Áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cướp giật tài sản từ thực tiễn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai - 2

văn thạc sỹ của Nguyễn Thị Ngọc Lệ về “Khía cạnh nạn nhân trong nguyên nhân và điều kiện của tội cướp giật tài sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”; luận văn “Tội cướp giật tài sản - Những vấn đề Lý luận và thực tiễn” của thạc sỹ Nguyễn Việt Hà năm 2009; luận văn thạc sỹ năm 2004 của Lê Thị Thu Hà “Tội cướp giật tài sản theo luật hình sự Việt Nam một số khía cạnh pháp lý hình sự và tội phạm học”; luận văn thạc sĩ “Nhân thân người phạm tội cướp giật tài sản trên địa bàn quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả Nguyễn Văn Tùng năm 2018.

Tất cả các công trình khoa học đã công bố nêu trên đều có liên quan đến tội cướp giật tài sản, trong đó đề cập đến những vấn đề lý luận, quy định của pháp luật hình sự và việc áp dụng các quy định pháp luật hình sự tội cướp giật tài sản vào thực tiễn tại các địa phương khác nhau trên cả nước. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chuyên sâu về những vấn đề lý luận pháp luật hình sự Việt Nam và thực trạng áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam đối với tội cướp giật tài sản trên địa bàn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Và với việc tham khảo các kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố ở trên đã góp phần giúp cho học viên tiếp cận, học hỏi thêm về những lý luận, về phương pháp điều chỉnh pháp luật, về đánh giá và áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cướp giật tài sản trong quá trình hoàn thành luận văn này.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn về áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cướp giật tài sản trên địa bàn Huyện Thống Nhất, Tỉnh Đồng Nai từ năm 2015 đến 2020, luận văn đưa ra các yêu cầu và đề xuất các giải pháp bảo đảm áp dụng pháp luật hình sự đúng đối với tội cướp giật tài sản trong thời gian tới.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Nhằm hướng tới việc đạt được mục đích nghiên cứu đã đề ra, luận văn thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

+ Nghiên cứu, phân tích những vấn đề lý luận về áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cướp giật tài sản theo pháp luật Việt Nam.

+ Đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định về tội cướp giật tài sản theo pháp luật hình sự VN trên địa bàn Huyện Thống nhất, Tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 – 2020.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 89 trang tài liệu này.

+ Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng quy định về tội cướp giật tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam trên địa bàn Huyện Thống nhất, Tỉnh Đồng Nai.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề tài

Áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cướp giật tài sản từ thực tiễn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai - 2

4.1. Đối tượng nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là dựa trên các quan điểm khoa học, những quy định về pháp luật hình sự Việt Nam hiện tại đối với tội danh cướp giật tài sản và thực tiễn khi định tội danh cũng như việc áp dụng hình phạt đối với tội này tại Huyện Thống nhất, Tỉnh Đồng Nai.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

+ Phạm vi vấn đề nghiên cứu:

Luận văn nghiên cứu các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành về tội cướp giật tài sản được quy định tại Điều 171 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó tập trung khảo sát thực tiễn định tội danh và áp dụng hình phạt đối với tội này là hai nội dung chính.

+ Phạm vi nghiên cứu về không gian:

Nghiên cứu trên địa bàn Huyện Thống Nhất, Tỉnh Đồng Nai

+ Phạm vi nghiên cứu về thời gian:

Nghiên cứu các số liệu thu thập từ thực tiễn xét xử tội cướp giật tài sản trong giai đoạn 2015-2020 theo các số liệu thống kê tại Tòa án.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận:

Việc nghiên cứu, phân tích những vấn đề trên của đề tài được thực hiện dựa trên những cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với các chủ trương, chính sách và đường lối của Đảng, Nhà nước trong quá trình đấu tranh, phòng chống đối với tội phạm nói chung, đấu tranh phòng chống đối với tội phạm cướp giật tài sản nói riêng, trong đó nêu rò về quan điểm áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam đối với tội cướp giật tài sản, về vấn đề bảo vệ công lý, quyền con người và trong quá trình cải cách tư pháp.

5.2. Phương pháp nghiên cứu:

Phương pháp nghiên cứu lý luận: nguồn tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài là hệ thống các văn bản pháp lý, các tài liệu đã được công bố, các công trình nghiên cứu khoa học, các bản án cùng với thu thập số liệu từ công tác báo cáo, thống kê của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chức năng có liên quan đến áp dụng pháp luật đối với tội cướp giật tài sản trên địa bàn huyện Thống Nhất.

Phương pháp phân tích, đánh giá, tổng hợp: dựa trên các số liệu thống kê, tổng hợp và phân tích trong quá trình nghiên cứu để đánh giá tình hình, nguyên nhân, điều kiện và thực trạng công tác áp dụng pháp luật đối với tội cướp giật tài sản trên địa bàn huyện Thống Nhất, từ đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu.

Phương pháp so sánh: được sử dụng chủ yếu trong việc đánh giá những biến động về tình hình tội cướp giật tài sản với các tội phạm nói chung trên địa bàn huyện Thống Nhất; từ đó làm căn cứ để đánh giá mức độ, hiệu quả đạt được trong công tác triển khai và áp dụng các quy định pháp luật hình sự.

Các phương pháp trên được sử dụng đan xen với nhau trong quá trình hoàn thành luận văn để tạo ra kết quả nghiên cứu hữu ích, rút ra những kết luận và kiến nghị để pháp luật hình sự ngày càng hoàn thiện.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn:

+ Về mặt lý luận: đây là kết quả nghiên cứu góp phần trang bị, bổ sung về mặt nhận thức lý luận thêm sâu hơn, đầy đủ hơn đối với tội cướp giật tài sản; về cách nhìn nhận và đánh giá áp dụng pháp luật hình sự vào thực tiễn trong quá trình xét xử, định tội danh và quyết định hình phạt đối với loại tội phạm này. Những điểm mới của luận văn sẽ hướng đến việc hoàn thiện các chính sách và áp dụng pháp luật hình sự cho tội cướp giật tài sản nói riêng và có thể mang tính chất tham khảo cho các tội phạm có tính chất tương đồng nói chung.

+ Về mặt thực tiễn: luận văn cũng là kết quả nghiên cứu từ thực tiễn áp dụng pháp luật đối với tội cướp giật tài sản trên địa bàn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, góp phần nâng cao kỹ năng phân tích, phán xét đúng đắn, đưa ra quyết định hợp tình, hợp lý trong việc định tội danh và quyết định hình phạt đối với các vụ án cướp giật tài sản cụ thể tại địa phương và đây còn là tài liệu tham khảo cho các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập đối với những người quan tâm đến chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự.

7. Kết cấu của luận văn:

Nội dung chính của luận văn đựợc cấu trúc gồm ba chương:

Chương 1: Những vấn đề lý luận về áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cướp giật tài sản

Chương 2: Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cướp giật tài sản từ thực tiễn tại địa bàn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Chương 3: Yêu cầu và giải pháp nhằm đảm bảo việc áp dụng đúng pháp luật hình sự đối với tội cướp giật tài sản trên địa bàn Huyện Thống Nhất, Tỉnh Đồng Nai.

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ ĐỐI VỚI TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN


1.1. Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cướp giật tài sản.

1.1.1. Khái niệm áp dụng pháp luật hình sự

Pháp luật hình sự nước ta quy định các quyền và nghĩa vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự được nhà nước đứng ra giải quyết, can thiệp và thông qua áp dụng pháp luật hình sự để giải quyết, là công cụ nghiêm khắc nhất trong hệ thống pháp luật của nhà nước. Pháp luật hình sự sau khi được ban hành và có hiệu lực phải được các chủ thể thực hiện một cách nghiêm chỉnh.

Áp dụng pháp luật hình sự là một hình thức thực hiện pháp luật đặc biệt mang tính tổ chức và quyền lực nhà nước, được hiểu là một hoạt động thực tiễn pháp lý nhằm cá biệt hóa những quy phạm pháp luật hình sự trong từng trường hợp cụ thể đối với hành vi của người thực hiện bị nhà nước xem là tội phạm và được thực hiện theo một trình tự do pháp luật tố tụng hình sự quy định.

Áp dụng pháp luật hình sự đối với tội phạm nói chung và đối với tội cướp giật tài sản nói riêng là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước hoặc cán bộ, công chức có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể quan hệ pháp luật hình sự thực hiện những quy định của pháp luật hình sự, hoặc tự mình căn cứ vào những quy định của pháp luật để quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật hình sự. Từ những luận điểm trên có thể hiểu áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cướp giật tài sản là hoạt động do các chủ thể có thẩm quyền tiến hành nhằm cá biệt hoá quy phạm pháp luật hình sự đối với tội cướp giật tài sản thành quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể, đối với các cá

nhân, tổ chức trong trường hợp phạm tội cướp giật tài sản. Chẳng hạn, bằng việc xét xử người đã thực hiện hành vi cướp giật tài sản, nhà nước thông qua Tòa án buộc người đó phải chịu hình phạt đối với hành vi phạm tội của mình (tức là thực hiện nghĩa vụ của họ).

Hoạt động áp dụng pháp luật hình sự do các cơ quan nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền theo quy định thực hiện nhằm đảm bảo cho pháp luật được thi hành, không phụ thuộc vào tính tự giác của các chủ thể khác trong xã hội. Thông qua đó, các quy phạm pháp luật tìm thấy sự liên kết chặt chẽ với đời sống xã hội đồng thời chuyển hóa những yêu cầu chung vào các quan hệ xã hội cụ thể. Chính vì vậy, hoạt động áp dụng pháp luật đối với tội phạm nói chung và tội cướp giật tài sản nói riêng có những ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với xã hội, hình ảnh thực tế của pháp luật được nhìn thấy thông qua các hoạt động áp dụng pháp luật cụ thể.

Trong số các hoạt động áp dụng pháp luật, hoạt động áp dụng pháp luật hình sự của các Cơ quan điều tra, Viện Kiểm Sát và Tòa án có vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Không giống như trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, hoạt động áp dụng pháp luật hình sự thoạt nhìn dường như không có những tác động xã hội rộng lớn bởi nó chỉ liên quan từng cá nhân cụ thể. Tuy nhiên, Pháp luật hình sự bảo vệ những giá trị được nhà nước coi là quan trọng nhất đối với sự phát triển chung của xã hội. Chính vì vậy, hoạt động áp dụng pháp luật hình sự chính là hoạt động nhằm chuyển hóa các quy định của pháp luật hình sự đến thực tế đời sống xã hội và thực sự có những tác động sâu sắc đến sự phát triển của xã hội.

Như vậy, hoạt động áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cướp giật tài sản là việc các cơ quan được nhà nước trao cho thẩm quyền thực thi các quy định pháp luật hình sự đối với tội phạm cướp giật tài sản.

1.1.2. Đặc điểm áp dụng pháp luật hình sự

Áp dụng pháp luật hình sự đối với tội phạm nói chung và đối với tội cướp giật tài sản nói riêng có các đặc điểm:

– Áp dụng pháp luật hình sự là hoạt động thể hiện tính tổ chức, quyền lực nhà nước bởi lẽ

Hoạt động áp dụng pháp luật hình sự là sự tiếp tục thể hiện ý chí của nhà nước, thông qua hoạt động áp dụng pháp luật, ý chí nhà nước thể hiện trong các quy phạm pháp luật trở thành hiện thực trong thực tế, đuợc thể hiện một cách cụ thể trong các trường hợp cụ thể.

Khi áp dụng pháp luật hình sự, trên cơ sở các quy định của pháp luật, các chủ thể có thẩm quyền áp dụng có thể ban hành những mệnh lệnh, quyết định có giá trị bắt buộc phải tôn trọng hoặc thực hiện đối với đối tượng áp dụng cũng như thể hiện ý chí đơn phương của chủ thể có thẩm quyền áp dụng. Các mệnh lệnh, quyết định áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức nhà nước sẽ được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp, trong đó có cả biện pháp cưỡng chế nhà nước. Theo quy định pháp luật, mỗi chủ thể chỉ có thể áp dụng pháp luật trong một phạm vi nhất định.

Áp dụng pháp luật hình sự là hoạt động có tính tổ chức rất cao vì nó vừa là hình thức thực hiện pháp luật vừa là hình thức chủ thể có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể khác thực hiện các quy định của pháp luật, do vậy, hoạt động này phải được tiến hành theo những điều kiện, trình tự, thủ tục rất chặt chẽ do pháp luật quy định.

– Áp dụng pháp luật hình sự là hoạt động nhằm cá biệt hoá các quy phạm pháp luật hình sự hiện hành vào từng trường hợp cụ thể, từng tổ chức, cá nhân cụ thể.

Áp dụng pháp luật hình sự là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế, cụ thể trên cơ sở các quy phạm pháp luật. Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự chung, nó được đặt ra không phải dành cho một cá nhân, tổ chức cụ

thể, cá biệt mà là dành cho một nhóm (loại) đối tượng nhất định. Mặt khác, cách xử sự được nêu ra trong quy phạm pháp luật trong nhiều trường họp cũng không cố định. Khi áp dụng pháp luật, chủ thể có thẩm quyền căn cứ vào quy phạm pháp luật, đưa ra cách xử sự cụ thể đối với chủ thể được (bị) áp dụng pháp luật, xác định cho họ được làm gì, không được làm gì, phải làm gì, làm như thế nào... một cách rất cụ thể.

– Áp dụng pháp luật hình sự là hoạt động thể hiện tính sáng tạo

Các vụ việc cụ thể xảy ra trong cuộc sống hết sức đa dạng và phức tạp, trong khi đó pháp luật thường mang tính chất khái quát, không mô tả tỉ mỉ từng tình tiết của sự việc, ngược lại nó thường chỉ dự liệu những điều kiện, hoàn cảnh có tính chất phổ biến, điển hình. Do vậy, khi áp dụng pháp luật, các chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải nghiên cứu kĩ vụ việc, so sánh, đối chiếu với các quy định của pháp luật, lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để áp dụng sao cho đúng người, đúng sự việc, đúng mức độ, đúng quan điểm, tư tưởng mà quy phạm pháp luật đã nêu. Bên cạnh đó, trong thực tế, nhiều trường họp xảy ra những vụ việc đòi hỏi cơ quan, nhà chức trách có thẩm quyền phải giải quyết nhung không có quy định của pháp luật để áp dụng. Tất cả những trường hợp đó đều đòi hỏi chủ thể có thẩm quyền phải có ý thức pháp luật cao, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng thời phải linh hoạt, sáng tạo để giải quyết các vụ việc đã xảy ra trong thực tế cuộc sống một cách đúng đắn.

1.1.3. Ý nghĩa áp dụng pháp luật hình sự

Áp dụng pháp luật hình sự nói chung và đối với tội cướp giật giật tài sản nói riêng một cách đúng đắn có ý nghĩa vô cùng quan trọng để pháp luật đi vào cuộc sống, một mặt bảo đảm tính nghiêm minh, trừng phạt đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm cho tính toàn vẹn những giá trị được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, còn mang ý nghĩa góp phần giáo dục cũng như răn đe đến toàn xã hội. Tuy nhiên ngược lại nếu việc áp dụng pháp luật hình sự

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/06/2022