Vai Trò Của Việc Bảo Vệ Quyền Shtt Đối Với Nhãn Hiệu Hàng Hóa Tại Biên Giới

Khác với hoạt động bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa nói chung, bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới có những đặc điểm riêng mang tính đặc thù. Cụ thể là:

Một là, về mặt chủ thể, bảo vệ quyền SHTT tại biên giới do cơ quan Hải quan và chủ thể quyền SHTT có hàng hóa mang nhãn hiệu đã đăng ký kiểm tra, giám sát tại cơ quan Hải quan được XK, NK qua biên giới quốc gia thực hiện. Cơ quan Hải quan các cấp là cơ quan duy nhất có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với hàng hóa XNK liên quan đến SHTT theo quy định của Luật SHTT và Luật Hải quan, bao gồm: biện pháp kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT và biện pháp tạm dừng làm thủ tục Hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT. Tại biên giới, cơ quan Hải quan có quyền kiểm tra, giám sát và kiểm soát một cách toàn diện các hoạt động XNK hàng hóa liên quan đến SHTT.

Các chủ thể quyền SHTT muốn bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu gắn trên hàng hóa XNK thuộc sở hữu của mình phải đăng ký kiểm soát biên giới tại cơ quan Hải quan, có quyền yêu cầu cơ quan Hải quan tạm dừng làm thủ tục Hải quan đối với hàng hóa có nghi nghờ xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu.

Hai là, hoạt động bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới do cơ quan Hải quan thực hiện bằng biện pháp duy nhất là biện pháp hành chính. Theo quy định của pháp luật, cơ quan Hải quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Hải quan như các biện pháp: kiểm tra, giám sát và kiểm soát Hải quan, tạm dừng làm thủ tục Hải quan đối với hàng hóa XK, NK có nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT. Khi phát hiện vi phạm, cơ quan Hải quan có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính theo các trình tự, thủ tục quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, khác với Việt Nam phần lớn các nước trên thế giới (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản...) quy định cho phép cơ quan Hải quan tiến hành các hoạt động điều tra hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm, có quyền khởi tố vụ án và khởi tố bị can, điều tra xác minh vụ việc. Sau đó, cơ quan Hải quan mới chuyển hồ sơ cho Tòa án để xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự. Như vậy, đa số các nước đều quy định cho cơ quan Hải quan được áp dụng biện pháp hành chính và biện pháp hình sự để thực hiện bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới.

Ba là, đối tượng kiểm soát của hoạt động bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới chủ yếu là hàng hóa XK, NK mang nhãn hiệu đang được bảo bộ tại Việt Nam, đã được đăng ký kiểm soát biên giới tại cơ quan Hải quan. Như vậy, đối tượng kiểm soát ở đây không bao gồm toàn bộ hàng hóa XK, NK mà được giới hạn trong phạm vi những hàng hóa XK, NK mang nhãn hiệu đã được đăng ký với cơ quan Hải quan. Thậm chí trong một số trường hợp, chỉ bao gồm một số loại hàng hóa XK, NK trong tổng số các hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ đăng ký với cơ quan Hải quan; điển hình như trong rất nhiều sản phẩm liên quan đến ngành in, chủ sở hữu quyền đối với các sản phẩm mang nhãn hiệu “HP” chỉ đăng ký kiểm soát biên giới đối với duy nhất sản phẩm “mực in”, không đăng ký đối với các sản phẩm khác mang nhãn hiệu HP.

Tuy nhiên, nếu xem xét dưới góc độ thực hiện thẩm quyền mặc nhiên (ex- officio) của cơ quan Hải quan thì đối tượng kiểm soát của hoạt động bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới là toàn bộ hàng hóa XK, NK qua biên giới quốc gia. Để thực hiện thẩm quyền mặc nhiên, cơ quan Hải quan sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát và kiểm soát đối với toàn bộ hàng hóa XK, NK mang nhãn hiệu được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam, bao gồm cả nhãn hiệu đã đăng ký và chưa đăng ký kiểm soát biên giới với cơ quan Hải quan. Cơ quan Hải quan trong quá trình thực hiện các biện pháp kiểm soát hàng hóa XK,

NK có thẩm quyền và có trách nhiệm áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý các hành vi xâm phạm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, không cần thiết phải có đơn yều cầu của chủ thể quyền SHTT.

Bốn là, bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ nhất định, đó là những khu vực, những địa điểm thuộc phạm vi địa bàn hoạt động Hải quan. Trong phạm vi này, cơ quan Hải quan chủ động và chủ trì tổ chức thực hiện các biện pháp đấu tranh, bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu của hàng hóa XK, NK; chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng khác tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới và chịu trách nhiệm chính về công tác này. Ngoài phạm vi địa bàn hoạt động Hải quan, cơ quan Hải quan có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện. Nếu phát hiện vụ việc vi phạm ngoài địa bàn, cơ quan Hải quan sẽ chuyển giao cho cơ quan chức năng khác có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Năm là, các chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa ở đây là các tổ chức, cá nhân có hoạt động XK, NK hàng hóa qua biên giới quốc gia hoặc quá cảnh hàng hóa sang nước thứ ba. Họ trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quan hệ pháp luật về Hải quan, cùng với cơ quan Hải quan làm thủ tục Hải quan cho hàng hóa XNK. Các chủ thể này XK, NK các loại hàng hóa mang nhãn hiệu đang được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

Với các đặc điểm cơ bản trên cho thấy, bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới đóng một vai trong quan trọng đối với hoạt động thương mại toàn cầu, lợi ích kinh tế của các quốc gia trong quá trình các nước hội nhập vào nền kinh tế thế giới mà còn làm tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp. Đồng thời, nó góp phần đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe cộng cộng và bảo vệ môi trường.

1.4. Vai trò của việc bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế liên quan - 4

Với những giá trị kinh tế to lớn do các đối tượng quyền SHTT trong đó có nhãn hiệu hàng hóa mang lại cho thấy, việc bảo vệ có hiệu quả quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới có một ý nghĩa to lớn đối với các hoạt động thương mại toàn cầu. Trong quá trình lưu chuyển của hàng hoá từ khâu sản xuất, lưu thông đến phân phối không chỉ diễn ra trong phạm vi một quốc gia, mà ngày nay trong xu thế hội nhập toàn cầu, kinh tế thế giới ngày càng có sự giao lưu và tác động mạnh mẽ lẫn nhau, làm cho hàng hoá cũng được lưu thông phân phối từ quốc gia này sang quốc gia khác qua các kênh thương mại quốc tế. Một trong những giá trị thương mại ngày càng được cộng đồng quốc tế và thị trường thương mại quan tâm chính là giá trị của của nhãn hiệu hàng hóa – một trong những đối tượng quyền SHTT, nó đã và đang không ngừng làm gia tăng giá trị tài sản vô hình của các doanh nghiệp và các nhà sản xuất, thúc đẩy các kênh thương mại lưu thông mạnh mẽ. Với việc bảo hộ thành công nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới, sẽ góp phần đảm bảo cho nền kinh tế toàn cầu phát triển bền vững, bởi hàng hóa được luân chuyển trong dây chuyền cung ứng luôn phản ánh đúng giá trị thương mại thực tế của nó. Từ đó, nó sẽ là động lực thúc đẩy các tập đoàn kinh tế, các công ty xuyên quốc gia đẩy mạnh hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, làm gia tăng cả về khối lượng và trị giá giao dịch trong thương mại quốc tế.

Trong bình diện quốc gia, với việc nhận thức đang ngày càng cao về bảo hộ SHTT là một phần cốt yếu của hệ thống thương mại toàn cầu mới. Các nước phát triển cũng như đang phát triển đều đã thừa nhận rằng việc các nước quy định sự bảo hộ mạnh mẽ đối với quyền SHTT để tham gia chia sẻ lợi ích từ hoạt động thương mại nói trên là vì lợi ích của chính họ [2, tr.44]. Vì vậy, bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới trước hết nó đã và đang góp phần đáng kể vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với nền kinh tế.

Một mặt, hoạt động này bảo hộ nền sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp trong nước, nhất là đối với những doanh nghiệp sản xuất và phân phối các sản phẩm mang các nhãn hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài đã có một hành lang pháp lý an toàn, tạo nên tâm lý yên tâm và tin tưởng rằng, các sản phẩm họ sản xuất ra hoặc phân phối không bị cạnh tranh bởi hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu được NK từ nước ngoài vào. Từ đó, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất và tăng cường XK sản phẩm của mình ra nước ngoài, tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, lành mạnh và cạnh tranh công bằng giữa các chủ thể trong nền kinh tế. Việc thực hiện thành công hoạt động bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới, là việc mỗi quốc gia đã “gạn lọc” và loại bỏ được những “hạt sạn” gây rối loạn thị trường hàng hóa trong nước, đó là nạn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (hàng nhái) từ nước ngoài vào thị trường nội địa được coi là vấn nạn của các quốc gia hiện nay.

Mặt khác, các quốc gia sẽ khuyến khích được đầu tư và chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Vì đối với mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các công ty xuyên quốc gia quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa là một quyền tài sản lớn. Họ sản xuất ra các mặt hàng chất lượng và giá trị cao nhưng các mặt hàng này có tạo được uy tín và đem lại giá trị kinh tế cho họ hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào việc người tiêu dùng có biết tới họ thông qua nhãn hiệu hàng hóa gắn trên nó. Vì vậy, họ rất lo sợ nhãn hiệu của mình bị xâm phạm, làm giả sẽ làm giảm uy tín của sản phẩm do họ sản xuất ra trên thị trường. Vì vậy, việc bảo vệ có hiệu quả quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới sẽ giảm thiểu được hàng hóa giả mạo và xâm phạm nhãn hiệu của họ từ nước ngoài vào, tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Dưới góc độ xã hội, bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới có tác dụng kích thích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo; đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe cộng động và bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ

quyền, lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng. Với việc ngăn chặn được hàng hóa giả mạo nhãn hiệu từ nước ngoài vào nội địa, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất sản phẩm chính hãng trong nước sẽ tin tưởng và yên tâm, sản phẩm hàng hóa do mình làm ra sẽ không bị hàng hóa giả mạo NK từ nước ngoài vào lấn át. Họ sẽ có động lực tiếp tục thực hiện các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo để làm ra các sản phẩm mới có chất lượng cao, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Trên thực tế, mặc dù các quốc gia đã có nhiều nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, nạn hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện và ngày càng có xu hướng gia tăng. Các loại hàng hóa bị làm giả thường nhằm vào các sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng, đang có uy tín trên thị trường và đang được tiêu thụ với số lượng lớn. Người tiêu dùng vì nhiều lý do khác nhau nên đã không phân biệt được hàng thật – hàng giả, vì vậy nếu họ mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe (như thuốc tân dược, thực phẩm, thiết bị khám chữa bệnh), gây tổn thất về vật chất, tiền của (nều hàng giả là vật liệu xây dựng, phân bón...) và ô nhiễm môi trường do không đảm bảo chất lượng.

Đối với các chủ thể quyền, bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới sẽ bảo đảm việc việc toàn quyền khai thác và thụ hưởng lợi ích kinh tế từ tài sản trí tuệ, ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền, thúc đẩy sự phát triển và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, phát triển nhãn hiệu hàng hóa luôn được xem là công cụ quan trọng để người sản xuất có thể chiếm lĩnh thị trường và nâng cao uy tín của mình đối với người tiêu dùng. Trên thực tế, nhãn hiệu hàng hóa không phải là một sản phẩm, nhưng nó lại có vai trò tạo ra cho sản phẩm mà nó được gắn trên đó một ý nghĩa quan trọng và là minh chứng cho sự thành công của người chủ sản xuất, kinh doanh trên thị trường, nếu nhãn hiệu của họ được đông đảo người tiêu dùng và xã hội biết đến. Việc bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới sẽ

góp phần đảm bảo cho các doanh nghiệp củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, không ngừng mở rộng, chiếm lĩnh thị trường và gia tăng lợi nhuận. Thêm vào đó, doanh nghiệp sẽ tạo được nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Đối với hoạt động quản lý Nhà nước về Hải quan, để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội, cần có một cơ chế pháp lý thích đáng đảm bảo kiểm soát một cách đồng bộ và hiệu quả các quá trình sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hoá. Theo đó, đối với hàng hoá của nước ngoài được đưa vào thị trường nội địa để tiêu thụ thì việc kiểm soát an toàn và hiệu quả nhất là tiến hành kiểm soát ngay từ khi hàng hoá đến cửa khẩu, và để thực hiện được việc này cơ quan Hải quan là lực lượng thực hiện vai trò “gác cửa nền kinh tế đất nước” sẽ là cơ quan ngăn chặn có hiệu quả nhất mọi hành vi xâm phạm. Đồng thời, hành vi xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hoá xảy ra thường xuyên ở tất cả các địa bàn do cơ quan Hải quan quản lý. Địa bàn hoạt động của Hải quan chủ yếu là khu vực biên giới, cửa khẩu có địa hình phức tạp. Một trong những yêu cầu đặt ra đối với các vi phạm pháp luật về Hải quan là phải nhanh chóng và kịp thời vì nếu chậm trễ thì chỉ trong một thời gian rất ngắn các đối tượng vi phạm sẽ đưa hàng hoá là tang vật vi phạm thoát khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Do vậy, cơ quan Hải quan mới là cơ quan có đầy đủ thẩm quyền và điều kiện về nhân lực, vật lực để tiến hành kiểm tra, giám và kiểm soát có hiệu quả hàng hoá XK, NK liên quan đến SHTT tại biên giới quốc gia.

Bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hoá tại biên giới là một trong những hoạt động được cơ quan Hải quan tiến hành để thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình là duy trì trật tự pháp luật trong lĩnh vực XK, NK hàng hoá, đấu tranh có hiệu quả chống các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Nói rộng ra, thông qua công tác này, cơ quan Hải quan

đã góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo chủ quyền và an ninh kinh tế, đấu tranh với các hành vi vi phạm trật tự quản lý Nhà nước về Hải quan.‌

1.5. Cơ sở pháp lý của việc bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới

1.5.1. Điều ước quốc tế

Công ước quốc tế đầu tiên điều chỉnh trực tiếp vấn đề bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới là Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được ban hành ngày 20/03/1883 tại Paris với hơn 100 quốc gia ký kết, công ước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 07/03/1884. Mặc dù chỉ dành một điều quy định về vấn đề kiểm soát biên giới đối với nhãn hiệu hàng hóa, nhưng đó là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia thành viên triển khai thực hiện hoạt động này với tư cách thực hiện nghĩa vụ thành viên của Công ước. Điều này cho thấy, cộng đồng quốc tế đã quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa tại biên giới từ rất sớm.

Điều ước quốc tế quan trọng nhất điều chỉnh vấn đề thực thi quyền SHTT tại biên giới chính là Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (gọi tắt là Hiệp định TRIPs) được ký kết ngày 15/04/1994 tại Maraket, gồm 7 phần với 73 điều. Trong 20 Điều luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thực thi quyền SHTT, Hiệp định đã đã dành 10 Điều luật (từ Điều 51 đến Điều 60 thuộc Mục 4 phần III) để quy định về các yêu cầu đặc biệt liên quan đến các biện pháp kiểm soát biên giới. Trong đó lấy nhãn hiệu hàng hóa quy định điển hình cho các đối tượng quyền SHTT còn lại.

Luật mẫu về bảo vệ quyền SHTT của WCO 2003 đã hướng dẫn cụ thể các quy định của Hiệp định TRIPs về các biện pháp kiểm soát biên giới đối với SHTT. Bằng việc quy định cụ thể các nội dung liên quan đến việc thực thi quyền SHTT tại biên giới tại Phụ lục 3, cơ quan Hải quan các nước có cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này và thực hiện nghĩa vụ thành viên của WCO.

Xem tất cả 168 trang.

Ngày đăng: 29/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí