5
giáo ở Lào Cai; việc thực hiện chính sách và pháp luật về tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay. Nghiên cứu sinh đã tiến hành phỏng vấn sâu linh mục chính xứ và linh mục phó xứ Sa Pa, Trưởng ban hành giáo và tín đồ các giáo họ Lao Chải, Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai); điều tra xã hội học với 300 phiếu đối với tín đồ, chức sắc, chức việc tại các giáo họ, giáo điểm ở Lào Cai và giáo xứ Tà Ghênh (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) để đối chiếu, so sánh. Trong đó, giáo họ Hầu Thào: 100 phiếu; giáo họ Lao Chải: 100 phiếu; giáo điểm Nậm Xé (huyện Văn Bàn): 50 phiếu; giáo họ Háng Chi Mùa (thuộc giáo xứ Tà Ghênh): 50 phiếu. Thông tin thu được từ phỏng vấn sâu và các phiếu hỏi góp phần củng cố nhận định, đánh giá các vấn đề được khách quan hơn.
5. Đóng góp mới của luận án
Thứ nhất, luận án nghiên cứu tương đối toàn diện, hệ thống và cập nhật về Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai từ lịch sử đến hiện tại.
Thứ hai, luận án làm rõ thực trạng đời sống đạo và ảnh hưởng của Công giáo đến cộng đồng người Mông theo đạo ở Lào Cai hiện nay.
Thứ ba, luận án nêu lên một số vấn đề đặt ra, dự báo xu hướng và khuyến nghị giải pháp đối với Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác tôn giáo ở địa phương.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
Luận án góp phần làm rõ, kiểm chứng và bổ sung lý thuyết nghiên cứu, nhất là lý thuyết thực thể tôn giáo, lý thuyết sự lựa chọn hợp lý, lý thuyết sự hội nhập và tiếp biến văn hóa trong nghiên cứu tôn giáo học đối với người Mông.
Có thể bạn quan tâm!
- Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai - 1
- Khung Lý Thuyết Nghiên Cứu Và Một Số Khái Niệm Sử Dụng Trong Luận Án
- Khái Quát Về Người Mông Và Địa Bàn Nghiên Cứu
- Vài Nét Về Vùng Người Mông Theo Công Giáo Ở Lào Cai Hiện Nay
Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Kết quả luận án cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách tôn giáo - dân tộc, nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo - dân tộc đối với bộ phận người Mông theo Công giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Lào Cai.
Kết quả luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành Tôn giáo học, chuyên ngành Công tác tôn giáo và các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn liên quan đến người Mông và tôn giáo trong cộng đồng người Mông ở Việt Nam hiện nay.
7. Kết cấu luận án
Ngoài Mở đầu, Kết luận, Danh mục công trình liên quan đến luận án đã công bố, Danh mục tài liệu tham khảo, Phụ lục, luận án gồm 4 chương, 9 tiết.
6
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1.1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu về quá trình du nhập, phát triển Công giáo vào cộng đồng người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Lào Cai
Từ lâu, giới nghiên cứu quan tâm đến Công giáo ở Việt Nam, nhất là lịch sử truyền giáo và đời sống tôn giáo, trong đó ít nhiều đề cập đến Công giáo trong dân tộc thiểu số và vùng người Mông. Có thể kể ra các tác phẩm chủ yếu sau đây:
Công trình Việt Nam giáo sử, Quyển I (1533-1933) [85] và Quyển II (1933- 1960) [86] của Phan Phát Huồn, đã trình bày quá trình truyền bá Công giáo vào Việt Nam từ năm 1533 đến năm 1960, giới thiệu các giáo phận, trong đó có Giáo phận Hưng Hóa và việc người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) theo Công giáo từ thập niên 20 thế kỷ XX. Tác giả đưa ra nhận xét đáng lưu ý rằng, người Mông theo Công giáo dù ít nhưng “xem ra họ trung thành với ơn Chúa”. Tuy nhiên, bộ sách trên mới chỉ cung cấp thông tin ít ỏi về Công giáo ở vùng người Mông, chưa nghiên cứu sâu và có hệ thống về sự du nhập, tồn tại và phát triển của nó trong dân tộc này.
Bộ sách viết về Giáo hội Công giáo ở Việt Nam của Bùi Đức Sinh (tập 1: Giáo hội Công giáo ở Việt Nam [128]; tập 2: Giáo hội Công giáo ở Việt Nam [129]; tập 3: Giáo hội Công giáo ở Việt Nam [130], Phụ chương) [131], trình bày tương đối chi tiết về sự du nhập của Công giáo vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XVI do các giáo đoàn phương Tây đảm nhiệm, như dòng Phan Sinh, dòng Đa Minh, dòng Tên và Hội Thừa sai Paris (MEP), đi sâu phân tích thái độ của nhà Nguyễn đối với Công giáo. Tập 3 giới thiệu khái quát về giáo phận Hưng Hóa. Theo tác giả, Hưng Hóa là giáo phận lớn nhất và phức tạp nhất trong cả nước vì đây là vùng có tới 40 tộc người sinh sống. Nội dung tập sách còn đề cập tới giáo họ Hầu Thào và giáo họ Lao Chải. Đây là tư liệu hữu ích để nghiên cứu sinh tìm hiểu về công cuộc truyền nhập Công giáo vào Việt Nam nói chung và giáo phận Hưng Hóa nói riêng.
7
Bộ sách Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, tập 1 [25] và tập 2 [26] của Trương Bá Cần trình bày lịch sử Công giáo Việt Nam từ năm 1533 đến năm 1945, trong đó có phần bàn về giáo phận Hưng Hóa; về hoạt động của một số thừa sai tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai… nhưng còn chung chung, chưa làm rõ sự hình thành và phát triển của các giáo xứ, giáo họ của người Mông ở những nơi này.
Tác phẩm Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945-1995) của Trương Bá Cần [24] nghiên cứu khá toàn diện về Công giáo trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động, khó khăn. Ông đã dành một chương (chương 16) đề cập đến giáo phận Hưng Hóa, trong đó có giáo xứ Sa Pa, nhưng rất sơ lược. Công trình này cũng chưa nói đến Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai.
Cuốn Thừa sai công giáo Pháp và chính sách đế quốc tại Việt Nam (1857- 1914), của Patrick J.N. Tuck [158]. Tác giả nghiên cứu về sự can thiệp của Pháp vào Việt Nam; quan điểm của các Thừa sai Pháp về ảnh hưởng của việc Pháp xâm lăng đối với công việc truyền giáo ở Nam kì; hoạt động truyền giáo của các giáo sỹ Pháp cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX ở Việt Nam; vai trò của các giáo sỹ trong công cuộc xâm chiếm Việt Nam của đế quốc Pháp. Đáng lưu ý, công trình này đã đưa ra những tư liệu cho thấy, ngay từ cuối thế kỉ XIX, các Thừa sai đã chủ động truyền giáo vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, trong đó Lào Cai không phải là ngoại lệ.
Công giáo Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn (1802-1884, của Nguyễn Quang Hưng [92], trình bày khá chi tiết về Công giáo ở Việt Nam dưới các Triều vua nhà Nguyễn, nhất là chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn đối với Công giáo trong thế kỉ XIX. Qua đó giúp người đọc có thể hiểu thêm về nguyên nhân tại sao Công giáo du nhập vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc muộn hơn những nơi khác.
Giáo hội Công giáo Việt Nam - Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2004 [72] và Giáo hội Công giáo Việt Nam - Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2016 [80] của Hội đồng Giám mục Việt Nam giới thiệu về Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, trong đó có Công giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai nói riêng. Nhưng hai cuốn niên giám trên mới chỉ điểm xuyết sự du nhập, phát triển Công giáo vào người Mông ở Sa Pa (Lào Cai); về tổ chức giáo xứ, giáo họ và các linh mục từng coi sóc giáo xứ, chưa bàn đến vấn đề Công giáo trong cộng đồng người Mông giai đoạn hiện nay.
8
Bài viết “Đôi nét Công giáo miền núi phía Bắc Việt Nam” của Hoàng Bích Ngọc [121], đã khái quát lịch sử truyền giáo tại vùng miền núi phía Bắc, trong đó có nói đến công cuộc truyền giáo vào vùng người Mông ở Lào Cai của giáo sĩ F.M. Savina cũng như quá trình hình thành, phát triển cộng đồng người Mông theo Công giáo ở Sa Pa (Lào Cai). Tuy nhiên, nội dung bài viết dừng lại ở những nét chấm phá, mang tính gợi mở, chưa đi sâu vào các sự kiện của Công giáo từ khi du nhập vào Lào Cai đến nay. Đáng chú ý có bài “Các giáo sĩ thừa sai hải ngoại Paris với việc thiết lập cộng đồng Hmông Công giáo tại miền núi phía Bắc Việt Nam” [122] cũng của tác giả này đã cung cấp những tư liệu (báo cáo hàng năm của giáo phận Hưng Hóa từ năm 1902 đến năm 1950; tiểu sử của một số thừa sai). Tác giả đã cung cấp những thông tin trong văn khố của Hội Thừa sai Paris (MEP), phác họa khá chân xác hoạt động truyền giáo của các thừa sai Pháp, nhất là các thừa sai F.M Savina, P.M. Doussoux, Idiart Alhor trong vùng đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh Tây Bắc thuộc giáo phận Thượng du Bắc Kỳ (tức giáo phận Hưng Hóa ngày nay).
Bài viết “Quá trình phát triển đạo Công giáo và Tin lành của người Mông ở vùng núi phía Bắc” của Trần Thị Thủy [150], dựa vào tài liệu của F.M. Savina và Vương Duy Quang, phác họa quá trình du nhập Công giáo vào cộng đồng người Mông ở Lào Cai, Yên Bái qua các giai đoạn: từ đầu đến năm 1948, giai đoạn suy thoái từ năm 1948 đến năm 1990 và giai đoạn phục hồi từ đầu những năm 1990 đến nay, nhưng còn khái lược, một số sự kiện chưa được làm rõ.
1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của người Mông và Công giáo trong cộng đồng người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Lào Cai
Luận án tiến sỹ Triết học “Bản sắc văn hóa dân tộc Mông và giải pháp giữ gìn, phát huy giá trị của nó ở Việt Nam hiện nay”, của Hoàng Xuân Lương [114], tập trung nghiên cứu sâu về điều kiện hình thành và những đặc trưng cơ bản của bản sắc văn hóa Mông; nguồn gốc, tên gọi, các nhóm và dòng họ; thực trạng đời sống kinh tế- văn hóa của đồng bào; về tín ngưỡng truyền thống và sự xâm nhập của đạo Tin lành vào cộng đồng người Mông ở Việt Nam. Với cách nhìn khách quan, khoa học, tác giả rút ra những tồn tại, hạn chế của trên lĩnh vực văn hóa của người Mông, từ đó nêu ra những giải pháp cơ bản nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
9
Cuốn Dân tộc Mông ở Việt Nam của Cư Hòa Vần, Hoàng Nam [174], khái quát về dân tộc Mông như: lịch sử tộc người, địa vực cư trú, nhân chủng, ngôn ngữ, tên gọi và các nhóm người Mông ở Việt Nam; hoạt động kinh tế truyền thống, đời sống vật chất, bản sắc văn hóa của đồng bào; cuộc sống lao động sáng tạo của tộc người này trong quá khứ và hiện tại. Đặc biệt, khi viết về sinh hoạt tinh thần, các tác giả đã phân tích sâu về tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có đề cập đến những người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) và Trạm Tấu (Yên Bái) theo Công giáo từ những năm 20 của thế kỷ XX với những gợi ý đáng lưu tâm.
Tác phẩm Văn hóa Hmông của Trần Hữu Sơn [134], đi sâu nghiên cứu về người Mông ở Lào Cai. Trong chương II, tác giả viết về đời sống văn hóa tinh thần truyền thống của người Mông ở Lào Cai, trong đó tín ngưỡng của đồng bào khá kỹ lưỡng như: thờ cúng tổ tiên, ma nhà, thần bản mệnh trong cộng đồng làng bản; vật linh giáo, Shaman giáo và tàn dư của một số hình thức tôn giáo sơ khai khác. Qua đó cho thấy, niềm tin của người Mông ở Lào Cai về thế giới bên kia rất độc đáo. Ở chương III: “Những yếu tố mới trong đời sống tinh thần của người Mông ở Lào Cai và những vấn đề đăt ra”, tác giả chỉ ra sự biến đổi trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mông, nhất là một bộ phận người Mông từ bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo Công giáo và Tin lành. Trên cơ sở luận chứng khoa học, tác giả đưa ra một số giải pháp để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở vùng đồng bào người Mông ở Lào Cai thời gian tới.
Công trình Lịch sử người Mèo của Francoise Marie Savina [126] có đề cập đến tín ngưỡng truyền thống của người Mông (chương IV). Đây là một tác phẩm dân tộc học có nhiều tư liệu bổ ích trong việc nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông. Cuốn sách đã có những phát hiện về diễn trình lịch sử của người Mông trong quá khứ nhưng vẫn còn sơ lược, chủ yếu dựa vào truyền thuyết nên còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, với mục đích phục vụ cho việc truyền giáo nên giả miêu tả rất tỷ mỷ, chi tiết về đời sống kinh tế, văn hóa, tâm linh của người Mông nhưng không đưa ra nhận định, lập luận. Một số chỗ tác giả cố gán ghép để giáo lý Công giáo gần gũi với cách nghĩ của người Mông mà chưa có đủ sở cứ vững chắc. Dù sao, đây cũng là tác phẩm có nhiều gợi ý cho việc tìm hiểu văn hóa tâm linh người Mông. Giá trị nhất của cuốn sách là F.M. Savina đã tìm ra những điểm tương đồng giữa thế giới quan, tâm thức tôn giáo của người Mông với tư tưởng thần học của Ki tô giáo. Qua đó giúp cho việc lý
10
giải nguyên nhân một bộ phận người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc theo Công giáo được rõ ràng hơn.
Cuốn Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam: truyền thống và hiện đại của Vương Duy Quang [124], là một công trình được nghiên cứu cơ bản về lịch sử di cư, địa vực cư trú, hoạt động kinh tế, quan hệ xã hội của người Mông ở Việt Nam. Đề cập đến thờ cúng tổ tiên và các vị thần, những nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến dòng họ hay hiện tượng “xưng vua” của người Mông, tác giả không chỉ làm rõ quan niệm về vũ trụ luận phong phú, lối tư duy độc đáo (cái lý của người Mông) mà còn đưa ra những nhận xét tinh tế về đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng của người Mông và vai trò của hệ thống tín ngưỡng ấy với sự phát triển của văn hóa xã hội trong cộng đồng dân tộc này. Ở chương ba, tác giả bàn về sự biến đổi trong văn hóa tâm linh của người Mông ở Việt Nam hiện nay, nhất là việc một bộ phận theo Kitô giáo với những tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào cần được quan tâm giải quyết.
Cuốn Dân tộc Mông Sơn La với việc giải quyết vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay của Thào Xuân Sùng [136], giới thiệu khái quát về dân tộc Mông, tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc Mông ở Sơn La và sự thâm nhập Công giáo, đạo Tin lành vào một bộ phận người Mông ở đây; phân tích tình hình Việt Nam và quốc tế tác động đến việc giải quyết vấn đề tôn giáo hiện nay cũng như sự lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo của các thế lực thù địch. Từ phân tích thực trạng, nguyên nhân phát triển đạo, tác giả đưa ra phương hướng, giải pháp chủ yếu giải quyết vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trong cộng đồng người Mông ở Sơn La thời gian tới. Tuy nhiên, cuốn sách trên chưa nghiên cứu sâu kĩ nguyên nhân bộ phận người Mông theo Công giáo đầu thế kỉ XX; sự phát triển tín đồ cũng như mối quan hệ giữa các nhóm người Mông theo Công giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Song, đây là một cuốn sách giàu tư liệu, giúp nghiên cứu sinh có thêm hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng của người Mông ở Sơn La để có sự so sánh với người Mông ở Lào Cai.
Cuốn sách Giữ “lý cũ” hay theo“lý mới”? Bản chất của những cách phản ứng khác nhau của người Hmông ở Việt Nam với ảnh hưởng của đạo Tin lành do Nguyễn Văn Thắng chủ biên [146], đã phân tích sâu về người Mông trong cơ cấu tộc người ở Việt Nam và những mối quan hệ đồng tộc của dân tộc này ở các nước trên thế giới; làm rõ quan niệm của người Mông về “lý cũ”/tín ngưỡng truyền thống
11
và vai trò của nó đối với xã hội và văn hóa Mông, thể hiện rõ nét trong phong tục làm cúng, làm ma của đồng bào; nêu bật tác động của những phản ứng khác nhau của người Mông theo “lý mới”/đạo Tin lành và ảnh hưởng của nó trong đời sống tâm linh của đồng bào trong giai đoạn hiện nay. Tác phẩm này có cách tiếp cận mới, đưa ra những luận cứ xác đáng về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông trong quá khứ và hiện tại nên rất có giá trị tham khảo.
Ngoài ra, đề cập đến văn hóa người Mông còn có những tác phẩm khác, như: Tiếp cận văn hóa Hmông của Mã A Lềnh và Từ Ngọc Vụ [99]; Ghi chép về văn hóa dân gian Hmông của Mã A Lềnh [98]… đó là những công trình nghiên cứu công phu để chúng tôi so sánh giữa văn hóa truyền thống với những tác động, ảnh hưởng của văn hóa Công giáo trong cùng một tộc người.
Đề tài khoa học Ảnh hưởng của Công giáo đến đời sống tinh thần của các đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc của Viện Nghiên cứu Tôn giáo [179], tập trung nghiên cứu quá trình truyền bá Công giáo vào vùng dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc từ đầu thế kỉ XX đến nay; tác động của Công giáo trên các mặt đời sống xã hội, và những nét cơ bản về tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của các dân tộc cư trú tại vùng miền núi phía Bắc; quá trình tiếp nhận Công giáo của một bộ phận người dân ở đây và những biến đổi về phong tục tập quán của họ. Từ đó, đề tài nêu ra một số vấn đề cần quan tâm như việc bảo lưu bản sắc văn hóa truyền thống; mối quan hệ Nhà nước và Giáo hội; xây dựng và chính sách dân tộc - tôn giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nội dung đề tài này có đề cập đến Công giáo trong vùng người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) nhưng còn khá sơ lược, cần được nghiên cứu thêm.
Dự án “Khảo sát thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số theo Công giáo: kiến nghị về chủ trương và giải pháp”, của Ban Tôn giáo Chính phủ [9], giới thiệu khái quát về Công giáo trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có người Mông ở Lào Cai. Tuy nhiên, phần viết về Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai chỉ mang tính khái quát.
Luận văn thạc sỹ “Ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đến đời sống đạo của giáo dân Hmông ở giáo xứ Sa Pa (Lào Cai)”của Trần Thị Thu Giang [65], trình bày khái quát quá trình hình thành và phát triển của giáo xứ Sa Pa; đặc điểm văn hóa tính ngưỡng truyền thống của dân tộc Mông ở đây; ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đến sinh hoạt tôn giáo và nghi lễ vòng đời của
12
giáo dân người Mông ở giáo xứ Sa Pa. Đó là những vấn đề cần nghiên cứu thấu đáo, nhưng do khuôn khổ của một luận văn thạc sỹ, các nội dung trên chỉ được đề cập sơ lược. Tác giả cũng chưa phân định rõ nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng của người Mông ở thị trấn Sa Pa hay ở huyện Sa Pa, nên còn có những hạn chế nhất định.
Đề tài khoa học của “Giá trị và chức năng của Công giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay của Viện Nghiên cứu Tôn giáo [181]. Nhóm tác giả tập trung nghiên cứu giá trị và chức năng Công giáo Việt Nam đối với các mặt của đời sống xã hội (chức năng điều chỉnh hành vi, chức năng giáo dục, chức năng liên kết xã hội, chức năng xã hội từ thiện); những ảnh hưởng của giá trị Công giáo đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng, từ đó đề xuất một số khuyến nghị và giải pháp nhằm phát huy giá trị Công giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay. Công trình cung cấp nhiều thông tin về quá trình xâm nhập, phát triển Công giáo vào Việt Nam và những tác động, ảnh hưởng của Công giáo trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Liên quan đến đề tài nghiên cứu, tác giả luận án có một số bài đã đăng trên các tạp chí chuyên ngành như: “Quá trình truyền nhập và phát triển Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3/2019; “Vài đặc điểm của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 5/2019. Những bài viết trên nghiên cứu về quá trình người Mông ở Lào Cai theo Công giáo; nguyên nhân cơ bản dẫn đến một bộ phận người Mông theo tôn giáo này; những đặc điểm cơ bản của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai... Các bài viết trên được sử dụng làm tư liệu và đưa vào các phần trong nội dung của luận án.
1.1.1.3. Những vấn đề đã được nghiên cứu và những vấn đề luận án cần giải quyết
Qua tổng quan tình hình nghiên cứu nêu trên cho thấy, các công trình đã tập trung làm rõ những vấn đề dưới đây mà luận án kế thừa:
Một là, các công trình nghiên cứu đi trước đã trình bày về quá trình du nhập, phát triển Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, nhất là hoạt động của các thừa sai người Pháp trong nửa đầu thế kỷ XX ở Sa Pa (Lào Cai) và Trạm Tấu (Yên Bái). Một số bài viết đã khái quát sự hình thành giáo xứ, giáo họ đầu tiên trong cộng đồng người Mông ở các tỉnh Lào Cai, Yên