+ Thích ứng với biến đổi khí hậu:
Theo định nghĩa của IPCC (2001): “Thích ứng với BĐKH là sự điều chỉnh trong các hệ thống tự nhiên hoặc con người nhằm ứng phó với những biến đổi thực tế hoặc dự kiến của khí hậu, để từ đó giảm thiểu các tác động bất lợi của BĐKH và khai thác những cơ hội có ích do chúng mang lại” [35].
Sự thích ứng với khí hậu là một quá trình qua đó con người làm giảm những tác động bất lợi của khí hậu và sử dụng những cơ hội thuận lợi mà môi trường khí hậu mang lại. Xây dựng chiến lược thích ứng với BĐKH hiện là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các quốc gia đang phát triển (đặc biệt là những quốc gia ở khu vực chịu tác động nghiêm trọng do BĐKH như Việt Nam).
+ Giảm nhẹ biến đổi khí hậu:
Theo IPCC (2007) “Giảm nhẹ BĐKH là những thay đổi về kỹ thuật và các giải pháp thay thế nhằm giảm nguồn phát thải KNK. Mặc dù một số chính sách về xã hội, kinh tế và kỹ thuật có thể giảm sự phát thải KNK, giảm nhẹ BĐKH mang nghĩa thực thi các chính sách nhằm giảm phát thải KNK và tăng bể chứa các KNK” [36].
Nhận thức rõ nguy cơ tiềm tàng của BĐKH, Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần thực hiện ngay những chương trình hành động thích ứng với những tác động trước mắt của khí hậu và tác động tiềm tàng của BĐKH trong tương lai. Xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm mức phát thải KNK, giảm nhẹ tác động tiêu cực từ BĐKH.
1.1.2. Biểu hiện và nguyên nhân của biến đổi khí hậu
1.1.2.1. Những biểu hiện của biến đổi khí hậu
Theo IPCC, các biểu hiện của BĐKH gồm: Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên; sự dâng cao mực nước biển do giãn nở vì nhiệt và băng tan; sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển; sự di chuyển của các đới khí hậu trên các vùng khác nhau của trái đất; sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hóa khác và sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thủy quyển, sinh quyển và địa quyển.
Có thể bạn quan tâm!
- Ứng phó với biến đổi khí hậu của chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk - 1
- Ứng phó với biến đổi khí hậu của chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk - 2
- Những Vấn Đề Cơ Bản Về Ứng Phó Với Biến Đổi Khí Hậu Của Chính Quyền Địa Phương
- Nhiệm Vụ, Quyền Hạn Của Chính Quyền Địa Phương
- Phối Hợp Liên Vùng, Quốc Gia Và Quốc Tế Trong Ứng Phó Với Biến Đổi Khí Hậu
Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.
Trên thực tế những biểu hiện điển hình cho thấy BĐKH đang diễn ra trên toàn cầu, đó là:
- Nền nhiệt độ liên tục thay đổi
Không thể phủ nhận một sự thật là trái đất của chúng ta đang ấm dần lên. Theo thống kê, 10 năm đầu của thế kỷ XXI đánh dấu sự gia tăng nhiệt độ lớn với sức nóng kỷ lục của Trái đất. Nhiệt độ khí quyển trên Trái đất đã tăng 1,10C kể từ thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp [41]. Các đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trở nên thường xuyên hơn. Báo cáo Hiện trạng khí hậu mới nhất do Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ vừa công bố nêu rõ, kể từ năm 1980, mỗi thập kỷ sau lại nóng hơn thập kỷ trước, trong đó thập kỷ 2010-2019 đã nóng hơn thập kỷ 2000-2009 khoảng 0,2°C. Tại Việt Nam, theo các thống kê, nhiệt độ trung bình hàng năm ở tất cả các vùng đều có xu thế tăng rõ rệt với tốc độ tăng phổ biến ở khoảng 0,01-0,15oC/thập kỷ [40]. Những phân tích này dựa trên những hiện tượng thời tiết bất thường hiện tại và các chỉ số nhiệt độ hàng năm trên toàn cầu, xác nhận xu hướng ấm lên do các KNK bị giữ lại trong khí quyển.
- Sự dâng cao mực nước biển do giãn nở vì nhiệt và băng tan
Hiện tượng băng tan với tốc độ ngày càng tăng đã khiến mực NBD lên hơn 1mm mỗi năm. Từ năm 1971 đến nay, con số này đã lên tới 2,3cm. Trong giai đoạn từ năm 2005-2015, tổng lượng băng mất đi tại Bắc Cực là 447 tỷ tấn/năm, tốc độ tan băng diễn ra nhanh gấp gần 3 lần so với thời kỳ 1986 – 2005. Tỷ lệ băng tan ở Nam Cực cũng đã tăng gấp ba lần chỉ trong một thập kỷ, đạt mức 219 tỷ tấn/năm từ năm 2012 – 2017 [42]. Tốc độ tan băng ở cả hai khu vực này ngày càng diễn biến nhanh khiến mực nước biển sẽ ngày càng dâng cao hơn trong những thập kỷ sắp tới.
- Nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển đang tăng lên
Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp về trước khoảng 10.000 năm, nồng độ các chất KNK rất ít thay đổi, trong đó khí CO2 chưa bao giờ vượt quá 300 ppm. Tuy nhiên, chỉ riêng lượng phát thải khí CO2 do sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã tăng từ 23,5 tỷ tấn CO2 trong những năm 1990 lên đến 45,9 tỷ tấn CO2 trong thời kỳ từ 2000 – 2005. Trong đó, Việt Nam đã phát thải 21,4 triệu tấn CO2 trong năm 1990; đến năm 2004, tổng lượng phát thải là 98,6 triệu tấn CO2; Dự tính tổng lượng phát thải các KNK của Việt Nam sẽ đạt 233,3 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2021, tăng 93%, tốc độ gia tăng đáng kể so với năm 1998. Tháng 5/2020 nồng độ khí CO2
trong khí quyển đo được tại Đài thiên văn Mauna Loa đạt mức cao nhất theo mùa là 417,1 ppm. Đây là mức cao nhất trên Trái đất trong 3 triệu năm qua [22].
Việc tiêu thụ năng lượng do đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành sản xuất năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng,… đóng góp khoảng 46% vào sự nóng lên toàn cầu, phá rừng nhiệt đới đóng góp khoảng 18%, sản xuất nông nghiệp khoảng 9% các ngành sản xuất hóa chất (CFC, HCFC) khoảng 24%, còn lại 3% là từ các hoạt động khác [43].
- Các hiện tượng cực đoan
BĐKH toàn cầu làm cho các hiện tượng thời tiết diễn tiến theo chiều hướng cực đoan, khắc nghiệt hơn trước. Các châu lục, quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt, chống chọi với các hiện tượng thời tiết cực đoan: lũ lụt, khô hạn, nắng nóng, bão tuyết,…
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), kể từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2020, những trận lũ lụt và lở đất kinh hoàng đã ảnh hưởng tới cuộc sống của 3,6 triệu người ở Đông Phi. Tại Trung Quốc, chỉ tính 9 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã trải qua 21 trận lũ lụt, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ những năm trước, thiết lập kỷ lục lịch sử kể từ năm 1998. Trong khu vực Đông Nam Á, mỗi năm, Indonesia và Philippin luôn phải hứng chịu rất nhiều cơn bão với cường độ lớn, gây thiệt hại trầm trọng [39]. Tại Việt Nam, theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, năm 2020 Việt Nam đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, với 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố; 120 trận lũ quét, sạt lở đất. Tính đến ngày đầu tháng 12/2020, thiên tai đã làm khoảng 350 người chết, mất tích và hơn 870 người bị thương [42].
1.1.2.2. Nguyên nhân của biến đổi khí hậu
Theo báo cáo lần thứ tư (AR4) năm 2007 của IPCC đã kết luận rằng BĐKH có nguồn gốc từ hai nguyên nhân: tự nhiên và con người.
- Các nguyên nhân tự nhiên:
Nguyên nhân gây ra BĐKH do tự nhiên bao gồm:
+ Sự thay đổi cường độ ánh sáng của Mặt trời, xuất hiện các điểm đen Mặt trời (Sunspots)
Mặt trời là nguồn cung cấp năng lượng cho Trái đất. Nguồn năng lượng này cũng biến thiên theo thời gian. Sự thay đổi cường độ ánh sáng của Mặt trời cũng gây ra sự thay đổi năng lượng chiếu xuống mặt đất thay đổi làm thay đổi nhiệt độ bề mặt trái đất. Cụ thể là từ khi tạo thành Mặt trời đến nay (gần 4,5 tỷ năm) cường độ sáng của Mặt trời đã tăng lên hơn 30%. Như vậy có thể thấy khoảng thời gian khá dài như vậy thì sự thay đổi cường độ ánh sáng mặt trời là không ảnh hưởng đáng kể đến BĐKH. Theo NASA số điểm đen Mặt trời (Sunspots) xuất hiện trung bình năm từ năm 1610 đến 2000. Với sự xuất hiện các Sunspots làm cho cường độ tia bức xạ mặt trời chiếu xuống trái đất thay đổi, nghĩa là năng lượng chiếu xuống mặt đất thay đổi làm thay đổi nhiệt độ bề mặt trái đất [44].
+ Sự biến đổi của các tham số quỹ đạo Trái đất
Độ nghiêng của trục Trái đất so với pháp tuyến của mặt phẳng quỹ đạo biến thiên trong khoảng từ 21,5° đến 24,5° và có chu kỳ dao động khoảng 41.000 năm. Sự thay đổi độ nghiêng trục quay này có ảnh hưởng đến sự thay đổi điều kiện khí hậu của các mùa. Độ lệch tâm là tham số phản ánh “độ méo” của quĩ đạo so với đường tròn. Sự biến đổi của tham số này chi phối biên độ tiến trình năm của lượng bức xạ mặt trời đến cũng như sự khác biệt của lượng bức xạ mặt trời đến ở hai bán cầu do khoảng cách giữa mặt trời và Trái đất biến thiên trong năm. Giá trị của độ lệch tâm biến thiên trong khoảng từ 0 (không méo, tức đường tròn) đến 0,07 (méo 7% so với đường tròn) và giá trị hiện nay là 0,0174. Tham số này có chu kỳ dao động khoảng 96.000 năm. Hướng của trục dài (hay bán trục lớn) của Trái Đất cũng quay một cách chậm chạp. Hiện tượng đó được gọi là tiến động. Tiến động có thể làm cho các mùa trở nên cực đoan hơn. Chu kỳ tiến động nằm trong khoảng từ
19.000 năm đến 23.000 năm [22].
+ Sự biến đổi trong phân bố lục địa và đại dương của Trái đất
Bề mặt Trái đất bao gồm các lục địa và các đại dương. Bề mặt Trái đất có thể bị biến dạng qua các thời kỳ địa chất do sự trôi dạt lục địa, các quá trình vận động tạo núi, phun trào núi lửa, v.v… Sự biến dạng này sẽ làm thay đổi hình thái bề mặt Trái đất dẫn đến biến đổi trong phân bố, cần bằng bức xạ mặt trời và cân bằng nhiệt của mặt đất, khí quyển, đại dương. Thay đổi trong lưu thông đại dương có thể ảnh hưởng đến khí hậu thông qua sự chuyển động của CO2 vào trong khí quyển.
+ Hoạt động của núi lửa:
Sự phun trào núi lửa là sự giải phóng ở các mức độ khác nhau những vật liệu đặc biệt vào trong bầu khí quyển, làm gia tăng lượng KNK trong khí quyển. Khi một ngọn núi lửa phun trào sẽ phát thải vào khí quyển một lượng cực kỳ lớn khối lượng sulfur dioxide (SO2), CO2, hơi nước, bụi và tro vào bầu khí quyển. Khối lượng lớn khí và tro có thể ảnh hưởng đến khí hậu trong nhiều năm. Các hạt nhỏ được gọi là các sol khí được phun ra bởi núi lửa. Khi núi lửa hoạt động mạnh sẽ làm gia tăng các trận động đất có thể gây nên lở đất dưới đáy đại dương, khiến các khối băng tan vỡ làm cho khối lượng nước trong các đại dương trở nên lớn hơn và "bẻ cong" vỏ trái đất.
- Các nguyên nhân từ hoạt động của con người:
Hoạt động của con người đã tác động đáng kể đến hệ thống khí hậu mà chủ yếu kể từ thời kỳ tiền công nghiệp (khoảng từ năm 1750). Nền công nghiệp càng phát triển, lượng phát thải đó ngày càng tăng dẫn đến tăng nhiệt độ của Trái đất. Những KNK do hoạt động của con người gây ra, có ảnh hưởng quan trọng đến sự BĐKH toàn cầu bao gồm:
+ CO2 phát thải khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí), hoạt động công nghiệp như sản xuất xi măng và cán thép và là nguồn phát thải KNK chủ yếu do con người gây ra trong khí quyển.
+ CH4 sinh ra từ các bãi rác, lên men thức ăn trong ruột động vật nhai lại, hệ thống khí, dầu tự nhiên và khai thác than.
+ O3 được sử dụng để tẩy trắng đồ vật và tiêu diệt vi khuẩn.
+ N2O phát thải từ phân bón và các hoạt động công nghiệp.
+ CFC và HCFC: Được sử dụng là môi chất lạnh kiểm soát quá trình làm lạnh cơ học trong kỹ thuật nhiệt lạnh. các chất CFC và HCFC hoàn toàn là sản phẩm do con người tạo ra, đặc tính nguy hiểm phá hủy tầng ôzôn.
+ HFCs được sử dụng thay cho các chất phá hủy ôzôn (ODS) và HFC-23 là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất HCFC-22.
+ PFCs sinh ra từ quá trình sản xuất nhôm.
+ SF6 sử dụng trong vật liệu cách điện và trong quá trình sản xuất magiê.
+ Sol khí: Việc đốt nhiên liệu hóa thạch và sinh khối có thể làm tăng hàm lượng các sol khí chứa sunfua, các chất hữu cơ và muội.
Như vậy có thể thấy rằng các thay đổi tự nhiên diễn ra chậm trong khoảng thời gian khá dài do đó các yếu tố tự nhiên đóng góp một phần rất nhỏ vào sự BĐKH và có tính chu kỳ kể từ quá khứ đến hiện nay. Theo các kết quả nghiên cứu và công bố từ IPCC thì nguyên nhân gây ra BĐKH là do sự gia tăng các hoạt động làm phát thải KNK xuất phát chủ yếu là từ các hoạt động của con người.
1.1.3. Tác động của biến đổi khí hậu
1.1.3.1. Tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu
- Tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường sống
Các khả năng chống chịu của nhiều hệ sinh thái (HST) có thể sẽ vượt qua ngưỡng chịu đựng vào năm 2100. Môi trường sống của các loài động, thực vật ngày càng bị thu hẹp, hiện tượng sa mạc hóa, suy giảm diện tích rừng, băng tan và nước trên các đại dương ngày càng ấm lên khiến cho nhiều loài sinh vật không thể thích ứng kịp thời với những biến đổi. Nếu mức nhiệt độ trung bình tăng từ 1,10C-6,40C, 30% các loài động thực vật hiện nay sẽ có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 [22]. HST trên cạn và dưới nước đều đang phải hứng chịu những tác động từ lũ lụt, hạn hán, cháy rừng cũng như hiện tượng axit hóa đại dương. BĐKH là mối đe dọa trực tiếp đến môi trường sống của con người. Lượng khí CO2 tăng nhanh chóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung cấp nước ngọt, không khí, nhiên liệu, năng lượng sạch, nguồn cung cấp thực phẩm và sức khỏe.
- Tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực:
+ Tác động đến nông nghiệp và an ninh lương thực
BĐKH có tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng. BĐKH ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng của gia súc gia cầm, làm tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm. BĐKH cũng gây nguy cơ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp.
Những thay đổi được dự báo trong tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ gây hậu quả đáng kể lên sản xuất lương thực dẫn đến mất an ninh lương thực. BĐKH làm tăng số người có nguy cơ đói nghèo ở một số vùng trên thế giới.
+ Tác động của BĐKH đến công nghiệp
Khả năng dễ bị tổn thương của ngành công nghiệp đối với BĐKH nói chung là lớn hơn tại những địa điểm có nguy cơ cao, đặc biệt là vùng ven biển, ven sông, những vùng dễ bị tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan và các khu vực có nền kinh tế gắn liền với tài nguyên nhạy cảm với khí hậu, chẳng hạn như các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản và du lịch; Khả năng dễ bị tổn thương này có xu hướng đặc trưng theo vùng địa phương nhưng lại đang có xu hướng lớn hơn và ngày càng phát triển.
Lợi ích và chi phí của BĐKH cho công nghiệp sẽ có sự khác nhau ờ những nơi các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên mạnh hơn hoặc thường xuyên hơn, chi phí kinh tế của các hiện tượng cực đoan đó sẽ tăng lên và sự gia tăng đó sẽ là đáng kể trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp nhất dẫn đến rủi ro về kinh tế và tài chính.
+ Tác động của BĐKH đến sự tăng trưởng kinh tế
BĐKH sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và phá vỡ mục tiêu PTBV. BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng và làm giảm tốc độ tăng trưởng ở các nước chịu tác động mạnh của BĐKH, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Trong 20 năm trở lại đây với những hậu quả nghiêm trọng từ các thảm họa gây thiệt hại về kinh tế hơn 1.500 nghìn tỷ euro (tương đương 1.900 tỷ đôla Mỹ). Hậu quả tác động đến những hộ gia đình có thu nhập thấp và khu vực phi chính thức, có thể ước tính thiệt hại thực tế lên đến 50%, làm cho tổng giá trị thiệt hại lên đến 2.250 tỷ euro (tương đương 2.890 nghìn tỷ đô-la Mỹ). Trong vòng 10 năm tới, chi phí thiệt hại do BĐKH gây ra cho toàn thế giới ước tính khoảng 7.000 tỷ USD; nếu chúng ta không làm gì để ứng phó thì thiệt hại mỗi năm sẽ chiếm khoảng 5- 20% thu nhập bình quân đầu người (GDP) [45].
+ Tác động đến dân cư, sức khoẻ và an sinh xã hội
Một số cộng đồng và các hộ gia đình nghèo dễ bị tổn thương từ BĐKH và các hiện tượng cực đoan liên quan đến từ BĐKH vì họ có xu hướng tập trung ở các vùng có nguy cơ tương đối cao, nơi khả năng tiếp cận hạn chế tới các dịch vụ và các nguồn lực để đối phó với BĐKH.
Các rủi ro do BĐKH dự báo vào năm 2030 cho thấy sự gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng ở một số nước Châu Á. Những dự báo về bệnh sốt xuất huyết được nhìn
thấy trước trên toàn cầu, đến năm 2085, số người có nguy cơ bị bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng lên do BĐKH, ước tính đạt khoảng 3,5 tỷ người đến. Năm 2030, chi phí của bệnh tiêu chảy ở các vùng có thu nhập thấp ước tính gia tăng thêm khoảng 2-5%. Lũ lụt được dự đoán sẽ gây ra sự gia tăng lớn tỉ lệ tử vong từ 2 đến 3 lần vào năm 2080. Ước tính về sự gia tăng số người có nguy cơ tử vong nhiệt độ tăng tùy thuộc vào địa điểm, số người lớn tuổi và các biện pháp thích ứng tại chỗ tuy nhiên, số người chết được ước tính gia tăng đáng kể trong thế kỷ này [39].
- Tác động của biến đổi khí hậu tới một số khu vực trên thế giới:
+ Châu Phi
Các nước châu Phi đang ngày càng dễ bị tổn thương do tình trạng BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt kéo dài, đe dọa sự phát triển kinh tế và tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Sản xuất nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt ở vùng ven với những vùng khô hạn và bán khô hạn, sẽ bị giảm sút. Năm 2020, khoảng 75 đến 250 triệu dân sẽ có thể phải đối mặt với căng thẳng về NBD do BĐKH. Kể từ năm 2012 cho đến nay, số người sống trong tình trạng thiếu dinh dưỡng đã tăng gần 46%. Thiên tai gây ra nhiều tác động đối với hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nguồn sinh kế chính ở châu Phi, gây bất ổn an ninh lương thực. Cảnh báo về một thảm họa sinh thái do thiếu hụt nguồn nước cũng như những hệ lụy của tình trạng BĐKH đối với cuộc sống người dân, kinh tế xã hội [22].
+ Châu Âu
Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do BĐKH gây ra có thể tăng gấp đôi so với tần số trung bình hiện nay tại Châu Âu. Các trường hợp tử vong liên quan đến nhiệt độ tăng có thể đạt khoảng 200.000 trường hợp, mức thiệt hại do lũ lụt ở các sông gây ra có thể vượt quá 10 tỷ euro và diện tích thiệt hại là 8000 km2. Số lượng người bị ảnh hưởng bởi hạn hán có thể tăng gấp 7 lần và thiệt hại ở khu vực ven biển do mực NBD có thể tăng lên gấp 3 lần. Các sông băng lớn hơn sẽ bị suy giảm khối lượng từ 30% và 70% vào năm 2050. Nếu không có thêm hành động khẩn cấp và nhiệt độ toàn cầu tăng 3,5°C, thiệt hại do BĐKH gây ra ở châu Âu có thể lên tới ít nhất là 190 tỷ euro, tương đương với 1,8% GDP hiện nay của khu vực [43].