Thông tin bất cân xứng trên thị trường tài chính Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 2

CHƯƠNG I‌‌

LÝ LUẬN CHUNG VỀ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VÀ LÝ THUYẾT THÔNG TIN BẤT CÂN XỨNG

I. LÝ LUẬN CHUNG VỀ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH

Thị trường tài chính là nơi trao đổi, giao dịch các loại “hàng hóa” của thị trường, đó là các quyền đòi nợ tài chính (financial claims).1

1. Các thị trường cấu thành

Thị trường tài chính có thể được phân loại theo nhiều cách thức khác nhau, theo thời gian đáo hạn của công cụ tài chính, theo cách thức huy động vốn hoặc theo thời điểm phát hành công cụ tài chính ra công chúng.

1.1. Theo thời gian đáo hạn của các công cụ tài chính

1.1.1. Thị trường tiền tệ:

Thị trường tiền tệ là thị trường phát hành và mua bán các công cụ tài chính ngắn hạn (kỳ hạn dưới 1 năm). Thị trường tiền tệ thường bao gồm thị trường nội tệ liên ngân hàng, thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc. Các chủ thể tham gia thị trường tiền tệ bao gồm Ngân hàng trung ương, các ngân hàng thương mại, và các tổ chức tài chính phi ngân hàng, chính phủ, các doanh nghiệp, các cá nhân và các nhà môi giới tiền tệ.

Các công cụ tài chính được giao dịch trên thị trường tiền tệ có độ rủi ro thấp, tính thanh khoản cao. Các công cụ của thị trường tiền tệ bao gồm tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi, thương phiếu, chấp phiếu của ngân hàng, thỏa thuận mua lại, tín phiếu NHTW.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.


1.1.2. Thị trường vốn:

Thông tin bất cân xứng trên thị trường tài chính Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 2


1Võ Trí Thành (chủ biên), Lê Xuân Sang (Đồng chủ biên), Đinh Hiền Minh, Trịnh Quang

Thị trường vốn là thị trường phát hành và mua bán lại các công cụ tài chính (các công cụ nợ và các công cụ vốn) có thời hạn trên 1 năm. Thị trường vốn gồm thị trường tín dụng và TTCK (thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu). Các chủ thể chính tham gia thị trường vốn là ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính phi ngân hàng, chính phủ, các doanh nghiệp, cá nhân, các nhà môi giới chứng khoán.

Hàng hóa giao dịch trên thị trường vốn bao gồm cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, khế ước thế chấp và tín dụng trung - dài hạn của ngân hàng. Các công cụ của thị trường vốn thường có độ rủi ro lớn hơn và có mức lợi tức cao hơn các công cụ của thị trường tiền tệ.

Thị trường vốn và thị trường tiền tệ có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau. Trong một thị trường tài chính phát triển, những biến động trong nền kinh tế lúc đầu tác động lên một thị trường cấu thành sau đó sẽ dễ dàng lan truyền đến các thị trường khác trong toàn bộ hệ thống. Chẳng hạn, việc thay đổi lãi suất có tác động lan tỏa lên thị trường tiền tệ lẫn thị trường vốn. Tỷ giá hối đoái biến động sẽ có tác động lên dòng vốn ngắn hạn cũng như dài hạn.

Ngày nay, khi thị trường tài chính ngày càng phát triển, các công cụ tài chính được sử dụng đan xen giữa các thị trường. Những công cụ mới không ngừng ra đời và mang đặc trưng của nhiều loại công cụ tài khác. Chính vì vậy, ranh giới phân định giữa các công cụ tài chính và các thị trường cấu thành của thị trường tài chính ngày càng mang tính tương đối. Thị trường tiền tệ và thị trường vốn do đó càng trở nên gắn bó chặt chẽ hơn.

1.2.Theo cách thức huy động vốn

1.2.1. Thị trường nợ:

Thị trường nợ là thị trường trong đó người cần vốn huy động vốn bằng cách phát hành các công cụ vay nợ hay thực hiện một món vay thế chấp. Người vay thanh toán cho người nắm giữ các công cụ nợ một khoản tiền cố định (lãi suất) trong những khoảng thời gian đều đặn cho tới một thời điểm quy định trước (ngày đáo hạn) là lúc đợt thanh toán cuối cùng được thực hiện. Kỳ hạn thanh toán của một công cụ nợ là thời gian tính tới ngày kết thúc của công cụ vay nợ. Công cụ vay nợ có thể có thời gian đáo hạn từ 1 năm trở xuống, công cụ nợ trung hạn có thời gian đáo hạn từ 1 năm tới 10 năm, và công cụ nợ dài hạn có thời gian đáo hạn trên 10 năm.

1.2.2. Thị trường cổ phần:

Thị trường cổ phần là thị trường trong đó người cần huy động vốn bằng cách phát hành các cổ phiếu. Các cổ phiếu là quyền được chia phần trên lãi ròng (sau khi trừ chi phí và thuế) và tài sản của công ty phát hành cổ phiếu. Người nắm giữ cổ phiếu được gọi là cổ đông. Các cổ đông thường được thanh toán cổ tức theo định kỳ. Các cổ phiếu không có thời gian đáo hạn và được coi là các chứng khoán dài hạn.

1.3. Theo thời điểm các công cụ tài chính được đưa ra thị trường

1.3.1. Thị trường sơ cấp

Thị trường sơ cấp là nơi diễn ra các hoạt động mua bán lần đầu các công cụ tài chính. Thị trường này thu hút các khoản tiết kiệm của các hộ gia đình và các khoản vốn nhàn rỗi của các doanh nghiệp và của chính phủ thành các khoản đầu tư vốn. Điều này có nghĩa là các chủ thể phát hành thu được tiền từ việc bán các công cụ tài chính để tài trợ cho việc đầu tư ngắn hạn hoặc dài hạn.

1.3.2. Thị trường thứ cấp:

Thị trường thứ cấp là nơi diễn ra các hoạt động mua bán lại các công cụ tài chính đã được phát hành trên thị trường sơ cấp. Khác với thị trường sơ cấp, khoản tiền thu được từ bán chứng khoán trên thị trường thứ cấp thuộc về các nhà đầu tư, các nhà kinh doanh chứng khoán/ tự doanh chứng khoán, chứ không thuộc về các tổ chức phát hành chứng khoán.

2. Các loại hình định chế tài chính

Như đã đề cập ở trên, các chủ thể tham gia trên thị trường tài chính bao gồm các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các cá nhân, chính phủ, và các định chế tài chính trung gian. Trong đó, các định chế tài chính trung gian là các chủ thể quan trọng nhất tham gia thị trường.

Các định chế tài chính được phân loại theo nhiều cách khác nhau như theo các đặc trưng về chấp nhận rủi ro, theo thời hạn của các khoản vay và các khoản cho vay hoặc theo cách chuyển đổi các thỏa thuận tài chính. Cách thông thường là các định chế tài chính được phân loại theo loại hình dịch vụ cung cấp, bao gồm: các định chế tài chính nhận tiền gửi, các định chế đầu tư. Cách phân loại các định chế tài chính chỉ có tính tương đối.2

2.1. Các định chế tài chính nhận tiền gửi

Các định chế tài chính nhận tiền gửi thường nhận tiền gửi từ các cá nhân, tổ chức khác rồi sau đó cho vay lại. Các định chế này có đặc điểm chung là đều nhận tiền gửi từ dân cư và các pháp nhân. Số tiền gửi này được đem cho vay trực tiếp tới các cá nhân hay tổ chức khác cần vốn, một phần khác có thể được đầu tư vào các chứng khoán. Thu nhập của các định chế này được tạo ra từ hai nguồn: Thu nhập từ các khoản cho vay và mua chứng khoán, và thu


2 Trong các tài liệu về thị trường tài chính, quan niệm và cách phân loại về các định chế tài chính có thể khác nhau. Khóa luận này dựa theo sự phân loại của cuốn Thị trường tài chính Việt Nam - Thực trạng, vấn đề và giải pháp chính sách, nhóm tác giả Võ Trí Thành (chủ biên), Lê Xuân Sang (đồng chủ biên), Đinh Hiền Minh, Trịnh Quang Long, Nhà Xuất bản Tài chính, 2004.

nhập từ các khoản lệ phí. Các định chế tài chính nhận tiền gửi bao gồm các ngân hàng thương mại, các hiệp hội tiết kiệm và cho vay, các ngân hàng tiết kiệm tương hỗ (mutual savings banks) và các liên hiệp tín dụng (credit unions).

2.1.1. Ngân hàng thương mại:

Ngân hàng thương mại có 2 chức năng cơ bản là cung cấp dịch vụ thanh toán và tái phân bổ vốn từ người tiết kiệm (có vốn nhàn rỗi) sang người vay tiền (có nhu cầu về vốn). Ngân hàng thương mại đóng vai trò trung gian giữa người tiết kiệm và người đi vay, huy động vốn chủ yếu bằng 2 cách là nhận tiền gửi và phát hành trái phiếu. Ngân hàng có thể sử dụng vốn huy động được để cho vay lại và để mua chứng khoán.

2.1.2. Hiệp hội tiết tiệm và cho vay:

Nguồn vốn hàng đầu của các hiệp hội này là các khoản tiền gửi tiết kiệm, các khoản tiền gửi có kỳ hạn, các khoản tiền gửi có thể chuyển thành séc. Thông thường, các nguồn vồn thu được dùng để cho vay thế chấp. Ngày nay, các hiệp hội tiết kiệm và cho vay được phép phát hành các khoản séc, thực hiện các khoản cho vay tiêu dùng và thực hiện nhiều hoạt động trước đây chỉ dành cho các ngân hàng thương mại. Tương tự như các ngân hàng thương mại, các hiệp hội tiết kiệm và cho vay cũng được yêu cầu gửi tiền tại ngân hàng trung ương.

2.1.3. Ngân hàng tiết kiệm tương hỗ:

Hoạt động của các ngân hàng tiết kiệm tương hỗ tương đối giống với các quỹ tiết kiệm và cho vay. Họ nhận các khoản tiền gửi và dùng chúng trước hết là để cho vay thế chấp. Cấu trúc tổ chức của các ngân hàng tiết kiệm tương hỗ hơi khác các quỹ tiết kiệm và cho vay ở chỗ họ luôn được tổ chức như có sự “tương trợ” lẫn nhau, tức là họ hoạt động như một “hợp tác

xã” trong đó những người sở hữu tiền gửi lại là các chủ sở hữu ngân hàng. Ngày nay, các ngân hàng tiết kiệm tương hỗ cũng có thể phát hành séc và thực hiện các khoản cho vay khác ngoài các khoản cho vay thế chấp.


2.1.4. Liên hiệp tín dụng:

Các liên hiệp, quỹ tín dụng là các tổ chức cho vay rất nhỏ có tính chất như các hợp tác xã được tổ chức xung quanh một nhóm xã hội đặc biệt. Các thành viên của quỹ tín dụng là những người lao động của một công ty nào đó. Họ thu nhận vốn từ các khoản tiền gửi và trước hết là thực hiện các khoản cho vay. Các quỹ tín dụng cũng được phép phát hành các khoản tiền gửi có thể chuyển thành séc và có thể thực hiện các khoản cho vay tiêu dùng.

2.2. Các định chế tiết kiệm theo hợp đồng:

Các định chế tiết kiệm theo hợp đồng là những định chế tài chính nhận vốn theo định kỳ trên cơ sở các hợp đồng. Do có thể dự tính được những khoản phải thanh toán trong tương lai, các định chế tiết kiệm này không phải lo lắng nhiều về việc thiếu hụt vốn như các định chế tài chính nhận tiền gửi. Các định chế tiết kiệm theo hợp đồng có xu hướng đầu tư vốn vào các chứng khoán dài hạn như trái phiếu công ty, cổ phiếu và các khoản cho vay thế chấp. Các định chế tiết kiệm theo hợp đồng chủ yếu bao gồm các công ty bảo hiểm và các quỹ hưu trí.

2.2.1. Công ty bảo hiểm:

Công ty bảo hiểm là định chế tài chính đảm nhận việc thực hiện một khoản thanh toán mỗi khi có một sự việc xảy ra với một khoản đóng góp trước đó của người tham gia bảo hiểm. Công ty bảo hiểm hoạt động với tư

cách là người chấp nhận rủi ro. Công ty bảo hiểm thu phí từ những người mua bảo hiểm để huy động vốn và sau đó chủ yếu đầu tư khoản tiền nhận được vào chứng khoán. Có 2 loại hình công ty bảo hiểm chính là các công ty bảo hiểm nhân thọ và các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.

2.2.2. Quỹ hưu trí:

Các quỹ hưu trí được công ty tư nhân, chính phủ hoặc chính quyền địa phương, các nghiệp đoàn lao động đại diện cho các thành viên của mình, và các cá nhân có nhu cầu thành lập để thanh toán những khoản phúc lợi cho người lao động khi họ về hưu. Đặc điểm của quỹ này là chúng liên quan đến việc đầu tư vào một tài sản có tính thanh khoản rất thấp, đó là hợp đồng hưu trí. Một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các quỹ hưu trí là các khoản đóng góp của chủ sử dụng lao động và của người lao động cũng như các khoản thu được từ tài sản của quỹ đều không bị đánh thuế. Về thực chất, quỹ hưu trí là một hình thức trả công cho người lao động mà không bị đánh thuế cho đến khi số tiền này được rút ra, nó có tác dụng khuyến khích người lao động ở lại với doanh nghiệp.

2.3. Các định chế đầu tư trung gian

2.3.1. Công ty tài chính:

Các công ty tài chính thường huy động vốn bằng cách bán thương phiếu (công cụ nợ ngắn hạn) và phát hành các cổ phiếu và trái phiếu. Các công ty tài chính có thể cho vay tiêu dùng hoặc cho các doanh nghiệp vay đầu tư. Một số công ty tài chính do công ty mẹ thành lập với mục đích hỗ trợ tín dụng mua hàng từ công ty mẹ.

2.3.2. Quỹ đầu tư:

Quỹ đầu tư là một tổ chức tài chính phi ngân hàng huy động vốn bằng hình thức hùn vốn đầu tư (investment pool) thông qua việc phát hành

các cổ phiếu hoặc các chứng chỉ hưởng lợi. Việc hùn vốn đảm bảo cho thành viên của quỹ mua được cổ phiếu và trái phiếu với chi phí giao dịch thấp. Các cổ đông cũng có thể bán cổ phiếu của mình có trong Quỹ vào bất kỳ lúc nào với giá trị phụ thuộc vào giá trị của cổ phiếu mà Quỹ đã đầu tư tại thời điểm đó.

Các quỹ đầu tư thực hiện các hoạt động đầu tư vốn bằng 2 cách: trực tiếp (tức là tham gia vào một công ty với tư cách là một cổ đông thành lập) và gián tiếp (tham gia TTCK, hoặc cho thực hiện các khoản cho vay có thể chuyển thành cổ phần).

2.3.3. Quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ:

Các quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ phát hành các cổ phiếu để thu hút vốn, sau đó vốn này được dùng để mua các công cụ chính trên thị trường tiền tệ. Lãi suất thu được từ các công cụ tài chính được thanh toán cho các cổ đông. Các cổ đông của quỹ có thể phát hành séc ứng với giá trị phần tài sản cổ phần của họ có trong quỹ. Tuy vậy, quỹ này cũng có những hạn chế đối với việc sử dụng đặc quyền phát hành séc. Séc thường không được phát hành với một tổng giá trị nhỏ hơn mức tối thiểu đã quy định trước.

2.3.4. Ngân hàng đầu tư:

Ngân hàng đầu tư thường tiến hành các hoạt động sau: (i)Hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn trên TTCK như tư vấn phát hành cổ phiếu, trái phiếu và bảo lãnh phát hành, (ii) kinh doanh chứng khoán như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán,

(iii) tư vấn về sáp nhập và mua lại công ty. Ngày nay, các ngân hàng đầu tư có xu hướng mở rộng hoạt động sang lĩnh vực hoạt động của các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng đầu tư cũng nhận tiền gửi và cho vay. Điều này tạo áp lực cạnh tranh lớn lên các ngân hàng thương mại.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/09/2022