Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 28


PHỤ LỤC


MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH


Để làm rõ hơn cho một số luận điểm mà phần chính văn đã đề cập đến, ở phần phụ lục, chúng tôi sẽ trích dịch những nhận định có liên quan.


1. VĂN HỌC TRIỀU TIÊN THỜI KỲ CHOSON (JOSEON)

Phê bình văn học

- Từ đầu thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX, giai đoạn cuối thời kỳ Choson, là giai đoạn kiểm tra và đánh giá lại đóng góp của những nhà tư tưởng chủ trương Tống Nho. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến sự phát triển của phái Thực học, trường phái nhấn mạnh vào nghệ thuật chính thống, tính có ích và việc nâng cao sinh kế của người dân (…).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.

Bấy giờ các tác giả của phái Thực học đã nhận ra sự khác biệt giữa "đạo'' và ''văn''. Khi sự lý giải về ''đạo'' thay đổi qua các thời kỳ, văn học cũng cần phản ánh sự biến đổi đó. Văn học không nên chỉ học tập từ quá khứ mà còn phải cố gắng thể hiện những mối bận tâm và hiện thực đương thời. Đó là điều không thể thiếu và xứng đáng được con người theo đuổi trong suốt cuộc đời. Một bài thơ, theo Hong Sokchu (1774 – 1842), có giá trị ngay cả khi nó chỉ là một khúc ca [dân gian]28 đơn giản và phổ biến: ''Làm sao mà một người có thể loại bỏ một bài hát dân gian chỉ vì nó không phải là một bài thơ trong Kinh thi?''

- Tình hình văn học sử thế kỷ XVII và XVIII đã khiến cho các tác giả thuộc tầng lớp trên chuyển hướng vào thơ ca của các tác giả thuộc tầng lớp thấp hơn nhằm thoả mãn về thẩm mỹ và kích thích tính sáng tạo. Bị áp chế về mặt chính trị, thơ của họ [những tác giả thuộc tầng lớp thấp] không diễn tả ý thức hệ của tầng lớp quý tộc đang chiếm ưu thế. Vì vậy, tác phẩm của họ thể hiện tính tự phát tự nhiên và những bí ẩn của sự sáng tạo. Giới trí thức thượng lưu đề lời tựa và lời bạt cho tập thơ của những nhà thơ bình dân, trong đó tập thơ đầu tiên là Haedong yuju (Những viên ngọc còn lại của Triều Tiên, 1712) của Hong Setae (Hồng Thế Thái) (1653 - 1725).

Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 28

(Peter H. Lee, Lịch sử văn học Triều Tiên) [307, tr.325 và 327]


28 Trong dấu ngoặc [ ] là phần chúng tôi chú thích thêm.


Thơ ca

Mục đích của việc biên soạn các tập thơ dân gian [vào cuối thời Choson] (…) là để giới thiệu được một bộ sưu tầm bao gồm nhiều nhà thơ nhất và có khả năng bao quát thơ ca của một khoảng thời gian dài nhất. Nó cho thấy nỗ lực mở rộng các tập hợp tuyển [của các tác giả giai đoạn cuối Choson] qua việc tìm kiếm những văn bản trước đây đã bị lãng quên hoặc chưa được biết đến, hoặc có lẽ thể hiện nỗ lực viết lại lịch sử của thơ sijo, nhấn mạnh đến tính trung tâm của thể loại này trong văn hoá Triều Tiên.

(Peter H. Lee, Lịch sử văn học Triều Tiên) [307, tr. 332]


Vào nửa cuối thế kỷ XVI, một số lượng lớn các tác giả nữ xuất hiện với những tên tuổi như Song Dukbong (Tống Đức Phong), Yi Maechang (Lý Mai Song), Heo Nanseolheon (Hứa Lan Tuyết Hiên) và Lee Okbong (Lý Ngọc Phong). Mỗi người họ có vị trí khác nhau trong xã hội: Yi Maechang là kỹ nữ, Heo Nanseolheon xuất thân từ gia đình quyền quý, còn Lee Okbong lại là tỳ thiếp. (…).

Nhìn chung, với những tác giả nữ xuất thân cao quý, vấn đề trung tâm trong thơ ca của họ thường là vấn đề gia đình, trong khi đó, các kỹ nữ đơn giản bộc lộ những tình cảm đậm chất thơ như buồn bã, lo âu, khát vọng, oán than, xúc động, hoặc đôi khi thể hiện cả một mối hận sâu sắc.

(Lee Hai-soon, Thế giới thơ ca của các tác giả nữ cổ điển Triều Tiên)

[306, tr.6 – 7]


Tiểu thuyết

Tiểu thuyết đã cung cấp cho cả nam giới và nữ giới niềm vui không thể cưỡng lại được. Ngay cả các thành viên của hoàng tộc cũng không cố gắng che giấu thực tế họ chính là những độc giả yêu thích tiểu thuyết. Một loạt tiểu thuyết bạch thoại Trung Quốc du nhập vào Triều Tiên đã được dịch sang quốc ngữ [Hangul], ban đầu vốn chỉ dành cho giới nữ lưu cung đình và quý tộc. Tuy nhiên, nam giới thuộc tầng lớp sĩ đại phu cũng là độc giả bí mật của tiểu thuyết. Không những vậy, họ còn là người dịch, người biên tập và người xuất bản loại tiểu thuyết này. Họ chính là những người Triều Tiên đầu tiên đã diễn giải, sửa đổi và tái tạo lại tiểu thuyết bạch thoại Trung Quốc cho độc giả nữ.

Tuy nhiên, vai trò của giới sĩ đại phu trong việc tạo ra những tác phẩm thuộc một thể loại dung tục như thế thường bị xem là không phù hợp với luật lệ và đáng sỉ nhục, vì thế sự tham gia của họ thường được giữ bí mật. Ngay cả khi tác giả nam của những tiểu thuyết viết bằng quốc ngữ không che giấu tên tuổi của mình thì họ cũng thường tuyên bố rằng tác phẩm của họ chủ yếu dành cho độc giả nữ, như cho mẫu thân chẳng hạn, và rằng việc viết tiểu thuyết xuất phát từ tấm lòng tận hiếu. Do đó, tiếp trong quá trình sáng tạo tiểu thuyết bằng quốc ngữ, sự can thiệp của nữ giới, cả trực tiếp và gián tiếp, không thể nào không xảy ra.

(Park Sohyeon, “Tiếp nhận, tái chiếm lĩnh và tái tạo: Tiểu thuyết bạch thoại Trung Quốc và sự đọc của nữ giới quý tộc trong giai đoạn cuối của thời Choson”) [314, tr.144 - 145]


Nhiệm vụ của truyện tiểu sử [trong tiếng Hàn là jeon, dịch sang tiếng Anh là biography] vốn là để đánh giá cái đúng và cái sai của mỗi cá nhân qua phần hành trạng, cuộc đời được ghi chép trong lịch sử, từ đó tìm kiếm bài học giáo huấn cho đời sau. Sau đó, xuất hiện những câu chuyện có tính cá nhân, khác với chính sử và ai cũng có thể viết. Nội dung và hình thức thể hiện trở nên tự do, từ đó tạo nên những tác phẩm kéo gần khoảng cách với tiểu thuyết [theo cách hiểu hiện đại]. Có những tác phẩm có thể được gọi là tác phẩm trung gian. Chúng cho thấy sự chồng lấn lên nhau giữa truyện tiểu sử và tiểu thuyết. Tuy vậy, điều này không có nghĩa tiểu thuyết là sự biến đổi thuộc giai đoạn sau của truyện tiểu sử. Tiểu thuyết như một đứa trẻ thích chống đối, tự cải trang thành tiểu sử, trộm lấy phương pháp trần thuật cuộc sống của tiểu sử, và dần dần chiếm đoạt uy quyền mà tiểu sử đã từng tận hưởng. Không chỉ ở Triều Tiên mà ở các quốc gia Đông Á khác, tiểu thuyết đã bắt đầu như ''tiểu sử giả hiệu'', tương tự với việc nó đã bắt đầu như là ''lời xưng tội giả hiệu'' ở châu Âu.

(Cho Dong-il, ''Lịch sử văn học Triều Tiên trong bối cảnh Đông Á'')

[292, tr.23]


2. NỮ GIỚI TRONG SỰ VẬN ĐỘNG CỦA VĂN HỌC TRUNG QUỐC


Phụ nữ thời Minh Thanh không học để nắm vững kinh điển, để tham gia tranh đua trong khoa cử, cũng không mở sách ra một cách tùy ý để giết thời gian. Họ đọc để mở rộng trí óc, thường là với sự mãnh liệt gần như là cuồng tín. Kịch và những tác phẩm hư cấu khác đặc biệt hấp dẫn vì chúng cung cấp khát vọng của độc giả một hình dạng cụ thể, đồng thời an ủi cho những gì thiếu trọn vẹn mà độc giả phải trải qua trong cuộc sống thực. Từ trang tiểu thuyết, độc giả nữ xây dựng một thế giới nổi mà ở đó sự kích thích về mặt trí tuệ kết hợp với sự hài lòng về cảm xúc và tín ngưỡng.

(Dorothy Ko, Những người thầy trong phòng khuê: Phụ nữ và văn hóa Trung Hoa thế kỷ XVII) [304, tr.68]

- Bài thơ được trích dẫn ở trên của nàng Tiểu Thanh [bài Tứ tuyệt kỳ 5] đã khắc họa những trải nghiệm thi ca của một kiểu độc giả mới cuối thời Minh: những phụ nữ có học tham gia vào việc tiêu thụ và sáng tạo văn hóa. [289, tr.129]

- Hãy xem nhà soạn kịch Thang Hiển Tổ định nghĩa về ''tình'' (qing), ở đây được dịch là ''love'' trong bản dịch của Cyril Birch:

Tình không biết bắt đầu từ đâu nhưng ngày càng đậm sâu. Sống, có thể vì tình mà chết; chết rồi lại có thể vì tình mà sống. Sống mà không nguyện chết vì tình, chết mà không thể sống lại nhờ tình, đều chẳng phải là chí tình. Tình đến trong giấc mộng có phải nhất thiết chỉ là hư ảo? Vì thế gian này đâu thiếu những người yêu nhau trong mộng.

Đây là kiểu tình yêu được Tiểu Thanh và độc giả của kịch cuối thời Minh dự liệu sẽ là lý tưởng lãng mạn mới. [289, tr.130]

(Daria Berg, Nữ giới và văn học ở Trung Quốc giai đoạn cận đại sơ kỳ, 1580 – 1700)


3. SƠ ĐỒ BỐN YẾU TỐ CỦA MEYER HOWARD ABRAMS

Trong quá trình triển khai luận án, chúng tôi có dựa trên sơ đồ bốn yếu tố của nhà nghiên cứu M.H. Abrams. Qua công trình Chiếc gương và ngọn đèn: Lý thuyết lãng mạn và truyền thống phê bình (The Mirror and the Lamp: Romantic Theory and the Critical Tradition), ông cho rằng bốn yếu tố cơ bản làm nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh gồm có:

UNIVERSE WORK

ARTIST AUDIENCE

M.H. Abrams giải thích về các yếu tố này như sau:

Thứ nhất, đó là tác phẩm (work), sản phẩm tự nó mang tính nghệ thuật. Và bởi vì đó là sản phẩm của con người, sản phẩm tạo tác, nên nhân tố chung thứ hai là người tạo tác, tức nghệ sĩ (artist). Thứ ba, tác phẩm nghệ thuật được gắn với một chủ đề mà chủ đề này, một cách trực tiếp hay quanh co gián tiếp đều bắt nguồn từ những điều hiện tồn, [mục đích] nhằm biểu thị hoặc phản ánh điều gì đó hoặc có liên hệ hoặc là trạng thái khách quan của các sự vật, sự việc. Yếu tố thứ ba này, cho dù được tổ chức với con người và hành động, tư tưởng và tình cảm, các sự vật vật chất và các sự kiện hay mang tính chất siêu cảm thì vẫn thường được tác phẩm dành tặng toàn bộ ngôn từ. Nó được gọi là tự nhiên (nature). Tuy nhiên, thay vì thuật ngữ trên, hãy để chúng tôi sử dụng một thuật ngữ trung lập và toàn diện hơn, vũ trụ (universe). Với yếu tố cuối cùng, chúng ta có người thưởng thức (audience) bao gồm: người nghe, người xem, người đọc; những người tập trung hoàn toàn vào tác phẩm, hoặc những người chú ý đến tác phẩm ở bất kỳ mức độ nào cũng có thể xếp vào yếu tố thứ tư. [286, tr.6]

Xem tất cả 226 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí