- Nhóm giáo trình, sách bình luận chuyên sâu
Nguyễn Ngọc Điện, Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Tập I, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002; Tưởng Duy Lượng, Bình luận một số án dân sự và hôn nhân và gia đình, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001; Đinh Thị Mai Phương, Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006… Ngoài ra còn một số giáo trình và bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình.
- Nhóm các bài báo, tạp chí chuyên ngành Luật
Các bài báo, tạp chí viết về vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn chủ yếu mới đề cập đến một hoặc một số khía cạnh của bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn như cấp dưỡng, nuôi con…
Như vậy, cho đến nay, dù có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn nhưng mỗi công trình nghiên cứu ở một số khía cạnh khác nhau của vấn đề, chưa có công trình nghiên cứu nào được đầy đủ và toàn diện. Trong khi đó, vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn là một vấn đề quan trọng, có tính thực tế cao do đó cần có sự nghiên cứu sâu sắc, toàn diện. Vì vậy việc nghiên cứu đề tài vẫn đảm bảo tính khoa học, không trùng lặp với các công trình nghiên cứu trước đây.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
- Mục đích
Đề tài nghiên cứu những khía cạnh lý luận về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn, sự cần thiết phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con sau khi cha mẹ ly hôn; phân tích việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và việc áp dụng các qui định này trong thực tiễn giải quyết các vụ
án ly hôn. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật hôn nhân và gia đình về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn.
- Nhiệm vụ
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 - 1
- Khái Niệm Bảo Vệ Quyền Và Lợi Ích Hợp Pháp Của Con Khi Cha Mẹ Ly Hôn
- Đặc Điểm Việc Bảo Vệ Quyền Và Lợi Ích Hợp Pháp Của Con Khi Cha Mẹ Ly Hôn
- Bảo Đảm Các Quyền Và Nghĩa Vụ Trong Quan Hệ Cha Mẹ Và Con Được Thực Hiện Giữa Con Với Người Không Trực Tiếp Nuôi Con Sau Khi Cha Mẹ Ly Hôn
Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.
Để đạt được mục đích nói trên, luận văn có những nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Làm rõ những vấn đề lý luận chung về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các con khi cha mẹ ly hôn.
- Nêu rõ sự cần thiết khách quan phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các con khi cha mẹ ly hôn.
- Phân tích việc áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các con khi cha mẹ ly hôn và thực trạng thực hiện vấn đề này hiện nay.
- Đề xuất các giải pháp cụ thể để hoàn thiện pháp luật hôn nhân và gia đình về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn cũng như các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn một cách hiệu quả trên thực tế
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài bao gồm những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn; các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các con khi cha mẹ ly hôn; thực tiễn hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án khi giải quyết việc ly hôn với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con và hướng hoàn thiện pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn.
- Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi nghiên cứu của đề tài giới hạn chủ yếu ở việc phân tích các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn.
- Nghiên cứu việc áp dụng các quy định pháp luật hôn nhân và gia đình năm 2000 nhằm đảm bảo quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn qua các bản án, quyết định giải quyết ly hôn của các tòa án trong thực tiễn xét xử từ năm 2001 đến nay.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn được thực hiện trên cơ sở vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa duy vật biện chứng và tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật, đồng thời cũng sử dụng kết hợp các phương pháp cụ thể, là phương pháp lịch sử, phương pháp so sánh, tổng hợp và phân tích.
6. Những đóng góp của luận văn
- Luận văn nghiên cứu và đưa ra được những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn, chỉ ra sự cần thiết và ý nghĩa của việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn.
- Luận văn đánh giá một cách khách quan thực trạng áp dụng pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn của Tòa án, từ đó có thể thấy được những hạn chế của các quy định pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn và cách áp dụng pháp luật của Tòa án
- Luận văn đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn.
Trong bối cảnh Nhà nước ta đang thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, những nghiên cứu của luận văn sẽ góp phần
nhất định trong việc sửa đổi các quy định của pháp luật về việc bảo vệ quyền của trẻ em khi cha mẹ ly hôn.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn.
Chương 2: Những nội dung cơ bản về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
Chương 3: Thực tiễn áp dụng pháp luật hôn nhân và gia đình về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn và một số kiến nghị.
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢO VỆ QUYỀN
VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA CON KHI CHA MẸ LY HÔN
1.1. LY HÔN VÀ HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA LY HÔN ĐỐI VỚI CON
1.1.1. Khái niệm ly hôn
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, ly hôn là một mặt của quan hệ hôn nhân, nó là mặt trái, mặt bất bình thường nhưng là mặt không thể thiếu của quan hệ hôn nhân và gia đình. Khi tình yêu thương giữa vợ chồng đã hết, mâu thuẫn gia đình sâu sắc, mục đích hôn nhân không đạt được thì vấn đề ly hôn được đặt ra nhằm giải phóng cho vợ chồng thoát khỏi những xung đột, bế tắc trong đời sống chung. Nhà nước bằng pháp luật không thể cưỡng ép nam, nữ phải yêu nhau và kết hôn với nhau, thì cũng không thể bắt buộc vợ chồng phải chung sống với nhau, phải duy trì quan hệ hôn nhân khi tình cảm yêu thương gắn bó giữa họ đã hết và mục đích của hôn nhân không thể đạt được. Việc giải quyết ly hôn là tất yếu đối với quan hệ hôn nhân đã thực sự tan vỡ. Khi quan hệ hôn nhân tồn tại chỉ là hình thức, thực chất quan hệ vợ chồng đã hoàn toàn mất hết ý nghĩa thì "tự do ly hôn không có nghĩa là làm tan rã những mối quan hệ gia đình mà ngược lại nó củng cố những mối liên hệ đó trên những cơ sở dân chủ, những cơ sở duy nhất có thể có và vững chắc trong xã hội văn minh" [13, tr. 335].
Vấn đề ly hôn, được quy định trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia là khác nhau. Một số nước cấm ly hôn như Anđôna, Manta, Paragoat… có nước lại đặt ra các quy định hết sức nghiêm ngặt như Achentina, Italia... Nhưng việc cấm hay hạn chế ly hôn đều trái với quyền tự do dân chủ của cá nhân, V. I Lênin đã khẳng định:
Người ta không thể là một người dân chủ và xã hội chủ nghĩa nếu ngay từ bây giờ không đòi quyền hoàn toàn tự do ly hôn,
vì thiếu quyền tự do ấy là một sự ức hiếp lớn đối với giới bị áp bức, đối với phụ nữ. Tuy hoàn toàn chẳng khó khăn gì mà không hiểu được rằng khi ta thừa nhận cho phụ nữ tự do bỏ chồng không có nghĩa là ta khuyên tất cả họ bỏ chồng [13, tr. 350].
Ly hôn là sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ hôn nhân mà chỉ có vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, quyền ly hôn của vợ, chồng phải đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước và pháp luật nhằm hạn chế, ngăn chặn những hiện tượng vợ chồng lạm dụng quyền tự do ly hôn gây hậu quả xấu cho gia đình và xã hội. Đứng trên quan điểm tiến bộ của chủ nghĩa Mác - Lê nin, Khoản 8 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 quy định: "Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng" [28]. Như vậy khi nhận thấy cuộc hôn nhân của mình là sai lầm, quan hệ vợ chồng luôn căng thẳng, nặng nề thì ai cũng có thể đứng ra yêu cầu Tòa án chấm dứt quan hệ đó. Tòa án sẽ nhìn nhận, xem xét toàn diện vấn đề và đưa ra quyết định cuối cùng. Đảm bảo quyền tự do ly hôn là một nội dung quan trọng của nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ đã được ghi nhận tại Điều 64 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 và được cụ thể hóa tại Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Tuy nhiên, tự do ly hôn không phải là tự do một cách tùy tiện mà phải dựa vào những căn cứ luật định là quan hệ vợ chồng lâm vào "tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được" [28, khoản 1 Điều 89] và ly hôn chỉ có giá trị pháp lý khi nó được Tòa án công nhận.
1.1.2. Hậu quả pháp lý và xã hội của việc cha mẹ ly hôn đối với con Trẻ em là hạnh phúc, là niềm vui của các bậc cha mẹ. Nhưng khi gia
đình tan vỡ, cha mẹ chia tay nhau, cũng chính trẻ em là người chịu thiệt thòi nhất. Vì lý do gì đi nữa cũng không thể phủ nhận một điều rằng có những
quyết định khiến cho người lớn toại lòng nhưng, đối với con trẻ, lại là nỗi bất hạnh, tủi buồn, thậm chí có thể trở thành cơn bão đẩy các em vào sóng gió. Đối với những số phận không may mắn, người xung quanh chỉ có thể cảm thông, giúp đỡ, an ủi một phần mà chẳng thể nào bù đắp được những mất mát to lớn trong tình cảm của các em.
Khi vợ chồng ly hôn, quan hệ hôn nhân chấm dứt, tuy nhiên quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng giữa cha mẹ và con vẫn không hề thay đổi. Vì vậy, trên phương diện pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau sẽ chấm dứt nhưng các quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con vẫn tồn tại. Cha mẹ là người sinh thành ra các con, cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng các con khi chúng chưa thể tự lo cho bản thân mình mà không phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình.
Khi ly hôn, vợ chồng cảm thấy thỏa mãn vì bản thân đã được giải thoát nhưng lại không thể tránh khỏi việc gây ra đau khổ, thiệt thòi cho con cái - những đứa trẻ vô tội trong sự tan vỡ của gia đình. Nguyên nhân của ly hôn là tình cảm của vợ chồng đã rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, nên mọi người khi đi đến quyết định ly hôn đã muốn có một cuộc sống riêng cho mình. Vì vậy, sau khi ly hôn họ không còn lý do gì để sống chung với nhau. Khi cha mẹ không còn chung sống, pháp luật quy định con chỉ được sống với một người và đó là người có khả năng bảo đảm quyền lợi về mọi mặt cho con.
Sự thiệt thòi, mất mát không chỉ dừng lại ở việc con không được sống cùng cả cha và mẹ mà ngay cả sự gần gũi, gắn bó giữa các anh, chị, em trong gia đình cũng bị chia rẽ. Khi một người không đủ khả năng chăm sóc cho tất cả các con thì họ buộc phải lựa chọn đứa con nào ở với mình để quyền lợi của chúng được đảm bảo hơn và khi đó, các anh, chị, em sẽ phải chia lìa nhau. Quyết định khó khăn đó cũng là để bảo đảm cuộc sống vật chất cho con, nhưng lại làm mất đi một cuộc sống vui vẻ với tình cảm yêu thương, quấn quýt nhau giữa các anh, chị, em trong một gia đình.
Sau khi ly hôn, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con vẫn không hề thay đổi nhưng do con chỉ được sống với một người nên cách thức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ có một số thay đổi, đặc biệt là đối với người không trực tiếp nuôi con. Đứa con chỉ được sự chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp bởi một người và người kia thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách gián tiếp qua việc thăm nom, cấp dưỡng cho con. Đây chỉ là một sự cố gắng bù đắp chứ không thể lấp đầy khoảng trống về tình cảm trong lòng những đứa trẻ còn ngây thơ.
Những hậu quả pháp lý của ly hôn sẽ kéo theo những hậu quả về mặt xã hội rất nặng nề, ảnh hưởng tới cuộc sống và sự phát triển của các em.
Trước hết, hậu quả tiêu cực của ly hôn đối với con cái là những trẻ em này sẽ bị giằng co giữa bố và mẹ sau khi ly hôn. Thông thường, sau khi ly hôn sẽ không ai chịu trách nhiệm phần lỗi về mình, và do đó, sẽ tìm cách bao che khuyết điểm của mình bằng đổ lỗi cho người kia, không thấy mấy trường hợp cha mẹ sau khi ly hôn đã nhận phần lỗi của mình và tìm cách đền bù lại đối với con cái trong việc giáo dục. Nhưng trong tâm lý trẻ thơ, chúng chỉ muốn biết những điều tốt, đẹp, hãnh diện về bố mẹ chứ không phải là những điều xấu, những lý do đã khiến cho bố hoặc mẹ bỏ nhau. Vì vậy, những điều tiêu cực kia sẽ làm mất dần hình ảnh đẹp của bố mẹ trong mắt các con, nhất là khi chúng gặp những khó khăn và thử thách của cuộc sống. Ảnh hưởng này sẽ khiến các em có cái nhìn tiêu cựcvề hôn nhân và gia đình. Các em sẽ không tìm được một mô hình gia đình và hôn nhân hạnh phúc. Ý nghĩa và đặc tính của hôn nhân cũng sẽ được diễn dịch một cách lệch lạc khi các em nhìn vào bố mẹ mình và đời sống hôn nhân gia đình của bố mẹ sau khi đã ly hôn. Những hậu quả tiêu cực này có thể dẫn đến những diễn biến tiêu cực trong cuộc sống của trẻ như không hạnh phúc trong cuộc sống hoặc có những hành vi xử sự liều lĩnh, thiếu suy nghĩ, không cần để ý đến hậu quả như tệ nạn phá thai và ly hôn… Theo kết quả khảo cứu, thì con cái của những cha mẹ ly hôn có xác suất ly hôn cao hơn những gia đình mà cha mẹ không ly hôn.