Các Tác Phẩm Dịch Và Sáng Tác Có Ảnh Hưởng Đến Du Lịch Và Văn Du Ký

Quốc: Xe chạy nghiêng nghiêng đèo dốc núi/Lên Điện Biên vời vợi nghìn trùng. Năm 1970, khu du lịch Sapa nổi tiếng ngày nay vẫn là một vùng heo hút, nên Nguyễn Thành Long đã viết Lặng lẽ Sapa như để nói lên tiếng nói tri âm với thế hệ những người thanh niên hy sinh tuổi thanh xuân làm việc trên một vùng sơn cước xa xôi, vắng vẻ. Tất nhiên, ngày nay, tình hình đã đổi khác. Sapa không còn lặng lẽ nữa. Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai chỉ chiếm mất khoảng 5 tiếng xe chạy đã góp phần biến Sapa thành một điểm du lịch thu hút khách.

Tốc độ thay đổi, sự tin cậy của phương tiện giao thông tăng lên, con người cảm nhận được sức mạnh của bản thân-vấn đề tự nhận thức- đồng thời hiểu được thế giới rộng lớn quanh mình. Nếu thời xưa, đi bộ là bắt buộc, là một việc thường nhật tầm thường thì nay, việc những khách du thời hiện đại đã đi từ Hà Nội đến Nam Định bằng xe lửa muốn đi bộ từ nhà ga đến Tức Mặc mà từ chối xe tay, đã thành một cử chỉ đầy lãng mạn: “Con tàu đi Nam đưa chúng tôi đến nơi chóng quá. Chúng tôi tiếc không bắt chước được người xưa, với chiếc áo ấy, chiếc gậy ấy, đi bộ, vừa đi vừa đọc kinh. Từ Nam Định chúng tôi có thể đi xe tay đến tận nơi, nhưng những xe cao su tân thời quá, đi như vậy còn gì là màu sắc của cuộc hành hương trong dự tưởng của chúng tôi, Chúng tôi đã phí một quãng đường Nam Định-Hà Nội rồi. Chúng tôi đi đường bộ đến Thượng Lỗi để đi đò” [194].

Phương tiện giao thông hiện đại cấp cho khách du lịch điểm nhìn mới đối với thế giới. Về máy bay, từ những năm 1910 máy bay đã xuất hiện trên vùng trời Nam Kỳ nhưng người Việt chỉ được xem phi công Tây biểu diễn chứ chưa đi máy bay. Khi đó đã có những bài vè về máy bay, tàu bay của Đặng Lễ Nghi, Lê Hoằng Mưu, Hồ Văn Lang được in thành loại sách cỡ nhỏ tại Sài Gòn [207, 590]. Tác giả Vũ Nhật đã gửi cảm hứng về một thời đại mới mẻ qua cách đặt tên bài văn du kýHà Nội-Vientian trong hai giờ. Đi máy bay, hành khách có được một điểm nhìn cảnh quan thiên nhiên từ trên không mà thời trước, các bậc ông cha đi bộ không thể có được: “Mọi người đều chăm chú nhìn qua cửa kính để ngắm phong cảnh. Ánh nắng buổi sáng của mặt trời lòe chiếu lên cảnh vật. Nhìn vũ trụ, ta cảm thấy như nhuộm một màu tươi sáng. Dưới đất, những ruộng nước trông vừa to bằng chiếc chiếu, liên tiếp nhau, ta có thể tưởng tượng cái cánh đồng bát ngát của miền hạ lưu xứ Bắc kỳ

là một cái sân gạch khổng lồ. Thỉnh thoảng một con đường hay một con sông ngòng ngoèo chạy qua trông chỉ như những vết rạn vỡ hay nứt nẻ của mặt đất. Đó đây một vài làng xóm ẩn hiện dưới ngọn tre xanh, nhô lên giữa cánh đồng nước, trông như những cù lao ngoài bể” [139].

Trong thiên du ký Sau tám năm trở lại thăm Laokay in trên Tri tân, Nhật Nham tả cảnh nhìn được khi đi xe lửa từ Hà Nội qua Việt Trì, đi Lao Kay. Xe lửa và đường sắt cấp cho lữ khách một điểm nhìn mới lạ mà các du ký trung đại không có được: “Từ Hà Nội lên tới Việt Trì, vẫn cảnh đồng bằng, hai bên ruộng lúa xanh rì. Rồi dần dần qua các đồi chè núi cọ, bao la bát ngát. Khoảng đường từ Yên Báy đi Lao Kay, tầu khi quanh co, khi leo dốc, như rồng uốn khúc, như rắn lượn bò, núi cao rừng rậm một dòng sông Thao nước đục, hai bên lau lách rậm rì. Thỉnh thoảng vài ba chú Thổ kiếm củi trên sườn non, xa xa hiện năm bảy túp lều gianh trong rừng rậm, cảnh chiều hôm như giục người lữ khách ôn lại chuyện xưa” [125].

Xe đạp cũng là một phương tiện đi lại hiện đại, là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực kỹ thuật khác nhau. Một đoàn du lịch khoảng 200 xe đạp từ Hà Nội thăm làng Bối Khê, một thế hệ thanh niên mạnh khỏe, đi xe đạp như một phương tiện tập thể thao, họ có cái nhìn tráng kiện về tuổi trẻ và quê hương đất nước khác hẳn các nhà nho ung dung, lững thững dạo bước dưới trăng.

Hầu như tất cả các áng văn du ký nửa đầu thế kỷ XX, khi kể về các chuyến đi, đều nhắc đến phương tiện giao thông hiện đại được người du hành sử dụng. Khi tốc độ tăng lên, sự kiện diễn ra nhiều hơn, những suy nghĩ, nhận thức về các sự kiện diễn ra choán nhiều chỗ của cảm hứng thơ. Không phải là văn du ký nhưng bài thơ Chơi Huế (1932) của Tản Đà cũng là một dạng du ký bằng thơ, kể lịch trình đi Huế bằng các phương tiện giao thông hiện đại khác nhau: từ Hà Nội, du khách đi xe hơi Xe hơi đã tới Đèo Ngang/Ấy qua Hà Tĩnh đường sang Quảng Bình. Từ Quảng Trị đến Huế đi bằng xe lửa: Giời Tây ngả bóng tà dương/ Ô tô lại đổi lên đường hỏa xa/ Ấy từ Quảng Trị Đông Hà/Đi năm ga nữa vừa là tới kinh. Nhưng nhà thơ lãng tử của chúng ta hình như quên mất tên gọi bài thơ, đã không dừng lại ở Huế, ông đi tiếp theo đường xe lửa vào phía Nam Đế kinh đã gội mưa nhuần/ Tiện theo đường sắt vô dần xứ trong. Và ông kể khi quay ra Bắc thì cũng theo con đường đã đi vào.

Ngay như cảm hứng Chơi cho biết mặt sơn hà/Cho sơn hà biết ai là mặt chơi cũng phảng phất sự ra Bắc vào Nam dễ dàng nhờ giao thông hiện đại. Một niềm tự hào kiêu ngạo của một nhà nho tài tử mà làm nên nó không thể thiếu sự đóng góp của giao thông hiện đại. Nhân tiện cũng nói góp thêm, Tản Đà có nhiều thơ viết về giao thông. Có lúc ông ngồi nhớ cây cầu Hàm Rồng, một cây cầu then chốt trên đường Nam-Bắc và ông dặn Sơn Tinh Hà Bá hay cùng/ Giữ nguyên phong cảnh Hàm Rồng đợi ta/Có ngày xe lửa đi qua/Trong xe lại có Tản Đà đứng trông (bài thơ in năm 1932). Những cảm xúc của một nhà thơ hiện đại không thể thiếu hình tượng những con đường, những cây cầu.

Giao thông hiện đại còn giúp thay đổi quan niệm về sự ĐI của người Việt ở một khía cạnh khác. Chúng ta vẫn nhớ trước đây, nhà nho được Khổng Phu Tử nhắc nhở: “Phụ mẫu tại bất viễn du, du tất hữu phương” (Luận ngữ, Lý nhân-Cha mẹ còn, người con không được đi chơi xa, nếu đi xa phải cho biết rò nơi mình định đến). Người con theo đạo hiếu cần ở bên cha mẹ để phụng dưỡng, thăm hỏi hàn ôn hàng ngày. Nếu đi xa thì tất không thực hiện được đạo hiếu. Nhưng điều huấn thị này còn phản ánh hoàn cảnh giao thông của xã hội nông nghiệp, khi mà tốc độ còn rất hạn chế thì khoảng cách không gian địa lý đặt ra thách thức. Vượt qua một vài trăm cây số với sự hỗ trợ của đường xá, cầu phà tốt, xe máy, tàu hỏa, máy bay là câu chuyện đơn giản của thời hiện đại. Nhưng đối với người xưa, đi bộ hay đi theo đường sông, tốc độ hạn chế thì khoảng cách luôn phải được tính đến. Nếu cha già mẹ héo, có chuyện gì xẩy ra, người con không có mặt kịp thời thì ân hận suốt đời. Những cuộc ly biệt của con người trong Truyện Kiều thường được Nguyễn Du diễn tả bằng những thành ngữ đất khách quê người, chân trời góc bể và những biểu tượng sông, núi, quan ải ông sử dụng đã phản ánh tâm thức tiếp nhận không gian của người xưa trong nền văn minh nông nghiệp [207, 338].

Như vậy, giao thông hiện đại đã làm thay đổi quan niệm sống và đi. Những người con vẫn giữ được đạo hiếu đồng thời vẫn có thể thực hiện những chuyến đi xa nhờ có phương tiện giao thông hiện đại giúp vượt qua không gian. Sau chuyến bay từ Hà Nội sang Vientian chỉ có hai giờ, tác giả không nén nổi chút tự hào của một khách du được hưởng những thành quả kỹ thuật hiện đại: Hà Nội-Vientian

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 184 trang tài liệu này.

trong hai giờ! Sự tiến bộ của khoa học đã làm mất nghĩa của hai câu thơ của nhà bất hủ Nguyễn Du: “Đường xa chớ ngại Ngô Lào”. Hoặc giả thi sĩ là một nhà tiên tri, câu thơ ấy chỉ có nghĩa “Ngô Lào ta chớ ngại đường xa” [139]. Không cần nói đến vài trăm năm, mà chỉ cần lùi về trước khoảng 100 năm, một chuyến theo đường bộ từ Bắc vào Nam phải vượt qua biết bao sông núi, đèo dốc hẳn là rất khó khăn, không khác gì thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh.

Một điểm nữa cần đề cập là phương tiện giao thông hiện đại đã góp phần lấp nhiều khoảng trống trên bản đồ nhận thức thế giới của người Việt, thay đổi những định kiến rất ấu trĩ về thế giới bên ngoài khi mà người Việt chưa xuất ngoại. Về mặt này, Nguyễn Thị Chân Quỳnh viết “Những người chưa từng bước chân ra khỏi nước rất dễ có những ngộ nhận: tác giả Ðại Nam Việt Quấc triều Sử ký tả cảnh nước Pháp có "cửa son chói lói, lầu vàng oai nghi", và Bá-đa-lộc vào bệ kiến quốc trưởng Pháp thì "quỳ lạy"! Trong cuộc chiến chống Pháp, người ta còn đồn rằng "Tây không có đầu gối, cứ rải ổi xanh ra đường nó dẫm phải trượt chân ngã, bắt dễ như chơi" (có lẽ vì thấy Tây đi ủng cao che lấp đầu gối?) [xem 156]. Nhưng khi người Việt đã đứng giữa Paris thì xã hội Phương Tây đã có thể sờ mó được, hít hở được, các đoàn du khách Việt Nam bắt đầu tìm hiểu đặc điểm của xã hội đó, sức mạnh và nhược điểm của nó. Theo Nguyễn Thị Chân Quỳnh, sau chuyến đi Pháp trở về, Phạm Phú Thứ đã có nhiều hoạt động hướng đến cải cách, đổi mới như gửi thư cho nhiều đại thần trong triều đình trình bày phương án cải cách về binh bị, kinh tế, giáo dục, tiểu công nghệ, đề nghị mở cảng ngoại thương, mở trường hàng hải, trường dạy tiếng Pháp... Giữa văn du ký như là dạng văn bản thể hiện tư tưởng và hành động thực tiễn có sự thống nhất cao. Du ký không chỉ đơn giản ghi chép lại điều tai nghe mắt thấy và không chỉ có văn học tự sự hư cấu mới thể hiện tư tưởng. Những điều tai nghe mắt thấy dẫn đến tư tưởng và từ đó dẫn đến hành động.

Văn du ký nửa đầu thế kỷ XX và tiến trình hiện đại hóa văn học - 8

Ngoài các chuyến viễn du ra hải ngoại, phải kể những xứ sở xa xôi, khó đến, vắng bóng trong văn du ký thời trung đại xưa thì nay đã thành đích đến của nhiều người có đầu óc thám hiểm, lãng mạn. Đó là hồ Ba Bể [126], đảo Cát Bà (trong du ký ghi là Các Bà-xem 37), đảo Phú Quốc [237], đỉnh Bà Nà [62]…Và như một quan hệ nhân quả, việc đến thăm những vùng đất, xứ sở mới làm nảy sinh những

quan sát mới, kiến văn mới, tạo ra những quan tâm mới cho người đọc. Chẳng hạn nhận diện người Hoa ở Việt Nam. Vấn đề người Hoa ở Việt Nam lần đầu tiên, một cách hệ thống đã được Đào Trinh Nhất trình bày trong sách Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ từ năm 1924 [xem 138]. Nhưng đi vào mô tả những đặc điểm văn hóa và hoạt động một cách sinh động thì phải kể những áng văn du ký như bài của Trần Trọng Kim (1923), Sự du lịch đất Hải ninh in trên Nam phong s. 71 [85], viết về cả cái hay, cái tích cực của người Hoa ở bên Đông Hưng giáp Móng Cái và cả những mặt trái, xấu, nhất là lối sống mất vệ sinh của họ. Hoặc phải nhắc đến Vân Đài với áng văn du ký viết về mối nguy người Hoa độc chiếm các nguồn lợi hải sản ở Cát Bà với những chiếc thuyền lớn trong khi đó người Việt chịu bó tay vì không có vốn và kỹ thuật [37].

2.1.3. Văn du ký và đời sống báo chí

Ai cũng nhận thấy báo chí có vai trò quan trọng hàng đầu đối với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Cách nay khoảng một nửa thế kỷ, Phạm Thế Ngũ đã viết về vai trò của hoạt động báo chí, xuất bản trong tiến trình hình thành nền văn học mới khác văn học truyền thống: “Xưa đối với nho gia, trung tâm văn học là khu lều chòng ba năm mở một lần, là nơi thầy đồ bình văn giảng sách, là nơi thi hữu xướng họa vịnh ngâm. Nay trung tâm ấy chuyển ra nơi tòa báo, nhà xuất bản, tiệm sách, thư viện, chỗ xuất phát những ấn phẩm có khả năng khích động những tư trào lôi cuốn xã hội vào những biến đổi sôi nổi” [122, 96-97].

Theo Phạm Thế Ngũ, trong nhiều vai trò mà báo chí quốc ngữ đảm nhiệm ở đầu thế kỷ XX, có một vai trò làm nơi luyện tập quốc văn. “Tờ báo nhất là tờ tạp chí còn là chỗ tập hợp và tuyển lựa những người cầm bút, chỗ để cho họ luyện văn và tác phẩm mới trong buổi đầu này. Những nhà văn có sự nghiệp trong giai đoạn này- nhất là hai đại gia Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh -đều là nhà báo cả. Họ dùng cột báo làm chỗ luyện tập câu văn và viết dần những tác phẩm của họ. Quốc văn chưa vững, độc giả chưa nhiều, nên thời này chưa có những nhà xuất bản chuyên sản xuất sách. Văn học nhất là trước 1925 chỉ mới có ở báo chí” [122].

Số lượng báo chí ở các ba miền Bắc, Trung và Nam năm 1923 có 71 tờ; vào năm 1934 lên tới 227 tờ, và đến năm 1937 tổng cộng có 269 tờ báo, kỷ yếu, tạp chí

[131, 55]. Con số này rất có ý nghĩa nếu ta hình dung thời trung đại, nhà nho không có báo chí.

Vì sao báo chí ra đời và phát triển thì văn du ký được đẩy mạnh? Vương Trí Nhàn lý giải khá thỏa đáng: báo chí ra đời vào những năm 20 và 30 của thế kỷ XX, đội ngũ làm báo còn rất mỏng, nguồn tin trong nước và thế giới còn rất hạn hẹp, lực lượng viết báo chính là các nhà văn. Về mặt nghề nghiệp mà xét, bấy giờ không có sự phân biệt quá rò rệt giữa nhà văn và nhà báo. Các tác giả vừa viết văn làm báo để đáp ứng yêu cầu bài vở đa dạng. “Sự gần gụi giữa văn học và báo chí đúng hơn là tình trạng văn sử triết bất phân lúc ấy bên cạnh những mặt hạn chế suy cho cùng lại là nhân tố làm cho báo chí trở nên sinh động và trong số các thể loại văn học, mấy thể văn rất gần với báo tồn tại trước tiên trên mặt báo như bút ký, du ký, phóng sự lại tìm được điều kiện lý tưởng để nảy nở” [131, 56].

Khi văn du ký là một dạng văn báo chí, nó phải đáp ứng được những thay đổi trong cuộc sống. Vương Trí Nhàn viết “Nay thì quan niệm sống của người ta đã khác, nên viết cũng phải khác. Câu hỏi có tính chất ám ảnh bây giờ là: ta đang sống như thế nào? Chung quanh ta đang diễn ra những chuyện gì? Cách sống của cổ nhân cần được hiểu, cần được nghiên cứu nhưng không hẳn đã là mẫu mực để theo. Con người phải dò tìm cái cách tồn tại cho bản thân. Người ta không chỉ cần lời khuyên, người ta trước tiên muốn biết hình ảnh của chính mình. Báo chí và các phương tiện truyền thông phải trở nên tấm gương để con người tự nhận thức. Nếu các tin tức bài vở lặt vặt nhỏ lẻ, đã thỏa mãn ham muốn tò mò, thì những ký sự, phóng sự tương đối dài đưa ra những toàn cảnh rộng lớn, kèm theo sự phân tích tỉ mỉ, mới thật làm cho người ta biết mình một cách đầy đủ” [131, 59]. Những điều trên bàn về ký sự, phóng sự nhưng cũng rất thích hợp cho văn du ký, một tiểu loại của ký sự.

Trước Vương Trí Nhàn vài chục năm, Phạm Thế Ngũ từng có một nhận xét đáng chú ý rằng bước đầu văn quốc ngữ phải qua một giai đoạn tập dượt nên văn du ký có vai trò rất lớn trong cuộc tập dượt này, bên cạnh văn học dịch, để xây dựng một nền văn xuôi hiện đại. Luận điểm quan trọng của ông là chính ký sự, trong đó có du ký, đã chuẩn bị cho một thể loại thuộc hàng chủ đạo của văn học

nửa đầu thế kỷ XX-tiểu thuyết. Ông đặt tên cho một tiểu mục trong cuốn sách của mình, chương V Sự hình thành của tiểu thuyết mới Bước đầu của tiểu thuyết mới: những thiên ký sự. Theo ông, ký sự có các tiểu loại như nhật ký, hồi ký, du ký, mộng ký. Tất nhiên, việc phân loại chỉ có tính tương đối, trong văn du ký có thể có cả nhật ký, hồi ký. Nhưng quan điểm của Phạm Thế Ngũ về vai trò của ký sự chuẩn bị cho tiểu thuyết mới là xác đáng. Bởi theo ông, trong ký sự có đủ mọi hình thái của tiểu thuyết như tiểu thuyết đòi hỏi có cốt truyện thì ký sự chính là kể chuyện, có điều là câu chuyện còn ở dạng nguyên chất chưa chế hóa thành tiểu thuyết; ký sự thuật việc cũng có nét tương tự như chất phiêu lưu của tiểu thuyết; ký sự cũng như tiểu thuyết bao gồm đủ các giọng điệu, các lối văn, tả cảnh, tả tình, đối thoại, độc thoại. “Đại để đó đều là những lối ký sự và đều có thể coi như một hình thức tối giản của tiểu thuyết” và “viết ký sự còn có thể coi như một công việc luyện tập viết văn. Bởi vậy nên chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy, ở giai đoạn học tập sáng tác này, trước khi có những tiểu thuyết chân chính, lối ký sự này đã rất thịnh hành” [122, 293-294].

Luận điểm của Phạm Thế Ngũ là trùng hợp với Percy G. Adams, tác giả công trình Văn học du lịch và sự tiến hóa của tiểu thuyết [276]. “Hình thức tự sự du lịch, récit de voyage không đơn giản chỉ là loại nhật ký ở ngôi thứ nhất, hay bức ảnh chụp cái thế giới mà nhà du lịch nhìn thấy…Nhà du lịch giống như nhà tiểu thuyết có hàng ngàn công thức và hình thức để lựa chọn khi viết về một chuyến đi, dù anh ta có ý định công bố hay không” [276, Preface, ix]. Văn du ký xuất hiện trước và sự đa dạng của các hình thức tự sự mà nhà văn du lịch lựa chọn mở đường cho tiểu thuyết hiện đại mà nhà nghiên cứu này gọi là “đế quốc” vì nó xâm lấn mọi đường biên thể loại.

Như vậy, do sự phát triển của báo chí trong buổi đầu mà văn du ký (cũng như các thể ký khác) phải gánh vác vai trò thỏa mãn nhu cầu người đọc, nhưng chính sự tồn tại của ký sự lại đã tập dượt cho tiểu thuyết mới, kiểu hiện đại ra đời. Quan hệ qua lại giữa báo chí, ký sự, tiểu thuyết có thể xem như ba chân kiềng của văn học nửa đầu thế kỷ XX.

2.1.4. Các tác phẩm dịch và sáng tác có ảnh hưởng đến du lịch và văn du ký

Theo lý thuyết liên văn bản thì bất cứ một sáng tác nào cũng chịu ảnh hưởng của sáng tác đã có trước đó. Văn du ký nửa đầu thế kỷ XX về phương diện này cũng không phải là ngoại lệ.

Hoạt động dịch thuật văn học đóng góp một phần hết sức quan trọng đối với sự hình thành văn học Việt Nam hiện đại. Vấn đề này đã có nhiều nghiên cứu, ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến mảng dịch thuật văn du ký mà theo chúng tôi, cũng có phần ảnh hưởng đến viết văn du ký nói chung.

Trong tác phẩm du ký Chơi Phú Quốc, nữ sỹ Mộng Tuyết khi đó là một nữ sinh trung học đã kể về ngọn nguồn ảnh hưởng của các áng văn du ký đã được đọc đối với hứng thú phiêu lưu của mình. “Thuyền chúng tôi đi đây là thuyền buôn, chở nước mắm đi Rạch giá ghé qua Hà tiên, tiện đường chúng tôi đi theo để nếm qua cho biết cái thú đi biển bằng thuyền buồm. Cái tính hiếu kỳ và “mạo hiểm” ấy đã nuôi sẵn trong lòng mỗi khi đọc truyện Télémaque phiêu lưu, chuyện Quả dưa đỏ 9 hay những bài du ký của Alain Gerbault10” [Nam phong s. 199]. Lời tâm sự của Mộng Tuyết hé lộ cho chúng ta biết về ý nghĩa của các tác phẩm dịch hay sáng tác đã được đăng trên báo chí đầu thế kỷ, hoặc được đọc qua Pháp văn, đối với hứng thú du lịch, một hành động khởi đầu cho sự viết văn du ký.

Trong luận văn nghiên cứu về Nam phong, chương III Trào lưu dung hòa: tản văn, Phạm Thị Ngoạn viết: “Tạp chí Nam phong cũng góp phần đẩy mạnh đà tiến của nhiều loại văn khác: bài ký, văn du ký, bút ký, tùy bút…Chúng tôi đã ghi trên đây bài du ký của Lãn Ông, do Nguyễn Trọng Thuật dịch từ Hán văn. Bài này ra mắt đã khuyến khích loại văn [du ký ] được phát triển”11. Ý bà muốn nói bản dịch Thượng kinh ký sự được đăng trên Nam phong đã tạo cú hích cho văn du ký phát triển. Về điểm này, Phạm Thị Ngoạn đã không hoàn toàn chính xác vì trước Thượng


9 Quả dưa đỏ, tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Thuật, phóng tác theo chuyện An Tiêm trong Lĩnh nam chích quái (thế kỷ XIV).

10 Alain Gerbault (1893-1941), người đã một mình bơi thuyền vòng quanh trái đất, cuối cùng lên sống các

hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương, viết một số cuốn sách về lối sống của cư dân các đảo này (Theo Wikipedia). Có lẽ Mộng Tuyết đã đọc qua tiếng Pháp các sách của ông.

11 Phạm Thị Ngoạn (1993), Tìm hiểu tạp chí Nam phong (1917-1934), kỷ yếu Hội nghiên cứu các vấn đề Đông Dương, Ý Việt. Phạm Trọng Nhân dịch ra tiếng Việt. Công bố trong CD Nam Phong, tr. 205.

Xem tất cả 184 trang.

Ngày đăng: 25/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí