Một Số Hệ Đệm Hay Dùng Trong Pha Chế Thuốc Tiêm

Bảng 4.2. Một số hệ đệm hay dùng trong pha chế thuốc tiêm

Hệ đệm

Khoảng pH

Nồng độ thường dùng(%)

Acid acetic và muối

3,5 – 5,7

1 – 2

Acid citric và muối

2,5 – 6,0

1 – 3

Acid phosphoric và muối

6,0 – 8,2

0,8 – 2

Acid glutamic và muối

8,2 – 10,2

1 – 2

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 298 trang tài liệu này.

Bào chế - Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình - 10

Tuyệt đối không dùng hệ đệm boric/borat trong các công thức thuốc tiêm vì acid boric đi qua được màng hồng cầu, gây vỡ hồng cầu rất mạnh.

- Làm giảm đau, giảm kích ứng và hoại tử tại nơi tiêm thuốc:

Cơ thể có thể chịu đựng được các thuốc tiêm có pH từ 4 – 10 nhờ các hệ đệm sinh lý tự nhiên có trong các dịch gian bào. Nhưng nếu thuốc tiêm quá acid (pH <3) hay quá kiềm (pH >10) thì sẽ kích ứng rất mạnh và gây đau, thậm chí có thể gây hoại tử mô tại chỗ tiêm thuốc, nhất là khi tiêm dưới da hay tiêm bắp, trừ khi tiêm tĩnh mạch chậm vì khi đó thuốc sẽ được pha loãng và trung hoà bởi các hệ đệm của máu. Đối với các thuốc tiêm vào dịch não tuỷ hoặc tiêm vào màng cứng cần điều chỉnh pH của dung dịch thuốc tiêm trong khoảng 7,0 – 7,6 và lý tưởng nhất là 7,4 vì thuốc tiêm không trung tính có thể gây ra viêm màng não vô khuẩn.

- Tăng SKD của thuốc:

Đối với các thuốc tiêm bắp hay tiêm dưới da, các phân tử dược chất trong thuốc tiêm phải thấm (hấp thu) qua các màng sinh học từ chỗ tiêm vào vòng tuần hoàn, rồi từ máu phân đến nơi tác dụng của thuốc (đích). Màng sinh học có thành phần chủ yếu là lipid và protein, trong đó lớp lipid kép được coi là bộ khung cơ bản của màng nên màng sinh học có đặc tính thân lipid. Dược chất có tính thân lipid (dễ tan trong lipid) dễ thấm qua màng sinh học. Đối với các dược chất là các acid yếu hay base yếu, mức độ thân lipid của chúng phụ thuộc vào mức độ ion hoá của dược chất, dạng không ion hoá tan tốt trong lipid so với dạng ion hoá nên dễ thấm qua màng sinh học hơn. Mà mức độ ion hoá dược chất trong các dung dịch thuốc tiêm lại phụ thuộc vào hằng số phân ly Ka của dược chất và pH của dung dịch thuốc.

Tóm lại, pH của một chế phẩm thuốc tiêm cần được điều chỉnh ở một khoảng giá trị phù hợp để đồng thời đảm bảo độ tan, độ ổn định của chế phẩm, ít gây đau khi tiêm và phát huy được tác dụng sinh học tốt nhất. Trường hợp không thể dung hoà được cả bốn yêu cầu trên thì bao giờ cũng phải ưu tiên trước hết là độ tan và độ bền vững của dược chất sau đó mới đến hai yếu tố còn lại.

2.3.3 .Các biện pháp chống oxy hoá dược chất trong thuốc tiêm

Nhiều dược chất: Adrenalin, morphin, vitamin C, diclofenac, clopromazin,…Tự bản thân chúng là các chất khử nên rất dễ oxy hoá. Các phân tử dược chất bị oxy hoá càng nhanh khi pha thành dung dịch. Kết quả của sự oxy hoá là làm giảm hàm lượng dược chất trong chế phẩm, làm giảm tác dụng điều trị, thậm chí có thể gây phản ứng độc khi tiêm vào cơ thể.

Bản chất của quá trình oxy hoá là sự tự oxy hoá, xảy ra theo phản ứng chuỗi, được khởi đầu bởi 1 lượng rất nhỏ oxy hoặc gốc tự do, được thúc đẩy nhanh hơn khi có vết ion

kim loại nặng (Cu2+, Fe3+), pH không thích hợp, tia tử ngoại và nhiệt độ cao khi tiệt khuẩn.

Để bảo đảm hiệu lực điều trị và độ tan của thuốc tiêm có thành phần dược chất dễ bị oxy hoá, cần phải vận dụng đồng thời nhiều biện pháp để bảo vệ dược chất, hạn chế đến mức thấp nhất lượng dược chất bị oxy hoá trong quá trình pha chế và bảo quản chế phẩm.

2.3.4. Các chất sát khuẩn

Các chất sát khuẩn được thêm vào trong một số công thức thuốc tiêm với một nồng độ thích hợp, nhằm duy trì độ vô khuẩn của thuốc trong quá trình pha chế - sản xuất thuốc.

Yêu cầu của chất sát khuẩn dùng trong thuốc tiêm:

- Có hoạt tính sát khuẩn với nhiều loại vi sinh vật (vi khuẩn, nấm men, nấm mốc) ngay ở nồng độ thấp và có hoạt tính trong một khoảng pH rộng.

- Không gây độc, không gây dị ứng, không phá hồng cầu ở mức độ dùng trong thuốc. Không cản trở tác dụng điều trị của thuốc.

- Tan hoàn toàn trong dung môi pha thuốc tiêm. Ổn định về tính chất vật lý và hóa học trong quá trình pha chế, tiệt khuẩn và bảo quản chế phẩm.

- Không tương kỵ với thành phần khác có trong thuốc tiêm. Ít liên kết với các chất có phân tử lượng lớn như chất diện hoạt; nếu có phải tăng nồng độ chất sát khuẩn trong thuốc, để bảo đảm nồng độ chất sát khuẩn ở dạng tự do đủ có tác dụng sát khuẩn.

- Không bị nút cao su hoặc các chất thôi ra từ nút cao su hấp phụ, làm giảm nồng độ, giảm hiệu lực sát khuẩn.

Các nhóm sát khuẩn thường dùng trong thuốc tiêm:

Các alcol

- Clorocresol là một chất rắn kết tinh, thăng hoa ở nhiệt độ phòng, tan được trong nước và trong dầu, bị cao su hấp phụ. Hoạt tính sát khuẩn kém khi dùng cho thuốc tiêm có pH >5 và không bền vững ở pH > 6.

- Alcol benzylic là chất lỏng sánh như dầu, tan tốt trong nước và trong dầu. Ngoài tác dụng sát khuẩn, alcol benzylic còn có tác dụng gây tê nên có tác dụng giảm đau tại chỗ tiêm. Thường dùng cho thuốc tiêm dầu vitamin A, D, E. Bay hơi được qua nút cao su.

Các dẫn chất thuỷ ngân hữu cơ

Các dẫn chất thuỷ ngân hữu cơ được chia thành hai loại: cation và anion.

Loại cation thường dùng có phenyl thuỷ ngân acetat, phenyl thuỷ ngân borat và phenyl nitrat đều ít tan trong nước, tác dụng tốt hơn trong dung dịch thuốc tiêm có pH >

6. Các muối phenyl thuỷ ngân tương kỵ với halogen, muối nhôm, làm giảm tác dụng của các acid amin, gây phá huyết, vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng.

Loại anion hay dùng là thiomerosal, tan tốt trong nước, ít gây phá huyết, không bền dưới tác dụng của ánh sáng, tương kỵ với các muối kim loại nặng, muối alcaloid, tác dụng tốt khi thuốc tiêm có pH > 7.

Dẫn chất amoni bậc 4

Thường dùng benzalkonium clorid, là chất sát khuẩn có tính diện hoạt nên ngoài tác dụng sát khuẩn nó còn có tác dụng làm tăng độ tan của dược chất ít tan và làm tăng

khả năng thấm dược chất qua màng tế bào, song có nhược điểm là gây phá huyết và tương kỵ với 1 số anion, bị màng lọc hấp phụ.

Các ester của acid parahydroxybenzoic (các paraben)

Thường dùng nipagin và nipasol. Tác dụng chủ yếu của các paraben là chống nấm, dùng phối hợp đồng thời hai chất sẽ có tác dụng tốt hơn.

2.3.5. Các chất đẳng trương thuốc tiêm

Khái niệm về đẳng trương

- Khi trộn tế bào máu với dung dịch NaCl 0,9%, sau 1 thời gian, quan sát các tế bào máu dưới kính hiển vi, thấy các tế bào máu vẫn giữ nguyên kích thước và hình dạng ban đầu của nó. Người ta nói dung dịch NaCl 0,9% đẳng trương với máu.

- Khi trộn tế bào máu với dung dịch NaCl 2%, sau 1 thời gian, quan sát các tế bào máu dưới kính hiển vi, thấy các tế bào bị co đét lại, do nước từ trong lòng tế bào đã khuếch tán qua màng tế bào để pha loãng dung dịch muối bao quanh tế bào, nhằm lập lại cân bằng về áp suất thẩm giữa 2 bên màng. Dung dịch NaCl 2% là dung dịch ưu trương với máu.

- Nếu tế bào được phân tán trong dung dịch NaCl 0,2% hay trong nước cất, người ta thấy các tế bào máu bị phồng lên, thậm chí bị vỡ ra, do sự chênh lệch áp suất thẩm thấu giữa trong và ngoài tế bào máu, nên nước đã khuếch tán từ dung dịch vào trong lòng tế bào máu. Hiện tượng này gọi là hiện tượng phá máu và những dung dịch như vậy gọi là dung dịch nhược trương với máu.

Như vậy, một dung dịch đẳng trương với máu là dung dịch không làm thay đổi hình dạng, thể tích của máu và có áp suất thẩm thấu (P) và độ hạ băng điểm (∆t) giống như của máu (P = 7,4 atm và ∆t = -0,52oC). Các dung dịch đẳng trương khi tiếp xúc với các tế bào của các mô trong cơ thể không làm thay đổi thể tích tế bào và không gây đau hay khó chịu khi tiêm.

Đẳng trương và đẳng thẩm áp

Màng tế bào máu không phải là một màng bán thấm tuyệt đối. Vì vậy, không chỉ có các phân tử nước, mà cả các phân tử của 1 số chất tan như urea, amoni clorid, alcol, acid boric…cũng có thể khuếch tán qua màng. Xét trường hợp dung dịch acid boric 2% là một dung dịch đẳng thẩm áp (có áp suất thẩm thấu bằng áp suất thẩm thấu của huyết tương và có độ hạ băng điểm bằng độ hạ băng điểm của huyết tương) nhưng khi trộn tế bào máu với dung dịch này, tế bào máu bị vỡ rất nhiều. Sở dĩ, tế bào máu bị vỡ là do các phân tử acid boric đã khuếch tán qua màng vào trong lòng tế bào máu, giống như khi trộn tế bào máu với nước nên gây phá huyết rất mạnh.

Như vậy, một dung dịch đẳng thẩm áp, xác định bằng phương pháp vật lý, chưa đủ để kết luận dung dịch có đẳng trương với máu hay không mà phải tiến hành nghiệm pháp Hematocrit: dùng 2 ống Hematocrit, thêm vào mỗi ống 1ml hồng cầu, một ống cho thêm 1ml huyết tương, ống còn lại cho thêm 1ml dung dịch cần xác định độ đẳng trương, để yên 1h, đọc kết quả. Nếu thể tích hồng cầu trong hai ống không khác nhau thì dung dịch kiểm tra đẳng trường với máu. Nếu thể tích hồng cầu trong hai ống khác nhau thì dung dịch đó không đẳng trương.

Tóm lại, một dung dịch đẳng trương với máu khi dung dịch đó có áp suất thẩm thấu là 7,4 atm và có độ hạ băng điểm là -0,52oC và không làm thay đổi thể tích hồng cầu trong nghiệm pháp hematocrit.

Ý nghĩa của việc đẳng trương hoá dung dịch thuốc tiêm

Khi tiêm một thuốc không đẳng trương, do hiện tượng thẩm thấu, tế bào mô tại nơi tiêm thuốc sẽ bị tổn thương, gây đau, thậm chí gây hoại tử tổ chức tại nơi tiêm, gây phá máu và có thể gây rối loạn điện giải. Vì vậy, khi xây dựng công thức, phải tính được lượng dược chất tan sẽ thêm vào để đẳng trương hoá dung dịch thuốc tiêm. Tuy nhiên vẫn có 1 số thuốc tiêm không đẳng trương, khi đó phải lưu ý đường tiêm thuốc. Trường hợp thuốc tiêm nhược trương, có thể tiêm dưới da, tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch với thể tích nhỏ. Trường hợp thuốc tiêm ưu trương, tuyệt đối không tiêm dưới da hay tiêm bắp mà chỉ tiêm tĩnh mạch chậm với liều lượng nhỏ, để thuốc kịp pha loãng với máu, tránh các tai biến có thể xảy ra.

2.3.6. Chất gây thấm và gây phân tán

Trong một số trường hợp dược chất đưa vào dạng thuốc tiêm có độ tan rất thấp trong dung môi hoặc do cần làm tăng độ ổn định của dược chất trong chế phẩm hoặc muốn kéo dài thời gian tác dụng của thuốc, người ta bào chế thuốc tiêm hỗn dịch. Thuốc tiêm hỗn dịch là một trong những thuốc tiêm khó cả về thiết kế công thức cũng như kỹ thuật pha chế. Hỗn dịch tiêm pha chế xong phải dễ dàng đóng ống (lọ) với sai số hàm lượng trong từng đơn vị đóng gói phải nằm trong giới hạn cho phép, phải dễ dàng rút thuốc vào bơm tiêm, không “đóng bánh”, dễ dàng phân tán đồng chất trở lại khi lắc lọ thuốc và không gây tắc kim khi tiêm. Hỗn dịch tiêm phải giữ được kích thước tiểu phân dược chất (cỡ < 10 µm) ổn định trong quá trình bảo quản chế phẩm.

Để đáp ứng các yêu cầu trên, trong thành phần của thuốc tiêm hỗn dịch, ngoài các chất điều chỉnh pH, đẳng trương, chất sát khuẩn…còn có thêm:

- Các chất gây thấm: thường dùng là các chất diện hoạt như polyorbat 80, lecitin, đồng polyme polyoxyethylen – polyoxypropylen ceorid, sorbitan trioleat.

- Các chất nhân treo (làm tăng độ nhớt của môi trường phân tán) như natri carboxymethycellulose, povidon, sorbitol, manitol, nhôm monostearat, có tác dụng ngăn cản sự hình thành các tinh thể lớn trong quá trình bảo quản chế phẩm thuốc tiêm hỗn dịch.

2.3.7. Các tá dược khác

Để bào chế các chế phẩm thuốc tiêm ở dạng bột đông khô, nhất là khi lượng dược chất được dùng với liều lượng rất nhỏ, tự nó không hình thành được bánh đông khô có hình dạng xác định, khi đó phải thêm vào thành phần của thuốc tiêm các tá dược độn. Tá dược độn giúp tạo khuôn để dược chất phân tán vào. Tá dược độn thường dùng là manitol, lactose, glycin, β-cyclodextrin hay dẫn chất của β-cyclodextrin.

Khi bào chế các thuốc tiêm đông khô có dược chất là protein, liposome cần có thêm chất bảo vệ dược chất không bị phá huỷ trong giai đoạn đông lạnh hoặc giai đoạn làm khô hay cả hai. Các chất bảo vệ thường dùng là saccharose, lactose, maltose.

2.4. Bao bì thuốc tiêm

Bao bì đóng thuốc tiêm là thành phần không thể thiếu để một sản phẩm thuốc tiêm. Bao bì đóng thuốc tiêm có vai trò duy trì sự nguyên vẹn của chế phẩm thuốc tiêm, tạo điều kiện thuận lợi khi vận chuyển, bảo quản và sử dụng.

Bao bì đóng thuốc tiêm có thể là ống tiêm thuỷ tinh được hàn kín sau khi đóng thuốc, cũng có thể là chai, lọ bằng thuỷ tinh được đậy kín bằng nút cao su và có chụp nhôm bên ngoài, cũng có thể là túi hay chai làm bằng chất dẻo, cũng có thể là hệ bơm - kim tiêm đóng sẵn ở trong.

Bao bì đóng thuốc tiêm lý tưởng phải có đặc tính:

- Có bề mặt vững ngay cả khi tiệt khuẩn ở nhiệt độ và áp suất cao để không ảnh hưởng đến thành phần có trong thuốc.

- Có độ trong thích hợp đủ để phát hiện các tiểu phân, sự ô nhiễm và các biểu hiện biến chất của thuốc.

- Có khả năng cản trở ánh sáng để bảo vệ dược chất dễ bị phân huỷ dưới tác động của ánh sáng.

- Giá rẻ để có thể bỏ đi sau khi dùng hoặc dễ dàng rửa sạch để dùng lại.

Thực tế, khó có loại bao bì nào có được đầy đủ các đăch tính nêu trên, vì thế nhà bào chế phải có kiến thức nhất định về một số vật liệu thường dùng làm bao bì thuốc tiêm như thuỷ tinh, chất dẻo, cao su, để có cơ sở lựa chọn bao bì thích hợp cho từng thuốc tiêm cụ thể.

2.4.1. Bao bì đóng thuốc tiêm bằng thuỷ tinh Ưu điểm:

Bao bì đóng thuốc tiêm bằng thuỷ tinh gần như trơ với hoá chất, không cho khí và hơi nước thấm qua, có bề mặt nhẵn dễ rửa sạch bằng nước, trong suốt nên rất thuận lợi cho việc đánh giá một số chỉ tiêu cảm quan của thuốc, có hình dạng ổn định ngay cả khi tiệt khuẩn bằng nhiệt ẩm ở 1210C hoặc nhiệt khô ở 2600C, có khả năng giữ được chân không hay khí trơ.

Nhược điểm:

Nặng, chi phí vận chuyển cao, giòn, dễ vỡ và thực tế không hoàn toàn trơ về mặt hoá học. Độ bền của bề mặt thuỷ tinh khi tiếp xúc với nước hay các dung dịch nước phụ thuộc vào thành phần của thủy tinh dùng làm bao bì.

Thành phần các loại thuỷ tinh dùng làm bao bì thuốc tiêm

Thủy tinh được sản xuất bằng cách nung chảy silicat (SiO2) lấy từ cát. Thủy tinh silicat có nhiều đặc tính quý như trơ về mặt hoá học, bền cả khi thay đổi nhiệt độ đột ngột, khó bị nứt vỡ. Nhưng giá khá đắt do nguyên liệu có nhiệt độ nóng chảy cao, phải tiêu tốn nhiều năng lượng khi chế tạo bao bì. Để tạo thuận lợi trong quá trình sản xuất và giảm chi phí sản xuất, người ta đã thêm vào thành phần thuỷ tinh nhiều oxyd kim loại.

Sự hoà tan các thành phần từ bề mặt bao bì thuỷ tinh sẽ làm tăng pH của thuốc tiêm và có thể gây ra các biến đổi trong chế phẩm như:

- Xuất hiện tủa, gặp khi thuốc tiêm có dược chất là muối alcaloid như strychnin sulfat, narcotin hydroclorid, ergotamin hydrocloid…, do pH kiềm đã chuyển alcaloid muối thành alcaloid base không tan trong nước.

- Làm tăng mức độ thủy phân dược chất có liên kết ester hay amid như atropin sulfat, procain hydroclorid.

- Làm tăng tốc độ oxy hoá các dược chất dễ bị oxy hoá trong môi trường kiềm như adrenalin, morphin, apomorphin….

- Các ion Ca++, Ba++ hoà tan từ thủy tinh có thể phản ứng với ion sulfat có trong thành phần của thuốc tạo ra các muối sulfat không tan, làm vẩn đục thuốc.

- Bao bì thuỷ tinh màu có tác dụng ngăn cản bức xạ tử ngoại, giúp bảo vệ thuốc tiêm có dược chất nhạy cảm với ánh sáng tốt hơn. Song thành phần của thuỷ tinh màu lại có sắt oxyd hay mangan oxyd, các ion kim loại nặng này có thể hoà tan từ bề mặt bao bì vào thuốc và xúc tác quá trình oxy hoá dược chất nhanh hơn. Đã có một số công trình nghiên cứu cho thấy: oxy hoá thiomerosal, amitriptylen, acid ascorbic tăng lên khi đóng thuốc trong ống thuỷ tinh màu. Chính vì thế, thực tế trong sản xuất hiện nay, người ta đóng thuốc trong ống thuỷ tinh không màu và bảo quản thuốc tránh ánh sáng bằng bao bì thứ cấp.

Phân loại bao bì thuỷ tinh dùng đóng thuốc tiêm

Bao bì thuỷ tinh chia làm 3 loại:

- Thuỷ tinh loại I là thuỷ tinh borosilicat hay thuỷ tinh trung tính.

- Thuỷ tinh loại II là thuỷ tinh kiềm đã xử lý bề mặt bằng khí acid.

- Thuỷ tinh loại III là thuỷ tinh kiềm.

Thuỷ tinh loại I có độ bền cơ học cao, hầu như không bị thuỷ phân và nhả các chất kiềm từ bề mặt bao bì vào thuốc nên dùng làm bao thích hợp cho mọi thuốc tiêm có pH khác nhau. Thuỷ tinh loại II dùng thích hợp cho nhiều thuốc tiêm, đặc biệt là các thuốc tiêm truyền, vì các dung dịch tiêm truyền thường là các dung dịch trung tính hay acid. Thuỷ tinh loại III không nên dùng để đóng thuốc tiêm nước, chỉ dùng đóng các thuốc tiêm dầu hoặc các thuốc tiêm ở dạng bột khô.

Kiểm tra chất lượng bao bì thuỷ tinh dùng đóng thuốc tiêm

Xác định pH:

Thực chất là xác định khả năng chống lại sự thuỷ phân các chất kiềm từ bề mặt bao bì thuỷ tinh khi tiếp xúc với nước ở nhiệt độ cao.

Dược điển Mỹ 26 qui định thử nghiệm độ kiềm của thuỷ tinh loại I và loại II như sau: Mẫu thử là 10 gam hạt bao bì thuỷ tinh đã nghiền nhỏ (hạt có kích thước nằm giữa rây số 40 và 50) cho vào một bình nón dung tích 250ml (bình đã xử lý trước với nước cất ở 1210C trong 24 giờ), thêm 50ml nước tinh khiết, đậy kín. Mẫu trắng là một bình nón dung tích 250ml khác cũng đã được xử lý giống như bình nón dùng trong mẫu thử nhưng chỉ cho thêm 50ml nước cất, đậy kín. Cho mẫu thử và mẫu trắng vào hấp trong nồi hấp ở 1210C trong 30 phút, làm nguội. Lấy toàn bộ dịch chiết và chuẩn độ bằng dung dịch H2SO4 0,02N đã dùng (hiệu số giữa mẫu thử và mẫu trắng) không được lớn hơn 1ml đối với thuỷ tinh loại I và không được lớn hơn 8,5ml đối với thuỷ tinh loại III.

Kiểm tra độ lóc:

Độ lóc của thuỷ tinh được xác định như sau: đóng vào chai hay ống tiêm đã rửa sạch dung dịch natri citrat 10% và hấp trong nồi hấp ở 1210C trong 30 phút, để nguội, lọc và cân cặn. Lượng cắn lóc không được vượt quá 5mg trong 100ml dịch chiết.

Ngoài các chỉ tiêu kiểm định trên, có Dược điển còn qui định kiểm tra một số chỉ tiêu khác như khả năng ngăn cản bức xạ UV, khả năng chống thấm, giới hạn arsenic.

2.4.2. Nút cao su

Nút cao su dùng cho chai, lọ đựng các chế phẩm thuốc tiêm nước, bột, hay bột đông khô, đuợc làm từ các nguyên liệu thu được bằng cách lưu hóa các chất hữu cơ cao phân tử có tính đàn hồi, có nguồn gốc thiên nhiên hay tổng hợp, với các chất phụ gia thích hợp.

Nút cao su có thể được phân thành 2 loại:

- Loại 1: Đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt nhất và được ưa dùng.

- Loại 2: Là loại có các tính chất cơ học phù hợp cho các trường hợp sử dụng đặc biệt (ví dụ như loại dùng nhiều liều, chọc chai nhiều lần), do cấu tạo thành phần hóa học mà nút cao su loại 2 không thể đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt như loại 1.

Thành phần chính của nút cao su:

Các chất đàn hồi: Có thể là cao su tự nhiên hay tổng hợp như:

- Polyisopren tự nhiên hay tổng hợp.

- Cao su butadien styren.

- Cao su butadien nitril.

- Cao su ethylen propylen.

- Cao su ethylen propylen dien.

- Cao su silicon.

- Đồng polyme của polyisobutylen và polyisopren.

Các chất phụ gia: Các chất này được phối hợp với chất đàn hồi nhằm tạo ra nút cao su có những đặc tính kỹ thuật mong muốn, gồm có:

- Các chất tăng tốc độ lưu hoá, làm giảm thời gian lưu hoá: amin, thiol, sulfamid,

urea.


- Các chất hoạt hoá: acid stearic, kẽm oxyd, kẽm stearat.

- Các chất chống oxy hoá: diethiocarbamat.

- Các chất lưu hoá: nhựa phenolic, các peroxyd hữu cơ.

- Các chất màu: crom oxyd, sắt oxyd.

- Các chất hoá dẻo và làm trơn: dầu khoáng, dầu béo, phosphat hữu cơ, các phtalat. Chất đàn hồi và các chất phụ gia được lèn trộn với nhau thành một khối thống nhất,

rồi được lưu hoá thành các loại nút cao su có hình dạng đã định.

Yêu cầu chất lượng của nút cao su dùng đóng thuốc tiêm:

Do có thành phần phức tạp như vậy nên các chất có trong nút cao su có thể sẽ hoà tan vào thuốc trong quá trình tiếp xúc với thuốc, gây ra các tương tác khác nhau làm giảm chất lượng thuốc. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng của thuốc, nút cao su dùng đóng thuốc tiêm phải đáp ứng yêu cầu chất lượng sau:

Tính chất cơ học:

- Phải có độ cứng thích hợp. Nếu nút quá cứng khả năng bịt kín giữa nút và miệng lọ kém và rất dễ tạo hạt khi chọc kim tiêm qua nút.

- Nút phải có khả năng đàn hồi tốt để tự bịt kín lại khi rút kim tiêm ra, tránh tái nhiễm từ môi trường bên ngoài vào thuốc.

- Nhanh chóng phục hồi lại hình dáng và kích thước ban đầu sau khi ngừng lực gây biến dạng.

- Không cho hơi ẩm đi qua nút (tính chất này đặc biệt quan trọng đối với các thuốc tiêm ở dạng bột khô có bột thuốc dễ hút ẩm, dễ bị thuỷ phân).

- Không bị dẻo dính khi tiệt khuẩn ở nhiệt độ cao.

Tương hợp với thuốc:

- Không nhả các chất từ nút vào thuốc tiêm, không gây vẩn đục hay kết tủa trong

thuốc.


- Không tương tác với các thành phần có trong thuốc.

- Không hấp phụ các chất sát khuẩn có trong thuốc tiêm.

- Không hấp phụ các thành phần khác có trong thuốc tiêm.

Để lựa chọn nút cao su thích hợp cho từng chế phẩm thuốc tiêm, người ta sử dụng

các dung môi khác nhau để chiết các chất có thể được chiết ra từ nút cao su trong những điều kiện pH và nhiệt độ khác nhau, sau đó xác định các chất chiết được bằng các phương pháp hoá học hay phương pháp vật lý như phổ tử ngoại, phổ hồng ngoại hay các phương pháp sắc ký. Đồng thời xác định độc tính cấp của dịch chiết cao su, dùng dung dịch tiêm natri clorid 0,9% làm môi trường chiết.

2.4.3. Bao bì đóng thuốc tiêm bằng chất dẻo:

Ưu điểm:

Bao bì bằng chất dẻo được sử dụng ngày càng nhiều để đóng thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền và thuốc nhỏ mắt. Bào bì bằng chất dẻo có ưu điểm:

- Chịu được tác động của nhiều loại hoá chất.

- Có thể rút hết lượng thuốc tiêm chứa trong chai hay túi chất dẻo mà không cần phải dẫn không khí vào chai, giảm thiểu được nguy cơ thuốc bị ô nhiễm, nhất là khi tiêm truyền trong điều kiện môi trường không đảm bảo vệ sinh vô khuẩn.

- Hầu như không bị vỡ.

- Rất nhẹ, tỷ trọng chỉ bằng 1/10 tỷ trọng của thuỷ tinh.

- Có thể dễ dàng chế tạo dưới nhiều hình dạng khác nhau.

- Giá thành thấp hơn so với thuỷ tinh và có thể tái chế để sử dụng lại.

Nhược điểm:

- Khó đạt được độ trong cần thiết để có thể kiểm tra trực tiếp một số chỉ tiêu về cảm quan của thuốc.

-Hơi ẩm và các khí như O2, CO2 từ môi trường có thể xâm nhập qua bao bì vào

thuốc.

- Bị già hoá theo thời gian dưới tác động của nhiệt, ánh sáng, không khí của môt

trường.

- Thành phần của bao bì bằng chất dẻo, ngoài polyme, còn có thêm nhiều chất phụ gia nhằm tạo ra bao bì có những đặc tính phù hợp để đóng thuốc. Chính vì vậy bao bì bằng chất dẻo không hoàn toàn trơ về mặt hoá học, các chất phụ gia có trong bao bì khi tiếp xúc với dung dịch thuốc trong thời gian bảo quản chế phẩm có thể hoà tan với thuốc, tương tác với các thành phần của thuốc, gây ra các biến đổi vật lý, hoá học trong thuốc làm giảm chất lượng và độ an toàn của thuốc.

Xem tất cả 298 trang.

Ngày đăng: 30/01/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí