Áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, từ thực tiễn tỉnh Bến Tre - 2


- Luận án phó tiến sĩ: “Chế tài hành chính – Lý luận và thực tiễn”, của tác giả Vũ Thư, Viện Nhà nước và Pháp luật, năm 1996 (từ năm 1998 đổi thành tiến sĩ) [40].

- Luận văn thạc sĩ luật: “Hoàn thiện các quy định pháp luật về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính”, của tác giả Nguyễn Trọng Bình, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2002 [3].

- Luận văn thạc sĩ luật học: “Hoàn thiện pháp luật về xử lý hành chính với người chưa thành niên”, của tác giả Nguyễn Ngọc Bích, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2003 [2].

- Luận văn thạc sĩ luật học: “Pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính: lý luận và thực tiễn”, của tác giả Bùi Tiến Đạt, Khoa luật, Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2008 [23].

- Luận văn thạc sĩ luật học: “Các biện pháp xử lý hành khác theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay”, của tác giả Nguyễn Thị Hà, Đại học luật Hà Nội, năm 2012 [24].

- Luận văn thạc sĩ luật học: “Từ biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh đến biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”, của tác giả Phạm Tiến Thành, Khoa luật, Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2014 [39].

- Luận văn thạc sĩ luật học: “Bảo đảm quyền con người trong áp dụng các biện pháp xử lý hành chính”, của tác giả Dương Thị Bích Hạnh, Khoa luật, Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2014 [25].

Các công trình nghiên cứu trên đây, đã đưa ra một số vấn đề lý luận cũng như thực tiễn của việc xử phạt vi phạm hành chính đồng thời cũng đã đề cập đến một số khía cạnh của các biện pháp XLHC khác như: đưa vào Cơ sở chữa bệnh; đưa vào trường giáo dưỡng; biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, kèm theo đó là vấn đề đảm bảo quyền con người khi áp dụng các biện xử lý hành chính…

* Các công trình nghiên cứu đăng trên các báo, tạp chí như

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 97 trang tài liệu này.


- Bài viết “Về các biện pháp xử lý hành chính khác: Thực tiễn và giải pháp” của tác giả Hoàng Thị Kim Quế, đăng trên Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế - Luật 24 (2008) [27].

Áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, từ thực tiễn tỉnh Bến Tre - 2

- Bài viết “Quyền công dân, quyền con người và chỗ đứng của các biện pháp xử lý hành chính khác trong pháp luật về vi phạm hành chính”, của tác giả Trần Thanh Hương, đăng trên Tạp chí Dân chủ và pháp luật 11/2005 [26].

- Bài viết “Hoàn thiện các biện pháp xử lý hành chính khác theo pháp luật Việt Nam” của tác giả Lê Ngọc Thạch, Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Thông tin chuyên đề số 1 (2006) [38].

- Bài viết “Biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh trong Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính”, của tác giả Đào Thị Thu An đăng trong Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 20/2011 [1].

Để nghiên cứu và thực hiện Luận văn “Áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân, từ thực tiễn tỉnh Bến Tre”, học viên đã tham khảo, kế thừa có chọn lọc kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố trên đây và tham khảo thêm nhiều công trình nghiên cứu có liên quan khác.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích luận văn là đưa ra các giải pháp bảo đảm áp dụng các biện pháp xử lý hành chính từ thực tiễn Tòa án nhân dân ở tỉnh Bến Tre.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận văn có các nhiệm vụ:

- Nghiên cứu cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân: trong đó tập trung làm rò khái niệm, đặc điểm và nội dung các biện pháp xử lý hình chính; những vấn đề chung về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

- Đánh giá công tác áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre trong giai đoạn 2014 - 2017, tìm ra nguyên nhân dẫn đến


những bất cập trong áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

- Đưa ra giải pháp bảo đảm áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, từ thực tiễn tỉnh Bến Tre.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn và có liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

- Luận văn nghiên cứu sâu vào việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và các quy định của pháp luật có liên quan đến việc xử lý hành chính theo pháp luật Việt Nam gắn với địa bàn tỉnh Bến Tre.

- Về thời gian: Luận văn nghiên cứu thực tiễn công tác áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án nhân dân từ thực tiễn tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2014 - 2017 và những văn bản quy phạm pháp luật về xử lý hành chính trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2017.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Luận văn sử dụng các phương pháp luận của Chủ nghĩa duy vật biện chứng, Chủ nghĩa duy vật lịch sử và dựa trên cơ sở nghiên cứu những quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm của Đảng Cộng Sản Việt Nam về Nhà nước và Pháp luật; nhất là các quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp đến năm 2020 và hệ thống các quan điểm của Đảng, Nhà nước xử lý người vi phạm pháp luật nói chung và người vi phạm pháp luật hành chính nói riêng.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Chương 1 của luận văn, học viên sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như phân tích, tổng hợp, so sánh đối chiếu, suy luận logic được sử dụng nằm

6


lý giải các vấn đề lý luận, giúp cho mỗi vấn đề được nhìn nhận từ nhiều góc độ, thấy được những điểm hợp lý và chưa hợp lý của các quan điểm, quan niệm đưa ra trong luận văn, từ đó đưa ra được kết luận có tính khoa học và nổi bật về vấn đề.

Chương 2 của luận văn, các phương pháp thống kê, phương pháp tổng kết thực tiễn cũng được sử dụng có hiệu quả để từ những số liệu, tình hình thực tế cụ thể thống kê được có thể phân tích, tổng kết thấy được bức tranh toàn diện về thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân ở tỉnh Bến Tre.

Chương 3 của luận văn, trên cơ sở áp dụng các phương pháp nghiên cứu ở Chương 1 và Chương 2, học viên đẽ kết hợp với các tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đưa ra một số giải pháp đảm bảo thực hiện đúng và nâng cao chất lượng công tác áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân ở tỉnh Bến Tre.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Về ý nghĩa lý luận

Luận văn góp phần làm rò thêm lý luận về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

6.2. Về ý nghĩa thực tiễn

- Luận văn sẽ là một tài liệu tham khảo cần thiết và bổ ích dành cho không chỉ các nhà lập pháp mà còn cho các nhà nghiên cứu, các cán bộ giảng dạy pháp luật. Kết quả nghiên cứu của luận văn còn phục vụ cho việc trang bị những kiến thức chuyên sâu cho các cán bộ hỗ trợ tư pháp, kiểm sát viên và thẩm phán đang công tác tại các cơ quan: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án trong quá trình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được khách quan, có căn cứ và đúng pháp luật.

- Những giải pháp luận văn đưa ra có giá trị tham khảo cho các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, phát triển hoàn thiện pháp luật bảo đảm thực hiện chính sách pháp luật đối với người vi phạm pháp luật hành chính hiện nay trong điều kiện đổi mới, phát triển ổn định, bền vững và hội nhập quốc tế.


- Luận văn có giá trị tham khảo cho việc hoạch định chính sách và pháp luật về hoàn thiện pháp luật bảo đảm thực hiện nguyên tắc, chính sách pháp luật trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương

Chương 1: Những vấn đề lý luận về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân

Chương 2: Thực trạng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân ở tỉnh Bến tre giai đoạn 2014 đến nay

Chương 3: Quan điểm và giải pháp nâng cao chất lượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân ở tỉnh Bến Tre


Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LÝ VỀ ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN

1.1. Khái quát về các biện pháp xử lý hành chính

1.1.1. Khái niệm biện pháp xử lý hành chính

Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam khóa XIII, ngày 20 tháng 6 năm 2012 đã thông qua Luật xử lý vi phạm hành chính đầu tiên của nhà nước ta và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Riêng các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014. Tại Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về phạm vi điều chỉnh thì: “Luật này quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính”, như vậy có nghĩa là “xử lý vi phạm hành chính” được cấu thành bởi hai nội dung cơ bản là biện pháp “xử phạt vi phạm hành chính” và biện pháp “xử lý hành chính”.

Trong đó tại Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã giải

thích:

“1. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi

phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

3. Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”[30].


Khi đi sâu nghiên cứu những quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính Việt Nam hiện hành, cho thấy biện pháp xử lý hành chính là một trong nhóm biện pháp cưỡng chế hành chính. Vì nó là biện pháp xử lý do Luật xử lý vi phạm hành chính quy định được áp dụng đối với các cá nhân thực hiện hành vi trái pháp luật trong quản lý nhà nước, các biện pháp đó do các chủ thể có thẩm quyền trong quản lý nhà nước tiến hành và nó được tiến hành theo thủ tục hành chính nhằm mục đích xử lý nghiêm khắc những đối tượng vi phạm giữ vững trật tự quản lý nhà nước, cụ thể:

Xét về phương diện lý luận:

Cưỡng chế hành chính là tổng hợp các biện pháp do luật hành chính quy định mà nhà nước áp dụng để tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp lên tâm lý, tư tưởng và hành vi của cá nhân hoặc tổ chức, buộc các chủ thể đó phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lý nhằm mục đích phòng ngừa, ngăn chặn hoặc xử lý những hành vi trái pháp luật, đảm bảo trật tự và kỷ luật trong quản lý nhà nước [26].

Tính cưỡng chế của các biện pháp xử lý hành chính được thể hiện ở chỗ cơ quan, người có thẩm quyền sẽ áp dụng những biện pháp có tính chất nghiêm khắc, buộc người vi phạm phải gánh chịu những hậu quả bất lợi hạn chế quyền tự do cá nhân trong một thời gian nhất định hoặc lên án, giáo dục về mặt tinh thần, nhân cách. Khi bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác, cá nhân đó sẽ buộc phải học tập, lao động, chữa bệnh… dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một thời hạn nhất định ... Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do các chủ thể có thẩm quyền áp dụng. Các chủ thể có thẩm quyền ở đây phải được trao quyền lực nhà nước, nhân danh nhà nước để thực hiện việc tổ chức và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm hành chính. Quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được ban hành đơn phương, nhưng có tính bắt buộc thi hành đối với người bị áp dụng và được nhà nước bảo đảm thi hành. Với tư cách là một biện pháp cưỡng chế hành


chính, biện pháp xử lý hành chính được phân biệt với các biện pháp cưỡng chế pháp lý khác chủ yếu ở các phương diện nội dung cưỡng chế, mục đích cưỡng chế, chủ thể bị cưỡng chế, thủ tục và thẩm quyền áp dụng.

Từ những phân tích đánh giá nêu trên, theo học viên thì biện pháp xử lý hành chính là “biện pháp cưỡng chế hành chính bắt buộc của nhà nước được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”

1.1.2. Các biện pháp xử lý hành chính

Theo quy định tại của pháp luật hiện hành, ở nước ta hiện nay có 4 biện pháp xử lý hành chính bao gồm:

1- Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đây là biện pháp xử lý hành chính được áp dụng đối với một số đối tượng do pháp luật quy định (Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012) để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng.

2 - Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Đây là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật (quy định tại Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012) nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.

3 - Biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật (được quy định tại Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012) để lao động, học văn hóa, học nghề, sinh hoạt dưới sự quản lý của cơ sở giáo dục bắt buộc.

4 - Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật (được quy định tại Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012) để chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc [30].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/06/2022