Đồng thời, các tác phẩm Sắp đặt có YTTT giai đoạn này chịu ảnh hưởng tích cực từ bố cục đăng đối và bố cục phân lớp không gian. Lối bố cục truyền thống này thể hiện rất rõ trong trong kiến trúc truyền thống như cổng tam quan, nghi môn, hoành phi câu đối (đăng đối); trong tranh thờ miền núi, mặt bằng kiến trúc đình, chùa, nhà ở truyền thống (phân lớp không gian). Nói về tầm quan trọng của bố cục trong tác phẩm Sắp đặt Việt Nam, tác giả Natalia Kraevskaia cho rằng: “Năng lực ngữ nghĩa của Nghệ thuật Sắp đặt được xác định không chỉ bằng chiều sâu tượng trưng của nó mà cả bằng bố cục” [66, tr.44]. Trong lĩnh vực tạo hình, trang trí, kiến trúc truyền thống của người Việt, lối bố cục đăng đối xuất hiện khá phổ biến. Những bức tượng tạo hình tiêu biểu như tượng Phật A Di Đà chủa Phật tích, tượng Thiên thủ thiên nhãn, Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp, tranh Vinh hoa - Phú quý, tứ quý, tố nữ, cổng Tam quan, nghi môn, kiến trúc đình chùa, đền đài, lăng tẩm, hồ, tháp, hoành phi, câu đối, ngũ sự; các môn thể thao có tính chất đối kháng và một số trò chơi dân gian như: ô ăn quan; kéo co... cũng phản ánh rõ tinh thần và quan niệm của lối bố cục này. Bố cục đăng đối thể hiện trạng thái tĩnh, trang nghiêm, hài hòa của quy luật âm dương trong quan niệm dân gian. Một số tác phẩm Sắp đặt Việt Nam thể hiện rõ nét lối bố cục đăng đối như: Ký tự (2013), Ngày và đêm (1996) của Đặng Thị Khuê; Lạc chốn (2016) của Bùi Công Khánh; Đối diện (2016) của Phan Lê Chung, Om ma ni pad me hum (2016) của Nguyễn Đức Phương, Những cái túi (2017) của Trần Đức Quý.
Bố cục phân lớp không gian cũng thấy xuất hiện trong nhiều tác phẩm Sắp đặt Việt Nam giai đoạn này, tạo nên sự sinh động khác lạ, không gian và thời gian chỉ còn mang tính ước lệ, phụ thuộc vào ý niệm của chủ thể sáng tạo. Có khi tất cả đều được hiển thị trên cùng một tác phẩm, phá bỏ trật tự thông thường, lgich (chặt) khoa học về không gian và thời gian mà tạo lập sự biểu đạt chủ quan với một logich (lỏng) dân gian. Những biểu hiện của lối bố cục này có thể thấy rõ qua cách phân lớp không gian trong kiến trúc tín
ngưỡng truyền thống; cách bài trí tượng Phật (tam thế); tranh thờ miền núi, tranh Hàng Trống, điêu khắc đình làng... Bố cục phân lớp không gian, tạo cho nghệ thuật phong phú về hình thức và nội dung, thiết lập một thẩm mỹ mới lạ, phá bỏ quan niệm duy lý về không gian và thời gian, gợi mở một hướng sáng tạo đầy tiềm năng, mà NTSĐVN có thể khai thác.
Điểm mạnh của tác phẩm Sắp đặt có bố cục phân lớp không gian là có thể hiển thị tối đa tổ hợp đồ vật, song hạn chế của lối bố cục này là chiếm mất nhiều diện tích bề mặt nơi trưng bày. Một số Sắp đặt có bố cục phân lớp không gian tiêu biểu như: Ký tự (2013), Âm hưởng đại ngàn (2014) của Đặng Thị Khuê; Đồng đội, Mùa vàng của Nguyễn Bảo Toàn; Vạc & Xổm, Qua phố nhớ gì? của Trần Hậu Yên Thế; Hóa thạch của Vương Văn Thạo; Đơn hàng (2017) của Đào Đình Tân.
Tóm lại, đặc điểm tính tượng trưng, ước lệ trong các tác phẩm Sắp đặt Việt Nam có YTTT giai đoạn này biểu hiện rõ nét qua hình thức và chủ đề tác phẩm. Đặc điểm này được nhận biết qua màu sắc, không gian và bố cục tác phẩm, tạo nên dấu ấn và giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Bên cạnh đó, NTSĐVN giai đoạn này còn mang đặc điểm tính biểu cảm dân gian góp phần chuyển tải thông điệp hiệu quả.
3.1.2. Tính biểu cảm dân gian
Tính biểu cảm dân gian được hiểu đơn giản là những biểu hiện trạng thái cảm xúc, chất cảm để lại dấu ấn trên tác phẩm, lưu truyền trong cộng đồng. Khác với khoa học duy lý, NTSĐVN không biểu hiện bằng công thức, định lý trừu tượng, mà biểu hiện “ký hiệu biểu hình” nhằm thị giác hóa cảm nhận, ý niệm, thái độ, ý tưởng tác phẩm thông qua hình tượng nghệ thuật, thủ pháp dân gian và tiếng nói của hiện vật thủ công, chất liệu bản địa.
Đặc điểm của các tác phẩm Sắp đặt Việt Nam có YTTT giai đoạn 1995
Có thể bạn quan tâm!
- Yếu Tố Truyền Thống Qua Chủ Đề Ký Ức
- Yếu Tố Truyền Thống Qua Chủ Đề Phản Biện Xã Hội
- Yếu tố truyền thống trong nghệ thuật sắp đặt Việt Nam giai đoạn 1995 - 2018 - 14
- Đa Dạng Biểu Đạt Qua Hình Thức Và Chủ Đề Tác Phẩm
- Luận Bàn Về Vai Trò, Giá Trị Và Xu Hướng Tiếp Cận Truyền Thống
- Yếu tố truyền thống trong nghệ thuật sắp đặt Việt Nam giai đoạn 1995 - 2018 - 18
Xem toàn bộ 236 trang tài liệu này.
- 2018 là tính biểu cảm dân gian với vẻ đẹp mộc mạc, dung dị, toát nên tinh thần thẩm mỹ dân tộc. Đặc điểm này được hình thành nhờ tổ hợp hiện vật mỹ
thuật, đồ thủ công truyền thống, họa tiết, màu sắc dân gian và chất cảm của chất liệu bản địa xây dựng tác phẩm Sắp đặt. Bản thân những hiện vật truyền thống của người Việt, được dân gian sáng tạo đã chứa đựng tinh thần thẩm mỹ, giá trị tư tưởng, văn hóa, lịch sử của cộng đồng văn minh lúa nước. Do đó, tác phẩm Sắp đặt sử dụng các hiện vật truyền thống thường mang lại cảm giác gần gũi, dễ tiếp nhận. Đặc biệt, những bức tượng, những con rối nước, những họa tiết đã trở thành hình tượng, biểu tưởng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc như chú Tễu, thằng Bờm, tượng nhà mồ Tây Nguyên, tượng thờ, họa tiết điêu khắc đình làng, họa tiết trang trí trống đồng Đông Sơn, giàu trạng thái cảm xúc của nghệ sĩ, chất cảm của chất liệu. Những sản phẩm này được kết tinh từ khiếu nghệ thuật và trí tuệ của dân tộc thuần nông thời xưa nên thường mang vẻ đẹp mộc mạc, dung dị, phản ánh sâu đậm tư tưởng, ước vọng của người nông dân. Những hình tượng được dân gian xây dựng luôn gắn liền với đời sống văn hóa bản địa và những tư tưởng triết lý, tín ngưỡng, tôn giáo lớn. Ví dụ hình tượng chú Tễu, chất liệu gỗ phủ sơn ta, trong tác phẩm Sắp đặt Những gương mặt cuộc đời của tác giả Chu Lượng chẳng hạn. Nhân vật Tễu được dân gian xây dựng thành hình tượng đứa trẻ với thân hình và vẻ mặt đầy đặn, hồn hậu, da trắng, tóc búi chỏm, miệng cười tươi biểu cảm sự lạc quan, vui vẻ, hồn nhiên của đứa bé nông thôn xưa. Trang phục đơn sơ, không cầu kỳ, diêm dúa như trang phục của tầng lớp quý tộc hay trang phục của nhân vật thần tiên mà để lộ cánh tay trần và phần bụng.
Tuy thân phận là đứa trẻ nông thôn, song trên sân khấu rối nước, Tễu trở thành hình tượng nổi bật bước ra ngoài thân phận để hóa thân thành nhân vật trung tâm mang tư tưởng của quần chúng, khi dẫn chuyện, khi thẳng thắn chế giễu thói hư, tật xấu của tầng lớp quan lại, trọc phú. Các con rối mang đậm tính biểu cảm dân gian với số lượng lớn trong tác phẩm Sắp đặt Những gương mặt cuộc đời (H.4.1.4, tr.204) đã tạo nên một bức tranh sinh động về xã hội xưa, phản ánh sâu sắc tư tưởng nhân văn và vấn đề phản biện xã hội
đương đại, tạo nên đặc điểm nhận diện và biểu đạt đa dạng văn hóa trong xu thế hội nhập quốc tế. Do vậy, các tác phẩm Sắp đặt sử dụng tổ hợp các hiện vật, họa tiết truyền thống luôn có được lợi thế về tính biểu cảm dân gian mang vẻ đẹp mộc mạc, dung dị khi xây dựng tác phẩm Sắp đặt. Có thể nói, sử dụng YTTT để kiến tạo tác phẩm Sắp đặt tựa như việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để diễn đạt lời thoại, văn bản, luôn có nhiều lợi thế và khả năng chuyển tải tốt nhất thông tin, thái độ, tâm trạng cảm xúc…mà chủ thể muốn bộc lộ. Qua đó, công chúng không chỉ dễ dàng tiếp nhận hình thức biểu hiện mới mà còn cảm nhận được nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử thông qua tính biểu cảm dân gian nơi hình tượng nghệ thuật và chất cảm.
Khai thác tính biểu cảm dân gian từ tượng nhà mồ Tây Nguyên truyền thống khá hiệu quả, phần lớn các tác phẩm Sắp đặt của tác giả Phan Thảo Nguyên sử dụng tổ hợp tượng dân gian được tạo hình hết sức mộc mạc, giản dị với những hình khối giản lược, khái quát. Các nhân vật trong hệ thống tượng nhà mồ Tây Nguyên chủ yếu được các nghệ nhân tạc từ chiếc rìu truyền thống nên hình tượng thường được tạo hình khái quát cao, không chú trọng tới chi tiết mà thể hiện các diện, mảng lớn. Song các nhân vật tượng nhà mồ Tây Nguyên thường toát nên vẻ đẹp mộc mạc, đặc biệt vẻ mặt được các nghệ nhân thể hiện hết sức phong phú, biểu cảm tinh thần, đa dạng trạng thái cảm xúc của từng nhân vật rất ấn tượng.
Bên cạnh một số tượng miêu tả những hoạt động phổ biên trong cuộc sống, tượng mang tính phồn thực, thì tượng chống cằm với vẻ mặt buồn rầu thường dành cho người cao tuổi qua đời, tượng đôi trẻ con vui vẻ ôm nhau nô đùa dành cho đứa trẻ không may lìa đời. Những bức tượng này không chỉ cho thấy độ tuổi của người nằm dưới mộ mà về mặt nghệ thuật, chúng có tính biểu cảm rất cao thông qua lối tạo hình mộc mạc, giản lược, cử chỉ, dáng điệu phong phú của từng nhân vật tượng với màu sắc tự nhiên, thô mộc của chất liệu gỗ hoặc nhuộm màu tương phản mạnh như: đen, trắng, đỏ.
Cụm tác phẩm Sắp đặt Giọt sương Jrai tác giả Phan Thảo Nguyên đã kết hợp vẻ đẹp mộc mạc, dung dị của tượng nhà mồ Tây Nguyên với những hoa văn trang trí màu sắc rực rỡ của đồng bào vùng cao, tạo nên vẻ đẹp thị giác mạnh. Tổ hợp tượng truyền thống giàu tính biểu cảm dân gian trong tác phẩm Sắp đặt Giọt sương Jrai được tác giả không chỉ làm mới trên cốt tượng truyền thống mà còn được bố cục ở một không gian mới, một hình thức nghệ thuật mới, tạo nên sự độc đáo, riêng biệt, thu hút sự chú ý, tương tác của cộng đồng bản địa và công chúng quốc tế.
Tính biểu cảm dân gian còn được thể hiện qua màu sắc gắn liền với màu sắc của lễ hội, tín ngưỡng và triết lý âm dương ngũ hành. Màu sắc của đồ mã thể hiện rõ quan niệm này. Màu sắc trong các tác phẩm Sắp đặt như Một tâm hồn, Chuyện của đình, Những áng mây xưa, Nhiệt đới...đều hướng đến tính biểu cảm dân gian với vẻ đẹp mộc mạc, dung dị của chất liệu tự nhiên và đồ thủ công truyền thống. Nếu màu sắc của những dải khăn trong tác phẩm Sắp đặt Một tâm hồn, Nhiệt đới ẩn dụ về tâm hồn kín đáo, sâu lắng của phụ nữ Việt Nam với màu sắc gợi liên tưởng đến ký ức hội hè; thì màu sắc trong tác phẩm Sắp đặt Chuyện của đình, Những áng mây xưa lại gợi nhớ tới giá trị của di sản và màu sắc gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng xưa và nay. Màu sắc trong các tác phẩm Sắp đặt sử dụng đồ mã như Vạc & Xổm, Thông điệp gửi cõi xa, Vòng quay cuộc đời, Tên tôi là… cũng biểu cảm tính dân gian với vẻ đẹp mộc mạc, dung dị của đồ mã và quan niệm âm dương ngũ hành trong đời sống văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống. Nhận xét về đặc điểm của NTSĐVN, tác giả Natalia Krevkaia cho rằng: “có những họa sĩ đã tạo được mối liên hệ giữa những giá trị truyền thống, nguyên lý triết học phương Đông và khái niệm luận phương Tây” [66, tr.42].
Như vậy, các tác phẩm Sắp đặt có YTTT đã tạo nên đặc điểm nổi bật với tính biểu cảm dân gian mang vẻ đẹp mộc mạc, dung dị trong hình thức biểu hiện mới. Tính biểu cảm dân gian được thể hiện thông qua lối tạo hình
nhân vật, đồ vật thủ công và màu sắc gắn liền với quan niệm âm dương ngũ hành. Tính biểu cảm dân gian là hiệu quả tổng hợp từ quan niệm, kỹ thuật tạo hình, màu sắc dân gian cho đến chất liệu bản địa sử dụng để xây dựng tác phẩm. Tính biểu cảm dân gian đã tạo cho tác phẩm Sắp đặt Việt Nam vẻ đẹp riêng biệt và đặc điểm, giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc, dung dị, chuyển tải hiệu quả thông điệp, dễ tiếp nhận, gợi nhiều liên tưởng.
Nhìn chung, NTSĐVN giai đoạn này đã tạo nên đặc điểm nổi bật về tính biểu cảm dân gian. Đặc điểm này biểu hiện phong phú trong các chủ đề của tác phẩm, từ việc khai thác hiện vật truyền thống để tôn vinh truyền thống cho đến chủ đề ký ức lịch sử, trở thành một dấu ấn trong quan niệm sáng tác. Họa sĩ Vũ Đình Tuấn từng phát biểu, đại ý: “Không gì bằng lấy chính truyền thống để nói về truyền thống”. Tuy nhiên, việc sử dụng các hiện vật thủ công truyền thống và các chất liệu bản địa mang sẵn tính biểu cảm dân gian để xây dựng tác phẩm Sắp đặt, là một thách thức đối với bản lĩnh của nghệ sĩ, tránh lệ thuộc, ỉ lại, minh họa một cách dễ dãi, thiếu chiều sâu ý tưởng, là điều cần khắc phục như tác giả Natalia Krevskaia đã chỉ rõ: “Nghệ thuật Sắp đặt Việt Nam lại chỉ tự giới hạn trong khuôn khổ những đồ vật quen thuộc trong bối cảnh dễ hiểu và theo một trật tự nhất định” [66, tr.45]. Sử dụng trực tiếp hiện vật truyền thống, chất liệu bản địa hay khai thác tích chuyện cổ, họa tiết, màu sắc, ca dao, tục ngữ với tính biểu cảm đa dạng để xây dựng tác phẩm tôn vinh truyền thống, tái hiện ký ức về lịch sử, chiến tranh đã trở thành đặc điểm nổi bật của NTSĐVN giai đoạn này. Tính biểu cảm dân gian đã tạo nên một điểm nhấn trong NTSĐVN. Bên cạnh đó, chất vấn về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa quốc tế và dân tộc, toàn cầu và địa phương cũng tạo nên một đặc điểm mang tính xung đột trong tác phẩm.
3.1.3. Tính xung đột giữa truyền thống với hiện đại
Bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu hội nhập quốc tế, đời sống văn hóa, kinh tế xã hội đã có nhiều thay đổi tích cực, đồng thời cũng nảy sinh nhiều
vấn đề mới của đời sống đương đại, trong đó có vấn đề xung đột giữa truyền thống và hiện đại, đối lập giữa thế giới và địa phương, toàn cầu và dân tộc. Tác giả IoIa Lenzi nhận định: “các tác phẩm thể hiện sư cọ xát khi châu Á chạm trán với hiện đại và vấn đề xung đột giữa truyền thống với hiện đại vẫn còn liên quan đến ngày hôm nay” [87, tr.93]. Đây cũng là vấn đề được nhiều nghệ sĩ làm Nghệ thuật Sắp đặt quan tâm, phản ánh qua tác phẩm, tạo nên đặc điểm nổi bật, ấn tượng thị giác mạnh, đa nghĩa. Qua khảo sát thực tiễn có thể nhận thấy, tính xung đột trong các phẩm Sắp đặt có YTTT giai đoạn này chủ yếu được hình thành từ mối quan hệ đối lập giữa tổ hợp đồ vật; mối quan đối lập giữa đồ vật với bối cảnh; mối quan hệ đối lập giữa quan niệm cũ - mới. Các mối mối quan hệ đối lập này tạo nên tính xung đột trong hình thức và chủ đề tác phẩm, biểu hiện thông qua thủ pháp, tạo hình, bố cục, bối cảnh, quan niệm văn hóa, tín ngưỡng...
Mối quan hệ đối lập giữa tổ hợp đồ vật tạo nên tính xung đột: bên cạnh đặc điểm tính tượng trưng, ước lệ, tính biểu cảm dân gian, thì tính xung đột trong các tác phẩm Sắp đặt Việt Nam có YTTT giai đoạn này cũng là một đặc điểm nổi bật. Các tác phẩm thuộc loại này đã không chỉ tạo nên đặc điểm riêng biệt mà còn cho thấy hiệu quả của YTTT trong NTSĐVN khi là thành phần kiến tạo tác phẩm, kịp thời phản chiếu những vấn đề đương đại. Điển hình cho mối xung đột, đối lập giữa tổ hợp đồ vật là tác phẩm sắp đặt Phượt của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng. Sử dụng thủ pháp đối lập, chiếc vỏ xe măng ca phế liệu được đặt chồng lên bốn con rùa, tạo nên sự “xung đột” với bố cục mới lạ. Tác phẩm Sắp đặt này gợi cho người xem sự liên hệ phong phú với những xung đột, những vấn đề nổi cộm trong đời sống đương đại. Mối xung đột, đối lập giữa tổ hợp đồ vật thông qua hình tượng truyền thống, biểu tượng linh thiêng của văn hóa phương Đông (rùa) được làm thủ công với sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt (vỏ xe ô tô), phương tiện giao thông phổ biến trên thế giới được sử dụng trong tác phẩm Sắp đặt Phượt, là ví dụ điển hình.
Mối quan hệ đối lập giữa đồ vật với bối cảnh tạo nên tính xung đột: tổ hợp hiện vật truyền thống trong tác phẩm Sắp đặt Vạc & Xổm của Trần Hậu Yên Thế với những hình nhân thế mạng (tín ngưỡng, thủ công, chất liệu bản địa) tương tác với bối cảnh hiện đại để tạo nghĩa cho tác phẩm. Những hình nhân thế mạng, đồ mã truyền thống, đối lập, tương phản mạnh mẽ với không gian hiện đại, thiết bị công nghệ tân tiến (máy vi tính, điều hòa, camera) của không gian bối cảnh tại Thư viện Hội Đồng Anh ở Hà Nội. Sử dụng YTTT tương tác với bối cảnh, thiết bị hiện đại, Sắp đặt Vạc & xổm (H.4.1.21, tr.213) của Trần Hậu Yên Thế đã thiết lập được ý nghĩa từ chính sự mâu thuẫn, đối lập này. Bản thân cốt đồ mã mang sẵn ký hiệu văn hóa “tâm linh” phổ biến trong nghi lễ truyền thống, là thành phần kiến tạo Sắp đặt này, những hình nhân trống rỗng, ngơ ngác trước màn hình máy tính, hình thành ký hiệu thứ hai ẩn dụ về sự tâm lý tín ngưỡng của người Việt, ngơ ngác bàng hoàng trước tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ký hiệu thẩm mỹ trong Sắp đặt này cũng gợi cho người xem về một thông điệp của sự đề kháng văn hóa trước cơn lốc toàn cầu hóa, một sân chơi của thế giới phẳng. Tác phẩm Sắp đặt Vạc & Xổm đập vào thị giác người xem là sự hỗn độn đến lạc lõng, không ăn nhập của những hình nhân tre đan trống rỗng: Thằng thì ngồi chồm hỗm, thằng thì ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế hiện đại, tệ hơn, vài thằng còn “ngồi tót sỗ sàng” trên giá sách đầy ắp tri thức của nhân loại, trên đầu người xem. “Xổm” cho tới “Vạc” đi, tàn lụi đi. Một cá nhân trống rỗng văn hóa, trí tuệ ắt sẽ dẫn đến hành vi ứng xử sai lệch. Một xã hội trống rỗng thì nguy hại khôn lường... Tác phẩm Sắp đặt Vạc & Xổm là những gợi ý mở, tùy thuộc vào khả năng cảm nhận mà người xem có thể suy ngẫm, đặt ra nhiều câu hỏi khi thưởng thức. Nhấn mạnh đến mối quan hệ của tổ hợp hiện vật với bối cảnh, tác giả Natalia Krevskaia viết: “ý tưởng coi Sắp đặt...gắn liền với một địa điểm ở đó giá trị, ý nghĩa của một vật thể bị gạt bỏ, trọng tâm sự chú ý nhằm vào mối quan hệ và sự tương tác giữa các đồ vật với bối cảnh của chúng để tạo nên một tổng thể”