Việt Nam phải tuân thủ các chuẩn mực của Hiệp định về các Khía cạnh của quyền SHTT liên quan đến Thương mại (Hiệp định TRIPs). Rõ ràng đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam.
Trước tình hình đó, có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần phải thắt chặt bảo hộ quyền SHTT thông qua hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng phù hợp với Hiệp định TRIPs, tăng cường hiệu lực thực thi bảo hộ quyền SHTT, nâng cao ý thức tôn trọng quyền SHTT trong xã hội... Tuy nhiên, những ý kiến khác lại cho rằng, trong một số năm trước mắt, Việt Nam không nên thắt chặt quá mức bảo hộ quyền SHTT mà chỉ nên duy trì bảo hộ một cách tương đối lỏng lẻo để cho phép người dân và doanh nghiệp có thể khai thác thuận lợi các tài sản trí tuệ phục vụ cho mục tiêu phát triển và vì lợi ích của quốc gia. Điều này đặt ra các câu hỏi là: “Làm thế nào để nâng cao hiệu quả và hiệu lực của hệ thống bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam? Trong bối cảnh hội nhập, làm thế nào để hệ thống bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam vừa đáp ứng được những chuẩn mực của các điều ước quốc tế về bảo hộ quyền SHTT, đặc biệt là Hiệp định TRIPs của WTO, kích thích các động lực của kinh tế thị trường, đồng thời vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước?”
Đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên là một việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Đề tài nghiên cứu “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” sẽ cố gắng đi tìm câu trả lời ấy.
2. Tình hình nghiên cứu
- Nghiên cứu ngoài nước
Đối với thế giới, vấn đề bảo hộ quyền SHTT là không mới, đặt biệt ở những nước có nền kinh tế thị trường sớm phát triển thì hệ thống bảo hộ quyền SHTT đã được hình thành từ cách đây hàng trăm năm. Vì vậy, đã có vô số các công trình nghiên cứu, các bài viết của các tác giả nước ngoài đề cập đến vấn đề này. Đặc biệt, trong vài thập kỷ trở lại đây, khi xu hướng toàn cầu hoá kinh tế và phát triển kinh tế tri thức diễn ra mạnh mẽ, đã có nhiều tác giả nghiên cứu vấn đề
bảo hộ quyền SHTT gắn với xu hướng này. Dưới đây là một số luận điểm nghiên cứu tiêu biểu.
Siebeck (1990)1, sau khi soát xét một loạt công trình nghiên cứu về bảo hộ
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam - 1
- Quyền Shtt Trong Nền Kinh Tế Thị Trường Và Hội Nhập Quốc Tế
- Bảo Hộ Quyền Shtt Theo Các Công Ước Quốc Tế Và Hiệp Định Trips
- Những Cơ Hội Và Thách Thức Đối Với Các Nước Đang Phát Triển Liên Quan Đến Bảo Hộ Quyền Shtt Trong Quá Trình Hội Nhập Kinh Tế Quốc Tế
Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.
quyền SHTT ở các nước đang phát triển, cho rằng việc bảo hộ quyền SHTT đem lại lợi ích cho các nước đang phát triển, nhất là về việc tạo lập vốn, thu hút FDI và thúc đẩy R&D, tuy nhiên rất khó đo lường những lợi ích này. Trong khi đó, việc bảo hộ quyền SHTT lỏng lẻo sẽ làm nản lòng các công ty đa quốc gia trong việc đầu tư và chuyển giao công nghệ vào các nước đang phát triển. Sargant (1999)2 đã chỉ ra sự cần thiết phải có một hệ thống thực thi bảo hộ quyền SHTT vận hành tốt. Ông cho rằng một hệ thống như vậy sẽ khuyến khích các hoạt động sáng tạo, đổi mới khoa học kỹ thuật, khuyến khích các hoạt động đầu tư và chuyển giao công nghệ,... qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của các quốc gia. Tiến sỹ Stauder (1998)3 đã bổ sung thêm các nguyên tắc để thực thi có hiệu quả hệ thống bảo hộ quyền SHTT. Ông cho rằng việc thực thi các quy định pháp luật về bảo hộ quyền SHTT phải đảm bảo những nguyên tắc cơ bản như: rõ ràng, minh bạch, bình đẳng, công bằng, khả thi,...; trên phạm vi quốc tế thì phải đảm bảo các nguyên tắc đối xử quốc gia (NT), đối xử tối huệ quốc (MFN), tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu,... Ông cũng nhấn mạnh rằng, các quốc gia cần phải có các cơ quan thực thi pháp luật hoạt động có hiệu quả để bảo hộ quyền SHTT. Liên quan đến Hiệp định TRIPs, tác giả Geuze (2004)4 đã chỉ ra
1 Siebeck W. E. (Ed.) (1990), Strengthen Protection of Intellectual Property in Developing Countries, The World Bank, Washington D.C.
2 Sargant G. (1999), Needs of a well-functioning intellectual
property enforcement, UK Patent Office, March.
3 Stauder D. (1998), Principles and needs for an effective
enforcement system of intellectual property right, Centre d’Etudes Internationales de la Propriété Industrielle, France, March.
4 Matthijs Geuze (2004), The TRIPs Agreement and criteria for
effective enforcement, International Intellectual Property Alliance Paper, October.
sáu tiêu chuẩn để thực thi có hiệu quả Hiệp định TRIPs, bao gồm: (1) các thủ tục thực thi cho phép chống lại một cách có hiệu quả các hành vi xâm phạm quyền SHTT; (2) các biện pháp chế tài khẩn cấp để ngăn ngừa các hành vi xâm phạm;
(3) các biện pháp chế tài răn đe không để những hành vi xâm phạm tiếp diễn xảy ra; (4) các thủ tục thực thi không quá phức tạp một cách bất hợp lý; (5) các thủ tục thực thi không quá tốn kém một cách bất hợp lý; và (6) giới hạn thời gian không gây chậm trễ quá mức hoặc không quá ngắn một cách bất hợp lý.
Tóm lại, các nghiên cứu nêu trên đã đề cập đến sự cần thiết, các nguyên tắc, các tiêu chuẩn và các biện pháp để thực thi có hiệu quả bảo hộ quyền SHTT trên phạm vi quốc tế hoặc ở các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam đang ở bối cảnh rất khác biệt (nền kinh tế đang phát triển, đang chuyển đổi và đang hội nhập). Hơn nữa, các tác giả cũng chưa chỉ ra được những nước đang phát triển cần phải làm gì để có thể khai thác tốt những ngoại lệ của Hiệp định TRIPs để phục vụ các mục tiêu phát triển. Vì vậy, những nghiên cứu trên chỉ có thể được tham khảo ở trong chừng mực nhất định để giải quyết các vấn đề thực tiễn ở Việt Nam.
- Nghiên cứu trong nước
Đối với Việt Nam, vấn đề bảo hộ quyền SHTT là tương đối mới, thực tế mới nổi lên trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây khi các điều kiện kinh tế thị trường của Việt Nam ngày càng phát triển và quá trình hội nhập diễn ra ngày càng sâu rộng, trong đó đáng chú ý là quá trình Việt Nam tích cực đàm phán gia nhập WTO. Trong những năm gần đây, đã có nhiều tác giả tập trung nghiên cứu về vấn đề này. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuốn sách và các bài viết đề cập đến những khía cạnh khác nhau của bảo hộ quyền SHTT. Trong số đó, phải kể đến hai cuốn sách sau đây: (1) Bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam: những vấn đề lý luận và thực tiễn do PGS. TS. Lê Hồng Hạnh và ThS. Đinh Thị Mai Phương đồng chủ biên (NXB Chính trị Quốc gia, 2004); và (2) Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về SHTT của TS. LS. Lê Xuân Thảo (NXB Tư pháp, 2005).
Hai cuốn sách này đã nghiên cứu khá sâu về hệ thống bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam từ giữa những năm 1990 cho đến đầu những năm 2000. Cuốn thứ nhất đã đề cập đến vai trò và vị trí của pháp luật SHTT trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thực trạng bảo hộ SHTT ở Việt Nam và nêu ra những triển vọng, thách thức và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về SHTT. Cuốn thứ hai nghiên cứu sâu về cơ chế điều chỉnh pháp luật về bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam, trong đó tập trung vào các yếu tố như: hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh SHTT và bảo hộ quyền SHTT; quan hệ pháp luật về bảo hộ quyền SHTT; và các hành vi tuân thủ về bảo hộ quyền SHTT và các biện pháp đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể. Cuốn sách cũng đề ra phương hướng đổi mới và hoàn thiện cơ chế điều chỉnh pháp luật về bảo hộ SHTT ở Việt Nam.
Tuy hai cuốn sách nêu trên đã nghiên cứu khá sâu về bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam, nhưng mới chủ yếu đề cập đến khía cạnh pháp lý của quyền SHTT mà ít chú ý đến khía cạnh kinh tế. Trong khi đó, bảo hộ quyền SHTT về cơ bản là một vấn đề kinh tế. Hơn nữa, tại thời điểm nghiên cứu của hai cuốn sách, Việt Nam chưa gia nhập WTO nên áp lực thực hiện Hiệp định TRIPs là chưa quá lớn. Vì thế, hai cuốn sách cũng chưa chỉ ra Việt Nam cần phải làm gì để hệ thống bảo hộ quyền SHTT vừa đáp ứng được các chuẩn mực vừa khai thác được các ngoại lệ của TRIPs nhằm phục vụ mục tiêu phát triển. Còn một số vấn đề quan trọng nữa mà hai cuốn sách chưa đề cập tới như: các khía cạnh lý thuyết về quyền SHTT; những thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt khi thực hiện Hiệp định TRIPs... Đề tài này sẽ nhấn mạnh hơn đến các khía cạnh kinh tế của quyền SHTT và cố gắng bổ sung những vấn đề mới liên quan đến việc nâng cao hiệu quả và hiệu lực của hệ thống bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
- Mục đích nghiên cứu: Đề xuất các quan điểm và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
- Nhiệm vụ nghiên cứu: Để đạt được mục đích trên, nhiệm vụ nghiên cứu chủ yếu của Đề tài là:
+ Thứ nhất, hệ thống hoá cơ sở lý luận và thực tiễn về quyền SHTT trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
+ Thứ hai, phân tích thực trạng bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam.
+ Thứ ba, đề xuất những quan điểm và giải pháp về bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam trong thời gian tới, có nhấn mạnh tới hội nhập kinh tế quốc tế.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Vấn đề bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu của nền kinh tế Việt Nam.
- Phạm vi nghiên cứu:
+ Các đối tượng của quyền SHTT: Đề tài sẽ đề cập đến tất cả các đối tượng, bao gồm: quyền tác giả (bản quyền); quyền sở hữu công nghiệp; và quyền đối với giống cây trồng.
+ Khía cạnh thời gian: Đề tài tập trung nghiên cứu hoạt động bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam từ năm 1995 đến nay.
+ Liên quan đến Hiệp định TRIPs: Đề tài tập trung nghiên cứu một số nội dung và quy định quan trọng đóng vai trò là những “chuẩn mực” mà hệ thống bảo hộ quyền SHTT của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải đáp ứng.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện Đề tài, trên nền tảng chung phương pháp biện chứng duy vật, tác giả chú trọng đến các phương pháp truyền thống như phân tích, tổng hợp và so sánh. Ngoài ra, tác giả cũng thực hiện phỏng vấn, tham khảo ý kiến của một số chuyên gia tại các cuộc hội thảo khoa học, từ các bài giảng và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
6. Những đóng góp mới của Luận văn
- Làm rõ những khía cạnh kinh tế của bảo hộ quyền SHTT và những cơ hội cũng như thách thức đặt ra đối với các nước đang phát triển khi thực hiện các
điều ước quốc tế về bảo hộ quyền SHTT, đặc biệt là Hiệp định TRIPs, trong quá trình hội nhập.
- Phân tích và đánh giá thực trạng về bảo hộ quyền SHTT ở nước ta trong những năm vừa qua (về thiết lập tiêu chuẩn bảo hộ quyền SHTT, về các hành vi xâm phạm quyền SHTT, về xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT, tác động của bảo hộ quyền SHTT đến phát triển kinh tế - xã hội...).
- Chỉ ra những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong việc thực hiện bảo hộ quyền SHTT khi đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, các quan điểm và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực của bảo hộ quyền SHTT, trong đó chú ý đến việc khai thác các quy định linh hoạt và các ngoại lệ của Hiệp định TRIPs nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển.
7. Bố cục của Luận văn
Ngoài Lời mở đầu và Kết luận, Đề tài được kết cấu thành ba chương, bao
gồm:
Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn về quyền SHTT trong nền kinh
tế thị trường và hội nhập quốc tế: Trình bày khái quát sự cần thiết của việc bảo hộ quyền SHTT; Quyền SHTT trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Những thách thức đối với các nước đang phát triển về bảo hộ quyền SHTT trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Chương 2. Thực trạng bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam: Phân tích khái quát các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo hộ quyền SHTT; Tình hình thực thi bảo hộ quyền SHTT; Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong việc bảo hộ quyền SHTT.
Chương 3. Quan điểm và giải pháp về bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam trong thời gian tới: Nêu ra những quan điểm và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực của hệ thống bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam, đặc biệt là gắn với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUYỀN SHTT TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
1.1. Sự cần thiết của việc bảo hộ quyền SHTT
1.1.1. Khái niệm quyền SHTT
Cho đến nay, “quyền SHTT” vẫn còn là một khái niệm pháp lý khá mơ hồ đối với nhiều người, song mức độ sử dụng thuật ngữ này đang ngày càng gia tăng cùng với sự lan tỏa nhanh chóng của các vấn đề liên quan đến quyền SHTT. Diễn giải một cách đơn giản nhất, quyền SHTT là quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ. Với cách hiểu như vậy thì, ở đây, tài sản trí tuệ được coi là yếu tố cơ bản hình thành quyền SHTT. Vì vậy, để hiểu rõ khái niệm “quyền SHTT”, trước tiên cần tìm hiểu khái niệm và các đặc trưng của “tài sản trí tuệ”.
Theo khái niệm được thừa nhận rộng khắp, tài sản trí tuệ là những thành quả do trí tuệ con người tạo ra thông qua hoạt động sáng tạo thể hiện thành những mẩu thông tin kết hợp chặt chẽ với nhau trong các vật thể hữu hình xuất hiện trong cùng một thời gian với số lượng bản sao không giới hạn ở những địa điểm khác nhau trên thế giới và được thừa nhận là tài sản. Quyền sở hữu trong trường hợp này không phải là quyền sở hữu bản thân các bản sao mà chính là những thông tin chứa đựng trong các bản sao đó5. Khi được thể chế hoá thì những mẩu thông tin này biểu hiện cụ thể thành các đối tượng của quyền SHTT như: tác phẩm văn học nghệ thuật, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, giống cây trồng mới, v.v...
Tài sản trí tuệ là loại tài sản đặc biệt, có nhiều thuộc tính đặc thù, và những thuộc tính này ảnh hưởng đến tính chất của quyền SHTT. Một điểm đáng chú ý là
5 Lê Xuân Thảo (2005), Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về SHTT, NXB Tư pháp Hà Nội.
tài sản trí tuệ có tính chất của một hàng hoá công cộng toàn cầu. Nó có tính phi cạnh tranh và phi loại trừ trong sử dụng. Điều này khiến cho quyền SHTT phải được quyết định bởi nhà nước, chứ không phải thị trường, để sửa chữa thất bại của thị trường. Khi tài sản trí tuệ được nhà nước bảo hộ, thì người nắm giữ tài sản đó có một số quyền nhất định đối với tài sản của mình, đó chính là quyền SHTT; và cũng từ đó tài sản trí tuệ mới trở thành một loại tài sản quan trọng có giá trị. Như vậy, quyền SHTT là quyền mà nhà nước dành cho các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu tài sản trí tuệ sự kiểm soát độc quyền trong một thời gian nhất định nhằm ngăn chặn sự khai thác các tài sản này một cách bất hợp pháp. Theo Luật SHTT được thông qua vào tháng 11/2005 của Việt Nam (sau đây được gọi là Luật SHTT 2005), quyền SHTT là quyền của các tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
(1) Quyền tác giả và quyền liên quan
- Quyền tác giả: Quyền tác giả (hay còn được gọi là bản quyền) là một thuật ngữ pháp lý mô tả quyền lợi của người sáng tác ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, và khoa học được thể hiện ở dạng hữu hình6, trong đó bao gồm quyền tái bản, in ấn và trình diễn hay trưng bày tác phẩm của mình trước công chúng. Quyền tác giả là quyền duy nhất do chính phủ trao cho tác giả của tác phẩm để ngăn cản việc in sao, sửa đổi, hoặc phân phối tác phẩm, trình diễn hoặc trình bày tác phẩm đó mà không được sự đồng ý của tác giả. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả thông qua hệ thống pháp luật- xác lập quyền của chủ thể (có thể là tổ chức hoặc cá nhân) đối với đối tượng quyền tác giả tương ứng và bảo vệ quyền đó
6Cần lưu ý sự bảo hộ chỉ áp dụng đối với sự thể hiện các ý tưởng dưới dạng hữu hình chứ không áp dụng sự bảo hộ đối với chính ý tưởng đó. Thí dụ, khi một tác giả bộc lộ ý tưởng của mình là làm thế nào để chế tạo được một máy thu radio trong một bài báo đăng trên một tạp chí, thì tác giả được hưởng “bản quyền” đối với bài báo đó và như vậy không ai được phép sao chụp bài báo đó mà không được sự đồng ý của tác giả, song tác giả sẽ không có quyền ngăn cản người khác sử dụng ý tưởng đó để tạo ra một chiếc radio như được mô tả trong bài báo của tác giả.