bằng cảm tính tùy tiện, cực đoan, có khi trái ngược, xô bồ…” [35,185]. Những người đứng đầu xã là những kẻ cơ hội, chủ nghĩa cá nhân (Tư Hoan - “con người đắc thế và tham vọng… Tất cả những ai vi phạm vào mục đích tiến thân của anh ta đều bị ngấm ngầm thù nghịch và loại trừ không thương tiếc…” [35,40-41], Tư Khanh - “bản chất… tráo trở, ném đá giấu tay, không từ thủ đoạn để đạt được mục đích” [35,105]. Chủ nhiệm Khuôn và kế toán Đảnh (Nhìn dưới mặt trời - Nguyễn Kiên) cũng là những kẻ tham ô và thiếu tinh thần trách nhiệm, là nguyên nhân của tình hình sản xuất trì trệ, đời sống kinh tế khó khăn… của xã Tân Hội. Trong Đứng trước biển, ngòi bút phê phán của Nguyễn Mạnh Tuấn hướng tới những người đứng đầu xí nghiệp Sao Mai: Lê Tám bất lực, Hai Tiến bàng quan, Chín Tâm gian xảo, quỷ quyệt, tham lam, Năm Miên dốt nát, cơ hội… Đó chính là những con sâu mọt ngấm ngầm phá hoại từ bên trong, giống như hình ảnh tổ mối đục khoét thân đê trong tác phẩm Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng. Những vụ áp phe kinh tế quỷ quyệt lợi dụng sơ hở của chính quyền cách mạng của bà Thuận Thành (Những khoảng cách còn lại), những thủ đoạn thâm độc, tàn ác của giới con buôn (bà Giáo, Phi Hùng), sự xuống cấp đạo đức và lối sống buông thả của Hải, lối sống bất cần, ngang ngược của Quỳnh, sự bàng quan của Hằng… đối lập với lối sống giản dị, chân thật và nguyên tắc của ông Sĩ, Hà, Thuận Ánh là những nguyên nhân khiến xung đột trong gia đình ông Sĩ trở nên gay gắt, có lúc tưởng như không tháo gỡ được. Xung đột trong gia đình họ cũng chính là những xung đột giữa các hệ ý thức, các giai cấp xã hội ở miền Nam trong những năm đầu giải phóng. Xung đột ấy đòi hỏi mỗi người phải lựa chọn một thái độ, một cách sống để có thể hòa nhập với cuộc sống mới, như sự sám hối của bà Thuận Thành, Quỳnh, Hằng, những thay đổi của Hải. Ở một góc độ nào đó, như thái độ chấp nhận lịch sử của bà Hoàng trong Gặp gỡ cuối năm (Nguyễn Khải) - một con người thủ cựu, bảo thủ, kiên quyết không xa rời lối sống cũ, cuối cùng buộc phải tự nhập mình với dòng chảy mạnh mẽ của cách mạng, của thời cuộc. Bằng lối nói ngược (phê phán chế độ cũ), Nguyễn Khải đã khẳng định sức mạnh của chế độ mới, cuộc sống mới.
Viết về những vấn đề nóng bỏng của hiện thực, phê phán những mặt trái, mặt tiêu cực trong xã hội cũng là một khẳng định bằng lối nói ngược. Lên án cái
xấu, cái cũ, cái trì trệ, bảo thủ cũng là để ngợi ca cái tốt, cái mới, cái tích cực, tiến bộ. Hình ảnh Năm Trà (Cù lao Tràm), Ba Đức (Đứng trước biển), ông Sĩ, Hà (Những khoảng cách còn lại), Phác (Nhìn dưới mặt trời)… đều là những điển hình tích cực, có tố chất của người lãnh đạo, có đầu óc tổ chức và làm kinh tế giỏi, biết nhìn xa trông rộng, là những con người cương trực, mạnh mẽ, dám đấu tranh thẳng thắn và quyết liệt, không sợ bất cứ áp lực nào, không uốn mình trước danh vọng, tiền bạc. Dù con đường đấu tranh của họ đầy gian nan, vất vả, dù đến được với thành công, họ phải hy sinh không ít (Năm Trà day dứt trong mâu thuẫn giữa công việc chung và hạnh phúc riêng, đau đớn vì con gái bị kẻ xấu làm nhục, Ba Đức dù không muốn nhưng vẫn phải xử kỷ luật, cách chức thuyền trưởng của cậu con trai Ba Phi, ông Sĩ kiên quyết không bảo lãnh cho Quỳnh ra khỏi trại giam bởi thái độ bất cần, ngang ngược của cô con gái, ông bàng hoàng khi biết vợ mình từng có con riêng với một viên chức ngoại giao Pháp, Hà - con dâu ông bị tai nạn do bọn xấu hãm hại…). Nhưng đọng lại sâu sắc trong ấn tượng của người đọc vẫn là nhiệt tình và dũng khí đứng về lẽ phải của họ. Những đường lối, chính sách hợp lý của Năm Trà, Ba Đức đã mang lại cho xã Tân Phú, xí nghiệp Sao Mai một diện mạo mới với sự cải tổ toàn diện. “Phải cương quyết loại bỏ mọi thứ hình thức, khoa trương chủ nghĩa để xây dựng nếp sống mới cách mạng tiên tiến văn minh thật sự và tiến công có hiệu quả vào tư tưởng, tập quán lỗi thời, phân rã cho hết những cái cũ, lạc hậu trong từng người, từng nhà, từng ấp” [35,113]. Cảng cá được lập lại trật tự, các gia đình thủy thủ từ khu ổ chuột được dọn về nhà mới… là một trong những kết quả tốt đẹp của phương thức làm ăn mới, khắc phục những tiêu cực, trì trệ… khiến biết bao người cảm động, biết ơn và tin tưởng: “Ba má ơi! Chưa bao giờ tôi ơn cách mạng như bữa nay… Cám ơn chú Ba, cám ơn chú Tám… Cả đời thằng Ba này lang thang hết Rạch Giá, Cần Thơ, có bao giờ dám mơ sẽ được cái nhà… Hu hu…” [34,314]. Những con người mới năng động, tích cực, dám đối mặt với những cản trở của các thế lực tiêu cực trong xã hội ấy là những nhân tố mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là những con người kiên nghị, dám dâng hiến trọn đời cho một niềm tin, một lẽ sống như Ba Huệ, Quân, cha Vĩnh, Hai Riềng (Thời gian của người- Nguyễn Khải), Trọng (Mưa mùa hạ - Ma Văn Kháng), Phác
(Nhìn dưới mặt trời - Nguyễn Kiên)…, như những con người sống dưới chế độ thực dân đế quốc, đã đến với cách mạng một cách tự nhiên (Hai Cũ - Chân dung một quản đốc - Nguyễn Hiểu Trường)…
Cùng viết về đề tài tôn giáo, Cha và Con và… của Nguyễn Khải và Cuộc đời bên ngoài của Vũ Huy Anh lại có hướng khai thác khác với những tác phẩm cùng hệ đề tài trước đó - Xung đột của Nguyễn Khải, Bão biển của Chu Văn… Viết về những vùng nông thôn công giáo trong khoảng hai thập kỉ 50, 60 với công cuộc cải cách ruộng đất, cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp và xây dựng chủ nghĩa xã hội, nếu Xung đột, Bão biển phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt, phức tạp, cuộc đấu tranh giữa lực lượng cách mạng với những tàn dư của các thế lực phản động, lạc hậu thì Cha và Con và… hướng đến cuộc đấu tranh trong chính suy nghĩ của cha Thư về “vấn đề tôn giáo và dân tộc, tôn giáo và chủ nghĩa xã hội, tôn giáo và sự tồn tại với chính nó cũng như để hiện hữu với ý nghĩa tích cực nhất trong đời sống tinh thần của các giáo dân, các tín đồ Thiên Chúa” [93,140] còn Cuộc đời bên ngoài lại hướng vào cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội, quyết liệt của một tu sĩ, thông qua số phận cá nhân để khẳng định, ca ngợi chế độ mới. Nhà văn muốn góp một tiếng nói cải cách tôn giáo, đưa tôn giáo về với cuộc sống con người, gắn bó với quyền lợi đích thực của giáo dân.
Phản ánh cuộc đời khắc nghiệt bên trong nhà dòng của dòng tu Mến Thánh Giá - một thế giới riêng, cách biệt với đời sống bên ngoài với không gian u ám, tàn tạ, với những lề luật khắc nghiệt (hãm mình, đánh tội, hình phạt), những lao động cực nhọc… đã biến nữ tu sĩ thành những con người tàn tạ về thể xác và khô héo về tâm hồn, Vũ Huy Anh đã chỉ ra mặt trái của tôn giáo, khi tôn giáo xa rời quyền lợi của con người. “Những nữ tu sĩ là những tín đồ tự giam hãm và bị giam hãm trong một cuộc sống hết sức khổ cực, khổ cực đến mức đọa đày và là những người sùng tín nhất… Viết về họ, trách nhiệm giải phóng họ, vì vậy là một công việc nhân đạo cần thiết” [123,219]. Nhà văn đã phân tích khá sâu sắc bản chất trái tự nhiên của nhà dòng thời đó, chính bóng tối của thần quyền đã đè bẹp quyền sống của con người, biến một tâm hồn trẻ trung, xuân sắc thành một tâm hồn ủ dột, sầu bi. Mục đích của nhà dòng là khiến các tu sĩ quên mọi tình cảm thế gian để hết lòng kính
yêu Đức Mẹ và Thiên Chúa nhưng nực cười thay ý muốn ấy, bởi khi trái tim đã nguội lạnh tình cảm thì làm sao có thể còn lòng sốt mến để yêu kính điều gì. Mâu thuẫn ấy chính Lành cũng đã nhận ra và không thể lý giải.
Là một thế giới riêng, nhà dòng cũng tồn tại những tiêu cực như thế giới bên ngoài: lòng ghen ghét, đố kị (chị giáo), sự dốt nát, háo sắc, hợm hĩnh của cha xứ (cha Tuyên), những ấu trĩ của Đức giám mục (Phạm Kiến Lập), sự cố tình bóp méo nhận thức (của tu sĩ và giáo dân) về cách mạng, về cộng sản, về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp… Giống như các nhân vật: cha Vinh, cha Thuyết (Xung đột - Nguyễn Khải), thầy già San, sơ Khuyên (Bão biển - Chu Văn), chị giáo, cha Tuyên, Đức giám mục … đều là những hình ảnh u tối của các thế lực phản động, núp sau tháp chuông nhà thờ để khống chế giáo dân tham gia việc đời, việc xã hội. Họ đã lợi dụng tôn giáo để đi ngược lẽ đời, phá hoại và chống lại chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Trong Cha và Con và…, Nguyễn Khải tinh tế hơn khi đặt tất cả những mâu thuẫn giữa tôn giáo và cuộc đời trong nhận thức của cha Thư. Vị linh mục trẻ dần nhận thức sâu sắc những khó khăn buộc cha phải lựa chọn cách hành xử sao cho hợp lý: tuân theo bề trên để tổ chức kỉ niệm năm cha Phước dâng địa phận Tây đàng ngoài trong tay Đức Mẹ (với công lao giữ gìn giáo phận) hay không tuân theo (bởi với người Việt Nam, cha Phước là kẻ phản bội, tên tuổi ngài gắn với năm bị mất thành Hà Nội)? Phải nghĩ theo Hội thánh hay nghĩ theo cộng đồng, dân tộc? Phải chọn cách hành đạo nào cho đúng? Nguyên tắc Hội thánh phải được thực hiện để rồi vấp phải sự phản đối gay gắt của giáo dân hay linh hoạt một cách thực dụng, vô tổ chức như cha Hòe? Cha Thư thấm thía một cách đau đớn: “người có đạo là người có tội, tội truyền kiếp, tội của tổ tiên” [14,46], bởi lịch sử truyền giáo lại là một bộ phận của lịch sử cuộc xâm lược của thực dân. Những mâu thuẫn ấy buộc cha Thư phải suy nghĩ: “ngoài bổn phận, còn tình người, còn các mối quan hệ khác của thế tục” [14,143].
Phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt giữa hai con người (con người tu sĩ và con người thế tục) trong tâm hồn Tê-rê-sa Lành, những day dứt, tự vấn của cha Thư về đời và đạo, Vũ Huy Anh, Nguyễn Khải đều nhận thấy những mặt trái
Có thể bạn quan tâm!
- Điểm Nhìn Trần Thuật Phá Vỡ Khoảng Cách Sử Thi
- Giọng Điệu Đa Sắc Thái Phá Vỡ Tính Đơn Giọng Của Sử Thi
- Sự Xuất Hiện Khuynh Hướng Văn Xuôi Viết Về Đề Tài Thế Sự - Đời Tư
- Tiếng Nói Mãnh Liệt Của Tình Yêu, Hạnh Phúc Cá Nhân
- Văn xuôi Việt Nam thời kỳ hậu chiến 1975-1985 - 17
- Sự Phong Phú Trong Màu Sắc Ngôn Ngữ
Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.
của tôn giáo cần phải lên án, xóa bỏ. Và như một tất yếu, Tê-rê-sa Lành đã trở về với cuộc đời theo tiếng gọi tự nhiên. Bóng tối của tôn giáo không lấn át được quyền sống đích thực của con người. Sau bao băn khoăn, trăn trở, cha Thư đã tìm được lựa chọn của mình: “đi với giáo hữu, tuân theo ý muốn của giáo hữu là sẽ hòa hợp được tất cả, vì giáo hữu là nền tảng, là cội nguồn. Cách mạng cũng từ đấy mà có, Hội Thánh cũng từ đấy mà có, bổn phận của linh mục cũng từ đấy mà có. Không có gì là trái ngược” [14,217]…. Nhận thức mới ấy đã được thể hiện bằng niềm tin mới, bằng phép bí tích lần thứ hai trong một lễ rửa tội mang tính chất khai sáng: “Tao rửa mày, nhân danh Cha và Con và Giáo hữu xứ Nhất” thay vì “Tao rửa mày, nhân danh Cha và Con và Thánh thần” [14,218].
Nhìn nhận lại các vấn đề trong cuộc sống hiện tại, bằng những cốt truyện tư tưởng mang tính suy tư, chính luận với những xung đột tư tưởng gay gắt bao trùm lên nhân vật, sự kiện, văn xuôi hậu chiến đã phản ánh những đấu tranh gay gắt - đấu tranh giữa cái mới và cũ, cái tiến bộ và lạc hậu trong xã hội, trong các lĩnh vực và trong chính bản thân con người. Bóc trần những mảng màu tối của cuộc sống không phải là cái nhìn tiêu cực mà sự phản biện tích cực, là khát vọng hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
Sau những tác phẩm mang đậm cảm hứng phê phán, đặc biệt sau loạt tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tuấn ở đầu thập kỉ tám mươi, vệt phóng sự bùng nổ mạnh mẽ vào những năm 1986 - 1996: Cái đêm hôm ấy đêm gì (Phùng Gia Lộc), Tiếng đất (Hoàng Hữu Các), Câu chuyện về ông vua lốp, Lời khai của bị can (Nhật Linh - Trần Huy Quang), Người đàn bà quỳ (Trần Khắc), Người nghèo, người giàu vùng lúa (Vũ Đình Minh)... và những vở kịch của Lưu Quang Vũ, Xuân Trình… đã tiếp nối cảm hứng của văn học giai đoạn trước, làm sôi nổi văn đàn bởi nội dung đấu tranh chống tiêu cực, bởi những nhân vật tiêu biểu cho khát vọng đổi mới cơ chế, cải tiến quản lý, dũng cảm và táo bạo để thay đổi hiện thực, bởi tính thời sự - chính luận và cảm hứng công dân sâu sắc. Tuy nhiên, những tác phẩm này chỉ tập trung giải quyết những vấn đề nhất thời, mang tính thời sự nên đôi khi chỉ có giá trị ở những thời điểm nhất định. Khi thời gian đã đi qua, khi mọi vấn đề bất cập của đời
sống lắng xuống, khi nhu cầu thông tin đã bão hòa... thì tác phẩm sẽ nhạt nhòa, phôi pha.
Với nhu cầu nhận thức mới, văn xuôi đã bổ sung những mảng hiện thực trước đây chưa được nói tới, hiện thực được phản ánh trong văn học lúc này không còn giản đơn, xuôi chiều như trước mà hiện lên đa diện và phức tạp. Đó không phải là hiện thực được biết trước, được lý tưởng hóa như trong văn xuôi sử thi mà là hiện thực phức tạp, cần phải khám phá, tìm tòi. Sự thay đổi quan niệm về hiện thực đã thể hiện ý thức sáng tạo nghiêm túc và bản lĩnh đáng quý của người nghệ sĩ, thể hiện bước đi chắc chắn của văn học trên con đường đổi mới.
3.1.2. Cảm hứng đạo đức và những vấn đề đời tư
Khai thác con người ở góc độ đời tư, văn xuôi hậu chiến dùng thước đo đạo đức để khám phá quá trình hoàn thiện nhân cách của con người. Cảm hứng đạo đức gắn liền với cảm hứng nghiên cứu thực tại, nghiên cứu con người, gắn liền với những vấn đề đạo đức, nhân cách, với các phạm trù gia đình, tình yêu, hạnh phúc - những vấn đề trước đây trong hoàn cảnh chiến tranh văn học chưa có điều kiện đề cập đến. Phản ánh cuộc đấu tranh trong chính bản thân mỗi con người, phát hiện vẻ đẹp trong chiều sâu nhân cách và hướng con người tới những giá trị tốt đẹp, bền vững, văn xuôi hậu chiến đã đánh dấu bước phát triển mới trong sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người: lấy con người làm trung tâm, làm điểm quy chiếu cho mọi giá trị trong cuộc sống.
3.1.2.1. Sự soi chiếu vào đạo đức, nhân cách con người
Khám phá những tình cảm thầm kín, riêng tư của con người, khám phá đời sống muôn vẻ trong các quan hệ thế sự và đời tư bằng nhữ ng câu chuyệ n hà ng ngày, nhữ ng quan hệ nhân sinh , nhữ ng giá trị đạ o đứ c truyề n thố ng , nhà văn soi chiế u vào nhân cách , vào quá trình hoàn thiện của con ngườ i (Hai ngườ i trở lạ i trung đoà n - Thái Bá Lợi , Bứ c tranh , Đứa ăn cắp , Sắm vai, Hạng, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành - Nguyễ n Minh Châu , Thời gian của người - Nguyễ n Khải, Mùa lá rụng trong vườn , Đợi chờ, Quê nội, Mất điện, Kiểm - chú bé - con người… - Ma Văn Kháng…).
Sự thay đổi quan niệm về hiện thực đã dẫn tới sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người. Biến cố lịch sử không còn là trung tâm để khai thác mà con người đã trở thành tâm điểm quy chiếu trong văn học. “Con người đạo đức thế sự là đặc điểm chủ yếu nhất của sự đổi mới tư duy nghệ thuật” trong văn học 1975- 1985 (Trần Đình Sử). “Chưa bao giờ, con người với tất cả quan hệ xã hội của nó, thân phận và cuộc đời của nó được phản ánh một cách sinh động và phong phú như trong giai đoạn hiện nay” (Bích Thu). Con người được phản ánh trong văn học với cái nhìn đa diện, đa chiều.
Hai người trở lại trung đoàn của Thái Bá Lợi là một trong những tác phẩm sớm nhất đã chạm đến sự vận động đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người thông qua thế giới nhân vật. Khước từ cái nhìn một chiều về người anh hùng (quan niệm phổ biến trong văn học 1945-1975), nhà văn đã nhìn thấy trong xã hội, có “những người tốt và những người chưa tốt, kẻ phản bội và người trung thành, trong con người khi hèn nhát và lúc dũng cảm, người sống hời hợt và người có tình yêu say đắm…” [23,328]. Bằng những suy ngẫm đầy tính dự báo ấy, Thái Bá Lợi đã khắc họa chân thực những diễn biến tâm lý bình thường của con người trong chiến tranh. Nhà văn đã phát hiện cả những mặt đối lập ngay trong mỗi con người: Trí - người năng động, xốc vác trong chiến đấu lại chính là một kẻ trí trá, xảo quyệt, cơ hội trong tình yêu. Trí đã biện minh cho những bội bạc của mình bằng những lý lẽ đáng buồn:“trước kia trong chiến trường gian khổ ác liệt khác, bây giờ ra đây mọi thứ đều có hoàn cảnh của nó, tình cảm của con người cũng phải khác đi chứ!” [22,56].
Các truyện ngắn khác của Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê… đều hướng về những vấn đề đạo đức, nhân cách của con người trong cuộc sống mới, trong những dao động lớn nhất của tình cảm. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tâm sự: “tôi quyết định xông vào cái mặt trận đạo đức này…Tôi muốn dùng ngòi bút tham gia trợ lực vào cuộc giao tranh giữa cái tốt và cái xấu bên trong mỗi người, một cuộc giao tranh không có gì ồn ào nhưng xẩy ra từng giờ từng ngày và khắp mọi lĩnh vực đời sống” [123,320]. Truyện ngắn của ông thường là những cuộc đối chứng trong tư tưởng, để vượt lên những nhận thức sai
lầm, máy móc, giản đơn về con người và xã hội “cuộc đối chứng giữa thiện và ác, giữa lý trí, trí tuệ và bản năng mù quáng (cũng là cuộc đối chứng giữa hai mặt nhân cách và phi nhân cách, giữa cái hoàn thiện và chưa hoàn thiện, giữa ánh sáng và những khoảng bóng tối vẫn còn rơi rớt bên trong tâm hồn của mỗi con người - miếng đất nương náu và gieo mầm của lỗi lầm và tội ác” (Một lần đối chứng). Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, bởi vậy, trong mỗi con người là những giằng xé phức tạp bởi tác động của hiện thực khách quan. Trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, con người đã đấu tranh gay gắt với bản thân mình, đã tự phê phán nghiêm khắc và tự thú dưới ánh sáng lương tâm (Bức tranh, Hạng, Sắm vai). Nhân vật của Nguyễn Minh Châu thường là nhân vật tự ý thức, với những tấn kịch nhận thức day dứt, căng thẳng (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bức tranh, Dấu vết nghề nghiệp). Với Mẹ con chị Hằng, Đứa ăn cắp, Lũ trẻ ở dãy K ... nhà văn đã nhìn thẳng vào thực trạng lối sống, nhân cách của con người, dự báo, cảnh tỉnh trước những tai họa của lối sống tưởng hồn nhiên, vô tư nhưng gần như vô ý thức của họ. Không nhìn con người bằng cái nhìn một chiều giản đơn như trước 1975, không “tắm rửa nhân vật của mình trong một bầu không khí vô trùng”, Nguyễn Minh Châu đã nhiều chiêm nghiệm hơn, điềm tĩnh hơn khi đặt nhân vật trong những nghịch lý cuộc đời (Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa) để nhìn con người toàn vẹn hơn trong mơ ước (Nhĩ), nghị lực (người đàn bà hàng chài) ...
Đi tìm những hạt ngọc đạo đức ẩn sâu trong tâm hồn con người, Nguyễn Minh Châu nhìn thấy mỗi con người là một phức thể phong phú, bí ẩn và phức tạp, ẩn chứa “rồng phượng và rắn rết, thiên thần và ác quỷ”. Quan tâm đến vấn đề đạo đức, nhân cách, nhà văn phản ánh những cái xấu, cái ác, phê phán nó, hướng nó tới cái tốt đẹp hơn với khát vọng bảo vệ cái đẹp, cái thiện và niềm tin về vẻ đẹp tâm hồn con người. Đó là tư tưởng thống nhất với tư tưởng của Nguyễn Minh Châu từ trước 1975, nhưng ở giai đoạn này, cái nhìn của nhà văn đã khách quan, đa chiều hơn. Trong mỗi truyện ngắn của mình, Nguyễn Minh Châu đều có những phát hiện, khám phá về nghịch lý trong đời sống: Hạng trong chiến tranh là chính trị viên, trở về đời thường lại là kẻ bàng quan, vô trách nhiệm, thu mình trong vỏ ốc cá nhân,