Khái Niệm Và Các Thiết Chế Bảo Vệ Quyền Tự Do Kinh Doanh Trong Pháp Luật Việt Nam

độ chính trị. Quyền tự do của con người phản ánh mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân. Với quan niệm đó quyền con người được xem là giá trị được nhà nước ghi nhận và bảo vệ bằng pháp luật thì mới trở thành hiện thực.

Một mặt quyền con người mang thuộc tính tự nhiên, do đó không cần ai ban tặng. Mặt khác, khi chưa được Nhà nước quy phạm hóa bằng pháp luật thì các quyền con người chưa được xã hội thừa nhận. Vai trò của Nhà nước chính là chỗ đáp ứng được nhu cầu về quyền cá nhân con người trong xã hội, biết phát hiện nhu cầu hiện thực của việc xuất hiện quyền con người để sớm thể chế hóa và bảo vệ bằng pháp luật.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, quyền con người ít được nói đến, được mặc nhiên đồng nhất với quyền công dân. Việc đồng nhất như vậy là chưa chính xác bởi vì quyền con người có nội hàm rộng hơn quyền công dân, ví dụ như con người có thể bị hạn chế quyền công dân nhưng quyền con người với tư cách là một thực thể tự nhiên thì họ không thể bị hạn chế. Bởi vậy, không thể đồng nhất quyền con người với quyền công dân là một.

Nhận thức được rõ quy luật vận động, trong Hiến pháp năm 1992 của nước ta (được sửa đổi bổ sung năm 2001) đã ghi nhận quyền con người là một quyền Hiến định: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật" [32]. Như vậy, có thể khẳng định rằng việc ghi nhận và bảo đảm thực hiện tốt các quyền công dân cũng chính là đã thực hiện nội dung cơ bản của quyền con người.

Các quyền tự do của công dân rất đa dạng, liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong hệ thống các quyền tự do đó thì quyền tự do kinh doanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Giá trị to lớn của quyền tự do kinh doanh thể hiện ở chỗ nó là tự do trong hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế luôn giữ vị trí trung tâm trong đời sống xã hội, quyết định các hoạt động khác.

Từ quan niệm chung về quyền tự do của con người, cho phép chúng ta khẳng định: quyền tự do kinh doanh là một phạm trù pháp lý. Dưới góc độ này, quyền tự do kinh doanh được hiểu theo nghĩa chủ quan và khách quan:

- Dưới góc độ chủ quan hay là nhìn dưới góc độ quyền chủ thể thì quyền tự do kinh doanh được hiểu là khả năng hành động một cách có ý thức của cá nhân, tổ chức trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Dưới góc độ khách quan hoặc được xem xét dưới góc độ một chế định pháp luật thì quyền tự do kinh doanh là hệ thống các quy phạm pháp luật và những bảo đảm pháp lý do Nhà nước ban hành nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân hay tổ chức thực hiện quyền được tự do kinh doanh [9, tr. 19-20].

1.1.2. Khái niệm và các thiết chế bảo vệ quyền tự do kinh doanh trong pháp luật Việt Nam

Như trên đã phân tích thì quyền tự do kinh doanh suy đến cùng là quyền của con người, mặt khác đó là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi thực hiện chức năng quản lý của mình phải tôn trọng, bảo vệ những quyền của chủ thể kinh doanh. Hai mặt này tồn tại thống nhất trong chế định pháp lý tự do kinh doanh. Nếu chỉ thừa nhận những quyền của chủ thể mà không bảo đảm cho nó những điều kiện để thực hiện thì quyền đó cũng chỉ mang tính hình thức. Sẽ không tồn tại quyền tự do kinh doanh của các chủ thể nếu nó không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

Đối với pháp luật nước ta, tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà việc bảo vệ quyền tự do kinh doanh từng bước được hình thành và quan trọng hơn nó trở thành một quyền Hiến định. Hiến pháp năm 1946 quy định: "Quyền tư hữu tài sản của Công dân Việt Nam được bảo đảm" [28]. Tiếp đó, Điều 18 Hiến pháp năm 1959 cũng quy định: "Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của Công dân về của cải, thu về nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở và

các thứ vật dụng riêng khác" [29]. Đến Hiến pháp năm 1980, những quy định về sở hữu tài sản được thể hiện khá rõ ở Điều 27: "Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của Công dân về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ. Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân" [30]. Đặc biệt, Hiến pháp 1992 quyền tự do kinh doanh và bảo vệ quyền này được quy định cụ thể: "Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật" [32] và "công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác" [32].

Bảo vệ quyền tự do kinh doanh theo pháp luật Việt Nam - 3

Như vậy, tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của lịch sử thì trách nhiệm bảo vệ quyền tự do kinh doanh được pháp luật từng bước thừa nhận. Thực tế ở nước ta đã chứng minh việc bảo vệ quyền tự do kinh doanh góp phần tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế đất nước. Kể từ sau khi đổi mới đến nay có thể nói nền kinh tế nước ta đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, mọi mặt trong đời sống xã hội đều thay đổi. Người dân được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, bên cạnh việc quy định quyền tự do kinh doanh là một quyền Hiến định thì pháp luật chuyên ngành cũng xây dựng những cơ chế để bảo vệ quyền năng này như: pháp luật về hình sự quy định những chế tài, hình phạt nghiêm khắc nhất nhằm bảo vệ quyền tự do kinh doanh, pháp luật về dân sự, kinh tế đều có những quy định để cụ thể hóa quyền năng đặc biệt này.

Do đó, từ những đánh giá, phân tích nêu trên có thể khái quát định nghĩa về bảo vệ quyền tự do kinh doanh trong pháp luật Việt Nam như sau: bảo vệ quyền tự do kinh doanh theo pháp luật Việt Nam là hệ thống các quy phạm pháp luật và các thiết chế do Nhà nước xây dựng nhằm bảo vệ và tạo điều kiện cho các cá nhân, pháp nhân tiến hành hoạt động kinh doanh một cách thuận lợi nhất.

Để quyền tự do kinh doanh được bảo vệ thì việc đầu tiên đó là nó phải được pháp luật ghi nhận, ở nước ta hiện nay, quyền tự do kinh doanh trở

thành quyền hiến định, tức là nó được ghi nhận trong văn bản có giá trị pháp luật cao nhất, là nguồn cho hệ thống pháp luật chuyên ngành triển khai và mở rộng. Quyền tự do kinh doanh của công dân bao gồm một số quyền năng cơ bản sau: công dân có quyền tư hữu tài sản, quyền tự do thành lập doanh nghiệp, quyền tự do giao kết hợp đồng, quyền tự do cạnh tranh, quyền tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp...Như vậy, căn cứ để xác lập nên các thiết chế nhằm bảo vệ quyền tự do kinh doanh trước hết đó là việc quyền năng này phải được pháp luật thừa nhận.

Tiếp đó, Nhà nước xác lập các cơ chế tự bảo vệ cho các chủ thể trong hoạt động kinh doanh. Để bảo vệ quyền này hơn ai hết mà chính là các nhà đầu tư phải là người đầu tiên có trách nhiệm bảo vệ quyền tự do kinh doanh của mình khi bị xâm phạm. Pháp luật hiện nay cho phép các chủ thể được dùng nhiều phương thức tự bảo vệ mình khi bị xâm phạm đến quyền tự do kinh doanh như: thương lượng, hòa giải, các thiết chế hành chính hoặc thông qua con đường tài phán. Tuy nhiên, trên thực tế thì phần lớn các hành vi xâm phạm quyền tự do kinh doanh ở nước ta hiện nay lại do chính cơ quan Nhà nước tác động lên các chủ thể và trong nhiều trường hợp chính pháp luật lại là rào cản lớn nhất cho hoạt tự do kinh doanh. Đơn cử như việc quy định về năng lực nhà thầu trong đấu thầu, các đơn vị mời thầu tự đưa ra một số quy định về năng lực nhà thầu để hạn chế bớt khả năng trúng thầu của các đơn vị khác nhằm đưa những nhà thầu được chỉ định từ trước trúng thầu. Trong trường hợp này, do pháp luật có quy định chưa rõ ràng về tiêu chí, năng lực nhà thầu nên các đơn vị mời thầu sẽ lách qua khe hở của pháp luật, gây bất lợi cho các chủ thể khác, đây chính là một dạng cạnh tranh không lành mạnh mà rào cản lớn nhất lại xuất phát từ chính quy định của pháp luật.

Bên cạnh hình thức tự bảo vệ, pháp luật còn xây dựng thiết chế bảo vệ quyền tự do kinh doanh bằng biện pháp hành chính. Với phương thức này thì chủ thể có quyền yêu cầu, đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp ngăn chặn các chủ thể khác xâm phạm đến quyền tự do kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, trên thực tế quyền tự do kinh doanh thường bị xâm phạm bởi chính các cơ quan quyền lực của Nhà nước, ví dụ như hoạt động ghi mã ngành trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ ghi nhận ngành nghề kinh doanh có trong hệ thống mã ngành của Việt Nam mà không ghi nhận những ngành nghề không có trong hệ thống. Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do kinh doanh, đối với việc này, giải pháp tốt nhất đó là chính phủ phải chỉ đạo cơ quan có trách nhiệm bãi bỏ ngay những quy định về ghi mã ngành, tôn trọng tiêu chí “công dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Mặt khác, ngoài việc thiết lập cơ chế bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tự do kinh doanh, nhà nước phải thiết lập các thiết chế bảo vệ quyền tự do kinh doanh tránh sự vi phạm từ chính nhà nước, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, công dân, bởi vậy, việc xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp mà trung tâm đó là Tòa án được hết sức chú trọng. Thông qua tòa án, các chủ thể có quyền khởi kiện chính các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác khi xâm phạm quyền tự do kinh doanh của mình. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay việc khởi kiện hành chính tương đối khó khăn, những quy định này thường mang tính hình thức, bởi cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp không có sự tách biệt, vẫn có những mối quan hệ chi phối khiến cho việc xét xử khó khăn và phần bất lợi thường nghiêng về các nhà kinh doanh.

Bên cạnh những cách thức để bảo vệ quyền tự do kinh doanh nêu trên, một thiết chế khác đó là các nhà đầu tư có quyền sử dụng pháp luật quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia hoặc là thành viên để bảo vệ quyền tự do kinh doanh. Trong một số trường hợp liên quan đến thương mại quốc tế thì các chủ thể có quyền được áp dụng pháp luật quốc tế hoặc sử dụng trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp, các lĩnh vực thường xuyên được ưu tiên sử dụng pháp luật quốc tế như: tranh chấp liên quan đến vận tải đường biển, mua bán hàng hóa, hàng không dân dụng... mà có một bên chủ thể có quốc tịch nước ngoài.

Như vậy, mặc dù còn một số hạn chế nhưng về cơ bản trong hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay, Nhà nước đã xây dựng nên các thiết chế để bảo vệ, cổ vũ cho quyền tự do kinh doanh. Việc bảo vệ quyền năng này chính là đòn bẩy để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, thể hiện được sự đúng đắn của công cuộc đổi mới, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.


1.2. NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM, Ý NGHĨA CỦA BẢO VỆ QUYỀN TỰ DO KINH DOANH TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

1.2.1. Nội dung của việc bảo vệ quyền tự do kinh doanh

Nội dung của việc bảo vệ quyền tự do kinh doanh thực chất là biện pháp Nhà nước bằng chính sách pháp luật của mình bảo vệ các chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả nhất. Nội dung của quyền tự do kinh doanh đã được phân tích ở trên, vậy việc bảo vệ quyền năng này cũng được pháp luật xác định như sau:

- Bảo vệ quyền tư hữu về tài sản

Quyền tư hữu về tài sản là một trong những quyền cơ bản, quan trọng nhất của công dân nên pháp luật của bất kỳ quốc gia nào cũng có những quy định để bảo vệ quyền tư hữu. Theo quy định của pháp luật nước ta hiện nay thì việc bảo vệ quyền tư hữu được thực hiện ở hai mức độ. Một mặt, nhà nước quy định phạm vi những quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để chủ sở hữu tài sản thực hiện các quyền sở hữu của mình một cách an toàn, đầy đủ nhất. Mặt khác, nhà nước quy định những biện pháp pháp lý cụ thể để dựa vào đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp bảo vệ quyền sở hữu của mình.

Quyền tư hữu được nhà nước và pháp luật bảo vệ bằng cách nó được ghi nhận trong Hiến pháp và trở thành quyền hiến định. Bên cạnh đó, quyền năng này còn được bảo vệ bằng các biện pháp dân sự, hình sự, hành chính. Như vậy, nội dung quan trọng nhất của việc bảo vệ quyền tư hữu về tài sản là pháp luật quy định những cơ sở pháp lý để chủ sở hữu thực hiện quyền sở

hữu, đồng thời cũng ghi nhận những biện pháp để dựa vào đó chủ sở hữu có thể bảo vệ tài sản của mình.

- Bảo vệ quyền tự do thành lập doanh nghiệp

Với nguyên tắc tự do kinh doanh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc thành lập doanh nghiệp được coi là quyền cơ bản của nhà đầu tư. Tuy nhiên việc thành lập doanh nghiệp có tác động không nhỏ đến lợi ích của xã hội. Vì vậy thành lập doanh nghiệp phải được thực hiện trong khuân khổ của pháp luật. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì nội dung của việc bảo vệ quyền tự do thành lập doanh nghiệp ở nước ta hiện nay được ghi nhận theo các cách sau:

Một là, pháp luật đảm bảo quyền tự do kinh doanh của chủ đầu tư như: mở rộng các đối tượng được thành lập doanh nghiệp, các nhà đầu tư được phép lựa chọn loại hình, địa điểm, ngành nghề kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc nhà đầu tư được "kinh doanh những gì pháp luật không cấm".

Hai là, pháp luật đảm bảo yêu cầu của quản lý nhà nước đối với hoạt động doanh nghiệp như: cấm hoặc hạn chế các chủ thể kinh doanh một số ngành nghề nhất định, trong quá trình kinh doanh các nhà đầu tư hoặc cả những cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động thành lập doanh nghiệp nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật có thể bị áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm hành chính hoặc nghiêm khắc hơn đó là có thể bị xử lý về mặt hình sự.

- Bảo vệ quyền tự do giao kết hợp đồng

Quyền tự do hợp đồng được coi là bộ phận cấu thành quan trọng là biểu hiện sinh động nhất của quyền tự do kinh doanh. Việc ghi nhận và bảo vệ quyền tự do hợp đồng có tác động to lớn đến quyền tự do kinh doanh, theo quy định của pháp luật hiện hành thì bảo vệ quyền tự do giao kết hợp đồng có nội dung cơ bản gồm:

Thứ nhất, pháp luật đưa ra những quy định ghi nhận quyền của các chủ thể trong việc tự do giao kết hợp đồng như: quyền tự do lựa chọn nội dung, hình thức của hợp đồng, tự do lựa chọn các đối tác, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng…

Thứ hai, pháp luật đưa ra những quy định bắt buộc các chủ thể khi giao kết hợp đồng phải tuân theo khi giao kết hợp đồng như: điều kiện về hình thức hợp đồng, đưa ra các quy định về điều cấm giao kết hợp đồng, các chế tài đối trong hợp đồng.

- Bảo vệ quyền tự do cạnh tranh trong hoạt động kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam với mục tiêu phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó chúng ta buộc phải tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường mà trong đó quy luật cạnh tranh là một thành tố cơ bản không thể tách rời. Pháp luật về bảo vệ quyền tự do cạnh tranh của nước ta hiện nay bao gồm một số nội dung sau: một là, những công cụ đảm bảo cho cạnh tranh diễn ra công bằng, hai là, những công cụ pháp luật được xây dựng để kiểm soát chống độc quyền. Bởi vậy, nội dung bảo vệ quyền tự do cạnh tranh chính là đảm bảo các điều kiện để cạnh tranh diễn ra lành mạnh và kiểm soát chống việc độc quyền trong kinh doanh.

- Bảo vệ quyền tự do định đoạt trong việc giải quyết tranh chấp

Dưới tác động của quy luật cạnh tranh và sự tự do hóa các hoạt động kinh tế, mâu thuẫn phát sinh trong hoạt động kinh tế nảy sinh ngày càng nhiều. Nội dung cơ bản của việc bảo vệ quyền tự do định đoạt trong giải quyết tranh chấp được quy định trong pháp luật nước ta gồm các vấn đề chủ yếu sau: pháp luật cho phép chủ thể tham gia quan hệ tranh chấp được tự do thỏa thuận phương pháp giải quyết tranh chấp có thể bằng thương lượng, hòa giải, thông qua trọng tài thương mại hoặc giải quyết tranh chấp bằng con đường Tòa án.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/12/2022