- Phân tích thực trạng của chính sách lãi suất của NHNN từ năm 2000 đến năm 2015 bằng quy tắc Taylor để giải thích những hợp lý và bất hợp lý của chính sách lãi suất. Nghiên cứu sinh đã sử phương pháp tính toán không hồi quy và phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất (OLS) với mô hình kinh tế lượng ba biến. Đồng thời luận án sử dụng mô hình VAR (Vector AutoRegressive) để phân tích sự tác động lẫn nhau giữa các biến lãi suất, lạm phát và tăng trưởng kinh tế và áp dụng phương pháp mô phỏng ngẫu nhiên để tính toán giá trị tối ưu của hàm tổn thất trên cơ sở các hệ số giả định của quy tắc Taylor để tìm ra CSTT tối ưu của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2015. Bên cạch đó, luận án cũng sử dụng phương pháp hồi quy TSLS (Two-stage least square) để xác định mối quan hệ giữa lãi suất và tổng phương tiện thanh toán M2. Trên cơ sở phân tích định lượng thực trạng chính sách lãi suất bằng quy tắc Taylor, tác giả đưa ra kết luận về hiệu quả của việc vận dụng quy tắc Taylor trong cơ chế điều hành lãi suất của NHNN và các khuyến nghị cần áp dụng nhằm hoàn thiện chính sách lãi suất giúp ổn định lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế.
- Nghiên cứu thực trạng của chính sách lãi suất của NHNN qua các đặc điểm, những thành công và bất cập của cơ chế điều hành lãi suất, nêu bật các thuận lợi và khó khăn khi vận dụng quy tắc Taylor ở Việt Nam đối chiếu với các điều kiện vận dụng quy tắc Taylor, qua đó đề xuất các giải pháp cơ bản để vận dụng quy tắc Taylor trong cơ chế điều hành lãi suất của NHNN.
Với nội dung nghiên cứu đã được định ra ở phần trên, luận án cần trả lời được các câu hỏi sau:
- Thực trạng chính sách lãi suất của NHNN giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2015 có tuân theo quy tắc Taylor? Các bằng chứng phân tích qua dữ liệu?
- Loại lãi suất nào được đề xuất là LSCS của NHNN thông qua phân tích chính sách lãi suất bằng quy tắc Taylor?
- NHNN vận dụng quy tắc Taylor như thế nào trong cơ chế điều hành lãi suất nhằm đạt được hai mục tiêu cơ bản của CSTT là ổn định lạm phát và tăng trưởng kinh tế? Các điều kiện khi vận dụng và giải pháp đề xuất?
- Liệu các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng kết quả nghiên cứu khi ra quyết định CSTT trong sự phối hợp với các chính sách vĩ mô khác nhằm đạt được sự ổn định trong CSTT nói chung thông qua một quy trình chủ động quyết định về lãi suất và một cơ chế công bố thông tin minh bạch về CSTT?
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Có thể bạn quan tâm!
- Vận dụng quy tắc Taylor trong cơ chế điều hành lãi suất của ngân hàng Nhà nước Việt Nam - 1
- Vận dụng quy tắc Taylor trong cơ chế điều hành lãi suất của ngân hàng Nhà nước Việt Nam - 2
- Vận dụng quy tắc Taylor trong cơ chế điều hành lãi suất của ngân hàng Nhà nước Việt Nam - 3
- Các Thành Tố Quyết Định Tính Chính Xác Của Quy Tắc Taylor
- Phương Pháp Tính Lạm Phát: Về Cơ Bản Có Hai Cách Tính
- Độ Lệch Thất Nghiệp (Unemployment Gap) Theo Quan Điểm Của Jahan Và Mahmud (2013):
Xem toàn bộ 260 trang tài liệu này.
Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của luận án là sự vận dụng của quy tắc Taylor trong cơ chế điều hành lãi suất của NHNN.
Phạm vi nghiên cứu về nội dung:
- Lý luận chung về quy tắc Taylor. Vai trò của quy tắc Taylor trong cơ chế điều hành lãi suất của NHTW.
- Kinh nghiệm phân tích và vận dụng quy tắc Taylor của các NHTW Mỹ, Châu Âu, Anh, Nhật Bản, Úc, và Indonesia trong việc hoạch định và điều hành chính sách lãi suất.
- Các điều kiện áp dụng, thuận lợi và khó khăn khi vận dụng quy tắc Taylor tại Việt Nam.
- Các phương pháp phân tích chính sách lãi suất sử dụng quy tắc Taylor.
Phạm vi nghiên cứu về thời gian: trong thời kỳ từ năm 2000 đến năm 2015. Số liệu được đưa vào phân tích và kiểm chứng quy tắc Taylor tại Việt Nam của luận án được thu thập từ quý I năm 2000 đến quý IV năm 2015. Do nền kinh tế Việt Nam từ năm 2000 trở đi từng bước hội nhập với nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Do đó, phạm vi nghiên cứu trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2015 này sẽ sát với thực tế hơn và kết quả phân tích mang tính ứng dụng cao. Các giải pháp đề xuất dựa trên định hướng phát triển kinh tế xã hội và CSTT đến năm 2020.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng một số phương pháp nghiên cứu khoa học, bao gồm:
- Phương pháp thống kê:
. Các số liệu sử dụng trong luận án được công bố từ TCTK Việt Nam, NHNN, IMF, và WB và các công trình nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam.
. Các số liệu sử dụng cho việc phân tích định lượng của luận án bao gồm tỉ lệ lạm phát, lãi suất cơ bản, trần lãi suất, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn được tính toán theo quý bằng phương pháp bình quân gia quyền, trong đó tỉ lệ lạm phát quý được tính toán theo chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng so với tháng trước. Tỉ lệ lạm phát bốn quý liền kề được tính toán trên cơ sở bình quân bốn quý liền kề ngay trước đó. Tổng sản phẩm quốc nội được quy đổi theo giá gốc năm 1994, mức độ tăng GDP quý được so sánh với cùng kỳ năm trước. Số liệu về khối lượng tiền M2 của Việt Nam cũng được sử dụng để phân tích mối quan hệ giữa lãi suất và khối lượng tiền theo quy tắc Taylor – McCallum.
- Phương pháp so sánh đối chứng: từ các số liệu thực tế có được, so sánh với những số liệu đề xuất từ mô hình quy tắc Taylor, từ đó đưa ra được kết luận cụ thể về những điểm đạt được và chưa đạt được trong chính sách lãi suất của NHNN.
- Phương pháp phân tích kinh tế lượng: luận án sử dụng các phương pháp
sau:
. Hồi qui mô hình kinh tế lượng ba biến theo phương pháp OLS dạng quy tắc
Taylor gốc và dạng làm phẳng lãi suất làm cơ sở dự báo lãi suất chính sách.
. Sử dụng mô hình véc tơ tự hồi quy VAR để phân tích định lượng mối quan hệ giữa lãi suất, lạm phát và độ lệch sản lượng của Việt Nam giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2015. Mô hình VAR cho biết độ trễ tối ưu của CSTT và mức độ ảnh hưởng của sự tác động của một biến đến chính biến đó và các biến còn lại thông qua sự phân tích phân rã phương sai và hàm phản ứng đẩy.
. Phương pháp mô phỏng ngẫu nhiên được thực hiện thông qua việc tính toán các giá trị thành tố của quy tắc Taylor gốc (1993) theo các hệ số chọn sẵn có giá trị từ 0,1 đến 1,5 bước nhảy là 0,1 trong hệ phương trình bao gồm ba mô hình là quy tắc Taylor gốc, mô hình dự báo tỉ lệ lạm phát và mô hình dự báo độ lệch sản lượng. Từ kết quả giả lập của phương pháp mô phỏng, tính toán giá trị hàm tổn thất theo từng cặp hệ số đã chọn sẵn nhằm tìm ra giá trị nhỏ nhất của hàm tổn thất, tiếp theo kiểm định lại bằng số liệu thực tế. Trên cơ sở đó xác định CSTT tối ưu của Việt Nam có giá trị hàm tổn thất nhỏ nhất.
. Hồi qui mô hình kinh tế lượng ba biến theo phương pháp TSLS để trình bày mối quan hệ của lãi suất và tổng phương tiện thanh toán M2.
- Phạm vi dữ liệu sử dụng cho các mô hình kinh tế lượng sẽ được phân bổ như sau:
. Phân tích hồi quy: từ năm 2000 đến năm 2015 và dự báo cho năm 2016.
. Phân tích mô phỏng: từ năm 2000 đến năm 2015.
- Phần mềm Eviews 6.0 được sử dụng để phân tích kinh tế lượng của các mô hình kinh tế, tính toán các giá trị hệ số của quy tắc Taylor, tính toán theo mô hình VAR và áp dụng phương pháp mô phỏng ngẫu nhiên.
- Ngoài ra, luận án cũng sử dụng một số kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu khoa học có liên quan theo nguyên tắc kế thừa để chứng minh và làm sáng tỏ thêm các luận điểm của luận án.
6. Những đóng góp và hạn chế của luận án
Theo quan điểm của tác giả, đóng góp chính của luận án gồm có:
- Nghiên cứu quy tắc Taylor một cách tương đối chi tiết, đầy đủ với mô hình gốc và các dạng phát triển quy tắc Taylor hiện nay.
- Việc vận dụng quy tắc Taylor trong cơ chế điều hành chính sách lãi suất của NHNN dựa trên kinh nghiệm vận dụng quy tắc Taylor của một số NHTW trên thế giới như NHTW Mỹ (Fed), Châu Âu, Anh, Nhật Bản, Úc, và Indonesia áp dụng vào điều kiện kinh tế đặc thù của Việt Nam.
- Kiểm định đầy đủ các loại lãi suất điều hành của NHNN là LSCB, TLS, LSTCK, và LSTCV theo quy tắc Taylor trên cả hai phương cách là (i) phương pháp tính thông thường không hồi quy theo các hệ số cố định và (ii) phân tích mô hình kinh tế lượng. Từ đó đưa ra kết luận về thực trạng chính sách lãi suất của NHNN trong thời kỳ năm 2000 – 2015 khi phân tích bằng quy tắc Taylor và tính hiệu quả của quy tắc Taylor khi áp dụng trong chính sách lãi suất của NHNN. Kết quả phân tích chính sách lãi suất với các bằng chứng thực nghiệm minh chứng tính hiệu quả khi ứng dụng quy tắc Taylor trong cơ chế điều hành lãi suất của NHNN.
- Tính toán hàm tổn thất theo ba dạng khác nhau dựa trên phương pháp mô phỏng ngẫu nhiên để rút ra hệ số độ lệch lạm phát và hệ số độ lệch sản lượng của CSTT tối ưu và kiểm định các hệ số đó trong điều kiện kinh tế vĩ mô thực tế ở Việt Nam giai đoạn năm 2000 - 2015.
- Các giải pháp tổng thể về vận dụng quy tắc Taylor trong cơ chế điều hành lãi suất của NHNN nhằm nâng cao độ tin cậy và sự minh bạch trong chính sách lãi suất, trong đó bao gồm đề xuất thành lập Ủy Ban CSTT xem xét ra quyết định CSTT và cơ chế công bố thông tin về CSTT của NHNN.
Ngoài ra, luận án cũng có một số hạn chế nhất định:
- Do nguồn dữ liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa đảm bảo sự thống nhất và độ chính xác nên kết quả nghiên cứu định lượng chịu ảnh hưởng nhất định từ tính chất của dữ liệu.
- Quy tắc Taylor được các nhà kinh tế trên thế giới nghiên cứu chuyên sâu dưới nhiều công trình nghiên cứu thực nghiệm ở nhiều quốc gia từ năm 1993 đến nay nên trong thời hạn nghiên cứu cho phép, nghiên cứu sinh chỉ có thể tiếp cận các công trình nghiên cứu tiêu biểu trên thế giới nên mặc dù cố gắng trình bày các vấn đề cốt lòi liên quan đến quy tắc Taylor, có thể còn một số khía cạnh về lĩnh vực này nghiên cứu sinh chưa đề cập đến.
- Quy tắc Taylor được các nhà kinh tế sử dụng với mục đích chính là kiểm nghiệm lại CSTT đã được hoạch định trước đó nên việc nghiên cứu vận dụng quy tắc này vào cơ chế điều hành lãi suất là một hướng đi mới, do đó không khỏi có những vấn đề còn tranh luận. Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu, nghiên cứu sinh đã cố gắng đề xuất một số giải pháp cơ bản để có thể vận dụng quy tắc Taylor trong cơ chế điều hành lãi suất của NHNN.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các từ viết tắt, danh mục các bảng, danh mục các hình, danh mục các công trình công bố, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận án bao gồm bốn chương như sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận về quy tắc Taylor và cơ chế điều hành lãi suất của ngân hàng trung ương. Chương 1 trình bày phần lý thuyết cơ sở tổng quan về quy tắc Taylor nhằm khái quát hóa các đặc tính của quy tắc Taylor, các thành tố của quy tắc và các dạng phát triển của quy tắc Taylor đưa ra bởi các học giả kinh tế trên thế giới, các mô hình kinh tế lượng dạng quy tắc Taylor và phương pháp phân tích kinh tế lượng. Bên cạnh đó, chương 1 cũng đề cập đến cơ chế điều hành lãi suất của NHTW, vai trò của quy tắc Taylor trong cơ chế điều hành lãi suất của NHTW, kinh nghiệm vận dụng quy tắc Taylor trong chính sách lãi suất của NHTW các nước và bài học thực tiễn cho Việt Nam. Tác giả cũng trình bày các điều kiện cơ bản nhất để có thể vận dụng quy tắc Taylor trong cơ chế điều hành lãi suất của một NHTW.
Chương 2: Phương pháp phân tích thực trạng chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bằng quy tắc Taylor. Nội dung chương 2 trình bày chi tiết các phương pháp và kỹ thuật tính toán trong phân tích định lượng với các mô hình, phương pháp hồi quy, biến sử dụng với hai phương thức là tính toán thông thường là hồi quy với các mô hình kinh tế lượng. Đây là cơ sở để tiến hành phân tích thực trạng lãi suất của NHNN được trình bày ở chương 3.
Chương 3: Thực trạng cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qua phân tích bằng quy tắc Taylor. Trên cơ sở phân tích dữ liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam giai đoạn năm 2000 – 2015 bằng phương pháp tính toán thông thường không hồi quy và phân tích kinh tế lượng theo mô hình quy tắc Taylor, luận án trình bày các điểm hợp lý và bất hợp lý cơ chế điều hành lãi suất của NHNN, từ đó xác định khả năng vận dụng quy tắc Taylor của NHNN. Bên cạnh đó, luận án cũng trình bày những thành công và hạn chế chính sách lãi suất của NHNN cũng như các thuận lợi và khó khăn khi áp dụng quy tắc Taylor ở Việt Nam làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của cơ chế điều hành lãi suất của NHNN.
Chương 4: Các giải pháp cơ bản vận dụng quy tắc Taylor trong cơ chế điều hành lãi suất của NHNN. Thông qua việc phân tích thực trạng chính sách lãi suất, khả năng ứng dụng quy tắc Taylor của NHNN và các bài học từ sự vận dụng quy
tắc Taylor của các NHTW trên thế giới cũng như các điều kiện cần thiết để có thể vận dụng quy tắc Taylor ở Việt Nam, luận án đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm góp phần nâng cao hiệu quả cơ chế điều hành lãi suất của NHNN, đảm bảo thực hiện tốt hai nhiệm vụ cơ bản của một NHTW là ổn định lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUY TẮC TAYLOR VÀ CƠ CHẾ ĐIỀU HÀNH LÃI SUẤT CỦA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG
1.1 Những vấn đề cơ bản về quy tắc Taylor
1.1.1 Khái niệm
Quy tắc Taylor là mô hình CSTT được giới thiệu bởi Giáo sư Taylor năm 1993 mô tả LSCS ngắn hạn (FFR) của Fed được đo lường bằng hai thành tố chủ yếu là độ lệch lạm phát giữa mức lạm phát thực tế so với tỉ lệ lạm phát mục tiêu và độ lệch sản lượng giữa mức sản lượng thực tế so với sản lượng tiềm năng. Mô hình giảng giải mức độ ảnh hưởng của tỉ lệ tăng trưởng GDP thực và tỉ lệ lạm phát có tính chất cơ bản quyết định đến sự thay đổi chính sách của Fed và như vậy lãi suất được điều chỉnh khi hai biến số kinh tế này tách khỏi xu hướng (biến số GDP) và mức độ mục tiêu của chúng (biến số lạm phát). Một cách khái quát, quy tắc Taylor là hàm phản ứng của NHTW trước cục diện kinh tế thay đổi (tỉ lệ lạm phát và độ lệch sản lượng).
FFR là lãi suất điều hoà vốn dự trữ giữa các tổ chức tín dụng cho nhau vay nhằm khắc phục việc thiếu hụt tạm thời vốn dự trữ bắt buộc của TCTD ký quĩ tại Fed. FFR là lãi suất của các khoản vay qua đêm trên thị trường vốn dự trữ, một chỉ tiêu nhạy cảm về chi phí vốn vay của ngân hàng vay vốn dự trữ từ các ngân hàng khác và là lập trường của CSTT (Mishkin 2010, trang 31).
Vốn dự trữ là khoản tiền ký gửi của các ngân hàng trong tài khoản mở tại Fed và lượng tiền mặt trong ngân quĩ của các ngân hàng. Vốn dự trữ tăng lên dẫn đến lượng tiền gửi ngân hàng tăng và vì vậy cung tiền tăng (Mishkin 2010, trang 347).
Quy tắc Taylor có các lợi thế là mô hình mô tả cách thức các nhà hoạch định chính sách phản ứng đến môi trường kinh tế thay đổi nhằm đạt mục tiêu lạm phát qua thời gian dài hạn, chuyển tải sự hợp lý (và bản chất phụ thuộc vào số liệu) đối với quyết định của họ đến với công chúng, đảm bảo hành động trong ngắn hạn phù hợp với các mục tiêu dài hạn, giảm sự không chắc chắn về các quyết sách LSCS