy từ xã Xuân Quan (giáp Gia Lâm – Hà Nội) tới xã Mễ Sở (giáp Khoái Châu - Hưng Yên). Từ năm 1781 đến 1799 đê Văn Giang vỡ 18 năm liền (sách Đại nam thực lục chính biên), làm cho đời sống nhân dân điêu đứng. Năm 1924, đê Đa Hoà vỡ [13 – tr 18 ] nước chảy tràn các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mĩ, Phù Cừ, Kim Động, Ân Thi. Vì thế sông Hồng vừa là một nguồn lợi, nhưng cũng là một trở ngại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện cả trong quá khứ và hiện tại.

Về giao thông: Văn Giang có hệ thống đường giao thông thuỷ - bộ rất thuận lợi. Đường thuỷ có bến đò Mễ (xã Mễ Sở) có thuyền bè từ các tỉnh miền Trung ra, từ các tỉnh Việt Bắc xuống. Đường bộ huyện có đường 206 và 207 là những đường giao thông huyết mạch. Văn Giang nằm ở vị trí gần phía đông nam Hà Nội, nhờ đó nhân dân sớm được tiếp cận với những tinh hoa của kinh kì Thăng Long xưa, với những tiến bộ của Hà Nội nay.

Điều kiện kinh tế - xã hội

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.

Dân số Văn Giang hiện nay có khoảng 104.4 nghìn người, trong đó nam là 49.439 người, chiếm 47,4% tổng số dân. Dân số nông thôn là 92.934 người, chiếm 89% tổng số dân toàn huyện. Trong đó lực lượng trong độ tuổi lao động là 52.305 người, chiếm 50% dân số. Lực lượng lao động trong nông, lâm, thuỷ sản là 37.727 người, chiếm 72.1% tổng số lao động [64, Tr 13], còn lại là lao động làm việc trong các ngành kinh tế khu vực nhà nước và các ngành kinh tế quốc dân khác. Như vậy có thể thấy rằng đại đa số cư dân Văn Giang sống ở nông thôn và hoạt động trong ngành nông nghiệp. Đây vừa là một thuận lợi, vừa là một khó khăn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

Vị trí địa lí của Văn Giang tiếp giáp với Hà Nội, và gần các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh nên người dân ở đây cũng rất nhanh nhạy với sự thay của nền kinh tế, xã hội đất nước, năng động trong làm ăn, sản xuất và xây dựng đời sống văn hoá.

Biến đổi kinh tế - Xã hội Văn Giang (Hưng Yên) sau quá trình dồn điền đổi thửa 1999 - 2008 - 5

Nằm bên tả ngạn sông Hồng, giữa vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, là vùng đất bãi bồi, đất đai màu mỡ, mưa thuận gió hoà, lại có địa hình tương đối bằng phẳng, vì vậy từ trước đến nay kinh tế Văn Giang chủ đạo là sản xuất nông nghiệp.

Người dân Văn Giang có truyền thống làm nông nghiệp lâu đời, đời trước truyền cho đời sau những kinh nghiệm quan sát thời tiết, trồng lúa nước, chọn giống, làm đất, trồng dâu, nuôi tằm, đánh bắt, gột trứng cá sông Hồng và làm nghề thủ công.

Cùng với nghề nông, Văn Giang còn có rất nhiều nghề thủ công truyền thống như đan thuyền, làm gốm sứ ở Xuân Quan, nhuộm vải thâm ở Xuân Cầu (Nghĩa Trụ), vải nâu ở Phú Thị (Mễ Sở), làm bánh ở Phụng Công, Cửu Cao, Mễ Sở, dệt vải Rồng ở Như Lân (Long Hưng). Thế kỷ XVII, Văn Giang đã trở thành điểm nối giữa Thăng Long với Phố Hiến. Văn Giang có hai làng nghề buôn nổi tiếng và khá đặc biệt là Đa Ngưu (xã Tân Tiến) và Đồng Tỉnh (xã Nghĩa Trụ).

Bước vào thời kì đổi mới, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng trên đất Văn Giang được chuyển đổi và phát triển theo hướng mới như: thêu ren, mây tre đan, đồ gốm, đồ gỗ, nguyên vật liệu xây dựng. Đây là những tiềm năng giúp cho Văn Giang có những bước tiến trong các thời kì phát triển của đất nước, nhất là khi nước ta đang trên đà đổi mới và hội nhập quốc tế.

Trong những năm trở lại đây, với vị trí gần thủ đô Hà Nội, kinh tế Văn Giang đã có sự thay đổi mạnh mẽ, chuyển dần từ nông nghiệp là chính sang công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Nhiều nhà máy, xí nghiệp công

nghiệp vừa và nhỏ được xây dựng trên địa bàn. Đoạn đường giao thông 5B Hà Nội - Hải Phòng đang được thi công có đoạn chạy qua địa phận Văn Giang. Hiện nay huyện vẫn đang tiếp tục quy hoạch các cụm công nghiệp, dịch vụ mới: khu công nghiệp phía đông huyện Văn Giang, khu công nghiệp cơ khí, năng lượng AGRIMECO Tân Tạo – khu công nghiệp Vĩnh Khúc, khu đô thị, thương mại, du lịch Văn Giang...

Cơ cấu kinh tế huyện Văn Giang năm 2008 đạt tỉ lệ tương ứng nông nghiệp – công nghiệp xây dựng – thương mại dịch vụ là 34,9% - 28,4% - 36,7%, theo xu hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng đóng góp của công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương cơ bản được hoàn thành vượt chỉ tiêu. Bộ mặt kinh tế - xã hội của Văn Giang đang có những thay đổi. Đời sống của nhân dân được nâng cao cả về vật chất và tinh thần.

* Tình hình ruộng đất và sản xuất nông nghiệp của huyện Văn Giang trước DĐĐT

Trước khi tái lập, Văn Giang là một bộ phận trực thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng (bao gồm huyện Khoái Châu, huyện Văn Giang và 2 xã của huyện Yên Mĩ, tỉnh Hưng Yên ngày nay). Năm 1981, thực hiện Chỉ thị 100CT (Khoán 100) của Ban Bí thư TƯ Đảng, lãnh đạo huyện Châu Giang đã triển khai giao đất nông nghiệp đến nhóm và người lao động, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực của huyện phát triển. Sau một thời gian thực hiện, đời sống của các hộ xã viên trong huyện vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù là một huyện ĐBSH có đất nông nghiệp màu mỡ, nhưng trước những khó khăn chung của nền kinh tế và ngành nông nghiệp cả nước, sản xuất nông nghiệp của Châu Giang tăng trưởng chậm.

Năm 1998, diện tích đất nông nghiệp của các xã thuộc phạm vi huyện Văn Giang ngày nay là 5148,23 ha, trên tổng số 7179,21 ha đất tự

nhiên. Tổng số hộ tham gia sản xuất nông nghiệp của huyện là 21.045 hộ. Bình quân mỗi hộ nông dân trong huyện được sử dụng khoảng 0,24 ha. Với tổng số khoảng 85 nghìn nhân khẩu và 36.827 lao động ở khu vực nông nghiệp, thì bình quân đất nông nghiệp của Văn Giang trên từng hộ và từng người quá nhỏ.

Thực hiện chính sách Khoán 10, các hộ nông dân ở Văn Giang đã được nhận những thửa ruộng cao, thấp, xa, gần… khác nhau về diện tích Trong suốt một thời gian dài sau Khoán 10, sản xuất nông nghiệp của Văn Giang luôn trong tình trạng phân tán nhỏ lẻ, nông dân làm ăn theo lối tiểu nông. Bình quân diện tích mỗi thửa ruộng khoảng 300m2. Thửa ruộng lớn cũng chỉ khoảng hơn 400m2 (không kể diện tích đất công). Những mảnh ruộng quá nhỏ không cho phép họ sử dụng máy móc thay cho sức người và sức kéo trâu bò, công cụ lao động không có sự thay đổi nhiều. Mỗi hộ gia đình trong huyện sở hữu từ 7 đến 10 thửa ruộng, hộ ít cũng 5 thửa nằm rải rác ở khắp nơi, cách xa nhau hàng km. Đất nông nghiệp của Văn Giang có khả năng thâm canh rất cao, có thể trồng xen canh, gối vụ. Nhưng do đặc điểm các thửa ruộng nhỏ lại quá xa nhau, nên hầu hết các hộ gia đình không tận dụng hết tiềm năng của đất, thường chỉ canh tác 2 vụ, nhất là đối với đất màu. Nhiều hộ gia đình muốn chuyển sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, hoa, cây cảnh nhưng thực sự gặp khó khăn trong việc áp dụng

khoa học kĩ thuật. Giá thành sản phẩm cũng vì thế mà cao hơn. Ngành chăn nuôi cũng phát triển nhỏ lẻ trong mỗi hộ gia đình, đảm bảo nhu cầu thực phẩm hàng ngày và những dịp lễ tết. Nuôi trồng thủy sản hầu như chỉ diễn ra trên những ao, đầm bao thầu của HTX.

Vì vậy mà năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp của Văn Giang những năm này không cao so với tiềm năng của một huyện ĐBSH. Sản lượng lương thực có hạt năm 1999 của Văn Giang là: 25677 tấn, sản lượng cây ngắn ngày là: 4566 tấn, cây công nghiệp, cây lâu năm là:

8500 tấn. Năng suất lúa cả năm của huyện năm 1999 mới đạt 56,7 tạ/ha, kéo theo giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện trong năm này cũng thấp, đạt 218.568 triệu đồng.

Đồng ruộng Văn Giang có đất phù sa, đất cát pha và đất thịt, phù hợp cho việc trồng các loại cây lương thực (lúa, ngô, khoai...), cây ăn quả (nhãn, cam, bưởi, táo...), cây cảnh, cây công nghiệp và cây dược liệu. Tuy diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhưng ruộng đồng Văn Giang vốn màu mỡ (tỉ lệ nhất đẳng điền, bờ xôi ruộng mật cao). Những năm gần đây, người dân lại biết áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến vào sản xuất nên năng suất cây trồng, vật nuôi ngày càng cao, sản phẩm nông nghiệp hàng hoá ngày càng nhiều.

Trước khi chủ trương DĐĐT của TƯ và tỉnh xuống đến huyện, thì căn cứ vào đặc điểm canh tác nông nghiệp, nhiều hộ gia đình nông dân trong huyện đã tự động chuyển đổi ruộng đất cho nhau theo hình thức tự nguyện, để tập trung đất vào một mảnh thuận lợi cho canh tác. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các xã mà người nông dân đã sớm chuyển từ trồng lúa sang trồng các cây công nghiệp, cây cảnh và cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như Phụng Công, Liên Nghĩa, thị trấn Văn Giang, Mễ Sở... từ trước năm 1998. Để tận dụng tối đa diện tích đất, giảm công chăm sóc, thu hoạch và nhất là áp dụng kĩ thuật canh tác được đồng bộ, các hộ gia đình nông dân có những thửa ruộng gần nhau, tương đối đồng đều về diện tích đã tự sang đổi ruộng đất cho nhau, nhưng chỉ là trên thực địa do chưa có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, chưa có sự thay đổi trong giấy tờ sở hữu đất nông nghiệp. Nhiều hộ đã mạnh dạn thuê hoặc mua lại đất của các hộ bên cạnh để mở rộng sản xuất. Nhiều cánh đồng trồng chuối, cam, quýt, quất cảnh, táo và những trang trại chăn nuôi, thả cá rộng từ vài sào đến hàng mẫu Bắc Bộ đã xuất hiện, chứng tỏ hiệu quả của phương thức sản

xuất tập trung. Bên cạnh đó, một số nông dân và hộ nông dân đã chuyển sang làm các ngành khác, chủ yếu là dịch vụ và sản xuất thủ công.

* Kết quả DĐĐT ở Văn Giang

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và thường trực TU, căn cứ vào đặc điểm đất đai và tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, ngay từ khi UBND tỉnh Hưng Yên có Nghị quyết về DĐĐT, Văn Giang lúc bấy giờ trực thuộc huyện Châu Giang đã trở thành một trong 3 huyện có xã được chọn làm điểm thực hiện DĐĐT. Đến năm 1999, sau khi hoàn thành việc tách huyện, HU, UBND huyện Văn Giang đã có những văn bản hướng dẫn việc rà soát lại diện tích và tình hình sử dụng đất nông nghiệp, và hướng dẫn triển khai DĐĐT đến các xã, thôn.

Ngày 20/2/1999, HU Văn Giang đã ra quyết định “Về việc rà soát lại tình hình sử dụng đất nông nghiệp” trên địa bàn toàn huyện nhằm thống kê lại tình hình sử dụng đất nông nghiệp của các hộ nông dân, số liệu về sự phân chia và sở hữu ruộng đất để chuẩn bị cho công tác DĐĐT do UBND tỉnh triển khai.

Ngày 10 - 8 - 2001, TU Hưng Yên ra chỉ thị Về việc thực hiện DĐĐT trong toàn tỉnh, thì đến ngày 16 – 8 – 2001, HU, HĐND, UBND huyện Văn Giang có Nghị quyết “Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của UBND tỉnh thực hiện DĐĐT đất nông nghiệp”, trong đó nêu rò: “căn cứ vào thực trong sử dụng đất nông nghiệp trong huyện, tình trạng phân tán ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của các hộ gia đình nông dân, nhất là các hộ trong vùng trồng cây cảnh, cây ăn quả, cây rau màu hàng hoá và chăn nuôi gia súc lớn, thuỷ sản”. Vì vậy, HU và Phòng Nông nghiệp huyện đã tiến hành đo đạc, lên phương án, có những hướng dẫn cụ thể đến từng xã về tiến trình DĐĐT, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất sau DĐĐT.

Cùng với đó, huyện tiến hành tập huấn cho cán bộ các phòng ban trong huyện và cán bộ các xã về tiến trình DĐĐT tại địa bàn. Trên cơ sở bản đồ địa chính từng thôn xã đã được đo đạc lại, phòng Tài nguyên môi trường và phòng Nông nghiệp huyện lên phương án DĐĐT, quy hoạch đất công, quy hoạch vùng sản xuất và đất dành cho các công trình công cộng.

Ngày 5 – 9 – 2001, UBND, Phòng Nông nghiệp, Phòng Tài nguyên

– môi trường Văn Giang ra chỉ thị “Triển khai thực hiện DĐĐT toàn huyện ” và đưa xuống địa bàn các xã để tiến hành DĐĐT trên thực địa. Cùng với việc văn bản hướng dẫn “Phương án DĐĐT và hướng dẫn về trình tự, nội dung DĐĐT và hoàn thiện hồ sơ địa chính cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” trong toàn huyện ngày 11/9 năm 2001.

Từng thôn, xã trong huyện đã nhanh chóng lấy ý kiến của nhân dân về phương án DĐĐT đến từng thôn, từng xứ đồng trước khi hoàn thiện phương án DĐĐT của thôn, xã, đưa lên huyện phê duyệt, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và công bằng. Sau khi có được sự đồng tình của nhân dân trong toàn huyện, công tác dồn đổi ruộng trên thực địa đã được tiến hành nhanh chóng, đạt hiệu quả tốt.

Trên cơ sở những thống kê của tỉnh và Phòng nông nghiệp huyện, UBND huyện kết hợp với Phòng Địa chính – Tài nguyên Môi trường, công tác DĐĐT của Văn Giang đã hoàn thành các chỉ tiêu và trước thời gian đề ra. Năm 2002, huyện mới có 7 trên 11 xã, thị trấn hoàn thành việc DĐĐT, vẫn chưa có xã nào có hộ sở hữu dưới 3 thửa ruộng. Đến đầu năm 2003, các xã còn lại trong huyện đã thực hiện xong việc dồn đổi diện tích đất nông nghiệp và giao ruộng đến các hộ gia đình theo đúng tinh thần và chỉ đạo của huyện. Kết quả được thể hiện qua tổng kết của Phòng Nông nghiệp, Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/06/2022