Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp hoàn thiện - 2

như các sản phẩm Văn hóa truyền thống, chẳng hạn tranh Đông Hồ, gốm Bát Tràng, áo dài tứ thân… Còn giá trị tinh thần được thể hiện ở các phong tục tập quán, các làn điệu dân ca hay chuẩn mực đạo đức của một dân tộc…Văn hóa có mặt trong tất cả các hoạt động của con người cho dù đó chỉ là những suy tư thầm kín, những cách giao tiếp ứng xử hay những hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội…

Theo phạm vi nghiên cứu hẹp hơn, Văn hóa là những hoạt động và giá trị tinh thần của con người. Trong phạm vi này, Văn hóa khoa học (toán học, vật lý, hóa học…) và Văn hóa nghệ thuật (điện ảnh, văn học, âm nhạc…) được coi là hai phân hệ chính của hệ thống Văn hóa.

Theo phạm vi hẹp hơn nữa, Văn hóa được xem như một ngành – ngành Văn hóa nghệ thuật để phân biệt với các ngành kinh tế - kỹ thuật khác. Cách hiểu này thường kèm theo cách đối xử sai lệch về Văn hóa: coi Văn hóa là lĩnh vực hoạt động đứng ngoài kinh tế, sống được là nhờ trợ cấp của Nhà nước và “ăn theo” nền kinh tế.

Các tài liệu nghiên cứu, sách vở, báo chí đã chỉ ra rất nhiều định nghĩa về Văn hóa, đặc biệt phải kể đến ấn phẩm xuất bản năm 1952 “Văn hóa: Đánh giá một cách toàn diện về các khái niệm và định nghĩa” được biên soạn bởi Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn, cuốn sách đã trình bày 164 định nghĩa về Văn hóa. Chắc chắn rằng đến thời điểm hiện tại, con số ấy hẳn phải lớn hơn nhiều. Vậy định nghĩa nào về Văn hóa là phổ biến nhất, được thừa nhận nhiều nhất?

Khi nói đến Văn hóa, chắc chắn người ta sẽ nhắc ngay đến định nghĩa ngắn gọn, xúc tích rất nổi tiếng của Édouard Herriot (1872 – 1957), một chính trị gia lỗi lạc người Pháp: “Văn hóa là cái còn lại khi ta quên tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả”. Như vậy Văn hóa là bản sắc của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia không ai có thể dễ dàng quên được.Tuy nhiên định nghĩa này mới chỉ thể hiện được tầm quan trọng và mức độ bao trùm của Văn hóa mà lại thiếu đi tính cụ thể.

Xét về mức độ cụ thể của Văn hóa thì hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu xã hội học tán thành định nghĩa về Văn hóa của Tổng giám đốc UNESCO Federico

Mayor: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát và sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành một hệ thống các giá trị, truyền thống thẩm mỹ và lối sống mà dựa vào đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình”1.

Văn hóa là một vấn đề vừa trừu tượng vừa hữu hình, vừa có tính vững bền lại không ngừng thay đổi. Thống nhất quan niệm về Văn hóa sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc tiếp cận Văn hóa doanh nghiệp. Qua những tìm hiểu ở trên, có thể rút ra một khái niệm về Văn hóa như sau: “Văn hóa là toàn bộ các giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển”.

2. Văn hóa, Văn hóa kinh doanh và Văn hóa doanh nghiệp


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.

Một thời gian dài trước đây, trong xã hội tồn tại quan niệm Văn hóa và Kinh doanh là hai lĩnh vực khác biệt, giữa chúng không có mối quan hệ nào cả. Giải thích cho điều này là một lập luận như sau: Văn hóa hướng tới các giá trị của chân - thiện

- mỹ, còn Kinh doanh không có mục đích nào khác ngoài lợi nhuận. Tuy nhiên, trong những năm gần đây quan niệm trên không còn phù hợp nữa. Văn hóa không chỉ là thứ phúc lợi tinh thần, là cái đẹp để thưởng thức mà còn có mối quan hệ hữu cơ với Kinh doanh. Văn hóa gắn bó chặt chẽ với các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ, bởi nhân tố chính góp mặt trong cả Văn hóa và Kinh doanh chính là con người. Mỗi cá nhân trong doanh nghiệp đều thuộc một nền Văn hóa dân tộc cụ thể, với một phần tính cách tuân theo các giá trị Văn hóa dân tộc đó. Khi tập hợp thành một nhóm hoạt động vì mục tiêu chung – một doanh nghiệp, thì những cá nhân này sẽ vẫn mang theo những nét nhân cách đó. Tổng hợp những nét nhân cách này sẽ làm nên một phần tính cách của doanh nghiệp, đó là các giá trị Văn hóa dân tộc không thể phủ nhận được. Do đó, bản thân Văn hóa doanh nghiệp là một nền tiểu văn hóa nằm trong Văn hóa dân tộc.



1 Nguyễn Hoàng Ánh (2003), Giải pháp xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hội nhập khu vực và thế giới, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Đại học Ngoại Thương, Hà Nội.

Thuật ngữ Văn hóa kinh doanh xuất hiện trước thuật ngữ Văn hóa doanh nghiệp, khoảng thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên cho đến bây giờ vẫn còn tồn tại sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Sự nhầm lẫn này bắt nguồn từ việc không phân biệt rõ ràng về cấp độ của Văn hóa kinh doanh và Văn hóa doanh nghiệp.

Một số nhà nghiên cứu coi chủ thể của Văn hóa kinh doanh chính là các doanh nghiệp, do đó Văn hóa kinh doanh chính là Văn hóa doanh nghiệp. Cách hiểu này chủ yếu được các nhà nghiên cứu về quản trị kinh doanh chấp nhận, xuất phát từ quan niệm coi kinh doanh là hoạt động đặc thù của doanh nghiệp. Tuy nhiên cách hiểu này có phần hạn hẹp, vì mặc dù doanh nghiệp là chủ thể chính của mọi hoạt động kinh doanh, nhưng kinh doanh cũng là một hoạt động phổ biến, liên quan mật thiết đến mọi thành viên trong xã hội. Nếu thiếu sự tham gia của các thành viên xã hội khác, chẳng hạn sự quản lý của Nhà nước, sự hưởng ứng của người tiêu dùng… thì hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp khó có thể thành công.

Xuất phát từ quan niệm “Kinh doanh là hoạt động liên quan đến mọi thành viên trong xã hội”, một số nhà nghiên cứu khác lại coi Văn hóa kinh doanh là một phạm trù ở tầm cỡ quốc gia, do đó Văn hóa doanh nghiệp chỉ là một bộ phận của Văn hóa kinh doanh. Cách hiểu này ngày càng được chấp nhận rộng rãi trong xã hội. Theo đó, Văn hóa kinh doanh thể hiện phong cách kinh doanh của một dân tộc, nó bao gồm các nhân tố rút ra từ Văn hóa dân tộc, được các thành viên trong xã hội vận dụng vào hoạt động kinh doanh của mình (thói quen xem ngày giờ tốt của người Trung Quốc...), và cả những giá trị triết lý mà các thành viên này tạo ra trong quá trình kinh doanh (chẳng hạn như sự coi trọng thành công ở người Mỹ...)

Cách hiểu thứ hai coi Văn hóa kinh doanh và Văn hóa doanh nghiệp là hai khái niệm tách biệt, giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc tiếp cận Văn hóa doanh nghiệp. Có thể nói Văn hóa doanh nghiệp là một phạm trù liên quan mật thiết tới doanh nghiệp và Văn hóa kinh doanh của một nền kinh tế. Hay nói cách khác, Văn hóa doanh nghiệp chính là sự thể hiện của Văn hóa kinh doanh ở mức độ công ty, do đó cũng có thể coi nó là một bộ phận của Văn hóa kinh doanh.

3. Khái niệm Văn hóa doanh nghiệp


3.1. Văn hóa doanh nghiệp


Một đất nước sẽ không phát triển và dẫn đến suy vong nếu không bảo tồn được nền văn hóa truyền thống dân tộc. Một gia đình sẽ không thể hạnh phúc và hưng thịnh nếu không có gia phong - một lĩnh vực thuộc văn hóa gia đình. Cũng như vậy, một doanh nghiệp sẽ không bảo vệ được sự nghiệp của mình nếu không có một nền văn hóa đặc thù của ngành nghề gọi là Văn hóa doanh nghiệp.

Vậy Văn hóa doanh nghiệp là gì? Đây là một câu hỏi lớn đối với các học giả cũng như các doanh nghiệp. Nhìn chung các quan điểm đều khẳng định Văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng, nhưng thực tế lại có nhiều cách hiểu hoàn toàn khác nhau về vấn đề ấy. Văn hoá doanh nghiệp là văn hoá của một tổ chức vì vậy nó không đơn thuần là văn hoá giao tiếp hay Văn hoá kinh doanh như cách nghĩ thông thường. Văn hoá doanh nghiệp không phải là những khẩu hiệu của ban lãnh đạo được treo trước cổng, trên hành lang hay trong phòng họp, đó chỉ là ý muốn, ý tưởng. Những điều doanh nghiệp mong muốn có thể rất khác với những giá trị, niềm tin, chuẩn mực được thể hiện trong thực tế và trong các hành vi của mỗi thành viên doanh nghiệp. “Doanh nghiệp của chúng ta thực sự là gì?” khác với “Chúng ta muốn doanh nghiệp mình như thế nào?”. Là một bộ phận của Văn hóa kinh doanh và Văn hóa xã hội như đã được phân tích ở mục 2, Văn hóa doanh nghiệp cũng có rất nhiều cách hiểu.

Ông Georges de Saite Marie - chuyên gia người Pháp về doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã đưa ra một định nghĩa như sau: “Văn hóa doanh nghiệp là tổng hợp các giá trị, các biểu tượng, huyền thoại, nghi thức, các điều cấm kị, các quan điểm triết học và đạo đức tạo thành nền móng sâu xa của doanh nghiệp”2. Có thể thấy định nghĩa này mới chỉ tóm gọn những nhân tố cấu thành Văn hóa doanh nghiệp chứ

chưa đề cập đến mối quan hệ qua lại bên trong doanh nghiệp.


2 PGS. TS. Dương Thị Liễu (2008), Giáo trình Văn hóa kinh doanh, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội

Một số quan niệm khác thì cho rằng cách đơn giản nhất khi nghĩ về Văn hóa doanh nghiệp đó là một trường năng lượng quyết định cách tư duy, hành động và quan sát thế giới xung quanh của các thành viên trong doanh nghiệp. Ban đầu, phần nhiều các giá trị Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện thông qua các nguyên tắc, quy định có tính chất bắt buộc, nhưng một khi đã được chấp nhận rộng rãi thì chúng lại trở thành những giá trị, chuẩn mực và nguyên tắc bất thành văn chi phối hành vi của mọi thành viên trong doanh nghiệp. Khi đó, Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò như một “hệ điều hành” có tác động điều chỉnh từ các hoạt động thường nhật, sự phối hợp giữa các cá nhân, các bộ phận cho đến việc hoạch định cơ cấu tổ chức hay lựa chọn chiến lược hoạt động... của mỗi doanh nghiệp.

Cho đến nay chưa có một định nghĩa nào về Văn hóa doanh nghiệp được chính thức công nhận, nhưng có một định nghĩa khá phổ biến là định nghĩa của chuyên gia người Mỹ Edgar H. Schein: "Văn hóa doanh nghiệp là tổng thể những thủ pháp và quy tắc mà các thành viên của doanh nghiệp thu nhận được trong quá trình giải quyết vấn đề thích ứng bên ngoài và thống nhất bên trong doanh nghiệp”3. Những quy tắc và thủ pháp này là yếu tố khởi nguồn trong việc các nhân viên lựa chọn phương thức hành động, phân tích và ra quyết định thích hợp. Các thành viên của doanh nghiệp không đắn đo suy nghĩ về ý nghĩa của những quy tắc và thủ pháp ấy, mà coi chúng là đúng đắn ngay từ đầu.

Nói tóm lại, dù được định nghĩa bằng nhiều cách khác nhau tại các thời điểm khác nhau, nhưng có thể thống nhất một định nghĩa về Văn hóa doanh nghiệp như sau: “Văn hóa doanh nghiệp chính là hệ thống các giá trị, quan niệm và nguyên tắc hành vi được chia sẻ bên trong doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và cách thức hành động của các thành viên trong quá trình theo đuổi và thực hiện những mục tiêu chung, tạo nên bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp”.

3.2. Nguồn gốc của Văn hóa doanh nghiệp


Văn hóa doanh nghiệp được hình thành từ ba nguồn chính:


3 Nguyễn Hoàng Ánh (2003), Giải pháp xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hội nhập khu vực và thế giới, Đề tài NCKH cấp Bộ, Đại học Ngoại Thương, Hà Nội, tr17.

a. Niềm tin, giá trị và quan niệm của sáng lập viên và lãnh đạo doanh nghiệp


Sáng lập viên là người ghi dấu ấn đậm nét nhất lên Văn hóa doanh nghiệp, đồng thời tạo nên nét đặc thù của Văn hóa doanh nghiệp. Xét từ một khía cạnh nào đó, doanh nghiệp cũng giống như con người, thời kỳ đầu mới thành lập là khoảng thời gian hình thành nhân cách. Trong thời kỳ này, người sáng lập có nhiệm vụ lựa chọn hướng đi, môi trường hoạt động mà các thành viên sẽ tham gia vào doanh nghiệp... Những sự lựa chọn này tất yếu sẽ phản ánh kinh nghiệm, tài năng, cá tính và triết lý riêng của bản thân các sáng lập viên, có tác động không nhỏ trong việc kiểm soát hành vi của nhân viên. Một ví dụ như tập đoàn công nghệ thông tin nổi tiếng HP (Hewlett & Packard), các nhà sáng lập đóng một vai trò quan trọng trong việc xác lập tư tưởng, cách làm việc cũng như hành vi của mọi thành viên trong tổ chức. Nhà sáng lập Bill Hewlett đã nói về người bạn thân David Packard khi Packard qua đời năm 1996 như sau: “Di sản to lớn nhất ông để lại cho chúng ta là một bộ các quy tắc về đạo đức công ty, được biết đến với cái tên Đường lối HP”4.

Nhà lãnh đạo không chỉ là người quyết định cơ cấu tổ chức và công nghệ của doanh nghiệp mà còn là người sáng tạo ra các biểu tượng, các ý thức hệ, ngôn ngữ, niềm tin, nghi lễ và huyền thoại... của doanh nghiệp. Qua quá trình xây dựng và quản lý doanh nghiệp, hệ tư tưởng và tính cách của nhà lãnh đạo sẽ được phản chiếu lên Văn hóa doanh nghiệp.

b. Kinh nghiệm học hỏi được của các thành viên doanh nghiệp trong quá trình phát triển

Có những giá trị Văn hóa doanh nghiệp không phải do sáng lập viên hay nhà lãnh đạo tạo ra mà là do tập thể nhân viên trong doanh nghiệp tạo dựng nên, hay còn gọi là những kinh nghiệm học hỏi được. Hình thức của những giá trị học hỏi được thường rất phong phú, phổ biến là: những kinh nghiệm tập thể của doanh nghiệp (kinh nghiệm có được khi xử lý những vấn đề chung bao gồm kinh nghiệm về giao dịch với khách hàng hay kinh nghiệm khi ứng phó với sự thay đổi...); những giá trị học hỏi được từ các doanh nghiệp khác (kết quả của quá trình nghiên cứu thị

4 Jim Collins and Jerry I. Porras (1997), Build to last, Curtis Brown Ltd.

trường và đối thủ cạnh tranh, của chương trình giao lưu giữa các doanh nghiệp...); các giá trị văn hóa được tiếp nhận trong quá trình giao lưu với nền văn hóa khác (thông qua việc gửi nhân viên tham dự những khóa đào tạo ở nước ngoài) hay là những xu hướng và trào lưu xã hội...

c. Niềm tin và những giá trị của các thành viên mới và lãnh đạo mới


Không chỉ người sáng lập, nhân viên cũ mà thậm chí các nhân viên mới hay nhà lãnh đạo mới cũng góp phần hình thành Văn hóa doanh nghiệp. Cấu trúc Văn hóa doanh nghiệp bao gồm những thực thể hữu hình và những giá trị quan điểm, nguyên tắc mang tính ổn định tương đối, vì thế bất cứ giá trị mong muốn nào mà lãnh đạo mới muốn đưa vào đều là nguồn gốc làm nên Văn hóa doanh nghiệp.

3.3. Cấu trúc Văn hóa doanh nghiệp


Có nhiều cách để phân chia Văn hóa doanh nghiệp thành các yếu tố khác nhau như vật thể, phi vật thể, các giá trị… Nhưng cách phân chia nổi tiếng và được thừa nhận, áp dụng nhiều nhất là cách của Edgar H. Schein. Có thể dễ dàng bắt gặp mô hình các lớp Văn hóa doanh nghiệp của ông trong rất nhiều công trình nghiên cứu về Văn hóa doanh nghiệp. Ông có một cách tiếp cận độc đáo đi từ hiện tượng đến bản chất của một nền văn hóa, giúp chúng ta có thể hiểu một cách đầy đủ và sâu sắc những bộ phận cấu thành văn hóa đó. Ông đã chia Văn hóa doanh nghiệp thành ba lớp, mà dựa vào đó ta có thể vẽ được một sơ đồ lớp cắt như sau.


Hình 1 1 Các bộ phận cấu thành Văn hóa doanh nghiệp Đi từ ngoài vào trong yếu 1


Hình 1.1: Các bộ phận cấu thành Văn hóa doanh nghiệp


Đi từ ngoài vào trong, yếu tố đầu tiên của Văn hóa doanh nghiệp là những giá trị và cấu trúc hữu hình dễ dàng quan sát được.

a. Những giá trị và cấu trúc hữu hình của doanh nghiệp: Giá trị hữu hình của Văn hóa doanh nghiệp là những đặc điểm nhìn thấy và nghe thấy được về doanh nghiệp đó, là tất cả những gì thể hiện trên bề nổi của doanh nghiệp. Những nét đặc trưng hữu hình này bao gồm:

- Kiến trúc, cách bài trí, công nghệ, sản phẩm: Đây là một đặc điểm nhận dạng nổi bật của doanh nghiệp. Cách bài trí đặc trưng, kiến trúc ấn tượng của doanh nghiệp thể hiện tư tưởng của nhà lãnh đạo, trình độ thẩm mỹ, và cả năng lực tài chính của doanh nghiệp đó. Người ta có thể dễ dàng nhận ra những hiệu ăn nhanh của McDonald’s qua kiến trúc bề ngoài đặc trưng, phong cách bố trí nội thất của hãng trong sự kết hợp giữa màu vàng tươi, màu đỏ và màu xanh rêu. Đây cũng là một cách để doanh nghiệp khẳng định uy thế trước đối thủ, khắc ghi hình ảnh của mình trong tâm trí đối tác và khách hàng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/09/2022