Áp dụng pháp luật dân sự về hiệu lực của di chúc trong thực tiễn xét xử của Tòa án - 2


chết có thể không thể thực hiện được do tài sản được định đoạt trong di chúc đã không còn vào thời điểm mở thừa kế của người để lại di chúc đó hoặc những người thừa kế được chỉ định thừa kế theo di chúc đã chết trước, chết cùng thời điểm với người lập di chúc hoặc đều không có quyền hưởng di sản,… tại các trường hợp này, mục đích nhằm chuyển tài sản của người lập di chúc cho người thừa kế không đạt được. Phần của di chúc không thể thực hiện được là phần di chúc vô hiệu.

1.2. Điều kiện có hiệu lực của di chúc‌

1.2.1. Di chúc do cá nhân lập

Di chúc là một loại giao dịch đặc biệt, chỉ có hiệu lực khi người lập ra nó đã chết nên việc lập di chúc không thể thực hiện bằng cách ủy quyền cho người khác thay mình lập. Trước hết, di chúc muốn được coi là hợp pháp thì phải đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch đã được quy định tại Điều 122.

Ngoài ra, nó còn phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của di chúc, quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự.

1.2.1.1. Điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp

a) Người lập di chúc phải có năng lực chủ thể

Người lập di chúc theo quy định tại Điều 647 Bộ luật Dân sự phải là người từ đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 có thể lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc.

Pháp luật nước ta công nhận người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Vì vậy không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo,…người từ đủ mười tám tuổi không bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình đều có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho người thừa kế. Lập di chúc là việc chủ sở hữu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.


tài sản quyết định chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho những người cụ thể sau khi mình chết. Điều đó đòi hỏi người lập di chúc phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sự phù hợp giữa nhận thức lý trí của một người với hành vi mà họ thực hiện.

Áp dụng pháp luật dân sự về hiệu lực của di chúc trong thực tiễn xét xử của Tòa án - 2

Theo quy định của pháp luật thì người đã thành niên có quyền lập di chúc (trừ những người không có năng lực hành vi dân sự) nhưng pháp luật lại không quy định rò người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Dân sự "Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự" khi lập di chúc có phải hỏi ý kiến và phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người đó hay không? Vì theo khoản 2 Điều 23 Bộ luật Dân sự quy định: "... giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày" [17].

Như vậy, nếu theo quy định tại khoản 1 Điều 647 Bộ luật Dân sự thì những người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Dân sự vẫn có quyền lập di chúc với tư cách của người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, nếu xét theo quy định tại khoản 1 Điều 647 Bộ luật Dân sự thì: một người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nhưng đã bị hạn chế theo bản án có hiệu lực pháp luật thì khi người đó xác lập giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện. Như vậy, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo bản án có hiệu lực, khi lập di chúc mà không có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật thì di chúc do người đó lập ra có hiệu lực hay không có hiệu lực pháp luật? Không thống nhất về cách hiểu sẽ gây ra những sai sót trong việc xác định chủ thể có quyền lập di chúc và tính hợp pháp khi định đoạt ý chí của người lập di chúc.


Về nguyên tắc, chỉ những người đủ mười tám tuổi trở lên mới có quyền lập di chúc. Tuy nhiên, người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi (người có năng lực hành vi dân sự một phần) - dù chưa thành niên nhưng đã có sự nhận thức nhất định, trong một số trường hợp, họ có thể đã có tài sản riêng, có thể lập di chúc nhưng với điều kiện là "lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý". Sự đồng ý này chưa được một văn bản pháp luật nào quy định hay giải thích cụ thể nên có nhiều cách hiểu khác nhau.

Theo ý kiến cá nhân em, sự đồng ý ở đây được hiểu là sự đồng ý cho họ lập di chúc. Còn về nội dung di chúc, họ được toàn quyền quyết định. Vì nếu hiểu theo nghĩa: sự đồng ý với việc định đoạt trong nội dung của di chúc thì vô hình chung, pháp luật đã can thiệp đến quyền định đoạt, đến ý chí tự nguyện của người lập di chúc - trong khi ý chí tự nguyện là một trong những điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp.

Tuy nhiên, để có sự rò ràng, thống nhất trong cách hiểu của người dân, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải có quy định cụ thể: Sự đồng ý hay không đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ đối với việc lập di chúc của người từ tròn mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được thể hiện trước khi di chúc được lập bằng một văn bản riêng. Nếu di chúc đã được lập mà những người nói trên không có ý kiến gì thì coi như họ đã đồng ý cho lập và vì vậy, di chúc được coi là hợp pháp. Cha, mẹ hoặc người giám hộ có quyền giám sát và chỉ có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố di chúc vô hiệu nếu họ phát hiện có hành vi lừa dối, cưỡng ép người chưa thành niên trong việc lập di chúc mà không được tự mình hủy bỏ di chúc.

b Người lập di chúc tự nguyện

Tự nguyện hiểu theo nghĩa khái quát: là việc thực hiện theo ý mình, do mình mong muốn, không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ chủ thể nào khác. Người lập di chúc phải tự nguyện khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép.


Tự nguyện của người lập di chúc được hiểu là sự thống nhất giữa ý chí và sự bày tỏ ý chí của họ. Sự thống nhất trên chính là sự thống nhất giữa mong muốn chủ quan - mong muốn bên trong của người lập di chúc với hình thức thể hiện ra bên ngoài sự mong muốn đó. Vì vậy, việc phá vỡ sự thống nhất giữa mong muốn bên trong và việc thể hiện ra bên ngoài làm mất đi tính tự nguyện của người lập di chúc. Sự thống nhất này có thể bị phá vỡ trong trường hợp người lập di chúc bị cưỡng ép, đe dọa hoặc di chúc do họ lập trên cơ sở bị lừa dối. Di chúc sẽ không được coi là hợp pháp nếu không có sự thống nhất giữa các vấn đề đã được thể hiện trong nội dung của bản di chúc với ý chí chủ quan của người lập ra nó. Cụ thể, sẽ bị coi là không có sự thống nhất nói trên nếu di chúc được lập ra trong những trường hợp sau:

- Di chúc được lập ra khi người lập di chúc không còn minh mẫn, sáng suốt

Khi người lập di chúc không còn minh mẫn, sáng suốt để làm chủ được hành vi của mình thì không thể có sự thống nhất giữa mong muốn về ý chí với sự biểu đạt ý chí ấy. Trong trường hợp này, người lập di chúc bị coi là không còn năng lực hành vi dân sự trong khi lập di chúc.

- Di chúc được lập ra dưới sự tác động của người khác

Tính thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí luôn có khả năng bị phá vỡ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sự tác động của người khác tới việc lập di chúc của một người sẽ làm cho di chúc không còn sự tự nguyện của họ. Vì vậy, di chúc sẽ bị coi là không có tính tự nguyện khi được lập trong những trường hợp sau đây:

+ Người lập di chúc bị đe dọa:

Đe dọa là hành vi cố ý của một người nhằm làm cho người khác lo sợ mà phải thực hiện một việc nào đó theo mục đích của người đe dọa. Điều 132 Bộ luật Dân sự quy định: "Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh


thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình" [17]. Về mặt chủ quan, hành vi đe dọa bao giờ cũng là hành vi cố ý nhằm đạt được mục đích nhất định. Mục đích của người có hành vi đe dọa thường là nhằm mang lại lợi ích cho chính người đó nhưng cũng có nhiều trường hợp người đe dọa người lập di chúc chỉ nhằm đưa lại lợi ích cho người khác.

Tuy nhiên, nếu sự đe dọa của một người đối vối người lập di chúc không khiến người lập di chúc sợ, vẫn lập di chúc theo đúng suy nghĩ và ý định của mình thì di chúc đó vẫn có hiệu lực pháp luật. Sự đe dọa phải nghiêm trọng đến mức làm cho người bị đe dọa bị tê liệt ý chí, mất bình tĩnh, sợ hãi và buộc phải lập di chúc theo đúng yêu cầu của người đe dọa. Sự đe dọa thường hướng tới một hoặc nhiều vấn đề như: sức khỏe, tài sản, tính mạng, danh dự, uy tín, nhân phẩm của người bị đe dọa hoặc thân nhân của người đó.

Như vậy, hành vi đe dọa chỉ được coi là căn cứ để xác định di chúc vô hiệu khi hành vi đó là sự đe dọa đến một trong những nội dung trên với tính chất cố ý, nhằm đạt được một mục đích nhất định và phải nghiêm trọng đến mức người bị đe dọa buộc phải lập di chúc theo yêu cầu của người đe dọa mà không còn sự lựa chọn nào khác.

+ Người lập di chúc bị lừa dối:

Điều 132 Bộ luật Dân sự quy định: "Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó" [17].

Sự lừa dối chỉ được coi là căn cứ để tuyên di chúc vô hiệu khi sự lừa dối đó đã làm cho người lập di chúc suy nghĩ theo nó, tin vào thông tin lừa dối và vì thế nội dung của di chúc được định đoạt trên sự tác động của hành vi lừa dối. Nếu sự lừa dối đó không dẫn đến việc người bị lừa dối lập di chúc trái với


mong muốn thực sự của mình, vẫn định đoạt theo ý chí độc lập của mình, không suy nghĩ theo sự lừa dối của người đó thì di chúc vẫn được coi là hợp pháp.

Bản chất của lừa dối là gì? Về mặt khái niệm, lừa dối là thủ đoạn có tính toán trước của người này đối với người khác nhằm làm cho người bị lừa dối hiểu sai vấn đề mà quyết định một việc gì đó theo mục đích của người lừa dối. Có thể người lừa dối dùng những lời lẽ giả dối, những mưu mô, thủ đoạn, thông tin không đúng sự thật khiến cho người khác thiết lập một giao dịch theo ý của mình mà nếu như không có những hành động, thông tin đó, người bị lừa dối sẽ không bao giờ thiết lập giao dịch ấy.

Như vậy, chỉ bị coi là lừa dối khi một người thực hiện một hành vi cố ý (có sự tính toán trước); Hành vi lừa dối có thể là một hành động nhưng cũng có thể là việc không hành động. Sự im lặng đôi khi bị coi là một sự lừa dối nếu một người biết được sự thật nhưng lại im lặng, không nói ra sự thật đó nhằm mục đích để người lập di chúc định đoạt theo hướng có lợi cho mình hoặc cho người khác theo ý muốn của mình. Người nói trên chỉ bị coi là lừa dối trong trường hợp người đó biết sự thật, đồng thời biết được việc lập di chúc của người để lại di sản nhưng không nói sự thật với người lập di chúc vì mục đích tư lợi. Trong những trường hợp khác sẽ không bị coi là lừa dối. Việc xác định sự im lặng (không nói sự thật) của một người có phải là lừa dối hay không có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực tế. Nó là căn cứ để xem xét hiệu lực của di chúc đồng thời cũng là căn cứ để xác định có tước quyền hưởng di sản hay không (nếu người im lặng là người thừa kế di sản).

+ Người lập di chúc bị cưỡng ép:

Cưỡng ép có thể cưỡng ép về thể chất (đánh đập, giam giữ,...) hoặc về tinh thần (dọa làm một việc có thể làm mất danh dự, uy tín của người lập di chúc,...). Hành vi cưỡng ép rất gần với hành vi đe dọa.

Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp từ cưỡng ép chuyển hóa sang đe dọa, ngược lại, trong hành vi đe dọa thường hàm chứa sự cưỡng ép.


Tuy nhiên, bên cạnh sự tương đồng đó, hai hành vi này cũng có nhiều điểm khác biệt: nếu sự đe dọa là tác động làm cho người bị đe dọa sợ hãi thì hành vi cưỡng ép thường là việc dựa vào hoàn cảnh đặc biệt của người để lại di sản để dồn ép người đó phải miễn cưỡng lập di chúc theo mục đích của người cưỡng ép. Ví dụ: Biết được anh rể có con riêng, em vợ cưỡng ép anh rể phải lập di chúc để lại một phần di sản thừa kế cho mình, nếu không sẽ thông báo cho cơ quan, gia đình biết sự thật này.

Tóm lại, những di chúc được lập ra do bị tác động của sự lừa dối, cưỡng ép, đe dọa hoặc do người lập di chúc không còn minh mẫn, sáng suốt đều là những di chúc không phản ảnh một cách trung thực về ý chí tự nguyện của người lập ra nó. Vì vậy chúng đều bị coi là di chúc không hợp pháp.

Trong những trường hợp này, di chúc đương nhiên sẽ bị coi là vô hiệu. Trong trường hợp một người đưa đến cho người lập di chúc một thông tin không chính xác (không đúng sự thật) nhưng không cố ý làm cho người lập di chúc hiểu sai lệch, không có mục đích lừa dối, nhưng từ thông tin ấy, người lập di chúc đã hiểu sai lệch và đã quyết định vấn đề theo hướng sai lệch đó thì di chúc đó có bị coi là vô hiệu hay không?

Theo học viên, vì một thông tin không đúng sự thật mà người lập di chúc hiểu sai lệch và đã lập một di chúc khác với ý chí chủ quan trước đó của mình cũng nên coi là thiếu tính tự nguyện của người lập di chúc. Nếu trường hợp này xảy ra khi giao kết hợp đồng dân sự hoặc thiết lập các giao dịch khác thì đương nhiên hợp đồng hoặc giao dịch đó bị coi là vô hiệu vì được thiết lập do sự nhầm lẫn (nếu có đơn khởi kiện). Khi quy định điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp, Điều 652 Bộ luật Dân sự không quy định về nhầm lẫn. Vì thế, nếu di chúc được lập ra trong trường hợp nói trên có thể coi là di chúc được lập ra do sự nhầm lẫn của người lập di chúc để xác định di chúc đó vô hiệu hay không, hay coi đó là không minh mẫn, sáng suốt. Tình trạng "không minh mẫn, sáng suốt" theo học viên, được đánh giá trên cơ sở nhận thức lý trí,


vì vậy không thể coi trường hợp này là "không minh mẫn, sáng suốt" được vì sự nhầm lẫn trên hoàn toàn do nhận thức chủ quan của người lập di chúc.

Bên cạnh đó, vì di chúc chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc chết nên việc xác định sự sai lệch trên có đúng là nhầm lẫn của người lập di chúc hay không, hay ý chí của người lập di chúc là như thế, là một việc không thể xác định được, có lẽ vì vậy mà các nhà làm luật không đưa yếu tố "nhầm lẫn" vào Điều 652 Bộ luật Dân sự.

c) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội

Nội dung của di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc về việc định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế. Người lập di chúc chỉ định người thừa kế, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, phân định di sản thừa kế, đưa ra các điều kiện để chia di sản thừa kế…Ý chí của người lập di chúc phải phù hợp với ý chí của Nhà nước, không trái pháp luật, tuân thủ các quy định tại điểm 3 Điều 8 Bộ luật Dân sự (sử dụng di sản vào mục đích bất hợp pháp, chuyển giao tài sản cho các tổ chức bất hợp pháp…). Vi phạm các điều đó, di chúc sẽ bị vô hiệu.

Ví dụ: Một di chúc sẽ bị coi là bất hợp pháp nếu trong di chúc đó người lập di chúc đã định đoạt tài sản của mình cho tổ chức phản động hoặc định đoạt tài sản của người khác,...

Ngoài ra, di chúc hợp pháp phải còn là di chúc có nội dung phù hợp với đạo đức xã hội.

Đạo đức xã hội là một hình thái ý thức xã hội, luôn phụ thuộc vào tồn tại xã hội trong từng giai đoạn, từng thời kỳ nhất định. Vì vậy, đạo đức xã hội không mang tính cố định. Mỗi một thời đại, thậm chí trong cùng một xã hội thì mỗi một giai cấp khác nhau sẽ có một quan niệm khác nhau về đạo đức. Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận được mối quan hệ hữu cơ giữa đạo đức và pháp luật. Đạo đức là cơ sở xã hội của pháp luật. Một nền pháp luật được hình

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/06/2022