Ảnh hưởng của năng lực tâm lý đến kết quả công việc: Nghiên cứu nhân viên ngân hàng và công ty thương mại dịch vụ tại TP.Hồ Chí Minh - 2


CHƯƠNG I TỔNG QUAN

1.1. Lý do chọn đề tài

Quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đang diễn ra rất nhanh chóng. Nó đòi hỏi mỗi quốc gia cũng như mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực không ngừng để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh nhằm tồn tại và phát triển trong điều kiện cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh các biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh như đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng, quản lý hiệu quả, tiết kiệm chi phí… thì biện pháp nâng cao kết quả công việc của người lao động cũng là mối quan tâm của tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, ngành nghề, hình thức sở hữu.

Đối với doanh nghiệp, làm thế nào để giữ chân nhân viên gắn bó lâu dài và tạo động lực cho nhân viên làm việc một cách hiệu quả nhất cho doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng. Trong khi một số doanh nghiệp hoặc tổ chức hàng đầu đưa ra những chính sách hiệu quả nhằm giữ chân nhân viên thì hầu hết các doanh nghiệp khác lại không làm như vậy. Họ chấp nhận để nhân viên chuyển chỗ làm việc và xem đó là một phần bình thường của công việc kinh doanh. Tuy nhiên, việc thay đổi nhân viên liên tục như thế sẽ khiến họ tiêu tốn một nguồn lực và cả nguồn chi phí không cần thiết. Đúng là vẫn sẽ có những người ra đi, dù bạn có làm mọi cách để giữ chân họ. Nhưng làm ra vẻ không biết gì về những nguyên nhân sự ra đi ồ ạt của nhân viên là một thái độ không phù hợp với phong cách quản lý nhân sự ở các doanh nghiệp hiện đại.

Khi nghiên cứu các nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả công việc của nhân viên, đa phần các nhà quản trị doanh nghiệp và cả các nhà nghiên cứu đều chủ yếu tập trung vào ảnh hưởng của các yếu tố thuộc về năng lực chuyên môn đến kết quả công việc. Họ lập luận rằng những nhân viên được đào tạo


bài bản, có kết quả học tập tốt, có thâm niên công tác, có năng lực chuyên môn càng cao thì làm việc sẽ có hiệu quả tốt hơn so với những người không được đào tạo bài bản, có kết quả học tập, thâm niên và năng lực chuyên môn kém hơn.

Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng, có một số nhân viên tuy không được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành nhưng họ lại làm việc tốt hơn so với những người được đào tạo bài bản, đúng ngành nghề nhờ thông minh, nhanh nhạy với công việc. Và có những người chỉ có kinh nghiệm làm việc 3-4 năm nhưng lại có khả năng làm tốt hơn những người đã làm công việc đó trong 10- 15 năm. Vậy năng lực chuyên môn là nhân tố quan trọng nhưng không phải là nhân tố duy nhất quyết định kết quả công việc của người lao động.

Các nghiên cứu về hành vi tổ chức gần đây cho thấy không phải chỉ có năng lực chuyên môn mới là yếu tố quyết định đến kết quả công việc của nhân viên, mà yếu tố năng lực tâm lý của người lao động cũng có ảnh hưởng nhiều đến kết quả công việc.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 110 trang tài liệu này.

Vì vậy, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa năng lực tâm lý người lao động đến kết quả công việc, nhằm tìm ra mức độ ảnh hưởng của năng lực tâm lý đến kết quả công việc; từ đó đưa ra những giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao kết quả công việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là một vấn đề quan trọng và cần thiết.

Ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc thù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tài chính. Đây được xem là một trong những loại hình doanh nghiệp “hot” hiện nay bởi mức thu nhập bình quân vào loại cao so với mặt bằng lương chung, môi trường làm việc năng động, chính sách đào tạo và đãi ngộ tốt. Vì vậy, các ngân hàng hiện đang thu hút được một phần khá lớn lao động có trình độ chuyên môn cao và lực lượng lao động trẻ, nhất là các sinh viên mới ra trường. Trong quá trình toàn cầu hóa hiện tại, các ngân hàng Việt

Ảnh hưởng của năng lực tâm lý đến kết quả công việc: Nghiên cứu nhân viên ngân hàng và công ty thương mại dịch vụ tại TP.Hồ Chí Minh - 2


Nam cũng đứng trước bài toán chung là phải nâng cao kết quả công việc, tạo động lực để nhân viên làm việc hiệu quả và có sự gắn bó lâu dài với ngân hàng. Vì vậy, việc xác định mức độ ảnh hưởng của năng lực tâm lý đến kết quả công việc của nhân viên ngân hàng là một vấn đề cần thiết.

Trong vòng 10 năm qua, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng chuyển dần từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Một số ngành dịch vụ đã phát triển khá nhanh và đang từng bước mở rộng quy mô như thương mại, nhà hàng, khách sạn, du lịch, vận tải, kho bãi; đặc biệt, dịch vụ viễn thông đã có bước phát triển đột phá, đưa ngành viễn thông nước ta trở thành ngành dịch vụ hiện đại, có năng lực cạnh tranh trong khu vực.

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp từ năm 2000-2009 của Tổng cục thống kê, chiếm tỷ lệ cao nhất về số doanh nghiệp, vốn kinh doanh và đứng thứ hai về kết quả kinh doanh là ngành thương mại, dịch vụ. Tại thời điểm 01/01/2009, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực thương mại- dịch vụ là lớn nhất với 125 nghìn doanh nghiệp, chiếm 60,1% tổng số doanh nghiệp, gấp 5,2 lần năm 2000, bình quân mỗi năm tăng 22,9%.

Khu vực này hiện thu hút 2,3 triệu lao động, chiếm 27,6% tổng số lao động toàn doanh nghiệp, gấp 2,5 lần năm 2000, bình quân mỗi năm thu hút thêm 12%.

Tổng vốn của khu vực này thời điểm 01/01/2009 là 4.030 nghìn tỷ đồng, gấp 6,1 lần năm 2000, bình quân mỗi năm thu hút thêm 25,1%.

Năm 2008, khu vực này có tổng doanh thu đạt cao nhất với 3.449 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,2% tổng doanh thu của toàn doanh nghiệp, gấp 7,9 lần năm 2000, bình quân mỗi năm tăng 29,4%. Tổng lợi nhuận của khu vực này năm 2008 chiếm 36,6% toàn bộ doanh nghiệp, gấp 8,4 lần năm 2000, bình quân mỗi năm tăng xấp xỉ 30,4%. Khu vực này năm 2008 cũng đóng góp cho ngân


sách nhà nước 121,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,4% toàn bộ doanh nghiệp, gấp 5,7 lần năm 2000, bình quân mỗi năm đóng góp tăng thêm cho ngân sách nhà nước 24,4%. (Tổng cục thống kê, 2010)

TP. Hồ Chí Minh là 1 trong 2 trung tâm kinh tế- tài chính lớn nhất của cả nước, là thành phố có quy mô và kết quả sản xuất kinh doanh lớn nhất vùng Đông Nam Bộ và toàn quốc. Thành phố này thời điểm 01/01/2009 có tới

58.398 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, chiếm 28,4% số doanh nghiệp toàn quốc. Thành phố này cũng chiếm tỷ trọng lớn ở tất cả các chỉ tiêu quan trọng như: 21,5% lao động, 27,4% vốn kinh doanh, 36% doanh thu, 18,4% lợi nhuận và 24,8% nộp ngân sách nhà nước. (Tổng Cục Thống Kê, 2010)

Như vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của năng lực tâm lý đến kết quả công việc của nhân viên ngân hàng và nhân viên công ty thương mại- dịch vụ là cần thiết. Sở dĩ tác giả lựa chọn nghiên cứu đối với nhân viên của hai loại hình doanh nghiệp này vì ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc thù, còn các công ty thương mại- dịch vụ là loại hình doanh nghiệp phổ biến. Với nhân viên ngân hàng, việc nghiên cứu sẽ giúp tìm ra được những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả công việc mang tính chất riêng biệt của một loại hình doanh nghiệp đặc thù và đa phần nhân viên có trình độ chuyên môn khá cao. Với nhân viên công ty thương mại- dịch vụ, nghiên cứu sẽ giúp ta có được một cái nhìn tương đối tổng quan vì đây hiện đang là loại hình doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, thu hút được nhiều lao động ở nhiều trình độ khác nhau. Từ đó, chúng ta sẽ tìm ra được những điểm chung, so sánh được sự khác nhau về mức độ ảnh hưởng năng lực tâm lý đến kết quả công việc của nhân viên thuộc hai loại hình doanh nghiệp kể trên.

Nghiên cứu được lựa chọn tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, vì đây là trung tâm kinh tế lớn, phát triển nhanh của cả nước, tập trung nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực với quy mô khác nhau. Đây cũng là nơi tập trung


đông dân cư và thu hút được một lượng lớn lao động của cả nước với nhiều trình độ khác nhau. Những đặc điểm kể trên là điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành nghiên cứu, thu thập số liệu khảo sát. Đồng thời, do TP. Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế- tài chính lớn nên kết quả nghiên cứu ít nhiều có thể mang tính chất đại diện và cũng góp phần giúp chúng ta có cái nhìn tương đối tổng quát hơn về ảnh hưởng của năng lực tâm lý đến kết quả công việc của nhân viên.

Xuất phát từ những lý do trên, tác giả chọn đề tài “Ảnh hưởng của năng lực tâm lý đến kết quả công việc: Nghiên cứu nhân viên ngân hàng và công ty thương mại- dịch vụ tại TP.Hồ Chí Minh”.

1.2. Mục tiêu nghiên cứu

Xác định các yếu tố thuộc năng lực tâm lý ảnh hưởng đến kết quả công việc của nhân viên ngân hàng và nhân viên công ty thương mại- dịch vụ tại TP.Hồ Chí Minh.

Kiểm định xem có sự khác nhau về mức độ ảnh hưởng của năng lực tâm lý đến kết quả công việc giữa nhân viên ngân hàng và nhân viên công ty thương mại- dịch vụ hay không?

1.3. Phạm vi nghiên cứu

Đối tượng khảo sát là các nhân viên ngân hàng tại TP.Hồ Chí Minh, cỡ mẫu: 150 và các nhân viên công ty thương mại- dịch vụ tại TP. Hồ Chí Minh, cỡ mẫu: 150.

Đề tài này chỉ tập trung nghiên cứu vào ảnh hưởng năng lực tâm lý đến kết quả công việc của nhân viên ngân hàng và nhân viên công ty thương mại- dịch vụ.


1.4. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện thông qua hai bước: nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức.

Nghiên cứu sơ bộ:

Nghiên cứu sơ bộ được thực hiện bằng phương pháp định tính và định lượng. Các nghiên cứu sơ bộ này được thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm mục đích xây dựng và hoàn thiện bảng phỏng vấn. Nghiên cứu định tính sơ bộ thông qua phỏng vấn sâu một số chuyên gia với mục đích điều chỉnh và bổ sung thang đo năng lực tâm lý cho phù hợp với đặc thù của loại hình ngân hàng và công ty thương mại- dịch vụ. Nghiên cứu định lượng sơ bộ được thực hiện bằng kỹ thuật phỏng vấn trực tiếp 50 nhân viên ngân hàng và 50 nhân viên công ty thương mại- dịch vụ thông qua bảng câu hỏi.

Thông tin thu thập được từ nghiên cứu định lượng này dùng để sàng lọc các biến quan sát (biến đo lường) dùng để đo lường các khái niệm thành phần của năng lực tâm lý. Phương pháp độ tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA thông qua phần mềm SPSS 16.0 được sử dụng ở bước này.

Nghiên cứu chính thức:

Nghiên cứu chính thức cũng được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định lượng, dùng kỹ thuật thu thập thông tin trực tiếp bằng bảng câu hỏi phỏng vấn. Nghiên cứu chính thức này cũng được tiến hành tại TP. Hồ Chí Minh. Mục đích của nghiên cứu này nhằm thu thập, phân tích dữ liệu khảo sát, khẳng định lại các thành phần cũng như giá trị và độ tin cậy của thang đo năng lực tâm lý, và kiểm định mô hình lý thuyết.

Phương pháp độ tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA) được sử dụng để đánh giá thang đo. Phương pháp phân tích mô


hình hồi quy bội thông qua phần mềm SPSS 16.0 được sử dụng để kiểm định mô hình nghiên cứu.

1.5. Ý nghĩa thực tiễn của đề tài

Đề tài góp phần xác định các nhân tố của năng lực tâm lý có tác động tích cực lên kết quả công việc của nhân viên ngân hàng và nhân viên công ty thương mại- dịch vụ để từ đó các ngân hàng và các công ty thương mại- dịch vụ đưa ra các biện pháp nhằm nâng cao kết quả công việc cho nhân viên của mình.

Đề tài cũng góp phần xác định xem có sự khác biệt về mức độ ảnh hưởng của năng lực tâm lý đến kết quả công việc của nhân viên hiện đang làm việc trong hai loại hình doanh nghiệp ngân hàng (doanh nghiệp đặc thù) và công ty thương mại- dịch vụ (loại hình doanh nghiệp phổ biến) hay không. Từ đó, giúp có cái nhìn tương đối tổng quan về kết quả công việc của nhân viên thuộc hai loại hình doanh nghiệp này.

1.6. Kết cấu của đề tài

Kết cấu của đề tài bao gồm 5 chương:

Chương I: Giới thiệu tổng quan về lý do hình thành đề tài; mục tiêu, phạm vi và phương pháp nghiên cứu cũng như những ý nghĩa thực tiễn mà đề tài mang lại

Chương II: Giới thiệu các cơ sở lý thuyết của đề tài và thiết kế mô hình nghiên cứu

Chương III: Thiết kế nghiên cứu Chương IV: Phân tích kết quả khảo sát

Chương V: Nêu lên các ý nghĩa và kết luận chính của đề tài, hàm ý chính sách cho doanh nghiệp, những hạn chế của đề tài và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo.


CHƯƠNG II

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU


2.1. Giới thiệu

Chương II trình bày những nội dung lý thuyết làm cơ sở cho nghiên cứu này. Chương này cũng trình bày mô hình nghiên cứu và xây dựng các giả thiết nghiên cứu.

2.2. Các nghiên cứu về tạo động lực làm việc cho người lao động

Như tác giả đã trình bày ở chương I, việc tạo động lực cho nhân viên làm việc một cách hiệu quả nhất cho doanh nghiệp, từ đó giúp nâng cao kết quả công việc của nhân viên nói riêng và của doanh nghiệp nói chung là một vấn đề được các nhà quản trị doanh nghiệp quan tâm xem xét nhằm tồn tại và phát triển được trong tình hình khủng hoảng, suy thoái và cạnh tranh hiện tại. Đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Dưới đây là một số các lý thuyết cơ bản:

2.2.1. Thuyết nhu cầu của Abraham Maslow

Lý thuyết này xây dựng theo nguyên tắc cho rằng nhà quản trị muốn quản trị hiệu quả thì phải chú ý đáp ứng nhu cầu của con người. Có 5 nhu cầu cơ bản từ thấp đến cao, đó là: nhu cầu sinh học, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu tự thể hiện.

2.2.2. Thuyết ERG của Clayton Aldefer

Là giải pháp đơn giản hóa tháp nhu cầu của Maslow, Clayton Aldefer xác định 3 nhu cầu cơ bản của con người là: nhu cầu tồn tại (bao gồm nhu cầu sinh học và nhu cầu an toàn), nhu cầu quan hệ (bao gồm nhu cầu xã hội và nhu cầu được tôn trọng), nhu cầu phát triển.

Xem tất cả 110 trang.

Ngày đăng: 02/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí