Sự Tương Đồng, Khác Biệt Của Tục Thờ Trong Tương Quan Với Tín Ngưỡng Phụng Thờ Các Nhân Vật Lịch Sử Khác


Tâm thức về tổ tiên đối với các nhân vật hội thề Lũng Nhai nhìn nhận qua góc độ thần điện/điện thờ cho thấy, việc sắp xếp, bài trí trong các di tích luôn tuân thủ chặt chẽ trật tự và thứ bậc nho giáo một cách triệt để. Trên ngôi cao nhất của nhang án bao giờ cũng là bài vị của “Cao tổ” (nhân vật hội thề Lũng Nhai) được đặt ở chính giữa, rồi mới đến các vị khác trong gia tộc hoặc rồi mới đến vợ, con, cháu và nhân vật các đời sau trong dòng họ hai bên tả hữu [PL8, ảnh 11, tr 231; ảnh 27, tr 239]. Gian giữa điện thờ luôn trưng các hoành phi hoặc đại tự như “Bình Ngô khai quốc công thần”, “Tổ đường” hoặc các câu đối mang hàm ý tôn vinh sự nghiệp lẫy lừng của tổ tiên.

Sức ảnh hưởng của đạo thờ cúng tổ tiên người Việt đã ảnh hưởng khá sâu sắc lên thực hành tín ngưỡng thờ cúng nhân vật hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa. Minh chứng rõ nhất qua lễ hội Thái miếu xưa (Đền Lê), các dòng họ vẫn giữ tục cử trưởng tộc về dự và dâng lễ. Mối quan hệ gắn kết giữa các dòng họ nhân vật hội thề Lũng Nhai với nhau được nhìn nhận dưới góc độ thân tộc và trở thành tục lệ, nét đẹp trong đời sống văn hóa cộng đồng. Không như các lễ hội tôn vinh lịch sử khác, lễ hội Lam Kinh vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc tâm thức thờ cúng tổ tiên, đó là dịp kỷ niệm ngày mất của Lê Lợi được cộng đồng tổ chức chứ không phải kỷ niệm ngày ông lên ngôi hoặc ngày thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn.

Có thể nói, việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai có nét đặc sắc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, chính điều này đã ảnh hưởng, chi phối lên các phương diện của thực hành tín ngưỡng từ tập tục, nghi lễ cho đến di tích, thần điện.

4.1.3. Sự tương đồng, khác biệt của tục thờ trong tương quan với tín ngưỡng phụng thờ các nhân vật lịch sử khác

Có thể nhận thấy rằng, trong tín ngưỡng phụng thờ nhân thần của người Việt, chiếm số lượng nhiều hơn cả là các nhân vật lịch sử. Truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm qua các thời kỳ lịch sử, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc và đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” cùng triết lý “sinh vi danh tướng, tử vi thần” đã góp phần tôn thờ các bậc anh hùng hào kiệt.


Sự phụng thờ các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa có đặc điểm chung với tín ngưỡng phụng thờ các nhân vật lịch sử đó là thể hiện sự tôn vinh, tưởng niệm các anh hùng dân tộc, những người có công lao to lớn với đất nước, đặc biệt trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi, mang lại nền độc lập cho quốc gia dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Có thể nói “không có người anh hùng nào có công trong lịch sử, không có cuộc khởi nghĩa nào xảy ra trong lịch sử lại không được quần chúng nhân dân ghi nhận” [114, tr 46]. Các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai đã sánh bước cùng nhiều anh hùng dân tộc khác như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lý Nam Đế, Quang Trung để đi vào đời sống văn hóa và tín ngưỡng chung của cả dân tộc. Các dấu vết thờ cúng, tưởng niệm nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai trong nước như Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú, Bùi Quốc Hưng và nhiều nhân vật khác của hội thề được tôn làm thành hoàng và được thờ cúng ở nhiều đình, đền, miếu khắp các địa phương trong nước đã khẳng định truyền thống đạo lý tôn sùng các anh hùng dân tộc, anh hùng địa phương, người có công diệt giặc của nhân dân ta.

Tương tự các nhân vật lịch sử tiêu biểu như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Trần Hưng Đạo và nhiều nhân vật lịch sử khác, các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai sau khi được các triều đại phong kiến tôn vinh, phong thưởng đã được cộng đồng không ngừng huyền thoại hóa, thiêng hóa và thánh hóa để trở thành các thần linh gia nhập vào hệ thống tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Đối với cộng đồng, các nhân vật lịch sử sau khi mất đi, được người dân tôn vinh như những vị thần của làng, của địa phương, của dân tộc. Các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai đã được cộng đồng tôn vinh thành các vị thành hoàng làng, trở thành các vị thần trong cộng đồng và các vị tổ tiên của dòng họ. Từ đó bồi đắp, tôn tạo qua các thế hệ để hình thành nên những hệ giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện một cách liền mạch tâm lý hướng tâm của cộng đồng nhỏ trong hệ thống cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Mặt khác, thông qua tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai có thể thấy được các hình thức tín

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 250 trang tài liệu này.


ngưỡng này bắt nguồn từ ý thức cộng mệnh, cộng cảm, cộng cư của cộng đồng cư dân nông nghiệp, sinh tụ trên vùng đất thường trực đối chọi với các thế lực lớn, đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta trong trường kỳ lịch sử. Từ đó hình thành nên ý thức đoàn kết, cố kết cộng đồng. Việc thực hành tín ngưỡng cũng là một dạng thức để củng cố ý thức và tâm lý chung của cộng đồng, của dân tộc.

Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 18

Và từ khi trở thành các vị phúc thần của làng xã, địa phương thì sự thờ phụng các nhân vật lịch sử này còn được mở rộng khắp các cơ sở thờ tự từ đình, đền, chùa, miếu, từ đường gắn liền với các nghi thức, nghi lễ thờ cúng để bày tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ và biết ơn sâu sắc của nhân dân. Hầu hết có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân, đáp ứng nhu cầu tâm linh, gắn kết cộng đồng và là môi trường sáng tạo của văn hóa dân gian để bảo lưu, gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc.

Có thể nói, tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa, như nhiều hình thức tín ngưỡng thờ cúng, tôn vinh các nhân vật lịch sử của người Việt đã được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở các điều kiện lịch sử- xã hội, nó gắn bó chặt chẽ với sự tôn vinh, biết ơn của cộng đồng đối với những con người đã ngã xuống, hy sinh vì dân tộc.

Ngoài những đặc điểm tương đồng trong sự tưởng niệm và tôn vinh các nhân vật lịch sử, vốn là đặc trưng nổi trội của hình thức tín ngưỡng phụng thờ. Tục thờ các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai còn có những nét riêng biệt trong quan hệ đối sánh với tín ngưỡng phụng thờ nhân vật lịch sử của người Việt. Đó là một trong những tín ngưỡng phụng thờ gắn liền với hội thề thiêng liêng trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, được mở rộng trên nhiều vùng địa bàn ở địa phương, với số lượng tập trung nhiều nhân vật. Đây là điểm khá đặc biệt, bởi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chưa có hội thề nào hình thành tục thờ cúng với sự bền vững và ổn định như sự phụng thờ các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa.

Sự nảy sinh của tục thờ cúng gắn liền với biến cố lịch sử, đó là một cuộc khởi nghĩa cụ thể. Thông thường, đối với một sự kiện trọng đại của dân tộc như


cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu hay Hưng Đạo Vương và Trần triều 3 lần chống Nguyên- Mông và nhiều cuộc khởi nghĩa khác, các nhân vật lịch sử được thờ cúng thường chỉ tập trung vào các nhân vật lãnh đạo, dẫn dắt, chưa từng thấy có hiện tượng thờ cúng nhiều nhân vật cùng tham gia một sự kiện lịch sử gắn với một vùng địa bàn rộng khắp như ở xứ Thanh.

Phụng thờ các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở xứ Thanh có nét riêng biệt, độc đáo là được xác lập trên cả hai phương diện là thờ cúng trong cộng đồng thờ phụng thờ trong gia tộc, dòng họ. Khác với sự phụng thờ nhân vật lịch sử của người Việt ở nhiều vùng địa phương, gần như tín ngưỡng đã được xác lập dưới dạng thức cộng đồng hóa, trở thành biểu tượng thờ cúng ở nhiều làng, thậm chí nhiều vùng và cả nước như thờ cúng Lý Ông Trọng, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo…Điểm khác biệt căn bản của tục thờ các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai là sự đề cao yếu tố tổ tiên, dòng họ. Đây là điều rất hiếm gặp trong đời sống tín ngưỡng dân gian của nhân dân ta.

Mặt khác, thông qua lịch lễ hội và nghi lễ thờ cúng có thể thấy, thời gian các lễ hội tưởng niệm các nhân vật lịch sử ở các địa phương thường rơi vào mùa xuân trùng với chu kỳ nông nghiệp của tiết nông nhàn thường thấy. Còn lễ hội, thực hành nghi lễ thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở được tổ chức vào nhiều dịp trong năm, chủ yếu vào ngày hóa của các vị, lấy “lễ giỗ” làm ngày chính để tưởng nhớ các vị trong cả cộng đồng và làng xã.

Ngoài ra, sự khác biệt của tục thờ cúng còn thể hiện ở phạm vi và mức độ ảnh hưởng của nó trong đời sống của cộng đồng. Nếu như việc thờ cúng các nhân vật lịch sử khác ở nhiều địa phương trong nước thường thì phạm vi ảnh hưởng chỉ bó hẹp trong cộng đồng cư dân người Việt còn tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa không những có nức độ lan tỏa trong cộng đồng người Việt mà còn cả cộng đồng người Mường, người Thái với các tập tục, kiêng kỵ rất độc đáo gắn với tri thức bản địa và sinh kế của đồng bào bằng những tục lệ riêng biệt, không hòa lẫn.

4.2. Giá trị của tục thờ

4.2.1. Tái hiện và tôn vinh lịch sử


Phụng thờ các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa là sự tôn vinh, tri ân, tưởng nhớ các vị anh hùng, các nhân vật lịch sử có liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó là truyền thống đạo lý tri ân, tôn vinh và tưởng niệm những người có công với quê hương, đất nước.

Tục thờ cúng đã biểu lộ ý thức, tâm thức của cộng đồng là tôn vinh lịch sử, tôn vinh các giá trị và biểu tượng của khởi nghĩa Lam Sơn đối với sự kiện và nhân vật. Trong khi các sách sử đã chép tường tận về con người, cuộc đời của các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai thì cộng đồng lại có cách đánh giá, nhìn nhận riêng về những nhân vật lịch sử này. Các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai đã được ghi trong chính sử như những vị anh hùng xuất chúng, công đức bao trùm thiên hạ nhưng trong tâm thức cộng đồng, hay qua truyền thuyết dân gian thì các vị lại rất thân thiết và bình dị. Ở nhiều nơi trên đất Thanh Hóa, nhắc đến khởi nghĩa Lam Sơn là đồng nghĩa với lòng tự hào, tự tôn về một trong những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong kháng chiến chống kẻ thù xâm lược của thế kỷ thứ

XV. Chính vì thế cho nên cộng đồng lại càng biết ơn, ghi nhận những đóng góp của những người anh hùng vì dân, vì nước.

Các nhân vật hội thề Lũng Nhai từ những con người lịch sử, đã bước vào điện thần, trở thành vua của vương triều, thành hoàng của làng xã, tổ tiên của dòng họ. Họ đã được thần linh hóa chính bởi vì công lao to lớn và đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Lịch sử là cái đã qua, không phải là cái ngày hôm nay. Nhưng lịch sử lại được tái hiện bởi người đang sống. Thông qua tục thờ cúng, không khí, hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn được tái hiện lại bằng hình ảnh, âm thanh, lời nói, cảm xúc nhưng đầy linh thiêng thông qua các sinh hoạt tín ngưỡng. Phổ biến hơn cả là trong các lễ hội cộng đồng, ở đó người ta phô bày tình cảm, lòng tự hào về các nhân vật bằng các nghi thức, nghi lễ, trò diễn cứ như các vị đang tham gia từng trận đánh trong thời kỳ “nếm mật nằm gai”. Đó là các sử tích, huyền thoại, truyền thuyết và sự kiện của khởi nghĩa Lam Sơn được dân chúng diễn tả lại đầy chân thực và sống động. Người dân rước kiệu Lê Lai từ đền Tép (Ngọc Lặc) về đền


Lê (làng Cham, xã Xuân Lam, Thọ Xuân) để tế lễ ông rồi lại rước kiệu ông vào Lam Kinh trong chính hội. Đó là cách để người dân thực hiện di nguyện của Lê Thái Tổ trước khi mất đã dặn, giỗ Lê Lai sớm hơn vua một ngày. Trong quan niệm của cộng đồng, Lê Lợi và Lê Lai như hai người đồng chí như anh em ruột thịt. Các nghi thức tế rước phức tạp đó như thể tái hiện lại tình đồng chí, anh em gắn bó giữa Lê Lợi với Lê Lai trong khởi nghĩa Lam Sơn. Trong buổi đại lễ ở điện Lam Kinh còn có đội ngũ “cấm vệ” (như quân ngự lâm) mặc sắc phục Mường quê hương Lê Lai cùng vũ khí, cờ tiết đứng dọc trên hai bờ sông Ngọc và trên khu lễ đài, Thái miếu ở Lam Kinh… Điều này đã chứng tỏ sự gắn bó chặt chẽ giữa các nghi thức mang tính điển lễ cung đình với tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào. Lễ hội tôn vinh nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai vừa có tính chất kỷ niệm lịch sử, lại vừa là môi trường bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người. Trong khi lễ hội đang diễn ra tại Lam Kinh thì tại làng Tép quê Lê Lai, đồng thời diễn ra các trò diễn dân gian như ném còn, bắn nỏ, múa Pồn Poong (múa Mường), biểu diễn sử tích Lê Lai cứu chúa và nhiều trò chơi dân gian mang đặc trưng văn hóa của người Mường huyện Ngọc Lặc. Một số vùng người Thái ở huyện Bá Thước, Lang Chánh còn lưu truyền tục thờ cúng Lê Lợi thì dịp lễ hội Lam Kinh, bà con vẫn tưởng niệm vua Lê tại địa bàn sinh sống với các tục lệ, nghi thức và đồ cúng tế gắn với đời sống sinh hoạt của đồng bào như cam uôi, thịt chó thui, thịt luộc chín dở, cơm lam, rượu cần…

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn không đơn thuần chỉ là biểu thị sự thắng lợi về mặt quân sự trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Nó đã đi vào ký ức, tiềm thức của cộng đồng một cách bền chặt, lưu luyến. Những nghi thức trong lễ hội về các nhân vật hội thề Lũng Nhai ngày nay ở Thanh Hóa thường xuyên được tái hiện với nhiều cách thức riêng biệt, độc đáo. Lễ hội đền Lê (Tp Thanh Hóa) duy trì nghi thức “hội trận”, nghi thức này cũng thường bắt gặp tại một số làng xã ở Thanh Hóa, được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh khởi nghĩa Lam Sơn. Những người biểu diễn trò này luôn chia làm 2 phe, phe quân ta (quân Lam Sơn) và phe quân giặc (quân Minh, giặc Ngô) múa võ, múa kiếm như đang đánh nhau ngoài


chiến trận, không khí rất kịch tính bởi vì số người xem rất đông và thêm các âm thanh huyên náo bên ngoài. Sau khi biểu diễn “đánh nhau”, kịch bản lúc nào cũng thống nhất về kết quả là: quân Minh thua chạy, quân ta chiến thắng. Trong ngày hội còn diễn ra các trò độc đáo khác như tung cù (tung đầu giặc Ngô, vật biểu tượng là quả cù), tung đi tung lại, khi tung đến đâu dân làng reo hò đến đấy. Cuối hội đền Lê có trò “chạy chữ Thiên hạ Thái bình” có ý ngợi ca Lê Lợi, Lê Lai đã anh dũng chiến đấu, chiến thắng để mở ra nền Thái bình thịnh trị cho quốc gia, dân tộc. Ở làng Chuộc (xã Thiệu Tiến, Thiệu Hóa) hàng năm người ta cũng biểu diễn trò múa rối trong hội làng để ca ngợi khởi nghĩa Lam Sơn. Trò này gồm nhiều tích diễn như: Lê Lợi đi cày, Lê Lợi đánh Liễu Thăng, Lê Lợi dạo chơi trên hồ Hoàn Kiếm…Theo truyền lại, làng có 4 giáp nhưng mỗi dịp diễn trò chỉ có một giáp được chỉ định diễn trò này. Các nghệ nhân làm những con rối người to bằng em bé 10 - 11 tuổi, con rối ngựa cũng to bằng con dê. Ba giáp còn lại biểu diễn các trò khác như Phụng nghi đình, Đào viên kết nghĩa…Ở đoạn “Lê Lợi đánh Liễu Thăng”, bà con vẫn thường gọi là trò “Đấu Mã”. Trên sân rối, nghệ nhân đưa ra các tạo hình Lê Lợi và Liễu Thăng. Hai bên xưng danh rồi hỏi đáp nhau, thách thức, đoạn xông vào giáp chiến. Liễu Thăng bị chém đứt đầu. Lê Lợi thắng trận…Còn trong lễ hội Lam Kinh, cộng đồng tái hiện khởi nghĩa Lam Sơn bằng biểu diễn trò Xuân Phả với các tích như Ai Lao, Xiêm Thành, Ngô Quốc... qua đó không khí lịch sử- chính trị - xã hội thời Lê hiện lên một cách sống đồng, đầy tự hào. Tôn vinh khởi nghĩa Lam Sơn và tưởng niệm các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai đã trở thành ý nguyện, tình cảm của hết thảy mọi người trong cộng đồng. Với họ, lễ hội không chỉ là dịp để “chơi” mà còn là để “thưởng” (thưởng thức). Họ muốn được nhìn thấy tấm gương người anh hùng bằng da, bằng thịt, bằng giọng nói, điệu bộ sinh động, chân thực. Những trò diễn này có tác động tâm lý, tình cảm rất lớn đối với dân chúng. Vượt qua ranh giới của trò diễn, nó đã trở thành cuốn phim tư liệu tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của những người anh hùng, của các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai.

Trong nhiều lễ hội, nghi lễ thờ cúng nhân vật hội thề Lũng Nhai, cộng đồng đã tái hiện lịch sử bằng các sử tích, huyền thoại như hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu


chúa, hội thề Đông Quan, Lê Lợi nhận gươm thần...Đó là những hình ảnh cô đọng và chắt lọc nhất của cộng đồng đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Hồi ức về khởi nghĩa Lam Sơn và những gì đã diễn ra sau 600 năm lịch sử được người dân trân trọng, nâng niu và đưa vào tập tục thờ cúng. Lễ hội đền thờ Lê Hiểm (xã Tân Phúc, Nông Cống) hàng năm dân làng và dòng họ tổ chức tái hiện các nghi lễ “tế khao quân”, “tế xuất quân”, “tế mừng chiến thắng” và ban thưởng. Nét độc đáo, đặc sắc là trong phần tế khao quân, xuất quân dân làng phải làm các hình nộm người, ngựa, binh khí cắt dán bằng giấy to như kích thước người thật để biểu diễn. Đó chính là những hóa thạch, những mảnh vỡ trong tiềm thức, ký ức sinh động của cộng đồng về các trận đánh, về những chiến thắng hơn 600 năm xưa và đã được bảo lưu, gìn giữ lại thông qua việc thực hành thờ cúng.

Tại nhiều làng xã, dòng họ ở Xứ Thanh phụng thờ các nhân vật hội thề Lũng Nhai mà NCS có dịp khảo sát, đã ghi nhận được nhiều bằng cứ vật chất mà ở đó thể hiện sự tự hào, tự tôn của quê hương, làng xã, dòng họ đối với các anh hùng Lam Sơn nói chung, nhân vật hội thề Lũng Nhai nói riêng. Đó là những hồi ức về lịch sử của người dân, mà ở đó tên làng, tên bản, di tích, tập tục, sự kiêng khem đã trở thành sự tích, giai thoại. Giai thoại về đền thờ Ngọc Lan (thị trấn Lam Sơn) được người dân lưu truyền xuất phát từ câu chuyện nơi đã từng có người con gái đẹp tên là Ngọc Lan, tình nguyện dấn thân làm cơ sở hoạt động cho nghĩa quân để thực hiện việc dò la, thám thính tình hình giặc đồng thời tuyển mộ binh lính, nghĩa quân trong vùng cho chủ tướng Lam Sơn. Người dân cho rằng, sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi, vì tưởng nhớ công trạng của người con gái năm xưa đã sắc phong cho cô và cho nhân dân lập đền thờ để tỏ lòng tôn kính. Những hồi ức lịch sử còn được kể lại tại nhiều di tích, lễ hội phụng thờ các nhân vật hội thề Lũng Nhai. Những sự tích đền Đon Ban ở Bá Thước; sự tích thác Ma Hao, sự tích đền Pù Tên ở Lang Chánh được kể lại với niềm thành kính, tôn vinh người anh hùng áo vải Lê Lợi và nghĩa quân trong thời kỳ “nếm mật nằm gai” ở vùng rừng núi Thanh Hóa.

Các hồi ức lịch sử có thể được cộng đồng viết lại bằng gia phả, sự tích thờ cúng nhưng cũng có thể được kể lại, nhắc lại để ghi nhớ về khởi nghĩa Lam Sơn.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/01/2024