Khái Niệm “Hiện Đại” Và “ Hiện Đại Hóa Văn Học ”

nói rò du ký là thể loại; trong định nghĩa ta thấy sự cố gắng bao quát cả hai mặt đồng đại và lịch đại của văn du ký trong lịch sử văn học Việt Nam và thế giới. Định nghĩa lưu ý cả điều tai nghe mắt thấy cũng như điều tưởng tượng trong các tác phẩm du ký. Tuy nhiên, có những vấn đề của lịch sử văn du ký chưa được bao quát trong định nghĩa này. Ví dụ như cái nhìn thực dân của các tác giả du ký châu Âu khi đi sang các nước Phương Đông, coi Phương Đông như là thế giới man ri, mọi rợ cần được khai hóa. Cái nhìn của các sứ thần Trung Quốc khi đến Việt Nam thời trung đại cũng mang một sắc thái thực dân tương tự. Trong khi đó, người Việt đi sang Phương Tây lại có tâm thế học hỏi. Nghĩa là văn du ký viết khi ra nước ngoài thường bao hàm một cái nhìn về “người khác”.

Trần Kim Anh, Hoàng Hồng Cẩm dựa trên mảng văn học chữ Hán, lại định nghĩa “văn du ký là loại văn được viết ra trong những chuyến đi, vừa để ghi lại hành trình, vừa để bày tỏ cảm xúc về những điều mắt thấy tai nghe. Đặc điểm của du ký là chuyên lấy việc mô tả thắng cảnh núi sông, phong vật làm đề tài, cách viết đa dạng, có thể miêu tả, có thể trữ tình, có thể nghị luận, và phải là chính tác giả ghi chép, về chính chuyến đi của mình, miêu tả lại cảm thụ của bản thân trước non sông cảnh vật” [4,113]. Định nghĩa này chủ yếu áp dụng cho văn du ký chữ Hán thời trung đại mà chưa bao quát hết thực tế du ký thế kỷ XX bằng quốc ngữ, chưa nói đến một trong những yếu tố quan trọng nhất của du ký là kể về các cuộc tiếp xúc với “người khác”, “xứ khác” tức nền văn hóa khác.

- Định nghĩa của giới nghiên cứu quốc tế:

Định nghĩa của từ điển Từ Hải: “Du ký là một trong những thể tài văn học, là một loại của tản văn, dựa vào ngòi bút nhanh nhạy, miêu tả một cách đầy đủ và sinh động tất cả những điều tác giả tai nghe mắt thấy trên đường du lịch, như đời sống xã hội, phong tục tập quán, núi sông cảnh vật, danh thắng cổ tích, cùng với việc biểu đạt tư tưởng, tình cảm của tác giả” [dẫn theo Phạm Thị Ngọc Lan, 86, 6]. Nhà nghiên cứu Phạm Thị Ngọc Lan cũng dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Trung Quốc là Vương Lập Quần: “dấu tích du lịch, cảnh quan và cảm xúc cá nhân là ba yêu cầu lớn của thể văn du ký” [dẫn theo Phạm Thị Ngọc Lan, 86, 6]. Ba yếu tố nói đây nhấn mạnh khá toàn diện nội hàm của văn du ký mà các định nghĩa trên cũng đều đã đề cập.

Nói đến tính chân thực về nội dung của văn du ký, một số định nghĩa trong tài liệu tiếng Việt thường dùng cụm từ “mắt thấy tai nghe”. Nhưng không hẳn là tất cả những sự kiện được ghi trong văn du ký đều có thực, đều là điều bản thân người viết trải nghiệm. Trên Phụ nữ tân văn năm 1932, Phan Khôi từng phê phán những thiên du ký thiếu chân thực, tức là chứa đựng những thông tin lấy từ nguồn tài liệu khác độn vào chứ không phải là những tư liệu do chính người viết nghe nhìn được: “Từ đôi mươi năm nay người mình mới có một số ít bước chân ra ngoại quốc, hoặc sang Tây hoặc sang Đông. Trong một số ít ấy lại có một số ít đã đem cuộc xuất dương của mình mà viết nên những tập du ký, in ra và bán cho những người ngồi nhà mua đọc. Ấy là sự có ích lắm. Nhưng mà tiếc cho những người viết du ký ấy hay có cái tánh không thiệt thà (…) Như du ký Nhật Bổn thì họ chia ra những là lịch sử, phong tục, giáo dục của nước ấy, mỗi việc làm một thiên… Đại để người ta làm cách nầy: Họ có đến Đông Kinh của Nhật Bổn thật, nhưng ở đó không lâu, hoặc là ở lâu nhưng vì cớ gì đó họ quan sát chẳng được gì mấy chút. Đến chừng họ viết du ký, lấy vài ba việc mục kích làm cái cốt rồi, ngoài ra chẳng còn gì nữa cho đầy tập. Khi ấy họ mới sanh tâm ra, làm cho lớn lối, bèn chia từng thiên một, rồi thiếu chi thứ sách nói về Đông Kinh ấy, dịch lấy một mớ mà thộn vào, nó mới thành ra thứ du ký như tôi đã thấy” [77].

Nhật Nham trên Tri tân năm 1942 có tiết lộ ông từng viết về Hồ Ba Bể và cho in năm 1941 [Tri tân số 25] nhưng ông chưa từng lên đó mà người đọc cứ tưởng ông nói sự thực, lần này ông mới thực sự đi thăm Hồ Ba Bể và chép sự thực [126]. Gần đây, ở thế kỷ XXI, cuốn Xách Ba lô lên và đi xuất bản năm 2012 của Huyền Chíp [25] đã bị bạn đọc trên các trang mạng chỉ ra một số yếu tố hư cấu, không có thực. Tóm lại, rất khó xác định liều lượng giữa sự thực và hư cấu trong du ký. Trong khi chủ yếu là ghi chép lại điều tai nghe mắt thấy, tác giả văn du ký có thể hư cấu bằng những cách khác nhau ví dụ như dựa vào du ký của người khác, thậm chí có thể là sách nghiên cứu hay tiểu thuyết để độn cho áng văn đầy lên. Hiện tượng này giới nghiên cứu gọi là kể chuyện ở ngôi thứ ba chứ không phải ngôi thứ nhất.

Theo Bách khoa thư về du lịch (Encyclopedia of Tourism), khái niệm travel literature -“văn học du lịch” bao gồm nhiều loại, từ các sách hướng dẫn du lịch thuần túy cung cấp các thông tin cho du khách - khi đó không thể gọi là thể loại văn học -đến các sáng tác tưởng tượng, hư cấu cũng không thuần túy là văn du ký nữa [265, 602]. Điều nói đây có thể giúp phân biệt những tác phẩm tuy có tên là du ký nhưng không thuộc đối tượng nghiên cứu của luận án. Ví dụ như tác phẩm nổi tiếng Tây du ký của Ngô Thừa Ân tuy rất hấp dẫn song bên cạnh những quan sát, ghi chép về các xứ khác, người khác, lại tồn tại chất tiểu thuyết đậm nét, xây dựng thành công những kiểu nhân vật tiểu thuyết. Nằm ở khoảng giữa chúng là các ghi chép về một chuyến đi và các ghi chép này thực hiện một chức năng kép, vừa có thể cung cấp thông tin xác thực về các địa điểm du khách cần đến vừa thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, hiểu biết về các miền đất lạ, các nền văn hóa và con người đa dạng trên thế giới. Tức là trong văn du ký, có sự tổng hợp các chức năng thông tin cộng với chức năng dân tộc học, nhân loại học, chức năng thẩm mỹ. Bách khoa thư về du lịch quan niệm văn du ký là thể loại phi hư cấu.

Theo Wikipedia (tiếng Anh), khái niệm văn học du lịch (travel literature) được giới thuyết như sau: “thể loại văn học du lịch bao gồm văn học du lữ (outdoor literature), văn học thám hiểm (exploration literature), văn học phiêu lưu (adventure literature), văn học viết về thiên nhiên (nature writing), và sách hướng dẫn du lịch (guide book), cũng như các ghi chép từ các chuyến đi ra hải ngoại”. Đây không hẳn là định nghĩa mà chỉ là một khái quát về những biến thể khác nhau có thể có của văn du ký -tức văn học du lịch Phương Tây. Ở Phương Tây bắt đầu từ thế kỷ XV, do sự phát triển của ngành hàng hải, sự phát triển của công nghiệp mà hiện tượng đi thám hiểm vòng quang trái đất phát triển, kéo theo văn học có nội dung thám hiểm thế giới rất phổ biến còn ở ta, nội dung này rất mờ nhạt, không điển hình. Trong sự đa dạng, có một nội dung chung giữa các kiểu loại văn học du lịch là ghi chép về sự di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác với những nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc nảy sinh trong quá trình di chuyển đó.

Nhà nghiên cứu Carl Thompson quan niệm du hành (travel) là cuộc thương lượng giữa bản thân (self) và người khác (other) dẫn đến việc di chuyển trong

không gian. “Nếu tất cả các cuộc du hành đều bao gồm cuộc gặp gỡ giữa bản thân và người khác được thực hiện bằng việc di chuyển trong không gian thì tất cả văn du ký (travel writing) ở mức độ nào đó đều là sự ghi chép hay sản phẩm của cuộc gặp gỡ này, sản phẩm của sự thương lượng giữa cái tương đồng và cái khác biệt” [261, 10]. Ở đây nhà nghiên cứu quan tâm nhiều hơn đến loại văn du ký của Phương Tây vốn ghi chép những quan sát, suy nghĩ về thế giới ngoài Phương Tây, về Other-người khác trong các thế kỷ thám hiểm, tiến hành thực dân hóa thế giới phi Phương Tây. Vì thế nhà nghiên cứu này quan tâm nhiều đến các cuộc tiếp xúc giữa tác giả văn du ký và Người Khác (tức là dân tộc khác, nền văn hóa khác). Đây cũng là một nội dung mà luận án chúng tôi cũng sẽ quan tâm tìm hiểu.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 184 trang tài liệu này.

Tất nhiên, các nhận xét trên chưa phải là định nghĩa vì theo Carl Thompson, văn du ký -travel writing- là một thể loại không thuần nhất, lai ghép. Rất khó để xác định ở chỗ nào thì du ký kết thúc và bắt đầu các thể loại khác: tự truyện, dân tộc học, miêu tả thiên nhiên, tiểu thuyết hư cấu. Ông đề nghị một cách giới thuyết khái niệm có nội hàm rộng, “có nhiều đặc điểm và dấu hiệu cho phép chúng ta xếp loại một văn bản như là văn du ký và mỗi văn bản riêng rẽ sẽ thể hiện một tiêu chí lựa chọn khác và một thế kết hợp khác các đặc điểm này”. Tiêu chí trung tâm cho thể loại văn du ký phải là “tự sự phi hư cấu ở ngôi thứ nhất” (chúng tôi nhấn mạnh). Tự sự ngôi thứ nhất hàm nghĩa rằng đây là sự ghi chép chân thực các trải nghiệm của chính tác giả - người kể chuyện. Nhưng nhà văn viết du ký lại phải đóng hai vai trò xung đột nhau: là người viết phóng sự thì phải ghi lại đúng những gì đã trải nghiệm, nhưng là người kể chuyện thì anh ta phải gây được hứng thú cho người đọc, trình bày để người đọc thưởng thức. Ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu không dễ gì vạch ra được. Tính hư cấu là không tránh khỏi trong tất cả các tác phẩm văn du ký. Có thể lấy dải quang phổ để hình dung chất hư cấu trong văn du ký: ở một cực của dải quang phổ là những nhà văn muốn ghi lại trung thực các trải nghiệm của mình nhưng thấy cần biên tập lại, cấu trúc lại các trải nghiệm nên làm cho chúng biến dạng. Ở cực bên kia có những nhà văn có chủ ý sáng tạo các chi tiết và tạo truyền thuyết [261, 29]. Trước một đối tượng phức tạp, đa diện như văn du ký, phương pháp của Carl Thompson là mô tả, giải thích mà tránh đưa ra một định nghĩa cụ thể. Cách làm này rất có lý.

Nhìn chung, trên đây chỉ là một số trong vô số các định nghĩa về du ký trong nước và quốc tế. Mỗi định nghĩa được đưa ra từ góc nhìn riêng của nhà khoa học, được khái quát từ thực tiễn văn học mà nhà nghiên cứu đó quan tâm nghiên cứu, nên khó có thể lấy một tiêu chí nào để phê phán, đánh giá đúng sai. Người chú trọng đến tính chất cá nhân, tính chất biểu hiện chủ thể của du ký, người đề cao tính chân thực, mắt thấy tai nghe của du ký nhưng lại có thể nhấn mạnh tính hư cấu tưởng tượng; người chú ý tính chất hấp dẫn của du ký. Theo chúng tôi, một định nghĩa càng dài, càng cụ thể thì lại càng có nguy cơ thiếu hụt. Vì thế nên trong luận án này, chúng tôi chủ trương xem khái niệm văn du ký có những nội dung chính sau:

Văn du ký nửa đầu thế kỷ XX và tiến trình hiện đại hóa văn học - 3

- Là thể loại tự sự phi cốt truyện, viết bằng văn xuôi, thường có dạng hồi ức, và dạng nhật ký, dành cho hoạt động di chuyển giữa các địa điểm có khoảng cách lớn, ra bên ngoài không gian sống thường ngày, trong một khoảng thời gian có độ dài nhất định.

- Ghi lại các sự kiện, các điều quan sát của nhân vật “tôi” về cảnh quan tự nhiên và xã hội ở nơi đến, về cơ bản có tính xác thực nhưng cũng có khả năng xen kẽ hư cấu và cung cấp các tri thức thiên về khảo cứu sách vở.

- Ghi lại các nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật “tôi”. Người kể chuyện chủ yếu ở ngôi thứ nhất, đôi khi có kể chuyện ở ngôi thứ ba (khi dẫn các tài liệu nghiên cứu liên quan do các tác giả khác viết).

1.1.4. Khái niệm “hiện đại” và “hiện đại hóa văn học

- Cách hiểu của giới nghiên cứu Việt Nam:

Hiện đại hóa văn học là vấn đề có lịch sử nghiên cứu khá phong phú ở ta. Chúng tôi xin điểm một vài ý kiến tiêu biểu quanh khái niệm “hiện đại” để có cơ sở triển khai nhiệm vụ luận án.

Vương Trí Nhàn tổng hợp các cách hiểu về hiện đại và hiện đại hóa đã chỉ rò, hiện đại hóa và Phương Tây hóa được coi là ngang nhau. Ông xem hiện đại hóa ở Phương Tây trong đời sống kinh tế là chủ nghĩa tư bản, là kỹ thuật hiện đại, là hình thức tiêu thụ. Trong đời sống văn hóa, hiện đại là sự thế tục hóa, đa cực hóa, đa dạng hóa tư tưởng [131, 18]. Từ đó, ông nêu một số nhân tố chính của hiện đại hóa văn học Việt Nam: 1) sự hình thành một môi trường văn học thống nhất trong cả

nước; 2) sự hình thành một lớp người làm nghề; 3) vai trò chỉ đạo của một nguyên tắc thi pháp khác trước; hệ thống thể loại gần với (hệ thống thể loại) châu Âu; ngôn ngữ văn học là thứ ngôn ngữ hàng ngày, hướng về đời thực. Theo ông, “quá trình hiện đại hóa văn học khởi động từ đầu thế kỷ, và đến 1945, coi như đã hoàn thành một chặng cơ bản” [131, 22-26]. Vương Trí Nhàn có một lưu ý: chúng ta không nhầm lẫn tính hiện đại với chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật (chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa lập thể... ).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh cho rằng “Thời kỳ hiện đại trong văn học, cũng như trong nghệ thuật, tư tưởng, lịch sử nói chung, bắt nguồn từ những phát kiến mới về thế giới, từ trình độ phát triển mạnh mẽ của công nghiệp và thương mại, từ sự hình thành nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và giai cấp tư sản ở các nước trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Khi nói về các nền văn học hiện đại Phương Đông, có lúc người ta nhấn mạnh nguyên nhân tư sản hóa, Âu hóa. Thật ra, tư sản hóa, Âu hóa chỉ là những biểu hiện có tính chất cục hạn, còn ngọn nguồn sâu xa, phổ biến của hiện đại hóa là công nghiệp hóa, quốc tế hóa, cách thức tư duy mới và ý thức về giá trị cá nhân” [53]. Nội hàm hiện đại theo Nguyễn Văn Hạnh gắn liền với phát kiến về thế giới (điều này có quan hệ với văn du ký), với chủ nghĩa tư bản, với công nghiệp hóa, quốc tế hóa, tư duy mới, ý thức về cá nhân. Trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, theo Nguyễn Văn Hạnh, tính hiện đại của văn học đi liền với tính dân tộc; hệ thống thể loại thơ, văn xuôi, kịch tương đồng thể loại Phương Tây; con người cá nhân vẫn gắn với ý thức cộng đồng.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử viết: “Tính hiện đại của xã hội như là trạng thái chuyển biến về hình thái, từ xã hội trung đại sang hiện đại, từ tôn giáo sang thế tục, từ quân quyền sang dân chủ, tự do; từ cát cứ sang quốc gia dân tộc, từ dân tộc biệt lập sang giao lưu quốc tế. Tính hiện đại có tính chất toàn cầu hoá. Tính hiện đại như một phạm trù văn hoá bao gồm các thuộc tính như sùng thượng lí tính, khoa học, giải phóng cái tôi, đề cao tính chủ thể”. Trong văn học, tính hiện đại được ông quan niệm: “Tính hiện đại của văn học nóí chung bao gồm sự đề cao tính thẩm mĩ, phân biệt với tính giáo huấn, tính cộng cụ; đề cao tính tự chủ phân biệt với tính phụ thuộc; giải phóng cá nhân với cái tôi chủ thể; đề cao nhận thức, sáng tạo, phân biệt

với việc sử dụng các hình thức có sẵn” [183]. Tương tự như Vương Trí Nhàn, Trần Đình Sử cũng lưu ý cần phân biệt tính hiện đại với chủ nghĩa hiện đại vốn là một khái niệm khác.

Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến xét riêng “chủ nghĩa cá nhân văn hóa” như một biểu hiện tiêu biểu của hiện đại hóa văn học Việt Nam [58]. Ông viết “Có thể nói chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” là ngọn nguồn của sự phong phú những phong cách cá nhân, những tìm tòi mỹ học và tư tưởng - nghệ thuật trong văn học, nghệ thuật thời kỳ này. Chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” là một bước tiến của ý thức văn hoá Việt Nam, là một trình độ mới mà văn hoá Việt Nam đạt được trên con đường hiện đại hoá, sau gần một thế kỷ cộng sinh với văn hoá Pháp”.

Nhóm tác giả Đỗ Quang Hưng và Trần Viết Nghĩa quan niệm hiện đại hóa ở Phương Đông được hiểu theo nghĩa Tây phương hóa. Nếu vậy thì cần nắm được những đặc điểm của văn minh Phương Tây. Theo các tác giả, văn minh Phương Tây có những đặc điểm lớn sau:

- Nền văn minh kỹ thuật, xã hội công nghiệp và nhà nước hiện đại.

- Nền văn minh có căn tính Kito giáo.

- Nền văn minh in đậm vai trò của cá thể [72, 50-58].

Trong phần viết ngắn ngủi về văn học Việt Nam trong môi trường hiện đại hóa, các tác giả tóm tắt một số nét chính yếu như: hệ thống thể loại mới, sự phát triển của cái tôi, cảm hứng lãng mạn có vai trò quan trọng… [72, 310-325].

Các ý kiến về tính hiện đại và tính hiện đại của văn học Việt Nam khá phong phú mà trên đây chúng tôi mới trích dẫn được một số ý kiến. Song tựu chung, các ý kiến này có những triển khai sâu rộng hơn, song đều thống nhất với quan điểm mà Hoài Thanh, Đinh Gia Trinh đã nêu lên từ trước năm 1945. Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam lưu ý nét hiện đại nổi bật của thơ Mới chính là con người cá nhân, cái tôi cá nhân. Đinh Gia Trinh với bài viết Tính cách văn chương Việt Nam trước thời kỳ Âu hóa đã gián tiếp đề cập đến điểm mới cơ bản của văn học hiện đại chính là tinh thần tả chân. Và cả hai ông, những người hít thở không khí hiện đại, đều

nhấn mạnh hiện đại hóa văn học Việt Nam chính là Âu hóa2.



2 Điều này đã được Phạm Thị Hồng trình bày trong luận án tiến sĩ Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam dưới cái nhìn so sánh của các nhà phê bình nửa đầu thế kỷ XX, Học viện Khoa học Xã hội, 2013.

- Cách hiểu của giới nghiên cứu Phương Tây:

Chúng tôi xin điểm qua một vài tài liệu tiếng Anh bàn về khái niệm hiện đại.

Mục từ modernity (tính hiện đại) trong Từ điển các lý thuyết văn hóa và phê bình có đoạn viết “Là một khái niệm xã hội học, tính hiện đại chủ yếu liên hệ với công nghiệp hóa, thế tục hóa, bộ máy công chức và ĐÔ THỊ” [255, 456]. Các nhà xã hội học có cách hiểu khác nhau về tính hiện đại. Durkheim nhấn mạnh chìa khóa của cuộc sống hiện đại là phân công lao động ngày một sâu sắc. Tonnies hiểu hiện đại hóa là đi từ các mối quan hệ tương tác cộng đồng chuyển sang xã hội đề cao cá nhân. Max Weber khái quát đó là sự duy lý hóa.

Theo Bách khoa thư Blackwell về triết học Phương Tây, mục từ modernity (tính hiện đại) viết: “Nói chung, tính hiện đại liên hệ với tính tối thượng của cái duy lý thuần túy và quyền tự trị của cái tôi hiện đại. Được vũ trang bởi cái duy lý, con người hiện đại tìm kiếm sự đồng thuận trên khuôn khổ siêu hình thống nhất trong cách nhìn thế giới. Họ tìm kiếm sự tự trị chủ quan của mình và coi thường sự câu thúc của lịch sử, truyền thống và văn hóa. Họ có thái độ hung hăng trong việc tổ chức và kiểm soát môi trường tự nhiên, với khoa học là môn học hàng đầu của mình. Các đối tượng thẩm mỹ được đo đạc bằng thước đo của lợi ích kinh tế. Tính hiện đại mang lại hiệu quả cho chủ nghĩa tư bản công nghiệp” [279, 439].

Nhìn chung, trong sự đa dạng của các cách hiểu khái niệm hiện đại cả trong nước và trên thế giới, có thể tóm lại mấy nội dung nổi bật của “hiện đại”:

- Hiện đại gắn với tư duy duy lý, với thế tục hóa. Từ đó mới có sự phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghiệp hóa.

- Hiện đại gắn với con người cá nhân, từ đây mới có chủ nghĩa tư bản, có sự phong phú của cá tính sáng tạo, có chủ nghĩa lãng mạn và ý thức nữ quyền.

Văn học Phương Tây, có ảnh hưởng đến các nước Phương Đông trong đó có Việt Nam, là sản phẩm của tính hiện đại, có lịch sử từ thời Phục hưng và tiếp tục vận động đến thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Từ hai nội dung nổi bật trên, chúng ta sẽ triển khai tìm hiểu văn du ký trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Xem tất cả 184 trang.

Ngày đăng: 25/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí