ứng các tiêu chí của thể loại trinh thám nên chúng tôi vẫn đưa vào. Nhóm này gồm tác phẩm của một số tác giả như Biến Ngũ Nhy, Phú Đức, Bửu Đình, Nam Đình Nguyễn Thế Phương, Bùi Huy Phồn …
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận án nghiên cứu một cách có hệ thống diện mạo truyện trinh thám, một thể loại mới, xuất hiện trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Chúng tôi sẽ tập trung làm rò những đặc trưng của thể loại văn học này, từ quá trình hình thành và phát triển, cho đến những đặc điểm của hình tượng nghệ thuật, các kiểu cốt truyện và phương thức trần thuật…
Về mặt văn bản, tác phẩm được chọn để khảo sát chủ yếu nằm trong khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ XX. Các văn bản này được in ấn trong một khoảng thời gian rất dài, bao gồm những bản đã được in thành sách, đăng báo, tái bản… Cũng trong giai đoạn này, mặc dù có một số tác phẩm mang yếu tố trinh thám được nhắc đến ở công trình của các nhà nghiên cứu đi trước, nhưng do chưa tìm được đầy đủ văn bản nên chúng tôi không đưa vào diện khảo sát. Mặt khác, do hạn chế trong khâu xử lý văn bản, nên luận án chúng tôi không nghiên cứu các truyện trinh thám dịch, truyện trinh thám viết bằng chữ quốc ngữ phát hành ở nước ngoài.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Trong quá trình triển khai đề tài, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau đây:
4.1. Phương pháp nghiên cứu loại hình
Truyện trinh thám Việt Nam là một hiện tượng rất đặc biệt của văn học nước nhà. So với truyện trinh thám Phương Tây, nó có nhiều điểm đặc thù, khác biệt cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, lẫn vai trò, vị trí… trong đời sống. Để nhận thức về đối tượng này, trong luận án chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu loại hình. Phương pháp này được vận dụng để nhận diện, phân loại đối tượng một cách hiệu quả.
4.2. Phương pháp cấu trúc - hệ thống
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ đặc trưng thể loại - Nguyễn Thành Khánh - 1
- Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ đặc trưng thể loại - Nguyễn Thành Khánh - 3
- Những Vấn Đề Cần Tiếp Tục Nghiên Cứu, Thảo Luận
- Truyện Trinh Thám Trong Quan Niệm Của Các Tác Giả Việt Nam
Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.
Phương pháp cấu trúc – hệ thống giúp chúng tôi có thể tiếp cận đối tượng một cách hợp lý, thuận lợi. Tác phẩm truyện trinh thám được đặt trong các mối quan hệ thuộc nhiều cấp độ, mô thức tổ chức, hệ thống khác nhau…Từ đó có thể xác định được vai trò, vị trí, đặc trưng… của thể loại truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
4.3. Phương pháp lịch sử
Truyện trinh thám là một thể loại văn học được hình thành và phát triển trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử Việt Nam. Đây cũng là một sản phẩm văn hóa – văn học mang tính lịch sử sâu sắc. Chính vì vậy, việc vận dụng phương pháp lịch sử là điều cần thiết. Với việc vận dụng phương pháp này, chúng tôi có điều kiện để khảo sát một cách cụ thể sự chi phối, ảnh hưởng của hoàn cảnh kinh tế chính trị văn hóa xã hội đối với đời sống văn học nói chung, thể loại truyện trinh thám nói riêng.
4.4. Phương pháp so sánh
Phương pháp so sánh được sử dụng trong luận án nhằm làm nổi bật điểm tương đồng, dị biệt giữa truyện trinh thám Việt Nam trong tương quan với truyện trinh thám của các nền văn học khác (đặc biệt là văn học Phương Tây); nét đặc thù của truyện trinh thám so với các thể loại khác (cùng thuộc phương thức tự sự); điểm riêng biệt độc đáo giữa phong cách nghệ thuật của các nhà văn trinh thám tiêu biểu...
Ngoài các phương pháp vừa nêu trên, trong luận án này chúng tôi còn vận dụng các phương pháp, thủ pháp đặc thù của tự sự học và thi pháp học để giải quyết vấn đề.
Truyện trinh thám Việt Nam là một hiện tượng văn học phức tạp. Nghiên cứu về thể loại này đòi hỏi phải vận dụng, phối hợp nhiều phương pháp mới có thể tiếp cận chân lý nghệ thuật một cách thấu đáo. Bởi vì phương pháp nào cũng có những ưu điểm và hạn chế nên các phương pháp sẽ bổ sung cho nhau trong quá trình nghiên cứu.
5. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Luận án “Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX – từ đặc trưng thể loại” của chúng tôi, có một số đóng góp mới cụ thể như sau:
1/. Nhận diện một cách đầy đủ, hệ thống diện mạo truyện trinh thám Việt Nam; mô tả, trình bày đầy đủ quá trình hình thành, phương thức tiếp thu, tiếp biến của thể loại, từ đó làm rò vai trò và vị trí của truyện trinh thám trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc.
2/. Xác lập nội hàm khái niệm “truyện trinh thám Việt Nam”; phân tích các kiểu truyện trinh thám nửa đầu thế kỷ XX; khái quát đặc điểm hình tượng nghệ thuật, đặc điểm cốt truyện và phương thức trần thuật, những đặc trưng riêng của truyện trinh thám Việt Nam trong giai đoạn này.
3/. Đánh giá một cách khách quan, khoa học về giá trị, vai trò, vị trí của thể loại truyện trinh thám; đồng thời trình bày quy luật vận động của thể loại này trong tiến trình lịch sử của văn học Việt Nam hiện đại.
Luận án cũng trình bày về những tác động, ảnh hưởng của thể loại truyện trinh thám đối với người đọc trong việc hình thành thị hiếu thẩm mỹ, nhân cách văn hóa của cá nhân và cộng đồng.
6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN
Luận án có bố cục như sau:
1/. MỞ ĐẦU: Trình bày lý do, mục đích, đối tượng, phương pháp nghiên cứu và những đóng góp mới của luận án.
2/. NỘI DUNG: Gồm 4 chương
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án. Trong chương này, chúng tôi tiến hành khảo sát các công trình nghiên cứu có nội dung liên quan đến đề tài luận án. Trên cơ sở mô tả, phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu của giới chuyên môn về thể loại truyện trinh thám ở Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, chúng tôi đi vào xác định những vấn đề trọng tâm luận án tập trung giải quyết.
Chương 2. Diện mạo truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Nội dung chủ yếu của chương này là phác thảo diện mạo truyện trinh thám trên cơ sở tìm hiểu khái niệm, đặc điểm loại hình để xác định quy luật vận động của truyện trinh thám Việt Nam trong tiến trình văn xuôi Việt Nam hiện đại.
Chương 3. Đặc điểm hình tượng nghệ thuật trong truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Trong chương này chúng tôi tiến hành nghiên cứu thế giới hình tượng (chủ yếu là hình tượng nhân vật, không gian và thời gian nghệ thuật), để qua đó chỉ rò những nét đặc trưng riêng của thể loại truyện trinh thám Việt Nam.
Chương 4. Đặc điểm cốt truyện, phương thức trần thuật trong truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Chương này tập trung vào nhiệm vụ phân tích, làm rò việc tiếp thu, tiếp biến và sự vận dụng sáng tạo của nhà văn trinh thám Việt Nam trên hai phương diện cơ bản nhất là cốt truyện và phương thức trần thuật trong tác phẩm.
3/. KẾT LUẬN
4/. TÀI LIỆU THAM KHẢO
5/. PHỤ LỤC
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.1. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
Truyện trinh thám Việt Nam ra đời vào đầu thế kỷ XX. Trong một quãng thời gian rất dài, thể loại này thường bị coi là “văn chương hạng hai”, ít được giới nghiên cứu chú ý. Đây là một thực tế rất dễ nhận thấy và do nhiều nguyên nhân khác nhau chi phối, cả chủ quan lẫn khách quan. Trước hết là bởi truyện trinh thám ở giai đoạn đầu chưa có những thành tựu thật sự nổi bật. Một trở ngại khác là do thị hiếu thẩm mỹ của người Việt nửa đầu thế kỷ XX; họ chưa thể quen với hình ảnh nhân vật thám tử điều tra dựa trên cơ sở tư duy logic, kết hợp với phương tiện khoa học hiện đại để phá án. Hoạt động thám tử, điều tra vụ án theo lối phương Tây vẫn còn là những thứ xa lạ đối với người Việt Nam vốn quen với lối truyện “kỳ án”, “công án”. Thế nên người đọc thường cho rằng truyện trinh thám là kết quả của sự bịa đặt, hư cấu, do nhà văn tự tưởng tượng ra. Đấy là chưa kể, do sự chi phối của quan niệm truyền thống, văn chương đích thực phải là thứ văn chương dùng để “tải đạo”, “ngôn chí”, những thứ vốn rất mờ nhạt đối với truyện trinh thám. Bởi vậy, thể loại này đương nhiên không được chú trọng, không được đánh giá cao. Hoạt động sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học trinh thám do vậy cũng có những đặc điểm riêng.
1.1.1. Giai đoạn trước 1945
Năm 1928, tác giả S.S Van Dine (1888 – 1939, bút danh của Willard Huntington Wright), nhà phê bình nghệ thuật, nhà văn Mỹ, đã đưa ra “Hai mươi nguyên tắc của việc viết truyện trinh thám”. Ông cho rằng “Truyện trinh thám là một dạng của trò chơi trí tuệ. Hơn nữa, có thể nói, đó còn là một sự thử thách mang tính thể thao, trong đó tác giả cần phải đọ sức một cách trung thực với độc giả” [151]. Đây được coi là những nguyên lý mẫu mực về mặt lý thuyết cho các nhà văn, nhà nghiên cứu khi tìm đến truyện trinh thám.
Ở Việt Nam, những năm đầu thế kỷ XX, các nhà văn chủ yếu tiếp xúc với truyện trinh thám phương Tây thông qua tác phẩm của các nhà văn như Edgar Allan Poe, Conan Doyle, Agatha Christie... Họ coi tác phẩm của các nhà văn này như một
thứ khuôn mẫu trong lĩnh vực truyện trinh thám để học hỏi, mô phỏng theo. Trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm để sáng tác một thể loại hoàn toàn mới mẻ như vậy, các nhà văn Việt Nam đã tạo ra một kiểu truyện trinh thám với những đặc điểm riêng. Đó là những tác phẩm mà cốt truyện xoay quanh việc điều tra một vụ án (thường là cái chết bí ẩn, một vụ mất cắp), có nhân vật thám tử (chuyên nghiệp hoặc không chuyên); và trong suốt quá trình điều tra, cả tác giả và độc giả cùng khám phá bí mật cho đến kết thúc câu chuyện, vụ án được làm sáng tỏ. Đây cũng là những những nguyên tắc cơ bản của truyện trinh thám Phương Tây mà các nhà văn Việt Nam đã vận dụng. Bên cạnh đó, họ còn biết kết hợp với kiểu truyện “kỳ án”, “công án” rất phổ biến trong văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc. Sự kết hợp này đã tạo nên một thể loại truyện trinh thám “hỗn hợp”, được pha trộn yếu tố vụ án – ái tình – hành động – vò hiệp rất độc đáo.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tượng này lại chưa được giới nghiên cứu tìm hiểu một cách đầy đủ. Có thể nói cho đến giữa thế kỷ XX, ở Việt Nam vẫn chưa có một công trình nghiên cứu quy mô nào về thể loại truyện trinh thám được công bố. Những gì được gọi là nghiên cứu thực ra chỉ là những nhận xét, lời bàn sơ lược về một số hiện tượng cụ thể; đó thường là các bài giới thiệu, phân tích về nội dung, nghệ thuật trong tác phẩm của một số cây bút như Thế Lữ, Phạm Cao Củng… do chính các nhà văn thực hiện.
Trong “Lời giới thiệu” Vàng và máu, Khái Hưng đã nhận xét về hiện tượng kết hợp “bút pháp” phương Tây và phương Đông ở các truyện trinh thám kinh dị của Thế Lữ. Nhà văn lý giải như sau: “Tác giả những truyện Vàng và máu và Một đêm trăng đã tỏ ra có óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh, hai nhà viết những truyện ghê gớm huyền hoặc, làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya” [51, tr.416]. Đưa ra đánh giá này, Khái Hưng dường như chỉ căn cứ vào các truyện trinh thám kinh dị của Thế Lữ ở giai đoạn đầu (Vàng và máu, Một đêm trăng xuất hiện vào năm 1934). Thực ra, khái quát như vậy về Thế Lữ là chưa đầy đủ bởi ông còn có cả loạt truyện trinh thám suy luận (tập trung nhất là truyện về nhân vật thám tử Lê Phong) xuất hiện từ năm 1937.
Trong khi đó, Dương Quảng Hàm lại có cái nhìn khác về tác phẩm Vàng và máu, Bên đường thiên lôi của Thế Lữ. Nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến “chủ đích” của tác giả khi sáng tác truyện trinh thám kinh dị:
Ông thường công kích những điều mê tín dị đoan. Muốn đạt chủ đích ấy, ông đặt những câu chuyện có vẻ rất rùng rợn làm cho người đọc ghê sợ, rồi đến đoạn kết, ông đem cái lẽ khoa học ra mà giải thích các việc đã xảy ra một cách rất đơn giản, tự nhiên. Chính vì thế, các câu chuyện có sức hấp dẫn kỳ lạ, làm cho người đọc thích thú [45, tr.9].
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, trong cuốn Nhà văn hiện đại, Tập II (1943), cũng dành một phần để nói về truyện trinh thám Việt Nam. Ông đặc biệt chú ý đến Phạm Cao Củng, theo tác giả, Phạm Cao Củng là tiêu biểu nhất trong số các cây bút theo đuổi thể loại văn học này. Vũ Ngọc Phan cho rằng :
Trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn..., các truyện trinh thám của Bùi Huy Phồn mang tính chất “hoạt kê” ... cách điều tra, phán đoán sự việc mà ông miêu tả trong truyện còn đơn giản, nhiều yếu tố ngẫu nhiên, vô lý [89, tr.53].
Có thể thấy Vũ Ngọc Phan đã đánh giá cao sự sáng tạo của Phạm Cao Củng trong việc tiếp biến một thể loại văn học có nguồn gốc từ phương Tây. Ở đây cái nhìn của ông đối với Thế Lữ có phần gần gũi với Khái Hưng. Theo Vũ Ngọc Phan thì “Về tiểu thuyết, tuy loại truyện trinh thám của Thế Lữ chưa thành công, nhưng về những truyện ghê sợ, ông đã chứng tỏ là một tiểu thuyết gia có biệt tài, nghệ thuật viết tiểu thuyết của Thế Lữ ở đây đã lên tới trình độ cao” [89, tr.54]. Điều đáng lưu ý là Vũ Ngọc Phan tuy đề cao khả năng của Thế Lữ trong các tác phẩm trinh thám kinh dị (ông gọi là “truyện ghê sợ”) nhưng không hiểu vì sao ông lại không thừa nhận sự thành công của Thế Lữ trong loạt tác phẩm viết về thám tử Lê Phong.
Đối với các tác giả chỉ viết một vài truyện mang màu sắc trinh thám như Thúy Am (Anh hùng tương ngộ, Cái hầm bí mật, Người hay ma), Cuồng Sĩ (Ai giết quan tòa), Vũ Đình Tuyết (Mảnh giấy bí mật, Con ma đeo kính Vuông khăn đẩm máu), một số tác phẩm do Tân Dân Quán xuất bản không ghi tên tác giả như Con khỉ giết người, Xác chết chạy đi đâu … hầu như rất ít hoặc không được các nhà nghiên cứu nhắc đến.
Ngoài các bài viết về tác giả cụ thể vừa kể trên, một số nhà nghiên cứu, nhà văn cũng đề cập đến những vấn đề chung của thể loại trinh thám. Nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng có thái độ không mấy thiện cảm về truyện trinh thám. Tác giả giễu cợt nhân vật “thám tử” trong truyện Cái lò gạch bí mật (với đề từ: Truyện trinh thám An Nam), một kẻ có cái gì đó không bình thường: “Trinh độ này thích đọc truyện trinh thám Tây, và cả ngày, lúc nào anh cũng có vẻ bí mật, hay nhận xét từng cái cử chỉ cỏn con của người khác, và hay suy xét tâm lý người ta bằng những câu vụn vặt mà anh nghe lóm được. Anh muốn làm nhà trinh thám thứ nhất của nước Việt Nam” [155, tr.3]. Kết thúc truyện, tang vật mà nhà thám tử tìm thấy sau nhiều ngày theo dòi kẻ tình nghi: “Tang vật đó to bằng vành khăn đàn bà, cuộn khoanh lù lù trên mặt đất thành một bãi, đầu hình búp măng, màu vàng, mà ở đuôi là có hơi ngắn, thôi thối … [155, tr.3].
Nhìn chung, hầu hết những công trình nghiên cứu về truyện trinh thám trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX chỉ tập trung vào hai tác giả ở miền Bắc, nhưng chủ yếu tập trung vào nhóm truyện kinh dị. Mặc dù có biểu dương sự sáng tạo của nhà văn Việt Nam trong việc tiếp thu thể loại văn học phương Tây, nhưng lại không thực sự coi trọng giá trị của thể loại truyện trinh thám ở Việt Nam.
1.1.2. Giai đoạn từ 1945 đến 1975
Lịch sử Việt Nam, kể từ 1945 đến 1975 vận động theo một tiến trình rất đặc biệt. Năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu một giai đoạn lịch sử: chấm dứt sự hiện hữu của chế độ thực dân – phong kiến. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, lịch sử dân tộc lại bước vào một hoàn cảnh mới: từ 1945 đến 1954, nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp; từ 1954, đất nước chia đôi thành Miền Nam và Miền Bắc. Từ đây, mỗi miền là một thể chế chính trị, có nền kinh tế, đời sống văn hóa riêng; và tương ứng với đó là một nền văn học phát triển theo những đường hướng, đặc điểm riêng. Tình trạng này kéo dài đến 1975, khi đất nước được thống nhất.
Ở Miền Bắc, để đáp ứng yêu cầu thực tế của đời sống, các nhà văn đã tạo nên một nền văn học mới – văn học Cách mạng. Trong hoàn cảnh cả xã hội dốc sức cho hai nhiệm vụ chính là xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà, văn học cũng được huy động như một nguồn lực để phục vụ sự nghiệp chung. Văn chương được coi là vũ khí chiến đấu chứ không còn là phương tiện giải trí. Chính vì vậy mà thể loại truyện trinh thám ở miền Bắc, để có thể thích
nghi với hoàn cảnh mới, đã chuyển sang một dạng khác, đó là trinh thám tình báo, phản gián theo ảnh hưởng văn học các nước Xã hội chủ nghĩa (tiêu biểu là Liên Xô, Trung Quốc). Lối truyện trinh thám phổ biến chặng đầu thế kỷ XX đã không còn. Thay vào đó là sự “biến dạng” của thể loại để trở thành các tiểu phẩm dưới hình thức “câu chuyện cảnh giác”, “chuyện vì an ninh tổ quốc”. Ngoài ra, còn có các truyện trinh sát – hình sự viết về chiến công phá án của lực lượng công an hoặc một số truyện tình báo được dịch từ nước ngoài. Trong bối cảnh đó, không khó lý giải tình trạng thưa vắng các công trình nghiên cứu về thể loại truyện trinh thám.
Ở Miền Nam, kể từ năm 1954, truyện trinh thám cũng hầu như không phát triển; thật hiếm có những sáng tác mới thuộc thể loại này được xuất bản. Chính vì vậy mà tình hình nghiên cứu truyện trinh thám cũng không có gì đáng kể. Tuy nhiên, trong các công trình nghiên cứu văn học sử dùng cho học đường, một số nhà nghiên cứu (phần lớn là các giáo sư đại học) cũng có đề cập đến các tác giả, tác phẩm trinh thám.
Tác giả Phạm Thế Ngũ, trong Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (1965), đã dành 11 trang đánh giá về mảng truyện kinh dị lãng mạn và truyện trinh thám của Thế Lữ. Theo Phạm Thế Ngũ, bên cạnh một Thế Lữ mở đường cho Thơ mới còn có một Thế Lữ văn xuôi đặc sắc. Tuy nhiên, truyện trinh thám của Thế Lữ cũng có nhược điểm: “Tiểu thuyết của ông cao quá, lấy làm truyện những điều lạ quá, làm nhân vật những người hiếm quá... Cao quá cả ở cách viết săn sóc chải chuốt, cách lập luận khoa học tỷ mỷ, vì vậy không phổ biến trong độc giả trung bình.... Các tác phẩm trinh thám của ông có nhiều tình tiết phi lý, không gian và thời gian truyện ngắn và hẹp một cách khiên cưỡng [77, tr.214]. Phạm Thế Ngũ cho rằng “thể loại tiểu thuyết này ngay bản chất của nó, không có lợi thú văn học lắm.” [77, tr.214].
Tác giả Lê Huy Oanh đã đi sâu tìm hiểu nghệ thuật xây dựng cốt truyện và nghệ thuật kể chuyện trong truyện trinh thám kinh dị của Thế Lữ và kết luận: “Vàng và máu là một kỳ công nghệ thuật đáng được khâm phục. Ở đó, bao nhiêu li kì rùng rợn được dàn dựng công phu, hấp dẫn” [86, tr.55].
Bên cạnh các tác giả truyện trinh thám gốc miền Bắc như Thế Lữ, Phạm Cao Củng, một tác giả miền Nam là Phú Đức cũng được nhắc đến. Một số cây bút như Thượng Sỹ,