quả nguồn lao động. Dưới giác độ này, việc làm góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động nhằm đáp ứng những yêu cầu của thị trường lao động, đồng thời xây dựng nguồn lực lâu dài cho đất nước.
Việc làm luôn gắn liền với quá trình phân công lao động theo ngành và theo lãnh thổ. Vì vậy, nếu Nhà nước không có các biện pháp tạo mở việc làm hợp lý cho lao động ở khu vực nông thôn, thì dẫn đến nhiều người lao động ở khu vực này bỏ ra thành thị để tìm việc làm, gây sức ép cho khu vực thành thị trên tất cả các mặt như nhà ở, điện, nước, y tế thậm chí gây ra cả những rối loạn về mặt xã hội.
Việt Nam ta là một nước có dân số đông, tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, số người mới tham gia lực lượng lao động và chưa có việc làm hàng năm rất lớn. Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm đang gây ra những vấn đề xã hội hết sức phức tạp. Bên cạnh việc bảo đảm việc làm cho người lao động, thì mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm cần phải gắn liền với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển ổn định và đảm bảo công bằng xã hội. Vì thế, việc làm ở Việt Nam có ý nghĩa hết sức sâu sắc về mặt xã hội.
1.1.2.2. Về mặt kinh tế
Bảo đảm việc làm là vấn đề quan trọng được đặt ra ở nhiều quốc gia, kể cả các nước đang phát triển. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với bộ phận dân cư, những người thiếu việc làm và thất nghiệp, mà quan trọng hơn nó còn tác động đến sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.
Việc làm cho người lao động trước hết sẽ tạo ra điều kiện để khai thác được tối đa những nguồn lực quan trọng còn đang tiềm ẩn như tài nguyên vốn, ngành nghề… thông qua lao động của con người. Khi người lao động có việc làm sẽ mang lại thu nhập cho bản thân họ và từ đó tạo ra tích lũy. Nhà nước không những không phải chi trợ cấp cho những người nghèo không có việc làm mà khi bố trí được việc làm cho họ, họ có thể mang lại tích lũy cho nền kinh tế quốc dân. Tăng tích lũy sẽ giúp cho sản xuất được mở rộng, tức là
tác động đến tổng cung, thu hút thêm nhiều lao động. Mặt khác, khi người lao động có thu nhập, họ sẽ tăng lượng tiêu dùng, từ đó làm tăng tổng sức mua của toàn xã hội, tức là làm cho tổng cầu của nền kinh tế tăng lên, kích thích sự phát triển của sản xuất, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Hiện nay, nước ta đang tồn tại tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm nghiêm trọng. Đại bộ phận dân cư có mức sống thấp, nhiều người lao động cần có việc làm hoặc việc làm tốt hơn. Vì vậy, việc làm và giải quyết việc làm hiện nay có ý nghĩa rất to lớn đối với quá trình phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và nâng cao thu nhập quốc dân.
1.2. TỔ CHỨC GIỚI THIỆU VIỆC LÀM THEO PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có thể bạn quan tâm!
- Tổ chức giới thiệu việc làm theo pháp luật lao động Việt Nam hiện nay - 1
- Tổ chức giới thiệu việc làm theo pháp luật lao động Việt Nam hiện nay - 2
- Quan Niệm Về Việc Làm Ở Việt Nam
- Sơ Lược Lịch Sử Pháp Luật Về Tổ Chức Giới Thiệu Việc Làm Trong Nền Kinh Tế Thị Trường Ở Việt Nam
- Vai Trò Đối Với Quản Lý Nhà Nước Về Thị Trường Lao Động
- Quy Định Của Pháp Luật Lao Động Hiện Hành Về Tổ Chức Giới Thiệu Việc Làm
Xem toàn bộ 162 trang tài liệu này.
1.2.1. Một số khái niệm
1.2.1.1. Dịch vụ việc làm và giới thiệu việc làm
Trong một thời gian dài, người ta thường hiểu dịch vụ việc làm là hoạt động môi giới việc làm, là hoạt động trung gian nhằm chắp nối cung - cầu về lao động, giúp cho người lao động tìm được việc làm, người sử dụng lao động tìm kiếm được lao động cần thuê.
Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu cần thuê, mướn lao động và tìm kiếm việc làm của người lao động ngày càng tăng cao. Do vậy, khái niệm dịch vụ việc làm cũng ngày càng được mở rộng hơn. Khái niệm này đã chính thức được ILO thừa nhận qua một loạt các Công ước quốc tế như: Công ước số 34; Công ước số 88; Công ước số 96; Công ước số 142; Công ước 168….. Cụ thể, năm 1970, khi Công ước số 142, Công ước về hướng nghiệp và đào tạo nghề trong việc phát triển nguồn nhân lực ra đời, cách hiểu chung về phạm trù dịch vụ việc làm lúc này không chỉ thuần túy dưới góc độ môi giới việc làm.
Sự ra đời của Công ước 142 đã làm thay đổi căn bản nhận thức về dịch vụ việc làm. Theo đó, dịch vụ việc làm ngoài nhiệm vụ môi giới còn có
nhiệm vụ hướng nghiệp và đào tạo nghề. Mặt khác, cũng theo tinh thần các Công ước của ILO (Công ước số 34, 88, 96, 168…), hoạt động của dịch vụ việc làm còn bao gồm nhiều nhiệm vụ khác như: Thông tin thị trường lao động, chắp nối cung cầu lao động liên vùng, liên quốc gia v.v…
Ở Pháp:
Dịch vụ việc làm là các hoạt động với các phương tiện tốt và đa dạng để can thiệp giúp đỡ bất cứ người nào đang tìm việc làm bằng cách giúp đào tạo và tư vấn nghề, dù người đó là người làm công ăn lương hay không mà họ xin việc làm để được đi làm, được sắp xếp lại bậc nghề hay được phát triển về nghề nghiệp và các hoạt động trong việc tổ chức, đăng ký, quản lý thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người thất nghiệp đảm bảo cuộc sống bình thường trong thời gian chưa tìm được việc làm mới [31].
Ở Trung Quốc đưa ra một khái niệm ngắn gọn nhưng chính xác: "Dịch vụ việc làm chỉ là sự hiệp trợ cho quốc dân và dịch vụ việc làm cung ứng việc làm cho người lao động theo yêu cầu của chủ giới" [42].
Ở Việt Nam, theo Từ điển thuật ngữ Lao động - Thương binh - Xã hội: "Dịch vụ việc làm là hoạt động nhằm hỗ trợ cho người lao động dễ dàng tìm được việc làm" [39, tr. 8].
Ngoài thuật ngữ về dịch vụ việc làm, người ta thường nói đến một thuật ngữ khác là GTVL.
Giới thiệu việc làm là quá trình trong đó cơ sở dịch vụ việc làm có những thông tin về chỗ làm trống và giới thiệu cho người tìm việc đến địa chỉ của người sử dụng lao động để tìm hiểu và có thể đi đến thoả thuận về việc làm; hoặc cơ sở dịch vụ việc làm có thông tin về người tìm việc và giới thiệu cho người sử dụng lao
động tiếp xúc và có thể đi đến những thỏa thuận tuyển dụng [31, tr. 11].
1.2.1.2. Tổ chức giới thiệu việc làm
Ở nước ta, kể từ khi ra đời đến nay "Tổ chức giới thiệu việc làm" có nhiều thay đổi về tên gọi trong quá trình hình thành và phát triển hoạt động GTVL ở nước ta. Theo Quyết định số 120/HĐBT ngày 11/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về "Chủ trương, phương hướng và giải pháp giải quyết việc làm trong thời gian tới", lần đầu tiên đã xuất hiện khái niệm "Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm". Trên cơ sở Nghị quyết 120/HĐBT, ngày 17/3/1993, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quyết định số 146/LĐTBXH-QĐ, trong đó "Trung tâm dạy nghề và GTVL" được đổi tên thành "Trung tâm Xúc tiến việc làm". Vào ngày 23/6/1994, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX đã chính thức thông qua BLLĐ đầu tiên ở Việt Nam. Trên cơ sở của Bộ luật này, ngày 31/10/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/CP và Thông tư số 08/LĐTBXH-TT ngày 10/3/1997 của Bộ LĐTB&XH về hướng dẫn thực hiện Nghị định 72/CP, theo Nghị định số 72/CP và Thông tư số 08/LĐTBXH thì "Trung tâm Xúc tiến việc làm" được đổi tên thành "Trung tâm Dịch vụ việc làm".
Sau một thời gian thực hiện các quy định của BLLĐ 1994, Nghị định số 72/CP và Thông tư số 08/TT-BLĐTBXH, cho thấy thực tế tổ chức và hoạt động của "Trung tâm Dịch vụ việc làm" còn rất nhiều vấn đề bất cập. Do đó, ngày 22/4/2002, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLLĐ năm 2002 (nay gọi tắt là BLLĐ đã được sửa đổi, bổ sung), theo quy định của BLLĐ đã được sửa đổi bổ sung "Trung tâm Dịch vụ việc làm" đã được đổi tên thành "Tổ chức giới thiệu việc làm" và tên gọi "Tổ chức giới thiệu việc làm" vẫn được tồn tại cho đến ngày nay [13].
Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của BLLĐ đã được sửa đổi, bổ sung, "Tổ chức giới thiệu việc làm có nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm
làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật".
Tuy đã trải qua một vài lần thay đổi về tên gọi, nhưng việc thay đổi này chỉ là sự điều chỉnh về nhiệm vụ của tổ chức GTVL, còn về bản chất của nó không hề có sự thay đổi. Trên cơ sở này, có thể nêu ra một định nghĩa chung nhất về tổ chức GTVL như sau: "Tổ chức giới thiệu việc làm là một tổ chức có chức năng tìm và chắp nối thông tin cung - cầu lao động, giúp cho người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm và cơ hội học nghề, giúp cho người sử dụng lao động, người đào tạo nghề thỏa mãn nhu cầu về lao động và đào tạo nghề" [39, tr. 10].
Ở Mỹ; Trung tâm dịch vụ việc làm được gọi là "trung tâm một cửa", tại đây người lao động và người sử dụng lao động được cung cấp đầy đủ các dịch vụ liên quan đến lao động - việc làm: dịch vụ việc làm, tư vấn, hướng nghiệp, trợ cấp thất nghiệp, tìm kiếm lao động…[43, tr. 16].
Như vậy, trong thực tiễn ở nước ta và các nước trên thế giới đã sử dụng nhiều khái niệm và tên gọi khác nhau để chỉ các tổ chức tham gia hoạt động sắp xếp việc làm có hiệu quả cho người lao động thông qua việc chắp nối cung - cầu lao động hoặc tư vấn, trợ giúp để người lao động tự tạo việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động… Để phù hợp với nội dung, phạm vi nghiên cứu của đề tài, sau đây trong luận văn tác giả xin phép thống nhất sử dụng tên gọi "Tổ chức giới thiệu việc làm".
1.2.2. Sơ lược lịch sử pháp luật về tổ chức giới thiệu việc làm trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam
1.2.2.1. Vài nét về sự hình thành và phát triển tổ chức GTVL trên thế giới
Trong quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản, cùng với sự tập trung và tích tụ tư bản là sự lớn mạnh của nền sản xuất công nghiệp. Trên nền tảng đó, giai cấp công nhân ra đời và ngày càng lớn mạnh. Vì mục tiêu lợi nhuận, giai cấp tư bản đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải tiến tổ chức sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo đà cho nền sản xuất công nghiệp phát triển. Nền sản xuất công nghiệp phát triển, việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tăng đã dẫn đến xu hướng tất yếu là mức độ chuyên môn hóa tăng và đòi hỏi về trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động ngày càng cao. Vì thế, nhà tư bản đã gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động phù hợp với công việc mà doanh nghiệp của họ đang cần, họ cần có một khâu trung gian giúp họ trong việc tuyển dụng lao động. Mặt khác, do bùng nổ dân số vào thế kỷ 18 và 19, nên vấn đề thất nghiệp ngày càng tăng. Người lao động mong muốn họ có việc làm nhưng để tìm được việc làm thích hợp, họ cũng cần có một khâu trung gian môi giới để liên hệ giúp họ.
Xuất phát từ những nhu cầu nói trên, dịch vụ việc làm đã ra đời. Sự ra đời của dịch vụ việc làm đã làm cho nền kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản ngày càng năng động hơn, có tác dụng làm cho thị trường lao động ngày càng hoàn thiện và phát triển.
Như vậy, sự hình thành và phát triển của tổ chức GTVL ở các nước trên thế giới là một tất yếu khách quan, xuất phát từ đòi hỏi của nền kinh tế thị trường nơi đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt.
Căn cứ vào sự ra đời các Công ước của ILO, quá trình phát triển của các tổ chức GTVL trên thế giới có thể chia làm các giai đoạn sau:
Giai đoạn trước năm 1936
Các tổ chức GTVL bước đầu được hình thành ở các nước tư bản như Mỹ, Anh, Pháp, Đức v. v… mục đích chủ yếu của các tổ chức này là kiếm lời dựa trên nhu cầu tìm việc làm của một bộ phận đông đảo người lao động tìm
việc và nhu cầu cần tuyển lao động theo đúng trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc của người sử dụng lao động. Vì vậy, tên gọi chính thức của nó là "Phòng việc làm có thu phí". Sự hình thành của các tổ chức GTVL ở giai đoạn này chỉ mang tính tự phát và không chịu sự điều phối quản lý của Nhà nước.
Mặc dù mới hình thành, nhưng các tổ chức GTVL cũng đưa ra các mục đích hoạt động của mình, có thể chia ra làm hai loại sau:
+ Phòng tìm việc làm có mục đích kiếm lợi, nghĩa là mọi cá nhân, hội, cơ quan hoặc mọi tổ chức khác làm môi giới để tìm việc làm cho người lao động hoặc người sử dụng lao động, nhằm thu một lợi ích vật chất trực tiếp hoặc gián tiếp từ họ.
+ Những phòng tìm việc làm không có mục đích kiếm lợi gồm những dịch vụ việc làm của các hội, cơ quan, sở hoặc mọi tổ chức khác, tuy không tìm kiếm một lợi ích vật chất, nhưng có thu của người sử dụng lao động hoặc của người lao động một khoản tiền vào cửa, một khoản đóng góp hoặc một khoản thù lao nhất định về những dịch vụ đó.
Trong giai đoạn này, ILO chưa có một Công ước nào quy định về tổ chức GTVL.
Giai đoạn từ 1936 - 1950
Vào giai đoạn này, các tổ chức GTVL đã thực sự phát triển rất mạnh cả về số lượng và chất lượng, đã đóng góp rất lớn trong vai trò là chiếc cầu nối trong quan hệ hai bên giữa người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm với người sử dụng lao động có nhu cầu cần thuê lao động.
Sự phát triển của các "Phòng việc làm có thu phí" bước đầu tuy đã có những tác động tích cực trong việc cân bằng cung cầu trên thị trường lao động, song chúng cũng ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm như: chi phí vào cửa và những chi trả vật chất kèm theo quá lớn đã gây nên những bất bình đối với người tìm việc làm cũng như người thuê mướn nhân công lao động.
Đứng trước trước tình hình trên, ngày 8/6/1933, ILO đã triệu tập Hội nghị tại Giơ-ne-vơ và cho ra đời Công ước số 34 "Công ước về các phòng tìm việc làm có thu phí". Công ước này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18/10/1936 và không áp dụng đối với vấn đề tìm việc làm cho các thủy thủ.
Theo quy định của Công ước những "Phòng tìm việc làm có thu phí" nói trên phải được đặt dưới sự giám sát của nhà chức trách có thẩm quyền và phải có giấy phép thay mới hàng năm theo quyết định của nhà chức trách. Công ước còn quy định các "Phòng" này chỉ được thu phí và các khoản phụ phí theo biểu giá đã được nhà chức trách nói trên chấp thuận và chỉ được tìm việc, tuyển những người lao động ra nước ngoài nếu được nhà chức trách có thẩm quyền cho phép và được thực hiện theo sự thỏa thuận giữa các quốc gia hữu quan [5].
Như vậy, Công ước số 34 ra đời có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó không những chính thức đặt tên cho tổ chức GTVL là "Phòng tìm việc làm có thu phí", mà còn tạo cơ sở về mặt pháp lý cho các "Phòng" này hoạt động một cách hiệu quả, đồng thời cũng chấm dứt thời kỳ hoạt động tự phát của các "Phòng" đó tồn tại trong giai đoạn trước. Ngoài ra, các "Phòng tìm việc làm có thu phí" cũng được đưa vào một hệ thống thống nhất và chính thức có sự quản lý của Nhà nước.
Giai đoạn từ 1950 - 1977
Việc tiếp tục thu phí và các khoản phụ phí dù đã theo biểu giá đã được nhà chức trách có thẩm quyền cho phép đối với các "Phòng việc làm có thu phí" nhìn chung vẫn thể hiện một số khía cạnh chưa tích cực. Nhiều người lao động vẫn không có đủ tiền để chi trả khoản phí cần thiết. Do vậy, khả năng tìm kiếm việc làm đối với họ bị hạn chế rất nhiều, họ vẫn phải sống trong tình trạng thất nghiệp, mặt khác, các phòng tìm việc làm có thu phí chưa thực sự phát huy hết vai trò của mình. Vấn đề được đặt ra lúc này là cần phải có những quy định về mức thu phí một cách cụ thể, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của xã hội nhằm tạo điều kiện cho những người lao động nghèo khổ cũng có cơ hội tìm kiếm việc làm.