Ứng phó với biến đổi khí hậu của chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk - 2


MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài luận văn

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một trong những cụm từ đang được quan tâm hàng đầu hiện nay trên thế giới. Trong tiến trình phát triển của loài người, BĐKH không chỉ dừng lại ở những tác động tiêu cực đến môi trường sống hiện tại mà còn là mối đe dọa đến sự tồn tại của con người trong tương lai.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển đồng thời cũng là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đối với BĐKH. Tại Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của Liệp hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) diễn ra ở Ba Lan, Tổ chức Germanwatch đã công bố báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn 2019. Trong báo cáo này, Việt Nam đứng thứ sáu trong danh sách 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH.

Với những thách thức hiện hữu, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 24- NQ/TW Khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghị quyết xác định: “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững (PTBV) của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội” [1]. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia vào UNFCCC và Nghị định thư Kyoto góp phần quan trọng trong việc huy động các nguồn hỗ trợ kỹ thuật cũng như tài chính giúp cho việc ứng phó với BĐKH. Những chủ trương, quyết sách và hành động được đưa ra cho thấy việc ứng phó hiệu quả với BĐKH luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong hành trình thực hiện mục tiêu thiên nhiên kỉ về PTBV của Việt Nam.

Đắk Lắk hiện là một trong những địa phương đang phải gồng mình với BĐKH. Trước kia, khi đề cập đến Đắk Lắk, người dân nơi đây luôn tự hào khi sinh sống trong lá phổi xanh, một khu vực một năm có hai mùa: Mùa khô và mùa mưa, khí hậu ôn hòa hơn so với một số khu vực khác trong cả nước, và nằm cách xa bờ biển nên ít bị tác động trực tiếp của gió bão. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh


hưởng của BĐKH nên diễn biến thời tiết ở Đắk Lắk ngày càng bất thường và cực đoan. Mỗi năm, các diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và không thể dự báo trước được gây ra rất nhiều những tổn thất, ảnh hưởng to lớn về người, tài sản và các hoạt động KT-XH của địa phương.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.

Trước tình hình đó, tỉnh Đắk Lắk cần nhanh chóng vào cuộc để đưa ra những chủ trương, chính sách, xây dựng các giải pháp ứng phó với BĐKH một cách đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả phù với đặc điểm của địa phương để từng bước đạt được và giữ vững sự PTBV gắn với tăng trưởng xanh.

Xuất phát từ những lý do trên, việc nghiên cứu đề tài “Ứng phó với biến đổi khí hậu của chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk” làm Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của tác giả là thực sự cần thiết về cả lý luận và thực tiễn.

Ứng phó với biến đổi khí hậu của chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk - 2

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận văn

BĐKH là vấn đề luôn được thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đặt sự quan tâm hàng đầu trong tiến trình hướng đến mục tiêu PTBV. Vì vậy, hoạt động này được xem là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước. Nhiều công trình khoa học đã góp phần làm rõ các nội dung về BĐKH, đưa ra những giải pháp cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả công tác ứng phó BĐKH tại quốc gia và toàn cầu. Các nghiên cứu xác định tác động của BĐKH và tầm quan trọng thực hiện ứng phó với BĐKH như:

- Các quy định của pháp luật, chính sách về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH được phản ánh qua sự ra đời của các luật có liên quan đến BĐKH như Luật Bảo vệ môi trường năm 1994 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005, 2014); Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; Luật Tài nguyên nước năm 2012; Luật Phòng, tránh thiên tai năm 2013; Luật Khí tượng thủy văn năm 2015, Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; … .

- Cuốn sách “Biến đổi khí hậu và tác động ở Việt Nam” của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH xuất bản năm 2010, đã đề cập đến những thuật ngữ,


kiến thức cơ bản về BĐKH, nội dung của các hiệp định quốc tế về BĐKH, lịch sử BĐKH của nhân loại trong khoảng một nghìn năm gần đây, từ đó phân tích làm rõ tác động của BĐKH đến các vùng tại Việt Nam và đưa ra những giải pháp chiến lược để ứng phó với BĐKH tại Việt Nam [33].

- Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường ra mắt cuốn “Ứng phó với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam” năm 2017. Đây là một trong những nội dung hợp tác giữa Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức. Cuốn sách đã bao quát tổng thể những thông tin, kiến thức về BĐKH, kịch bản BĐKH, các cam kết quốc tế về BĐKH mà Việt Nam đã tham gia, biểu hiện, nguyên nhân, tác động của BĐKH trên toàn cầu và tại Việt Nam, những kinh nghiệm ứng phó với BĐKH của các quốc gia trên thế giới cũng như một số mô hình ứng phó với BĐKH mà Việt Nam đã và đang áp dụng, từ đó xây dựng những giải pháp cụ thể nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH tại Việt Nam [22].

- Các tác giả Lisa Strauch, TS. Yann Robiou du Pont (adelphi), Julia Balanowski trong báo cáo “Quản trị khí hậu đa cấp độ tại Việt Nam” năm 2018 đã đi sâu nghiên cứu, phân tích BĐKH và cấu trúc thể chế của Việt Nam thông qua lăng kính quản trị đa cấp độ. Nghiên cứu dựa trên dự án bốn năm với tên gọi là V- LED, Hội nhập theo chiều dọc và Chia sẻ kinh nghiệm phát triển CO2 thấp ở châu Phi và Đông Nam Á. Từ năm 2015 đến năm 2018, V-LED nhằm mục tiêu thúc đẩy hành động khí hậu cấp địa phương ở Việt Nam. Nghiên cứu tóm tắt những tiến bộ quan trọng của Việt Nam trong việc thiết lập một cấu trúc quản trị BĐKH quốc gia nhằm tăng cường thích ứng với BĐKH, tăng trưởng xanh và thực hiện Thỏa thuận Paris. Việt Nam đã triển khai những nỗ lực đáng kể đưa chính sách quốc gia vào các kế hoạch và hành động khí hậu tại địa phương cũng như huy động các nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế để triển khai hoạt động [32].

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu đề cập đến vấn đề ứng phó với BĐKH tại Việt Nam có giá trị, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có nhiều đề tài nghiên cứu về lĩnh vực này ở phạm vi địa phương. Vì vậy, từ thực tiễn, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội nói chung cũng như tính đặc thù của từng địa phương nói riêng, việc nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này ở phạm vi địa phương cụ thể là tỉnh Đắk Lắk với mục tiêu hướng đến là hành động nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả của chính quyền địa


phương (CQĐP) tỉnh Đắk Lắk trong công tác ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Các công trình khoa học đã được công bố là những tài liệu tham khảo có giá trị trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu luận văn này.

3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn

3.1. Mục đích

Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về BĐKH, trình bày thực trạng công tác ứng phó với BĐKH ở Việt Nam, đưa ra ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế làm cơ sở cho việc đề xuất hệ thống giải pháp hành động nhằm tăng cường ứng phó với BĐKH của CQĐP tỉnh Đắk Lắk trong bối cảnh hiện nay.

3.2. Nhiệm vụ

- Hệ thống hóa cơ sở lý luận liên quan: BĐKH, ứng phó với BĐKH;

- Tổng quan, làm rõ sự cần thiết, nội dung, vai trò của CQĐP trong hành động ứng phó với BĐKH;

- Phân tích, đánh giá thực trạng công tác ứng phó với BĐKH của CQĐP tỉnh Đắk Lắk, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân, làm cơ sở cho việc đề xuất hệ thống giải pháp hành động nhằm tăng cường ứng phó với BĐKH của CQĐP tỉnh trong bối cảnh hiện nay.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận văn tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về hành động ứng phó với BĐKH của CQĐP tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, chủ thể quản lý là CQĐP; đối tượng quản lý là hành động ứng phó với BĐKH. Trong khuôn khổ nghiên cứu, tác giả tiếp cận hành động của CQĐP dưới góc độ quản lý nhà nước (QLNN).

4.2. Phạm vi nghiên cứu

- Về nội dung: Tập trung nghiên cứu nội dung toàn diện hành động của CQĐP ứng phó với BĐKH, đó là: Công tác chiến lược, quy hoạch, phát triển; ngăn chặn, phòng ngừa, áp dụng pháp luật và chính sách liên quan đến ứng phó BĐKH.

- Về không gian và thời gian: Nghiên cứu hành động của CQĐP trong việc ứng phó với BĐKH tại tỉnh Đắk Lắk. Thời kỳ nghiên cứu từ năm 2015 đến nay.


5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Luận văn nghiên cứu dựa trên phương pháp luận hệ thống của Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; các nghiên cứu, báo cáo, quan điểm có liên quan khác…

5.2. Phương pháp nghiên cứu

+ Phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp: Từ những đề tài, đề án đã thực hiện tác giả thu thập các số liệu liên quan đến luận văn.

+ Phương pháp thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp: Đây là phương pháp rất quan trọng trong quá trình nghiên cứu luận văn. Trên cơ sở các thông tin, dữ liệu thu thập được tác giả sẽ tiến hành so sánh, phân tích và tổng hợp những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến luận văn.

+ Phương pháp kế thừa: Đây là phương pháp tổng hợp, phân tích, đánh giá các tài liệu từ các nghiên cứu trước, chọn lọc các kết quả có ý nghĩa và kế thừa những kết quả nghiên cứu trước đây, cả trên thế giới, quốc gia và trong phạm vi vùng nghiên cứu nhằm đánh giá được các kết quả đã đạt được, những hạn chế, tồn tại nguyên nhân từ đó đưa ra được cách tiếp cận, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, nghiên cứu bổ sung hợp lý và sát thực tiễn cho nghiên cứu mới.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận

Luận văn góp phần củng cố cơ sở lý luận về BĐKH, ứng phó với BĐKH, vai trò của CQĐP trong hành động ứng phó với BĐKH.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Kết quả nghiên cứu của Luận văn sẽ đánh giá thực trạng ứng phó với BĐKH tại địa phương, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó BĐKH và đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện hệ thống giải pháp tăng cường hành động của CQĐP trong việc ứng phó với BĐKH tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước nói chung.


7. Kết cấu luận văn

Chương 1: Cơ sở khoa học về ứng phó với biến đổi khí hậu của chính quyền địa phương.

Chương 2: Thực trạng ứng phó với biến đổi khí hậu của chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk.

Chương 3: Phương hướng và những giải pháp tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu của chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk.


Chương 1:

CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG


1.1. Nhận thức chung về ứng phó với biến đổi khí hậu

1.1.1. Một số khái niệm và thuật ngữ cơ bản liên quan

1.1.1.1. Khí hậu

Theo hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về BĐKH định nghĩa:

Khí hậu là tổng hợp của thời tiết được đặc trưng bởi các trị số thống kê dài hạn (trung bình, xác suất các cực trị v.v...) của các yếu tố khí tượng biến động trong một khu vực địa lý. Thời kỳ tính trung bình thường là vài thập kỷ. Theo định nghĩa của WMO: “Tổng hợp các điều kiện thời tiết ở một khu vực nhất định đặc trưng bởi các thống kê dài hạn các biến số của trạng thái khí quyển ở khu vực đó” [40].

Theo tác giả Trần Công Minh đề cập trong cuốn Khí hậu và Khí tượng đại cương: “Khí hậu là tập hợp của những điều kiện khí quyển đặc trưng cho mỗi địa

phương và phụ thuộc hoàn toàn vào hoàn cảnh địa lí của địa phương. Hoàn cảnh địa lí không những chỉ vị trí của địa phương tức là vĩ độ, kinh độ và độ cao trên mực biển mà còn chỉ đặc điểm của mặt đất, địa hình, lớp phủ thổ nhưỡng, lớp phủ thực vật v.v...” [3, tr.9].

Khí hậu trong nghĩa rộng hơn là một trạng thái, gồm thống kê mô tả của hệ thống khí hậu. Trong đó, theo Uỷ ban Liên chính phủ về BĐKH IPCC (2007): “hệ thống khí hậu là một hệ rất phức tạp bao gồm năm thành phần chính là khí quyển, thủy quyển, băng quyển, bề mặt đất và sinh quyển, và sự tương tác giữa chúng” [36].

1.1.1.2. Biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu

- Khái niệm về biến đổi khí hậu:

BĐKH đang là cụm từ được quan tâm hàng đầu hiện nay trên thế giới xuất phát từ những tác động tiêu cực mang tính toàn cầu và sự phức tạp gây tranh cãi trong khoa học khí tượng. Thực tế không có định nghĩa cố định nào về BĐKH mà nó được quan niệm theo nhiều cách khác nhau bởi các cơ quan, tổ chức khác nhau.

UNFCCC đã đưa ra khái niệm: “Biến đổi khí hậu” nghĩa là biến đổi của khí hậu được quy cho trực tiếp hoặc gián tiếp do hoạt động của con người làm thay đổi


thành phần của khí quyển toàn cầu và sự thay đổi này được cộng thêm vào khả năng biến động tự nhiên của khí hậu quan sát được trong những thời kỳ có thể so sánh được [37].

Theo One Development Vietnam, BĐKH được mô tả cụ thể “là sự thay đổi của khí hậu và của những thành phần liên quan gồm đại dương, đất đai, bề mặt Trái đất, và băng quyển như tăng nhiệt độ, băng tan, và NBD. Trước đây BĐKH diễn ra trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên, tuy nhiên thời gian gần đây, BĐKH xảy ra do tác động của các hoạt động của con người như việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp, thải ra môi trường KNK (ví dụ như khí CO2)”. [38]

Theo Điều 3 Luật Khí tượng Thuỷ văn (2015) đã giải thích: “BĐKH là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực NBD và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan” [8].

Như vây, nhìn chung BĐKH có thể hiểu là sự thay đổi ở mức độ đáng kể so với mốc trạng thái trung bình của khí hậu trong một khoảng thời gian dài, BĐKH xảy ra là kết quả xuất phát từ hoạt động của con người và sự biến đổi của thiên nhiên, sự thay đổi này đem đến những tác động vô cùng lớn lên môi trường sống và sự phát triển của xã hội.

- Quan niệm về ứng phó với biến đổi khí hậu:

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Ứng phó” là chủ động đối phó nhanh nhạy, kịp thời với những tình huống mới, bất ngờ [4].

Theo Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường (2014): “Ứng phó với BĐKH là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm nhẹ BĐKH” [6].

Có thể thấy rằng ứng phó nhấn mạnh tính chủ động và cấp thiết cần đưa ra những phương án, hành động cụ thể. Thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ BĐKH là hai nhóm hành động chính trong việc ứng phó với BĐKH. Hai thuật ngữ này song hành với nhau trong định hướng để vượt qua cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng chúng có ý nghĩa khác nhau.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/06/2023