quá ba lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Thủ trưởng cơ sở giam giữ tổ chức tiếp nhận, kiểm tra loại bỏ các vật bị cấm và giao đầy đủ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt quà, đồ dùng sinh hoạt của người bị tạm giữ, người bị tạm giam [11]. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể loại quà mà thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam được phép gửi. Các loại quà mà thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gửi gồm: tiền, thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, đồ ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt và tư trang cá nhân (trừ các đồ vật thuộc danh mục cấm). Nghiêm cấm người bị tạm giam dùng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích độc hại khác. Ngoài việc nhận quà khi gặp thân nhân, người bị tạm giam còn được nhận quà của thân nhân gửi tại cơ sở giam giữ, trọng lượng quà mỗi lần gửi không quá 03 kg; được nhận tiền của thân nhân gửi qua đường bưu điện. Cơ sở giam giữ được tổ chức hoạt động căng tin để phục vụ bán đồ ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu cho người bị tạm giam và thân nhân của họ khi đến thăm gặp. Hàng hóa trong căng tin phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thủ trưởng cơ sở giam giữ duyệt giá các loại hàng hóa theo từng thời điểm để đảm bảo giá bán tương đương với giá bán lẻ trên thị trường tại địa phương và được niêm yết công khai. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận quà do cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi cho người bị tạm giam đảm bảo đúng quy định.
- Chỗ nằm tối thiểu của mỗi người bị tạm giam là 02 mét vuông (m2), được bố trí sàn nằm và có chiếu. Người bị bị tạm giam được sử dụng quần, áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân, nếu thiếu thì cơ sở giam giữ cho mượn theo tiêu chuẩn mỗi người gồm: 01 chiếu, 01 màn cá nhân, 01 đôi dép, 02 bộ quần áo dài, 01 áo ấm mùa đông và 01 chăn (các cơ sở giam giữ từ thành phố Đà Nẵng trở vào dùng chăn sợi, từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra dùng chăn bông loại không quá 02kg).
Người bị tạm giam là phụ nữ được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ giá trị tương đương 02 kg gạo tẻ loại trung bình/01 tháng.
- Người bị tạm giam chỉ được gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép và chịu sự kiểm duyệt của cơ quan đang thụ lý vụ án và sự kiểm tra của cơ sở giam giữ.
Cơ sở giam giữ có trách nhiệm hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân và thân
nhân của người bị tạm giam về việc gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu, khi được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cho người bị tạm giam nhận.
- Người bị tạm giam được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh. Trường hợp bị ốm đau, bệnh tật, thương tích thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giam giữ; nếu bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng của cơ sở giam giữ thì được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện, cấp tỉnh, bệnh viện quân đội hoặc bệnh viện trung ương khám, điều trị. Cơ sở giam giữ phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, sử dụng thuốc, bồi dưỡng do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định. Người bị tạm giam được nhận thuốc chữa bệnh từ thân nhân và phải có đơn thuốc của thầy thuốc, chịu sự kiểm tra của cơ sở giam giữ.
- Cơ sở giam giữ được trang bị hệ thống truyền thanh. Trung bình hai mươi người bị tạm giam hoặc cơ sở giam giữ có dưới hai mươi người bị tạm giam thì được cấp một tờ báo địa phương hoặc báo trung ương. Thủ trưởng cơ sở giam giữ tổ chức cho người bị tạm giam nghe đài phát thanh, đọc báo. Nếu có điều kiện thì tổ chức cho họ xem chương trình truyền hình địa phương và trung ương.
Thứ ba, về chế độ chăm nom người thân và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam. Điều 120 BLTTHS quy định:
- Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có người thân thích là người tàn tật, già yếu, có nhược điểm về tâm thần mà không có người chăm sóc thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam giao người đó cho người thân thích khác chăm nom; trường hợp không có người thân thích thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam giao những người đó cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú chăm nom. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Có thể bạn quan tâm!
- Áp dụng biện pháp tạm giam từ thực tiễn thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh - 2
- Khái Niệm, Đặc Điểm Áp Dụng Biện Pháp Tạm Giam
- Chế Độ Tạm Giam Và Quyền Của Người Bị Tạm Giam
- Đặc Điểm Tự Nhiên, Kinh Tế - Xã Hội Có Ảnh Hưởng Đến Việc Áp Dụng Biện Pháp Tạm Giam Trong Hoạt Động Giải Quyết Vụ Án Hình Sự Trên Địa Bàn
- Những Tồn Tại, Hạn Chế Trong Áp Dụng Biện Pháp Tạm Giam Trên Địa Bàn Thành Phố Tây Ninh, Tỉnh Tây Ninh
- Tình Hình Áp Dụng Biện Pháp Tạm Giam Trong Tổng Số Bị Can Bị Khởi Tố Mới Hàng Năm Trên Địa Bàn Thành Phố Tây Ninh, Tỉnh Tây Ninh Từ Năm 2016
Xem toàn bộ 97 trang tài liệu này.
- Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có nhà ở hoặc tài sản khác mà không có người bảo quản thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam phải áp dụng những biện pháp bảo quản.
- Cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam thông báo cho người bị tạm giữ, tạm giam biết việc chăm nom, chăm sóc người thân thích và bảo quản tài sản của họ. Việc thông báo được lập văn bản và đưa vào hồ sơ vụ án
[28].
Khi bị tạm giam, bị can, bị cáo sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp tới những quyền tự
do cơ bản của mình. Tuy vậy, xuất phát từ tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa cũng như tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của công dân, pháp luật nước ta vẫn quy định cho người bị tạm giam có được những quyền nhất định để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Cụ thể, người bị tạm giam có những quyền sau:
- Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;
- Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;
- Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
- Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
- Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;
- Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
- Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;
- Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;
- Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi quy định của pháp luật, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam [34].
1.3. Khái quát lịch sử lập pháp về biện pháp tạm giam trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và quy định về biện pháp này trong pháp luật của một số nước trên thế giới
1.3.1. Khái quát lịch sử lập pháp về biện pháp tạm giam trong tố tụng hình sự Việt Nam
Trong lịch sử lập pháp TTHS Việt Nam, biện pháp tạm giam lần đầu tiên được ghi nhận trong Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 về Tổ chức Tòa án và
ngạch Thẩm phán; Sắc lệnh số 40/SL ngày 29/03/1946 về bảo đảm quyền tự do cá nhân; Sắc lệnh số 131/SL ngày 20/07/1946 về tổ chức bộ máy Tư pháp Công an và Sắc lệnh số 85/SL ngày 7/11/1950 về cải cách bộ máy Tư pháp. Căn cứ vào các văn bản này thì “Tư pháp Công an có nhiệm vụ bắt người phạm pháp và giao cho các Tòa án xét xử, quyền ký lệnh tạm giam bị cáo thuộc về ông giám đốc ty Liêm Phóng”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc bước vào giai đoạn cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quốc hội đã thông qua đạo luật về bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân, đó là Sắc lệnh số 103/SL – L005 được công bố ngày 20/5/1957, trong đó có Chương III quy định về tạm giữ, tạm giam, tạm tha.
Điều 6 Luật 103/SL – L005 quy định về tạm giam; Điều 7 quy định về thời hạn tạm giam (không quá 2 tháng đối với các vụ thường phạm mà luật pháp quy định hình phạt tù từ 5 năm trở xuống) và không quá 4 tháng (đối với các vụ phạm đến an toàn Nhà nước và các vụ thường phạm mà luật pháp quy định hình phạt tù trên 5 năm) và có thể gia hạn 1 đến 2 lần. Trường hợp phức tạp cần giam lâu hơn thì việc gia hạn tạm giam phải theo trình tự đặc biệt. Người bị tạm giam có quyền khiếu nại về việc tạm giam hoặc quá thời hạn tạm giam mà chưa được giải quyết.
Sau ngày giải phóng miền Nam, để bảo vệ thành quả cách mạng và chống các thế lực thù địch, phản động, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Sắc luật số 02/SL ngày 15/03/1976 (02/SL-76). Sắc luật 02/SL – 76 quy định chặt chẽ hơn về biện pháp tạm giam, mở rộng thẩm quyền bắt để tạm giam đến cấp huyện. Ngoài ra, biện pháp tạm giam còn được quy định ở các văn bản pháp luật khác như Hiến pháp năm 1959; Hiến pháp năm 1980; Hiến pháp năm 1992; Hiến pháp 2013; Luật tổ chức VKSND; Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
BLTTHS năm 1988 là một bước tiến vượt bậc trong công tác xây dựng pháp luật. Chế định biện pháp ngăn chặn được quy định tại Chương V và một số điều ở các chương khác. Biện pháp tạm giam được quy định tại Điều 70 BLTTHS năm 1988. Tuy vậy, sau một thời gian được đưa vào áp dụng, Bộ luật này đã bộc lộ nhiều bất cập. BLTTHS năm 1988 được sửa đổi, bổ sung ba lần. Quy định về biện
pháp ngăn chặn được sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi ngày 30/06/1990 về thẩm quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam; căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam.
Ngày 21/12/1999, BLHS năm 1999 được Quốc hội thông qua. Để phù hợp với BLHS mới, BLTTHS cũng được sửa đổi, bổ sung, trong đó có những nội dung liên quan đến biện pháp tạm giam như căn cứ tạm giam; thời hạn tạm giam; tạm giam người chưa thành niên. Tuy đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, nhưng BLTTHS năm 1988 nói chung và những quy định về biện pháp tạm giam nói riêng vẫn tồn tại những nhược điểm, không còn phù hợp với tình hình thực tế, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Trước tình hình đó, Quốc hội đã thông qua BLTTHS năm 2003 ngày 26/11/2003, có hiệu lực ngày 01/07/2004. BLTTHS năm 2003 là sự kế thừa có chọn lọc và phát triển từ BLTTHS năm 1988, quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về biện pháp tạm giam. Sự bổ sung này là một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế, bảo đảm tốt hơn quyền tự do dân chủ, tôn trọng các quyền cơ bản của công dân, bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ giữa các văn bản pháp luật khác, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời kỳ mới, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp nói chung và chất lượng áp dụng chế định tạm giam nói riêng.
Tuy nhiên đến nay BLTTHS 2003 đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế không còn phù hợp với tình hình mới, do vậy ngày 27/11/2015 Quốc Hội đã hông qua BLTTHS năm 2015, có hiệu lực ngày 01/01/2017 nhằm khắc phục những điểm hạn chế của BLTTHS năm 2003 và đặt những bước phát triển mới đối với Luật TTHS Việt Nam
1.3.2. Quy định về biện pháp tạm giam trong pháp luật của một số nước trên thế giới
Quy định về biện pháp tạm giam ở một số nước trên thế giới về cơ bản là giống nhau, tuy nhiên, do hệ thống tư pháp ở mỗi nước có sự khác nhau, cho nên, quy định về biện pháp ngăn chặn, trong đó có biện pháp tạm giam cũng có những điểm riêng biệt.
Luật TTHS Nhật Bản quy định: "Chỉ có công tố viên mới có quyền đề nghị thẩm phán tạm giam người bị tình nghi để điều tra... Khi nhận được đề nghị của công tố viên, thẩm phán phải nghiên cứu các tài liệu có liên quan, xem xét chứng cứ
và tiến hành thẩm vấn riêng người bị tình nghi..." [6]. Như vậy là luật TTHS Nhật Bản quy định chỉ Thẩm phán mới có quyền ra lệnh tạm giam, quy định này được hiểu rằng, phàm là Thẩm phán ở bất cứ cấp nào, bất cứ giai đoạn nào của TTHS cũng có quyền ra lệnh tạm giam.
Nếu thẩm phán thấy có căn cứ hợp lý để tin rằng người bị tình nghi đã phạm tội và nếu trường hợp đang xem xét thuộc vào một trong những loại sau đây, thì thẩm phán có thể ra quyết định tạm giam người bị tình nghi trong thời hạn 10 ngày: Người bị tình nghi không có nơi cư trú cố định; có cơ sở hợp lý để tin rằng người bị tình nghi có thể tiêu hủy chứng cứ; có cơ sở tin rằng người bị tình nghi có thể chạy trốn. Còn trong tất cả các trường hợp khác, thẩm phán phải bác đề nghị của công tố viên và ra lệnh trả tự do cho người bị tình nghi. Nếu thẩm phán ra lệnh tạm giam người bị tình nghi và nếu công tố viên không thể hoàn thành việc điều tra trong thời hạn ban đầu 10 ngày, thì công tố viên có thể đề nghị thẩm phán gia hạn tạm giam thêm 10 ngày nữa.
Trước khi có cáo trạng, người bị tình nghi bị tạm giam được giam hoặc ở nhà tạm giam trước khi xét xử do Bộ Tư pháp quản lý (kochiso) hoặc ở phòng tạm giam của cảnh sát (ryuchijo) tùy thuộc vào lệnh tạm giam của thẩm phán. Kể từ khi bị bắt và trong suốt quá trình tố tụng, người bị tình nghi bị bắt có quyền im lặng, và có quyền có luật sư bào chữa.
Điều 20 Luật số 8/1981 của Inđônêsia quy định cảnh sát, công tố viên và thẩm phán có quyền tạm giam người bị tình nghi và bị cáo để thực hiện nhiệm vụ của mình. Họ chỉ có thể ra lệnh tạm giam nếu có đủ bằng chứng để tin tưởng chắc chắn rằng hành vi hình sự đã xảy ra và trong những tình huống cho phép nghi ngờ rằng người bị tình nghi có thể chạy trốn, tiêu hủy tang vật hoặc tái phạm. Người bị tình nghi hoặc bị cáo chỉ có thể bị tạm giam khi có trát bắt hoặc lệnh của Tòa án trong đó miêu tả rò nhân dạng của người bị tình nghi hoặc của bị cáo, lý do tạm giam, nơi giam, đồng thời giải thích ngắn gọn tội phạm mà người đó bị nghi là đã thực hiện. Một bản sao của trát bắt hoặc lệnh của Tòa án phải được gửi cho gia đình người bị bắt. Người bị tình nghi hoặc bị cáo chỉ có thể bị tạm giam nếu người đó đã thực hiện hoặc âm mưu thực hiện một hành vi hình sự hoặc đồng lòa trong việc thực hiện một tội phạm mà pháp luật quy định phạt tù có thời hạn từ 5 năm trở lên, hoặc
nếu thời hạn phạt tù dưới 5 năm nhưng luật TTHS liệt kê tội đó vào loại tội phạm đặc biệt mà người vi phạm có thể bị tạm giam.
Có ba hình thức tạm giam: Tạm giam tại trại tạm giam của nhà nước; quản chế tại gia; quản chế trong phạm vi thành phố. Cảnh sát điều tra có quyền tạm giam người bị tình nghi nhiều nhất là 20 ngày, nếu hết thời hạn 20 ngày mà việc điều tra vẫn chưa kết thúc thì công tố viên có thể gia hạn tạm giam thêm 40 ngày. Như vậy, sau 60 ngày điều tra viên phải trả tự do cho người bị tình nghi. Trát bắt của công tố viên chỉ có hiệu lực trong thời hạn nhiều nhất là 20 ngày, nếu việc điều tra vẫn chưa kết thúc thì thẩm phán Tòa án cấp quận có quyền gia hạn thêm 30 ngày. Sau 50 ngày, công tố viên phải trả tự do cho người bị tình nghi. Thẩm phán Tòa án cấp quận có quyền bắt giam trong thời hạn 30 ngày, Chánh án Tòa án cấp đó có thể cho phép kéo dài thời hạn trên thêm 60 ngày nữa. Sau thời hạn 90 ngày, bị cáo phải được trả tự do ngay cả trong trường hợp thẩm phán của Tòa án cao cấp chưa ra được bản án. Trong trường hợp kháng cáo, thẩm phán Tòa án cao cấp đang giải quyết vụ án có thể ra lệnh tạm giam bị cáo trong thời hạn nhiều nhất là 30 ngày, hết thời hạn trên mà vụ án vẫn chưa được giải quyết xong, thì Chánh án Tòa án cao cấp có thể gia hạn tạm giam thêm 60 ngày. Như vậy, sau 90 ngày bị cáo phải được trả lại tự do. Thẩm phán Tòa án tối cao có quyền ra lệnh tạm giam bị cáo trong thời hạn nhiều nhất là 50 ngày. Trong trường hợp cần thiết phải xét xử lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm thì Chánh án Tòa án tối cao có thể gia hạn tạm giam thêm 60 ngày. Như vậy, sau 110 ngày, bị cáo phải được trả tự do, ngay cả trong trường hợp các thẩm phán Tòa án tối cao chưa ra được bản án [7].
Quy định về biện pháp ngăn chặn tạm giam của Nhật Bản và của Inđônêsia có thể nói là hết sức chặt chẽ. Nếu những quy định trong luật TTHS về biện pháp ngăn chặn của các nước này được tuân thủ một cách nghiêm túc thì tính mạng, danh dự và nhân phẩm của những người bị giam giữ sẽ được tôn trọng, thể hiện nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Như vậy, thiết nghĩ rằng quy định về biện pháp ngăn chặn tạm giam trong BLTTHS Việt Nam cũng cần có sự tham khảo để sửa đổi, bổ sung và quy định cho thống nhất.
Kết luận Chương 1
Trong Chương 1, luận văn đã hệ thống, phân tích những vấn đề lý luận về biện pháp tạm giam, bao gồm: khái niệm, đặc điểm, mục đích, ý nghĩa của biện pháp tạm giam; khái niệm, đặc điểm áp dụng biện pháp tạm giam; các quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp tạm giam; lược sử quá trình hình thành và phát triển của chế định tạm giam trong pháp luật TTHS Việt Nam. Cũng trong chương này, luận văn đã trình bày quy định về tạm giam trong pháp luật TTHS một số nước như Nhật Bản, Indonesia. Tuy chưa thật sự toàn diện, nhưng kết quả của luận văn thể hiện trong Chương 1 đã tạo cơ sở lý luận cho việc đánh giá thực trạng áp dụng biện pháp này trong quá trình giải quyết VAHS trong thực tế ở chương tiếp theo.