Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai - 9


chưa nắm vững những quy định của pháp luật trong việc xử lý tang vật là cá thể động vật còn sống, đã chết hoặc sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm.

- Mối quan hệ phối hợp giữa các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra như Kiểm lâm với Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa chặt chẽ, chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của từng ngành theo quy định của pháp luật; có trường hợp còn đùn đẩy nhau trong việc lưu giữ, bảo quản vật chứng là cá thể động vật còn sống, đã chết hoặc sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm.


Tiểu kết chương 2


Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm tại Chương 1. Chương 2 của luận văn, tác giả đã có những nghiên cứu, đánh giá về các yếu tố tự nhiên và các yếu tố xã hội của tỉnh Đồng Nai có ảnh hưởng đến việc xử lý Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó các yếu tố tự nhiên bao gồm: vị trí địa lý, hệ sinh thái, về sự phân bố các loài thú nguy cấp, quý, hiếm… và các yếu tố xã hội như tình hình dân cư, kinh tế… Những yếu tố này có tác động đến việc xử lý đối với Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Từ những số liệu phân tích cụ thể, những vụ án thực tế xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua, tác giả đánh giá hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội phạm này trên địa bàn tỉnh để chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật. Trên cơ sở đó tác giả đề ra các giải pháp để hoàn thiện pháp luật cũng như tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật trong việc xử lý Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm ở chương 3.


Chương 3

GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI VIỆC XỬ LÝ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 86 trang tài liệu này.

NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM


Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai - 9

3.1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật

3.1.1. Hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật TTHS

- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 244 BLHS theo hướng quy định xử lý đối với những hành vi cùng một lúc xâm hại nhiều cá thể động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp nhưng số lượng cá thể lớp thú, lớp chim, bò sát hoặc cá thể động vật lớp khác đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vì tính nguy hiểm cho xã hội của những hành vi này là cao hơn và gây ra thiệt hại nhiều hơn so với số lượng cá thể động vật ở một lớp mà khoản 1 Điều 244 BLHS hiện hành định lượng để xử lý hình sự.

- Pháp luật hình sự coi hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép “sản phẩm” của động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là tội phạm, nhưng chỉ quy định bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khung cấu thành cơ bản (khoản 1) Điều 244 BLHS, còn các khung cấu thành tăng nặng khác của điều luật thì không quy định là không hợp lý và không đảm bảo tính công bằng trong việc đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi cũng như việc quyết định hình phạt. Do đó, Điều 244 BLHS cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể số lượng, khối lượng, thể tích hoặc giá trị “sản phẩm” của động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để xử lý hình sự ở các khung cấu thành tăng nặng khác của điều luật.

- Điểm đ khoản 1 Điều 244 BLHS chỉ quy định xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; nhưng không quy định hành vi tàng trữ, vận chuyển,


buôn bán trái phép “sản phẩm” các loài động vật này là bỏ sót hành vi phạm tội và không tương xứng với Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quy định tại Điều 234 BLHS. Do đó, cần bổ sung hành vi: Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép “sản phẩm” của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp vào điểm đ khoản 1 Điều 244 BLHS cho phù hợp với tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm và phù hợp với cam kết của Việt Nam trong việc thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

- Bộ luật tố tụng hình sự không quy định việc giám định loài động vật hoang dã, sản phẩm động vật hoang dã là thuộc các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Tuy nhiên trên thực tiễn khi xử lý các vụ án, vụ việc xâm hại động vật hoang dã; động vật nguy cấp, quý, hiếm thì Cơ quan tiến hành tố tụng đều buộc phải trưng cầu giám định tư pháp để xác định cá thể động vật, sản phẩm động vật bị xâm hại thuộc loài, danh mục, phụ lục nào để có căn cứ xử lý. Như vậy, việc giám định tư pháp khi xử lý vụ án, vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; động vật nguy cấp, quý, hiếm là bắt buộc. Do đó, Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự cần được bổ sung trường hợp giám định loài động vật hoang dã; động vật nguy cấp, quý, hiếm; sản phẩm động vật hoang dã; động vật nguy cấp, quý, hiếm là thuộc các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định để phù hợp với tình hình đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong thực tiễn.

3.1.2. Hoàn thiện Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác

- Luật Giám định tư pháp cần bổ sung thêm một lĩnh vực giám định bên cạnh giám định pháp y, giám định kỹ thuật hình sự... là giám định “động vật, thực vật hoang dã” và bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực này là các cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn hiện đang công tác tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện nghiên cứu Hải sản, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp, Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường; công chức Kiểm lâm đang công tác tại Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh.


- Điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS quy định xử lý hình sự hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép… “sản phẩm” của động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, nhưng không định lượng cụ thể đã gây nhiều tranh cãi, khó khăn cho thực tiễn trong việc đánh giá, xác định hành vi phạm tội. Do đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét bổ sung Nghị quyết số 05/2018/NQ- HĐTP ngày 05/11/2018 theo hướng quy định cụ thể về số lượng, khối lượng, thể tích hoặc giá trị “sản phẩm” của động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép để thực tiễn dễ dàng áp dụng.

- Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn xử lý hành vi cùng một lúc xâm hại nhiều loài động vật thuộc nhiều lớp khác nhau; trong đó có động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; có động vật thuộc Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES được điều chỉnh ở các điểm, khoản khác nhau của Điều 244 BLHS. Trường hợp này cần quy định áp dụng tất cả các điểm, khoản đó để quyết định hình phạt ở mức cao của khung hình phạt nhằm đảm bảo tính công bằng trong xử lý người phạm tội. Ví dụ: Hành vi cùng một lúc xâm hại 07 cá thể lớp thú thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (phạm vào điểm a khoản 2 Điều 244 BLHS) và 16 cá thể lớp thú, bò sát thuộc Nhóm IB (phạm vào điểm b khoản 3 Điều 244 BLHS) thì khi lượng hình cần áp dụng khoản 2 và khoản 3 để quyết định hình phạt ở mức cao của khoản 3 Điều 244 BLHS. Đồng thời giải thích rò hơn thuật ngữ “mùa sinh sản”, “mùa di cư” để thực tiễn dễ dàng áp dụng.

- Chính phủ cần xem xét bổ sung Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 quy định về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Trong đó bổ sung quy định giao Chi cục Kiểm lâm (cấp tỉnh), Hạt Kiểm lâm (cấp huyện); Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là cơ quan quản lý, xử lý vật chứng là động vật hoang dã, sản phẩm của động vật hoang dã sau khi đã có kết luận giám định. Vì trên thực tiễn khi thực hiện quy định tại điểm d khoản 3 Điều 106 Bộ luật TTHS và điểm a, b khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các Cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng,


đùn đẩy trách nhiệm giữa Cơ quan điều tra và Cơ quan Kiểm lâm trong việc bàn giao vật chứng là động vật nguy cấp, quý, hiếm (còn sống, đã chết) hoặc sản phẩm của chúng. Do luật quy định “giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành”, nhưng không quy định rò là cơ quan nào.

Đồng thời, Chính phủ cần xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 theo hướng sửa quy định liên quan đến lực lượng Kiểm lâm, cụ thể: Tăng thêm biên chế Kiểm lâm làm công tác bảo vệ rừng, trong đó đặc biệt ưu tiên tăng thêm lực lượng Kiểm lâm bảo vệ rừng “đặc dụng” vì đây là loại rừng của Quốc gia được thành lập với mục đích để bảo tồn thiên nhiên, hệ sinh thái, bảo vệ nguồn gen sinh vật, nghiên cứu khoa học; nhưng với 01 Kiểm lâm viên làm công tác quản lý, bảo vệ 500 ha rừng “đặc dụng” như quy định hiện hành là quá mỏng, không thể đảm đương công tác bảo vệ rừng và kiểm soát hành vi xâm hại động vật hoang dã; động vật nguy cấp, quý, hiếm.

3.2. Giải pháp tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật

- UBND tỉnh Đồng Nai và UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương quan tâm thành lập Tổ chức giám định tư pháp công lập, bổ nhiệm giám định viên tư pháp chuyên sâu, có trình độ chuyên môn cao theo vụ việc trong lĩnh vực liên quan đến động vật hoang dã để tăng cường lực lượng giám định viên tư pháp trong lĩnh vực này cho các địa phương. Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác giám định; trang bị tủ cấp đông, tủ đông chuyên dụng cho cơ quan chức năng để bảo quản vật chứng là cá thể ĐVHD (đã chết), sản phẩm ĐVHD phục vụ công tác xử lý vụ án, vụ việc.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công an trong việc liên kết với Học viện Cảnh sát Nhân dân, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân mở các lớp đào tạo chuyên sâu ngắn hạn về nghiệp vụ điều tra cho lực lượng Kiểm lâm các tỉnh để trang bị cho lực lượng này về kiến thức, phương pháp, kỹ năng, biện pháp nghiệp vụ trong hoạt động điều tra tội phạm nhằm nâng cao chất lượng nghiệp vụ về điều tra cho Cán bộ ngành Kiểm lâm trong việc phát hiện, xử lý các loại tội phạm thuộc thẩm quyền, trong đó có Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.


- Cục Kiểm lâm cần có văn bản quy định thống nhất trong toàn ngành về quan hệ phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm các tỉnh trong việc giao, nhận vật chứng là cá thể ĐVHD; động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống để thả về môi trường tự nhiên ở địa phương có môi trường thích nghi, phù hợp với điều kiện sống của chúng, nhằm khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau giữa các địa phương như hiện nay, hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo tồn loài động vật quý, hiếm trong tự nhiên.

- Tăng cường công tác tập huấn chuyên sâu, nâng cao cho đội ngũ Cán bộ điều tra, Điều tra viên, Kiểm sát viên về kỹ năng nhận diện, phương pháp xác minh, kế hoạch điều tra, xử lý đối với loại tội phạm đặc thù này. Cụ thể: Cách nhận diện ban đầu đối với vật chứng là cá thể loài động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng theo Danh mục quy định của Chính phủ; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý, bảo quản vật chứng là cá thể động vật còn sống, đã chết hoặc sản phẩm của chúng; thời điểm tiến hành trưng cầu giám định; kỹ năng đánh giá kết luận giám định; cách thức xử lý vật chứng sau khi có kết luận giám định; phương pháp điều tra đối với trường hợp người phạm tội đang ở nước ngoài; kỹ năng điều tra đối với những trường hợp nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất cá thể hoặc sản phẩm động vật nguy cấp, quý, hiếm mà cá nhân, tổ chức có liên quan quanh co không thừa nhận là hàng hóa của họ...nhằm nâng cao chất lượng trong hoạt động điều tra, truy tố các vụ án về xâm phạm ĐVHD; động vật nguy cấp, quý, hiếm.

- Tăng cường mối quan hệ phối hợp liên ngành giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng là Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát với các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là Kiểm lâm, Hải quan, Bộ đội biên phòng trong việc trao đổi thông tin về tội phạm xâm hại ĐVHD; động vật nguy cấp, quý, hiếm; về công tác phối hợp xác minh, làm rò; về công tác thu thập, lưu trữ và chuyển giao vật chứng để quản lý, bảo quản...nhằm tạo ra sự thống nhất, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác đấu tranh, phòng, chống loại tội phạm này.


- Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cần phối hợp với tổ chức như: Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV); Wildlife Conservation Society, chương trình Việt Nam (WCS Việt Nam); Chương trình toàn cầu chống tội phạm về ĐVHD và tội phạm lâm nghiệp (UNODC), các Cơ quan khoa học CITES Việt Nam để tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán các tỉnh, thành. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức cho những người tiến hành tố tụng về tầm quan trọng trong việc bảo vệ ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm; mối quan hệ giữa sự tồn tại của ĐVHD với môi trường sống; tính đa dạng sinh học chính là tài sản thiên nhiên của quốc gia...Để từ đó họ có cách nhìn khác, đề cao trách nhiệm trong công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc về xâm hại ĐVHD; khắc phục được tư duy xem nhẹ việc xử lý đối với loại tội phạm này như hiện nay.

- Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai nói riêng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nói chung cần quan tâm kiểm tra, đánh giá công tác xét xử các vụ án về các tội: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”, “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” trong thời gian qua để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các vụ án mà việc quyết định hình phạt còn nhẹ hoặc cho bị cáo hưởng án treo không tương xứng với tính chất mức độ hành vi và hậu quả tác hại của vụ án đã gây ra trên thực tế; nhằm nâng cao hiệu quả của tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa đối với công tác xét xử loại tội phạm này trong thời gian tới.

- Chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm tập trung đẩy mạnh công tác phổ biến, truyên truyền, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân về chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ ĐVHD; động vật nguy cấp, quý, hiếm; làm cho quần chúng nhân dân nhận thức được vai trò, tầm quan trọng trong việc bảo vệ ĐVHD; động vật nguy cấp, quý, hiếm chính là bảo vệ sự cân bằng của hệ sinh thái, bảo vệ tính đa dạng sinh học chính là bảo vệ tài sản của quốc gia và bảo vệ môi trường sống; mọi hành vi xâm hại ĐVHD; động vật nguy cấp, quý, hiếm trái quy định pháp luật đều bị coi là tội


phạm và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một trong những nhiệm vụ then chốt và rất quan trọng vừa mang tính xã hội hóa pháp luật, vừa mang tính chiến lược cơ bản lâu dài trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Bởi vì, chỉ khi nào quần chúng nhân dân nhận thức được đầy đủ về giá trị tồn tại của ĐVHD trong tự nhiên để tự giác tham gia bảo vệ chúng thì khi đó công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm về xâm hại ĐVHD; động vật nguy cấp, quý, hiếm mới phát huy được hiệu quả.

3.3. Giải pháp khác

Bên cạnh các giải pháp hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện tổ chức thực hiện pháp luật thì cần có một số giải pháp đặc thù gắn với địa bàn tỉnh Đồng Nai như sau:

Một là: Tăng cường lực lượng bảo vệ rừng, bảo vệ các loài ĐVHD; động vật nguy cấp, quý, hiếm từ chính người dân địa phương bằng cách thành lập các tổ bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm từ chính những người dân địa phương. Có thể huy động các nguồn lực xã hội hóa của địa phương để trả lương cho họ hoặc có các chính sách khác về an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, cấp phương tiện liên lạc, phương tiện di chuyển... để họ cùng lực lượng Kiểm lâm, Công an bảo vệ rừng, bảo vệ các loài ĐVHD; động vật nguy cấp, quý hiếm.

Hai là: Có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xây dựng mô hình kinh tế gia đình cho người dân sống ở khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Bởi vì, khi cuộc sống của người dân ở những nơi này được đảm bảo, kinh tế gia đình ổn định thì người dân sẽ không còn có những hành vi vi phạm pháp luật về xâm hại ĐVHD; động vật nguy cấp, quý, hiếm như săn bắt, mua bán, vận chuyển... mà ngược lại họ sẽ là một trong những lực lượng nồng cốt cùng với các Cơ quan chức năng tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ ĐVHD.

Xem tất cả 86 trang.

Ngày đăng: 25/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí