Nghiên Cứu Văn Du Ký Ở Nước Ngoài

bài khảo cứu có giá trị về các mặt khác nhau của văn du ký giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX (xem thư mục tham khảo từ 169 đến 178). Bắt đầu từ đó, các nhà nghiên cứu, phê bình khác cũng bắt đầu viết về văn du ký; đề tài văn du ký được lựa chọn cho các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.

Nguyễn Hữu Sơn đã có nhiều nghiên cứu, đánh giá nhiều mặt về văn du ký. Trong bài viết giới thiệu tập Du ký Việt Nam, ông phân loại du ký trên Nam phong ra 5 dòng khác nhau: đó là “dòng du ký mang tính quan phương, sự vụ, công vụ”; “dòng du ký viễn du-những chuyến du hành vượt biên giới”; “dòng du ký thiên về khảo cứu danh nhân lịch sử, truyền thuyết và sự tích liên quan tới một sự kiện cụ thể”; “dòng du ký hướng tới khảo sát, giới thiệu cả một vùng văn hóa rộng lớn”; “dòng du ký mà yếu tố “vị nghệ thuật” chiếm phần quan trọng” [169]. Ông nhấn nhấn mạnh sự phân loại chỉ tương đối và dù các tác phẩm có khác nhau thế nào đi nữa thì du ký vẫn hướng về ĐI và XEM, đặt cược vào tính tích cực chủ thể. Nhận xét về tính chủ thể, tức cái tôi trong tự sự du ký là một nhận xét khá thống nhất với các quan điểm nghiên cứu du ký cả trong và ngoài nước, nói lên được tính hiện đại của du ký. Điểm riêng của Nguyễn Hữu Sơn là ông sử dụng khái niệm “thể tài” chứ không phải “thể loại” khi định danh bản chất thể loại của văn du ký.

Nguyễn Hữu Sơn có một nghiên cứu đề cập đến vai trò của du ký trong quá trình hiện đại hóa văn xuôi tiếng Việt, nói rộng ra, hiện đại hóa văn học Việt Nam. Trong bài viết này, Nguyễn Hữu Sơn đã nhấn mạnh cái tôi, tính tự thuật của người kể chuyện trong các áng văn du ký đi ra hải ngoại. Chẳng hạn, ông viết: “Trong Hạn mạn du ký, cái “tôi” tác giả trong tư cách người kể chuyện đã xuất hiện từ trang đầu đến trang cuối. Người kể chuyện ở đây phân thân trong nhiều vai trò, vị trí khác nhau, có khi là người dẫn chuyện, có khi là kể, có khi là tả, có khi là người tự thuật, có khi là những lời độc thoại, có khi là những lời nhận xét, bình luận, có khi là chứng nhân, có khi đóng vai người giảng thuyết, khảo tả địa lý, văn hóa, lịch sử…” [175].

Một bài viết gần đây của nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang đã trực tiếp đặt văn du ký vào quĩ đạo của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. So sánh văn học Việt Nam và Nhật Bản, ông còn chỉ rò, hiện đại hóa văn học tại các nước Đông Á

cũng có một điểm gặp gỡ chung, đó là sự có mặt của du ký. Ông nhận xét: “Có ba hiện tượng văn học giống nhau ở hai nước, đó là sự xuất hiện của các du ký, sự bùng nổ của văn học dịch và sự ra đời của văn học duy tân - khải mông chủ nghĩa” [43]. Về văn du ký, ông viết: “Đây là thời đại người ta đi và đi: đi ra khỏi nhà mình, ra khỏi làng mình và ra khỏi nước mình. Vì thế du ký là thể loại phát triển rất mạnh”. Vì sao du ký được ông xem là thể loại tiên phong của hiện đại hóa văn học? Đoàn Lê Giang viết: “Mở cánh cửa ra thế giới, trong các loại du ký đó thì du ký chính trị có vai trò quan trọng nhất vì ở đó nhà văn nói chuyện về văn minh Âu Tây để thấy cái lạc hậu, cái hèn kém của nước nhà” [43]. Ông lý giải rò hơn ý kiến của mình: “Nói chung bước khởi đầu của hiện đại hoá văn học các nước Khu vực văn hoá chữ Hán là từ vấn đề dân tộc. Từ dân tộc đi đến duy tân, từ duy tân đi đến đổi mới văn học. Văn học hiện đại bắt đầu từ đó. Vì thế quá trình hiện đại hoá văn học của các nước Đông Á có những nét rất riêng biệt, trong đó nội dung dân tộc chiếm một phần rất quan trọng, dù là một nước độc lập hay một nước thuộc địa” [43]. Chúng tôi rất tán thành cách tiếp cận vấn đề hiện đại hóa văn học của Đoàn Lê Giang. Hiện đại hóa phải là một quá trình đồng bộ, nhưng vấn đề dân tộc phải là điểm kích hoạt các vấn đề khác. Và trong vấn đề dân tộc, cần thiết sự quan sát, so sánh, nhìn người rồi nhìn ta, nhận ra những yếu kém, ngu dại của mình để mà học hỏi, thay đổi, tự cường. Văn du ký đảm nhận một phần lớn nhiệm vụ đó. Đây là điểm riêng, đóng góp riêng của thể loại văn du ký cho tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.

1.3.3. Nghiên cứu văn du ký ở nước ngoài

Trong phần này chúng tôi điểm qua những vấn đề chính mà giới nghiên cứu văn du ký Phương Tây đã đề cập.

Ở các nước Phương Tây, việc nghiên cứu văn du ký cũng bắt đầu khá muộn và một phần quan trọng được kích thích bởi các lý thuyết hậu thực dân và lý thuyết diễn ngôn. Các thách thức với điển phạm truyền thống về thể loại đã dành chỗ cho quan tâm đến những thể loại thấp kém từng bị coi là bên lề của văn học. Chủ nghĩa Tân lịch sử (New Historism) và khoa nghiên cứu văn hóa (Cultural Study) kêu gọi các phân tích liên ngành và thuần túy lý luận trong đó các văn bản

luật pháp, chính trị, lịch sử, văn hóa bình dân, và du lịch cũng như các thực hành văn hóa như vẽ bản đồ, đi du lịch, sưu tầm, mua sắm, hay vũ hội hóa trang-được đọc liền nhau, và được phân tích bởi cùng các thuật ngữ như với các văn bản văn học chứ không qua các phạm trù có tính hiện đại hóa mà lịch sử của chúng đòi hỏi một sự phê bình kỹ lưỡng. Các vấn đề được chú ý bởi lý thuyết diễn ngôn thực dân -mối quan hệ giữa văn hóa và quyền lực, sự hình dung theo kiểu Phương Tây về những “người khác” không phải người châu Âu, ảnh hưởng của thực dân hóa và đế quốc đến tất cả những gì liên quan có quan hệ cả với tiểu thuyết và văn du ký và cả hai được nghiên cứu bởi các nhà phê bình Peter Hume, Mary Louise Pratt, Jonathan Lamb, và Nigel Leask.

Vào những năm 1980 và 1990, tạp chí văn học hàng đầu của Anh quốc Granta đăng một số chuyên đề văn học du lịch. Carl Thompson nhận xét: “Ẩn ý của Granta trong việc đề cao hình thức văn học này là một ngụ ý rằng văn học du lịch là thể loại đặc biệt phản ánh và phù hợp với điều kiện hiện đại. Xét cho cùng, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa gia tăng, trong đó tính lưu chuyển, đi du lịch và tiếp xúc liên văn hóa là sự thực đời sống, là thực tế hàng ngày của nhiều người... Trong bối cảnh đó, văn học du lịch có được một vị trí mới, uy tín mới” [261, 2].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 184 trang tài liệu này.

Trong giới nghiên cứu phê bình Phương Tây, cũng bắt đầu những năm 1980 trở đi mới xuất hiện những chuyên khảo về văn du ký dưới khái niệm phổ biến “travel writing” mà nếu dịch nguyên văn phải gọi là “văn học du lịch”. Tuy sự khởi đầu cho nghiên cứu về văn du ký ở Phương Tây có sớm hơn ở nước ta nhưng so với mảng nghiên cứu văn chương thì thời điểm xuất hiện như thế là quá muộn. Công trình vào loại mẫu mực nghiên cứu văn du ký thuộc về Percy G. Adams, Travel writing and the evolution of the novel-“Văn du ký và sự tiến hóa của tiểu thuyết”, xuất bản tại Đại học Kentucky (Mỹ) năm 1983 [xem 276]. Tiếp theo đó, có nhiều công trình nghiên cứu uy tín khác về văn du ký ra đời mà luận án không có điều kiện bao quát được đầy đủ, toàn diện do những khó khăn về tài liệu nghiên cứu. Chúng tôi chỉ tóm tắt một số hướng nghiên cứu chính ở Phương Tây, xem đây là những gợi ý cần thiết cho hướng triển khai của luận án này.

Một tác giả viết khá tập trung về văn du ký là nhà nghiên cứu người Anh, Carl Thompson. Ông đã theo đuổi đề tài nghiên cứu về văn du ký trong nhiều năm và cho xuất bản những công trình có giá trị.

Văn du ký nửa đầu thế kỷ XX và tiến trình hiện đại hóa văn học - 6

Trong một công trình dành riêng cho văn du ký, ông nhận xét về các lý thuyết mới được vận dụng để nghiên cứu về văn du ký ở Phương Tây. “Các học giả và các sinh viên làm việc trong một số lĩnh vực khác nhau đã nhận thấy ở thể loại này mối quan hệ với một phạm vi rộng các cuộc tranh luận về văn hóa, chính trị và lịch sử. Đây là một bước phát triển có liên hệ đặc biệt với sự phổ biến của điều được định danh là “lý thuyết hậu thực dân” (postcolonialism) hay là “nghiên cứu hậu thực dân” (postcolonial studies) trong nhiều lĩnh vực của khoa học xã hội nhân văn. Nói rộng ra, mục đích của các nghiên cứu hậu thực dân là để nhận thức và tranh luận về những hậu quả tai hại của các đế quốc châu Âu rộng lớn trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX” [261, 3]. Nhà nghiên cứu cho rằng chủ nghĩa đế quốc của châu Âu và chủ nghĩa tư bản toàn cầu đã đặt nền móng cho thế giới hiện đại toàn cầu hóa, đưa lại công cuộc tiếp xúc liên văn hóa, xáo trộn cuộc sống các cá nhân và các dân tộc. Nó cũng thiết lập sự bất bình đẳng to lớn hiện vẫn đang tồn tại giữa các khu vực khác nhau của thế giới, giữa thế giới Phương Tây “phát triển” và phần thế giới “còn lại” kém phát triển theo các tiêu chí giàu có, sức khỏe và nền kỹ thuật tiên tiến. Từ việc nhìn nhận quá trình lịch sử toàn cầu hóa mà các nhà nghiên cứu hậu thực dân thấy cần phải tìm hiểu sự bất bình đẳng đó đã được hình thành từ buổi ban sơ như thế nào mà ngày nay vẫn còn được duy trì. Họ cũng thấy cần dựng lại quá trình các nền văn hóa khác nhau đã nhìn nhận, miêu tả về nhau và tương tác với nhau như thế nào. Đối với một chương trình nghiên cứu như thế thì văn du ký là một nguồn tài liệu có giá trị. “Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, thể loại văn du ký đã đóng vai trò trọn vẹn của nó trong công cuộc bành trướng đế quốc của châu Âu và văn du ký thời kỳ này bộc lộ ở mức độ cao những hành động mà những nhà du hành châu Âu đã làm ở nước ngoài, cho biết về thái độ và hệ tư tưởng dẫn dắt chủ nghĩa bành trướng của châu Âu. Tương tự như vậy, văn du ký hiện đại vẫn soi rọi đáng kể hệ tư tưởng và các thực hành duy trì ổn định trật tự thế giới hiện hành” [261, 3].

Như vậy, một hướng quan trọng trong nghiên cứu văn du ký ở Phương Tây là dựa trên lý thuyết hậu thực dân để quan sát, phân tích cái nhìn Phương Tây trong văn du ký đối với các dân tộc khác ngoài thế giới Phương Tây. Các vấn đề văn hóa và xã hội học này rất tiềm tàng trong văn du ký qua nhiều thế kỷ ở Phương Tây. Bản chất vấn đề là ở hệ tư tưởng và cách nhìn “người khác” của các nhà du hành Phương Tây. Đi du lịch hay đi truyền giáo, đi chinh phục, những nhà du hành châu Âu và về sau là Mỹ đã nhìn các dân tộc bên ngoài châu Âu ra sao, một vấn đề mà Đông phương luận [41] của Edward Said đã bàn. Như vậy, một trong những đặc trưng nổi bật của văn du ký là luôn hàm chứa một cách nhìn về người khác, nền văn hóa khác. Điều này nằm trong bản thân quá trình hình thành căn cước văn hóa dân tộc (indentity) trong thời hiện đại. Các tác phẩm văn du ký Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX chứa đựng nhiều tư liệu thể hiện cái nhìn của người Việt đương thời về người Hoa, người Chăm, người Pháp. Có người nói, ta nhìn người, rồi ta nhìn ta [68], đây là một nhu cầu nhận thức và tự nhận thức rất lớn trong giai đoạn hiện đại hóa văn học dân tộc mà nghiên cứu văn du ký không thể bỏ qua. Chúng tôi sẽ dành một số trang thích hợp để phân tích nội dung này.

Cũng theo Carl Thompson, sự gia tăng chú ý của giới nghiên cứu hàn lâm Phương Tây đối với văn học du lịch có cội rễ không chỉ do sự phát triển của các nghiên cứu hậu thực dân, mà còn cả làn sóng chủ nghĩa nữ quyền thứ hai vào những năm 1970. Nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu vận dụng lý thuyết Giới vào nghiên cứu văn du ký. Một mặt, họ quan tâm đến những biểu hiện nam tính, nam quyền trong văn du ký Phương Tây thế kỷ XVIII-XIX như là diễn ngôn chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng nam quyền; mặt khác hướng đến những đóng góp của phụ nữ trong địa hạt tưởng chừng như chỉ là độc quyền của nam giới: thể loại văn học du lịch, chỉ ra thực tế rằng chính phụ nữ đã viết nhiều tác phẩm văn du ký từ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Góc nhìn giới về cả nam tính và nữ tính là một vấn đề của văn học hiện đại, du ký cũng không nằm ngoại lệ. Nhưng vận dụng lý luận về giới để nghiên cứu văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX cũng đang là một khoảng trống cần được lấp.

Nhìn từ góc độ thể loại, các nhà nghiên cứu Phương Tây không dừng lại ở việc chứng minh tính hỗn dung, khả năng chứa đựng nhiều thể loại của văn du ký mà còn đánh giá văn du ký chính là một thể loại góp phần thúc đẩy sự hình thành của thể loại tiểu thuyết trong văn học Phương Tây. Điều đó có nghĩa là thể loại văn du ký có một vai trò trong quá trình hiện đại hóa của văn học Phương Tây. Nhận xét về lịch sử văn du ký Phương Tây, Carl Thompson nhận xét: “có thể cho rằng tiểu thuyết hiện đại đã ra đời như là sự mô phỏng văn du ký đương thời” [261, 51]. Chúng ta đều biết, Robinson Crusoe (1719)- tiểu thuyết của Daniel Defoe là dị bản hư cấu của tự sự có tính tự truyện, còn Giulliver phiêu lưu ký của Jonathan Swift (1726) là dị bản nhại lại tự sự của William Dempier. Tiểu thuyết là thể loại có khả năng đồng hóa cao các thể loại khác, trong đó có văn du ký, để trở thành một thể loại có tính tổng hợp.

Nhìn từ quan điểm của Carl Thompson, văn du ký có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hiện đại hóa văn học Phương Tây về nhiều mặt, tác động đến sự hình thành của tiểu thuyết Phương Tây buổi ban đầu. Những gợi ý này có giá trị lớn đối với chúng tôi khi nghiên cứu văn du ký Việt Nam và những tác động có thể có của nó đối với sự hình thành tiểu thuyết hiện đại.

Cũng như các nhà nghiên cứu Việt Nam kể trên, các nhà nghiên cứu Phương Tây đã chú ý đến cái tôi, đến tính chủ thể đậm nét, bản chất tự truyện của văn du ký. Nhưng khác với giới nghiên cứu Việt Nam, các nhà nghiên cứu Phương Tây đã nhìn nhận cái tôi trong văn du ký Phương Tây phản ánh quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa Tình cảm (centimentalism) sang chủ nghĩa Lãng mạn (romanticism). Nghĩa là văn du ký ở Phương Tây được họ khám phá từ góc độ vận động, phát triển hướng đến hiện đại hóa của văn học. Carl Thompson cho biết: “Trong nhiều nghiên cứu về văn du ký, sự ra đời của các tác phẩm du ký có tính chủ quan nhiều hơn từ cuối thế kỷ XVIII trở đi được xác định như là một sự chuyển đổi dứt khoát từ các giá trị Khai sáng sang các giá trị Lãng mạn. Với sự chuyển biến này, như nó gợi ý, một cái tôi Lãng mạn mới bắt đầu lưu hành, hay như đôi khi người ta vẫn nói, tính chủ quan Lãng mạn, khác nhiều so với cái tôi Khai sáng và tính chủ quan Khai sáng đi trước”

[261, 117]. “Trong các tác phẩm du ký, các nhà du lịch Lãng mạn chủ nghĩa không đơn giản quan sát mà họ phản ứng lại các cảnh đời quanh họ, và ghi chép lại các phản ứng ấy và cả những suy nghĩ về chúng. Trong một số trường hợp, họ tìm ra những tình huống gây nên các cảm xúc mạnh mẽ, những cảm xúc về cái cao cả, các căng thẳng tinh thần…Trong khi các tác phẩm du ký thời Khai sáng chủ yếu bày tỏ cái tôi Descart không biến đổi trong quá trình đi du lịch, tác phẩm du lịch Lãng mạn ghi lại không chỉ một hành trình văn học mà còn cả chuyến đi ẩn dụ nội tâm của sự tự khám phá và chín mùi”.

Nhận xét này có ý nghĩa gợi ý quan trọng cho chúng tôi, giúp chúng tôi tìm được điểm nhìn đối với văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX theo hướng hiện đại hóa văn học. Sự tự khám phá chủ thể trong văn du ký có liên quan đến sự phân tích, miêu tả tâm lý trong văn xuôi và biểu đạt cái tôi trong thơ, điều dễ thấy trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Chúng tôi sẽ tìm hiểu hiện tượng tự khám phá, tự phân tích của chủ thể tự sự trong văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX như một nét đáng chú ý của hiện đại hóa văn học.

Tính chủ thể, cái tôi cá nhân đậm nét trong du ký nửa đầu thế kỷ XX có những điểm khác với tính chủ thể trong văn du ký trung đại vì nó thể hiện chủ nghĩa Lãng mạn, cái tôi xê dịch, phiêu lưu, khám phá. Carl Thompson chỉ rò, các tự sự du lịch thế kỷ XVIII miêu tả những cuộc thám hiểm, khám phá còn có ảnh hưởng đến thơ lãng mạn thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Chủ đề du lịch, nhà văn nhà du lịch là chủ đề của nhiều nhà thơ lãng mạn như Coledrige, Wordsworth, Byron. “Nhà thám hiểm so với những khách du lịch thông thường cũng như vị Thánh so với giáo đoàn thông thường” (Lời của Hugh Massingham, chuyển dẫn theo 260, 145). Tinh thần lãng mạn ưa thích phiêu lưu, thám hiểm, chấp nhận rủi ro mạo hiểm, nói như nhà thơ Nga Lecmontov trong bài thơ Cánh buồm “Dường như trong giông tố mới là bình yên” tràn ngập trong nhiều du ký Anh từ thế kỷ XVIII, ta cũng có thể bắt gặp trong một số thiên văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX chịu ảnh hưởng của tinh thần này.

Tiểu kết

Có thể nêu lên một số điểm chủ yếu sau:

1. Khái niệm văn du ký có nội hàm rộng, có thể nêu một số nét chính của nội dung khái niệm như đã trình bày chứ khó có thể đưa ra một định nghĩa ngắn gọn bao quát đầy đủ các phương diện phức tạp của văn du ký.

- Văn du ký có quan hệ với quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc nhưng chưa được giới nghiên cứu nước ta chú ý thích đáng.

2. Văn du ký ở Việt Nam có một lịch sử riêng, nhưng văn du ký nửa đầu thế kỷ XX có nhiều điểm khác với du ký truyền thống, nguyên nhân cơ bản là văn du ký hiện đại của kiểu tác giả mới, diễn tả tư tưởng và cảm xúc mới của lớp người sống trong môi trường xã hội khác thời trung đại, tiếp nhận những ảnh hưởng văn học Phương Tây trong đó có văn du ký.

3. Văn du ký của Phương Tây có những đặc trưng riêng, phản ánh quá trình thâm nhập, phát hiện thế giới, xâm nhập thế giới và thể hiện cái nhìn thực dân của người Phương Tây đối với thế giới bên ngoài Phương Tây. Tuy nhiên, những đặc trưng của văn du ký Phương Tây cũng có những nét tương đồng với văn du ký Việt Nam và những kinh nghiệm nghiên cứu văn du ký Phương Tây có thể có ích cho nghiên cứu văn du ký Việt Nam.

4. Các thành tựu nghiên cứu của giới nghiên cứu Việt Nam và giới nghiên cứu Phương Tây có thể khai thác cho đề tài Văn du ký nửa đầu thế kỷ XX và tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Qua việc tiếp nhận thành tựu nghiên cứu của cả trong nước và quốc tế, chúng tôi sẽ triển khai các nội dung chủ yếu sau:

- Chương 2. Cơ sở văn hóa xã hội và diễn biến của văn du ký nửa đầu thế kỷ XX: các nhân tố văn hóa, xã hội, văn học qui định sự ra đời, tồn tại của văn du ký; quá trình diễn biến theo nhịp hiện đại hóa văn học dân tộc.

- Chương 3. Nội dung văn du ký nửa đầu thế kỷ XX với vấn đề hiện đại hóa văn học: phân tích các phương diện ý thức về bản thân và ý thức về người khác trong tiếp xúc văn hóa; một số biểu hiện đặc thù của chủ nghĩa lãng mạn trong riêng văn du ký; vấn đề giới trong văn du ký - phụ nữ viết du ký và vấn đề nữ quyền trong du ký.

- Chương 4. Nghệ thuật văn du ký nửa đầu thế kỷ XX và vấn đề hiện đại hóa văn học: phân tích các phương diện quan hệ giữa ghi chép và tả chân; người kể chuyện, ý thức chủ thể với hình thức nhật ký và vấn đề khám phá bản thân tác giả du ký; vấn đề miêu tả và phân tích tâm lý.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/07/2022