Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo trong pháp luật Việt Nam hiện nay - 2

cái nhìn toàn diện, hệ thống về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ lịch sử, nhất là sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay.

Tôn giáo và tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự thuộc Bộ quốc phòng, NXb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005. Cuốn sách đã cung cấp cho tác giả những thông tin khái quát về một số vấn đề cơ bản về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá cách mạng của các thế lực thù địch và quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều bài viết đã đề cập đến quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong thời kỳ đổi mới, trong đó là các bài viết: Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo – Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước của Đặng Tài Tính (Công tác tôn giáo, số 1/2005); Trở lại những quan điểm đổi mới về tôn giáo của Nghị quyết 24 của Nguyễn Thanh Xuân (Công tác tôn giáo, số 2/2005); Quá trình nhận thức của Đảng về vấn đề tôn giáo, công tác tôn giáo và chính sách tôn giáo qua cương lĩnh, văn kiện, nghị quyết từ đổi mới đến nay (Nghiên cứu tôn giáo, số 1/2011), Luận văn thạc sĩ – Nguyễn Thị Diệu Thúy – Mã số 603810 về Quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của công dân Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn; đặc biệt là cuốn sách Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, của Ban Tôn giáo Chính phủ, đã giúp tác giả có cái nhìn toàn diện hơn về tình hình tôn giáo; hiểu rõ quan điểm nhận thức tư duy lý luận mới của Đảng ta về vấn đề tôn giáo, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo trong thời kỳ đổi mới.

Tuy nhiên, các công trình trên mới nghiên cứu, phân tích về chính sách, hoặc pháp luật Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc về tình hình tôn giáo, chưa có công trình nào nghiên cứu tổng thể về vấn đề bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo trong pháp luật Việt Nam hiện nay.

3. Mục đích, nhiệm vụ của luận văn

3.1. Mục đích: Nghiên cứu tổng quát về khuôn khổ pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Đánh giá lại hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo và thực hiện chính sách tôn giáo

trong thời kỳ mới, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

3.2. Nhiệm vụ: Để thực hiện được mục đích nói trên, tác giả đã đưa ra và giải quyết các nhiệm vụ sau:

- Nghiên cứu, làm rõ về nhận thức lý luận về tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

- Nghiên cứu, phân tích khuôn khổ pháp luật quốc tế về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

- Quan điểm, chính sách, pháp luật liên quan đến việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Từ đó đối chiếu, so sánh pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo với các chuẩn mực quốc tế.

- Đánh giá thực trạng bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo trong pháp luật Việt Nam hiện nay; trên cơ sở đó rút ra nguyên nhân của những bất cập trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo trong pháp luật Việt Nam hiện nay - 2

- Kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam.

4. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

- Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo và tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo; quan điểm của cộng đồng quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo; quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của công dân.

- Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu: Phân tích, tổng hợp, xã hội học, so sánh, đánh giá để làm sáng tỏ những vấn đề liên quan. Luận văn cũng khai thác thông tin tư liệu của các công trình nghiên cứu đã công bố để chứng minh cho các luận điểm.

5. Những nét mới của luận văn

- Luận văn đưa ra cái nhìn tổng thể về quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo: khái niệm, bản chất, đặc điểm của quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo; một số nguyên tắc liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

- Luận văn phân tích những tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo trong pháp luật một số nước có ý nghĩa với Việt Nam;

- Góp phần làm rõ thực trạng bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo trong pháp luật Việt Nam hiện nay, tính tương thích của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

- Phân tích, làm rõ nhận thức lý luận mới về tín ngưỡng, tôn giáo; chính sách mới về quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam.

- Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, phân tích, đánh giá, luận văn cũng đưa ra các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

6. Kết quả nghiên cứu và ý nghĩa của luận văn

Kết quả nghiên cứu của Luận văn sẽ góp phần cung cấp những tri thức khoa học cơ bản mang tính lý luận về quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo; giúp người đọc nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về khuôn khổ pháp luật quốc tế và quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

Luận văn cũng nêu lên những thực trạng bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo; những bất cập trong việc bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam; từ đó nêu ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả của việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam trong thời kỳ mới.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn kết cấu gồm 3 chương như sau:

- Chương 1: Cơ sở lý luận về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

- Chương 2. Thực trạng bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo trong pháp luật Việt Nam hiện nay

- Chương 3. Quan điểm và giải pháp bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo trong pháp luật ở Việt Nam hiện nay.

Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN

TỰ DO TÍN NGƯỠNG VÀ TỰ DO TÔN GIÁO


1.1. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM CỦA QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TỰ DO TÔN GIÁO VÀ NGUYÊN TẮC BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TỰ DO TÔN GIÁO

1.1.1. Khái niệm về quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo

1.1.1.1. Khái niệm về tín ngưỡng và tôn giáo

Hiện nay với nhiều khái niệm về tín ngưỡng và tôn giáo với nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Năm 1871, Taylor với câu nói “tôn giáo là lòng tin vào những vật linh", đúng hơn là những "vật siêu nhân", hay nói rộng ra là những "lực lượng phi nhân". Đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu xã hội học tôn giáo nổi tiếng người Đức Max Weber tuy không đưa ra một định nghĩa chính thức nào về tôn giáo nhưng ông cho rằng tôn giáo "như một dạng đặc biệt của hoạt động trong cộng đồng" gắn với "các thế lực siêu nhiên".

Theo cách nhìn tôn giáo từ góc độ tư tưởng, triết học của các nhà kinh điển Mác- Lênin. Mác định nghĩa "tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là thế giới trái tim không có trái tim. Cũng như nó là tinh thần của trạng thái xã hội mà ở đó tinh thần bị loại bỏ...Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân"...."Tôn giáo là sản phẩm của Nhà nước và xã hội mà Nhà nước và xã hội là thế giới đảo ngược" [5]. Cũng trong tác phẩm góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, C.Mác đã khẳng định lại: "Tôn giáo là cái ý thức về bản thân và cái cảm giác về bản thân con người chưa tìm thấy trong bản thân mình hoặc đánh mất bản thân mình một lần nữa". Sau này một số người đã tiếp cận phân tích trích dẫn những định nghĩa của Mác, Ăng ghen, Lênin một cách giáo điều, không đầy đủ, thậm chí còn cắt xén làm sai lạc đi nhiều.

Gần đây một số nhà nghiên cứu tôn giáo Việt Nam cũng đưa ra những lý giải hoặc chia sẻ quan điểm của mình về tín ngưỡng, tôn giáo. Tác giả Hoàng Phê trong

Từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1992, đưa ra định nghĩa "Tôn giáo là hình thức xã hội, gồm những quan niệm dựa trên cơ sở tin và sùng bái những lực lượng siêu nhiên, cho rằng có lực lượng siêu tự nhiên quyết định số phận con người, con người phải phục tùng, tôn thờ". Tác giả Mai Thanh Hải trong Từ điển Tôn giáo xuất bản năm 2001, đưa ra định nghĩa "tôn giáo là một hình thái nhận thức xã hội, phản ánh hiện thực qua các khái niệm, hình ảnh mang tính chất ảo ảnh, ảo vọng. Nói chung đó là niềm tin vào lực lượng siêu nhiên, vô hình mà con người cho là linh thiêng, được sùng bái và cầu khấn để nhờ cậy, che chở hoặc ban phát điều tốt lành". Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn trong sách Những vấn đề lý luận và thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam xuất bản năm 1998 cho rằng "tôn giáo là thế giới siêu nhiên vô hình được chấp nhận một cách trực giác và tác động qua lại hư ảo giữa con người và thế giới đó nhằm lý giải những vấn đề trên trần thế, cũng như ở thế giới bên kia trong những hoàn cảnh lịch sử, địa lý khác nhau, của từng cộng đồng tôn giáo hay xã hội khác nhau". Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng Ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã đưa ra một định nghĩa về tôn giáo khá bao trùm là, “tôn giáo là những hành vi (hoạt động) của con người để thực hiện niềm tin vào thế giới siêu nhiên”. Với định nghĩa này, tôn giáo gồm hai phạm trù là niềm tin và hanh vi của con người để thực hiện niềm tin vào thế giới siêu nhiên và đấng siêu nhiên.

Như vậy, tín ngưỡng là niềm tin, sự ngưỡng vọng của con người vào thế giới siêu nhiên mà họ cho rằng đã chi phối thế giới và con người, niềm tin này không nhận biết được. Tôn giáo là hành vi hay hoạt động của con người để thực hiện niềm tin vào thế giới siêu nhiên và đấng siêu nhiên. Khái niệm này nhấn mạnh những hoạt động của con người như: thờ phụng, cúng bái, cầu nguyện, việc thực hiện các nghi lễ khác,...Các hoạt động này đều được thể hiện ra bên ngoài và đều nhận biết được. Tín ngưỡng là phạm trù rộng, còn tôn giáo là phạm trù cụ thể, là cái biểu hiện bên ngoài của tín ngưỡng. Không thể có những hoạt động tôn giáo nếu như không có niềm tin tôn giáo.

Ở Việt Nam, bên cạnh khái niệm tín ngưỡng, tôn giáo, còn có khái niệm tín ngưỡng dân gian. Trước đây, khái niệm tín ngưỡng đã bao gồm cả tôn giáo, nên khi

nói các loại hình tôn giáo sơ khai (nguyên thủy) trong các dân tộc thiểu số, tôn giáo truyền thống trong người Kinh, người ta gọi "sang ngang" luôn là tín ngưỡng nguyên thủy hay tín ngưỡng dân gian (truyền thống). Như vậy, khái niệm tín ngưỡng ở nước ta được hiểu theo hai nghĩa, tùy theo từng văn cảnh khác nhau, khi chỉ niềm tin của con người vào thế giới siêu nhiên (tín ngưỡng), khi chỉ các loại hình tôn giáo nguyên thủy, tôn giáo truyền thống hay tín ngưỡng dân gian.

1.1.1.2. Khái niệm về quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo

Xét về nguồn gốc, quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ra đời gắn liền với quá trình phát triển của các tôn giáo. Trong xã hội nguyên thủy, do trình độ của lực lượng sản xuất và điều kiện sinh hoạt vật chất còn thấp, con người cảm thấy yếu đuối và bất lực trước thiên nhiên. Vì vậy, người nguyên thủy đã gắn cho thiên nhiên những sức mạnh siêu nhiên. Giai đoạn này tôn giáo chỉ phản ánh những nhận thức hồn nhiên, ngây thơ của con người về bản thân và thế giới quanh mình. Nhưng khi xuất hiện giai cấp thì tôn giáo cũng phản ánh lợi ích giai cấp và đấu tranh giai cấp. Kitô giáo ra đời ở La Mã cổ đại, Phật giáo là đời ở ấn Độ cổ đại (thế kỷ 6TCN), Hồi giáo ra đời ở bán đảo Ả Rập (TK7 TCN) đều để đáp ứng nhu cầu của quần chúng bị nô lệ, quần chúng lao khổ khát vọng về một xã hội tự do, bình đẳng, bác ái.

Vào thế kỷ III (SCN), những người theo đạo Phật bị ngược đãi hành hạ ở Ấn Độ bởi vì họ đã tin tưởng vào những giáo huấn của Đức Phật. Bắt đầu từ thế kỷ IX (SCN) được gọi là “thời kỳ tăm tối” ở Châu Âu. Đạo Hồi và các đạo khác không phải đạo Cơ Đốc, bị ngược đãi hành hình “trên danh nghĩa chúa Trời”. Kế tiếp đó, chiến tranh mở rộng của Đế chế Ottoman và Đạo Hồi đã làm châu Âu khiếp sợ. Những người Do Thái bị dồn vào sống trong những khu riêng biệt không chỉ bởi người Cơ Đốc mà còn bởi người Hồi Giáo trước đấy. Những hành động chống đối người Ấn ở Mỹ La tinh cũng xảy ra trong quá trình Cơ Đốc hóa.

Ngay sau khi các cuộc cách mạng tư sản thành công, các chế độ dân chủ (tư sản) cộng hoà ra đời, tình trạng đó cơ bản chưa thay đổi, dù quyền lực thần quyền đã bị hạn chế. Trong khi đó, các vấn đề khủng bố, bạo lực, kết tội tôn giáo hoặc chiến tranh sắc tộc tôn giáo vẫn không ngừng diễn ra. Nhu cầu lớn đầu tiên trong

quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo với rất nhiều quốc gia là nhu cầu mỗi công dân có thể theo một tín ngưỡng riêng hay cải đạo mà không sợ bị chính phủ phạt tội hoặc các “tôn giáo chính thống” trả thù. Trong quá khứ và cả hiện tại, những người theo tôn giáo hay không theo tôn giáo đều bị đe dọa bởi điều họ tin hay không tin. Do đó, nhu cầu tin theo một tín ngưỡng và biểu hiện niềm tin của tín ngưỡng ấy ra bên ngoài cần được bảo vệ.

Quan niệm về tự do tôn giáo được hình thành ở châu Âu với các cuộc cách mạng tư sản thế kỷ XVII - XVIII. Những nhà tư tưởng như John Locke, đã đặt nền móng cho quyền tự do tôn giáo khi cho rằng, tôn giáo là vấn đề của cá nhân hơn là của xã hội. Vai trò của Nhà nước không phải là khuyến khích phát triển tôn giáo mà cơ bản là bảo vệ quyền của mỗi cá nhân có thể sở hữu niềm tin tôn giáo của chính mình và cách tốt nhất là hãy để con người tự lựa chọn tôn giáo cho mình.“Không ai tự nhiên bị trói buộc phải theo một nhà thờ hay một giáo phái, nhưng mọi người đều có thể tự nguyện tham gia vào xã hội mà ở đó anh ta tin là anh ta đã tìm thấy tín ngưỡng và sự tôn sùng thực sự có thể được Chúa Trời chấp nhận. Hy vọng cứu rỗi linh hồn, là lý do duy nhất khiến mỗi người bước vào thế giới đó, và vì vậy cũng có thể là lý do duy nhất để anh ta ở lại đó […]. Nhà thờ, vì vậy, là một xã hội mà thành viên tự nguyện hợp nhất lại” [49].

Sự bảo vệ thoả đáng ngày càng trở nên cấp thiết trong những năm gần đây bởi vì không khoan dung về tôn giáo và ngược đãi luôn ở vị trí hàng đầu của các xung đột bi thảm trên toàn thế giới liên quan đến các vấn đề về sắc tộc, mâu thuẫn chủng tộc, hay sự hận thù giữa các nhóm tôn giáo. Ngược đãi trên khía cạnh tôn giáo có thể được nhận ra trong các xung đột hiện nay giữa những tín đồ của một tín ngưỡng, tôn giáo và những người không theo tín ngưỡng, tôn giáo ấy; giữa tín ngưỡng truyền thống và tín ngưỡng “mới” ở những quốc gia đa tôn giáo, hoặc giữa các quốc gia với một tôn giáo chính thống hay được ưa chuộng với những cá nhân hoặc cộng đồng không thuộc tôn giáo đó.

Trong tiến trình vận động của lịch sử, quan niệm về tự do tôn giáo dần dần trở nên hoàn thiện hơn. Trước khi quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo trở thành

quy tắc trong luật quốc tế, ở phạm vi các quốc gia, một số nước đã đề cập đến tự do trong đó có mầm mống của quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo trong các bản Tuyên ngôn của Quốc gia.

Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 đề cập đến tự do: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc" [24]. Mặc dù chưa nói cụ thể về tự do tôn giáo nhưng văn kiện này ảnh hưởng lớn đến tuyên ngôn độc lập của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Bộ Luật về Quyền của Hoa Kỳ năm 1791 ghi nhận các quyền và tự do trong các tu chính án, trong đó tu chính án thứ 1 "Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình" [24].

Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789 đã nói đến tự do cá nhân, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, song cũng chưa nói rõ về tự do tôn giáo: “Không ai phải lo ngại vì nêu ý kiến, kể cả tín ngưỡng của mình, miễn là không có biểu hiện gây rối trật tự công cộng do pháp luật quy định[28].

Tuyên bố về tự do tôn giáo của Hội đồng nhà thờ thế giới năm 1948. Mọi người đều có quyền bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình trong giảng dạy, thờ phượng và thực hành, và công bố tác động của niềm tin của mình cho các mối quan hệ trong một cộng đồng xã hội hay chính trị.

Ngày 10-12-1948, Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền thì tự do tôn giáo mới thực sự trở thành một quyền mang tính quốc tế, được tái khẳng định trong nhiều văn bản quốc tế khác.

Nếu như khái niệm về tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều cách tiếp cận khác nhau, thì việc đưa khái niệm phổ quát cho Quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo cũng rất khó khăn, ngay cả khi soạn thảo Điều 18 Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới đã có nhiều quan điểm, tranh luận về vấn đề tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/01/2023