Trong công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương có đổi mới và tích hơp với kịch bản nước biển dâng. Trong kế hoạch phát triển kinh tế, chú ý đến tạo sinh kế cho cộng đồng, nhất là các đối tượng dễ bị tác động như người nghèo, phụ nữ và trẻ em. Thực hiện các đề án phát triển tăng trưởng xanh của từng địa phương nhằm đáp ứng mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Việc tích hợp vấn đề BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sớm sẽ giúp địa phương sớm hoạch định, xây dựng các phương án phát triển tổng thể lâu dài, đảm bảo tính ổn định đồng thời giảm thiểu chi phí, thiệt hại trong tương lai do BĐKH gây ra, từ đó xây dựng được một xã hội có khả năng chống chịu cao với BĐKH.
1.2.3.6. Phối hợp liên vùng, quốc gia và quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Các địa phương trong cùng vùng miền, chịu những hậu quả tác động tương tự nhau của BĐKH thì sự phối hợp, hỗ trợ giữa các địa phương sẽ góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để ứng phó với BĐKH.
Nghiên cứu xây dựng, áp dụng các cơ chế, thiết chế tài chính phù hợp với các chính sách quốc tế về BĐKH nhằm huy động và phát huy hiệu quả các nguồn vốn quốc tế song phương, đa phương cho việc ứng phó với BĐKH, tham gia các chương trình quốc tế về giảm nhẹ phát thải KNK nhằm tận dụng sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực để triển khai các chương trình giảm nhẹ phát thải KNK. Khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tài trợ, đầu tư tài chính cho việc thực hiện ứng phó với BĐKH tại địa phương.
1.3. Thực tiễn công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại một số địa phương
1.3.1. Tỉnh Lâm Đồng
Là một trong số tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đang phải đối mặt với những biển hiện tiêu cực ngày càng rõ nét từ BĐKH, số giờ nắng tăng, khô hạn kéo dài nhưng khi mùa mưa đến thì mưa lớn gây ngập úng, gió lốc, mưa đá xảy ra ngày càng nhiều hơn tác động rất lớn đến sự mục tiêu phát triển KT-XH bền vững của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm!
- Biểu Hiện Và Nguyên Nhân Của Biến Đổi Khí Hậu
- Những Vấn Đề Cơ Bản Về Ứng Phó Với Biến Đổi Khí Hậu Của Chính Quyền Địa Phương
- Nhiệm Vụ, Quyền Hạn Của Chính Quyền Địa Phương
- Các Lĩnh Vực Phát Thải Khí Nhà Kính Chủ Yếu Trên Địa Bàn Tỉnh Đắk Lắk
- Tổ Chức Bộ Máy, Phát Triển Nguồn Nhân Lực Ứng Phó Với Biến Đổi Khí Hậu
- Hoạt Động Dự Báo, Cảnh Báo Nhằm Chủ Động Phòng, Tránh Và Giảm Nhẹ Thiên Tai, Ứng Phó Với Biến Đổi Khí Hậu
Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.
Nhiều giải pháp nổi bật đã được CQĐP tỉnh Lâm Đồng đưa ra cho công tác ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh như:
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay đã có trên 58.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm như công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, sử dụng bộ định giờ, hệ thống điều khiển tưới tự động qua điện thoại, vừa tiết kiệm nước, vừa hiệu quả cho cây trồng.
Tỉnh cũng khuyến khích các nhà máy tái sử dụng lượng nước thải đạt chuẩn vào các khâu dịch vụ khác để giảm bớt lượng nước cấp đầu vào cũng như giảm bớt phí BVMT đối với nước thải công nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai công tác giữ rừng bằng nhiều hình thức trong đó có việc phát huy trách nhiệm của các cộng đồng dân cư nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Trong giai đoạn 5 năm từ 2015-2020, Lâm Đồng đã trồng hơn 11.544 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh từ 52,5% trong năm 2015 lên 55% trong năm 2020, đứng thứ 6 trong cả nước. Mô hình quản lý rừng đặc thù này đã giải quyết sinh kế cho khoảng 400-500 hộ dân/năm, nhất là các hộ nhận khoán là người dân tộc thiểu số trong vùng sâu, vùng xa. Lâm Đồng cũng cam kết tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng [46].
Ứng phó với BĐKH được xác định là lĩnh vực khá mới, phức tạp đối với tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung, cùng với nguồn lực và năng lực còn hạn chế nên vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục và đẩy mạnh các giải pháp nhằm ứng phó có hiệu quả với BĐKH trong thời gian tới.
1.3.2. Thành phố Cần Thơ
Là một thành phố đang tăng trưởng năng động nhưng Cần Thơ lại phải đối mặt với nhiều mối đe dọa đến từ BĐKH có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đạt được các mục tiêu phát triển của thành phố.
Thời gian qua, Cần Thơ đã chủ động, tích cực triển khai các chính sách, kế hoạch ứng phó với BÐKH và đã đạt những điểm sáng quan trọng như:
Cần Thơ hiện đã có quy trình quy hoạch đô thị minh bạch, bảo đảm tính đại diện, với việc tham vấn chính thức các cấp nhà nước, các nhóm chuyên gia và cộng đồng địa phương. Căn cứ vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Cần Thơ đã tổ chức lập và phê duyệt các
quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị như: quy hoạch xử lý chất thải rắn, quy hoạch thoát nước, quy hoạch cấp nước.
Từ năm 2016-2019, Cần Thơ đã phân bổ tổng cộng 3.828,7 tỉ đồng. Ngoài ra, tranh thủ nguồn vốn tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế, Cần Thơ đã triển khai dự án phát triển thành phố và tăng cường khả năng thích ứng đô thị với tổng số tiền
4.025 tỉ đồng.
Trong sản xuất nông nghiệp, từng bước nhân rộng mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ tiên tiến phục vụ PTBV, thích ứng với BĐKH.
Cần Thơ đã tăng cường hợp tác quốc tế trong vấn đề BÐKH như: tham gia Thỏa thuận các Thị trưởng Toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng; Mạng lưới các thành phố BreatheLife; thành viên trong mạng lưới 100 thành phố trên toàn cầu có khả năng chống chịu (100RC) do Quỹ Rockefeller khởi xướng,... Đồng thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế (tổ chức UN - Habitat Việt Nam, Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu Nhật Bản, Tổ chức Không khí sạch châu Á…) tổ chức nhiều hội thảo tập huấn về các thông tin, kiến thức về môi trường, BĐKH, phát thải thấp,… cho công chức, viên chức thành phố.
Đối với công tác cải cách hành chính, Cần Thơ quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nghiêm cơ chế “một cửa hiện đại” và “một cửa liên thông” rút ngắn thời gian chi phí giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, nổi bật nhất là tỉ lệ giải quyết hồ sơ trước hẹn cho tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường đạt gần 94%.
Ngoài việc triển khai các giải pháp ứng phó với BĐKH, Cần Thơ cũng luôn chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khu vực ĐBSCL xây dựng thể chế điều phối vùng, liên kết; tham vấn giữa các địa phương khu vực ĐBSCL trong hoạch định cơ chế, chính sách phát triển KT-XH; đầu tư cơ sở hạ tầng [47].
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
BĐKH là vấn đề mang tính toàn cầu trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, cùng với tiến trình phát triển KT-XH tác động của BĐKH thậm chí còn diễn biến nhanh hơn so với dự kiến. Trước tình hình đó, nhà nước ta đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia, chiến lược, kế hoạch ứng phó với BĐKH đòi hỏi sự tham gia đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Từ những cơ cở pháp lý quan trọng, CQĐP có thể xây dựng, ban hành các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH phù hợp với thực tiễn địa phương với nỗ lực giảm thiểu KNK, tận dụng cơ hội nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH, biến thách thức thành cơ hội do BĐKH gây ra trên địa bàn tỉnh.
Chương 2:
THỰC TRẠNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TỈNH ĐẮK LẮK
2.1. Khái quát chung về tỉnh Đắk Lắk
2.1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
2.1.1.1. Vị trí địa lý và đặc điểm địa hình
Tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích tự nhiên 1.303.049,5 ha, nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có độ cao trung bình 400 – 800 m so với mặt nước biển, nằm cách Hà Nội 1.410 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km, tọa độ địa lý từ 1070 28'57"- 1080 59'37" độ kinh Đông và từ 120 9'45" - 130 25'06" độ vĩ
Bắc. Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, Phía Tây giáp Vương quốc Campuchia và tỉnh Đắk Nông (phụ lục 2).
Đại bộ phận diện tích của tỉnh Đắk Lắk nằm ở phía Tây Trường Sơn, có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc. Địa hình đa dạng bao gồm đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng [11].
2.1.1.2. Đặc trưng khí hậu
Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa chịu sự tác động của hai hệ thống gió mùa đối lập: gió mùa xích đạo và gió tín phong bắc bán cầu; đồng thời bị sự chi phối bởi độ cao và yếu tố địa hình nên tỉnh Đắk Lắk vừa mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa mang tính chất khí hậu cao nguyên mát dịu. Trong năm có 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, chiếm 80-85% lượng mưa cả năm, lượng mưa trung bình nhiều năm toàn tỉnh đạt từ 1453,7 mm đến 2354,6 mm, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau và lượng mưa chỉ chiếm 15- 20%. Tuy nhiên, chế độ mưa ở Đắk Lắk không đồng nhất tuỳ theo khu vực có thể có mùa mưa diễn ra sớm hoặc muộn hơn tháng 5 [11].
2.1.1.3. Đặc điểm thuỷ văn
Hệ thống sông suối trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khá phong phú, phân bổ tương đối đồng đều, nhưng do địa hình dốc nên khả năng giữ nước kém, những khe suối nhỏ hầu như không có nước trong mùa khô nên mực nước sông suối lớn thường xuống rất thấp.
Trên địa bàn có hai hệ thống sông chính chảy qua là hệ thống sông Srêpôk và sông Ba. Hệ thống sông Srêpôk có diện tích lưu vực chiếm tới 2/3 diện tích lãnh thổ, bao gồm lưu vực dòng chính Srêpôk và tiểu lưu vực Ea H’leo. Hệ thống sông Ba không chảy trực tiếp qua Đắk Lắk nhưng ở phía Đông và Đông Bắc của tỉnh có 2 nhánh thuộc thượng nguồn sông Ba và sông Krông H’Năng và sông Hinh [11].
2.1.1.4. Tài nguyên thiên nhiên
- Tài nguyên đất:
Một trong những tài nguyên lớn được thiên nhiên ưu đãi cho tỉnh Đắk Lắk đó là tài nguyên đất. Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên là 1.312.537 ha, trong đó: Nhóm đất phù sa (Fulvisols) có diện tích 14.708 ha; nhóm đất gley (Gleysols) có diện tích
29.350 ha; nhóm đất xám (Acrisols) hay còn gọi là đất chua mạnh hoạt tính thấp, có diện tích 579.309 ha; nhóm đất đỏ (Ferrasol) có diện tích 311.340 ha, lớn thứ hai sau nhóm đất xám; Nhóm đất đen (Luvisols) có diện tích là 38.694 ha và các nhóm đất khác với diện tích là 338.372 ha [11].
- Tài nguyên nước:
Với những đặc điểm về khí hậu, thuỷ văn và hệ thống sông ngòi phân bố tương đối đồng đều trên lãnh thổ, đã tạo cho Đắk Lắk một mạng lưới sông hồ khá dày đặc. Vì vậy, nhiều vùng trong tỉnh có khả năng khai thác nguồn nước mặt thuận lợi để phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là các địa bàn phân bố theo dọc 2 bên sông Krông Ana. Ngoài ra còn có lượng nước ngầm tồn tại dưới 2 dạng: nước lỗ hổng và nước khe nứt.
- Tài nguyên rừng:
Diện tích có rừng của Đắk Lắk hiện tại là 608.886,2 ha, trong đó rừng tự nhiên là 594.488,9 ha, rừng trồng là 14.397,3 ha. Độ che phủ rừng đạt 46,62% (năm 2004). Rừng Đắk Lắk có nhiều loại động vật quý hiếm, phân bổ chủ yếu ở vườn quốc gia Yook Đôn và các khu bào tồn Nam Kar, Chư Yang sin, … . Có nhiều loại động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới [11].
2.1.2. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội
2.1.2.1. Tình hình phát triển kinh tế
Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - tính theo giá so sánh 2010) ước đạt 262.578 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch (KH); tăng trưởng kinh tế bình quân
ước đạt 8,75%/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (KH 8,5-9%). Quy mô nền kinh tế tăng cao, năm 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, cao gấp 1,52 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ngày càng tăng, năm 2015 đạt 32,73 triệu đồng, đến năm 2020 đạt khoảng 54,55 triệu đồng (tương đương 2.400 USD), cao gấp 1,67 lần so với 2015 [11].
2.1.2.2. Tình hình xã hội
Tính đến cuối năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân trên cả nước, dân số trung bình của tỉnh Đắk Lắk là 1.872.574 người, mật độ dân số 143,5 người/km2, tốc độ tăng trưởng dân số của tỉnh từ 2015 - 2019 bình quân 0,73%. Đắk Lắk là cộng đồng đa dạng văn hoá gồm 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Kinh chiếm 67%, các dân tộc thiểu số như Êđê, Nùng, Tày, Mnông, Hmông, Thái, Gia Rai, Mường, Dao, Xơ Đăng, Cơ Ho, Raglai... Khu vực trung tâm tỉnh (thành phố Buôn Ma Thuột) có mật độ dân số cao nhất là 998,46 người/km2, trong khi đó, các huyện thuộc vùng biên giới và đồi núi có mật độ dân số thấp như Ea Súp, Buôn Đôn, M’Đrăk, người dân sống rải rác trên diện rộng [11].
2.1.2.3. Đánh giá sự tác động của điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội đối với công tác ứng phó biến đổi khí hậu của chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk
Cùng với sự phát triển về KT-XH, quá trình đô thị hoá và hội nhập quốc tế đang đặt ra cho CQĐP tỉnh Đắk Lắk nhiều thách thức trong việc vừa đảm bảo sự phát triển KT-XH vừa đảm bảo công tác ứng phó với BĐKH với mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH. Tuy nhiên, đây cũng vừa đồng thời là cơ hội cho CQĐP tỉnh Đắk Lắk có thể biến thách thức thành cơ hội để đạt được mục tiêu PTBV.
2.2. Biểu hiện, nguyên nhân và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tại tỉnh Đắk Lắk
2.2.1. Biểu hiện của biến đổi khí hậu tại tỉnh Đắk Lắk
2.2.1.1. Nền nhiệt độ tăng
Nhiệt độ trung bình năm giai đoạn 2015 - 2019 dao động tăng từ 22,9-24,9ºC, biên độ dao động nhiệt các tháng trong năm thấp (4-5ºC), nhưng biên độ nhiệt ngày
đêm rất cao, nhất là trong mùa khô đạt tới 10-12ºC cá biệt có nơi có lúc lên tới 15-16 ºC. Nhiệt độ trung bình tối thấp vào tháng 1 là 17,4-22,7 ºC, nhiệt độ trung bình tối cao vào tháng 4-5 là 24,0-27,5 ºC, cao nhất ở Buôn Đôn, Ea Súp trên 29 ºC (phụ lục 1).
Tổng số giờ nắng bình quân hàng năm khá cao khoảng 2.149,3 - 2.464,5 giờ, năm thấp nhất khoảng 1.976,9 giờ (2017) ghi nhận tại huyện M’Đrắk, năm cao nhất là 2.666,8 giờ (2019) ghi nhận tại thành phố Buôn Ma Thuột. Có thể thấy rằng số giờ nắng bình quần gần như đang có xu hướng tăng lên rõ rệt, thậm chí số giờ nắng bình quân vào năm 2019 cao hơn cả những năm 2015-2016 khi phải đối mặt với hiện tượng El Nino [11].
2.1.1.2. Diễn biến chất lượng không khí
Số liệu quan trắc môi trường không khí tại các khu vực đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy nồng độ SO2, NO2 tại hầu hết các khu vực quan trắc tuy đa phần nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (QCVN 05:2013/BTNMT) nhưng đều có xu hướng tăng, đặc biệt trong các năm từ 2018- 2020; đáng chú ý về nồng độ tổng bụi lơ lửng (TSP)3có xu hướng tăng mạnh, một số điểm quan trắc thường xuyên ở mức cao, có thời điểm vượt giới hạn quy chuẩn như khu vực ngã ba Duy Hoà, Bùng binh Km3, thành phố Buôn Ma Thuột, Trung tâm thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar (phụ lục 3a).
Hiện trạng môi trường không khí bị tại các KCN/CCN giai đoạn 2016 – 2020, nồng độ SO2, NO2, NH3, H2S tại hầu hết các điểm quan trắc nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BNTMT. Tuy nhiên, có một số điểm các nồng độ SO2, NO2 và CO vượt ngưỡng đáng báo động tập trung chủ yếu tại các khu vực bãi chôn lấp chất thải rắn TP. Buôn Ma Thuột, cụm công nghiệp Ea Đa, huyện Ea Kar, khu vực làng nghề sản xuất gạch, …; nồng độ TSP tại một số điểm thường xuyên ở mức cao, có thời điểm vượt giới hạn quy chuẩn như điểm Trung tâm lò gạch huyện Krông Ana nồng độ TSP có thời điểm vượt giá trị cho phép (0,325/0.3 mg/m3) (phụ lục 3b) [11].
3Tổng bụi lơ lửng (TSP) là tổng các hạt bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 100 μm.