Yếu tố truyền thống trong nghệ thuật sắp đặt Việt Nam giai đoạn 1995 - 2018 - 14


chạy chức, chạy quyền, mua bán bằng cấp, những bon chen, cạnh tranh không lành mạnh để có được “cái ghế” quyền lực bằng mọi giá (H.4.3.6, tr.222). Ánh sáng hắt lên màu đỏ ký hiệu ẩn dụ về mức độ báo động cao, màu đỏ trong tác phẩm này không chỉ có tác dụng làm nổi bật chiếc ghế nóng, mà còn gợi cho người xem liên tưởng đến phần trong sáng của tâm hồn và bản tính “tham, sân, si” ngự trị trong mỗi con người.

Tiếp thu tinh thần thẩm mỹ hài hòa, dung dị với đặc điểm tạo hình giản lược, họa tiết trang trí cách điệu cao, màu sắc tượng trưng từ quan niệm dân gian truyền thống, các nghệ sĩ bản địa đã tạo cho Sắp đặt Việt Nam một sắc thái độc đáo, riêng biệt. Tác phẩm Sắp đặt Đồng vọng (2007) (H.4.3.5, tr.222), trưng bày tại Triển lãm “Đàn bà và Nghệ thuật”, Gallery Maison des Arts, Hà Nội, của Đặng Thị Khuê, gồm những thân gỗ nguyên vỏ, phần đầu tạc những cách tay thô mộc, đang giơ lên như những rừng tay chới với, cầu cứu. Với những hình khối chắc nịnh, thô mộc, bố cục phân lớp không gian hướng ngang, tạo nên thông điệp về sự kêu cứu khẩn thiết của đại ngàn, về nạn phá rừng do con người là thủ phạm, tạo cho người xem ấn tượng mạnh.

Liên hệ với một số tác phẩm Sắp đặt quốc tế, một số nghệ sỹ cũng sử dụng những chất liệu, hiện vật truyền thống của họ để xây dựng tác phẩm phản ánh chủ đề phản biện xã hội mạnh mẽ. Tiêu biểu phải kể đến nghệ sỹ Ngải Vị Vị (Ai Wei Wei) của Trung Quốc. Trong tác phẩm Sắp đặt Ghế, ông sử dụng hàng loạt ghế gỗ cổ của Trung Quốc xếp chồng lên nhau, chân ghế hướng ra xung quanh, tạo được ấn tượng mạnh. Hay như trong tác phẩm khác, ông sử dụng nhiều bình gốm cổ của Trung Quốc, phủ bên ngoài bằng màu sắc sặc sỡ, xếp thành hàng dài…Thậm chí, trong thực hành nghệ thuật Đánh rơi bình cổ đời Hán, có phần cực đoan của mình, Ngải Vị Vị đã tự tay đập vỡ nhiều chiếc bình gốm cổ quý giá. Qua những tác phẩm của Ngải Vị Vị, người xem có thể liên hệ với rất nhiều cách hiểu khác nhau, trong đó tác phẩm phát ra hai thông điệp mấu chốt mà người xem dễ dàng liên hệ đó là: Xóa bỏ truyền thống để xây dựng cái mới (đập vỡ bình gốm cổ); Xây dựng cái mới


trên nền tảng kế thừa truyền thống (bình gốm cổ được nhúng sơn đầy màu sắc, ghế cổ được xếp chồng lên nhau). Bên cạnh đó, Chủ đề phản biện xã hội đương đại cũng được một số nghệ sĩ ở châu Á thể hiện rất ấn tượng. Tác phẩm Sắp đặt Thiên thư (1989) có nghĩa Sách trời của Từ Băng (Trung Quốc) sử dụng những ký tự trong bộ gốc chữ Hán cổ được ông tạo mới, khắc thành 4000 chữ in lên cuốn sách trục cuộn, khổ lớn. Điều đáng nói ở đây là ngay cả người Trung Quốc cũng không thể đọc được những chữ in trong sách, khiến họ vô cùng tức giận. Tuy nhiên, tác giả cuốn sách đã rất thành công trong việc lấy chính văn hóa truyền thống để phản biện xã hội, thông qua Nghệ thuật Sắp đặt. Thông điệp của Thiên thư là mọi dân tộc đều bình đẳng khi đứng trước cuốn Sách trời. Nói như tác giả Nguyễn Thế Sơn: “Ông đã buộc người xem phải tự nhìn nhận lại vấn đề tính khả tín của văn tự, buộc người xem phải nhìn tác phẩm của ông bằng con mắt khác - con mắt của tư duy” [81, tr.52]. Tương tự, trong một tác phẩm Sắp đặt khác, Từ Băng sử dụng hình tượng lồng chim được ghép từ nhiều chữ điểu cắt từ tấm đồng, tạo nên một vẻ đẹp ấn tượng. Từ Băng không ngừng khai thác vẻ đẹp kỳ bí của ký tự Hán cổ, với vô số những chữ điểu (chim) được cắt và ghép thành chữ bird (chim) trong tiếng Anh để thiết lập tác phẩm Sắp đặt mang tầm quốc tế.

Như vậy, có thể nhận biết YTTT trong chủ đề phản biện xã hội thông qua sự đối lập giữa truyền thống với hiện đại. NTSĐVN có YTTT đã thể hiện tốt vai trò chuyển tải thông điệp, là phương tiện nổi trội phản chiếu kịp thời những biến động trong đời sống đương đại, chủ để phản biện xã hội - vấn đề kiêng kỵ, mà nghệ thuật truyền thống hiếm khi đề cập, hoặc tránh né. YTTT có khả năng khơi gợi cho nghệ sĩ lồng ghép tư tưởng, thái độ, cá tính sáng tạo, đáp ứng thay đổi của xã hội và đòi hỏi xã hội phải cải biến. Tác giả IoIa Lenzi nhận định: “các thể loại, và kỹ thuật biểu đạt gắn liền với truyền thống đang đi vào đương đại, thì các chủ đề có nguồn cội từ di sản cổ xưa ... đang theo con những con đường mới lạ yêu thích sử dụng” [87, tr.108]. Tuy chủ đề rất hiếm gặp trong nghệ thuật truyền thống, song các yếu tố truyền thống, hình tượng, biểu tượng, hiện vật,


chất liệu bản địa, quan niệm dân gian...được các nghệ sĩ sử dụng như một bệ đỡ tinh thần, đề nương tựa, lồng ghép thái độ, tư tưởng nghệ thuật nhằm biểu đạt chủ đề này. Họ đang khai thác các YTTT bản địa để tạo ra “một truyền thống mới” từ truyền thống, đáp ứng sự thay đổi của xã hội đương đại.

Tiểu kết

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 236 trang tài liệu này.

Nội dung triển khai trong chương hai nhằm chỉ rõ biểu hiện YTTT trong hình thức và chủ đề của tác phẩm Sắp đặt Việt Nam giai đoạn 1995 - 2018. YTTT biểu hiện rõ nét thông qua hình thức và chủ đề của tác phẩm như: tạo hình, trang trí dân gian, không gian di sản, chất liệu bản địa; chủ đề tín ngưỡng, ký ức và phản biện xã hội. Đó là những biểu hiện nổi bật của YTTT trong NTSĐVN giai đoạn này.

Chỉ rõ YTTT trong NTSĐVN giai đoạn này đã tạo nên một sự nhận diện văn hóa nghệ thuật biểu hiện rõ nét qua hình thức và chủ đề tác phẩm.

Yếu tố truyền thống trong nghệ thuật sắp đặt Việt Nam giai đoạn 1995 - 2018 - 14

YTTT không chỉ góp phần tạo cho các tác phẩm Sắp đặt Việt Nam giai đoạn này có được một ấn tượng thị giác mạnh, mà còn phản ánh sâu sắc các vấn đề đương đại qua các chủ đề phong phú, đa dạng.

Nhận định YTTT trong NTSĐVN là phương tiện nghệ thuật nổi trội so với các loại hình nghệ thuật truyền thống vốn có, phản chiếu kịp thời những thay đổi, biến động của đời sống đương đại.

Các tác phẩm Sắp đặt Việt Nam có YTTT giai đoạn này là cầu nối quan trọng giữa truyền thống với hiện đại, giữa tính quốc tế với tính dân tộc, đáp ứng thay đổi của xã hội và đòi hỏi xã hội phải cải biến trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu và hội nhập quốc tế.


Chương 3

ĐẶC ĐIỂM VÀ GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA TÁC PHẨM SẮP ĐẶT VIỆT NAM CÓ YẾU TỐ TRUYỀN THỐNG GIAI ĐOẠN 1995 - 2018

3.1. Đặc điểm nghệ thuật

YTTT biểu hiện rõ nét trong các tác phẩm Sắp đặt Việt Nam giai đoạn 1995 - 2018 là điều không thể phủ nhận. Qua đó, có thể nhận biết những đặc điểm của NTSĐVN như: tính tượng trưng, ước lệ; tính biểu cảm dân gian; tính xung đột giữa truyền thống với hiện đại. Những đặc điểm nổi bật này tạo cho NTSĐVN vẻ đẹp độc đáo và ý nghĩa sâu sắc.

3.1.1. Tính tượng trưng, ước lệ

Các tác phẩm Sắp đặt Việt Nam có YTTT biểu hiện rõ rệt màu sắc tượng trưng và không gian ước lệ. Tuy cùng hướng đến một mục tiêu khám phá vũ trụ làm cơ sở lý giải cuộc sống và tích lũy tri thức, song phương Đông và phương Tây đều tìm ra cách tiếp cận riêng biệt. Nếu triết học phương Tây gắn liền với khoa học thực chứng, đo lường chính xác bằng những con số, thì minh triết phương Đông lại tìm đến những nguyên lý mang tính ước lệ bằng cảm quan. Văn hóa người Việt thấm đẫm minh triết phương Đông với triết lý âm dương và quan niệm ngũ hành (Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) tương ứng với năm năm hướng (trung tâm, Đông, Tây, Nam, Bắc) với năm màu ký hiệu (trắng, xanh, đen, đỏ, vàng). Thế giới quan của người Việt được hình thành từ nền tảng triết lý âm dương và quan niệm ngũ hành, từ việc mệnh của mỗi người sinh ra đều thuộc một trong năm hành cho đến việc giải thích mọi hiện tượng tự nhiên và biểu đạt văn hóa nghệ thuật. Do đó, ngũ sắc biểu hiện khá rõ nét trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, chẳng hạn: mâm ngũ quả, cờ hội làng, cờ đám tang ngũ sắc, ngựa đồ mã năm màu, đồ thờ năm chất liệu trên ban thờ gia tiên...; trong nghệ thuật dân gian, tranh Ngũ hổ biểu hiện rõ quan niệm này. Tranh Tam tòa, Tứ phủ của dòng tranh dân gian Hàng Trống cũng biểu hiện rõ màu sắc tượng trưng. Liên hệ Nghệ thuật Sắp đặt với truyền


thống, có thể thấy cách bày biện, bài trí trong đời sống tâm linh, trang trí trong nghệ thuật truyền thống, có ảnh hưởng tích cực tới hình thức Sắp đặt.

Một số tác phẩm Sắp đặt có YTTT biểu hiện đặc điểm màu sắc tượng trưng, không gian ước lệ, gắn liền với màu sắc trong lễ hội và nghi lễ tín ngưỡng truyền thống như các tác phẩm Sắp đặt của Đặng Thị Khuê, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Minh Thành, Đinh Khắc Thịnh,... Trong đó, tác phẩm Sắp đặt Ngày và đêm (1996) gồm 6 cánh tay gỗ, chia thành 3 bộ, được treo dưới những chiếc khay sơn mài phủ màu đỏ, vàng, đen, tạo thành ký hiệu tượng trưng cho ngày và đêm, cho những tầng trời - nơi trú ngụ của những vị thần linh, của thế lực siêu nhiên huyền bí. Tính tượng trưng, ước lệ còn thể hiện ở những cánh tay gỗ mộc mạc, ẩn dụ về sự có mặt của con người ở giữa trời và đất, tạo thành biểu tượng cô đọng về triết lý âm - dương, gắn với quan niệm tam tài của người phương Đông. Những cánh tay với lối tạo hình mộc mạc trong tác phẩm vừa gợi cho người xem cùng lúc liên tưởng đến vẻ đẹp linh thiêng toát ra từ những cánh tay mang biểu tượng cứu độ chúng sinh của tượng phật Quan Âm thiên thủ thiên nhãn vừa mang vẻ đẹp dung dị, gần gũi đời thường của cánh tay người thôn nữ rắn rỏi, gắn liền với lao động, với nắng mưa nơi đồng ruộng. Tương tự, màu sắc tượng trưng và không gian ước lệ biểu hiện rõ nét trong tác phẩm Sắp đặt Một tâm hồn (1996) (H.4.1.7, tr.206) với những đôi chân gỗ, guốc mộc, dải thắt lưng ngũ sắc, mành tre thưa..., tạo cho hình tượng mang tính tự do, siêu thực. Đặc biệt lối bố cục nhiều lớp, tạo một không gian nửa hư nửa thực, với cảm nhận vừa cụ thể vừa siêu hình, mang tính ước lệ cao. Tính tượng trưng, ước lệ cũng thể hiện rõ nét trong Sắp đặt Hồ Xuân Hương (1996), tổ hợp đồ vật như cánh tay, quạt được bày trên chiếc ghế gỗ, có khả năng chuyển động linh hoạt xoay quanh một trục cố định. Với ngôn ngữ điêu khắc kết hợp trong tổ hợp đồ vật tạo nên một ký hiệu ẩn dụ về hình tượng “Bà chúa thơ Nôm” biểu đạt cung bậc tình cảm, thái độ khá phức tạp của hình tượng: vừa thầm kín, dịu dàng vừa kiêu hãnh,


quyết liệt. Những cánh tay tạo hình mộc mạc, dung dị, đặt ngang tầm mặt người xem, chính giữa là chiếc quạt giấy xòe ra để lộ phần xương quạt nhô cao, gai góc, tạo cho tác phẩm cảm giác tĩnh mà động.

Tính tượng trưng, ước lệ biểu hiện qua màu sắc và không gian bố cục của tác phẩm Sắp đặt Chuyện của đình cũng tạo nên một đặc điểm nổi bật. Các dải lụa màu ngũ sắc thường thấy ở đồ mã, bùa chú trong đời sống tín ngưỡng truyền thống, được sử dụng kết hợp với hình tượng cánh diều vẽ trang trí họa tiết điêu khắc đình làng và bãi thóc tạo hình xoáy tròn. Màu ngũ sắc từ các dải lụa tượng trưng cho ngũ phương, ngũ hành trong quan niệm dân gian, có tác dụng trừ tà, diệt ma khi làm bùa chú. Các dải lụa ngũ sắc này không chỉ tạo cho tác phẩm Sắp đặt một ấn tượng thị giác mạnh, mà còn là nơi công chúng có thể tự do đọc, viết, vẽ khi tương tác với tác phẩm. Cách diều cong vút tượng trưng cho mái đình cổ kính. Sân thóc vàng óng tượng trưng cho đời sống của con người đương đại. Tổ hợp đồ vật trong tác phẩm Sắp đặt Chuyện của đình được bố cục phân lớp không gian hướng dọc, tạo nên ba lớp không gian ước lệ, ẩn dụ về tầng trời, tầng người và tầng đất, tạo cho người xem cảm nhận về không gian đình làng, về cuộc sống nơi thôn quê và những giá trị văn hóa, nghệ thuật của di sản trong cuộc sống đương đại. Mỗi người xem lại tìm thấy một hay nhiều lớp ý nghĩa mở ở tác phẩm trong quá trình thưởng thức, tương tác và suy ngẫm.

Tính tượng trưng, ước lệ cũng biểu hiện rõ trong các tác phẩm Sắp đặt Nguyện cầu (2007) (H.4.1.13, tr.209) của Đặng Thị Khuê, Rằm tháng Bảy, Một câu chuyện như mọi câu chuyện khác (1997), Một con đường (1999), Đồng lúa (1999)... đều sử dụng bảng màu tương phản mạnh đỏ, vàng, đen, trắng thường thấy trong nghi lễ tín ngưỡng, ma chay của người Việt, biểu hiện tính tượng trưng, ước lệ. Ví dụ tác phẩm Sắp đặt Đồng lúa (1999) của Nguyễn Minh Thành, kiến tạo từ vô số những chân nhang, nhuộm đỏ, cắm ngược trong bố cục hình vuông, tạo nên một tác phẩm Sắp đặt vừa mang tính tâm linh vừa


mang thẩm mỹ tạo hình truyền thống trong hình thức mới. Trong văn hóa tâm linh của người Việt, màu đỏ là màu của sự thiêng liêng, màu của sự sống, do đó trong nhiều nghi lễ cúng tế truyền thống máu động vật được dùng để hiến tế thần linh và xua đuổi tà ma. Màu đỏ còn có ý nghĩa của sự nhiệt huyết, may mắn, đấu tranh, hy sinh..., được chọn làm màu quốc kỳ, biểu tượng của một dân tộc. Tác phẩm Sắp đặt Đồng lúa (H.4.1.17, tr.211), yếu tố màu sắc của những thẻ hương với ký hiệu ẩn dụ về tâm linh của chính nó để xây dựng tác phẩm, đồng thời những ký hiệu tâm linh này tiếp tục sản sinh ký hiệu thẩm mỹ khi được tạo hình nên Sắp đặt trở thành đa nghĩa trong sự ẩn dụ, gợi ý của tác phẩm mà người xem có thể thỏa sức liên tưởng, suy ngẫm. Nhận xét về Sắp đặt Đồng lúa của Nguyễn Minh Thành, tác giả Bùi Như Hương cho rằng: “đã tạo ra một thẩm mỹ mới lạ đột ngột, ...toàn chân nhang màu đỏ, song màu đỏ ở đây mang nhiều ý nghĩa tượng trưng: màu của cờ, của máu, của lễ hội, niềm vui, và nhiều ý nghĩa tinh thần khác đối với người Việt” [34, tr.87].

Tính tượng trưng, ước lệ tạo nên đặc điểm nghệ thuật riêng biệt trong nhóm tác phẩm Sắp đặt, sử dụng chất liệu sơn mài truyền thống như: Chén và đũa 1945 của Lê Đức Hải - Lê Ngọc Thanh với 1945 chiếc bát phủ sơn mài. Tác phẩm Sắp đặt này kết hợp hai màu truyền thống đỏ - vàng, tương phản mạnh, làm nổi bật thông điệp ám ảnh về nạn đói từng làm chết khoảng 2 triệu người dân Việt Nam năm 1945, khi phát xít Nhật bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay. Trong đó, màu sắc tượng trưng, khơi gợi cho người xem nhiều cảm xúc, suy ngẫm có thể liên tưởng. Tương tự, sử dụng sơn mài truyền thống để kiến tạo tác phẩm Sắp đặt với màu sắc tượng trưng, ước lệ nổi bật trong nhóm tác phẩm Sắp đặt của tác giả Oanh Phi Phi như: Palimpsest (2014) tại Fost Gallerry, Singapore; Specula (2008) tại Nhà triển lãm thành phố Hà Nội; Ba Đình dấu cũ, hội nước là đây (2018) tại đường hầm lối vào Nhà Quốc hội. Ở tác phẩm Sắp đặt này, kiến tạo từ đôi câu đối hình lòng máng, bức tranh tấm chiếu cũ chất liệu sơn mài theo lối cổ, tác giả tiến hành chuyển dịch nội dung


ký tự của đôi câu đối truyền thống thành ký hiệu màu sắc, hình ảnh tương ứng, tạo nên hiệu quả rất độc đáo. Ví dụ chữ thiên được thay bằng màu đỏ (nóng), hình trăng sao (trên); đối lại với chữ địa là màu xanh (lạnh), hình hoa cỏ (dưới), chẳng hạn. Màu sắc tượng trưng, không gian ước lệ của tác phẩm Sắp đặt này còn biểu hiện quan niệm của triết lý âm dương, tam tài (thiên, địa, nhân) nữa, hình ảnh chiếc chiếu cũ sờn ẩn dụ về sự có mặt của con người ở giữa trời và đất.

Nhóm tác phẩm Sắp đặt sử dụng màu sắc tượng trưng, không gian ước lệ truyền thống có thể kể thêm như: Những áng mây xưa (2011) của Nguyễn Minh Thành; Nấc thang (2008) của Lê Văn Sửu; Chen lấn (2013) của Nguyễn Ngọc Lâm; Hội tụ ánh sáng (2009) của Đào Anh Khánh; Thuyền hoa giấy (2008) của Đinh Khắc Thịnh; Giường nội trú (2011) của Lê Đức Hải - Lê Ngọc Thanh; Trung thu (2007) của Lê Trần Hậu Anh,...

Một số nghệ sỹ quốc tế cũng rất thành công khi sử dụng màu sắc để xây dựng tác phẩm Sắp đặt. Nếu Sài Quốc Cường được biết đến là một nghệ sỹ bậc thầy sử dụng thuốc súng và sắc màu pháo hoa truyền thống của Trung Hoa để làm Sắp đặt, tạo hình rồng biểu tượng quyền lực, thì James Turrell, Dan Flavin lại nổi tiếng với việc sử dụng ánh sáng màu từ đèn neon để tạo dựng không gian. Trong Sắp đặt Monument 4 liên quan tới cuộc chiến tranh Việt Nam, từ ký ức khiếp đảm về cung nỏ mà du kích Việt Nam dùng tiêu diệt nhiều binh sĩ Mỹ, Dan Flavin đã sử dụng những chiếc đèn neon màu đỏ như máu nhuốm cả không gian, tạo thành chiếc cung từ góc tường, cao ngang tầm ngực, một chiếc đèn neon hướng thẳng như mũi tên mắc sẵn trong dây nỏ, khiến cho người xem có cảm giác sợ hãi khi đứng trước Sắp đặt này.

Như vậy, yếu tố tạo hình, trang trí dân gian với màu sắc tượng trưng truyền thống trong các tác phẩm Sắp đặt có thể đồng thời biểu đạt nhiều ý nghĩa phản ánh giá trị thẩm mỹ, nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Việt vốn gắn liền với văn minh lúa nước, mang đậm triết lý âm dương ngũ hành.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/02/2024